Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy cố gắng xem người khác theo cách của Đức Giê-hô-va

Hãy cố gắng xem người khác theo cách của Đức Giê-hô-va

Hãy cố gắng xem người khác theo cách của Đức Giê-hô-va

“Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem”.—1 SA-MU-ÊN 16:7.

1, 2. Cách Đức Giê-hô-va xem Ê-li-áp khác với cách của Sa-mu-ên như thế nào, và chúng ta có thể học được điều gì từ việc này?

VÀO thế kỷ thứ 11 TCN, Đức Giê-hô-va sai nhà tiên tri Sa-mu-ên làm một sứ mạng bí mật. Ngài truyền cho ông đi đến nhà của một người tên Y-sai và xức dầu cho một trong những con trai Y-sai để trở thành vua tương lai của Y-sơ-ra-ên. Khi thấy con đầu lòng của Y-sai là Ê-li-áp, Sa-mu-ên tin chắc rằng ông đã tìm được người mà Đức Giê-hô-va chọn. Nhưng Đức Giê-hô-va nói: “Chớ xem về bộ-dạng và hình-vóc cao lớn của nó, vì ta đã bỏ nó. Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn-thấy trong lòng”. (1 Sa-mu-ên 16:6, 7) Sa-mu-ên đã không xem Ê-li-áp theo cách của Đức Giê-hô-va. *

2 Quả là người ta dễ lầm lẫn trong việc đánh giá người khác! Một mặt chúng ta có thể bị đánh lừa khi thấy những người bề ngoài có vẻ hấp dẫn nhưng bề trong lại vô nguyên tắc. Mặt khác, chúng ta có thể cứng rắn và khắt khe khi đánh giá một người thành thật nhưng có cá tính làm chúng ta khó chịu.

3, 4. (a) Nếu vấn đề nảy sinh giữa hai tín đồ Đấng Christ, mỗi người nên quyết tâm làm gì? (b) Chúng ta nên tự hỏi những câu hỏi nào khi có sự bất đồng nghiêm trọng với anh em đồng đức tin?

3 Vấn đề có thể nảy sinh khi chúng ta dễ xét đoán người khác—ngay cả những người mà chúng ta biết nhiều năm. Có lẽ bạn đã có một cuộc gây gổ gay cấn với người tín đồ mà trước đây là bạn thân của mình. Bạn có muốn hàn gắn lại không? Điều gì sẽ giúp bạn thực hiện được việc này?

4 Bạn hãy nhìn xa, nghĩ kỹ và có quan điểm tích cực về anh hoặc chị tín đồ Đấng Christ đó. Hãy làm thế khi nghĩ đến lời này của Chúa Giê-su: “Ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta”. (Giăng 6:44) Rồi hãy tự hỏi: ‘Tại sao Đức Giê-hô-va kéo người này đến với Con Ngài? Người này có đức tính đáng chuộng nào? Có phải tôi đã bỏ qua hoặc xem nhẹ những đức tính này không? Tại sao chúng tôi trở thành bạn lúc đầu? Điều gì đã thu hút tôi đến với người này?’ Lúc đầu bạn có thể thấy khó để nghĩ đến những điểm tốt, nhất là nếu bạn đã để lòng buồn giận một thời gian rồi. Tuy nhiên, đây là bước trọng yếu để hàn gắn mối bất hòa giữa hai người. Để minh họa làm sao thực hiện điều này, chúng ta hãy tìm những đặc điểm tích cực của hai người, mà đôi khi người khác đã có ấn tượng tiêu cực về họ. Đó là nhà tiên tri Giô-na và sứ đồ Phi-e-rơ.

Cái nhìn vô tư về Giô-na

5. Giô-na được giao sứ mạng nào, và ông đã phản ứng ra sao?

5 Giô-na làm tiên tri trong nước Y-sơ-ra-ên phương bắc vào thời Vua Giê-rô-bô-am II, con Vua Giô-ách. (2 Các Vua 14:23-25) Một ngày kia, Đức Giê-hô-va truyền Giô-na rời Y-sơ-ra-ên để đi đến thành Ni-ni-ve, thủ đô của Đế Quốc A-si-ri hùng mạnh. Sứ mạng của ông là gì? Để cảnh báo dân ở đó rằng thành lớn của họ sẽ bị hủy diệt. (Giô-na 1:1, 2) Thay vì làm theo chỉ thị của Đức Giê-hô-va, Giô-na chạy trốn! Ông lên tàu đi đến Ta-rê-si, cách xa thành Ni-ni-ve.—Giô-na 1:3.

