Hãy tiếp tục đứng vững và chiến thắng cuộc đua đến sự sống
Hãy tiếp tục đứng vững và chiến thắng cuộc đua đến sự sống
NẾU phải đi qua một vùng biển đầy giông bão, bạn sẽ chọn loại tàu nào? Loại thuyền nan mỏng manh hay một chiếc tàu được đóng chắc chắn? Hẳn nhiên bạn sẽ chọn chiếc tàu vì nó có thể chống chọi tốt hơn với những ngọn sóng hung hãn.
Khi trải qua hệ thống đầy bão tố và hiểm nguy này, chúng ta cũng phải đương đầu với những thử thách gây chao đảo. Chẳng hạn, những người trẻ đôi khi có thể cảm thấy hoang mang và bất an giữa thế giới có quá nhiều tư tưởng và trào lưu hỗn độn này. Những người mới bắt đầu sống theo đạo Đấng Christ có thể còn thấy dao động. Ngay cả một số người đã đứng vững, trung thành phụng sự Đức Chúa Trời trong nhiều năm, có thể vẫn đang bị thử thách vì những trông đợi của họ chưa hoàn toàn thành hiện thực.
Những cảm giác đó không phải là điều mới lạ. Những tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va như Môi-se, Gióp và Đa-vít đôi khi cũng cảm thấy sờn lòng. (Dân-số Ký 11:14, 15; Gióp 3:1-4; Thi-thiên 55:4) Nhưng lối sống họ vẫn mang đậm dấu ấn của sự sùng kính hết lòng đối với Đức Giê-hô-va. Gương tốt của họ khích lệ chúng ta kiên trì, nhưng Sa-tan Ma-quỉ lại luôn muốn làm chúng ta sao lãng trong cuộc đua đến sự sống đời đời. (Lu-ca 22:31) Vậy làm thế nào chúng ta giữ sự kiên trì, “đứng vững trong đức-tin”? (1 Phi-e-rơ 5:9) Và làm thế nào chúng ta có thể làm vững lòng anh em đồng đức tin?
Đức Giê-hô-va muốn chúng ta đứng vững
Nếu chúng ta trung thành với Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ luôn bên cạnh để giúp chúng ta giữ sự kiên định. Người viết Thi-thiên Đa-vít đã gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhờ trông cậy nơi Đức Chúa Trời nên ông có thể hát: “[Đức Giê-hô-va] cũng đem tôi lên khỏi hầm gớm-ghê, khỏi vũng-bùn lấm; Ngài đặt chân tôi trên hòn đá, và làm cho bước tôi vững-bền”.—Thi-thiên 40:2.
Đức Giê-hô-va thêm sức để chúng ta ‘vì đức-tin đánh trận tốt-lành’ hầu “bắt lấy sự sống đời đời”. (1 Ti-mô-thê 6:12) Ngài cũng cung cấp những sắp đặt để giúp chúng ta giữ sự kiên định và đi đến chiến thắng trong trận chiến về thiêng liêng. Sứ đồ Phao-lô thúc giục anh em tín đồ Đấng Christ hãy tiếp tục “mạnh-dạn trong Chúa, nhờ sức toàn-năng của Ngài”, và “mang lấy mọi khí-giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu-kế của ma-quỉ”. (Ê-phê-sô 6:10-17) Nhưng điều gì có thể khiến chúng ta dao động? Và làm sao cưỡng lại những ảnh hưởng tai hại đó?
Hãy coi chừng những yếu tố gây dao động
Chúng ta nên khôn ngoan ghi nhớ sự thật quan trọng này: Các quyết định của chúng ta
cuối cùng sẽ có ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến sự kiên định của chính chúng ta, với tư cách là tín đồ Đấng Christ. Các bạn trẻ phải quyết định những vấn đề như nghề nghiệp, việc học lên cao và hôn nhân. Người lớn có thể phải quyết định việc có nên dời nhà đến chỗ khác, hoặc đi làm thêm. Mỗi ngày chúng ta phải quyết định dùng thời gian như thế nào và nhiều chuyện khác nữa. Điều gì sẽ giúp chúng ta có những quyết định khôn ngoan để càng vững vàng hơn với tư cách những tôi tớ của Đức Chúa Trời? Một tín đồ Đấng Christ lâu năm nói: “Tôi cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ trước khi quyết định. Tôi tin rằng việc chấp nhận và áp dụng lời khuyên từ Kinh Thánh, từ các buổi họp, từ các trưởng lão, và từ các ấn phẩm giải thích Kinh Thánh là điều rất quan trọng”.Khi quyết định việc gì, tốt hơn nên tự hỏi: ‘Năm hay mười năm nữa, tôi sẽ thấy sung sướng về những quyết định này không, hay sẽ thấy hối tiếc? Tôi có cố gắng sao cho những quyết định của mình không khiến mình dao động về thiêng liêng, mà sẽ tiến bộ hơn không?’—Phi-líp 3:16.
