Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có hỏi: “Đức Giê-hô-va ở đâu” không?

Bạn có hỏi: “Đức Giê-hô-va ở đâu” không?

Bạn có hỏi: “Đức Giê-hô-va ở đâu” không?

“[Họ] đã xa ta... Họ không nói: Chớ nào Đức Giê-hô-va ở đâu?”—GIÊ-RÊ-MI 2:5, 6.

1. Người ta có thể nghĩ gì khi nêu câu hỏi: “Đức Chúa Trời ở đâu?”

“ĐỨC CHÚA TRỜI ở đâu?” Nhiều người đã nêu lên câu hỏi này. Một số người chỉ tìm hiểu sự thật căn bản về Đấng Tạo Hóa, tức là Ngài ở nơi nào? Những người khác nêu ra câu hỏi này sau một tai họa rộng lớn hoặc khi bản thân họ phải chịu những khó khăn lớn lao và không hiểu tại sao Đức Chúa Trời đã không can thiệp. Còn những người khác thì chẳng thắc mắc chút nào vì họ phủ nhận chính ý niệm Đức Chúa Trời hiện hữu.—Thi-thiên 10:4.

2. Ai thành công trong việc tìm kiếm Đức Chúa Trời?

2 Dĩ nhiên, có nhiều người nhận thấy vô số bằng chứng là có một Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 19:1; 104:24) Một số người này hài lòng với một hình thức tôn giáo nào đó. Nhưng hàng triệu người khác ở mọi xứ vì lòng yêu mến sâu xa đối với lẽ thật đã thúc đẩy họ tìm kiếm Đức Chúa Trời thật. Nỗ lực của họ không vô ích vì “Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta”.—Công-vụ 17:26-28.

3. (a) Đức Chúa Trời ngự ở đâu? (b) Câu hỏi trong Kinh Thánh “Đức Giê-hô-va ở đâu” ám chỉ điều gì?

3 Khi một người thật sự tìm được Đức Giê-hô-va, người đó nhận ra “Đức Chúa Trời là Thần”, mắt phàm không thấy được Ngài. (Giăng 4:24) Chúa Giê-su gọi Đức Chúa Trời thật là “Cha ta ở trên trời”. Điều này có nghĩa gì? Có nghĩa là lãnh vực mà Cha trên trời chúng ta ngự, theo nghĩa thiêng liêng, là một nơi cao trọng, như các tầng trời vật chất ngoài không gian cách xa mặt đất. (Ma-thi-ơ 12:50, chúng tôi viết nghiêng; Ê-sai 63:15). Dù chúng ta không thể thấy Đức Chúa Trời bằng mắt phàm, nhưng Ngài tạo điều kiện cho chúng ta biết và học được nhiều điều về ý định Ngài. (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:20; 34:6, 7) Ngài trả lời những câu hỏi của người thành thật tìm kiếm ý nghĩa đời sống. Về những vấn đề ảnh hưởng đến đời sống chúng ta, Ngài cung cấp một cơ sở vững chắc để chúng ta xác định được lập trường của Ngài, tức là Ngài xem những vấn đề đó như thế nào và những ước muốn của chúng ta có phù hợp với ý định Ngài hay không. Ngài muốn chúng ta tìm hiểu những vấn đề đó và sốt sắng nỗ lực tìm giải pháp. Qua nhà tiên tri Giê-rê-mi, Đức Giê-hô-va đã quở trách dân Y-sơ-ra-ên xưa vì họ không làm như thế. Họ biết danh Đức Chúa Trời, nhưng họ lại không hỏi: “Đức Giê-hô-va ở đâu?” (Giê-rê-mi 2:6) Ý định của Đức Giê-hô-va không là mối quan tâm chính của họ. Họ không tìm kiếm sự hướng dẫn của Ngài. Khi phải quyết định những vấn đề lớn hoặc nhỏ, bạn có hỏi: “Đức Giê-hô-va ở đâu” không?

