Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Học bí quyết thỏa lòng

Học bí quyết thỏa lòng

Học bí quyết thỏa lòng

Trong một lá thư đầy khích lệ gửi cho tín đồ Đấng Christ ở Phi-líp, sứ đồ Phao-lô viết: “Tôi đã tập hễ gặp cảnh-ngộ nào, cũng thỏa lòng... Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được”.—Phi-líp 4:11, 12.

Bí quyết thỏa lòng của Phao-lô là gì? Trước giá sinh hoạt đắt đỏ và sự bất ổn về kinh tế thời nay, thật là lợi ích cho tín đồ thật của Đấng Christ tập cách để thỏa lòng hầu có thể tiếp tục đặt trọng tâm vào việc phụng sự Đức Chúa Trời.

TRONG phần đầu lá thư, Phao-lô kể lại sự nghiệp thành công của ông trước kia. Ông nói: “Ví bằng kẻ khác tưởng rằng có thể cậy mình trong xác-thịt, thì tôi lại có thể bội phần nữa, tôi chịu phép cắt-bì ngày thứ tám, về dòng Y-sơ-ra-ên, chi-phái Bên-gia-min, người Hê-bơ-rơ, con của người Hê-bơ-rơ; về luật-pháp, thì thuộc phe Pha-ri-si; về lòng sốt-sắng, thì là kẻ bắt-bớ Hội-thánh; còn như về sự công-bình của luật-pháp, thì không chỗ trách được”. (Phi-líp 3:4-6) Ngoài ra, vốn là một người Do Thái nhiệt thành, Phao-lô được các thầy cả ở Giê-ru-sa-lem giao cho một nhiệm vụ và ủng hộ ông thi hành nhiệm vụ đó. Tất cả những điều này sẽ đem lại cho Phao-lô quyền hành và danh vọng—về chính trị, tôn giáo và hẳn nhiên cả về tài chính nữa—trong hệ thống Do Thái.—Công-vụ 26:10, 12.

Khi Phao-lô trở thành người truyền đạo Đấng Christ nhiệt thành, sự việc đã thay đổi hẳn. Vì tin mừng, ông sẵn sàng từ bỏ sự nghiệp đang sáng chói và tất cả những gì trước đó được xem là quan trọng. (Phi-líp 3:7, 8) Giờ đây ông tự nuôi sống mình như thế nào? Ông có lãnh lương vì là người truyền giáo chăng? Làm sao ông chăm lo cho nhu cầu cá nhân của mình?

Phao-lô thi hành thánh chức hoàn toàn tự nguyện, không lãnh lương. Để tránh lụy đến những người mà ông phục vụ, trong khi ở Cô-rinh-tô, ông làm công việc may lều với A-qui-la và Bê-rít-sin. Ông cũng làm những công việc khác nữa để sinh sống. (Công-vụ 18:1-3; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:9; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:8-10) Phao-lô đã thực hiện ba cuộc hành trình giáo sĩ đến các nơi rất xa, và ông cũng đi thăm những hội thánh cần được giúp đỡ. Vì rất bận rộn trong công việc phụng sự Đức Chúa Trời, ông không có nhiều của cải. Thường các anh em cung cấp những thứ ông cần dùng. Tuy nhiên, đôi khi vì nghịch cảnh, ông bị túng thiếu. (2 Cô-rinh-tô 11:27; Phi-líp 4:15-18) Dù vậy, Phao-lô không hề phàn nàn về số phận mình, và ông cũng không tham muốn những gì người khác có. Ông sẵn sàng và vui lòng chịu khó làm việc vì lợi ích của anh em đồng đạo. Thật vậy, chính Phao-lô là người đã trích lời nói nổi tiếng của Chúa Giê-su: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”. Thật là một gương xuất sắc cho tất cả chúng ta.—Công-vụ 20:33-35.

Ý nghĩa của sự thỏa lòng

Yếu tố chính giúp Phao-lô hạnh phúc và mãn nguyện là ý thức về sự thỏa lòng. Vậy thỏa lòng là gì? Nói một cách giản dị, thỏa lòng nghĩa là bằng lòng với những điều cơ bản. Về điều này, Phao-lô nói với Ti-mô-thê, bạn cùng thi hành thánh chức: “Sự tin-kính cùng sự thỏa lòng, ấy là một lợi lớn. Vì chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng”.—1 Ti-mô-thê 6:6-8.

Hãy lưu ý là Phao-lô liên kết sự thỏa lòng với sự tin kính. Ông công nhận hạnh phúc thật đến từ sự tin kính, nghĩa là để việc phụng sự Đức Chúa Trời lên hàng đầu, chứ không từ của cải vật chất hay sự giàu có. “Đủ ăn đủ mặc” chỉ là phương tiện giúp ông có thể tiếp tục theo đuổi sự tin kính. Vì vậy đối với Phao-lô, bí quyết thỏa lòng là tin cậy Đức Giê-hô-va, bất kể hoàn cảnh ra sao.

Nhiều người ngày nay bị nhiều lo âu và buồn khổ vì không biết, hoặc biết mà lờ đi bí quyết đó. Thay vì vun trồng sự thỏa lòng, họ thích đặt tin cậy vào tiền bạc và những gì tiền có thể mua được. Kỹ nghệ quảng cáo và các phương tiện truyền thông làm cho người ta cảm thấy không thể hạnh phúc trừ khi có những sản phẩm, máy móc mới nhất, mắc tiền nhất—và nên có ngay lập tức. Do đó nhiều người rơi vào bẫy theo đuổi tiền tài, vật chất. Thay vì tìm được hạnh phúc và mãn nguyện, họ “sa vào sự cám-dỗ, mắc bẫy-dò, ngã trong nhiều sự tham-muốn vô-lý thiệt-hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy-diệt hư-mất”.—1 Ti-mô-thê 6:9, 10.