6. Tại sao Đức Giê-hô-va chọn Giô-na đi đến Ni-ni-ve?

6 Nói đến Giô-na, bạn nghĩ đến điều gì? Bạn có nghĩ ông là một nhà tiên tri bất phục tùng không? Nhìn sơ qua về ông, bạn có thể đi đến kết luận đó. Nhưng có phải Đức Chúa Trời bổ nhiệm Giô-na làm tiên tri bởi vì ông là một người bất phục tùng không? Tất nhiên là không! Giô-na chắc hẳn đã có những đức tính đáng chuộng nào đó. Hãy xem qua quá trình làm tiên tri của ông.

7. Giô-na phụng sự Đức Giê-hô-va ở Y-sơ-ra-ên trong hoàn cảnh nào, và biết được điều này ảnh hưởng thế nào đến quan điểm của bạn về ông?

7 Thật ra Giô-na đã trung thành phụng sự cật lực ở Y-sơ-ra-ên, một khu vực có rất nhiều người không hưởng ứng. Nhà tiên tri A-mốt, sống cùng thời với Giô-na, đã miêu tả dân Y-sơ-ra-ên trong thời đó là những người ham mê vật chất theo đuổi sự vui chơi. * Xứ có nhiều điều ác xảy ra, nhưng dân Y-sơ-ra-ên hoàn toàn lơ là trước sự kiện đó. (A-mốt 3:13-15; 4:4; 6:4-6) Nhưng ngày này qua ngày nọ Giô-na trung thành thi hành sứ mạng rao giảng cho họ. Nếu bạn là người công bố tin mừng, bạn biết rằng rất khó để nói với những người tự mãn và thờ ơ. Thế thì dù biết nhược điểm của Giô-na, chúng ta chớ quên những đức tính trung thành và nhịn nhục của ông khi giảng cho dân Y-sơ-ra-ên thiếu đức tin.

8. Một nhà tiên tri Y-sơ-ra-ên sẽ gặp những khó khăn nào ở Ni-ni-ve?

8 Sứ mạng đi đến thành Ni-ni-ve bao hàm một thử thách khó khăn hơn nhiều. Để đến thành đó, Giô-na phải đi bộ khoảng 500 dặm—một cuộc hành trình gian nan chừng một tháng. Khi đến đó nhà tiên tri sẽ phải rao giảng cho những người A-si-ri khét tiếng là độc ác. Những cuộc tra tấn tàn bạo thường là đặc điểm trong chiến trận của họ. Họ thậm chí khoe khoang về sự dã man của họ. Chẳng lạ gì khi Ni-ni-ve bị gọi là “thành đổ máu”!—Na-hum 3:1, 7.

9. Khi trận bão dữ dội đe dọa mạng sống của những thủy thủ, Giô-na đã biểu lộ những đức tính nào?

9 Không vâng theo lời Đức Giê-hô-va phán bảo, Giô-na lên tàu đi ngày càng xa hơn nơi ông được sai đến. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không từ bỏ nhà tiên tri của Ngài hoặc tìm một người khác thay thế ông. Thay vì thế, Đức Giê-hô-va đã tìm cách giúp cho Giô-na tỉnh ngộ. Đức Chúa Trời khiến cho một trận bão dữ dội dậy trên biển. Chiếc tàu chở Giô-na tròng trành trên ngọn sóng. Những người vô tội sắp sửa bị chết chìm, tất cả cũng chỉ vì Giô-na! (Giô-na 1:4) Giô-na đã phản ứng thế nào? Vì không muốn những thủy thủ trên tàu mất mạng vì tội mình, Giô-na nói với họ: “Hãy bắt lấy ta; hãy ném ta xuống biển, thì biển sẽ yên-lặng cho các anh”. (Giô-na 1:12) Ông không có lý do gì để nghĩ rằng khi những thủy thủ cuối cùng ném ông khỏi tàu, Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu ông. (Giô-na 1:15) Tuy nhiên, Giô-na đã sẵn sàng trả một giá tối hậu cho những thủy thủ để họ không bị mất mạng. Chẳng phải chúng ta thấy Giô-na biểu lộ lòng can đảm, khiêm nhường và yêu thương ở đây sao?