Những người cầu vấn Đức Chúa Trời

4. Chúng ta có thể được lợi ích thế nào từ gương Đa-vít trong việc cầu vấn Đức Giê-hô-va?

4 Khi còn trẻ, Đa-vít, con của Y-sai, đã phát triển đức tin mạnh mẽ nơi Đức Giê-hô-va. Ông biết Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời hằng sống”. Bản thân Đa-vít đã nghiệm được sự che chở của Đức Giê-hô-va. Do đức tin và lòng yêu mến “danh Đức Giê-hô-va” thúc đẩy, Đa-vít đã giết được tên khổng lồ người Phi-li-tin là Gô-li-át có trang bị đầy đủ vũ khí. (1 Sa-mu-ên 17:26, 34-51) Tuy nhiên, chiến thắng của Đa-vít không khiến ông quá tự tin. Ông không lý luận rằng từ nay ông làm bất cứ điều gì thì cũng được Đức Giê-hô-va ban phước. Suốt trong những năm sau đó, Đa-vít không ngớt cầu vấn Đức Giê-hô-va khi phải quyết định. (1 Sa-mu-ên 23:2; 30:8; 2 Sa-mu-ên 2:1; 5:19) Ông tiếp tục cầu nguyện: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin cho tôi biết các đường-lối Ngài, và dạy-dỗ tôi các nẻo-đàng Ngài. Xin hãy dẫn tôi trong lẽ thật của Ngài, và dạy-dỗ tôi, vì Ngài là Đức Chúa Trời về sự cứu-rỗi tôi, hằng ngày tôi trông-đợi Ngài”. (Thi-thiên 25:4, 5) Thật là một gương tốt cho chúng ta noi theo!

5, 6. Giô-sa-phát đã tìm cầu Đức Giê-hô-va vào những giai đoạn khác nhau trong đời ông như thế nào?

5 Vào thời Vua Giô-sa-phát, vị vua thứ năm trong hoàng tộc kể từ Đa-vít, đạo quân phối hợp của ba nước kéo đến đánh xứ Giu-đa. Đương đầu với tình trạng khẩn trương này của đất nước, Giô-sa-phát “rắp lòng tìm-cầu Đức Giê-hô-va”. (2 Sử-ký 20:1-3) Đây không phải là lần đầu tiên Giô-sa-phát tìm cầu Đức Giê-hô-va. Vua đã tránh xa việc thờ thần Ba-anh tràn ngập vương quốc Y-sơ-ra-ên bội đạo ở phía bắc và đã chọn đi trong đường lối Đức Giê-hô-va. (2 Sử-ký 17:3, 4) Vậy bây giờ khi phải đương đầu với tình trạng khủng hoảng, Giô-sa-phát đã “tìm-cầu Đức Giê-hô-va” như thế nào?

6 Trong lời cầu nguyện trước dân chúng tại Giê-ru-sa-lem vào thời điểm nguy kịch này, Giô-sa-phát cho thấy ông đã nhớ đến quyền lực toàn năng của Đức Giê-hô-va. Ông đã suy nghĩ sâu xa về ý định mà Đức Giê-hô-va tỏ ra khi Ngài đuổi các dân khác và ban đất cho dân Y-sơ-ra-ên làm sản nghiệp. Vua nhìn nhận ông cần sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va. (2 Sử-ký 20:6-12) Trong trường hợp đó liệu Đức Giê-hô-va có để cho ông tìm được Ngài không? Có, quả thật như thế. Qua Gia-ha-xi-ên, một người Lê-vi, Đức Giê-hô-va ban cho sự hướng dẫn rõ ràng, và ngày hôm sau Ngài cho dân Ngài chiến thắng. (2 Sử-ký 20:14-28) Làm sao bạn có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va cũng sẽ để cho bạn tìm được Ngài khi bạn quay về Ngài để được hướng dẫn?

7. Đức Chúa Trời lắng nghe lời cầu nguyện của ai?