Họ đã học được bí quyết

Thời nay thật sự có thể sống đời sống tin kính và thỏa lòng mà vẫn được hạnh phúc và mãn nguyện không? Có. Thật vậy, hàng triệu người ngày nay đang làm y như vậy. Họ đã học bí quyết bằng lòng với những gì mình có về vật chất. Họ là Nhân Chứng Giê-hô-va, những người đã dâng mình cho Đức Chúa Trời, thực thi ý muốn Ngài và dạy người ta khắp nơi về ý định của Ngài.

Thí dụ, hãy xem xét những người tình nguyện được huấn luyện và gửi đi làm giáo sĩ ở những vùng đất xa lạ để rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 24:14) Thường điều kiện sinh sống nơi những xứ họ được gửi tới không đầy đủ về vật chất như mức sống họ từng có ở nhà. Chẳng hạn, khi các giáo sĩ tới một nước ở Á Châu vào đầu năm 1947, thì hậu quả của chiến tranh vẫn còn, và ít nhà có điện. Tại nhiều xứ, giáo sĩ phải giặt đồ bằng tay trên tấm ván hoặc trên phiến đá bên bờ sông thay vì bằng máy giặt. Vì đến với mục đích dạy người ta lẽ thật Kinh Thánh nên họ đã điều chỉnh cho thích nghi với hoàn cảnh ở địa phương và bận rộn với công việc rao giảng.

Có những người khác đã bắt đầu thánh chức trọn thời gian hoặc dọn đến những vùng chưa có ai rao giảng tin mừng. Adulfo đã phụng sự trọn thời gian hơn 50 năm tại nhiều vùng khác nhau ở Mexico. Anh nói: “Giống sứ đồ Phao-lô, vợ chồng tôi đã học thích nghi với hoàn cảnh. Chẳng hạn, một trong các hội thánh chúng tôi thăm viếng ở cách xa phố và chợ. Mỗi bữa các anh chị đều thỏa lòng ăn chỉ một cái bánh ngô trét một chút mỡ heo, muối và một ly cà phê. Đó là món ăn duy nhất—ba bánh ngô mỗi ngày. Bởi thế chúng tôi tập lối sống giống như các anh chị này. Tôi đã được hưởng nhiều kinh nghiệm như thế này trong 54 năm phụng sự Đức Giê-hô-va trọn thời gian”.

Florentino nhớ lại anh và gia đình đã phải thích nghi thế nào với những hoàn cảnh khó khăn. Nhớ lại thời thơ ấu, anh nói: “Cha tôi buôn bán phát đạt. Cha làm chủ nhiều đất đai. Tôi vẫn còn nhớ quầy thu tiền trong tiệm bán thực phẩm của chúng tôi có một ngăn kéo rộng 50 centimét và sâu 20 centimét, chia ra làm bốn ngăn nhỏ. Vào cuối ngày, tiền giấy và tiền cắc luôn đầy ắp ngăn kéo.

“Rồi bỗng nhiên, chúng tôi bị thất bại về tài chính và đang từ dư dật trở thành thiếu thốn. Chúng tôi mất tất cả trừ căn nhà. Ngoài ra, một người anh của tôi bị tai nạn rồi bị liệt hai chân. Tình trạng không còn như trước nữa. Có một thời gian tôi bán trái cây và thịt. Tôi cũng đi hái bông gòn, nho, cỏ linh lăng và làm công việc dẫn thủy nhập điền. Một vài người gọi tôi là người bá nghệ. Mẹ thường an ủi là chúng ta có lẽ thật, một sự giàu có về thiêng liêng mà ít người có. Bởi vậy tôi đã nếm dư dật cũng như nghèo khó. Giờ đây, phụng sự Đức Giê-hô-va trọn thời gian được khoảng 25 năm, tôi có thể nói rằng hàng ngày tôi nghiệm được niềm vui vì biết rằng tôi đã lựa lối sống tốt nhất—phụng sự Đức Giê-hô-va trọn thời gian”.

Kinh Thánh nhấn mạnh là “tình trạng thế gian này đang thay đổi”. Vì thế, Kinh Thánh khuyến giục chúng ta: “Kẻ đương vui, nên như kẻ chẳng vui; kẻ đương mua, nên như kẻ chẳng được của gì; và kẻ dùng của thế-gian, nên như kẻ chẳng dùng vậy”.—1 Cô-rinh-tô 7:29-31; NW.

Do đó, nay là lúc để bạn xem xét kỹ hơn lối sống của mình. Nếu ở trong hoàn cảnh không mấy dư giả, bạn hãy coi chừng để không trở nên bực tức, cay đắng và ghen ghét. Mặt khác, nếu có của cải vật chất, thì bạn nên có quan điểm thăng bằng để chúng không làm chủ bạn. Như sứ đồ Phao-lô khuyên nhủ, chúng ta không nên “trông-cậy nơi của-cải không chắc-chắn, nhưng hãy để lòng trông-cậy nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật dư-dật cho chúng ta được hưởng”. Nếu làm thế, bạn cũng có thể nói rằng mình đã học được bí quyết thỏa lòng.—1 Ti-mô-thê 6:17-19.

[Hình nơi trang 9]

Phao-lô tự tay làm việc để không lụy đến người khác

[Các hình nơi trang 10]

Hàng ngàn người đang tìm được hạnh phúc trong đời sống “tin-kính cùng sự thỏa-lòng”