Những niềm vui vô song!
Tự Truyện
Những niềm vui vô song!
DO REGINALD WALLWORK KỂ LẠI
“Không gì trên thế gian này có thể so sánh được với những niềm vui chúng tôi có trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va trọn thời gian!” Tôi tìm thấy mẩu giấy này với nét chữ nguệch ngoạc trong đống giấy tờ của vợ tôi không lâu sau khi nàng qua đời vào tháng 5 năm 1994.
KHI suy ngẫm về những lời trên của Irene, tôi nhớ lại 37 năm tràn đầy hạnh phúc chúng tôi làm giáo sĩ tại Peru. Chúng tôi có được sự kết hợp quý báu, cùng nhau rao giảng từ ngày cưới vào tháng 12 năm 1942—đó là một sự khởi đầu tốt cho câu chuyện của tôi.
Irene lớn lên là một Nhân Chứng Giê-hô-va tại Liverpool, Anh Quốc. Gia đình nàng có ba người con gái, còn cha đã chết trong Thế Chiến I. Sau đó mẹ Irene lấy Winton Fraser, và họ có một con trai tên Sidney. Ngay trước Thế Chiến II, gia đình dọn đến Bangor, miền bắc xứ Wales, nơi mà Irene làm báp têm vào năm 1939. Sidney làm báp têm năm trước đó, vì thế cậu ấy và Irene cùng tham gia công tác tiên phong—người rao giảng trọn thời gian—dọc theo miền duyên hải phía bắc xứ Wales, từ Bangor đến Caernarvon, kể cả đảo Anglesey.
Lúc ấy, tôi ở hội thánh Runcorn, cách đông nam Liverpool khoảng 20 kilômét, và phụng sự trong công việc mà ngày nay được gọi là giám thị chủ tọa. Irene đến gặp tôi tại hội nghị vòng quanh để hỏi xem có thể nhận được khu vực rao giảng hay không, vì cô ấy sẽ ở lại với Vera, người chị đã lập gia đình sống ở Runcorn. Irene và tôi cùng hợp lòng hợp ý trong hai tuần lễ ấy, và sau đó tôi đến thăm cô ấy ở Bangor nhiều lần. Thật là niềm vui mừng khôn tả khi, vào một ngày cuối tuần, tôi được Irene nhận lời cầu hôn!
Trở về nhà vào ngày Chủ Nhật, tôi bắt đầu lên kế hoạch ngay cho đám cưới của chúng tôi, nhưng vào ngày Thứ Ba, tôi nhận được điện tín báo: “Em xin lỗi vì điện tín này sẽ làm anh tổn thương. Em sẽ phải hủy đám cưới của chúng ta. Thư sẽ đến sau”. Tôi thật là bàng hoàng. Trở ngại gì đã xảy ra vậy?
Thư của Irene đến ngay hôm sau đó. Nàng bảo tôi là sẽ đi Horsforth thuộc Yorkshire để cùng làm tiên phong với Hilda Padgett, * và giải thích rằng 12 tháng trước đó nàng đã đồng ý phụng sự ở nơi nào có nhu cầu nếu được đề nghị. Nàng viết: “Điều này đối với em như là lời hứa nguyện với Đức Giê-hô-va, và vì đã hứa với Ngài trước khi biết anh thì em cảm thấy phải làm cho trọn”. Dù vẫn còn buồn, tôi rất thán phục lòng trung kiên của nàng nên tôi đã đánh điện trả lời: “Em cứ đi. Anh sẽ đợi”.
Khi ở Yorkshire, Irene bị cầm tù ba tháng vì theo lương tâm đã từ chối không ủng hộ nỗ lực chiến tranh. Nhưng 18 tháng sau, vào tháng 12 năm 1942, chúng tôi lấy nhau.
Những năm đầu đời của tôi
Vào năm 1919 mẹ mua bộ sách Khảo cứu Kinh Thánh (Anh ngữ). * Mặc dù, đúng như ba tôi nhận xét vào lúc ấy, mẹ tôi trước đó chưa bao giờ đọc sách, bà đã kiên quyết cẩn thận học những sách này cùng với cuốn Kinh Thánh của bà. Bà đã làm thế và đi đến báp têm năm 1920.
