Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Có thể tìm sự an ủi thật ở đâu?

Có thể tìm sự an ủi thật ở đâu?

Có thể tìm sự an ủi thật ở đâu?

“Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta,... yên-ủi chúng tôi trong mọi sự khốn-nạn”.—2 CÔ-RINH-TÔ 1:3, 4.

1. Những hoàn cảnh nào có thể khiến người ta cảm thấy rất cần sự an ủi?

BỆNH TẬT hiểm nghèo có thể khiến một người cảm thấy đời mình tiêu tan. Động đất, bão tố, đói kém khiến người ta trở nên thiếu thốn. Chiến tranh có thể gây tang tóc cho nhiều gia đình, nhà cửa bị tàn phá, và người ta phải bỏ tài sản chạy lánh nạn. Còn nạn bất công làm người ta cảm thấy không còn biết quay về đâu để tìm sự trợ giúp. Những người gặp những tai họa như thế hết sức cần sự an ủi. Họ có thể tìm sự an ủi ở đâu?

2. Tại sao sự an ủi của Đức Giê-hô-va là quý nhất?

2 Một số cá nhân và tổ chức đã cố gắng mang lại sự an ủi cho người khác. Những lời ân cần tử tế rất được cảm kích. Còn những nỗ lực cứu trợ về vật chất giúp đáp ứng nhu cầu trước mắt của những người bị nạn. Nhưng chỉ Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời thật, mới có thể sửa chữa mọi thiệt hại và cung cấp sự giúp đỡ cần thiết để những tai họa như thế không bao giờ xảy ra nữa. Về Ngài, Kinh Thánh nói: “Chúc tạ Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta, là Cha hay thương-xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi, Ngài yên-ủi chúng tôi trong mọi sự khốn-nạn, hầu cho nhân sự yên-ủi mà Ngài đã yên-ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên-ủi kẻ khác trong sự khốn-nạn nào họ gặp!” (2 Cô-rinh-tô 1:3, 4) Đức Giê-hô-va an ủi chúng ta như thế nào?

Giải quyết tận gốc rễ vấn đề

3. Sự an ủi của Đức Chúa Trời giải quyết tận gốc rễ các vấn đề của nhân loại như thế nào?

3 Cả gia đình nhân loại đều gánh chịu sự bất toàn do tội của A-đam, và điều đó đã gây ra vô số vấn đề, rồi cuối cùng dẫn tới sự chết. (Rô-ma 5:12) Tình trạng này càng tồi tệ hơn vì Sa-tan Ma-quỉ là “vua-chúa của thế-gian nầy”. (Giăng 12:31; 1 Giăng 5:19) Trước hoàn cảnh khốn khổ mà nhân loại phải đối diện, Đức Giê-hô-va không chỉ bày tỏ sự thương cảm. Ngài sai Con một làm giá chuộc để giải cứu, và cho chúng ta biết rằng chúng ta có thể thoát khỏi hậu quả của tội A-đam nếu thực hành đức tin nơi Con Ngài. (Giăng 3:16; 1 Giăng 4:10) Đức Chúa Trời cũng báo trước rằng Chúa Giê-su Christ, đấng đã được giao phó mọi quyền thế trên trời lẫn dưới đất, sẽ hủy diệt Sa-tan cùng toàn bộ hệ thống gian ác của hắn.—Ma-thi-ơ 28:18; 1 Giăng 3:8; Khải-huyền 6:2; 20:10.

4. (a) Đức Giê-hô-va cung cấp điều gì để củng cố niềm tin chúng ta nơi các lời hứa của Ngài về sự giải cứu? (b) Bằng cách nào Đức Giê-hô-va giúp chúng ta nhận ra lúc nào sự giải cứu sẽ đến?

