Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Đối với mọi người tỏ ra một cách mềm-mại trọn-vẹn”

“Đối với mọi người tỏ ra một cách mềm-mại trọn-vẹn”

“Đối với mọi người tỏ ra một cách mềm-mại trọn-vẹn”

“Hãy nhắc lại cho các tín-đồ..., hãy dung-thứ [“phải lẽ”, “NW”], đối với mọi người tỏ ra một cách mềm-mại trọn-vẹn”.—TÍT 3:1, 2.

1. Tại sao biểu lộ tính mềm mại không phải lúc nào cũng dễ?

“HÃY bắt-chước tôi cũng như chính mình tôi bắt-chước Đấng Christ vậy”. (1 Cô-rinh-tô 11:1) Đó là lời của sứ đồ Phao-lô. Tất cả tôi tớ Đức Chúa Trời ngày nay đều cố gắng hết sức làm theo lời khuyên này. Quả thật, điều này không dễ dàng chút nào vì chúng ta thừa hưởng từ cha mẹ đầu tiên của nhân loại những ham muốn và tính khí ích kỷ, không phù hợp với gương mẫu của Đấng Christ. (Rô-ma 3:23; 7:21-25) Tuy nhiên, nếu nỗ lực, tất cả chúng ta đều có thể biểu lộ tính mềm mại. Nhưng chỉ bằng ý chí riêng thôi không đủ, thế thì cần có thêm điều gì khác?

2. Làm thế nào chúng ta có thể tỏ tính ‘mềm-mại trọn-vẹn đối với mọi người’?

2 Tính mềm mại phản ánh cá tính của Đức Chúa Trời là một phần trong bông trái thánh linh. Chúng ta càng phục tùng sự dẫn dắt của sinh hoạt lực Đức Chúa Trời bao nhiêu, bông trái thánh linh càng thể hiện rõ nơi chúng ta bấy nhiêu. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể tỏ tính “mềm-mại trọn-vẹn” với tất cả mọi người. (Tít 3:2) Hãy cùng xem xét làm thế nào chúng ta có thể noi theo gương Chúa Giê-su và khiến những người tiếp xúc với mình “được yên-nghỉ”, tức cảm thấy thoải mái.—Ma-thi-ơ 11:29; Ga-la-ti 5:22, 23.

Trong gia đình

3. Tình trạng nào trong gia đình phản ánh tinh thần thế gian?

3 Một trong những môi trường rất cần đến tính mềm mại là gia đình. Theo ước tính của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, nạn bạo hành trong gia đình gây nguy hiểm cho sức khỏe phụ nữ hơn cả tai nạn giao thông và bệnh sốt rét gộp lại. Chẳng hạn ở Luân Đôn, Anh Quốc, một phần tư tổng số vụ hành hung được thống kê là xảy ra trong gia đình. Cảnh sát thường gặp cảnh người ta “kêu-rêu, mắng-nhiếc” cho hả giận. Tệ hơn nữa, một số cặp vợ chồng đã để “sự cay-đắng” độc hại ảnh hưởng mối quan hệ của họ. Tất cả những điều này là một sự phản chiếu đáng buồn của ‘tinh thần thế-gian’, và do đó không thể chấp nhận được trong các gia đình tín đồ Đấng Christ.—Ê-phê-sô 4:31; 1 Cô-rinh-tô 2:12.

4. Tính mềm mại có ảnh hưởng nào trong gia đình?

4 Để cưỡng lại khuynh hướng thế gian, chúng ta cần có thánh linh Đức Chúa Trời. “Thánh-Linh của Chúa ở đâu, thì sự tự-do cũng ở đó”. (2 Cô-rinh-tô 3:17) Tình yêu thương, sự nhân từ, tự chủ và nhịn nhục giúp thắt chặt mối quan hệ giữa người vợ và người chồng bất toàn. (Ê-phê-sô 5:33) Tính mềm mại tạo không khí vui vẻ, cởi mở, tương phản với cảnh cãi vã, bất hòa gặm nhấm hạnh phúc nhiều gia đình. Điều một người nói là quan trọng nhưng chính cách diễn đạt mới thể hiện tình cảm và thái độ ẩn chứa trong câu nói. Bày tỏ những mối bận tâm, lo lắng một cách mềm mại sẽ làm dịu sự căng thẳng. Vua khôn ngoan Sa-lô-môn viết: “Lời đáp êm-nhẹ làm nguôi cơn-giận; còn lời xẳng-xớm trêu thạnh-nộ thêm”.—Châm-ngôn 15:1.