7 Đức Giê-hô-va không thiên vị. Ngài mời gọi muôn dân tìm kiếm Ngài qua lời cầu nguyện. (Thi-thiên 65:2; Công-vụ 10:34, 35) Ngài lưu ý đến những gì trong lòng người cầu khẩn Ngài. Ngài bảo đảm với chúng ta rằng Ngài nghe lời cầu nguyện của người công bình. (Châm-ngôn 15:29) Đối với những người trước đây không hề quan tâm đến Ngài nhưng nay khiêm nhường tìm kiếm sự hướng dẫn của Ngài thì Ngài cho họ tìm được Ngài. (Ê-sai 65:1) Ngài thậm chí còn nghe lời cầu nguyện của những người đã không vâng giữ luật pháp Ngài nhưng nay lại khiêm nhường ăn năn. (Thi-thiên 32:5, 6; Công-vụ 3:19) Tuy nhiên, khi một người không có lòng vâng phục Đức Chúa Trời, lời cầu nguyện của người đó là vô ích. (Mác 7:6, 7) Hãy xem xét vài ví dụ.

Họ cầu nguyện nhưng không được nhậm

8. Điều gì đã khiến cho lời cầu nguyện của Vua Sau-lơ không được Đức Giê-hô-va chấp nhận?

8 Sau khi nhà tiên tri Sa-mu-ên báo cho Vua Sau-lơ biết Đức Chúa Trời đã từ bỏ ông vì sự bất tuân, ông sấp mình thờ lạy Đức Giê-hô-va. (1 Sa-mu-ên 15:30, 31) Nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài. Ước muốn của Sau-lơ không phải là vâng lời Đức Chúa Trời, nhưng là để được tôn trọng trước mặt dân chúng. Sau đó, khi dân Phi-li-tin kéo đến đánh Y-sơ-ra-ên, Sau-lơ cầu vấn Đức Giê-hô-va cho có lệ. Tuy nhiên, khi không được đáp lại, ông tìm cầu một đồng bóng dù biết rằng Đức Giê-hô-va lên án điều này. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10-12; 1 Sa-mu-ên 28:6, 7) Tóm lại, 1 Sử-ký 10:14 nói rằng Sau-lơ “chẳng có cầu-hỏi Đức Giê-hô-va”. Tại sao thế? Bởi vì lời cầu nguyện của Sau-lơ không dựa trên đức tin. Do đó, xem như ông chẳng cầu nguyện gì cả.

9. Lời cầu khẩn của Sê-đê-kia xin sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va có gì sai?

9 Tương tự, khi ngày tàn của vương quốc Giu-đa gần kề, dân sự cầu nguyện nhiều hơn cũng như tìm cầu các nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, dân sự pha trộn việc thờ hình tượng với vẻ tôn sùng Đức Giê-hô-va. (Sô-phô-ni 1:4-6) Họ cầu vấn Đức Chúa Trời cho có lệ, nhưng họ không chuẩn bị lòng để phục tùng ý muốn Ngài. Vua Sê-đê-kia nài xin Giê-rê-mi cầu vấn Đức Giê-hô-va cho ông. Đức Giê-hô-va đã cho vua biết ông phải làm gì rồi. Nhưng vì thiếu đức tin và sợ loài người nên vua đã không vâng theo tiếng phán của Đức Giê-hô-va, và Ngài đã không đáp lại lời nào khác vừa ý vua hơn.—Giê-rê-mi 21:1-12; 38:14-19.

10. Có gì sai trong cách Giô-ha-nan tìm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va, và chúng ta học được gì từ lỗi lầm của ông?

10 Sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt và dân Do Thái bị quân Ba-by-lôn bắt đi làm phu tù, Giô-ha-nan chuẩn bị đưa một nhóm nhỏ người Do Thái còn lại ở Giu-đa sang Ê-díp-tô. Họ đã lập xong kế hoạch, nhưng trước khi đi, họ nhờ Giê-rê-mi thay họ cầu nguyện để tìm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, khi không được đáp lại như ý, họ cứ tiếp tục làm theo kế hoạch đã định. (Giê-rê-mi 41:16–43:7) Qua các biến cố này, bạn có nhận ra những bài học giúp ích cho bạn để khi tìm kiếm Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ cho bạn tìm được không?