Việc chiều theo cám dỗ hoặc để mình đi đến chỗ suýt nữa vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời, đã khiến một số người đã báp têm có đời sống bất ổn. Một số người bị khai trừ khỏi hội thánh vì đã theo đuổi lối sống tội lỗi mà không ăn năn. Sau đó họ cố gắng rất nhiều để được chấp nhận lại, nhưng rồi có khi chỉ sau một thời gian ngắn họ bị khai trừ thêm lần nữa vì tái phạm lỗi cũ. Phải chăng đó là do họ đã không cầu xin Đức Chúa Trời giúp họ “gớm sự dữ mà mến sự lành”? (Rô-ma 12:9; Thi-thiên 97:10) Tất cả chúng ta đều cần tiếp tục “làm đường thẳng cho chân [chúng ta] theo”. (Hê-bơ-rơ 12:13) Vì thế, hãy xem xét một số điểm có thể giúp ta giữ sự vững vàng về thiêng liêng.
Đứng vững qua hoạt động của tín đồ Đấng Christ
Một cách để giữ tốc độ đều trong cuộc đua đến sự sống là tham gia nhiều vào công việc rao truyền Nước Trời. Thật vậy, thánh chức là một sự giúp đỡ quý giá để giữ lòng và trí chúng ta luôn tập trung vào việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời và chú mục vào giải thưởng sự sống đời đời. Về phương diện này, sứ đồ Phao-lô khuyến giục tín đồ Đấng Christ ở thành Cô-rinh-tô: “Hỡi anh em yêu-dấu của tôi, hãy vững-vàng chớ rúng-động, hãy làm công-việc Chúa cách dư-dật luôn, vì biết rằng công-khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô-ích đâu”. (1 Cô-rinh-tô 15:58) “Vững-vàng” có nghĩa là “không dễ dàng bị lung lay”. Còn ‘không rúng-động’ có thể được định nghĩa là ‘không để mình bị tuột khỏi neo’. Như vậy, bận rộn trong thánh chức có tác dụng giúp chúng ta giữ vững lối sống theo đạo Đấng Christ. Giúp người khác biết về Đức Giê-hô-va khiến đời sống chúng ta có ý nghĩa và hạnh phúc.—Công-vụ 20:35.
Chị Pauline, một tín đồ đã hơn 30 năm làm giáo sĩ và tham gia hoạt động rao giảng trọn thời gian, nhận xét: “Thánh chức là một sự bảo vệ vì khi làm chứng cho người khác, tôi cũng tự khẳng định với bản thân là mình có lẽ thật”. Tham gia đều đặn các sinh hoạt khác của tín đồ Đấng Christ, như tham dự các buổi họp để thờ phượng và chăm chỉ học hỏi Kinh Thánh cá nhân, cũng mang lại niềm tin chắc như thế.
Vững vàng nhờ đoàn thể anh em yêu thương
Là thành viên của tổ chức những người thờ phượng thật trên thế giới cũng có tác dụng mạnh giúp chúng ta đứng vững. Quả là một ân phước khi được kết hợp với một đoàn thể anh em thế giới đầy lòng yêu thương! (1 Phi-e-rơ 2:17) Và chúng ta cũng có thể góp phần giúp anh em đồng đạo đứng vững.
Hãy xem những hành động giúp đỡ của người công bình Gióp. Ngay cả Ê-li-pha, một người an ủi giả dối, cũng phải thừa nhận: “Các lời nói ông đã đỡ kẻ xiêu-tó lên, và đầu gối lung-lay, ông đã làm cho vững-bền”. (Gióp 4:4) Chúng ta đang làm tốt ra sao về phương diện này? Mỗi cá nhân đều có trách nhiệm giúp đỡ anh chị em thiêng liêng bền lòng phụng sự Đức Chúa Trời. Khi tiếp xúc với họ, chúng ta có thể làm theo tinh thần của câu này: “Hãy làm cho mạnh những tay yếu-đuối, làm cho vững những gối run-en!” (Ê-sai 35:3) Vậy, sao không đặt mục tiêu củng cố hay khuyến khích một hoặc hai anh em tín đồ Đấng Christ mỗi lần gặp họ? (Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Những lời khen và cám ơn đầy khích lệ về nỗ lực không ngừng của họ trong việc làm vui lòng Đức Giê-hô-va có thể thật sự giúp họ tiếp tục đứng vứng, với triển vọng thắng cuộc đua đến sự sống.
