Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu và Luật Pháp Môi-se

Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu và Luật Pháp Môi-se

Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu và Luật Pháp Môi-se

“Luật-pháp đã như thầy-giáo [“người giám hộ”, “Bản Dịch Mới”] đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ”.—GA-LA-TI 3:24.

1, 2. Dân Y-sơ-ra-ên cẩn thận vâng giữ Luật Pháp Môi-se có được một số lợi ích nào?

VÀO năm 1513 TCN, Đức Giê-hô-va đã cho dân Y-sơ-ra-ên một bộ luật. Ngài phán với dân ấy rằng nếu họ vâng lời, họ sẽ được ban phước và sẽ hưởng được đời sống hạnh phúc, thỏa nguyện.—Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5, 6.

2 Bộ Luật đó, được gọi là Luật Pháp Môi-se, hoặc chỉ gọi “luật-pháp”, là “thánh, công-bình và tốt-lành”. (Rô-ma 7:12) Luật Pháp này khuyến khích những đức tính như nhân từ, lương thiện, đạo đức và tình láng giềng. (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:4, 5; Lê-vi Ký 19:14; Phục-truyền Luật-lệ Ký 15:13-15; 22:10, 22) Luật Pháp cũng khuyến khích người Do Thái yêu thương nhau. (Lê-vi Ký 19:18) Ngoài ra, họ không được làm bạn hoặc lấy vợ trong vòng những người ngoại không vâng theo Luật Pháp. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:3, 4) Là “bức tường” ngăn cách giữa người Do Thái và Dân Ngoại, Luật Pháp Môi-se đã giúp cho dân Đức Chúa Trời không bị ô nhiễm bởi những thực hành và lối suy nghĩ ngoại giáo.—Ê-phê-sô 2:14, 15; Giăng 18:28.

3. Vì không người nào có thể tuân giữ Luật Pháp một cách trọn vẹn, vậy Luật Pháp có tác dụng gì?

3 Tuy nhiên, ngay cả những người Do Thái cẩn trọng nhất cũng không thể nào tuân giữ Luật Pháp Đức Chúa Trời một cách trọn vẹn. Có phải Đức Giê-hô-va đòi hỏi quá nhiều nơi họ không? Không. Một trong những lý do cho biết tại sao Luật Pháp đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên là để họ “nhận biết tội lỗi mình”. (Ga-la-ti 3:19, Bản Diễn Ý) Luật Pháp đã khiến cho những người Do Thái chân thật ý thức được việc họ rất cần một Đấng Cứu Chuộc. Khi đấng ấy đến, những người Do Thái trung thành vui mừng. Họ sắp sửa được giải thoát khỏi sự rủa sả của tội lỗi và sự chết!—Giăng 1:29.

4. Luật Pháp là “người giám hộ” dẫn đến Đấng Christ theo nghĩa nào?

4 Luật Pháp Môi-se chỉ là một sự sắp đặt tạm thời. Viết cho những anh em tín đồ Đấng Christ, sứ đồ Phao-lô miêu tả Luật Pháp như “người giám hộ” dẫn chúng ta đến Đấng Christ. (Ga-la-ti 3:24, BDM) Người giám hộ thời xưa cùng đi với con trẻ đến trường và dẫn chúng về. Giám hộ thường không phải là thầy giáo; chỉ là người dẫn trẻ đến thầy giáo. Tương tự như thế, Luật Pháp Môi-se có mục đích dẫn những người Do Thái kính sợ Đức Chúa Trời đến với Đấng Christ. Chúa Giê-su đã hứa rằng Ngài sẽ ở với các môn đồ “luôn cho đến tận-thế”. (Ma-thi-ơ 28:20) Vì vậy, khi hội thánh tín đồ Đấng Christ được thành lập, “người giám hộ”—Luật Pháp—không còn đáp ứng mục đích nào nữa. (Rô-ma 10:4; Ga-la-ti 3:25, BDM) Nhưng một số tín đồ Đấng Christ gốc Do Thái đã chậm hiểu lẽ thật thiết yếu này. Do đó họ tiếp tục giữ một số đòi hỏi của Luật Pháp ngay cả sau khi Chúa Giê-su được sống lại. Nhưng có những người khác đã điều chỉnh lối suy nghĩ của họ. Khi làm thế, họ đã nêu gương tốt cho chúng ta ngày nay. Chúng ta hãy xem như thế nào.