Ba tôi dễ dãi và không ngăn cản mẹ tôi làm điều bà muốn, kể cả việc nuôi nấng bốn người con—hai chị Gwen và Ivy, anh Alec, và tôi—theo đường lối của lẽ thật. Stanley Rogers và các Nhân Chứng trung thành khác ở Liverpool đến trình bày diễn văn dựa trên Kinh Thánh tại Runcorn, nơi mà một hội thánh mới sớm được thành lập. Gia đình chúng tôi đã lớn mạnh về thiêng liêng cùng với hội thánh.
Chị Gwen đang theo khóa học để làm thành viên chính thức trong Anh Giáo, nhưng chị đã ngưng ngay khi bắt đầu học Kinh Thánh cùng với mẹ. Khi mục sư đến thăm chúng tôi để biết tại sao chị không còn dự lớp học của ông nữa, ông gặp phải một loạt câu hỏi tới tấp khiến ông không trả lời nổi. Chị Gwen hỏi về ý nghĩa Kinh Lạy Cha và cuối cùng phải giải nghĩa kinh đó cho ông ta! Chị kết luận bằng cách trích 1 Cô-rinh-tô 10:21, để cho ông thấy rõ là chị không thể tiếp tục ‘dự hai tiệc’ được nữa. Khi ra khỏi nhà chúng tôi, mục sư nói rằng ông sẽ cầu nguyện cho Gwen và sẽ trở lại để trả lời những câu hỏi của chị nhưng chẳng bao giờ ông trở lại. Sau khi làm báp têm, chị đã sớm trở thành người rao giảng trọn thời gian.
Sự quan tâm đến những người trẻ trong hội thánh của chúng tôi là gương mẫu mực. Tôi nhớ lại lần nghe bài diễn văn của một diễn giả khách năm tôi lên bảy. Sau đó anh đến nói chuyện với tôi. Tôi kể cho anh nghe rằng tôi đã đọc câu chuyện về Áp-ra-ham và việc ông toan dâng Y-sác, con trai mình. Anh nói: “Cháu hãy bước lên góc bục giảng và kể lại hết câu chuyện cho bác nghe đi”. Tôi vui sướng biết bao được đứng đó để trình bày bài “diễn văn công cộng” đầu tiên của mình!
Tôi làm báp têm lúc 15 tuổi vào năm 1931, năm mà mẹ tôi mất, và tôi rời mái trường để trở thành thợ điện tập sự. Vào năm 1936, khi những bài diễn văn dựa trên Kinh Thánh được ghi vào đĩa phát thanh công cộng, một chị lớn tuổi khuyến khích anh tôi và tôi nên bắt tay vào công tác này. Do đó anh Alec và tôi đến Liverpool mua một xe đạp và cho gắn thêm vào một thùng xe để chở máy quay đĩa của chúng tôi. Một loa phóng thanh được ráp vào phía sau thùng xe, đặt trên đầu một ống tuýp có thể điều chỉnh độ cao tới hai mét. Người thợ bảo chúng tôi rằng từ trước tới nay ông ta chưa bao giờ làm một công cụ như thế, nhưng nó hoạt động rất tốt! Chúng tôi phấn khởi cho phát thanh
khắp khu vực, thật biết ơn sự khuyến khích của người chị lớn tuổi và những đặc ân đã được giao cho chúng tôi.Thế Chiến II—Một thời kỳ thử thách
Khi những đám mây chiến tranh vần vũ trên bầu trời, Stanley Rogers và tôi đang bận rộn cho giới thiệu bài diễn văn công cộng “Đối phó với sự kiện”, sẽ được trình bày vào ngày 11-9-1938 tại Royal Albert Hall, Luân Đôn. Sau đó tôi tham gia việc phân phát bài giảng này theo dạng sách nhỏ, cùng với sách Chủ nghĩa Phát-xít hay tự do, được xuất bản năm kế tiếp. Cả hai sách nhỏ vạch trần những tham vọng chuyên chế của nước Đức trong tay Hitler. Lúc đó, tại Runcorn, tôi đã được mọi người biết đến và tôn trọng qua thánh chức rao giảng. Đúng thế, việc tôi luôn luôn đi đầu trong hoạt động thần quyền là điều có lợi cho tôi.
