Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cuộc hôn nhân không ngờ của Bô-ô và Ru-tơ

Cuộc hôn nhân không ngờ của Bô-ô và Ru-tơ

Cuộc hôn nhân không ngờ của Bô-ô và Ru-tơ

MÙA XUÂN, sân đạp lúa ở gần Bết-lê-hem nhộn nhịp hoạt động gặt hái. Thật là một ngày dài. Hạt mạch rang tỏa hương thơm lừng làm cho những người lao động đang đói biết đã tới giờ ăn. Mỗi người sẽ vui hưởng thành quả lao động của mình.

Người chủ đất giàu tên Bô-ô ăn uống no nê và nghỉ ngơi cạnh một đống lúa mạch. Đến cuối ngày thu hoạch, mỗi người đàn ông tìm chỗ ấm cúng ngả lưng. Với tâm trạng hài lòng, Bô-ô giờ đây cũng phủ chăn lên người và ngủ thiếp đi.

Một cuộc gặp mặt kín đáo

Nửa đêm, Bô-ô giật mình thức giấc cảm thấy lạnh và sợ. Kinh ngạc làm sao, chăn phủ chân ông bị dở ra và có người nằm đấy! Trong bóng đêm không nhận ra đó là ai, ông hỏi: “Ngươi là ai?” Một giọng nữ đáp: “Tôi là Ru-tơ, kẻ tớ gái ông; xin đắp mền ông trên kẻ tớ gái ông, vì ông có quyền chuộc sản-nghiệp tôi”.—Ru-tơ 3:1-9.

Họ nói chuyện trong bóng tối, không ai khác nghe thấy. Thường người nữ không vào sân đạp lúa như thế này. (Ru-tơ 3:14) Tuy nhiên, vâng lời Bô-ô, Ru-tơ ở lại ngủ nơi chân ông đến trước khi trời sáng, rồi nàng dậy sớm và ra về, do đó tránh được những lời đàm tiếu vô căn cứ.

Đó có phải là một cuộc gặp gỡ thơ mộng không? Có phải người đàn ông lớn tuổi giàu có này đã khôn khéo dụ dỗ Ru-tơ—một góa phụ trẻ thuộc một nước ngoại giáo không? Hay là Bô-ô đã lợi dụng hoàn cảnh và sự cô đơn của Ru-tơ trong đêm đó? Lời giải đáp cho những câu hỏi này là về lòng trung tín và tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời. Và những sự kiện cũng rất xúc động.

Nhưng Ru-tơ là ai? Động lực của nàng là gì? Và Bô-ô, người đàn ông giàu này là ai?

“Một người đàn bà hiền-đức”

Trước tình tiết này nhiều năm, trong xứ Giu-đa đã xảy ra một cơn đói kém. Có một gia đình Y-sơ-ra-ên gồm bốn người—Ê-li-mê-léc cùng vợ là Na-ô-mi; hai con trai là Mạc-lôn và Ki-li-ôn—di cư đến xứ Mô-áp màu mỡ. Hai con trai kết hôn với Ru-tơ và Ọt-ba, những người nữ Mô-áp. Sau khi ba người đàn ông qua đời ở Mô-áp, ba người đàn bà nghe tình trạng đã khả quan ở Y-sơ-ra-ên. Thế là Na-ô-mi—giờ đây góa bụa, cay đắng trong lòng, không con không cháu—quyết định trở về quê hương.—Ru-tơ 1:1-14.

Trên đường về Y-sơ-ra-ên, Na-ô-mi thuyết phục Ọt-ba trở lại với dân sự của nàng. Rồi Na-ô-mi nói cùng Ru-tơ: “Nầy, chị con đã trở về quê-hương và thần của nó; con hãy trở về theo nó đi”. Nhưng Ru-tơ thưa rằng: “Xin chớ nài tôi phân-rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó... Dân-sự của mẹ, tức là dân-sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi; mẹ thác nơi nào, tôi muốn thác và được chôn nơi đó”. (Ru-tơ 1:15-17) Vậy, hai góa phụ nghèo túng trở về Bết-lê-hem. Ở đấy, tình yêu thương và sự chăm sóc của Ru-tơ đối với mẹ chồng đã làm cho những người láng giềng xúc động đến nỗi họ xem nàng “quí cho bà [Na-ô-mi] hơn bảy con trai”. Những người khác miêu tả nàng là “một người đàn bà hiền-đức”.—Ru-tơ 3:11; 4:15.