Những hiểu biết mới đầy hứng thú về giáo lý đạo Đấng Christ

5. Phi-e-rơ đã nhận được những lời chỉ bảo nào qua sự hiện thấy, và tại sao ông đã sửng sốt?

5 Vào năm 36 CN, sứ đồ Phi-e-rơ đã có một sự hiện thấy đáng chú ý. Lúc đó có một tiếng nói từ trên trời phán bảo ông hãy làm thịt và ăn những loại chim và thú vật bị xem là ô uế dưới Luật Pháp. Phi-e-rơ hết sức sửng sốt! Ông chưa hề “ăn giống gì dơ-dáy chẳng sạch bao giờ”. Nhưng tiếng nói ấy bảo ông: “Phàm vật chi Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, thì chớ cầm bằng dơ-dáy”. (Công-vụ 10:9-15) Thay vì một mực bám theo Luật Pháp, Phi-e-rơ đã điều chỉnh quan điểm của ông. Điều này khiến ông khám phá một điều đáng ngạc nhiên liên quan đến ý định của Đức Chúa Trời.

6, 7. Điều gì đã giúp Phi-e-rơ kết luận rằng giờ đây ông có thể giảng cho người ngoại, và có thể ông còn đi đến kết luận nào nữa?

6 Chuyện đã xảy ra như sau: Ba người đến nhà Phi-e-rơ đang ở, và yêu cầu ông đi với họ đến nhà của một người Dân Ngoại không cắt bì, biết kính sợ Đức Chúa Trời, tên là Cọt-nây. Phi-e-rơ mời những người này vào nhà và tiếp rước họ. Hiểu được ý nghĩa của sự hiện thấy, ngày hôm sau Phi-e-rơ đi với họ đến nhà của Cọt-nây. Tại đó Phi-e-rơ đã làm chứng kỹ càng về Chúa Giê-su Christ. Lúc đó Phi-e-rơ đã nói: “Quả thật, ta biết Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa”. Không phải chỉ có Cọt-nây mà những người nhà cùng bạn bè thân tín của ông cũng đã thực hành đức tin nơi Chúa Giê-su, và “Thánh-Linh giáng trên mọi người nghe đạo”. Nhận biết có bàn tay của Đức Giê-hô-va trong việc này, Phi-e-rơ “truyền làm phép báp-têm cho họ nhân danh Đức Chúa Jêsus-Christ”.—Công-vụ 10:17-48.

7 Điều gì giúp Phi-e-rơ kết luận rằng những người ngoại không vâng phục Luật Pháp Môi-se giờ đây lại có thể trở thành môn đồ của Chúa Giê-su Christ? Đó là sự sáng suốt về thiêng liêng. Vì Đức Chúa Trời đã tỏ ra chấp nhận những người ngoại không cắt bì, đổ thánh linh xuống trên họ, Phi-e-rơ hiểu rằng họ có thể được chấp nhận để làm báp têm. Đồng thời, Phi-e-rơ hẳn đã nhận biết rằng Đức Chúa Trời không mong đợi những tín đồ Dân Ngoại đáp ứng điều kiện tuân giữ Luật Pháp Môi-se mới được báp têm. Nếu sống vào thời đó, bạn có sẵn lòng như Phi-e-rơ để điều chỉnh quan điểm của bạn không?