Công ty tôi làm việc đã ký hợp đồng bắt điện cho một nhà máy mới thành lập ở ngoại ô. Khi biết rằng đó là nhà máy sản xuất vũ khí chiến tranh, tôi trình bày rõ là tôi không thể làm việc ở đó. Mặc dù ông chủ không hài lòng, nhưng đốc công đã nâng đỡ tôi, và tôi được giao một công việc khác. Sau đó tôi mới hay rằng ông ta có một người cô cũng là Nhân Chứng Giê-hô-va.
Một đồng nghiệp đã khuyến khích tôi rất nhiều khi ông nói: “Reg à, chúng tôi biết chắc đó là lập trường của anh, vì anh đã tham gia dạy dỗ Kinh Thánh rất lâu năm”. Tuy nhiên, tôi cần phải cảnh giác vì nhiều bạn đồng nghiệp muốn gây trở ngại cho tôi.
Đơn xin miễn nhập ngũ vì cớ lương tâm được tòa án ở Liverpool chấp nhận vào tháng 6 năm 1940 với điều kiện là tôi vẫn làm công việc hiện tại. Dĩ nhiên, công việc này giúp tôi tiếp tục thánh chức của mình.
Vào công việc phụng sự trọn thời gian
Khi chiến tranh gần kết thúc, tôi quyết định bỏ việc làm và cùng Irene rao giảng trọn thời gian. Năm 1946, tôi đóng một xe moóc dài năm mét dùng làm nhà cho chúng tôi, và năm sau, chúng tôi được yêu cầu dọn tới Alveston, một làng ở Gloucestershire. Sau đó chúng tôi làm tiên phong ở Cirencester, một phố cổ, và thành phố Bath. Năm 1951, tôi được mời viếng thăm các hội thánh ở miền nam xứ Wales với tư cách giám thị lưu động, nhưng chưa đầy hai năm sau đó, chúng tôi lên đường đến Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh để dự khóa đào tạo giáo sĩ.
Khóa 21 của trường được tổ chức tại South Lansing, phía bắc tiểu bang New York, và chúng tôi tốt nghiệp năm 1953 tại Đại Hội Xã Hội Thế Giới Mới tổ chức ở Thành Phố New York. Mãi
cho tới ngày tốt nghiệp chúng tôi mới biết được nhiệm sở của mình ở đâu. Chúng tôi sướng run lên khi biết rằng Peru là nơi chúng tôi được bổ nhiệm đến. Sao vậy? Bởi vì Sidney Fraser, em cùng mẹ khác cha của Irene, và Margaret, vợ cậu ấy, đang phụng sự tại văn phòng chi nhánh ở Lima hơn một năm sau khi tốt nghiệp khóa 19 của Trường Ga-la-át!Trong khi đợi visa, chúng tôi làm việc một thời gian ngắn ở nhà Bê-tên Brooklyn, nhưng chúng tôi sớm lên đường đến Lima. Nhiệm sở đầu tiên trong mười nhiệm sở của chúng tôi là Callao, hải cảng chính của Peru, ngay phía tây Lima. Dù chúng tôi đã biết một số căn bản tiếng Tây Ban Nha, lúc đó cả Irene lẫn tôi đều chưa nói chuyện được trôi chảy. Làm sao chúng tôi thi hành công tác?
Những vấn đề và ân phước trong thánh chức
Ở Trường Ga-la-át chúng tôi được kể cho biết là người mẹ không dạy con nhỏ ngôn ngữ của mình. Trái lại, đứa bé học khi bà mẹ nói chuyện với nó. Vì thế chúng tôi được khuyên là: “Hãy đi rao giảng ngay lập tức, và hãy học ngôn ngữ từ công chúng. Họ sẽ giúp các anh chị”. Khi tôi cố gắng nắm vững ngôn ngữ mới này, hãy tưởng tượng tôi cảm thấy thế nào khi, chỉ trong vòng hai tuần từ khi chúng tôi đến, tôi đã được bổ nhiệm làm giám thị chủ tọa tại hội thánh Callao! Tôi đến gặp Sidney Fraser, nhưng lời khuyên của cậu ấy chẳng khác gì Trường Ga-la-át đã cho—kết hợp với hội thánh và với những người trong khu vực. Tôi quyết định làm theo lời khuyên này.
Một buổi sáng Thứ Bảy, tôi gặp một thợ mộc trong tiệm của ông. Ông nói: “Tôi phải tiếp tục công việc, nhưng mời ông ngồi và nói chuyện với tôi”. Tôi bảo ông rằng tôi sẽ làm theo lời ông nhưng với điều kiện là: “Khi tôi nói không đúng, xin ông hãy sửa. Tôi không giận đâu”. Ông cười và đồng ý đề nghị của tôi. Tôi đến thăm ông hai lần một tuần và thấy rằng đó là cách lý tưởng để quen dần với ngôn ngữ mới, y như tôi đã được khuyên vậy.
