Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Tại sao Tháp Canh ngày 1-4-2002, nơi trang 11, đoạn 7, nói là phép báp têm trong nước của người Do Thái mới tin đạo vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN biểu trưng “sự dâng mình cho Đức Chúa Trời qua Đấng Christ”, trong khi trước đây lại có quan điểm là phép báp têm của người Do Thái từ năm 33 CN đến năm 36 CN không đòi hỏi sự dâng mình như thế?

Vào năm 1513 TCN, Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên một cơ hội để trở thành một dân thánh cho Ngài với điều kiện họ ‘vâng lời Ngài và giữ giao-ước Ngài’. Họ đã đáp lại: “Chúng tôi xin làm mọi việc Đức Giê-hô-va đã phán dặn”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 19:3-8; 24:1-8.

Khi đồng ý giữ giao ước Luật Pháp Môi-se, dân Y-sơ-ra-ên đã dâng mình cho Đức Chúa Trời. Những thế hệ Do Thái kế tiếp được sinh ra trong dân tộc đã dâng hiến đó. Tuy nhiên, phép báp têm của người Do Thái nay trở thành môn đồ của Đấng Christ từ Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN trở đi, không có ý nghĩa là trình diện mình với Đức Chúa Trời như thành viên của một dân tộc đã dâng hiến cho Ngài. Phép báp têm ấy biểu trưng sự dâng mình của họ cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời trong một mối quan hệ mới với Ngài qua Chúa Giê-su Christ. Như vậy nghĩa là gì?

Tiếp theo việc thánh linh đổ xuống trên khoảng 120 môn đồ nhóm lại trong một căn phòng trên lầu ở Giê-ru-sa-lem vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, sứ đồ Phi-e-rơ đứng lên và bắt đầu giảng cho đám đông người Do Thái và người cải sang đạo Do Thái nhóm lại để xem những gì đã xảy ra. Sau khi làm chứng cặn kẽ, ông nói với những người Do Thái đang bị lương tâm cắn rứt: “Hãy hối-cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-têm, để được tha tội mình”. Hưởng ứng những lời khuyên giục tiếp theo của Phi-e-rơ, “những kẻ nhận lời đó đều chịu phép báp-têm; và trong ngày ấy, có độ ba ngàn người thêm vào Hội-thánh”.—Công-vụ 2:1-41.

Chẳng phải những người Do Thái làm báp têm sau khi nghe lời khuyên giục của Phi-e-rơ đã là thành viên của một nước đã dâng hiến cho Đức Chúa Trời sao? Chẳng phải họ đã được hưởng một mối quan hệ với Đức Chúa Trời với tư cách là dân được hiến dâng cho Ngài sao? Không. Sứ đồ Phao-lô viết rằng ‘Đức Chúa Trời đã lấy Luật Pháp đi bằng cách đóng đinh nó’ vào cây khổ hình. (Cô-lô-se 2:14) Qua sự chết của Đấng Christ vào năm 33 CN, Giê-hô-va Đức Chúa Trời loại bỏ giao ước Luật Pháp—cơ sở chính yếu cho việc đem người Y-sơ-ra-ên vào một mối quan hệ trọn vẹn dâng hiến cho Ngài. Dân tộc đã chối bỏ Con Đức Chúa Trời nay bị chính Đức Chúa Trời từ bỏ. ‘Dân Y-sơ-ra-ên xác thịt’ không còn có thể nhận mình là một dân tộc dâng hiến cho Đức Chúa Trời nữa.— 1 Cô-rinh-tô 10:18; Ma-thi-ơ 21:43.

Giao ước Luật Pháp bị hủy bỏ vào năm 33 CN, nhưng giai đoạn mà Đức Chúa Trời dành sự chú ý và ưu đãi đặc biệt cho dân Do Thái không chấm dứt vào năm đó. * Giai đoạn đó được tiếp tục cho tới năm 36 CN khi Phi-e-rơ giảng cho Cọt-nây, một người Ý vốn kính sợ Đức Chúa Trời, và gia đình ông cũng như những người ngoại khác. (Công-vụ 10:1-48) Việc kéo dài sự ưu đãi này đặt trên cơ sở nào?

Đa-ni-ên 9:27 nói: “[Đấng Mê-si] sẽ lập giao-ước vững-bền với nhiều người trong một tuần-lễ”. Giao ước được giữ cho có hiệu lực bảy năm, tức “một tuần-lễ”, kể từ khi Chúa Giê-su làm báp têm và bắt đầu thánh chức rao giảng của Đấng Mê-si vào năm 29 CN, là giao ước Áp-ra-ham. Để được ở trong mối quan hệ giao ước đó, một người chỉ cần là con cháu của Áp-ra-ham. Giao ước đơn phương đó không đưa lại cho họ mối quan hệ trọn vẹn dâng hiến cho Đức Giê-hô-va. Do đó, những người Do Thái tin đạo làm báp têm sau khi nghe Phi-e-rơ giảng vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, mặc dù là người được hưởng sự chú ý đặc biệt vì là người Do Thái xác thịt, không được hưởng mối quan hệ với Đức Chúa Trời với tư cách một dân tộc đã dâng hiến một khi giao ước Luật Pháp đã bị hủy bỏ. Họ cần tự dâng chính mình cho Đức Chúa Trời.

Về phần những người Do Thái và những người cải sang đạo Do Thái, việc tự dâng chính mình và trình diện để làm báp têm vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN là cần thiết vì một lý do khác nữa. Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên giục người nghe ăn năn và làm báp têm nhân danh Chúa Giê-su. Làm thế đòi hỏi họ từ bỏ đường lối của thế gian và công nhận Chúa Giê-su là Chúa, Đấng Mê-si, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm và là đấng ngồi bên hữu Đức Chúa Trời ở trên trời. Họ cần kêu cầu danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời để được cứu rỗi qua Chúa Giê-su Christ, điều này bao gồm việc thực hành đức tin nơi Đấng Christ và nhìn nhận ngài là Vị Lãnh Đạo của mình. Toàn thể cơ sở cho việc có mối quan hệ với Đức Chúa Trời và được tha tội bây giờ đã thay đổi. Với tư cách cá nhân, những người Do Thái tin đạo cần chấp nhận sự sắp đặt mới này. Bằng cách nào? Bằng cách dâng mình cho Đức Chúa Trời và tuyên bố công khai sự dâng mình qua việc trầm người trong nước nhân danh Chúa Giê-su Christ. Phép báp têm trong nước là một biểu tượng của sự dâng mình cho Đức Chúa Trời, đem họ vào mối quan hệ mới với Ngài qua Chúa Giê-su Christ.—Công-vụ 2:21, 33-36; 3:19-23.

[Chú thích]

^ đ. 7 Khi Chúa Giê-su Christ về trời và trình lên Giê-hô-va Đức Chúa Trời giá trị của sự hy sinh mạng sống làm người của ngài thì giao ước Luật Pháp Môi-se bị hủy bỏ và điều đó là cơ sơ cho “giao-ước mới” đã được tiên tri.—Giê-rê-mi 31:31-34.