Các trưởng lão có thể giúp đỡ rất nhiều khi khuyến khích những người mới. Các anh có thể làm điều này bằng cách cho những lời đề nghị hữu ích và lời khuyên khôn ngoan dựa trên Kinh Thánh, và bằng cách cùng rao giảng với họ. Sứ đồ Phao-lô luôn nắm lấy cơ hội khích lệ người khác. Ông ao ước được gặp tín đồ Đấng Christ ở thành Rô-ma để giúp họ vững mạnh về thiêng liêng. (Rô-ma 1:11) Ông xem các anh chị em thân yêu ở thành Phi-líp là “sự vui-mừng và mão triều-thiên” của mình, và khuyến giục họ “đứng vững trong Chúa”. (Phi-líp 4:1) Ngay khi hay tin về những khó khăn của anh em ở Tê-sa-lô-ni-ca, ông liền phái Ti-mô-thê đến ‘làm họ được vững-vàng và giục lòng họ trong đức-tin, hầu cho không một người nào trong họ bị rúng-động bởi những sự khốn-khó’.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 3:1-3.
Sứ đồ Phao-lô và Phi-e-rơ cũng công nhận và quý trọng những nỗ lực trung thành của anh em đồng đạo. (Cô-lô-se 2:5; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 3:7, 8; 2 Phi-e-rơ 1:12) Tương tự thế, chúng ta đừng để ý những nhược điểm của anh em, mà hãy chú ý đến những đức tính tốt và những phấn đấu thành công của họ trong việc tiếp tục đứng vững và tôn vinh Đức Giê-hô-va.
Nếu có thái độ tiêu cực hoặc chỉ trích, có thể vô tình chúng ta khiến một số người càng khó đứng vững trong đức tin. Thật thích hợp biết bao để nhớ rằng anh em chúng ta “cùng-khốn, và tan-lạc” trong hệ thống mọi sự này! (Ma-thi-ơ 9:36) Trong hội thánh đạo Đấng Christ, họ có lý do chính đáng trông đợi sự an ủi và thanh thản. Vì thế, mong sao tất cả chúng ta đều cố gắng hết sức xây dựng anh em và giúp họ tiếp tục đứng vững.
Đôi khi cách đối xử của người khác có thể làm chúng ta sờn lòng. Có nên để một lời nói cộc cằn hay một hành động thiếu tử tế khiến chúng ta giảm phụng sự Đức Giê-hô-va không? Mong sao chúng ta đừng bao giờ để ai khiến mình không còn đứng vững nữa!—2 Phi-e-rơ 3:17.
Lời hứa của Đức Chúa Trời có tác dụng giúp đứng vững
Lời hứa của Đức Giê-hô-va về một tương lai tuyệt diệu dưới sự cai trị của Nước Trời mang lại cho chúng ta niềm hy vọng, giúp ta tiếp tục đứng vững. (Hê-bơ-rơ 6:19) Và lòng tin chắc rằng Đức Chúa Trời luôn thực hiện các lời hứa của Ngài thúc đẩy chúng ta ‘tỉnh-thức và vững-vàng trong đức-tin’. (1 Cô-rinh-tô 16:13; Hê-bơ-rơ 3:6) Khi một số lời hứa của Đức Chúa Trời có vẻ lâu ứng nghiệm, đức tin chúng ta có thể bị thử thách. Vì thế, điều quan trọng là phải cảnh giác để không bị lầm lạc bởi những sự dạy dỗ giả trá và đánh mất hy vọng của mình.—Cô-lô-se 1:23; Hê-bơ-rơ 13:9.
Gương xấu của những người Y-sơ-ra-ên đã bị hủy diệt vì không tin nơi các lời hứa của Đức Giê-hô-va nên là một sự cảnh cáo cho chúng ta. (Thi-thiên 78:37) Thay vì bắt chước họ, mong sao chúng ta đứng vững phụng sự Đức Chúa Trời với ý thức khẩn trương trong những ngày cuối cùng này. Một trưởng lão có kinh nghiệm nói: “Mỗi ngày tôi đều sống như thể ngày lớn của Đức Giê-hô-va sẽ đến vào ngày mai”.—Giô-ên 1:15.
Vâng, ngày lớn của Đức Giê-hô-va đã gần kề. Tuy nhiên, chúng ta không cần phải sợ hãi nếu cứ ở gần Đức Chúa Trời. Nếu theo sát các tiêu chuẩn công bình của Ngài và tiếp tục đứng vững, chúng ta sẽ thành công trong cuộc đua đến sự sống đời đời.—Châm-ngôn 11:19; 1 Ti-mô-thê 6:12, 17-19.
[Hình nơi trang 23]
Bạn có đang cố gắng hết sức để giúp anh em tín đồ Đấng Christ đứng vững không?
[Nguồn tư liệu nơi trang 21]
The Complete Encyclopedia of Illustration/J. G. Heck