4 Để củng cố đức tin chúng ta nơi các lời hứa của Ngài, Đức Chúa Trời đã lưu trữ nhiều bằng chứng cho thấy bất cứ điều gì Ngài báo trước đều xảy ra. (Giô-suê 23:14) Ngài cho ghi lại trong Kinh Thánh những điều Ngài đã làm để giải thoát tôi tớ Ngài khỏi những hoàn cảnh mà theo quan điểm của loài người không bao giờ làm được. (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:4-31; 2 Các Vua 18:13–19:37) Và qua Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va cũng cho thấy Ngài có ý định chữa lành loài người khỏi “các thứ tật-bịnh”, thậm chí làm người chết sống lại. (Ma-thi-ơ 9:35; 11:3-6) Khi nào tất cả những điều này sẽ xảy ra? Để trả lời, Kinh Thánh nói đến đặc điểm của những ngày cuối cùng của hệ thống cũ này, trước khi trời mới và đất mới của Đức Chúa Trời đến. Sự mô tả của Chúa Giê-su trùng hợp với thời kỳ chúng ta đang sống.—Ma-thi-ơ 24:3-14; 2 Ti-mô-thê 3:1-5.

An ủi một dân khốn khổ

5. Khi an ủi dân Y-sơ-ra-ên xưa, Đức Giê-hô-va hướng họ chú ý đến điều gì?

5 Qua cách Đức Giê-hô-va đối xử với dân Y-sơ-ra-ên xưa, chúng ta học được cách Ngài an ủi họ trong những lúc khốn khổ. Ngài nhắc cho họ nhớ Ngài là Đức Chúa Trời như thế nào. Điều đó củng cố niềm tin của họ nơi các lời hứa của Ngài. Đức Giê-hô-va khiến các nhà tiên tri dùng những hình ảnh sống động để cho thấy sự tương phản giữa Ngài, Đức Chúa Trời thật và hằng sống, với các hình tượng không thể giúp nổi bản thân chúng lẫn những người thờ phượng chúng. (Ê-sai 41:10; 46:1; Giê-rê-mi 10:2-15) Khi nói với Ê-sai: “Hãy yên-ủi, hãy yên-ủi dân ta”, Đức Giê-hô-va thúc đẩy nhà tiên tri dùng minh họa và lời miêu tả các công trình sáng tạo của Ngài để nêu bật sự vĩ đại của Ngài là Đức Chúa Trời thật duy nhất.—Ê-sai 40:1-31.

6. Đôi khi Đức Giê-hô-va tiết lộ điều gì liên quan đến thời điểm giải cứu?

6 Đôi khi Đức Giê-hô-va an ủi dân Ngài bằng cách cho biết rõ thời gian lâu hay mau họ sẽ được giải cứu. Khi thời điểm thoát khỏi Ê-díp-tô gần kề, Ngài báo cho dân Y-sơ-ra-ên bị hà hiếp: “Ta sẽ giáng cho Pha-ra-ôn và xứ Ê-díp-tô một tai-vạ nữa; đoạn, người sẽ tha các ngươi đi khỏi đây”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 11:1) Vào thời Vua Giô-sa-phát, khi ba nước ngoại bang liên minh với nhau đặng xâm lược Giu-đa, Đức Giê-hô-va cho biết Ngài sẽ can thiệp cho họ vào “ngày mai”. (2 Sử-ký 20:1-4, 14-17) Trái lại, sự giải cứu khỏi Ba-by-lôn được Ê-sai ghi lại gần 200 năm trước, và sau đó một số chi tiết khác được tiết lộ qua Giê-rê-mi gần cả một trăm năm trước khi sự kiện đó xảy ra. Những lời tiên tri đó thật khích lệ biết bao đối với các tôi tớ Đức Chúa Trời khi thời điểm giải cứu đến gần!—Ê-sai 44:26–45:3; Giê-rê-mi 25:11-14.

7. Các lời hứa về sự giải cứu thường chứa đựng điều gì, và điều này ảnh hưởng thế nào đến những người trung thành ở Y-sơ-ra-ên?