10. Chuyện gì xảy ra sau khi Đức Giê-hô-va giao lại sứ mạng cho Giô-na?

10 Cuối cùng Đức Giê-hô-va đã giải cứu Giô-na. Hành động của Giô-na có làm cho ông không còn xứng đáng được đại diện Đức Chúa Trời nữa không? Không, Đức Giê-hô-va đã thương xót và yêu thương giao lại cho ông sứ mạng rao giảng cho dân Ni-ni-ve. Khi đến thành Ni-ni-ve, Giô-na can đảm nói với dân cư thành ấy rằng sự gian ác đầy dẫy của họ đã thấu đến Đức Chúa Trời và thành của họ sẽ bị hủy diệt trong 40 ngày. (Giô-na 1:2; 3:4) Sau khi nghe thông điệp thẳng thắn của Giô-na, dân thành Ni-ni-ve đã ăn năn và thành của họ không bị hủy diệt.

11. Điều gì cho thấy rằng Giô-na đã học một bài học quý giá?

11 Giô-na vẫn không có quan điểm đúng đắn. Tuy nhiên, qua bài học thực tế, Đức Giê-hô-va đã kiên nhẫn giúp Giô-na biết rằng Ngài không chỉ xem vẻ bề ngoài nhưng còn dò xét trong lòng. (Giô-na 4:5-11) Việc Giô-na học được bài học quý giá được thấy rõ qua lời tường thuật trung thực do chính ông viết. Sự kiện ông sẵn sàng ghi lại sự thiếu sót của chính mình với những chi tiết đáng xấu hổ cho thấy thêm bằng chứng về tính khiêm nhường của ông. Một người cần phải can đảm để nhìn nhận lỗi lầm!

12. (a) Làm sao chúng ta biết Chúa Giê-su có quan điểm như Đức Giê-hô-va về loài người? (b) Chúng ta được khuyến khích nên có quan điểm nào về những người chúng ta rao giảng tin mừng? (Xem khung trang 18).

12 Nhiều thế kỷ sau, Chúa Giê-su Christ đã phát biểu tích cực về một sự kiện xảy ra trong đời Giô-na. Ngài nói: “Giô-na đã bị ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm, cũng một thể ấy, Con người sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm”. (Ma-thi-ơ 12:40) Sau này khi Giô-na được sống lại, ông sẽ biết Chúa Giê-su đã ví thời kỳ ngài trong mồ với giai đoạn đen tối này trong đời của nhà tiên tri. Chẳng lẽ chúng ta không vui mừng phụng sự một Đức Chúa Trời đã không từ bỏ tôi tớ Ngài khi họ lầm lỗi sao? Người viết Thi-thiên đã ghi: “Đức Giê-hô-va thương-xót kẻ kính-sợ Ngài, khác nào cha thương-xót con-cái mình vậy. Vì Ngài biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi-đất”. (Thi-thiên 103:13, 14) Thật vậy, “bụi-đất” này—gồm những người bất toàn ngày nay—có thể thực hiện được nhiều điều nhờ thánh linh Đức Chúa Trời giúp đỡ!

