Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Trước hết hãy tìm kiếm Nước Trời—Một đời sống an toàn và hạnh phúc

Trước hết hãy tìm kiếm Nước Trời—Một đời sống an toàn và hạnh phúc

Tự Truyện

Trước hết hãy tìm kiếm Nước Trời—Một đời sống an toàn và hạnh phúc

DO JETHA SUNAL KỂ LẠI

Sau bữa ăn sáng chúng tôi nghe radio thông báo: “Nhân Chứng Giê-hô-va không hợp pháp, và công việc của họ bị cấm đoán”.

ĐÓ LÀ năm 1950, bốn người nữ chúng tôi ở độ tuổi 20 đang phụng sự với tư cách giáo sĩ của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Cộng Hòa Dominican. Chúng tôi đến đây một năm trước đó.

Công việc giáo sĩ không luôn luôn là mục đích của đời tôi. Đành rằng từ nhỏ tôi đã quen đi nhà thờ, nhưng cha tôi đã ngưng đi nhà thờ kể từ Thế Chiến I. Vào ngày lễ dâng mình của tôi để vào Giáo Hội Tân Giáo năm 1933, vị giám mục chỉ đọc một câu Kinh Thánh rồi bắt đầu bàn về chính trị. Mẹ tôi bực mình đến nỗi bà không bao giờ trở lại nhà thờ nữa.

Lối sống chúng tôi thay đổi

Cha mẹ tôi, William Karl và Mary Adams, có năm người con. Con trai có Don, Joel và Karl. Em gái út tôi là Joy, còn tôi là chị cả. Một ngày tan trường về, lúc tôi khoảng 13 tuổi, tôi thấy mẹ đang đọc một sách nhỏ do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản. Cuốn sách có tựa Nước Trời, hy vọng của thế giới (Anh ngữ). Mẹ nói với tôi: “Đây là lẽ thật”.

Mẹ nói cho tất cả bọn tôi về những gì bà học được từ Kinh Thánh. Bằng lời nói và gương mẫu, bà cho chúng tôi hiểu rõ tầm quan trọng của lời khuyên của Chúa Giê-su: “Trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài”.—Ma-thi-ơ 6:33.

Tôi không luôn hưởng ứng với lòng biết ơn. Có lần tôi đã nói: “Mẹ à, đừng giảng đạo cho con nữa, nếu mẹ cứ tiếp tục giảng con sẽ không lau chén cho mẹ nữa đâu”. Nhưng mẹ khéo léo tiếp tục nói chuyện với chúng tôi. Mẹ thường xuyên dẫn tất cả chúng tôi đến buổi học Kinh Thánh ở nhà bà Clara Ryan, cách nhà chúng tôi ở Elmhurst, Illinois, Hoa Kỳ, một quãng đường đi bộ.

Bà Clara cũng dạy đàn piano. Khi học trò của bà trình diễn trong các buổi biểu diễn hàng năm, bà dùng cơ hội đó nói về Nước của Đức Chúa Trời và niềm hy vọng về sự sống lại. Vì thích âm nhạc và đã được học đàn vĩ cầm từ năm lên bảy, nên tôi lắng nghe những gì bà Clara nói.

Không lâu sau, chúng tôi bắt đầu cùng mẹ tham dự các buổi họp hội thánh ở phía tây thành phố Chicago. Đó là một chuyến đi dài bằng xe buýt và xe điện, nhưng đó là phần luyện tập thời thơ ấu của chúng tôi để hiểu việc tìm kiếm Nước Trời trước hết có nghĩa gì. Vào năm 1938, ba năm sau khi mẹ tôi báp têm, tôi cùng mẹ đến một đại hội của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Chicago. Đây là một trong 50 thành phố được nối nhau qua hệ thống vô tuyến điện trong kỳ đại hội. Những gì tôi nghe được vào dịp này đã động lòng tôi.

Tuy nhiên, tình yêu âm nhạc cũng thu hút tôi mãnh liệt. Tôi tốt nghiệp trung học năm 1938, và cha đã lo cho tôi theo học tại Nhạc Viện Hoa Kỳ ở Chicago. Vì vậy, trong hai năm kế tiếp tôi học nhạc, chơi trong hai dàn nhạc, và suy nghĩ về nghề nghiệp trong lãnh vực đó.