Tại Bết-lê-hem nhằm đầu mùa gặt lúa mạch, Ru-tơ thưa với Na-ô-mi: “Xin để cho con đi ra ngoài ruộng, đặng mót gié lúa theo sau kẻ sẵn lòng cho con mót”.—Ru-tơ 2:2.

Tình cờ nàng đến ruộng của Bô-ô, họ hàng với Ê-li-mê-léc, cha chồng. Nàng xin người trông coi các con gặt cho phép nàng mót lúa. Nàng cần cù, chăm chỉ mót lúa đến mức người trông coi các con gặt đã khen ngợi công việc nàng với Bô-ô.—Ru-tơ 1:22–2:7.

Người bảo vệ và người làm ơn

Bô-ô là người sùng đạo thờ phượng Đức Giê-hô-va. Mỗi buổi sáng, Bô-ô chào các con gặt bằng những lời này: “Nguyện Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi!” và họ đáp lại: “Nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho ông!” (Ru-tơ 2:4) Sau khi quan sát Ru-tơ làm việc cần cù và nghe nói về lòng trung tín của nàng đối với Na-ô-mi, Bô-ô đã đặc biệt cho phép Ru-tơ mót lúa trong ruộng ông. Đại ý, ông bảo nàng: ‘Hãy theo mót lúa trong ruộng ta, nàng không cần phải đi ruộng khác. Hãy ở cùng các tớ gái ta, nàng sẽ được an toàn. Ta đã ra lệnh cho các đầy-tớ trai không được đụng đến nàng. Khi nào khát, chúng sẽ múc nước cho nàng uống’.—Ru-tơ 2:8, 9.

Ru-tơ cúi đầu đến sát đất và nói: ‘Vì duyên-cớ nào tôi được ơn trước mặt ông, tôi vốn là một người ngoại-bang?’ Bô-ô đáp: ‘Ta nghe người ta thuật mọi điều nàng đã làm cho mẹ chồng từ khi chồng nàng qua đời—cách nào nàng đã lìa cha mẹ, bà con và quê hương đặng đi đến ở giữa một dân-tộc mà nàng không biết trước. Nguyện Đức Giê-hô-va báo-đáp điều nàng đã làm. Cầu-xin Ngài thưởng cho nàng cách trọn-vẹn’.—Ru-tơ 2:10-12.

Không phải Bô-ô đang tìm cách chinh phục tình cảm của Ru-tơ. Ông thành thật khen ngợi nàng. Nàng khiêm tốn một cách thành thật, cám ơn ông về những lời an ủi làm yên lòng. Nàng xem mình không xứng đáng với lời khen ngợi đó và tiếp tục làm việc thậm chí chăm chỉ hơn nữa. Sau đó, đến giờ ăn trưa Bô-ô gọi Ru-tơ: ‘Hãy lại gần, ăn bánh và nhúng miếng nàng trong giấm’. Nàng ăn đến no nê và nhớ để dành phần mang về cho Na-ô-mi.—Ru-tơ 2:14.

Đến cuối ngày, Ru-tơ mót được chừng 22 lít lúa mạch. Nàng mang số lúa ấy và phần thức ăn để dành về cho Na-ô-mi. (Ru-tơ 2:15-18) Hài lòng khi thấy lượng lương thực dồi dào, Na-ô-mi hỏi: “Ngày nay, con có mót ở đâu?... Phước cho người đã nhận-tiếp con!” Khi biết đó là Bô-ô, Na-ô-mi nói: “Nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho người, vì Ngài không dứt làm ơn cho kẻ sống và kẻ chết!... Người đó là bà-con của chúng ta, vốn là trong những kẻ có quyền chuộc sản-nghiệp ta lại”.—Ru-tơ 2:19, 20.