Một số cứ theo “người giám hộ”

8. Một số tín đồ Đấng Christ sống ở Giê-ru-sa-lem đã ủng hộ quan điểm nào khác với Phi-e-rơ về việc cắt bì, và tại sao?

8 Sau khi rời nhà Cọt-nây, Phi-e-rơ đi đến Giê-ru-sa-lem. Tin về Dân Ngoại không cắt bì “đã nhận lấy đạo Đức Chúa Trời” đến tai hội thánh ở đó, và một số môn đồ gốc Do Thái cảm thấy bực bội về vấn đề này. (Công-vụ 11:1-3) Dù thừa nhận rằng Dân Ngoại có thể trở thành môn đồ của Chúa Giê-su, “tín đồ vốn chịu [“ủng hộ”, NW] phép cắt bì” đã khăng khăng cho rằng những người không thuộc dân Do Thái phải giữ theo Luật Pháp để được cứu. Mặt khác, ở những nơi phần lớn là Dân Ngoại, ít tín đồ gốc Do Thái, việc cắt bì không thành vấn đề. Hai quan điểm cứ đối chọi khoảng 13 năm. (1 Cô-rinh-tô 1:10) Quả là một thử thách cho những tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đó—nhất là cho Dân Ngoại sống trong vùng của người Do Thái!

9. Tại sao giải quyết vấn đề cắt bì là điều trọng yếu?

9 Vấn đề này cuối cùng đã đi đến tột đỉnh vào năm 49 CN khi tín đồ Đấng Christ ở Giê-ru-sa-lem đến thành An-ti-ốt ở xứ Si-ri, nơi Phao-lô đang rao giảng. Họ bắt đầu dạy rằng Dân Ngoại theo đạo phải chịu cắt bì theo Luật Pháp. Và có sự chia rẽ, tranh cãi dữ dội giữa họ với Phao-lô và Ba-na-ba! Nếu vấn đề không được giải quyết, một số tín đồ Đấng Christ, dù là người Do Thái hoặc Dân Ngoại, chắc chắn sẽ bị vấp phạm. Vì vậy, có sự sắp đặt là Phao-lô và một ít người khác trở lên Giê-ru-sa-lem để hỏi hội đồng lãnh đạo trung ương tín đồ Đấng Christ để giải quyết dứt khoát vấn đề này .—Công-vụ 15:1, 2, 24.

Sau sự bất đồng ý kiến—Có hợp nhất!

10. Hội đồng lãnh đạo trung ương đã xem xét những điểm nào trước khi quyết định về địa vị của Dân Ngoại?

10 Trong một buổi họp, một số người chắc hẳn đưa ra lý luận ủng hộ việc cắt bì, trong khi những người khác trình bày quan điểm ngược lại. Nhưng những cảm xúc đó không thắng thế. Sau nhiều sự tranh luận, sứ đồ Phi-e-rơ và Phao-lô miêu tả những dấu kỳ sự lạ Đức Giê-hô-va đã làm trong vòng những người tin đạo không cắt bì. Họ giải thích rằng Đức Chúa Trời đã đổ thánh linh trên Dân Ngoại không cắt bì. Như thể là họ hỏi: ‘Có thể nào hội thánh tín đồ Đấng Christ chính đáng bác bỏ những người mà Đức Chúa Trời đã chấp nhận không?’ Rồi môn đồ Gia-cơ đọc một đoạn Kinh Thánh giúp cho mọi người trong cử tọa hiểu ý muốn của Đức Giê-hô-va trong vấn đề này.—Công-vụ 15:4-17.

11. Yếu tố nào không ảnh hưởng đến quyết định về sự cắt bì, và điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va ban phước cho quyết định đó?

11 Bấy giờ mọi mắt đổ dồn về hội đồng lãnh đạo trung ương. Gốc gác Do Thái của họ có làm cho họ thiên về sự cắt bì không? Không. Những người trung thành này cương quyết làm theo Kinh Thánh và để cho thánh linh của Đức Chúa Trời hướng dẫn. Sau khi nghe mọi lời chứng thích đáng, hội đồng lãnh đạo nhất trí đồng ý rằng các tín đồ Dân Ngoại không cần phải cắt bì và ở dưới Luật Pháp Môi-se. Khi những lời này đến tai các anh em, họ vui mừng và số người trong hội thánh bắt đầu “càng ngày càng thêm lên”. Những người tín đồ Đấng Christ vâng theo sự hướng dẫn thần quyền rõ ràng đã nhận được câu trả lời căn cứ vào Kinh Thánh. (Công-vụ 15:19-23, 28, 29; 16:1-5) Nhưng một câu hỏi quan trọng vẫn còn phải được giải đáp.

