A-léc-xan-đơ VI—Một giáo hoàng Rô-ma không thể ngơ được
A-léc-xan-đơ VI—Một giáo hoàng Rô-ma không thể ngơ được
“THEO quan điểm Công Giáo, không lời nào đủ nghiêm khắc để lên án A-léc-xan-đơ VI”. (Geschichte der Päpste seit dem Ausgang des Mittelalters [Lịch sử các giáo hoàng từ cuối thời Trung Cổ]) “Tuyệt đối không thể bào chữa cho đời tư của ông... Chúng ta phải nhận rằng giáo hoàng này tuyệt nhiên không làm vinh dự cho Giáo Hội. Dù đã quen nhìn những cảnh đê tiện, những người đương thời vẫn kinh hoàng vô tả khi chứng kiến tội ác của dòng họ Borgia. Hơn bốn thế kỷ sau, dư âm đó vẫn chưa hoàn toàn lắng xuống”.—L’Église et la Renaissance (1449-1517) (Giáo Hội và thời Phục Hưng).
Tại sao hai tác phẩm lịch sử có uy tín về Giáo Hội Công Giáo La Mã đưa ra những lời bình luận nghiêm khắc đến thế về một giáo hoàng và gia đình ông? Họ đã làm gì để đáng bị chỉ trích như vậy? Một cuộc trưng bày ở Rome (tháng 10-2002–tháng 2-2003) nhan đề I Borgia—l’arte del potere (Dòng họ Borgia—Thủ đoạn chiếm quyền lực), tạo cơ hội để suy nghĩ về những đặc quyền mà các giáo hoàng tự nhận, đặc biệt cách mà Rodrigo Borgia, tức A-léc-xan-đơ VI (giáo hoàng 1492-1503), sử dụng.
Lên nắm quyền
Rodrigo Borgia sinh năm 1431 trong một gia đình có thanh thế tại Játiva, trong vương quốc Aragon, hiện nay thuộc nước Tây Ban Nha. Alfonso de Borgia, cậu của ông là giám mục ở Valencia, đã hướng dẫn cháu trong việc học hành và lo sao cho Rodrigo được ban chức giáo phẩm có bổng lộc trong khi vẫn còn niên thiếu. Dưới sự bảo trợ của Alfonso bấy giờ là hồng y, Rodrigo sang Ý học luật năm 18 tuổi. Khi trở thành Giáo Hoàng Calixtus III, Alfonso phong chức hồng y cho Rodrigo và một người cháu khác. Pere Lluís Borgia được cho giữ chức thống đốc những thành phố khác nhau. Chẳng bao lâu sau Rodrigo được bổ nhiệm làm phó phòng tài chính của giáo hội, một địa vị ông nắm giữ dưới thời nhiều giáo hoàng. Điều này giúp ông tiếp thu được nhiều bổng lộc, tích lũy tài sản khổng lồ, nắm vô số quyền hành, và sống xa xỉ như ông hoàng.
Rodrigo là người thông minh, có tài hùng biện, một nhà bảo trợ nghệ thuật, và có khả năng đạt mục tiêu. Tuy nhiên, ông có một số quan hệ bất chính, có bốn con với người tình lâu năm; ngoài ra còn có thêm con với những người đàn bà khác. Mặc dù bị Giáo Hoàng Pius II khiển trách vì khuynh hướng ham thích các thú vui “phóng đãng nhất” và “sự khoái lạc buông thả”, nhưng Rodrigo vẫn chứng nào tật nấy.
Khi Giáo Hoàng Innocent VIII qua đời vào năm 1492, các hồng y trong giáo hội họp lại để bầu người kế vị. Không ai nghi ngờ việc Rodrigo Borgia đã công khai mua chuộc được các hồng y khác bằng nhiều hứa hẹn, nhờ đó có đủ số phiếu để trở thành Giáo Hoàng A-léc-xan-đơ VI. Ông đã mua phiếu của các hồng y bằng cách nào? Bằng cách cấp cho họ chức vị giáo phẩm, dinh thự, lâu đài, thành phố, tu viện và những chức giám mục có mức thu nhập khổng lồ. Ta có thể hiểu tại sao một sử gia về giáo hội gọi thời kỳ của A-léc-xan-đơ VI là “giai đoạn ô nhục và tai tiếng cho Giáo Hội La Mã”.
Chẳng khác gì các ông hoàng thế gian
Nhờ quyền hành là người lãnh đạo giáo hội, A-léc-xan-đơ VI giúp giải quyết sự tranh chấp giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha về việc phân chia các lãnh thổ mới được khám phá ở Châu Mỹ. Quyền lực thế tục của A-léc-xan-đơ khiến ông là người đứng đầu lãnh địa thuộc quyền giáo hoàng, bao gồm các lãnh thổ ở trung bộ nước Ý, và ông cai trị vương quốc rất giống như bất cứ quốc chủ nào trong thời kỳ Phục Hưng. Như những thời giáo hoàng trước và sau ông, thời kỳ cai trị của A-léc-xan-đơ VI được đánh dấu bằng nạn hối lộ, gia đình trị, và một số cái chết đáng nghi ngờ.
