Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va quan tâm đến những người bình thường

Đức Giê-hô-va quan tâm đến những người bình thường

Đức Giê-hô-va quan tâm đến những người bình thường

CHÚNG TA có cần phải là những người xuất sắc hay nổi bật theo cách nào đó để được Đức Chúa Trời chú ý đến không? Người ta trích câu sau đây của ông Abraham Lincoln, tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ: “Chúa ưa thích những người bình thường. Đó là lý do tại sao Ngài đã tạo nên nhiều người như thế”. Nhiều người cảm thấy họ là những con người bình thường không có điểm nào đáng lưu ý. Là người bình thường có thể hàm ý là người nghèo, thua kém. Tương tự như vậy, từ “tầm thường” có thể chỉ việc không có những đặc quyền hoặc địa vị đặc biệt, ở dưới những chuẩn mực bình thường, hoặc ngay cả thuộc hạng kém. Bạn thích gần gũi với những hạng người nào? Những người ngạo mạn, quyết đoán, tự cao chăng? Không phải bạn thích gần gũi những người thân thiện, khiêm nhường, không kiểu cách, bày tỏ sự quan tâm thành thật và nồng ấm đến những người khác hơn sao?

Vì sự ức hiếp và chế giễu là chuyện rất thông thường ở thế gian ngày nay, nên một số người thấy khó tin rằng chính Đức Chúa Trời thật sự quan tâm đến họ. Một bạn đọc tạp chí này viết rằng: “Tôi sinh ra trong một gia đình rất ít bày tỏ yêu thương. Tôi bị khinh thường, trêu chọc, và cười nhạo. Bởi thế, từ khi còn bé tôi đã cảm thấy mình vô dụng. Tôi vẫn còn mang nặng những mặc cảm từ thời quá khứ nên khi bị hoạn nạn cũng dễ làm tôi ngã lòng”. Thế nhưng, có những lý do để tin rằng chính Đức Chúa Trời quan tâm đến những người bình thường.

Đức Chúa Trời quan tâm đến những người tầm thường

Vua Đa-vít viết: “Đức Giê-hô-va là lớn và đáng ngợi-khen thay; sự cao-cả Ngài không thể dò-xét được”. (Thi-thiên 145:3) Tuy nhiên, điều này không ngăn cản Đức Giê-hô-va săn sóc chúng ta với lòng yêu thương và trắc ẩn. (1 Phi-e-rơ 5:7) Chẳng hạn như người viết Thi-thiên có nói: “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau-thương, và cứu kẻ nào có tâm-hồn thống-hối”.—Thi-thiên 34:18.

Những điều gợi sự chú ý của người ta ở thế gian này, chẳng hạn như sắc đẹp, thanh thế, hoặc sự giàu có, không phải là những điều Đức Chúa Trời xem là quan trọng. Luật Pháp của Đức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên biểu lộ lòng quan tâm trắc ẩn của Ngài đối với người nghèo, kẻ mồ côi, người góa bụa, và khách ngoại bang. Đức Chúa Trời đã nói như sau với dân Y-sơ-ra-ên từng bị đối đãi tàn nhẫn ở xứ Ai Cập: “Ngươi chớ nên bạc-đãi khách ngoại-bang, và cũng chẳng nên hà-hiếp họ... Các ngươi chớ ức-hiếp một người góa-bụa hay là một kẻ mồ-côi nào. Nếu ức-hiếp họ, và họ kêu-van ta, chắc ta sẽ nghe tiếng kêu của họ”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:21-24) Ngoài ra, nhà tiên tri Ê-sai đã bày tỏ lòng tin cậy nơi sự quan tâm của Đức Chúa Trời đối với những người thấp hèn: “Ngài là nơi bền-vững cho kẻ nghèo, đồn-lũy cho kẻ thiếu-thốn trong lúc khó-khăn, chỗ đụt cho khỏi bão, chỗ bóng mát cho khỏi nắng, khi những kẻ cường-bạo thổi hơi ra như bão, xông vào tường-thành”.—Ê-sai 25:4.