Tìm “một chỗ an-thân”

Ước muốn tìm “một chỗ an-thân”, hay một mái ấm, cho con dâu, Na-ô-mi nắm lấy cơ hội thuận tiện, sắp đặt đưa ra lời thỉnh cầu phù hợp với luật pháp của Đức Chúa Trời, xin người chuộc sản nghiệp. (Lê-vi Ký 25:25; Phục-truyền Luật-lệ Ký 25:5, 6) Na-ô-mi giờ đây chỉ dẫn cho Ru-tơ một phương sách hành động hữu hiệu nhất, thậm chí có phần gây ấn tượng sâu sắc—một cách để làm cho Bô-ô chú ý. Được chuẩn bị và chỉ dẫn tường tận, Ru-tơ đi đến sân đạp lúa của Bô-ô trong bóng đêm. Nàng thấy ông đang ngủ. Ru-tơ dở chăn đắp nơi chân ông và chờ ông tỉnh giấc.—Ru-tơ 3:1-7.

Khi Bô-ô thức giấc, hành động biểu trưng của Ru-tơ rõ ràng giúp Bô-ô hiểu ý nghĩa của lời thỉnh cầu của nàng xin ông hãy ‘đắp mền trên kẻ tớ gái ông’. Hành động của Ru-tơ làm cho người Giu-đa lớn tuổi này ý thức trách nhiệm chuộc sản nghiệp, vì ông là bà con với Mạc-lôn, chồng quá cố của Ru-tơ.—Ru-tơ 3:9.

Cuộc viếng thăm vào ban đêm của Ru-tơ là điều không ngờ. Nhưng phản ứng của Bô-ô cho thấy lời thỉnh cầu chuộc sản nghiệp của Ru-tơ không phải là điều hoàn toàn bất ngờ. Bô-ô sẵn lòng hành động theo lời thỉnh cầu của Ru-tơ.

Giọng nói của Ru-tơ hẳn đã phản ánh đôi chút lo lắng khiến Bô-ô trấn an nàng: “Vậy bây giờ, hỡi con gái ta, chớ sợ chi: ta sẽ làm cho nàng mọi điều nàng sẽ nói; vì cả dân-sự trong thành ta đều biết rằng nàng là một người đàn bà hiền-đức”.—Ru-tơ 3:11.

Rõ ràng Bô-ô xem hành động của Ru-tơ là hoàn toàn đoan chính qua những lời sau: “Hỡi con gái ta, nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho con! Việc nhân từ con làm lần sau nầy, lại còn trọng hơn lần trước”. (Ru-tơ 3:10) Lần trước, Ru-tơ đã biểu lộ lòng yêu thương nhân từ, hay lòng yêu thương trung tín, đối với Na-ô-mi. Lần sau, nàng đã không nghĩ đến lợi ích bản thân, báo cho Bô-ô, một người đàn ông lớn tuổi, biết nàng là ai vì ông là người có quyền chuộc sản nghiệp. Nàng sẵn lòng sinh con nối dõi cho Mạc-lôn, người chồng quá cố, và cho Na-ô-mi.

Một người từ chối quyền chuộc sản nghiệp

Sáng hôm sau, Bô-ô mời người bà con, là người có liên hệ họ hàng gần với Na-mô-mi hơn ông. Trước mặt dân sự và các trưởng lão của thành, Bô-ô nói: ‘Tôi muốn báo-cáo cho anh hay, anh có quyền chuộc lại miếng đất thuộc Ê-li-mê-léc, chồng của Na-ô-mi, vì bà phải bán nó’. Bô-ô nói tiếp: ‘Anh sẽ chuộc lại chứ? Nếu không, tôi sẽ chuộc sản-nghiệp đó’. Nghe thế, người đó bằng lòng chuộc.—Ru-tơ 4:1-4.

Nhưng người đó sắp phải ngạc nhiên lắm! Giờ đây trước mặt các nhân chứng Bô-ô nói: “Khi mua ruộng bởi tay Na-ô-mi, anh cũng phải mua luôn bởi Ru-tơ, người Mô-áp, vợ của kẻ chết, để nối danh của kẻ chết cho sản-nghiệp người”. Có lẽ sợ mất sản nghiệp của riêng mình, người bà con đó rút lại quyền của mình, nói rằng: “Tôi không thế chuộc được”.—Ru-tơ 4:5, 6.