Về phần những tín đồ gốc Do Thái thì sao?

12. Câu hỏi nào chưa được giải đáp?

12 Hội đồng lãnh đạo trung ương đã cho thấy rõ rằng những tín đồ Dân Ngoại không cần phải cắt bì. Nhưng về phần những tín đồ gốc Do Thái thì sao? Quyết định của hội đồng lãnh đạo đã không giải đáp rõ rệt khía cạnh này của câu hỏi đó.

13. Tại sao là sai lầm khi quả quyết rằng cần phải tuân theo Luật Môi-se mới được cứu?

13 Một số tín đồ gốc Do Thái “sốt-sắng về luật-pháp” tiếp tục cắt bì cho con cái họ và giữ một số đòi hỏi của Luật Pháp. (Công-vụ 21:20) Những người khác còn làm hơn thế nữa, thậm chí còn khăng khăng cho rằng tín đồ gốc Do Thái cần phải tuân theo Luật Pháp để được cứu. Làm vậy là họ đã sai lầm nghiêm trọng. Thí dụ, làm thế nào một tín đồ có thể dâng của-lễ bằng thú vật để được tha tội? Sự hy sinh của Đấng Christ đã làm cho những của-lễ đó không cần thiết nữa. Còn về phần Luật Pháp đòi hỏi những người Do Thái tránh làm bạn với Dân Ngoại thì sao? Những người sốt sắng rao giảng tin mừng chắc hẳn là khó giữ theo những sự hạn chế này mà vẫn thực hiện sứ mạng dạy dỗ cho Dân Ngoại về mọi điều mà Chúa Giê-su đã dạy. (Ma-thi-ơ 28:19, 20; Công-vụ 1:8; 10:28) * Không có bằng chứng nào cho thấy rằng vấn đề này đã được nói rõ trong buổi họp của hội đồng lãnh đạo trung ương. Nhưng hội thánh không phải bị bỏ lơ không có sự giúp đỡ.

14. Những lá thư được soi dẫn của Phao-lô cung cấp sự hướng dẫn nào về Luật Pháp?

14 Sự hướng dẫn đến, không phải qua thư của hội đồng lãnh đạo trung ương, nhưng qua những thư được soi dẫn do các sứ đồ viết. Thí dụ, sứ đồ Phao-lô gửi một thông điệp mạnh mẽ đến cho những người Do Thái và Dân Ngoại sống ở Rô-ma. Trong thư, ông giải thích rằng “bề trong là người Giu-đa [Do Thái] mới là người Giu-đa, phép cắt-bì bởi trong lòng, làm theo cách thiêng-liêng... mới là phép cắt-bì thật”. (Rô-ma 2:28, 29) Cũng trong thư này, Phao-lô dùng một minh họa để chứng tỏ rằng tín đồ Đấng Christ không còn ở dưới Luật Pháp nữa. Ông lý luận rằng một người nữ không thể lấy hai người đàn ông cùng một lúc. Nhưng nếu chồng chết, người có thể tự do tái hôn. Sau đó Phao-lô áp dụng minh họa này, chỉ rõ những tín đồ được xức dầu của Đấng Christ không thể cùng một lúc vừa tuân theo Luật Pháp Môi-se lại vừa thuộc về Đấng Christ.. Họ phải “chết về luật-pháp” để được hợp nhất với Đấng Christ.—Rô-ma 7:1-5.

Chậm hiểu ý nghĩa

15, 16. Tại sao một số tín đồ gốc Do Thái đã không hiểu ý nghĩa liên quan đến Luật Pháp, và sự kiện này cho thấy rõ điều gì về việc cần phải tỉnh táo về thiêng liêng?