Giáo viên dạy đàn vĩ cầm của tôi, thầy Herbert Butler, đã rời Châu Âu và đến sinh sống tại Hoa Kỳ. Vì vậy, tôi đưa ông sách nhỏ Người tị nạn (Anh ngữ), * và nghĩ rằng ông sẽ đọc nó. Ông đã đọc, và sau buổi học tuần kế tiếp, ông nói: “Jetha, em học rất giỏi, và nếu tiếp tục trong ngành này, em có thể kiếm được việc làm trong dàn nhạc của đài phát thanh hay trong một trường dạy nhạc. Nhưng...”, ông nói thêm khi cầm trên tay cuốn sách nhỏ mà tôi đưa ông, “thầy nghĩ lòng em ở trong cái này. Tại sao em không dành trọn cuộc đời cho công việc này?”

Tôi suy nghĩ nghiêm túc về điều này. Thay vì tiếp tục học ở trường âm nhạc, tôi nhận lời mời đi với mẹ tham dự đại hội của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Detroit, Michigan, vào tháng 7 năm 1940. Chúng tôi trú lại trong những căn lều ở khu vực dành cho người cắm trại và xe lưu động. Dĩ nhiên tôi cũng mang theo đàn vĩ cầm và được chơi trong dàn nhạc của đại hội. Ở khu vực cắm trại, tôi được gặp nhiều tiên phong (những người truyền giáo trọn thời gian). Tất cả họ đều hạnh phúc. Tôi quyết định làm báp têm và nộp đơn làm tiên phong. Tôi cầu nguyện xin Đức Giê-hô-va giúp tôi tiếp tục suốt đời trong thánh chức trọn thời gian.

Tôi bắt đầu làm tiên phong tại quê nhà. Sau đó tôi phụng sự tại Chicago. Năm 1943, tôi dọn đến Kentucky. Mùa hè năm đó, ngay trước buổi đại hội địa hạt, tôi nhận được thư mời tham dự khóa thứ hai của Trường Ga-la-át, nơi tôi sẽ được huấn luyện để làm công việc giáo sĩ. Lớp học sẽ bắt đầu vào tháng 9 năm 1943.

Suốt đại hội hè năm đó, tôi ở chung với một chị Nhân Chứng, và chị cho tôi những gì tôi muốn trong tủ quần áo của con gái chị. Con gái chị tham gia quân đội và muốn mẹ cô cho đi tất cả đồ đạc của cô. Đối với tôi, những món đồ này là một sự ứng nghiệm lời hứa của Chúa Giê-su: “Nhưng trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa”. (Ma-thi-ơ 6:33) Năm tháng học tập ở Trường Ga-la-át trôi qua nhanh, và khi tốt nghiệp vào ngày 31-1-1944, tôi nôn nả bắt đầu công việc giáo sĩ.

Họ cũng chọn phụng sự trọn thời gian

Mẹ tôi cũng làm tiên phong vào năm 1942. Vào lúc đó, ba em trai và đứa em gái tôi vẫn còn đi học. Khi tan trường, mẹ thường đón chúng và dẫn chúng đi rao giảng. Bà cũng dạy chúng cách chia sẻ làm những việc vặt trong nhà. Chính mẹ cũng thường thức khuya để ủi đồ và làm những công việc cần thiết khác để có thể ra ngoài rao giảng trong ngày.

Vào tháng 1 năm 1943, khi tôi đang làm tiên phong ở Kentucky thì em trai tôi, Don, cũng bắt đầu làm tiên phong. Điều này khiến cha tôi thất vọng vì ông muốn các con của ông học đến đại học như cha mẹ. Sau gần hai năm làm tiên phong, Don được mời tiếp tục phụng sự trọn thời gian với tư cách là thành viên trong trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Brooklyn, New York.

Joel bắt đầu làm tiên phong vào tháng 6 năm 1943 khi còn ở chung với cha mẹ. Trong thời gian đó em ấy cố gắng khuyến khích cha tham dự đại hội nhưng không thuyết phục ông được. Tuy nhiên, sau khi Joel cố gắng nhưng không tìm được một cuộc học hỏi Kinh Thánh trong khu vực, cha lại đồng ý để em điều khiển cuộc học hỏi với ông bằng sách Lẽ thật sẽ giải thoát bạn (Anh ngữ). Ông trả lời các câu hỏi cách dễ dàng, nhưng ông thúc đẩy Joel chứng minh bằng Kinh Thánh những gì ông đọc trong sách. Điều đó giúp Joel khắc ghi lẽ thật Kinh Thánh vào lòng.