“Hãy tiếp tục xét”

11. Tại sao chúng ta cần áp dụng Ê-phê-sô 5:10?

11 Sự thờ phượng thật không phải chỉ là biểu trưng sự dâng mình qua việc làm báp têm, dự các buổi họp của hội thánh và rao giảng mà còn bao hàm trọn lối sống của chúng ta. Hằng ngày chúng ta chịu nhiều áp lực—một số tinh vi, một số rõ ràng—có thể khiến chúng ta xoay khỏi đường lối tin kính. Chúng ta sẽ phản ứng như thế nào? Khi viết cho tín đồ Đấng Christ trung thành ở Ê-phê-sô, sứ đồ Phao-lô khuyên giục họ: “Hãy [“tiếp tục”, NW] xét điều chi vừa lòng Chúa”. (Ê-phê-sô 5:10) Kinh Thánh tường thuật nhiều tình huống cho thấy làm điều đó là khôn ngoan.

12. Tại sao Đức Giê-hô-va không hài lòng khi Đa-vít cho chuyển hòm giao ước về Giê-ru-sa-lem?

12 Sau khi hòm giao ước được đưa trở lại Y-sơ-ra-ên và giữ tại Ki-ri-át-Giê-a-rim trong nhiều năm, Vua Đa-vít muốn chuyển Hòm về Giê-ru-sa-lem. Ông hội ý các quan trưởng của dân sự và nói rằng Hòm sẽ được chuyển về ‘nếu họ lấy điều nầy làm tốt-lành, và nếu sự nầy do nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời mà đến’. Nhưng ông đã lơ là trong việc tìm kiếm đầy đủ để biết chắc ý muốn Đức Giê-hô-va về vấn đề này. Nếu ông đã tìm hiểu kỹ, thì họ sẽ chẳng bao giờ đặt Hòm trên xe. Hòm sẽ được người Lê-vi thuộc dòng Kê-hát khiêng trên vai, như Đức Chúa Trời đã chỉ dẫn rõ ràng. Mặc dù thường xuyên cầu vấn Đức Giê-hô-va, Đa-vít đã không làm đúng cách trong trường hợp này. Hậu quả thật thảm khốc. Sau đó Đa-vít công nhận: “Chúng ta không theo lệ đã định mà cầu-vấn Đức Giê-hô-va; nên Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta đã hành-hại chúng ta”.—1 Sử-ký 13:1-3; 15:11-13; Dân-số Ký 4:4-6, 15; 7:1-9.

13. Có lời nhắc nhở nào trong bài ca khi Hòm được chuyển đến nơi?

13 Cuối cùng khi Hòm được người Lê-vi chuyển từ nhà Ô-bết-Ê-đôm đến Giê-ru-sa-lem, một bài ca do Đa-vít soạn được hát lên. Bài ca chứa đựng lời nhắc nhở sâu sắc này: “Phải tìm-cầu Đức Giê-hô-va và sức-mạnh Ngài, phải tìm mặt Ngài luôn luôn... Hãy nhớ lại công-việc mầu của Ngài đã làm, những phép lạ Ngài, và lời xét-đoán của miệng Ngài”.—1 Sử-ký 16:11-13.

14. Chúng ta có thể được lợi ích thế nào từ gương tốt của Sa-lô-môn và từ những lỗi lầm của ông trong những năm cuối đời?

14 Trước khi qua đời, Đa-vít khuyên Sa-lô-môn, con trai ông: “Nếu con tìm-kiếm [Đức Giê-hô-va], Ngài sẽ cho con gặp”. (1 Sử-ký 28:9) Khi lên ngôi, Sa-lô-môn tới Ga-ba-ôn, nơi có hội mạc, và dâng của-lễ cho Đức Giê-hô-va. Ở đó, Đức Giê-hô-va mời Sa-lô-môn: “Ngươi muốn ta ban cho điều gì, hãy xin đi”. Đáp lại lời cầu khẩn của Sa-lô-môn, Đức Giê-hô-va ban cho ông cách rộng lượng sự khôn ngoan và tri thức để xét đoán dân Y-sơ-ra-ên, và Ngài còn làm tăng thêm của cải và sự tôn vinh của ông. (2 Sử-ký 1:3-12) Dùng sơ đồ kiến trúc Đức Giê-hô-va cung cấp cho Đa-vít, Sa-lô-môn xây dựng một đền thờ lộng lẫy. Nhưng trong lĩnh vực hôn nhân của riêng mình, Sa-lô-môn đã không tìm kiếm Đức Giê-hô-va. Sa-lô-môn đã cưới những phụ nữ không thờ phượng Đức Giê-hô-va. Trong những năm cuối đời, những phụ nữ này khiến cho lòng ông xa rời Đức Giê-hô-va. (1 Các Vua 11:1-10) Cho dù chúng ta có thể được nổi tiếng, khôn ngoan, am tường đến mức nào, điều quan trọng là “hãy tiếp tục xét điều chi vừa lòng Chúa”!