15 Lý luận của Phao-lô về Luật Pháp không thể nào bác bẻ được. Thế thì tại sao một số tín đồ gốc Do Thái lại không hiểu? Một là họ thiếu sáng suốt về thiêng liêng. Thí dụ, họ bỏ bê không ăn thức ăn đặc về thiêng liêng. (Hê-bơ-rơ 5:11-14) Họ cũng không dự buổi họp của đạo Đấng Christ đều đặn. (Hê-bơ-rơ 10:23-25) Lý do khác tại sao một số người không hiểu có thể là vì vấn đề có liên hệ đến chính bản chất của Luật Pháp. Luật Pháp Môi-se xoay quanh những điều cụ thể chẳng hạn như đền thờ và chức tế lễ. Một người thiếu thiêng liêng tính cảm thấy dễ chấp nhận Luật Pháp hơn là nắm được những nguyên tắc sâu xa của đạo Đấng Christ, những điều xoay quanh vào thực tại không thấy được.—2 Cô-rinh-tô 4:18.

16 Còn một lý do khác cho biết tại sao một số người xưng là tín đồ Đấng Christ sốt sắng tuân giữ Luật Pháp được nêu ra trong thư của Phao-lô gửi cho người Ga-la-ti. Ông giải thích rằng những người này muốn được xem là đáng trọng, như những thành viên của một đạo chính. Thay vì đứng riêng ra khác biệt với cộng đồng, họ sẵn sàng nhượng bộ bất cứ điều gì để được hòa đồng với những người khác. Họ quan tâm đến việc được người ta chấp nhận hơn là được Đức Chúa Trời chấp nhận.—Ga-la-ti 6:12.

17. Khi nào thì quan điểm đúng đắn về việc tuân giữ Luật Pháp mới trở nên hoàn toàn rõ ràng?

17 Những tín đồ sáng suốt cẩn thận nghiên cứu những lá thư được Đức Chúa Trời soi dẫn do Phao-lô và những người khác viết đã rút tỉa được kết luận chính xác về Luật Pháp. Tuy nhiên, mãi đến năm 70 CN quan điểm đúng đắn về Luật Pháp Môi-se mới trở nên rõ ràng cho tất cả tín đồ gốc Do Thái. Đó là khi Đức Chúa Trời cho phép Giê-ru-sa-lem, đền thờ và những hồ sơ liên quan đến chức tế lễ bị hủy diệt. Điều này làm cho không ai có thể giữ theo tất cả những đòi hỏi của Luật Pháp nữa.

Áp dụng bài học ngày nay

18, 19. (a) Để giữ tình trạng thiêng liêng khỏe mạnh, chúng ta phải có thái độ nào và tránh thái độ nào? (b) Gương của Phao-lô dạy chúng ta điều gì về việc theo sự hướng dẫn chúng ta nhận được qua những anh có trách nhiệm? (Xem khung trang 24).

18 Sau khi xem xét những sự việc ngày xưa, có lẽ bạn tự hỏi: ‘Nếu tôi sống vào thời đó, tôi phản ứng thế nào khi ý định của Đức Chúa Trời dần dần được tiết lộ? Tôi có khăng khăng giữ quan điểm xưa không? Hoặc tôi có kiên nhẫn đợi đến khi sự hiểu biết đúng đắn trở nên rõ ràng không? Và khi điều đó rõ ràng rồi, tôi có hết lòng ủng hộ quan điểm ấy không?’

19 Dĩ nhiên, chúng ta không thể biết chắc mình phản ứng thế nào nếu sống vào thời đó. Nhưng chúng ta có thể tự hỏi: ‘Tôi phản ứng thế nào trước những điều được làm sáng tỏ về sự hiểu biết Kinh Thánh được trình bày ngày nay? (Ma-thi-ơ 24:45) Khi sự hướng dẫn dựa vào Kinh Thánh được đưa ra, tôi có cố gắng áp dụng, tuân theo không chỉ từng chữ của luật pháp nhưng tinh thần của luật pháp không? (1 Cô-rinh-tô 14:20) Tôi có kiên nhẫn đợi Đức Giê-hô-va khi những câu hỏi của mình có vẻ chậm được trả lời không?’ Điều trọng yếu là chúng ta tận dụng thức ăn thiêng liêng sẵn có ngày nay để không “bị trôi lạc”. (Hê-bơ-rơ 2:1) Khi Đức Giê-hô-va cung cấp sự hướng dẫn qua Lời Ngài, thánh linh và tổ chức trên đất của Ngài, chúng ta hãy chăm chú lắng nghe. Nếu làm thế, Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho chúng ta hưởng đời sống bất tận đầy hạnh phúc và thỏa nguyện.