Suốt thời gian rao giảng, Chúa Giê-su Christ, “hình-bóng” tức hình ảnh trung thực của Đức Chúa Trời, đã nêu gương cho các môn đồ ngài trong việc bày tỏ lòng quan tâm thành thật đến những người tầm thường. (Hê-bơ-rơ 1:3) Khi thấy đoàn dân “cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn”, Chúa Giê-su đã “động lòng thương-xót”.—Ma-thi-ơ 9:36.

Cũng hãy xem Chúa Giê-su đã chọn những hạng người nào để làm sứ đồ của ngài—những người được mô tả là “thường dân thiếu học”. (Công-vụ 4:13, An Sơn Vị) Sau khi Chúa Giê-su chết, các môn đồ ngài đã bắt đầu mời mọi hạng người đến nghe Lời Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô viết rằng “người chẳng tin hoặc kẻ tầm-thường” đều có thể vào hội thánh của tín đồ Đấng Christ và trở thành môn đồ. (1 Cô-rinh-tô 14:24, 25) Thay vì chỉ chọn những người được ngưỡng mộ theo tiêu chuẩn của thế gian, Đức Chúa Trời đã chọn những người giản dị, bình thường để hầu việc Ngài. Sứ đồ Phao-lô nói: “Hỡi anh em, hãy suy-xét rằng ở giữa anh em là kẻ đã được gọi, không có nhiều người khôn-ngoan theo xác-thịt, chẳng nhiều kẻ quyền-thế, chẳng nhiều kẻ sang-trọng. Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế-gian để làm hổ-thẹn những kẻ khôn; Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế-gian để làm hổ-thẹn những sự mạnh; Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn-hạ và khinh-bỉ ở thế-gian, cùng những sự không có, hầu cho làm những sự có ra không có, để chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời”.—1 Cô-rinh-tô 1:26-29.

Ngày nay cũng thế, Đức Chúa Trời thành thật quan tâm đến chúng ta. Ngài muốn cho “mọi người được cứu-rỗi và hiểu-biết lẽ thật”. (1 Ti-mô-thê 2:4) Nếu Đức Chúa Trời đã yêu thương nhân loại đến độ đã sai Con Ngài xuống thế gian để chết cho chúng ta, chúng ta không có lý do nào để cảm thấy mình không được yêu thương hay không có giá trị gì. (Giăng 3:16) Chúa Giê-su Christ cho các môn đồ ngài biết rằng việc họ đối xử với người anh em hèn mọn nhất trong số các anh em thiêng liêng của ngài cũng quan trọng như đối xử với chính ngài vậy. Ngài nói: “Hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn-mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy”. (Ma-thi-ơ 25:40) Bất chấp thế gian nhìn chúng ta như thế nào, nếu yêu mến lẽ thật, chúng ta là đặc biệt dưới mắt Đức Chúa Trời.

Đấy là cảm nghĩ của Francisco, * một cậu bé mồ côi cha ở Brazil, sau khi em vun trồng mối quan hệ cá nhân với Đức Chúa Trời. Em giải thích: “Sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va và tổ chức Ngài đã giúp em đối đầu với những cảm giác bất an và nhút nhát. Em đã hiểu ra là chính Đức Giê-hô-va quan tâm đến mỗi người trong chúng ta”. Đối với Francisco, Đức Giê-hô-va đã trở nên một người Cha thật sự.

Quan tâm đến những người trẻ

Đức Giê-hô-va quan tâm thật sự đến những người trẻ không chỉ theo tập thể, mà theo từng cá nhân một. Dĩ nhiên, dù trẻ hay già, chúng ta không bao giờ muốn nghĩ quá cao về chính mình. Thế nhưng, chúng ta có thể có những tài năng và đức tính mà Đức Chúa Trời sẽ sử dụng trong tương lai. Đức Giê-hô-va biết chúng ta cần được tôi luyện và rèn tập như thế nào để tận dụng tiềm năng mình. Ví dụ, hãy lưu ý lời tường thuật trong 1 Sa-mu-ên chương 16. Vì nhà tiên tri Sa-mu-ên nghĩ những người khác hình như hội đủ tiêu chuẩn hơn để làm vua, nên Đức Giê-hô-va đã phải giải thích những lý do vì sao Ngài đã chọn Đa-vít, con trai út của Y-sai, để làm vua tương lai cho Y-sơ-ra-ên. Ngài nói: “Chớ xem về bộ-dạng và hình-vóc cao lớn của nó [người anh của Đa-vít], vì ta đã bỏ nó. Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn-thấy trong lòng”.—1 Sa-mu-ên 16:7.