7 Điều đáng lưu ý là các lời hứa mang lại sự an ủi cho dân Đức Chúa Trời thường chứa đựng những thông tin về Đấng Mê-si. (Ê-sai 53:1-12) Từ thế hệ này qua thế hệ khác, điều này đã truyền hy vọng cho những người trung thành trong những lúc họ phải đương đầu với vô số thử thách. Nơi Lu-ca 2:25, chúng ta đọc thấy: “Vả, trong thành Giê-ru-sa-lem có một người công-bình đạo-đức, tên là Si-mê-ôn, trông-đợi sự yên-ủi dân Y-sơ-ra-ên [tức Đấng Mê-si sẽ đến], và Đức Thánh-Linh ngự trên người”. Si-mê-ôn biết về niềm hy vọng về Đấng Mê-si được ghi lại trong Kinh Thánh, và cả đời ông đã trông đợi niềm hy vọng này thành hiện thực. Mặc dù chưa hiểu điều đó sẽ xảy ra như thế nào, và bản thân ông đã không thể sống để chứng kiến sự cứu rỗi đến, nhưng ông sung sướng khi nhận diện được đấng sẽ tỏ ra là “sự cứu-vớt” của Đức Chúa Trời.—Lu-ca 2:30.

Sự an ủi qua Đấng Christ

8. Sự giúp đỡ của Chúa Giê-su so với điều nhiều người nghĩ họ cần như thế nào?

8 Trong thời gian thực hiện thánh chức trên đất, Chúa Giê-su Christ không phải lúc nào cũng cung cấp cho người ta sự giúp đỡ mà họ nghĩ họ cần. Một số người mong mỏi có một Đấng Mê-si giải thoát họ khỏi ách đô hộ đáng ghét của La Mã. Nhưng Chúa Giê-su không ủng hộ việc làm cách mạng; ngài bảo họ “trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa”. (Ma-thi-ơ 22:21) Ý định của Đức Chúa Trời không chỉ là giải phóng người ta khỏi sự cai trị của một thể chế chính trị nào đó. Dân chúng muốn tôn Chúa Giê-su làm vua, nhưng ngài nói ngài sẽ “phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người”. (Ma-thi-ơ 20:28; Giăng 6:15) Chưa đến lúc ngài nhận ngôi vua, và chính Đức Giê-hô-va sẽ ban quyền cai trị cho ngài, chứ không phải các đám đông quần chúng bất mãn.

9. (a) Chúa Giê-su công bố thông điệp an ủi nào? (b) Bằng cách nào Chúa Giê-su cho thấy thông điệp ngài liên quan đến hoàn cảnh riêng của người ta? (c) Thánh chức của Chúa Giê-su đặt nền tảng cho điều gì?

9 Sự an ủi mà Chúa Giê-su mang lại được thể hiện qua ‘tin mừng của nước Đức Chúa Trời’. Đây là thông điệp Chúa Giê-su đã rao truyền ở mọi nơi ngài đi đến. (Lu-ca 4:43) Ngài cho thấy rõ thông điệp đó liên quan thế nào đến những vấn đề hàng ngày của người ta bằng cách thực hiện cho họ thấy những điều ngài sẽ làm cho nhân loại khi cai trị với tư cách là Đấng Mê-si. Ngài cho những người đau khổ một lý do mới để sống khi chữa cho họ sáng mắt và nói được (Ma-thi-ơ 12:22; Mác 10:51-53), chữa người què đi được (Mác 2:3-12), chữa những người đồng hương Y-sơ-ra-ên khỏi những căn bệnh ghê tởm (Lu-ca 5:12, 13), và giải thoát họ khỏi những bệnh tật đau đớn khác. (Mác 5:25-29) Ngài xóa đi nỗi đau buồn của những gia đình tang tóc bằng cách làm con cái họ sống lại. (Lu-ca 7:11-15; 8:49-56) Ngài chứng tỏ có khả năng chế ngự các cơn bão tai ác và đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho những đám đông lớn. (Mác 4:37-41; 8:2-9) Ngoài ra, Chúa Giê-su còn dạy họ những nguyên tắc sống vừa giúp họ đối phó hiệu quả với những khó khăn đang gặp phải, vừa mang lại cho họ niềm hy vọng về một sự cai trị công bình của Đấng Mê-si. Vậy khi thực hiện thánh chức, Chúa Giê-su không chỉ an ủi những người đương thời đã lắng nghe với đức tin, mà còn đặt nền tảng để khuyến khích người ta trong hàng ngàn năm sau đó.