Quan điểm thăng bằng về Phi-e-rơ

13. Nói đến Phi-e-rơ, chúng ta có thể nghĩ đến những tính nào, nhưng tại sao Chúa Giê-su chọn ông làm sứ đồ?

13 Giờ đây chúng ta hãy xem qua về gương thứ hai, gương của sứ đồ Phi-e-rơ. Nếu có người hỏi bạn miêu tả về Phi-e-rơ, bạn có lập tức nghĩ đến những tính như hấp tấp, liều lĩnh, thậm chí tự phụ không? Đôi khi Phi-e-rơ đã thể hiện những tính đó. Tuy nhiên, Chúa Giê-su có chọn Phi-e-rơ làm một trong 12 sứ đồ nếu Phi-e-rơ quả thật là người hấp tấp, liều lĩnh hoặc tự phụ không? (Lu-ca 6:12-14) Tất nhiên là không! Chúa Giê-su rõ ràng đã bỏ qua những sai sót đó và nhận thấy những tính tốt của Phi-e-rơ.

14. (a) Điều gì có thể giúp giải thích tính bộc trực của Phi-e-rơ? (b) Tại sao chúng ta nên biết ơn về việc Phi-e-rơ thường xuyên đặt những câu hỏi?

14 Đôi khi Phi-e-rơ đóng vai trò là phát ngôn viên của những sứ đồ khác. Một số người có thể xem đây là bằng chứng của sự thiếu khiêm tốn. Nhưng có phải thế không? Có người cho rằng Phi-e-rơ có lẽ lớn tuổi hơn các sứ đồ khác—có thể lớn tuổi hơn cả Chúa Giê-su. Nếu điều đó đúng thì có thể giúp giải thích tại sao Phi-e-rơ thường là người phát biểu trước tiên. (Ma-thi-ơ 16:22) Tuy nhiên, có một yếu tố khác mà chúng ta nên xem xét. Phi-e-rơ là người có thiêng liêng tính. Lòng khao khát muốn biết đã khiến cho ông đặt những câu hỏi. Điều này có lợi cho chúng ta. Chúa Giê-su đã nói về nhiều điều quý giá để trả lời những câu hỏi của Phi-e-rơ, và những lời này đã được bảo tồn trong Kinh Thánh. Thí dụ để trả lời câu hỏi của Phi-e-rơ, Chúa Giê-su nói về người “quản-gia ngay-thật khôn-ngoan”. (Lu-ca 12:41-44) Và hãy nghĩ đến câu hỏi của Phi-e-rơ: “Chúng tôi đã bỏ mọi sự mà theo thầy; vậy thì chúng tôi sẽ được chi?” Câu hỏi này dẫn đến một lời hứa của Chúa Giê-su làm vững lòng: “Hễ ai vì danh ta mà bỏ anh em, chị em, cha mẹ, con-cái, đất-ruộng, nhà-cửa, thì người ấy sẽ lãnh bội phần hơn, và được hưởng sự sống đời đời”.—Ma-thi-ơ 15:15; 18:21, 22; 19:27-29.

15. Tại sao có thể nói rằng Phi-e-rơ thật sự trung thành?

15 Phi-e-rơ có tính tốt khác—lòng trung thành. Khi nhiều môn đồ bỏ Chúa Giê-su không theo ngài nữa bởi vì họ không hiểu một trong những điều ngài dạy, chính Phi-e-rơ đã thay mặt 12 sứ đồ nói thẳng: “Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời”. (Giăng 6:66-68) Những lời ấy chắc hẳn làm ấm lòng Chúa Giê-su biết bao! Sau đó, khi một đám đông đến để bắt Chủ, phần đông các sứ đồ đều bỏ trốn. Tuy nhiên, Phi-e-rơ đã theo sau đám đông một khoảng xa và vào ngay trong sân của thầy cả thượng phẩm. Chính lòng can đảm, chứ không phải nhát sợ, đã thúc đẩy ông đi đến đó. Trong lúc Chúa Giê-su bị thẩm vấn, Phi-e-rơ cùng với nhóm người Do Thái sưởi ấm cạnh đống lửa. Một trong những người đầy tớ của thầy cả thượng phẩm nhận ra ông và buộc ông tội đã đi theo Chúa Giê-su. Đúng vậy, Phi-e-rơ đã chối Chủ mình, nhưng chúng ta chớ quên rằng chính là lòng trung thành và quan tâm đối với Chúa Giê-su đã đưa Phi-e-rơ vào tình thế nguy hiểm đó, một tình thế mà hầu hết các sứ đồ không dám đương đầu.—Giăng 18:15-27.

