Tatian—Người biện giải về tôn giáo hay người theo dị giáo?
Tatian—Người biện giải về tôn giáo hay người theo dị giáo?
GẦN cuối chuyến hành trình truyền giáo lần thứ ba, sứ đồ Phao-lô họp lại với các trưởng lão của hội thánh ở Ê-phê-sô. Ông nói với họ: “Còn tôi biết rằng sau khi tôi đi, sẽ có muông-sói dữ-tợn xen vào trong vòng anh em, chẳng tiếc bầy đâu; lại giữa anh em cũng sẽ có những người nói lời hung-ác dấy lên, ráng sức dỗ môn-đồ theo họ”.—Công-vụ 20:29, 30.
Đúng như lời Phao-lô, thế kỷ thứ hai CN chứng tỏ là một thời gian vừa có sự thay đổi vừa có sự bội đạo được báo trước. Thuyết Ngộ Đạo, một phong trào về tôn giáo và triết lý lan rộng, ngày càng gia tăng đầu độc đức tin của một số tín đồ. Những người Ngộ Đạo tin rằng những điều về thiêng liêng là tốt còn tất cả những gì về vật chất là xấu. Lý luận rằng tất cả những điều về xác thịt là xấu nên họ bác bỏ hôn nhân và việc sinh con cái, cho rằng những điều này bắt nguồn từ Sa-tan. Một số người trong họ tin rằng vì chỉ có những gì thuộc về thiêng liêng là tốt còn những việc một người làm về thể xác thì không quan trọng. Những quan điểm đó dẫn đến lối sống cực đoan: hoặc chủ nghĩa khổ hạnh hoặc chiều theo xác thịt. Người Ngộ Đạo cho rằng sự cứu rỗi chỉ đến từ chủ nghĩa Ngộ Đạo huyền bí, hoặc sự tự biết mình nên không còn chỗ cho lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời.
Những người nhận là theo đạo Đấng Christ phản ứng ra sao đối với sự đe dọa của chủ nghĩa Ngộ Đạo? Một số người có học thức chống lại học thuyết sai lầm này, còn những người khác thì bị cuốn theo. Chẳng hạn, Irenaeus đã khởi sự một cuộc đấu tranh suốt đời chống lại những dạy dỗ dị giáo. Ông thụ giáo Polycarp, một người đồng thời với các sứ đồ. Polycarp khuyên bám chặt vào những lời dạy của Chúa Giê-su Christ và các sứ đồ. Mặc dù cùng được Polycarp hướng dẫn, Florinus, bạn của Irenaeus, đã sa vào sự dạy dỗ của Valentinus, nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất của phong trào Ngộ Đạo. Quả thật, đó là thời kỳ đầy xáo động.
Những tác phẩm của Tatian, một nhà văn uy tín của thế kỷ thứ hai, đã giúp hiểu thêm bầu không khí tôn giáo của thời kỳ đó. Tatian là người như thế nào? Làm sao ông ta trở thành một người theo đạo Đấng Christ? Tatian đã xử sự thế nào dưới ảnh hưởng của dị giáo theo phái Ngộ Đạo? Những lời giải đáp lý thú và lối sống của ông đã để lại những bài học quý giá cho những người tìm kiếm lẽ thật ngày nay.