15. Khi Xê-rách người Ê-thi-ô-bi tiến đánh Giu-đa, tại sao A-sa có thể cầu xin với niềm tin chắc là Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu Giu-đa?

15 Nhu cầu này được nhấn mạnh qua lời tường thuật về vương quyền của Vua A-sa, chắt của Sa-lô-môn. Mười một năm sau khi A-sa lên ngôi, Xê-rách người Ê-thi-ô-bi dẫn đạo quân một triệu người tiến đánh Giu-đa. Đức Giê-hô-va có giải cứu Giu-đa không? Hơn 500 năm trước, Đức Giê-hô-va đã phán rõ ràng điều gì dân Ngài có thể trông đợi nếu họ nghe lời và giữ các điều răn Ngài và điều gì họ phải gánh chịu nếu họ không vâng lời. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:1, 7, 15, 25) Vào đầu triều đại của ông, A-sa phá bỏ khỏi vương quốc ông các bàn thờ và trụ thờ dùng trong sự thờ phượng sai lầm. Ông khuyên giục dân sự “phải tìm-cầu Giê-hô-va Đức Chúa Trời”. A-sa không đợi đến lúc gặp tai họa mới làm điều đó. Vậy với sự tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, A-sa có thể cầu xin Ngài hành động để giúp họ. Kết quả ra sao? Giu-đa đã được ban cho một chiến thắng lẫy lừng.—2 Sử-ký 14:2-12.

16, 17. (a) Mặc dù A-sa chiến thắng, Đức Giê-hô-va nhắc nhở ông điều gì? (b) Khi A-sa hành động thiếu khôn ngoan, ông được sự giúp đỡ nào, nhưng ông phản ứng ra sao? (c) Chúng ta có thể được lợi ích thế nào qua việc xem xét cách cư xử của A-sa?

16 Tuy nhiên, khi A-sa trở về trong chiến thắng, Đức Giê-hô-va sai A-xa-ria đến gặp vua và nói rằng: “Hỡi A-sa, cả Giu-đa, và Bên-gia-min, hãy nghe lời ta: Các ngươi theo Đức Giê-hô-va chừng nào, thì Đức Giê-hô-va ở với các ngươi chừng nấy; nếu các ngươi tìm Ngài, ắt sẽ gặp Ngài được; nếu các ngươi lìa-bỏ Ngài, thì Ngài sẽ lìa-bỏ các ngươi”. (2 Sử-ký 15:2) Với lòng sốt sắng mới, A-sa đẩy mạnh sự thờ phượng thật. Nhưng 24 năm sau đó, khi lại gặp chiến tranh, A-sa đã không tìm cầu Đức Giê-hô-va. Ông không xem xét Lời Đức Chúa Trời, và cũng không nhớ đến những gì Đức Giê-hô-va đã thực hiện khi đạo quân Ê-thi-ô-bi xâm chiếm Giu-đa. Ông đã dại dột liên minh với Sy-ri.—2 Sử-ký 16:1-6.

17 Vì điều này, Đức Giê-hô-va đã sai nhà tiên kiến Ha-na-ni đến khiển trách A-sa. Ngay cả vào lúc đó, khi Ha-na-ni giải thích quan điểm của Đức Giê-hô-va, A-sa vẫn có thể được lợi ích. Thay vì thế, ông nổi giận và bỏ tù Ha-na-ni. (2 Sử-ký 16:7-10) Thật đáng buồn! Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có tìm cầu Đức Chúa Trời nhưng rồi lại từ chối không chấp nhận lời khuyên không? Khi một trưởng lão quan tâm và ân cần dùng Kinh Thánh để khuyên chúng ta vì chúng ta đang vướng bẫy thế gian, chúng ta có tỏ ra biết ơn về sự giúp đỡ đầy yêu thương này hầu giúp chúng ta biết “điều chi vừa lòng Chúa” không?