Tại nhiệm sở thứ hai ở Ica, tình cờ tôi gặp một thợ mộc khác và giải thích cho ông biết những gì tôi đã làm ở Callao. Ông ta cũng đồng ý giúp tôi, vì vậy vốn tiếng Tây Ban Nha của tôi tiếp tục tiến bộ hẳn lên, dù phải mất ba năm tôi mới thật sự thông thạo. Ông này luôn luôn rất bận, nhưng tôi cố gắng hướng dẫn học hỏi Kinh Thánh bằng cách đọc những câu Kinh Thánh rồi giải nghĩa cho ông. Một tuần nọ khi tôi đến thăm ông, người chủ nói với tôi rằng ông đã thôi việc để làm việc khác ở Lima. Sau một thời gian, khi Irene và tôi đến Lima để dự đại hội, tôi gặp lại ông ta. Tôi vui sướng xiết bao khi biết rằng ông đã tìm gặp Nhân Chứng ở địa phương để tiếp tục học hỏi, và ông cùng cả gia đình đều đã trở nên tôi tớ dâng mình cho Đức Giê-hô-va!
Trong một hội thánh, chúng tôi phát hiện rằng một cặp vợ chồng trẻ chưa làm hôn thú, nhưng đã làm báp têm. Khi chúng tôi thảo luận với họ về những nguyên tắc Kinh Thánh liên hệ, họ quyết định hợp thức hóa hôn nhân của họ, điều này giúp họ hội đủ điều kiện để trở thành Nhân Chứng đã báp têm. Vì vậy tôi sắp xếp dẫn họ tới tòa thị chính để họ đăng ký kết hôn. Nhưng rồi một vấn đề phát sinh vì họ có bốn người con cũng chưa đăng ký hợp pháp theo đòi hỏi của chính quyền. Đương nhiên chúng tôi lo lắng là không biết thị trưởng phản ứng thế nào. Thị trưởng nói: “Bởi vì những người bạn Nhân Chứng Giê-hô-va của ông bà là những người tốt, đã nỗ lực để hôn nhân ông bà được hợp pháp, tôi sẽ không áp dụng những đòi hỏi của tòa án đối với mỗi người con, và ghi tên chúng vào danh sách miễn lệ phí”. Chúng tôi thật hết sức biết ơn, vì đây là một gia đình nghèo và bất cứ món tiền phạt nào cũng là gánh nặng cho họ!
Anh Albert D. Schroeder từ trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Brooklyn sau đó đến thăm chúng tôi và đề nghị thành lập một nhà giáo sĩ mới tại một nơi khác ở Lima. Vì vậy Irene và tôi cùng Frances và Elizabeth Good, hai chị từ Hoa Kỳ, và một cặp vợ chồng người Canada dọn đến quận San Borja. Trong hai hoặc ba năm, chúng tôi được ban phước có thêm một hội thánh phát triển nữa.
Phục vụ tại Huancayo, hơn 3.000 mét thuộc cao nguyên miền trung phần, chúng tôi kết hợp với hội thánh ở đó gồm 80 Nhân Chứng. Tại đây tôi tham gia trong việc xây cất Phòng Nước Trời thứ hai trong nước. Tôi được bổ nhiệm là người đại diện hợp pháp cho Nhân Chứng Giê-hô-va, vì chúng tôi phải đến tòa án ba lần để làm giấy tờ hợp pháp sở hữu phần đất chúng tôi đã mua. Những công việc như thế, cùng với việc đào tạo môn đồ bao quát do nhiều giáo sĩ trung thành trong những năm đầu đó thực hiện, đặt nền tảng vững chắc cho việc gia tăng tốt đẹp chúng ta chứng kiến bây giờ ở Peru—từ 283 Nhân Chứng trong năm 1953 đến trên 83.000 ngày nay.
