Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ai nấy sẽ ngồi dưới cây vả mình

Ai nấy sẽ ngồi dưới cây vả mình

Ai nấy sẽ ngồi dưới cây vả mình

VÀO mùa hè nóng bỏng ở vùng Trung Đông, bóng râm thật hiếm. Bất cứ cây nào cho bóng để che ánh nắng mặt trời đều rất quý, đặc biệt khi cây ấy gần nhà. Với lá lớn và cành trải rộng ra, cây vả cho bóng râm nhiều hơn đa số các cây khác trong vùng Trung Đông.

Theo sách Cây cối trong Kinh Thánh (Anh ngữ), “người ta nói rằng bóng [của cây vả] mát hơn và cho cảm giác thoải mái hơn là cái lều”. Khi được trồng trên bờ vườn nho ở nước Y-sơ-ra-ên xưa, cây vả cung cấp một nơi lý tưởng cho những người làm việc ngoài đồng áng nghỉ ngơi chốc lát.

Vào cuối một ngày nóng và dài, mọi người trong gia đình có thể ngồi dưới cây vả và vui vẻ trò chuyện. Ngoài ra, cây vả còn đem lại cho người chủ nhiều trái bổ dưỡng. Do đó, từ thời Vua Sa-lô-môn, việc ngồi dưới cây vả tượng trưng cho hòa bình, thịnh vượng và dư dật.—1 Các Vua 4:24, 25.

Nhiều thế kỷ trước đó, nhà tiên tri Môi-se miêu tả Đất Hứa là ‘xứ có cây vả’. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:8) Mười hai người do thám đem về trại quân Y-sơ-ra-ên trái vả và trái cây khác để làm bằng chứng về sự phì nhiêu của vùng đất này. (Dân-số Ký 13:21-23) Vào thế kỷ 19, một người du hành đến các địa danh Kinh Thánh tường thuật rằng cây vả là một cây được trồng nhiều nhất. Thảo nào Kinh Thánh thường nói đến trái vả và cây vả!

Một loại cây ra trái hai mùa

Hầu như đất nào cũng trồng được vả, và hệ thống rễ mọc lan ra xa giúp cây chịu được những mùa hè khô và dài ở Trung Đông. Cây vả có đặc điểm khác thường là mùa thu hoạch trái đầu mùa của nó là vào tháng 6 và vụ mùa chính thường từ tháng 8 trở đi. (Ê-sai 28:4) Vào đầu mùa, người Y-sơ-ra-ên thường ăn trái vả tươi, còn vào mùa vả sau, họ phơi khô để dùng suốt trong năm. Trái vả khô có thể ép thành những ổ bánh tròn, đôi khi hạnh nhân cũng được trộn vào. Những bánh trái vả này tiện lợi, bổ dưỡng và ngon.

A-bi-ga-in, một người đàn bà khôn ngoan, đã dâng cho Đa-vít 200 ổ bánh trái vả khô, chắc chắn bà nghĩ rằng bánh này là thực phẩm lý tưởng cho những người phải chạy trốn nay đây mai đó. (1 Sa-mu-ên 25:18, 27) Vả ép còn dùng để làm thuốc. Người ta đã dùng cao vả ép khô đắp trên mụn nhọt đang đe dọa mạng sống của Vua Ê-xê-chia, tuy việc ông được lành bệnh sau đó chính là do Đức Chúa Trời can thiệp. *2 Các Vua 20:4-7.

Vào thời xưa, dân vùng Địa Trung Hải rất quý trái vả khô. Chính khách Cato đã giơ trái vả để thuyết phục Thượng Viện La Mã tham dự Cuộc Chiến Thứ Ba chống lại Carthage. Trái vả khô ngon nhất ở La Mã đến từ Caria, vùng Tiểu Á. Vì thế, carica trở thành tên tiếng La-tinh chỉ trái vả khô. Cũng ở vùng này nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, người ta vẫn còn sản xuất những trái vả khô rất thơm ngon.

Những nhà nông Y-sơ-ra-ên thường trồng cây vả trong vườn nho, nhưng cây nào không ra quả thì họ đốn đi. Họ không muốn phí đất tốt và hiếm hoi cho những cây không ra trái. Trong minh họa của Chúa Giê-su về cây vả không ra trái, chủ ruộng nói với người trồng nho: “Kìa đã ba năm nay ta đến hái trái nơi cây vả nầy mà không thấy: hãy đốn nó đi; cớ sao nó choán đất vô-ích?” (Lu-ca 13:6, 7) Vì vào thời Chúa Giê-su, cây ăn trái bị đánh thuế nên bất cứ cây nào không ra trái sẽ là gánh nặng về kinh tế.

Trái vả rất quan trọng trong chế độ ăn uống của người Y-sơ-ra-ên. Vì thế, thất mùa vả—có lẽ liên hệ đến sự đoán phạt của Đức Giê-hô-va—sẽ là một tai họa. (Ô-sê 2:12; A-mốt 4:9) Nhà tiên tri Ha-ba-cúc nói: “Dầu cây vả sẽ không nứt lộc nữa, và sẽ không có trái trên những cây nho; cây ô-li-ve không sanh-sản, và chẳng có ruộng nào sanh ra đồ-ăn... Dầu vậy, tôi sẽ vui-mừng trong Đức Giê-hô-va, tôi sẽ hớn-hở trong Đức Chúa Trời của sự cứu-rỗi tôi”.—Ha-ba-cúc 3:17, 18.