5. Sự mềm mại giúp ích thế nào trong một gia đình không cùng tôn giáo?

5 Sự mềm mại đặc biệt quan trọng trong một gia đình không cùng tôn giáo. Tâm thần dịu dàng và cách cư xử tử tế có thể cảm hóa những người chống đối, giúp họ phụng sự Đức Giê-hô-va. Phi-e-rơ khuyên những tín đồ Đấng Christ làm vợ: “Hãy phục chồng mình, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo Đạo, dẫu chẳng lấy lời khuyên-bảo, chỉ bởi cách ăn-ở của vợ, cũng đủ hóa theo, vì thấy cách ăn-ở của chị em là tinh-sạch và cung-kính. Chớ tìm-kiếm sự trang-sức bề ngoài, như gióc tóc, đeo đồ vàng, mặc áo quần lòe-loẹt; nhưng hãy tìm-kiếm sự trang-sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh-sạch chẳng hư-nát của tâm-thần dịu-dàng im-lặng, ấy là giá quí trước mặt Đức Chúa Trời”.—1 Phi-e-rơ 3:1-4.

6. Làm thế nào việc biểu lộ tính mềm mại thắt chặt sợi dây liên lạc giữa cha mẹ và con cái?

6 Quan hệ giữa cha mẹ và con cái có thể trở nên căng thẳng, đặc biệt khi gia đình thiếu lòng yêu mến Đức Giê-hô-va. Nhưng tất cả các gia đình tín đồ Đấng Christ cần tỏ sự mềm mại. Phao-lô khuyên những người làm cha: “Chớ chọc cho con-cái mình giận-dữ, hãy dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa mà nuôi-nấng chúng nó”. (Ê-phê-sô 6:4) Khi những người trong gia đình hay tỏ tính mềm mại, sợi dây liên lạc giữa cha mẹ và con cái được thắt chặt hơn. Anh Dean, xuất thân trong một gia đình có năm anh em, nhớ lại về cha: “Tính cha rất ôn hòa. Tôi nhớ chưa bao giờ cãi vã với cha, kể cả lúc ở tuổi thiếu niên. Cha luôn tỏ ra ôn hòa ngay cả khi bực bội. Đôi khi cha phạt tôi phải ở trong phòng hoặc không được hưởng một số đặc quyền nào đó, nhưng hai cha con không bao giờ cãi nhau. Ông không chỉ là một người cha mà còn là người bạn, và chúng tôi không bao giờ muốn làm ông buồn”. Quả thật, sự mềm mại giúp mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái gắn bó hơn.

Trong thánh chức

7, 8. Tại sao thể hiện thái độ mềm mại trong thánh chức rao giảng rất quan trọng?

7 Tính mềm mại còn quan trọng trong một lãnh vực khác, đó là thánh chức rao giảng. Khi chia sẻ tin mừng Nước Trời với người khác, chúng ta gặp người với đủ mọi tâm tính khác nhau. Một số sẵn lòng nghe thông điệp mang hy vọng mà chúng ta đem đến. Số khác có thể phản ứng tiêu cực vì nhiều lý do khác nhau. Chính những lúc như thế, tính mềm mại giúp chúng ta rất nhiều trong việc hoàn thành nhiệm vụ làm chứng cho đến đầu cùng trái đất.—Công-vụ 1:8; 2 Ti-mô-thê 4:5.

8 Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường-thường sẵn-sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông-cậy trong anh em, song phải hiền-hòa và kính-sợ”. (1 Phi-e-rơ 3:15) Vì ghi khắc gương mẫu Đấng Christ trong lòng, chúng ta cẩn thận thể hiện cả thái độ mềm mại và kính trọng khi làm chứng với những người cộc cằn thô lỗ. Thái độ này thường mang lại kết quả đáng kể.

9, 10. Hãy kể lại một kinh nghiệm cho thấy giá trị của tính mềm mại trong thánh chức rao giảng.

