Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sổ ghi chép của Nô-ê có ý nghĩa cho chúng ta không?

Sổ ghi chép của Nô-ê có ý nghĩa cho chúng ta không?

Sổ ghi chép của Nô-ê có ý nghĩa cho chúng ta không?

TRONG KHI tiên tri về điềm chỉ sự hiện diện của ngài và sự cuối cùng của hệ thống mọi sự này, Chúa Giê-su phán: “Trong đời Nô-ê thể nào, khi Con người đến cũng thể ấy”. (Ma-thi-ơ 24:3, 37) Rõ ràng, Chúa Giê-su đã tiên tri về điều đang xảy ra trong thời chúng ta tương đương với thời Nô-ê. Lời tường thuật đáng tin cậy và chính xác về những biến cố trong thời Nô-ê có thể chứng tỏ là một kho tàng vô giá.

Sổ ghi chép của Nô-ê có phải là kho tàng quý giá đến thế không? Nó có bằng chứng để tin được rằng đó là một tài liệu lịch sử có thật không? Chúng ta có thật sự xác định được trận Nước Lụt xảy ra khi nào không?

Trận Nước Lụt xảy ra khi nào?

Kinh Thánh cung cấp thông tin theo thứ tự thời gian giúp chúng ta tính ngược lại đến thời ban đầu của lịch sử loài người. Nơi Sáng-thế Ký 5:1-29, chúng ta tìm được phả hệ từ khi người nam đầu tiên, A-đam, được dựng nên cho đến lúc Nô-ê sinh ra. Trận Đại Hồng Thủy bắt đầu “năm sáu trăm của đời Nô-ê”.—Sáng-thế Ký 7:11.

Để xác định thời gian trận Nước Lụt xảy ra, chúng ta cần khởi sự với một năm then chốt. Nghĩa là, chúng ta phải bắt đầu với một năm được lịch sử thế tục chấp nhận và tương ứng với một biến cố đặc biệt có ghi trong Kinh Thánh. Từ điểm cố định đó, chúng ta có thể tính và xác định được thời điểm của trận Nước Lụt theo lịch Gregory (tức dương lịch) hiện đang thông dụng.

Một năm then chốt là 539 TCN, năm mà Vua Si-ru người Phe-rơ-sơ lật đổ Ba-by-lôn. Các nguồn tài liệu thế tục nói về thời ông cai trị gồm có bảng đá của Ba-by-lôn, các văn bản của Diodorus, Africanus, Eusebius, và Ptolemy. Nhờ chiếu chỉ của Si-ru, một số người Do Thái còn sót lại rời khỏi Ba-by-lôn và hồi hương vào năm 537 TCN. Điều đó đánh dấu sự chấm dứt tình trạng hoang vu 70 năm của Giu-đa, theo tài liệu ghi trong Kinh Thánh, đã khởi sự vào năm 607 TCN. Khi cộng vào đó thời kỳ các quan xét và các triều vua Y-sơ-ra-ên, chúng ta có thể xác định rằng cuộc Xuất Hành của dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập xảy ra vào năm 1513 TCN. Nguồn niên đại Kinh Thánh đưa chúng ta 430 năm ngược dòng thời gian đến thời điểm lập giao ước cùng Áp-ra-ham vào năm 1943 TCN. Sau đó chúng ta cần phải cộng thêm năm sinh và quãng đời của Tha-rê, Na-cô, Sê-rúc, Rê-hu, Bê-léc, Hê-be, và Sê-lách, cũng như A-bác-sát, người sinh ra “cách hai năm, sau cơn nước lụt”. (Sáng-thế Ký 11:10-32) Do đó, chúng ta có thể tính được trận Nước Lụt bắt đầu vào năm 2370 TCN. *

Trận nước lũ đổ xuống

Trước khi xem lại những biến cố trong thời Nô-ê, có lẽ bạn nên đọc sách Sáng-thế Ký chương 7 câu 11 đến chương 8 câu 4. Về trận mưa lớn, chúng ta đọc: “Nhằm năm sáu trăm của đời Nô-ê [2370 TCN], tháng hai, ngày mười bảy, chánh ngày đó, các nguồn của vực lớn nổ ra, và các đập trên trời mở xuống”.—Sáng-thế Ký 7:11.

Nô-ê chia một năm thành 12 tháng và mỗi tháng gồm 30 ngày. Thời xưa, tháng thứ nhất bắt đầu vào khoảng giữa tháng 9 theo lịch của chúng ta ngày nay. Trận nước lũ khởi sự đổ xuống vào “tháng hai, ngày mười bảy” và tiếp tục đổ trong 40 ngày và 40 đêm suốt tháng 11 và 12 năm 2370 TCN.