16. Chúng ta xem xét những tính tốt của Giô-na và Phi-e-rơ vì lý do thực tiễn nào?

16 Những đức tính tốt của Phi-e-rơ đã vượt hẳn những thiếu sót của ông. Trường hợp của Giô-na cũng vậy. Như chúng ta có quan điểm tích cực về Giô-na và Phi-e-rơ hơn lúc bình thường, thì chúng ta cũng phải tập luyện tương tự để có quan điểm tích cực hơn về cách chúng ta xem những anh chị em thiêng liêng của mình ngày nay. Làm thế sẽ giúp chúng ta có mối quan hệ tốt hơn với họ. Tại sao quan điểm tích cực này thật sự cần thiết?

Áp dụng bài học ngày nay

17, 18. (a) Tại sao sự bất đồng có thể nảy sinh trong vòng những tín đồ Đấng Christ? (b) Kinh Thánh có lời khuyên nào có thể giúp chúng ta giải quyết những vấn đề khó khăn giữa những anh em đồng đức tin?

17 Ngày nay, đàn ông, đàn bà và con trẻ thuộc mọi tầng lớp xã hội cũng như trình độ học vấn và mọi chủng tộc đang hợp nhất phụng sự Đức Giê-hô-va. (Khải-huyền 7:9, 10) Quả là có nhiều cá tính khác nhau trong hội thánh tín đồ Đấng Christ! Vì chúng ta tiếp xúc gần gũi nhau khi cùng phụng sự Đức Chúa Trời, cho nên đôi khi sự va chạm sẽ nảy sinh.—Rô-ma 12:10; Phi-líp 2:3.

18 Dù thấy được sự thiếu sót của anh em mình, chúng ta không tập trung vào những điểm đó. Chúng ta cố gắng noi theo Đức Giê-hô-va. Người viết Thi-thiên đã hát về Ngài: “Hỡi Đức Giê-hô-va, nếu Ngài cố-chấp sự gian-ác, thì, Chúa ôi! ai sẽ còn sống?” (Thi-thiên 130:3) Thay vì nghĩ mãi về những tính tình có thể gây chia rẽ, chúng ta hãy “theo đuổi những việc đem lại hòa thuận và xây dựng nhau”. (Rô-ma 14:19, Bản Dịch Mới) Chúng ta cố gắng xem những người khác theo cách của Đức Giê-hô-va, bỏ qua những khuyết điểm mà chỉ để ý đến những tính tốt. Làm điều này sẽ giúp chúng ta “nhường-nhịn nhau”.—Cô-lô-se 3:13.

19. Hãy nêu những bước thực tiễn người tín đồ Đấng Christ có thể làm khi giải quyết những sự bất đồng nghiêm trọng.

19 Nếu có sự hiểu lầm và chúng ta cứ bị bất an trong lòng thì sao? (Thi-thiên 4:4, NW) Có phải chuyện này xảy ra giữa bạn và một người anh em đồng đức tin không? Tại sao không cố gắng giải quyết vấn đề? (Sáng-thế Ký 32:13-15) Trước hết hãy đến với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện, xin Ngài hướng dẫn. Rồi nghĩ đến những tính tốt của người kia, hãy đến gặp người ấy và nói với sự “khôn-ngoan nhu-mì”. (Gia-cơ 3:13) Hãy cho người ấy biết rằng bạn muốn hòa thuận lại. Hãy nhớ lời khuyên được soi dẫn này: “Mau nghe mà chậm nói, chậm giận”. (Gia-cơ 1:19) Lời khuyên “chậm giận” ngụ ý nói rằng người kia có thể làm hoặc nói điều gì đó làm bạn giận. Nếu trường hợp đó xảy ra, hãy xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ để giữ sự tự chủ. (Ga-la-ti 5:22, 23) Hãy để người anh em nói những gì buồn lòng, và cẩn thận lắng nghe. Đừng ngắt lời, dù bạn không đồng ý với tất cả những gì người ấy nói. Quan điểm của người ấy có thể sai, nhưng dù sao cũng là quan điểm của người đó. Cố gắng xem vấn đề theo quan điểm của người ấy. Điều đó có thể bao hàm việc thấy chính mình qua mắt của anh em.—Châm-ngôn 18:17.