10. Sự hy sinh của Chúa Giê-su mang lại lợi ích nào?

10 Hơn 60 năm sau khi Chúa Giê-su hy sinh sự sống làm người và được sống lại ở trên trời, sứ đồ Giăng được soi dẫn viết: “Hỡi con-cái bé mọn ta, ta viết cho các con những điều nầy, hầu cho các con khỏi phạm tội. Nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Jêsus-Christ, tức là Đấng công-bình. Ấy chính Ngài làm của-lễ chuộc tội-lỗi chúng ta, không những vì tội-lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội-lỗi cả thế-gian nữa”. (1 Giăng 2:1, 2) Chúng ta được an ủi rất nhiều nhờ những lợi ích của sự hy sinh mạng sống hoàn toàn của Chúa Giê-su. Chúng ta biết mình được tha thứ tội lỗi, được có một lương tâm trong sạch, một mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời, và triển vọng sống mãi mãi.—Giăng 14:6; Rô-ma 6:23; Hê-bơ-rơ 9:24-28; 1 Phi-e-rơ 3:21.

Được thánh linh an ủi

11. Trước khi chết, Chúa Giê-su hứa về một sắp đặt nào để mang lại sự an ủi?

11 Vào đêm cuối cùng ở với các sứ đồ trước khi chịu hy sinh, Chúa Giê-su cho biết Cha trên trời còn có một sự sắp đặt khác để an ủi họ. Ngài nói: “Ta lại sẽ nài-xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên-ủi khác [tiếng Hy Lạp là pa·raʹkle·tos], để ở với các ngươi đời đời, tức là Thần lẽ thật”. Ngài cam đoan với họ: “Đấng Yên-ủi, tức là Đức Thánh-Linh..., sẽ dạy-dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi”. (Giăng 14:16, 17, 26) Thật ra, thánh linh mang lại sự an ủi cho họ như thế nào?

12. Việc thánh linh trợ giúp trí nhớ của các môn đồ Chúa Giê-su đã giúp mang lại an ủi cho nhiều người như thế nào?

12 Các sứ đồ đã nhận được nhiều sự dạy dỗ từ Chúa Giê-su. Chắc chắn họ sẽ không bao giờ quên kinh nghiệm đó, nhưng họ có thể nhớ hết những gì ngài nói không? Liệu những sự dạy dỗ quan trọng có bị lãng quên vì trí nhớ bất toàn của họ không? Chúa Giê-su bảo đảm với họ rằng thánh linh sẽ ‘nhắc lại cho họ nhớ mọi điều ngài đã phán cùng họ’. Vì vậy, khoảng tám năm sau khi Chúa Giê-su chết, Ma-thi-ơ có thể viết sách Phúc Âm thứ nhất, ghi lại Bài Giảng trên Núi ấm lòng của Chúa Giê-su, vô số những minh họa của ngài về Nước Trời, và cuộc thảo luận chi tiết về điềm chỉ sự hiện diện của ngài. Hơn 50 năm sau, sứ đồ Giăng vẫn có thể viết lại một lời tường thuật đáng tin cậy với thêm nhiều chi tiết về những ngày cuối cùng sống trên đất của Chúa Giê-su. Những lời tường thuật được soi dẫn này đã mang lại nhiều khích lệ biết bao cho đến tận thời chúng ta!

13. Thánh linh đã trở thành thầy dạy đối với tín đồ Đấng Christ thời ban đầu như thế nào?

13 Thánh linh không chỉ nhắc các môn đồ nhớ lại lời Chúa Giê-su, mà còn dạy dỗ và hướng dẫn họ để có sự hiểu biết đầy đủ hơn về ý định Đức Chúa Trời. Khi còn ở với các môn đồ, Chúa Giê-su đã dạy họ nhiều điều mà lúc đó họ chưa hiểu hết được. Tuy nhiên, sau này dưới sự thúc đẩy của thánh linh, Giăng, Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giu-đe và Phao-lô đã viết ra những lời giảng giải về những bước tiến xa hơn của ý định Đức Chúa Trời. Như vậy, thánh linh đã trở thành thầy dạy, cho các môn đồ sự bảo đảm quý báu rằng họ được Đức Chúa Trời dẫn dắt.