Sự ra đi đáng buồn
Chúng tôi vui hưởng sự kết hợp tuyệt diệu với những người bạn giáo sĩ trong tất cả những nhà giáo sĩ, những nơi tôi thường được đặc ân phục vụ với tư cách là giám thị nhà giáo sĩ. Mỗi sáng Thứ Hai, chúng tôi cùng nhóm lại để thảo luận về công tác trong tuần và phân công để chăm lo nhà giáo sĩ. Điều chính yếu mà tất cả chúng tôi đều ý thức là rao giảng, và nhằm mục đích đó chúng tôi cùng làm việc hòa hợp với nhau. Tôi sung sướng nhớ lại là chúng tôi chưa bao giờ gặp phải những bất đồng quan trọng trong bất cứ nhà giáo sĩ nào của chúng tôi.
Nhiệm sở cuối cùng của chúng tôi là Breña, một vùng ngoại ô khác của Lima. Hội thánh đầy yêu thương của nơi này gồm 70 Nhân Chứng đã phát triển nhanh lên tới hơn 100, vì vậy một hội thánh khác được thành lập tại Palominia. Chính thời gian này thì Irene bị bệnh. Lúc ban đầu tôi thấy rằng thỉnh thoảng Irene không nhớ điều mình đã nói, và đôi khi khó nhớ được đường về nhà. Mặc dù được chăm sóc tốt về y tế, tình trạng sức khỏe của Irene vẫn xấu dần.
Thật đáng buồn, vào năm 1990, tôi phải sắp xếp để chúng tôi trở lại Anh Quốc, nơi chị Ivy của tôi ân cần mời chúng tôi về nhà chị. Bốn năm sau, Irene qua đời lúc đã 81 tuổi. Tôi tiếp tục thánh chức trọn thời gian, phụng sự với tư cách trưởng lão tại một trong ba hội thánh nơi quê tôi. Thỉnh thoảng tôi cũng đi đến Manchester để khuyến khích nhóm tiếng Tây Ban Nha ở đó.
Mới đây tôi được một kinh nghiệm ấm lòng. Kinh nghiệm đó đã bắt đầu nhiều thập niên trước, khi tôi mở máy hát đĩa cho chủ nhà nghe các bài giảng 5 phút. Tôi nhớ lại rõ ràng một em học sinh đứng đằng sau mẹ em ở cửa, lắng nghe thông điệp.
Cô gái này cuối cùng nhập cư Canada, và một người bạn của cô còn ở Runcorn bây giờ là Nhân Chứng tiếp tục liên lạc với cô. Mới đây cô đã viết thư cho biết hai Nhân Chứng đã đến thăm cô và đã dùng những lời khiến cô bất ngờ nhớ lại những gì cô đã nghe được trong bài giảng ghi âm 5 phút. Nhận được tiếng chuông của lẽ thật, bây giờ cô là một tôi tớ dâng mình cho Đức Giê-hô-va và xin chuyển lời cám ơn của chị đến người thanh niên đã tới nhà mẹ chị cách đây hơn 60 năm! Thật vậy, chúng ta không biết được hạt giống lẽ thật sẽ bén rễ và lớn lên như thế nào.—Truyền-đạo 11:6.
Vâng, với lòng biết ơn sâu sắc, tôi nhìn lại đời mình đã dành cho việc phụng sự Đức Giê-hô-va, một đặc ân cao quý. Từ khi dâng mình vào năm 1931, tôi chưa bao giờ bỏ một hội nghị nào của dân sự Đức Giê-hô-va. Mặc dù Irene và tôi không có con, tôi sung sướng có hơn 150 con trai và con gái theo nghĩa thiêng liêng, tất cả đều phụng sự Đức Giê-hô-va, Cha chúng ta trên trời. Như vợ yêu quý của tôi đã biểu lộ, những đặc ân phụng sự của chúng tôi quả thật là một niềm vui vô song.
[Chú thích]
^ đ. 9 Tự truyện của Hilda Padgett, “Noi theo dấu chân của cha mẹ”, đăng trong Tháp Canh, ngày 1-10-1995, trang 19-24.
^ đ. 12 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
[Hình nơi trang 24]
Mẹ, đầu thập niên 1900
[Hình nơi trang 24, 25]
Trái: Hilda Padgett, tôi, Irene, và Joyce Rowley ở Leeds, Anh Quốc, năm 1940
[Hình nơi trang 25]
Trên: Irene và tôi ở trước nhà xe moóc của mình
[Hình nơi trang 27]
Giới thiệu bài diễn văn công cộng ở Cardiff, xứ Wales, năm 1952