Về trận Đại Hồng Thủy, Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết: “Nước dâng lên trên mặt đất trọn một trăm năm mươi ngày... Nước giựt khỏi mặt đất, lần lần vừa hạ vừa giựt; trong một trăm năm mươi ngày nước mới bớt xuống. Đến tháng bảy, ngày mười bảy, chiếc tàu tấp trên núi A-ra-rát”. (Sáng-thế Ký 7:24–8:4) Như vậy khoảng thời gian từ khi nước tràn ngập trái đất tới lúc nước rút xuống là 150 ngày, hoặc năm tháng. Do đó chiếc tàu tấp lại trên rặng núi A-ra-rát vào tháng 4 năm 2369 TCN.

Bây giờ có lẽ bạn nên đọc Sáng-thế Ký 8:5-17. Gần hai tháng rưỡi sau (73 ngày), các đỉnh núi lộ ra ‘vào tháng mười [tháng 6], ngày mồng một tháng đó’. (Sáng-thế Ký 8:5) * Ba tháng sau (90 ngày)—tức vào “năm sáu trăm một của đời Nô-ê, ngày mồng một, tháng giêng”, hay vào giữa tháng 9, năm 2369 TCN—Nô-ê mở cửa tàu. Lúc ấy ông có thể thấy “mặt đất đã se”. (Sáng-thế Ký 8:13) Một tháng và 27 ngày (57 ngày) sau, vào “tháng hai, ngày hai mươi bảy [giữa tháng 11, năm 2369 TCN], đất đã khô rồi”. Rồi Nô-ê và gia đình ông ra khỏi tàu và bước đi trên đất khô. Vậy thì Nô-ê và gia đình đã ở trong tàu một năm và mười ngày theo âm lịch (tức 370 ngày).—Sáng-thế Ký 8:14.

Những ghi chép chính xác về các biến cố, cũng như các chi tiết và yếu tố thời gian cho thấy gì? Cho thấy điều này: Môi-se, nhà tiên tri người Hê-bơ-rơ, dường như dựa vào tài liệu ông nhận được để viết Sáng-thế Ký, đã trình bày sự thật chứ không phải chuyện thần thoại. Do đó, trận Đại Hồng Thủy có một ý nghĩa rất quan trọng đối với chúng ta ngày nay.

Những người khác cùng viết Kinh Thánh xem trận Nước Lụt như thế nào?

Ngoài sự tường thuật trong sách Sáng-thế Ký, còn có nhiều chỗ nói đến Nô-ê hoặc trận Đại Hồng Thủy trong Kinh Thánh. Thí dụ:

(1) Nhà nghiên cứu E-xơ-ra đã bao gồm Nô-ê và các con trai ông (Sem, Cham, và Gia-phết) trong gia phả của nước Y-sơ-ra-ên.—1 Sử-ký 1:4-17.

(2) Lu-ca, người viết Phúc Âm cũng là y sĩ, đã kể đến Nô-ê khi liệt kê tổ tiên của Chúa Giê-su Christ.—Lu-ca 3:36.

(3) Sứ đồ Phi-e-rơ nói nhiều đến sự tường thuật trận Nước Lụt trong các lá thư ông gửi cho anh em tín đồ Đấng Christ.—2 Phi-e-rơ 2:5; 3:5, 6.

(4) Sứ đồ Phao-lô nói về đức tin mạnh mẽ mà Nô-ê bày tỏ trong việc đóng tàu để cứu gia đình mình.—Hê-bơ-rơ 11:7.

Có thể tin chắc rằng những người được soi dẫn viết Kinh Thánh nói trên đã chấp nhận sự tường thuật của Sáng-thế Ký về trận Nước Lụt hay không? Họ hoàn toàn chấp nhận đó là một biến cố có thật.

Chúa Giê-su và trận Nước Lụt

Chúa Giê-su Christ hiện hữu trước khi làm người. (Châm-ngôn 8:30, 31) Ngài là một tạo vật thần linh ở trên trời trong lúc trận Nước Lụt xảy ra. Do đó, là người chứng kiến, Chúa Giê-su đã cho chúng ta sự xác nhận quan trọng nhất trong Kinh Thánh về Nô-ê và trận Nước Lụt. Ngài phán: “Trong đời Nô-ê thể nào, khi Con người đến [“hiện diện”, NW] cũng thể ấy. Vì trong những ngày trước nước lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả như thường cho đến ngày Nô-ê vào tàu,—và người ta không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy,—khi Con người đến cũng như vậy”.—Ma-thi-ơ 24:37-39.

Có thể nào Chúa Giê-su dùng chuyện thần thoại để cảnh báo chúng ta về sự kết liễu sắp đến của hệ thống mọi sự này không? Chắc chắn là không! Chúng ta tin chắc rằng ngài đã dùng gương có thật để nói về việc Đức Chúa Trời thi hành sự phán xét trên kẻ ác. Đúng vậy, nhiều người mất mạng sống, nhưng chúng ta được an ủi khi biết rằng Nô-ê và gia đình ông được cứu qua trận Nước Lụt.

