Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tòa Án Tối Cao ủng hộ sự thờ phượng thật tại “xứ A-ra-rát”

Tòa Án Tối Cao ủng hộ sự thờ phượng thật tại “xứ A-ra-rát”

Tòa Án Tối Cao ủng hộ sự thờ phượng thật tại “xứ A-ra-rát”

Một người cha tóc hoa râm, người Armenia, có ba đứa con, đứng trước tòa án cấp cao nhất tại xứ ông. Sự tự do của chính ông và của nhiều bạn đồng đức tin còn hay mất là tùy thuộc vào vụ xét xử này. Tòa Án lắng nghe ông giải thích niềm tin mình bằng những câu Kinh Thánh trích dẫn. Để hiểu làm thế nào phiên tòa này đã đem lại thắng lợi lớn lao cho sự thờ phượng thật tại xứ này, chúng ta hãy cùng xem xét những diễn biến dẫn đến phiên xử.

XỨ ARMENIA nằm phía đông Thổ Nhĩ Kỳ và về phía nam dãy núi hùng vĩ Caucasus. Nơi đây có hơn ba triệu dân cư. Thủ đô xứ này là Yerevan, với cảnh quang nổi bật của hai ngọn núi A-ra-rát, nơi mà theo truyền thuyết, con tàu của Nô-ê đã tấp lại sau trận Đại Hồng Thủy toàn cầu.—Sáng-thế Ký 8:4. *

Nhân Chứng Giê-hô-va đã bắt đầu các hoạt động của tín đồ Đấng Christ tại Armenia từ năm 1975. Vào năm 1991, sau khi Armenia giành được độc lập từ cựu Liên Bang Xô Viết, một Hội Đồng Tôn Giáo Sự Vụ của Nhà Nước đã được thành lập để các tổ chức tôn giáo đến đăng ký. Tuy nhiên, hội đồng này đã liên tục từ chối đơn xin đăng ký của Nhân Chứng Giê-hô-va, chủ yếu là vì vấn đề trung lập của tín đồ Đấng Christ. Do đó, từ năm 1991 hơn 100 Nhân Chứng trẻ tại Armenia đã bị kết tội và đa số bị bắt giam vì đã giữ lập trường của Kinh Thánh trong vấn đề nghĩa vụ quân sự.

Hội Đồng này cũng yêu cầu văn phòng công tố của chính phủ điều tra hoạt động tôn giáo của Lyova Margaryan, một trưởng lão tín đồ Đấng Christ và cũng là một luật sư đắc lực làm việc cho một nhà máy phát điện hạt nhân ở địa phương. Cuối cùng, anh Margaryan đã bị kết tội theo Điều Luật 244, một điều luật của Liên Xô đã được thông qua từ thời Khrushchev còn sót lại, nhằm ngăn trở và loại trừ Nhân Chứng Giê-hô-va cũng như các nhóm tôn giáo khác.

Theo đạo luật ấy, việc tổ chức hay cầm đầu một nhóm tôn giáo lợi dụng danh nghĩa truyền giáo để ‘dẫn dụ người trẻ tham gia vào những buổi nhóm họp của một tôn giáo chưa đăng ký’ và ‘sách động các thành viên từ chối làm nghĩa vụ công dân’ là một tội danh. Để hỗ trợ luận điệu của mình, công tố viên đã nhắm vào sự hiện diện của các em trẻ ở tuổi vị thành niên tại các buổi nhóm do anh Margaryan điều khiển tại thành phố Metsamor. Công tố viên cũng cho rằng anh Margaryan đã ép buộc các thành viên trẻ của hội thánh phải từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự.

Cuộc xét xử bắt đầu

Cuộc xét xử bắt đầu vào ngày Thứ Sáu, 20-7-2001, tại tòa án huyện ở Armavir, do Thẩm Phán Manvel Simonyan chủ trì. Vụ xét xử đã kéo dài gần đến cuối tháng 8. Trước tòa, các nhân chứng bên nguyên cuối cùng đã nhận rằng các nhân viên Bộ An Ninh Quốc Gia (khi trước gọi là KGB) đã đọc một phần các lời khai cho họ viết hầu kết tội anh Margaryan, và cũng buộc họ phải ký vào bản khai. Trong một trường hợp, một phụ nữ đã thú nhận rằng một viên chức Bộ An Ninh đã bảo chị phải khai rằng “Nhân Chứng Giê-hô-va chống lại chính quyền và tôn giáo của chúng ta”. Phụ nữ này đã thú nhận là chị không hề quen biết bất kỳ một Nhân Chứng Giê-hô-va nào, mà chỉ được nghe những lời cáo buộc họ trên đài truyền hình quốc gia.