9 Khi vợ anh ra xem ai gõ cửa, Keith đang ở trong nhà. Khi biết đó là một Nhân Chứng Giê-hô-va, vợ Keith tức giận cáo buộc Nhân Chứng về tội độc ác với trẻ con. Anh Nhân Chứng vẫn bình tĩnh và mềm mại trả lời: “Tôi rất tiếc bà cảm thấy như thế. Xin cho phép tôi được giải thích về niềm tin của Nhân Chứng Giê-hô-va”. Keith đã theo dõi cuộc nói chuyện và bước ra kết thúc cuộc viếng thăm tại đó.

10 Sau đó, hai vợ chồng cảm thấy áy náy vì đã đối xử thô lỗ với vị khách viếng thăm. Tính cách mềm mại của anh khiến họ cảm kích. Nhưng rồi trước sự ngạc nhiên của họ, một tuần sau anh này trở lại và vợ chồng Keith đã để anh dùng Kinh Thánh giải thích những điều anh tin. Về sau họ nói: “Trong hai năm sau đó, chúng tôi đã lắng nghe nhiều Nhân Chứng khác giảng”. Họ đồng ý học hỏi Kinh Thánh và cuối cùng cả hai đã làm báp têm biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Quả là một điều thỏa nguyện cho anh Nhân Chứng đầu tiên đến thăm vợ chồng Keith! Nhiều năm sau, anh đã có dịp gặp lại họ và biết rằng họ đã trở thành anh chị em đồng đạo. Sự mềm mại chiến thắng.

11. Bằng cách nào tính mềm mại của chúng ta có thể giúp người khác dễ chấp nhận lẽ thật đạo Đấng Christ hơn?

11 Kinh nghiệm đời lính của Harold khiến ông cay đắng và nghi ngờ sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Tệ hơn nữa, ông còn bị một tai nạn giao thông do một tài xế say rượu gây ra, khiến ông vĩnh viễn phải chịu tàn tật. Khi Nhân Chứng Giê-hô-va đến thăm, Harold yêu cầu họ đừng bao giờ đến nữa. Nhưng một ngày nọ, một anh Nhân Chứng tên Bill định đến thăm một người chú ý Kinh Thánh ở cách nhà Harold hai căn. Do nhầm lẫn, Bill lại đến gõ cửa nhà Harold. Khi Harold chống nạng ra mở cửa, Bill lập tức xin lỗi và giải thích anh có ý ghé thăm một nhà khác gần đó. Harold đã phản ứng thế nào? Bill đâu ngờ rằng trước đó Harold đã xem một mẩu tin thời sự trên truyền hình về việc các Nhân Chứng cùng chung sức xây cất một Phòng Nước Trời mới trong thời gian rất ngắn. Khâm phục khi thấy rất nhiều người làm việc hòa hợp với nhau, ông thay đổi thái độ đối với Nhân Chứng. Cảm kích trước lời xin lỗi tử tế và thái độ mềm mại đáng mến của Bill, ông quyết định cho phép Nhân Chứng đến thăm. Ông học Kinh Thánh, tiến bộ và đã làm báp têm trở thành tôi tớ của Đức Giê-hô-va.

Trong hội thánh

12. Các thành viên trong hội thánh đạo Đấng Christ nên cưỡng lại những tính cách nào của thế gian?

12 Môi trường thứ ba rất cần đến tính mềm mại là hội thánh tín đồ Đấng Christ. Xung đột thường xảy ra trong xã hội ngày nay. Tranh luận, cãi vã, tranh cạnh là chuyện thường nhật của những người sống theo quan điểm thế gian. Đôi khi những tính cách đó của thế gian len lỏi vào hội thánh đạo Đấng Christ và gây ra những cuộc xung đột, cãi vã. Các anh có trách nhiệm rất khổ tâm khi phải giải quyết những tình huống như thế. Tuy nhiên, tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và anh em khiến họ cố gắng giúp những người phạm lỗi ăn năn và trở lại.—Ga-la-ti 5:25, 26.

13, 14. Việc ‘mềm-mại sửa-dạy những kẻ chống-trả’ có thể mang lại kết quả nào?