‘Thời Nô-ê’ rất có ý nghĩa cho những người sống ngày nay, trong kỳ ‘hiện diện của Con người’, tức Chúa Giê-su Christ. Khi đọc sự tường thuật chi tiết về trận Nước Lụt toàn cầu được Nô-ê ghi lại, chúng ta có thể chắc chắn rằng đó là một tài liệu lịch sử xác thực. Và sự tường thuật về trận Nước Lụt được Đức Chúa Trời soi dẫn trong sách Sáng-thế Ký có ý nghĩa rất quan trọng cho chúng ta. Như Nô-ê, các con trai và vợ của họ đã đặt đức tin nơi phương tiện Đức Chúa Trời cung cấp để cứu họ, ngày nay chúng ta có thể được Đức Giê-hô-va che chở nhờ đặt đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su. (Ma-thi-ơ 20:28) Hơn nữa, chúng ta có thể hy vọng nằm trong số những người được sống sót qua sự cuối cùng của hệ thống gian ác này, như sổ ghi chép của Nô-ê cho thấy là ông và gia đình ông được sống qua trận Nước Lụt đã hủy diệt thế gian không tin kính thời bấy giờ.

[Chú thích]

^ đ. 7 Muốn biết chi tiết về cách tính thời gian lúc trận Nước Lụt xảy ra, xin xem sách Insight on the Scriptures, Tập 1, trang 458-460, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 12 Sách Bình luận về Cựu Ước của Keil-Delitzsch (Anh ngữ), Tập 1, trang 148, phát biểu: “Rất có thể là 73 ngày sau khi tàu dừng lại, ông nhìn thấy các đỉnh của rặng núi, tức các đỉnh của vùng cao nguyên Armenia chung quanh tàu”.

[Khung nơi trang 5]

Họ có sống lâu đến thế không?

KINH THÁNH nói: “Nô-ê hưởng-thọ được chín trăm năm mươi tuổi, rồi qua đời”. (Sáng-thế Ký 9:29) Ông nội của Nô-ê là Mê-tu-sê-la sống được 969 tuổi—một người sống lâu nhất được Kinh Thánh ghi lại. Tuổi thọ trung bình của mười thế hệ từ A-đam tới Nô-ê là trên 850 năm. (Sáng-thế Ký 5:5-31) Những người thời đó có sống lâu đến thế không?

Ý định ban đầu của Đức Chúa Trời là cho con người sống đời đời. Người nam đầu tiên, A-đam, được tạo nên với cơ hội hưởng một đời sống không bao giờ chấm dứt nếu ông vâng lời Đức Chúa Trời. (Sáng-thế Ký 2:15-17) Nhưng A-đam đã không vâng lời và mất cơ hội đó. Trong thời gian sống 930 năm, trải qua tiến trình lão hóa rồi chết, A-đam trở về bụi đất, nơi ông được tạo ra. (Sáng-thế Ký 3:19; 5:5) Người nam đầu tiên đã truyền lại tội lỗi và sự chết cho tất cả dòng dõi ông.—Rô-ma 5:12.

Tuy nhiên, loài người trong thời kỳ đó sống gần hơn với sự hoàn toàn lúc ban đầu của A-đam, và dường như vì lý do này họ thọ hơn nhiều so với những người sinh ra sau thời đó. Do đó, tuổi thọ trung bình của người ta kéo dài gần một ngàn năm trong thời trước trận Nước Lụt, và sau đó giảm đi cách nhanh chóng. Chẳng hạn, Áp-ra-ham chỉ sống được 175 tuổi. (Sáng-thế Ký 25:7) Và khoảng 400 năm sau khi tộc trưởng trung thành này chết, nhà tiên tri Môi-se viết: “Tuổi-tác của chúng tôi đến được bảy mươi, còn nếu mạnh-khỏe thì đến tám mươi; song sự kiêu-căng của nó bất quá là lao-khổ và buồn-thảm”. (Thi-thiên 90:10) Đời người ngày nay cũng rất giống như vậy.

[Biểu đồ/​Các hình nơi trang 6, 7]

Kể từ chiếu chỉ của Si-ru cho phép người Do Thái bị lưu đày hồi hương tính ngược tới thời gian trận Nước Lụt thời Nô-ê

537 Chiếu chỉ của Si-ru *

539 Si-ru, vua Phe-rơ-sơ, lật đổ Ba-by-lôn

68 năm

607 70 năm hoang vu của nước Giu-đa bắt đầu

906 năm dưới sự giám sát của các lãnh đạo, quan xét và vua Y-sơ-ra-ên

1513 Cuộc Xuất Hành khỏi xứ Ai Cập

430 năm Thời kỳ 430 năm con cháu Y-sơ-ra-ên cư ngụ trong xứ Ai Cập và Ca-na-an (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:40, 41)

1943 Giao ước với Áp-ra-ham bắt đầu có hiệu lực

205 năm

2148 Tha-rê ra đời

222 năm

2370 Trận Nước Lụt khởi sự

[Chú thích]

^ đ. 35 Tuyên cáo của Si-ru về việc thả dân Do Thái bị lưu đày được ban ra trong “năm thứ nhất đời Si-ru, vua nước Phe-rơ-sơ”, có thể là vào năm 538 TCN hoặc đầu năm 537 TCN.