Tiếp xúc với “một số tác phẩm ngoại lai”
Tatian là người quê quán ở Sy-ri. Do đi nhiều nơi và đọc nhiều nên ông rất am hiểu
nền văn hóa La Mã và Hy Lạp thời ông. Tatian đến Rô-ma với tư cách nhà hùng biện lưu động. Tuy nhiên, khi ở Rô-ma ông chú ý đến đạo Đấng Christ. Ông bắt đầu kết hợp với Justin Martyr, và có lẽ trở thành môn đồ của ông ấy.Theo một lời tường thuật cho biết về sự cải đạo để theo đạo Đấng Christ, Tatian xác nhận: “Tôi nghĩ cách để có thể tìm ra lẽ thật”. Bình luận về kinh nghiệm bản thân khi được biết Kinh Thánh, ông nói: “Tôi tình cờ xem một số tác phẩm ngoại lai, quá lâu đời để so sánh với các quan điểm của người Hy Lạp, quá siêu việt để so với những sai lầm trong các tác phẩm Hy Lạp; tôi bị thuyết phục tin theo những tác phẩm này bởi lối viết không cầu kỳ, tính chân thật của những người viết, khả năng tiên tri về biến cố trong tương lai, tính chất tuyệt vời của những lời giáo huấn, và sự công bố về việc thống trị hoàn vũ tập trung vào một Đấng”.
Tatian không do dự mời những người cùng thời xem xét sự giản dị và trong sáng của đạo Đấng Christ lúc đó tương phản với tính phức tạp của tà giáo. Chúng ta có thể học được gì từ những tác phẩm của ông?
Những tác phẩm của ông tiết lộ điều gì?
Những tác phẩm của Tatian cho thấy ông là người biện giải về tôn giáo, một nhà văn thẳng thắn biện hộ niềm tin của ông. Ông có thái độ đối kháng và nghiêm khắc với triết lý ngoại giáo. Trong tác phẩm Address to the Greeks (Viết cho người Hy Lạp), Tatian nhấn mạnh sự vô giá trị của chủ nghĩa ngoại giáo và tính phải lẽ của đạo Đấng Christ. Lối viết của ông rất gay gắt khi ông biểu lộ sự khinh thường đối với cách thức của người Hy Lạp. Chẳng hạn, nhắc đến triết gia Heracleitus, ông nói: “Tuy nhiên, cái chết đã minh chứng sự ngu dốt của con người này; khi bị bệnh phù, dù học ngành y và triết học, ông lại tự đắp phân bò đầy mình, khi phân này khô cứng lại, làm co rút thịt toàn thân, vì thế thân ông bị rách nát, và dẫn đến cái chết”.
Tatian rất quý trọng niềm tin nơi một Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa của muôn vật. (Hê-bơ-rơ 3:4) Trong tác phẩm Address to the Greeks, ông nói đến Đức Chúa Trời là “một Thần” và nói: “Một mình Ngài không có sự khởi đầu, và chính Ngài là sự khởi đầu của muôn vật”. (Giăng 4:24; 1 Ti-mô-thê 1:17) Bác bỏ việc dùng hình tượng trong sự thờ phượng, Tatian viết: “Làm sao tôi có thể gọi các khúc gỗ và những phiến đá là các thần được?” (1 Cô-rinh-tô 10:14) Ông tin rằng Ngôi Lời là tạo vật đầu tiên trong những công trình tạo hóa của Cha trên trời và sau đó ngài được dùng trong việc dựng nên vũ trụ vật chất. (Giăng 1:1-3; Cô-lô-se 1:13-17) Về việc sống lại vào thời gian đã định, Tatian tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng người chết sẽ sống lại với thân thể xác thịt sau sự kết liễu hệ thống mọi sự”. Còn về vấn đề tại sao chúng ta chết, Tatian viết: “Chúng ta được tạo nên không phải để chết, nhưng chúng ta chết bởi tội lỗi của chính mình. Sự tự do lựa chọn của chúng ta đã hủy diệt chính mình, từ tình trạng được sống tự do nay đã phải trở thành tôi mọi, bị bán vì cớ tội lỗi”.
Lời giải thích của Tatian về linh hồn không rõ ràng. Ông nói: “Hỡi người Hy Lạp, linh hồn không bất tử, nhưng có thể chết. Tuy nhiên, linh hồn có thể không chết. Thật vậy, nếu linh hồn không biết lẽ thật thì chết, và bị tiêu tan cùng với thân thể, nhưng cuối cùng sẽ sống lại lúc tận thế cùng với thân thể, nhận lấy cái chết qua hình phạt trong sự bất tử”. Không rõ Tatian muốn nói gì qua những lời đó. Phải chăng là trong khi theo sát một số dạy dỗ của Kinh Thánh, ông cũng cố dung hòa với những người cùng thời và do đó đã pha trộn những lẽ thật Kinh Thánh với triết lý ngoại giáo?