13 Vào thế kỷ thứ nhất, Phao-lô và bạn đồng hành của ông là Ti-mô-thê đã gặp khó khăn với một số người trong hội thánh. Phao-lô khuyên Ti-mô-thê nên cảnh giác với những anh em giống như bình ‘dùng cho việc hèn’. Phao-lô lý luận: “Tôi-tớ của Chúa không nên ưa sự tranh-cạnh; nhưng phải ở tử-tế với mọi người, có tài dạy-dỗ, nhịn-nhục, dùng cách mềm-mại mà sửa-dạy những kẻ chống-trả”. Nếu chúng ta gắng giữ sự ôn hòa mềm mại khi bị khiêu khích, điều đó thường sẽ khiến những người gây chuyện xét lại lời chỉ trích của họ. Khi ấy, như Phao-lô viết thêm, Đức Giê-hô-va có thể “ban cho họ sự ăn-năn để nhìn biết lẽ thật”. (2 Ti-mô-thê 2:20, 21, 24, 25) Hãy lưu ý Phao-lô liên kết sự tử tế và nhịn nhục với tính mềm mại.

14 Phao-lô đã sống theo những gì ông dạy. Khi đối phó với những ‘sứ-đồ cao trọng’ trong hội thánh Cô-rinh-tô, ông khuyến giục anh em: “Tôi là Phao-lô, bởi sự nhu-mì, nhân-từ của Đấng Christ mà xin anh em,—tôi là người hèn-hạ lắm trong khi gặp mặt giữa anh em, nhưng lúc vắng mặt, đối với anh em, tỏ ra biết bao là dạn-dĩ”. (2 Cô-rinh-tô 10:1; 11:5) Phao-lô quả thật đã noi gương Đấng Christ. Hãy lưu ý ông đã kêu gọi anh em với “sự nhu-mì” hoặc mềm mại của Đấng Christ. Như vậy, ông đã tránh thái độ kẻ cả, độc đoán. Lời khuyên của ông chắc chắn thu hút những người có lòng nhạy cảm trong hội thánh. Ông đã xoa dịu các mối quan hệ căng thẳng và đặt nền tảng cho sự hòa thuận và hợp nhất trong hội thánh. Đây chẳng phải là cách cư xử mà tất cả chúng ta đều có thể cố gắng noi theo sao? Các trưởng lão đặc biệt cần theo sát gương của Đấng Christ và Phao-lô trong những hành động của họ.

15. Tại sao mềm mại khi cho lời khuyên là quan trọng?

15 Trách nhiệm giúp người khác chắc chắn không chỉ giới hạn trong những lúc sự hòa thuận và hợp nhất của hội thánh bị đe dọa. Trước khi quan hệ trở nên căng thẳng, anh em cần được hướng dẫn với thái độ yêu thương. Phao-lô khuyên: “Hỡi anh em, ví bằng có người nào tình-cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Đức Thánh-Linh, hãy... sửa họ lại”. Nhưng sửa như thế nào? Với “lòng mềm-mại...; chính mình anh em lại phải giữ, e cũng bị dỗ-dành chăng”. (Ga-la-ti 6:1) Giữ “lòng mềm-mại” không phải lúc nào cũng dễ, đặc biệt vì mọi tín đồ Đấng Christ, kể cả những người được bổ nhiệm, đều chịu ảnh hưởng của khuynh hướng tội lỗi. Tuy nhiên, chính thái độ mềm mại của người khuyên sẽ giúp người lầm lỗi dễ sửa đổi hơn.

16, 17. Điều gì có thể giúp người lầm lỗi không ngại áp dụng lời khuyên?

16 Trong nguyên ngữ Hy Lạp, từ được dịch là “sửa” ở đây còn được dùng để nói về việc sắp hoặc nắn lại xương gãy, một động tác luôn gây đau đớn. Các bác sĩ muốn trấn an bệnh nhân thường tích cực nói đến lợi ích của việc điều trị. Thái độ điềm tĩnh của họ khiến người bệnh an tâm. Vài lời trấn an trước có thể làm giảm bớt cảm giác đau đớn, sợ hãi. Tương tự thế, sự sửa trị về phương diện thiêng liêng có thể cũng đau đớn. Nhưng sự mềm mại sẽ khiến điều đó dễ chấp nhận hơn, nhờ đó khôi phục được các mối quan hệ tốt đẹp và giúp người lầm lỗi dễ thay đổi. Ngay cả nếu người lầm lỗi thoạt đầu có vẻ không muốn nghe lời khuyên bảo, sự mềm mại của người giúp đỡ có thể đánh tan sự ngần ngại, khiến người đó vâng theo lời khuyên khôn ngoan của Kinh Thánh.—Châm-ngôn 25:15.