Những người trẻ ngày nay có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va thật sự quan tâm đến họ không? Hãy xem trường hợp của Ana, một phụ nữ trẻ người Brazil. Giống nhiều người trẻ khác, cô rất lo âu khi thấy nạn tham nhũng và bất công. Thế rồi cha cô đã đưa cô và các em cô đến các buổi họp của tín đồ Đấng Christ. Với thời gian, cô thích những điều học được về Lời Đức Chúa Trời. Ana đã bắt đầu đọc Kinh Thánh cùng với những sách báo đạo Đấng Christ và cầu nguyện với Đức Chúa Trời Giê-hô-va. Dần dần cô đã phát triển được mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời. Cô giải thích: “Tôi thích đạp xe đến ngọn đồi gần nhà để ngắm nhìn cảnh mặt trời lặn tuyệt đẹp. Tôi đã cầu nguyện cảm tạ Đức Giê-hô-va về lòng nhân từ và rộng lượng của Ngài, cố gắng nói cho Ngài biết tôi yêu mến Ngài đến độ nào. Nhờ biết Đức Giê-hô-va và các ý định của Ngài mà tôi có được sự bình an tâm hồn và cảm giác an toàn”. Bạn có thử tìm thì giờ để suy ngẫm về sự chăm sóc đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va không?

Đúng là hoàn cảnh của chúng ta có thể khiến chúng ta khó có được mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn như trường hợp của Lidia. Khi em tâm sự với cha em về một vấn đề mà cá nhân em rất quan tâm, cha em chỉ gạt phắt đi và nói: “Chuyện nhảm”. Mặc dù biết cha muốn em quên vấn đề ấy đi, nhưng Lidia nói: “Học Kinh Thánh cho em mọi thứ mà em mong ước và còn nhiều hơn nữa. Cá tính thu hút của Đức Giê-hô-va khiến Ngài thành người bạn tốt nhất của em. Nay em đã có người Cha yêu thương và thông cảm để trút hết những xúc cảm và những nỗi lo sợ thầm kín nhất. Em có thể nói chuyện nhiều giờ liền với Đấng quan trọng nhất vũ trụ, và tin chắc rằng Ngài sẽ lắng nghe em”. Những đoạn Kinh Thánh như Phi-líp 4:6, 7 đã giúp em cảm biết sự chăm sóc đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va. Đoạn ấy viết: “Chớ lo-phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus-Christ”.

Được giúp đỡ để chăm lo nhu cầu bạn

Đức Giê-hô-va bày tỏ sự quan tâm đến từng tôi tớ cũng như đến hội thánh của Ngài trên toàn thế giới. Chúng ta có thể bày tỏ tình yêu thương đối với Cha trên trời bằng cách để thì giờ nói chuyện với Ngài. Chúng ta đừng bao giờ cho rằng quan hệ của chúng ta với Ngài là điều đương nhiên. Đa-vít đã luôn luôn ý thức về mối quan hệ của ông với Đức Giê-hô-va. Ông nói: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin cho tôi biết các đường-lối Ngài, và dạy-dỗ tôi các nẻo-đàng Ngài. Xin hãy dẫn tôi trong lẽ thật của Ngài, và dạy-dỗ tôi, vì Ngài là Đức Chúa Trời về sự cứu-rỗi tôi, hằng ngày tôi trông-đợi Ngài”.—Thi-thiên 25:4, 5.

Ý tưởng có được mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời có thể là mới mẻ đối với bạn. Dù bạn có vấn đề gì đi nữa, hãy luôn tin cậy rằng Đấng Chí Cao sẽ giúp bạn phù hợp với ý muốn Ngài. (1 Giăng 5:14, 15) Bởi thế, hãy tập cầu xin cụ thể, lưu ý đến hoàn cảnh và nhu cầu của bạn.