Một tác phẩm đáng chú ý khác của Tatian là sách Diatessaron, hoặc Sự hòa hợp của bốn sách Phúc Âm. Tatian là người đầu tiên cung cấp cho những hội thánh ở Sy-ri các sách Phúc Âm bằng ngôn ngữ của họ. Đó là một tác phẩm được đánh giá cao, gom bốn sách Phúc Âm thành một chuyện. Sách này được Nhà Thờ Sy-ri sử dụng.
Một tín đồ Đấng Christ hay người theo dị giáo?
Xem xét cẩn thận những tác phẩm của Tatian cho thấy ông quen thuộc và rất tôn trọng Kinh Thánh. Ông viết về ảnh hưởng của Kinh Thánh trên bản thân ông: “Tôi không ao ước làm giàu, tôi từ chối quyền lực trong quân đội, tôi ghê tởm dâm dục, tôi không bị sự mê tham của cải vô độ thúc đẩy để trở thành thủy thủ... Tôi không điên cuồng ham mê danh vọng... Tất cả đều hưởng cùng một mặt trời, tất cả đều phải chết dù họ sống sung sướng hay nghèo khổ”. Tatian khuyên nhủ: “Hãy quên thế gian, khước từ sự điên dại ở trong đó. Hãy sống theo Đức Chúa Trời, và nhờ hiểu biết Ngài mà từ bỏ nhân cách cũ”.—Ma-thi-ơ 5:45; 1 Cô-rinh-tô 6:18; 1 Ti-mô-thê 6:10.
Tuy nhiên, hãy xem xét tác phẩm của Tatian nhan đề On Perfection According to the Doctrine of the Savior (Về sự hoàn toàn theo giáo lý của Đấng Cứu Chuộc). Trong tác phẩm này, ông cho rằng hôn nhân là bởi Ma-quỉ mà có. Xác nhận rằng qua hôn nhân người ta trói chặt xác thịt với thế gian hư mất, Tatian mạnh mẽ lên án điều này.
Dường như vào khoảng năm 166 CN, sau cái chết của Justin Martyr, Tatian đã thiết lập hoặc đã kết hợp với một phái khổ hạnh gọi là nhóm người kiêng kỵ. Những người theo phái này chú trọng sự tự chủ nghiêm khắc và làm chủ thân thể mình. Họ thực hành chủ nghĩa khổ hạnh, không được uống rượu, cưới gả và có tài sản.
Một bài học
Tại sao Tatian lại đi lệch quá xa với Kinh Thánh? Ông ta có trở thành ‘kẻ nghe rồi quên đi’ không? (Gia-cơ 1:23-25) Phải chăng Tatian thất bại trong việc bác bỏ những chuyện bịa đặt và do đó bị triết học loài người bắt phục? (Cô-lô-se 2:8; 1 Ti-mô-thê 4:7) Vì ông ủng hộ những sai lầm rất nghiêm trọng, có thể nghi rằng ông ta bị mắc một chứng bệnh thần kinh nào không?
Dù sao đi nữa, những tác phẩm và lối sống của Tatian cung cấp cho chúng ta một nét đại cương về bầu không khí tôn giáo thời ông. Những tác phẩm này minh chứng ảnh hưởng triết lý của thế gian có tác hại đến mức nào. Mong sao chúng ta chú tâm đến lời cảnh báo của sứ đồ Phao-lô để “tránh những lời hư-không phàm-tục và những sự cãi lẽ bằng tri-thức ngụy xưng là tri-thức”.—1 Ti-mô-thê 6:20.