14. Thánh linh đã giúp dân của Đức Chúa Trời qua những cách nào?

14 Sự ban cho mầu nhiệm nhờ thánh linh cũng giúp chứng tỏ Đức Chúa Trời đã chuyển ân huệ Ngài từ dân Y-sơ-ra-ên xác thịt qua hội thánh tín đồ Đấng Christ. (Hê-bơ-rơ 2:4) Bông trái thánh linh trong đời sống của mỗi cá nhân cũng là một yếu tố quan trọng giúp xác nhận ai thật sự là môn đồ Chúa Giê-su. (Giăng 13:35; Ga-la-ti 5:22-24) Và thánh linh thêm sức cho những thành viên trong hội thánh đó trở thành những nhân chứng dạn dĩ, không sợ hãi.—Công-vụ 4:31.

Sự giúp đỡ khi bị áp lực nặng nề

15. (a) Các tín đồ Đấng Christ trong quá khứ và hiện tại phải đương đầu với những áp lực nào? (b) Tại sao thỉnh thoảng người thường cho lời khích lệ có thể cũng cần được khích lệ?

15 Tất cả những ai dâng mình cho Đức Giê-hô-va và trung thành với Ngài đều nếm trải sự bắt bớ qua cách này hay cách khác. (2 Ti-mô-thê 3:12) Tuy nhiên, nhiều tín đồ Đấng Christ phải chịu áp lực vô cùng nặng nề. Trong thời hiện đại, một số người đã bị đám đông quấy nhiễu, bị ném vào các trại tập trung, nhà tù và trại lao động có điều kiện cực kỳ tồi tệ. Một số chính phủ hoặc trực tiếp bắt bớ, hoặc làm lơ để các phần tử vô luật pháp hành hung tín đồ Đấng Christ mà không bị trừng phạt. Ngoài ra, các tín đồ cũng gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe hoặc khủng hoảng trong gia đình. Một tín đồ Đấng Christ thành thục cũng có thể cảm thấy bị áp lực khi giúp hết người này đến người khác trong hội thánh giải quyết các khó khăn của họ. Trong những trường hợp như thế, người thường cho lời khích lệ có thể cũng cần được khích lệ.

16. Khi bị áp lực nặng nề, Đa-vít đã được giúp đỡ như thế nào?

16 Trong khi bị Vua Sau-lơ đuổi giết, Đa-vít đã tìm cầu sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời. Ông nài xin: “Hỡi Đức Chúa Trời, xin hãy nghe lời cầu-nguyện tôi... Tôi nương-náu mình dưới bóng cánh của Chúa”. (Thi-thiên 54:2, 4; 57:1) Đa-vít có được giúp đỡ không? Có. Trong suốt thời gian đó, Đức Giê-hô-va đã dùng nhà tiên tri Gát và thầy tế lễ A-bia-tha để cho Đa-vít sự hướng dẫn, đồng thời Ngài dùng Giô-na-than, con trai của Sau-lơ, để làm vững lòng chàng trai trẻ này. (1 Sa-mu-ên 22:1, 5; 23:9-13, 16-18) Đức Giê-hô-va cũng để cho quân Phi-li-tin xâm lược xứ, như vậy buộc Sau-lơ phải bỏ dở cuộc truy kích.—1 Sa-mu-ên 23:27, 28.