Tầm quan trọng của việc nhận biết nhu cầu mình được nhấn mạnh trong lời cầu nguyện mà Vua Sa-lô-môn đã dâng lên Đức Giê-hô-va khi khánh thành đền thờ Giê-ru-sa-lem: “Nếu trong xứ có cơn đói-kém, ôn-dịch, đại-hạn, ten-sét, cào-cào, hay là châu-chấu; hoặc kẻ thù-nghịch vây hãm các thành trong địa-phận họ; bất kỳ có tai-vạ gì, tật-bịnh gì; ví bằng có một người, hoặc cả dân Y-sơ-ra-ên của Chúa đã nhận-biết tai-vạ và sự đau-đớn của mình,... cầu-nguyện và khẩn-xin vô-luận điều gì, thì xin Chúa từ trên trời... hãy dủ nghe, tha-thứ cho, và báo lại cho mỗi người tùy theo công-việc họ”. (2 Sử-ký 6:28-30) Đúng thế, chỉ mình bạn “biết tai-vạ và sự đau-đớn của mình”. Do đó, điều thiết yếu là bạn phải nhận biết nhu cầu và mong ước thật sự của mình. Nếu làm thế, ‘Đức Giê-hô-va sẽ ban cho bạn điều lòng mình ao-ước’.—Thi-thiên 37:4.

Hãy củng cố quan hệ của bạn với Đức Giê-hô-va

Đức Giê-hô-va vui thích cho những người bình thường có được mối quan hệ mật thiết với Ngài. Lời Ngài bảo đảm với chúng ta: “Ta sẽ làm Cha các ngươi, các ngươi làm con trai con gái ta, Chúa Toàn-năng phán như vậy”. (2 Cô-rinh-tô 6:18) Thật vậy, Đức Giê-hô-va và Con Ngài muốn chúng ta thành công và đạt được sự sống đời đời. Thật khích lệ biết bao khi hiểu rằng Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta chăm lo những trách nhiệm trong gia đình, nơi sở làm, và trong hội thánh tín đồ Đấng Christ!

Thế nhưng, hết thảy chúng ta đều gặp những lúc khó khăn. Sức khỏe kém, những vấn đề gia đình, thu nhập thấp, hoặc điều khác có thể làm chúng ta đau buồn. Chúng ta có thể không biết đối phó ra sao với một thử thách. Những áp lực ngày càng nhiều là do kẻ vu khống gian ác, Sa-tan Ma-quỉ, trực tiếp hay gián tiếp gây ra, và hắn là kẻ gây chiến về thiêng liêng nghịch lại dân Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, có người thông cảm và giúp chúng ta duy trì quan hệ tốt với Đức Giê-hô-va. Đó không ai khác hơn là Chúa Giê-su Christ ở địa vị cao trọng trên trời. Chúng ta đọc điều này: “Chúng ta không có thầy tế-lễ thượng-phẩm chẳng có thể cảm-thương sự yếu-đuối chúng ta, bèn có một thầy tế-lễ bị thử-thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội. Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn-phước, hầu cho được thương-xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì-giờ có cần-dùng”.—Hê-bơ-rơ 4:15, 16.

Thật an tâm biết bao khi hiểu rằng chúng ta không cần nổi tiếng hay giàu có mới được hưởng ân huệ của Đức Chúa Trời! Ngay cả khi bị trong hoàn cảnh gian truân, hãy như người viết Thi-thiên đã cầu xin: “Tôi là khốn-cùng và thiếu-thốn; dầu vậy Chúa tưởng đến tôi. Chúa là sự tiếp-trợ tôi, và là Đấng giải-cứu tôi”. (Thi-thiên 31:9-14; 40:17) Hãy tin chắc rằng Đức Giê-hô-va yêu thương những người khiêm nhường và bình thường. Quả thật, ‘chúng ta có thể trao mọi điều lo-lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn-sóc chúng ta’.—1 Phi-e-rơ 5:7.

[Chú thích]

^ đ. 10 Một số tên đã được đổi.

[Các hình nơi trang 29]

Nhiều môn đồ của Chúa Giê-su là những người thường dân thiếu học

[Hình nơi trang 30]

Các tín đồ Đấng Christ phấn đấu để có đức tin mạnh mẽ

[Các hình nơi trang 31]

Chúng ta không cần phải nổi bật mới hưởng được ân huệ của Đức Chúa Trời