17 Khi giúp người khác sửa đổi, lời khuyên bảo của chúng ta thường dễ bị xem như lời chỉ trích. Một tác giả viết như sau: “Không khi nào mà chúng ta dễ tỏ ra quyết đoán thái quá như là khi khuyên bảo người khác, và vì vậy lúc đó càng cần có sự nhu mì”. Trau dồi tính mềm mại xuất phát từ lòng khiêm nhường sẽ giúp tín đồ Đấng Christ tránh nguy hiểm này khi cho lời khuyên.

“Đối với mọi người”

18, 19. (a) Tại sao tín đồ Đấng Christ có thể thấy khó tỏ ra mềm mại khi tiếp xúc với nhà cầm quyền? (b) Điều gì sẽ giúp tín đồ Đấng Christ tỏ ra mềm mại với nhà cầm quyền, và điều đó có thể mang lại kết quả nào?

18 Một lãnh vực mà nhiều người thấy khó tỏ ra mềm mại là khi tiếp xúc với nhà cầm quyền. Công nhận là một số người có chức quyền cư xử rất hống hách và thiếu thông cảm. (Truyền-đạo 4:1; 8:9) Tuy nhiên, tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta công nhận quyền tối cao của Ngài và vâng phục một cách tương đối uy quyền chính đáng của các chính phủ. (Rô-ma 13:1, 4; 1 Ti-mô-thê 2:1, 2) Ngay cả khi những người có chức quyền tìm cách giới hạn sự thờ phượng Đức Giê-hô-va qua công việc rao giảng, chúng ta vẫn sẵn lòng tìm cách khác để dâng tế lễ bằng lời ngợi khen.—Hê-bơ-rơ 13:15.

19 Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta không bao giờ tỏ thái độ thù nghịch. Chúng ta cố gắng tỏ ra phải lẽ, và đồng thời không bao giờ xem nhẹ các nguyên tắc công bình. Bằng cách này, anh em chúng ta đã thành công tiếp tục thánh chức trong 234 xứ trên thế giới. Chúng ta nghe theo lời khuyên của Phao-lô: “Phải vâng-phục những bậc cầm quyền chấp-chánh, phải vâng lời các bậc ấy, sẵn-sàng làm mọi việc lành, chớ nói xấu ai, chớ tranh-cạnh, hãy dung-thứ [“phải lẽ”, NW], đối với mọi người tỏ ra một cách mềm-mại trọn-vẹn”.—Tít 3:1, 2.

20. Những phần thưởng nào chờ đón những người tỏ tính mềm mại?

20 Phước ân đầy tràn dành sẵn cho tất cả những ai biểu lộ tính mềm mại. Chúa Giê-su tuyên bố: “Phước cho những kẻ nhu-mì, vì sẽ hưởng được đất!” (Ma-thi-ơ 5:5) Nếu giữ sự nhu mì hoặc mềm mại, các anh em được xức dầu của Đấng Christ được bảo đảm sẽ có niềm vui và đặc ân cai trị phần lãnh thổ trên đất của Nước Trời. Còn đám đông “vô-số người” thuộc lớp “chiên khác” thì tiếp tục biểu lộ tính mềm mại và trông mong đời sống trong Địa Đàng ngay trên đất. (Khải-huyền 7:9; Giăng 10:16; Thi-thiên 37:11) Quả là triển vọng tuyệt vời trước mắt! Vì thế, chúng ta chớ bao giờ coi thường lời Phao-lô nhắc nhở tín đồ Đấng Christ thành Ê-phê-sô: “Vậy, tôi là kẻ tù trong Chúa, khuyên anh em phải ăn-ở một cách xứng-đáng với chức-phận mà Chúa đã gọi anh em, phải khiêm-nhường đến điều, mềm-mại đến điều”.Ê-phê-sô 4:1, 2, chúng tôi viết nghiêng.

Để ôn lại

• Chúng ta có được những ân phước nào khi biểu lộ tính mềm mại

• trong gia đình?

• trong thánh chức rao giảng?

• trong hội thánh?

• Những người có tính mềm mại được hứa cho các phần thưởng nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 21]

Tính mềm mại đặc biệt cần thiết trong một gia đình không cùng tôn giáo

[Hình nơi trang 21]

Tính mềm mại thắt chặt sợi dây liên lạc trong gia đình

[Hình nơi trang 23]

Biện hộ bằng cách mềm mại và kính trọng

[Hình nơi trang 24]

Sự mềm mại của người cho lời khuyên có thể giúp người lầm lỗi