17. Khi chịu áp lực rất lớn, Chúa Giê-su đã tìm sự giúp đỡ ở đâu?

17 Chính Chúa Giê-su Christ cũng chịu áp lực rất lớn khi đời sống trên đất của ngài gần mãn. Ngài biết rõ hành động của mình có thể ảnh hưởng thế nào đến danh của Cha trên trời và tương lai của cả nhân loại. Ngài đã thiết tha cầu nguyện, thậm chí “trong cơn rất đau-thương”. Đức Chúa Trời đã giúp cho Chúa Giê-su nhận được sự tiếp sức cần thiết trong giai đoạn khó khăn đó.—Lu-ca 22:41-44.

18. Đức Chúa Trời đã ban sự an ủi nào cho những tín đồ Đấng Christ thời ban đầu lúc bị bắt bớ dữ dội?

18 Sau khi hội thánh vào thế kỷ thứ nhất được thành lập, các tín đồ Đấng Christ bị bắt bớ dữ dội đến nỗi ngoại trừ các sứ đồ, tất cả những người khác đều phải lánh khỏi Giê-ru-sa-lem. Cả đàn ông lẫn đàn bà đều bị bắt lôi đi. Đức Chúa Trời đã ban cho họ sự an ủi nào? Đó là sự bảo đảm qua Lời Ngài rằng họ có “của-cải quí hơn hằng còn luôn”, tức cơ nghiệp chắc chắn trên trời với Đấng Christ. (Hê-bơ-rơ 10:34; Ê-phê-sô 1:18-20) Khi tiếp tục rao giảng, họ thấy rõ bằng chứng thánh linh Đức Chúa Trời ở với họ, và những kinh nghiệm đó cho họ thêm lý do để vui mừng.—Ma-thi-ơ 5:11, 12; Công-vụ 8:1-40.

19. Mặc dù bị bắt bớ dữ dội, Phao-lô cảm thấy thế nào về sự an ủi của Đức Chúa Trời?

19 Với thời gian, Sau-lơ (tức Phao-lô), là người từng bắt bớ hung bạo, trở thành nạn nhân của sự bắt bớ khi ông trở thành tín đồ Đấng Christ. Trên đảo Chíp-rơ, một thuật sĩ đã cố dùng sự gian trá và vu khống để cản trở thánh chức của Phao-lô. Ở Ga-la-ti, dân chúng ném đá ông và bỏ ông vì tưởng ông đã chết. (Công-vụ 13:8-10; 14:19) Ở Ma-xê-đoan, ông bị đánh bằng roi. (Công-vụ 16:22, 23) Sau khi bị đám đông ở Ê-phê-sô hành hung, ông viết: “Chúng tôi đã bị đè-nén quá chừng, quá sức mình, đến nỗi mất lòng trông-cậy giữ sự sống. Chúng tôi lại hình như đã nhận án xử-tử”. (2 Cô-rinh-tô 1:8, 9) Nhưng cũng chính trong lá thư đó, Phao-lô đã viết những lời đầy an ủi được trích nơi đoạn 2 của bài này.—2 Cô-rinh-tô 1:3, 4.

20. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài tới?

20 Làm thế nào bạn có thể góp phần mang lại sự an ủi như thế? Rất nhiều người vào thời chúng ta cần đến sự an ủi khi bị đau khổ, hoặc do tai họa giáng xuống trên hàng ngàn người, hoặc do sự khổ não mà riêng họ phải chịu. Trong bài tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét cách để đem lại sự an ủi trong hai hoàn cảnh đó.

Bạn có nhớ không?

• Tại sao sự an ủi của Đức Chúa Trời có giá trị lớn nhất?

• Sự an ủi nào được cung cấp qua Đấng Christ?

• Thánh linh đã tỏ ra là một sự an ủi như thế nào?

• Hãy nêu những ví dụ về sự an ủi của Đức Chúa Trời khi các tôi tớ Ngài bị áp lực nặng nề.

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 15]

Kinh Thánh cho thấy Đức Giê-hô-va ban sự an ủi bằng cách giải cứu dân Ngài

[Các hình nơi trang 16]

Chúa Giê-su mang lại sự an ủi qua việc dạy dỗ, chữa lành bệnh tật, và làm người chết sống lại

[Hình nơi trang 18]

Chúa Giê-su nhận được sự giúp đỡ từ trên cao