Đừng quên hỏi

18. Chúng ta có thể được lợi ích thế nào từ những lời Ê-li-hu nói với Gióp?

18 Khi bị căng thẳng, ngay cả một người có thành tích tốt trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va cũng có thể phạm lỗi. Khi Gióp bị giáng một căn bệnh ghê tởm, mất hết con cái, của cải, và bị bạn ông buộc tội sai lầm, ông chỉ còn nghĩ về mình. Ông được Ê-li-hu nhắc nhở: “Không ai hỏi rằng: Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo-hóa của tôi, ở đâu?” (Gióp 35:10) Gióp cần hướng sự chú ý vào Đức Giê-hô-va và suy xét Ngài có quan điểm nào về tình huống này. Gióp đã khiêm nhường chấp nhận sự nhắc nhở đó, và gương của ông có thể giúp chúng ta làm như vậy.

19. Dân Y-sơ-ra-ên thường không làm gì?

19 Dân Y-sơ-ra-ên biết các lời tường thuật về cách Đức Giê-hô-va đối xử với nước họ. Nhưng rất nhiều lần họ không nhớ đến những điều đó khi xử lý những tình huống cụ thể trong đời sống. (Giê-rê-mi 2:5, 6, 8) Khi phải quyết định điều gì trong đời sống, họ theo đuổi thú vui riêng thay vì hỏi: “Đức Giê-hô-va ở đâu?”—Ê-sai 5:11, 12.

Tiếp tục hỏi: “Đức Giê-hô-va ở đâu?”

20, 21. (a) Ngày nay ai tỏ ra có tinh thần của Ê-li-sê trong việc tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va? (b) Làm sao chúng ta có thể bắt chước và được lợi ích từ gương đức tin của họ?

20 Khi thánh chức công khai của Ê-li chấm dứt, người theo ông là Ê-li-sê đã lấy áo choàng từ Ê-li rớt xuống, đi tới Sông Giô-đanh, đập xuống mặt nước, và hỏi: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Ê-li ở đâu?” (2 Các Vua 2:14) Đức Giê-hô-va đáp lời bằng cách cho thấy rằng bây giờ thánh linh Ngài ngự trên Ê-li-sê. Chúng ta có thể học được gì từ câu chuyện này?

21 Một điều tương tự xảy ra thời nay. Khi những tôi tớ được xức dầu từng dẫn đầu trong công việc rao giảng qua đời, thì những người được giao phó công việc giám thị lúc đó đã xem xét Kinh Thánh và cầu xin Đức Giê-hô-va hướng dẫn. Họ không quên hỏi: “Đức Giê-hô-va ở đâu?” Kết quả là Đức Giê-hô-va tiếp tục hướng dẫn dân Ngài và làm cho công việc của họ được phát triển. Chúng ta có bắt chước đức tin của họ không? (Hê-bơ-rơ 13:7) Nếu có, chúng ta sẽ gần gũi tổ chức của Đức Giê-hô-va, hưởng ứng sự hướng dẫn đến từ tổ chức này, và tham dự đầy đủ vào công việc đang được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Chúa Giê-su Christ.—Xa-cha-ri 8:23.

Bạn sẽ trả lời thế nào?

• Chúng ta nên hỏi: “Đức Giê-hô-va ở đâu” với ý hướng nào?

• Ngày nay làm sao chúng ta tìm được lời đáp cho câu hỏi: “Đức Giê-hô-va ở đâu?”

• Tại sao một số lời cầu xin sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời không được đáp lại?

• Những gương nào trong Kinh Thánh minh họa sự cần thiết của việc “tiếp tục xét điều chi vừa lòng Chúa”?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 9]

Vua Giô-sa-phát đã tìm cầu Đức Giê-hô-va như thế nào?

[Hình nơi trang 10]

Tại sao Sau-lơ tìm cầu một đồng bóng?

[Các hình nơi trang 12]

Cầu nguyện, học hỏi, và suy ngẫm để biết chắc ‘Đức Giê-hô-va ở đâu’