Theo phong tục, người đàn ông nào từ chối quyền chuộc sản nghiệp phải tháo giày mình và trao cho người kia. Vậy, khi người có quyền chuộc sản nghiệp nói với Bô-ô: “Anh hãy chuộc sản-nghiệp đó”, người tháo giày ra. Bấy giờ, Bô-ô nói cùng các trưởng lão và cả dân sự rằng: “Ngày nay, các ông chứng-kiến rằng tôi mua nơi tay Na-ô-mi mọi tài-sản thuộc về Ê-li-mê-léc, về Ki-li-ôn, và về Mạc-lôn, và cũng lấy Ru-tơ, người Mô-áp, vợ của Mạc-lôn, làm vợ tôi, đặng nối danh kẻ chết cho sản-nghiệp người;... ngày nay các ông làm chứng về điều đó”.—Ru-tơ 4:7-10.

Cả dân sự có mặt nơi cửa thành nói với Bô-ô: “Nguyện Đức Giê-hô-va làm cho người nữ vào nhà ngươi giống như Ra-chên và Lê-a, là hai người đã dựng nên nhà Y-sơ-ra-ên! Hãy trở nên cường-thạnh nơi Ép-ra-ta và làm cho nổi danh ngươi trong Bết-lê-hem!”—Ru-tơ 4:11, 12.

Với sự chúc phước của dân sự, Bô-ô lấy Ru-tơ làm vợ. Nàng sanh cho ông một con trai tên là Ô-bết, vậy Ru-tơ và Bô-ô trở thành tổ phụ của Vua Đa-vít và cuối cùng là của Chúa Giê-su Christ.—Ru-tơ 4:13-17; Ma-thi-ơ 1:5, 6, 16.

“Thưởng cho... cách trọn-vẹn”

Suốt lời tường thuật, từ lời chào hỏi tử tế đầu tiên với những người thợ gặt cho đến khi nhận trách nhiệm bảo tồn danh Ê-li-mê-léc, Bô-ô đã chứng tỏ ông là người xuất sắc—một con người tích cực hành động và có thẩm quyền. Đồng thời ông là người tự chủ, có đức tin và trung kiên. Bô-ô cũng là người rộng rãi, tử tế, đạo đức và hoàn toàn vâng theo điều răn của Đức Giê-hô-va.

Ru-tơ nổi bật về tình yêu của nàng đối với Đức Giê-hô-va, về lòng yêu thương trung tín đối với Na-ô-mi, về tính cần cù và khiêm tốn. Chẳng lạ gì khi dân sự xem nàng là “một người đàn bà hiền-đức”. Nàng đã không ăn “bánh của sự biếng-nhác”, và nhờ làm việc chăm chỉ nàng có lương thực để chia sẻ với mẹ chồng nghèo khó. (Châm-ngôn 31:27, 31) Ru-tơ hẳn cảm thấy hạnh phúc khi chu toàn bổn phận đối với Na-ô-mi.—Công-vụ 20:35; 1 Ti-mô-thê 5:4, 8.

Chúng ta thấy những gương tốt làm sao trong sách Ru-tơ! Na-ô-mi được Đức Giê-hô-va nhớ đến. Ru-tơ được “thưởng cho... cách trọn-vẹn”, là tổ mẫu của Chúa Giê-su Christ. Bô-ô được ban cho một người vợ, là “một người đàn bà hiền-đức”. Về phần chúng ta, qua các nhân vật ấy, chúng ta thấy những gương đức tin.

[Khung nơi trang 26]

Một tia hy vọng

Nếu khi nào bạn cảm thấy mình đang sống trong thời kỳ khốn khổ, câu chuyện về Ru-tơ có thể cung cấp cho bạn một tia hy vọng. Câu chuyện ấy nổi bật như một phần kết quan trọng cho sách Các Quan Xét. Sách Ru-tơ cho biết làm thế nào Đức Giê-hô-va đã dùng một góa phụ khiêm tốn người Mô-áp thuộc dân ngoại để sinh một vị vua cho dân Ngài. Trong bối cảnh của sách Các Quan Xét, đức tin Ru-tơ tỏa sáng như ngọn đèn của thời đại ấy.

Đọc câu chuyện về Ru-tơ, bạn có sự bảo đảm rằng bất chấp thời kỳ ghê gớm đến thế nào, Đức Chúa Trời luôn luôn chăm sóc dân Ngài và thực hiện những ý định của Ngài.