Joel hy vọng rằng Ban Tuyển Quân sẽ cho em miễn quân dịch với tư cách là người truyền giáo, như trước đó họ đã miễn cho Don. Nhưng khi thấy hình dáng trẻ trung của Joel thì họ từ chối công nhận em là người truyền giáo và gửi em giấy báo quân dịch. Khi Joel từ chối theo các thủ tục để tham gia quân dịch, chính quyền ra lệnh bắt em. Sau khi Cục Điều Tra Liên Bang (FBI) tìm ra em thì em bị bỏ tù ba ngày ở tỉnh Cook.

Cha đã dùng căn nhà để thế chấp cho Joel được thả ra tù. Sau đó, ông cũng làm như vậy cho những Nhân Chứng trẻ khác đối mặt với hoàn cảnh tương tự. Sự bất công trong vấn đề này khiến cha tôi nổi giận và ông cùng đi với Joel tới Washington, D.C., để xem nếu có thể chống án được không. Cuối cùng Joel cũng nhận được giấy công nhận em là người truyền giáo, và vụ kiện chấm dứt. Cha viết thư đến nhiệm sở giáo sĩ của tôi: “Bố nghĩ chúng ta phải tin chiến thắng này là do Đức Giê-hô-va!” Khoảng cuối tháng 8 năm 1946, Joel cũng được mời phụng sự với tư cách là thành viên của trụ sở trung ương ở Brooklyn.

Karl làm tiên phong nhiều lần trong những kỳ nghỉ hè trước khi em học xong trung học đầu năm 1947 và em bắt đầu làm tiên phong đều đều. Rồi sức khỏe cha yếu dần, vì thế Karl giúp ông trong công ăn việc làm một thời gian trước khi đi đến một nhiệm sở tiên phong khác. Cuối năm 1947, Karl bắt đầu phụng sự cùng với Don và Joel tại trụ sở trung ương ở Brooklyn với tư cách là thành viên của gia đình Bê-tên.

Khi Joy học xong trung học, em bắt đầu làm tiên phong. Sau đó vào năm 1951, em vào làm trong Bê-tên cùng với các anh của mình. Joy làm ở khâu dọn dẹp phòng và Ban Đặt Sách Báo Dài Hạn. Vào năm 1955 em kết hôn với Roger Morgan, một thành viên khác trong gia đình Bê-tên. Khoảng bảy năm sau đó, họ quyết định có con và rời nhà Bê-tên. Với thời gian, họ nuôi hai con lớn khôn và tất cả cùng phụng sự Đức Giê-hô-va.

Khi tất cả các con đều phụng sự trọn thời gian, nhờ mẹ khuyến khích nên cha cũng dâng mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp têm vào năm 1952. Trong 15 năm, cho đến lúc cha tôi chết, ông chứng tỏ rất khéo léo về việc tìm cách chia sẻ lẽ thật Nước Trời với người khác, ngay cả khi ông bị hạn chế bởi bệnh tật.

Sau một thời gian ngắn bị gián đoạn vì bệnh tật của cha, mẹ lại tiếp tục làm tiên phong cho đến lúc qua đời. Bà chưa bao giờ có xe hơi, hay chạy một chiếc xe đạp. Một người vốn có vóc dáng nhỏ bé, bà đi bộ tới bất cứ nơi đâu, thường là vùng ngoại ô xa xôi, để điều khiển học hỏi Kinh Thánh.

Trong cánh đồng giáo sĩ

Sau khi tốt nghiệp Trường Ga-la-át, một nhóm trong chúng tôi làm tiên phong tại miền bắc Thành Phố New York khoảng một năm cho đến khi chúng tôi có giấy phép đi nước ngoài. Cuối cùng, vào năm 1945, chúng tôi dọn đến nhiệm sở của mình tại Cuba, nơi chúng tôi dần dần thích nghi với lối sống mới. Sự đáp ứng công việc rao giảng của chúng tôi thật tốt, và tất cả chúng tôi mau chóng có được rất nhiều học hỏi Kinh Thánh. Chúng tôi phụng sự ở đó vài năm, rồi lại được phân đi Cộng Hòa Dominican. Vào ngày nọ tôi gặp một phụ nữ thúc giục tôi đến gặp một khách hàng của bà, một phụ nữ người Pháp tên Suzanne Enfroy, đang muốn được giúp hiểu Kinh Thánh.