Khi đến lượt anh Margaryan, anh đã chứng minh rằng những em trẻ ở tuổi vị thành niên tham dự các buổi nhóm của Nhân Chứng Giê-hô-va có sự đồng ý của cha mẹ. Anh cũng giải thích nghĩa vụ quân sự là một quyết định cá nhân. Công tố viên đã thực hiện cuộc thẩm vấn trong nhiều ngày liên tiếp. Anh Margaryan đã dùng Kinh Thánh điềm tĩnh trả lời các câu hỏi liên quan đến niềm tin của mình, trong khi công tố viên kiểm chứng lại các câu Kinh Thánh trích dẫn trong chính Kinh Thánh của ông ta.

Ngày 18-9-2001, thẩm phán tuyên bố anh Margaryan “vô tội”, vì “không có một bằng cớ phạm tội nào” trong hoạt động của anh. Hãng thông tấn Associated Press đưa ra một bản tin đáng lưu ý về vụ án. Bản tin ghi: “Một người cầm đầu các Nhân Chứng Giê-hô-va tại Armenia hôm nay đã được tha bổng về tội kêu gọi cải đạo và ép buộc thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự. Sau hai tháng xét xử, Tòa Án tuyên bố không đủ chứng cớ buộc tội ông Levon Markarian [Lyova Margaryan], người cầm đầu. Ông suýt bị kết án năm năm tù... Mặc dù Hiến Pháp của Armenia đảm bảo tự do tôn giáo, nhưng các nhóm tôn giáo mới rất khó đăng ký hoạt động, và luật lệ dành ưu tiên cho Giáo Hội Tông Đồ Armenia, tôn giáo chính ở xứ này”. Trong một thông báo gửi đến báo chí ngày 18-9-2001, Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu (OSCE) phát biểu: “Mặc dù tán thành phán quyết, nhưng Văn Phòng OSCE vẫn tiếc rằng vụ truy tố này đã xảy ra”.

Vụ truy tố tiếp diễn

Thế nhưng các công tố viên đã kháng án, và tòa thượng thẩm lại kéo dài vụ xét xử thêm bốn tháng nữa. Vào đầu cuộc xét xử, khi đến lượt anh Margaryan khai, câu hỏi đầu tiên do một thẩm phán của bồi thẩm đoàn đặt ra. Vừa bắt đầu trả lời, anh Margaryan đã bị chủ tọa cắt lời và phản bác. Sau đó, bà ta không cho phép anh Margaryan trả lời xong bất cứ câu hỏi nào. Không nêu rõ lý do, chủ tọa này cũng đã loại khỏi bản cung khai đa số những câu hỏi của luật sư biện hộ nêu ra cho anh. Trong suốt phiên xử, những người cuồng tín chống lại Nhân Chứng đến xem đông nghẹt, và liên hồi la hét chửi rủa anh Margaryan. Sau phiên tòa, nhiều bản báo cáo sai lạc và xuyên tạc về vụ xét xử đã được phát trên truyền hình, chẳng hạn như nói rằng anh Margaryan cuối cùng đã nhận tội.

Khoảng giữa giai đoạn xét xử, chủ tọa bồi thẩm đoàn gồm ba thẩm phán đã khiến những người dự khán ngạc nhiên khi đưa ra một lá thư của Hội Đồng Tôn Giáo Sự Vụ của Nhà Nước yêu cầu văn phòng công tố viên có những biện pháp trừng trị anh Margaryan. Hành động này đã khiến các quan sát viên quốc tế tại phiên tòa ngạc nhiên, vì trong đơn xin nhập vào Hội Đồng Châu Âu, Armenia đã chấp nhận trách nhiệm “bảo đảm cho các Giáo Hội hoặc các cộng đồng tôn giáo, đặc biệt các nhóm được xem là ‘không theo truyền thống’, có thể thực hành tôn giáo họ mà không bị phân biệt đối xử”.

Khi vụ xét xử tiếp diễn trong nhiều tuần sau đó, không khí ngày càng trở nên căng thẳng. Những kẻ chống đối tiếp tục quấy rối và tấn công các Nhân Chứng bên trong và bên ngoài tòa án. Những phụ nữ Nhân Chứng đã bị đá vào ống chân. Khi một Nhân Chứng bị tấn công nhưng không trả đũa, anh đã bị đánh từ phía sau vào cột sống và phải đưa vào bệnh viện.

Trong lúc ấy, một chánh án mới đã được chỉ định để chủ tọa vụ kiện. Mặc dù một số người trong cử tọa tìm cách hăm dọa luật sư biện hộ, nhưng vị chủ tọa mới này vẫn làm chủ tình thế, thậm chí ra lệnh cho cảnh sát đuổi ra khỏi tòa một phụ nữ la ó hăm dọa luật sư biện hộ.

