Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Họ đã chiến thắng sự bắt bớ

Họ đã chiến thắng sự bắt bớ

Họ đã chiến thắng sự bắt bớ

FRIEDA JESS được sinh ra vào năm 1911 tại Đan Mạch, rồi cùng với cha mẹ dọn đến Husum, miền bắc nước Đức. Nhiều năm sau, cô nhận một việc làm ở Magdeburg, và vào năm 1930 cô báp têm trở thành Học Viên Kinh Thánh, tên gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va thời bấy giờ. Năm 1933 Hitler lên nắm quyền, và đối với Frieda sự kiện này khởi sự cho 23 năm bị ngược đãi do những bàn tay của không chỉ một mà hai chế độ chuyên chế.

Vào tháng 3 năm 1933 chính phủ Đức kêu gọi tổng tuyển cử. Tiến Sĩ Detlef Garbe, giám đốc Viện Bảo Tàng Kỷ Niệm Trại Tập Trung Neuengamme gần Hamburg, cho biết: “Những người thuộc đảng Quốc Xã muốn ép buộc đa số phải bỏ phiếu cho thủ tướng và người lãnh đạo của họ, Adolf Hitler”. Nhân Chứng Giê-hô-va làm theo lời khuyên bảo của Chúa Giê-su là đứng trung lập về chính trị và “không thuộc về thế-gian”, vì vậy họ không tham gia bầu cử. Hậu quả là gì? Các Nhân Chứng bị cấm đoán.—Giăng 17:16.

Frieda tiếp tục hoạt động của tín đồ Đấng Christ cách kín đáo, ngay cả phụ giúp việc in ấn tạp chí Tháp Canh. Chị cho biết: “Một số tạp chí được bí mật đưa vào các trại tập trung cho các anh chị đồng đức tin”. Vào năm 1940 chị bị bắt và bị lính mật vụ Gestapo thẩm vấn rồi biệt giam nhiều tháng. Làm sao chị chịu đựng được? Chị nói: “Lời cầu nguyện là nơi nương náu của tôi. Tôi khởi sự cầu nguyện từ sáng sớm và cứ tiếp tục cầu nguyện nhiều lần trong ngày. Lời cầu nguyện cho tôi thêm sức mạnh và giúp tôi không quá lo phiền”.—Phi-líp 4:6, 7.

Chị đã được trả tự do, nhưng vào năm 1944 Gestapo lại bắt chị. Lần này chị bị tuyên án bảy năm tù giam tại nhà tù Waldheim. Frieda nói tiếp: “Những người cai tù bắt ép tôi cùng một số phụ nữ khác phải làm việc trong các nhà vệ sinh. Tôi thường làm việc chung với một bạn tù người Tiệp Khắc, nên tôi nói cho cô ấy rất nhiều về Đức Giê-hô-va và đức tin của tôi. Những cuộc chuyện trò như thế giữ cho tôi mạnh mẽ”.

Được thả nhưng không lâu

Vào tháng 5 năm 1945, quân đội Xô Viết giải phóng nhà tù Waldheim, và Frieda được tự do trở về Magdeburg và trở lại công việc thánh chức, nhưng không được lâu. Nhân Chứng lại trở thành mục tiêu kỳ thị, lần này do các nhà cầm quyền trong khu vực Xô Viết chiếm đóng. Ông Gerald Hacke, thuộc Viện Nghiên Cứu Chế Độ Chuyên Chế Hannah-Arendt, viết: “Nhân Chứng Giê-hô-va là một trong vài nhóm xã hội hầu như liên tục bị bắt bớ bởi cả hai chế độ độc tài ở Đức”.

Tại sao sự kỳ thị lại xảy ra? Một lần nữa, vấn đề chính vẫn là sự trung lập của tín đồ Đấng Christ. Vào năm 1948, chính phủ Đông Đức tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân, một cuộc bầu cử do dân trực tiếp bỏ phiếu, và như Hacke giải thích “nguyên nhân cơ bản [của việc bắt bớ Nhân Chứng Giê-hô-va] là họ không tham gia vào cuộc trưng cầu ý dân này”. Vào tháng 8 năm 1950, Nhân Chứng Giê-hô-va bị cấm đoán ở Đông Đức. Hàng trăm Nhân Chứng đã bị bắt trong đó có Frieda.