Biểu tượng cho một nước thiếu đức tin

Đôi khi Kinh Thánh dùng trái vả hay cây vả theo nghĩa bóng. Chẳng hạn, Giê-rê-mi so sánh những người phu tù Giu-đa giữ được lòng trung thành với giỏ trái vả tốt, tức những trái vả đầu mùa thường được người ta ăn tươi. Tuy nhiên, những người phu tù bất trung thì giống như giỏ trái vả xấu, không ăn được và phải vứt đi.—Giê-rê-mi 24:2, 5, 8, 10.

Trong minh họa về cây vả không ra trái, Chúa Giê-su cho thấy lòng kiên nhẫn của Đức Chúa Trời với nước Do Thái. Như đề cập ở trên, ngài nói về người có cây vả trong vườn nho mình. Cây đã không ra trái trong ba năm, và người chủ sắp đốn nó đi. Nhưng người trồng nho nói: “Thưa chúa, xin để lại năm nầy nữa, tôi sẽ đào đất xung-quanh nó rồi đổ phân vào. Có lẽ về sau nó sẽ ra trái; bằng không, chúa sẽ đốn”.—Lu-ca 13:8, 9.

Khi nói minh họa này, Chúa Giê-su đã rao giảng ba năm rồi, đã ra sức vun trồng đức tin nơi những thành viên của nước Do Thái. Chúa Giê-su đã gia tăng hoạt động, “đổ phân” cho cây vả tượng trưng—tức dân Do Thái—và tạo cho nó cơ hội để ra trái. Tuy nhiên, tuần lễ trước khi Chúa Giê-su chết, rõ ràng dân này nói chung đã chối bỏ Đấng Mê-si.—Ma-thi-ơ 23:37, 38.

Chúa Giê-su đã dùng cây vả một lần nữa để minh họa tình trạng xấu xa về thiêng liêng của nước này. Bốn ngày trước khi chết, trong khi đi từ Bê-tha-ni đến Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su thấy một cây vả cành lá xum xuê nhưng lại không có một trái nào. Vì trái vả đầu mùa thường mọc ra cùng lúc với lá cây—và đôi khi ra trước cả lá cây—sự kiện cây không ra trái cho thấy nó vô ích.—Mác 11:13, 14. *

Giống như cây vả không ra trái tuy bề ngoài tươi tốt, dân Do Thái có một bề ngoài giả trá. Dân này đã không sinh ra trái làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, và cuối cùng nó đã chối bỏ chính Con của Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su đã rủa cây vả không ra trái, và vào ngày hôm sau, môn đồ thấy nó đã khô héo. Cây khô héo đó tượng trưng thích hợp cho việc Đức Chúa Trời sẽ không còn nhận dân Do Thái là dân riêng Ngài nữa.—Mác 11:20, 21.

Bài học từ cây vả

Chúa Giê-su cũng dùng cây vả để dạy một bài học quan trọng về sự hiện diện của ngài. Ngài phán: “Hãy nghe lời ví-dụ về cây vả, vừa lúc nhành non, lá mới đâm, thì các ngươi biết mùa hạ gần tới. Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy, khá biết rằng Con người gần đến, Ngài đương ở trước cửa”. (Ma-thi-ơ 24:32, 33) Những lá xanh tươi của cây vả là dấu hiệu dễ nhận ra và không thể nhầm lẫn là mùa hè đến. Tương tự, lời tiên tri quan trọng của Chúa Giê-su ghi nơi Ma-thi-ơ chương 24, Mác chương 13, và Lu-ca chương 21 cung cấp bằng chứng rõ ràng về sự hiện diện của ngài hiện đang nắm quyền Nước Trời.—Lu-ca 21:29-31.

Vì chúng ta đang sống trong một thời kỳ khẩn trương như thế trong lịch sử, chắc chắn chúng ta muốn học từ bài học về cây vả. Nếu làm thế và giữ mình tỉnh thức về thiêng liêng, chúng ta có hy vọng chứng kiến sự thành tựu của lời hứa tuyệt diệu: “Ai nấy sẽ ngồi dưới cây nho mình và dưới cây vả mình, không ai làm cho lo-sợ; vì miệng Đức Giê-hô-va vạn-quân đã phán”.—Mi-chê 4:4.

[Chú thích]

^ đ. 8 Vào giữa thế kỷ 19, ông H. B. Tristram, một nhà vạn vật học, đã thăm các địa danh Kinh Thánh và nhận xét là dân địa phương vẫn còn dùng thuốc đắp bằng trái vả để chữa mụn nhọt.

^ đ. 16 Việc này xảy ra gần làng Bê-pha-giê. Tên này có nghĩa là “Nhà của những trái vả đầu mùa”. Điều này có thể cho thấy vùng này nổi tiếng về những vụ được mùa vả đầu mùa.