20. Khi giải quyết sự bất đồng, có những bước nào nữa có thể dẫn đến sự giải hòa?

20 Khi đến phiên bạn nói, hãy nói một cách nhân từ. (Cô-lô-se 4:6) Hãy nói ra những gì bạn thích về người ấy. Xin lỗi những gì bạn làm mà đã gây ra sự hiểu lầm. Nếu nhờ nỗ lực khiêm nhường của bạn mà có sự giải hòa, hãy cảm tạ Đức Giê-hô-va. Nếu không được, hãy tiếp tục cầu xin Đức Giê-hô-va hướng dẫn trong khi tìm kiếm một dịp khác để giải hòa.—Rô-ma 12:18.

21. Sự thảo luận này giúp bạn xem người khác theo cách của Đức Giê-hô-va như thế nào?

21 Đức Giê-hô-va yêu mến tất cả tôi tớ Ngài. Ngài vui lòng dùng tất cả chúng ta để hầu việc Ngài bất kể sự bất toàn của chúng ta. Khi chúng ta học thêm về cách Ngài xem những người khác, lòng yêu thương của chúng ta đối với anh chị em sẽ gia tăng. Nếu lòng yêu thương đối với một tín đồ Đấng Christ đã nguội lạnh, chúng ta có thể nhen nhúm lại. Quả là ân phước biết bao nếu chúng ta cương quyết cố gắng biểu lộ quan điểm tích cực về người khác—thật vậy, xem họ theo cách của Đức Giê-hô-va!

[Chú thích]

^ đ. 1 Sau này người ta thấy rõ là Ê-li-áp đẹp trai đã không đạt tiêu chuẩn thích hợp để làm vua Y-sơ-ra-ên. Khi Gô-li-át, người khổng lồ của Phi-li-tin, thách dân Y-sơ-ra-ên chiến đấu, Ê-li-áp cùng với những người nam khác của Y-sơ-ra-ên đã nhát sợ.—1 Sa-mu-ên 17:11, 28-30.

^ đ. 7 Vì những cuộc chinh phục quan trọng và lấy lại được những khu vực ngày trước cùng với việc nhận được triều cống, Giê-rô-bô-am II chắc hẳn đã làm tăng sự giàu có của nước phương bắc.—2 Sa-mu-ên 8:6; 2 Các Vua 14:23-28; 2 Sử-ký 8:3, 4; A-mốt 6:2.

Bạn trả lời thế nào?

• Đức Giê-hô-va xem những thiếu sót của các tôi tớ trung thành của Ngài như thế nào?

• Bạn có thể kể ra những tính tốt nào của Giô-na và Phi-e-rơ?

• Bạn cương quyết duy trì quan điểm nào về anh em tín đồ Đấng Christ?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 18]

Hãy nghĩ đến cách Đức Giê-hô-va xem người khác

Khi suy ngẫm về sự tường thuật trong Kinh Thánh về Giô-na, bạn có thấy mình cần có một quan điểm mới về những người mà bạn thường rao giảng tin mừng không? Họ có vẻ tự mãn hoặc thờ ơ, như những người Y-sơ-ra-ên, hay là họ có thể chống lại thông điệp của Đức Chúa Trời. Tuy vậy, Giê-hô-va Đức Chúa Trời xem họ như thế nào? Ngay cả một số người có danh vọng trong hệ thống này có thể quay về với Đức Giê-hô-va một ngày nào đó, cũng như vua Ni-ni-ve đã ăn năn nhờ sự rao giảng của Giô-na.—Giô-na 3:6, 7.

[Hình nơi trang 15]

Bạn có xem người khác theo cách của Đức Giê-hô-va không?

[Hình nơi trang 16, 17]

Chúa Giê-su tìm được điểm tích cực để nói về kinh nghiệm của Giô-na