Frieda lại phải ra tòa và bị tuyên án sáu năm tù giam. “Lần này tôi bị giam chung với các anh chị cùng đức tin, và sự kết hợp này thật là một sự giúp đỡ rất lớn”. Khi được thả vào năm 1956, chị dọn sang Tây Đức. Giờ đây, ở tuổi 90, chị Frieda sống tại Husum và vẫn tiếp tục phụng sự Đức Chúa Trời thật, Đức Giê-hô-va.

Frieda đã trải qua 23 năm bị bắt bớ dưới hai chính quyền độc tài. “Chế độ Quốc Xã đã cố hủy hoại thân xác tôi, còn chế độ vô thần thì cố gắng hủy hoại tinh thần tôi. Nhờ đâu tôi có được sức mạnh chịu đựng? Nhờ thói quen học hỏi Kinh Thánh tốt khi được tự do, thường xuyên cầu nguyện khi bị biệt lập, kết hợp với anh em cùng đức tin bất cứ khi nào có thể, và chia sẻ niềm tin của tôi với người khác vào mọi cơ hội”.

Chủ nghĩa Phát-xít ở Hung-ga-ri

Một xứ khác mà trong nhiều thập niên Nhân Chứng Giê-hô-va đã chịu sự kỳ thị là nước Hung-ga-ri. Một số người đã bị bắt bớ dưới không phải hai mà đến ba chế độ chuyên chế. Một trường hợp điển hình là Ádám Szinger. Ádám sinh năm 1922 ở Paks, Hung-ga-ri, và được nuôi dưỡng trong gia đình đạo Tin Lành. Vào năm 1937 một số Học Viên Kinh Thánh đến thăm gia đình Ádám, và ngay lập tức anh tỏ ra chú ý thông điệp của họ. Những điều anh học được từ Kinh Thánh giúp anh quả quyết rằng những điều do giáo hội của anh dạy dỗ không có trong Kinh Thánh. Do đó anh rời bỏ Giáo Hội Tin Lành và kết hợp với các Học Viên Kinh Thánh trong công việc thánh chức.

Lúc đó chủ nghĩa Phát-xít đang ảnh hưởng phát triển ở Hung-ga-ri. Nhiều lần cảnh sát thấy Ádám rao giảng từ nhà này sang nhà kia nên bắt anh thẩm vấn. Áp lực trên các Nhân Chứng tăng cao và vào năm 1939 hoạt động của họ bị cấm đoán. Vào năm 1942 Ádám bị bắt bỏ tù và bị đánh đập dã man. Điều gì giúp cho anh ở tuổi 19 chịu đựng được những sự khốn khó và nhiều tháng trong tù? “Khi còn ở nhà, tôi học Kinh Thánh một cách cẩn thận và có được sự hiểu biết căn bản về ý định của Đức Giê-hô-va”. Cuối cùng chỉ sau khi được mãn tù Ádám mới làm báp têm để trở thành Nhân Chứng của Đức Giê-hô-va. Đó là vào một buổi tối tháng 8 năm 1942 dưới màn đêm bao phủ, ở một con sông gần nhà.

Bị tù ở Hung-ga-ri, trại lao động ở Serbia

Thế Chiến II còn đang diễn ra, Hung-ga-ri nhập cuộc theo phe Đức chống lại Liên Bang Xô Viết, và mùa thu năm 1942, Ádám bị trưng binh. Anh kể: “Tôi trình bày rõ rằng tôi không thể phục vụ trong quân đội vì những gì tôi học được từ Kinh Thánh. Tôi đã giải thích lập trường trung lập của tôi”. Anh bị kết án 11 năm tù. Nhưng Ádám không bị nhốt lâu ở Hung-ga-ri.

Trong năm 1943 khoảng 160 Nhân Chứng Giê-hô-va bị tập trung lại dồn lên những xà lan, chuyển trên mặt Sông Danube để tới Serbia. Ádám cũng ở trong số những người đó. Ở Serbia, những tù nhân này giờ đây ở dưới quyền Đệ Tam Quốc Xã của Hitler. Họ bị giam trong trại lao động ở Bor và bị ép làm việc ở mỏ đồng. Khoảng một năm sau họ được chuyển trở lại Hung-ga-ri, và Ádám được quân đội Xô Viết giải phóng tại đó vào mùa xuân năm 1945.