Suzanne là người Do Thái, và khi Hitler xâm lược nước Pháp, chồng bà đem bà và hai đứa con đến nước khác. Suzanne nhanh chóng chia sẻ với người khác những điều bà đang học. Trước tiên, bà nói với người phụ nữ đã kêu tôi đến thăm bà, sau đó là Blanche, một người bạn cũng đến từ Pháp. Cả hai đều tiến bộ và đi đến báp têm.

“Tôi có thể giúp gì cho các con tôi?” Suzanne hỏi tôi. Con trai bà đang học y khoa, còn người con gái thì đang học vũ ba-lê và hy vọng được múa trong Nhà Hát Ca Múa Nhạc Đài Phát Thanh ở New York. Suzanne gửi các tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức! dài hạn cho họ. Kết quả là con trai bà cùng vợ, và người em sinh đôi của vợ anh đều trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Chồng Suzanne, Louis, rất lo lắng về sự chú ý của vợ ông nơi Nhân Chứng Giê-hô-va vì chính phủ Cộng Hòa Dominican lúc đó đang ngăn cấm hoạt động của họ. Nhưng sau khi cả gia đình dọn đến Hoa Kỳ thì ông cũng trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va.

Bị ngăn cấm nhưng vẫn phụng sự

Dù sinh hoạt của Nhân Chứng Giê-hô-va bị ngăn cấm ở Cộng Hòa Dominican không lâu sau khi chúng tôi được bổ nhiệm đến đó vào năm 1949, chúng tôi quyết chí vâng phục Đức Chúa Trời như là Đấng Cai Trị hơn là con người. (Công-vụ 5:29) Chúng tôi tiếp tục tìm kiếm Nước Trời trước hết bằng cách khiến cho tin mừng về Nước này được biết đến, như Chúa Giê-su đã chỉ dẫn những người theo ngài. (Ma-thi-ơ 24:14) Tuy nhiên, chúng tôi tập “khôn-khéo như rắn, đơn-sơ như chim bồ-câu” khi thi hành công việc rao giảng. (Ma-thi-ơ 10:16) Chẳng hạn như cây đàn vĩ cầm của tôi giúp ích rất nhiều. Tôi đem nó theo khi đi học hỏi Kinh Thánh. Những học trò của tôi không trở thành người chơi đàn vĩ cầm mà nhiều gia đình đã trở thành tôi tớ của Đức Giê-hô-va!

Sau khi lệnh cấm được áp đặt, nhóm chúng tôi gồm bốn cô gái—Mary Aniol, Sophia Soviak, Edith Morgan và tôi—được chuyển từ nhà giáo sĩ ở San Francisco de Macorís đến một nhà giáo sĩ tọa lạc tại chi nhánh ở thủ đô Santo Domingo. Nhưng mỗi tháng, tôi trở lại nhiệm sở cũ để dạy nhạc. Điều đó cho phép tôi mang trong hộp đàn vĩ cầm thức ăn thiêng liêng cho anh em tín đồ Đấng Christ và đem trở về các báo cáo hoạt động làm chứng của họ.

Khi các anh em ở San Francisco de Macorís bị bỏ tù ở Santiago vì vị thế trung lập của tín đồ Đấng Christ, tôi được phân công đem tiền đến cho họ, và những cuốn Kinh Thánh nếu có thể, cũng như mang tin tức về cho gia đình họ. Trong nhà tù ở Santiago, khi các lính canh nhìn thấy tôi cầm hộp cây đàn, họ hỏi: “Cái đó để làm gì?” Tôi trả lời: “Để cho họ giải trí”.

Một trong những bài tôi chơi là do một Nhân Chứng viết khi anh ở trong trại tập trung Đức Quốc Xã. Bài hát đó là bài số 29 nay trong sách hát của Nhân Chứng Giê-hô-va. Tôi chơi bản này để các anh em ngồi tù có thể học hát.