Đưa lên Tòa Án Tối Cao Armenia

Cuối cùng, vào ngày 7-3-2002, tòa thượng thẩm đã ủng hộ phán quyết của tòa sơ thẩm. Lạ thay, trước ngày thông báo phán quyết, Hội Đồng Tôn Giáo Sự Vụ của Nhà Nước đã bị giải thể. Một lần nữa, bên nguyên lại chống án, và lần này vấn đề được trình lên tòa án cấp cao nhất ở Armenia—Tòa Phá Án. Giờ thì các công tố viên yêu cầu Tòa Án xử lại vụ này để “công bố bản án kết tội”.

Bồi thẩm đoàn gồm sáu thẩm phán, do Chánh Án Mher Khachatryan chủ tọa, đã mở phiên tòa vào lúc 11 giờ sáng ngày 19-4-2002. Trong lời mở đầu, một trong các công tố viên đã tỏ ý phẫn nộ vì hai tòa án trước đã không buộc tội anh Margaryan. Tuy nhiên, lần này, chính công tố viên này đã bị cắt lời và bị bốn thẩm phán thẩm vấn. Một thẩm phán đã gắt gao phê phán ông đã tìm cách làm Tòa Án có định kiến khi đưa công việc truyền giáo và tình trạng chưa đăng ký của Nhân Chứng Giê-hô-va vào bản cáo trạng kết tội anh Margaryan—cả hai điều này đều không bị coi là tội danh trong Điều Luật 244. Tiếp theo, thẩm phán đã cho rằng hành động này của bên khởi tố chẳng khác nào “mượn cớ xét xử để bắt bớ”. Một thẩm phán khác đã đưa ra nhiều vụ án do Tòa Án Châu Âu xét xử, trong đó các Nhân Chứng Giê-hô-va được công nhận là “tôn giáo chính thức” có quyền được bảo vệ bởi Công Ước Nhân Quyền Châu Âu. Trong lần xử này, một tu sĩ trong phòng xử án đã la ó rằng Nhân Chứng Giê-hô-va gây chia rẽ đất nước. Tòa ra lệnh cho ông ta giữ im lặng.

Rồi các thẩm phán gọi Lyova Margaryan lên từ phía cử tọa—một điều chưa hề xảy ra tại tòa án tối cao này. Anh Margaryan đã làm chứng tốt về lập trường theo Kinh Thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va trong nhiều vấn đề. (Mác 13:9) Sau cuộc nghị án ngắn, Tòa Án đã trở lại và cùng nhất trí với phán quyết cho rằng anh Margaryan “vô tội”. Anh Margaryan thấy nhẹ nhõm hẳn. Trong bản phán quyết có ghi: “Theo luật pháp hiện hành, hoạt động này [của Lyova Margaryan] không bị xem là một tội, và loại tố cáo này đi ngược lại với Điều Luật 23 của Hiến Pháp Armenia và với Điều Luật 9 của Công Ước Châu Âu”.

Ảnh hưởng của phán quyết

Nếu bên nguyên thắng, hẳn việc đó đã mở đường cho những vụ truy tố các trưởng lão Nhân Chứng khác trong các hội thánh trên toàn lãnh thổ Armenia. Hy vọng rằng phán quyết rõ ràng của Tòa Án sẽ ngăn ngừa những quấy rối như thế. Một quyết định bất lợi cũng có thể là một cớ để chính quyền tiếp tục từ chối không cho Nhân Chứng Giê-hô-va đăng ký hoạt động. Mừng thay, Tòa Án nay đã dẹp bỏ được cớ ngụy tạo này.

Trong tương lai chúng ta sẽ biết rõ là hơn 7.000 Nhân Chứng Giê-hô-va trên đất nước này sẽ được đăng ký hoạt động hay không. Trong khi chờ đợi, sự thờ phượng thật vẫn tiếp tục tiến triển tại “xứ A-ra-rát”.

[Chú thích]

^ đ. 3 Đây là một lý do tại sao người dân Armenia liên kết xứ họ với Núi A-ra-rát. Vào thời cổ, Armenia là một vương quốc rộng lớn mà lãnh thổ trải rộng khắp rặng núi này. Bởi đó, nơi Ê-sai 37:38, bản dịch Kinh Thánh Septuagint tiếng Hy Lạp đã dịch từ ngữ “xứ A-ra-rát” là “Armenia”. Núi A-ra-rát hiện nay nằm ở Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới phía đông xứ này.

[Hình nơi trang 12]

Anh Lyova Margaryan tại phiên tòa xét xử

[Hình nơi trang 13]

Anh Margaryan và gia đình