Hung-ga-ri dưới chế độ vô thần

Nhưng sự tự do lại không kéo dài được lâu. Vào cuối thập niên 1940, chính quyền vô thần ở Hung-ga-ri đã hạn chế hoạt động của Nhân Chứng Giê-hô-va cũng như chủ nghĩa Phát-xít đã làm trước chiến tranh. Vào năm 1952, Ádám bấy giờ đã 29 tuổi, có gia đình và hai con, bị bắt và bị kết án khi một lần nữa anh từ chối quân dịch. Ádám giải thích trước tòa: “Đây không phải lần đầu tiên tôi từ chối quân dịch. Suốt cuộc chiến tranh, tôi đã bị tù và bị đày tới Serbia cũng cùng một lý do. Tôi từ chối quân dịch vì lương tâm. Tôi là một Nhân Chứng của Đức Giê-hô-va, và tôi đứng trung lập về chính trị”. Ádám bị kết án tám năm tù giam, sau đó được giảm án còn bốn năm.

Ádám tiếp tục chịu sự kỳ thị cho đến giữa thập niên 1970, tức là trong hơn 35 năm kể từ khi Học Viên Kinh Thánh lần đầu viếng thăm nhà cha mẹ anh. Xuyên suốt thời gian này, anh bị sáu tòa án tuyên án 23 năm tù, bị giam tại ít nhất 10 nhà tù và trại lao động. Anh đã chịu sự bắt bớ liên tục dưới ba chế độ—chủ nghĩa Phát-xít thời kỳ tiền chiến ở Hung-ga-ri, chủ nghĩa Đức Quốc Xã ở Serbia, và chủ nghĩa vô thần thời chiến tranh lạnh ở Hung-ga-ri.

Ádám vẫn sống ở quê hương Paks của anh, trung thành phụng sự Đức Chúa Trời. Phải chăng anh đã có những khả năng phi thường giúp anh chịu đựng được những sự ngược đãi một cách thành công đến thế? Không phải vậy. Anh cho biết:

“Học hỏi Kinh Thánh, cầu nguyện, và kết hợp với các anh chị đồng đức tin rất quan trọng. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh hai điều khác nữa. Thứ nhất, Đức Giê-hô-va là Nguồn sức mạnh. Mối quan hệ mật thiết với Ngài rất cần cho sự sống còn của tôi. Thứ hai, tôi luôn nhớ trong tâm trí Rô-ma chương 12, có ghi: ‘Chính mình chớ trả thù ai’. Do đó tôi không bao giờ oán giận ai. Nhiều lần tôi có cơ hội để trả thù những người đã ngược đãi tôi, nhưng tôi không bao giờ làm thế. Chúng ta không nên dùng sức mạnh mà Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta để lấy ác trả ác”.

Kết thúc của mọi sự bắt bớ

Bây giờ Frieda và Ádám có thể tự do thờ phượng Đức Giê-hô-va. Dù vậy, những kinh nghiệm về sự bắt bớ tôn giáo mà họ đã trải qua chứng tỏ điều gì? Sự bắt bớ như thế đều thất bại—ít ra khi nhắm đến tín đồ thật của Đấng Christ. Trong khi việc bắt bớ Nhân Chứng Giê-hô-va đã làm hao tốn nhiều công sức và gây ra sự đau khổ cùng cực nhưng vẫn không đạt được mục tiêu của nó. Ngày nay, Nhân Chứng Giê-hô-va đang phát triển tại Châu Âu nơi từng có hai chế độ độc tài lớn thống trị.

Nhân Chứng Giê-hô-va phản ứng ra sao trước sự bắt bớ? Như tự thuật của Frieda và Ádám cho thấy, họ áp dụng lời khuyên của Kinh Thánh: “Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác”. (Rô-ma 12:21) Điều thiện có thể thật sự thắng điều ác không? Có, khi điều thiện bắt nguồn từ một đức tin mạnh mẽ nơi Đức Chúa Trời. Sự chiến thắng của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Châu Âu là một sự chiến thắng bởi thánh linh Đức Chúa Trời, một minh chứng về sức hướng thiện của đức tin mà thánh linh đã sản sinh ra ở những tín đồ Đấng Christ khiêm nhường. (Ga-la-ti 5:22, 23, NW) Trong thế giới bạo lực ngày nay, đó là một bài học đáng được tất cả mọi người ghi vào lòng.

[Các hình nơi trang 5]

Frieda Jess (nay là Thiele) lúc bị giam giữ và bây giờ

[Các hình nơi trang 7]

Ádám Szinger lúc bị tù và bây giờ