Tôi hay được rằng nhiều Nhân Chứng bị chuyển sang một nông trại của ông Trujillo, tổng thống trong nước, nơi đó gần tuyến xe buýt. Vì thế, vào giữa trưa, tôi xuống xe buýt và hỏi đường đi đến nông trại đó. Chủ nhân một cửa hàng nhỏ chỉ tôi bên kia rặng núi và sẵn sàng cung cấp con ngựa của ông cùng một cậu bé dẫn đường miễn là tôi để lại cây đàn làm của thế chấp.

Bên kia những ngọn đồi, chúng tôi phải băng qua một con sông, cả hai chúng tôi ngồi trên lưng ngựa để nó lội qua sông. Ở đó chúng tôi thấy một bầy vẹt với những bộ lông đủ sắc xanh lục và xanh dương óng ánh trong nắng. Thật là một cảnh đẹp hết sức! Tôi cầu nguyện: “Cảm tạ Đức Giê-hô-va, Ngài tạo mấy con này đẹp quá”. Cuối cùng, đến bốn giờ chiều, chúng tôi tới được nông trại. Người lính canh tử tế cho tôi nói chuyện với các anh, ông còn cho phép tôi đưa những gì tôi mang cho họ, ngay cả một cuốn Kinh Thánh nhỏ.

Trong chuyến trở về, tôi cầu nguyện suốt chặng đường vì lúc này trời đã tối. Chúng tôi trở lại cửa hàng ban đầu, người ướt đẫm vì mưa. Vì chuyến xe buýt cuối cùng trong ngày đã đi khỏi rồi, tôi nhờ chủ cửa hàng vẫy giùm một xe tải đi ngang. Liệu tôi có dám đi với hai người đàn ông trên một chiếc xe tải không? Một người lái xe hỏi tôi: “Cô có biết Sophie không? Cô ấy học Kinh Thánh với em gái tôi”. Tôi cho rằng đây là điều Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của tôi! Họ chở tôi về Santo Domingo an toàn.

Vào năm 1953, tôi là một trong số những người đến từ Cộng Hòa Dominican tham dự đại hội quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va tại sân vận động Yankee ở New York. Toàn thể gia đình tôi, kể cả cha tôi đều có mặt. Sau bài báo cáo về công việc rao giảng đang tiến triển như thế nào ở Cộng Hòa Dominican, tôi và Mary Aniol, bạn cùng làm giáo sĩ, có một phần nhỏ trong chương trình để cho thấy cách chúng tôi rao giảng dưới sự cấm đoán.

Niềm vui đặc biệt của công việc lưu động

Mùa hè đó tôi gặp Rudolph Sunal, người trở thành chồng tôi năm sau đó. Gia đình anh ở Allegheny, Pennsylvania, trở thành Nhân Chứng không lâu sau Thế Chiến I. Sau thời gian phải chịu ở tù vì là một tín đồ Đấng Christ trung lập trong Thế Chiến II, anh bắt đầu phụng sự trong nhà Bê-tên ở Brooklyn, New York. Không lâu sau khi chúng tôi kết hôn, anh ấy được mời thăm viếng một số hội thánh với tư cách giám thị lưu động. Trong 18 năm sau đó, tôi đi cùng anh trong công việc vòng quanh.

Công việc vòng quanh đưa chúng tôi đến Pennsylvania, West Virginia, New Hampshire, và Massachusetts, cùng những nơi khác. Chúng tôi thường ở lại nhà của anh em tín đồ Đấng Christ. Quả là một niềm vui đặc biệt khi biết rõ họ và cùng họ phụng sự Đức Giê-hô-va. Chúng tôi luôn nhận được tình yêu thương cùng lòng hiếu khách nồng nhiệt và chân thật. Sau khi Joel kết hôn với Mary Aniol, người bạn cùng làm giáo sĩ trước kia của tôi, họ cũng làm công việc lưu động ba năm, thăm viếng một số hội thánh ở Pennsylvania và Michigan. Sau đó, vào năm 1958, lần nữa Joel lại được mời làm thành viên của gia đình Bê-tên, lần này cùng với Mary.

Karl ở trong nhà Bê-tên khoảng bảy năm khi em được bổ nhiệm công việc vòng quanh trong vài tháng để có thêm kinh nghiệm. Sau đó em trở thành giảng viên của Trường Ga-la-át. Vào năm 1963, em kết hôn với Bobbie, một người phụng sự trung thành trong nhà Bê-tên cho đến lúc qua đời vào tháng 10 năm 2002.