[Chú thích]

^ đ. 13 Khi Phi-e-rơ đến thành An-ti-ốt ở xứ Sy-ri, ông vui thích kết hợp thân mật với những anh em tín đồ Dân Ngoại. Tuy nhiên, khi những tín đồ gốc Do Thái đến từ Giê-ru-sa-lem, Phi-e-rơ “lui đứng riêng ra, bởi sợ những kẻ chịu phép cắt-bì”. Chúng ta có thể tưởng tượng những tín đồ Dân Ngoại chắc hẳn đau lòng biết mấy khi một sứ đồ đáng trọng từ chối ăn uống với họ.—Ga-la-ti 2:11-13.

Bạn trả lời thế nào?

• Luật Pháp Môi-se như “người giám hộ” dẫn đến Đấng Christ theo nghĩa nào?

• Bạn giải thích thế nào về sự khác biệt giữa cách Phi-e-rơ và những “tín đồ ủng hộ phép cắt bì” phản ứng trước những điều chỉnh về sự hiểu biết lẽ thật?

• Bạn học được điều gì về cách Đức Giê-hô-va tiết lộ lẽ thật ngày nay?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung/​Hình nơi trang 24]

Phao-lô khiêm nhường đối phó với thử thách

Sau chuyến đi làm giáo sĩ được thành công, Phao-lô đến Giê-ru-sa-lem năm 56 CN. Một thử thách đang chờ ông. Tin về việc ông dạy rằng Luật Pháp không còn hiệu lực đã đến tai hội thánh. Những trưởng lão sợ rằng những người Do Thái mới theo đạo Đấng Christ có thể bị vấp phạm trước những điều Phao-lô thẳng thắn nói về Luật Pháp và họ có thể kết luận là tín đồ Đấng Christ thiếu tôn trọng đối với sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va. Trong hội thánh, có bốn tín đồ gốc Do Thái đã hứa nguyện, có lẽ hứa nguyện làm người Na-xi-rê. Họ phải đến đền thờ để hoàn tất những đòi hỏi của lời hứa nguyện đó.

Các trưởng lão yêu cầu Phao-lô cùng đi với bốn người đến đền thờ và trả mọi phí tổn của họ. Phao-lô đã viết tối thiểu là hai lá thư được soi dẫn trong đó ông lý luận rằng không cần tuân giữ Luật Pháp để được cứu rỗi. Tuy nhiên, ông quan tâm đến lương tâm của những người khác. Trước đó, ông đã viết: “Với những người dưới quyền luật-pháp,... tôi cũng ở như kẻ dưới quyền luật-pháp, hầu được những người dưới quyền luật-pháp”. (1 Cô-rinh-tô 9:20-23) Dù không bao giờ hòa giải về những nguyên tắc quan trọng của Kinh Thánh, Phao-lô thấy rằng ông có thể nghe theo lời đề nghị của các trưởng lão. (Công-vụ 21:15-26) Không có gì sai khi ông làm điều đó. Không có gì trái Kinh Thánh về sự sắp đặt về việc hứa nguyện, và đền thờ đã được dùng để thờ phượng tinh sạch chứ không phải để thờ hình tượng. Và vì không muốn là cớ để vấp phạm, Phao-lô làm y theo lời đề nghị. (1 Cô-rinh-tô 8:13) Chắc chắn điều ấy đòi hỏi Phao-lô phải có nhiều khiêm nhường, một sự kiện khiến cho chúng ta càng thêm kính trọng ông.

[Hình nơi trang 22, 23]

Trong nhiều năm, những tín đồ Đấng Christ có quan điểm khác nhau về Luật Pháp Môi-se