Suốt nhiều năm ở nhà Bê-tên, đôi lúc Don phải đi đến những xứ khác để phục vụ những người công tác ở văn phòng chi nhánh và trong cánh đồng giáo sĩ. Don được bổ nhiệm công tác ở Đông Phương, Châu Phi, Châu Âu, và nhiều vùng khác thuộc Châu Mỹ. Người vợ trung thành của Don, Dolores, thường cũng đi theo em.

Hoàn cảnh chúng tôi thay đổi

Sau một căn bệnh kéo dài, cha tôi qua đời, nhưng trước khi mất ông nói với tôi rằng ông rất vui mừng về điều chúng tôi đã chọn phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Ông nói rằng chúng tôi đã nhận được nhiều ân phước hơn là chúng tôi có thể tạo cho mình nếu như chọn theo học đại học mà ông đã định cho chúng tôi. Sau khi giúp mẹ thu dọn đến ở một nơi gần chỗ em gái tôi là Joy, chồng tôi và tôi nhận nhiệm sở tiên phong ở New England để chúng tôi được ở gần mẹ anh ấy, lúc đó đang cần sự giúp đỡ của chúng tôi. Sau khi mẹ anh ấy mất, mẹ tôi ở với chúng tôi 13 năm. Rồi vào ngày 18-1-1987, bà hoàn thành sứ mạng trên đất ở tuổi 93.

Thông thường, mỗi khi bạn bè khen ngợi bà đã nuôi dạy tất cả các con yêu mến và phụng sự Đức Giê-hô-va, mẹ tôi khiêm tốn trả lời: “Tôi chỉ may mắn có được mảnh ‘đất tốt’ để làm việc mà thôi”. (Ma-thi-ơ 13:23) Thật là một ân phước khi có cha mẹ kính sợ Đức Chúa Trời nêu gương tốt cho chúng tôi về lòng sốt sắng và khiêm nhường!

Trước hết vẫn là Nước Trời

Trong đời sống chúng tôi tiếp tục đặt Nước Trời trước hết và cũng cố gắng áp dụng lời khuyên của Chúa Giê-su về việc chia sẻ với người khác. (Lu-ca 6:38; 14:12-14) Bù lại, Đức Giê-hô-va cung cấp rộng rãi để đáp ứng các nhu cầu của chúng tôi. Đời sống của chúng tôi được an toàn và hạnh phúc.

Rudy và tôi không mất đi lòng yêu âm nhạc. Thật là một khoảnh khắc thú vị khi những người cùng chung sở thích dành một buổi tối đến nhà chúng tôi và cùng chơi các loại nhạc cụ. Nhưng âm nhạc không phải là sự nghiệp của tôi. Nó là một niềm vui được thêm vào cuộc sống. Giờ đây vợ chồng tôi sung sướng nhìn ngắm bông trái thánh chức tiên phong của chúng tôi, tức những người chúng tôi đã giúp trong nhiều năm qua.

Bất chấp những vấn đề sức khỏe hiện nay, tôi có thể nói rằng đời sống chúng tôi rất hạnh phúc và an toàn trải qua hơn 60 năm trong thánh chức trọn thời gian. Mỗi sáng khi thức dậy, tôi cảm tạ Đức Giê-hô-va đã đáp lời cầu nguyện của tôi khi tôi bước vào thánh chức trọn thời gian cách đây nhiều năm, và tôi nghĩ: ‘Thế thì, làm sao mình có thể tìm kiếm Nước Trời trước hết trong ngày hôm nay?’

[Chú thích]

^ đ. 14 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản nhưng nay không còn ấn hành nữa.

[Hình nơi trang 24]

Gia đình chúng tôi vào năm 1948 (từ trái sang phải): Joy, Don, mẹ, Joel, Karl, tôi và cha

[Hình nơi trang 25]

Mẹ nêu gương sốt sắng trong thánh chức

[Hình nơi trang 26]

Karl, Don, Joel, Joy và tôi hiện nay, hơn 50 năm sau

[Hình nơi trang 27]

Từ trái sang phải: Tôi, Mary Aniol, Sophia Soviak, và Edith Morgan là những giáo sĩ ở Cộng Hòa Dominican

[Hình nơi trang 28]

Với Mary (bên trái) ở sân vận động Yankee, 1953

[Hình nơi trang 29]

Cùng chồng tôi khi anh làm công việc vòng quanh