Các quyền lực kình địch nhau tranh giành các lãnh thổ thuộc nước Ý trong thời kỳ hỗn loạn này, và giáo hoàng tuyệt nhiên không phải là người bàng quang. Các thủ đoạn và liên minh chính trị mà ông lập ra rồi hủy bỏ, đều nhằm mục đích đạt quyền lực tối đa cho ông, đẩy mạnh sự nghiệp của các con và nâng cao dòng họ Borgia trên mọi dòng họ khác. Con trai của ông là Juan kết hôn với em họ của vua xứ Castile, và được phong làm công tước ở Gandía, Tây Ban Nha. Người con trai khác là Jofré kết hôn với cháu gái của vua xứ Naples.
Con gái 13 tuổi của ông là Lucrezia đã hứa hôn với nhà quý tộc xứ Aragon, nhưng khi cần một đồng minh để củng cố mối quan hệ với nước Pháp, giáo hoàng này đã hủy bỏ hôn ước và gả con gái cho một người họ hàng của công tước ở Milan. Khi cuộc hôn nhân đó không còn lợi về mặt chính trị nữa, ông đã tìm cớ hủy bỏ và gả Lucrezia cho Alfonso xứ Aragon, thành viên của một vương triều kình địch. Trong khi đó, Cesare Borgia, người anh đầy tham vọng và tàn nhẫn của Lucrezia, lập liên minh với Louis XII của nước Pháp, cho nên cuộc hôn nhân mới đây của em gái với một người Aragon gây lúng túng. Giải pháp là gì? Một tài liệu tham khảo ghi rằng Alfonso, người chồng bất hạnh của cô, “bị bốn kẻ toan ám sát gây thương tích trên các bậc thềm của thánh đường St. Peter. Trong khi đang hồi phục, ông bị một đầy tớ của Cesare xiết cổ chết”. Muốn lập liên minh chiến lược mới, giáo hoàng bèn sắp đặt một cuộc hôn nhân thứ ba cho Lucrezia, lúc này đã 21, với con trai của một công tước quyền thế ở Ferrara.
Sự nghiệp của Cesare được miêu tả là “câu truyện nhuộm máu và vô đạo đức”. Dù được cha bổ nhiệm làm hồng y lúc 17 tuổi, nhưng là con người mánh khóe, đầy tham vọng và đồi bại ít người sánh kịp nên Cesare hợp với chiến trận hơn là các công việc của giáo hội. Sau khi từ chức giáo phẩm, ông kết hôn với một công chúa nước Pháp, nhờ đó nhận được lãnh địa công tước ở Valentinois. Kế đó, với sự ủng hộ của quân Pháp, ông bắt đầu một chiến dịch vây hãm và ám sát nhằm đặt bắc bộ nước Ý dưới quyền kiểm soát của mình.
Nhằm bảo đảm được sự ủng hộ quân sự của nước Pháp, cần thiết để đẩy mạnh các mục tiêu của Cesare, giáo hoàng đã nhượng bộ để cho Vua Louis XII của nước Pháp thực hiện cuộc ly hôn tiện lợi nhưng đầy tai tiếng. Cuộc ly dị này cho phép vua kết hôn với Anne của xứ Brittany và sát nhập lãnh địa của bà vào vương quốc mình. Theo một tài liệu tham khảo, việc làm này đưa đến hậu quả là giáo hoàng “đã hy sinh uy tín của Giáo Hội và nguyên tắc nghiêm ngặt để chiếm ưu thế cho các thành viên trong dòng họ”.
Chỉ trích các hành vi thái quá của giáo hoàng
Những hành vi thái quá của dòng họ Borgia gây nhiều kẻ thù và chuốc lấy những lời chỉ trích. Nói chung giáo hoàng ngơ đi những người chỉ trích ông, nhưng có một người không thể ngơ đi được là Girolamo Savonarola. Ông là thầy tu dòng Đô-mi-ních, một người giảng đạo sôi nổi và lãnh tụ chính trị xứ Florence. Ông lên án sự đồi bại của tông tòa cũng như chính con người và các hành động chính trị của giáo hoàng. Ông kêu gọi miễn nhiệm giáo hoàng và cải cách hàng giáo phẩm. Savonarola thét to: “Hỡi các nhà lãnh đạo giáo hội,... ban đêm các ông đến với tình nhân và buổi sáng lại làm lễ ban thánh thể”. Về sau ông nói: “[Các nhà lãnh đạo ấy] mang bộ mặt dâm phụ, tiếng tăm của họ làm hại Giáo Hội. Tôi nói rằng những người này không tin đạo Đấng Christ”.
Giáo hoàng cố mua chuộc sự im lặng của Savonarola bằng chức hồng y, nhưng ông từ chối. Không biết là các hành động chính trị chống giáo hoàng hay là sự giảng đạo của Savonarola là nguyên nhân khiến ông thân bại danh liệt, cuối cùng ông bị rút phép thông công, bị bắt, tra tấn buộc phải thú tội, và sau đó bị treo cổ và hỏa thiêu.
Những câu hỏi nghiêm trọng
Những biến cố lịch sử này nêu lên những câu hỏi nghiêm trọng. Làm thế nào giải thích được các mưu đồ và hạnh kiểm như thế của một giáo hoàng? Các sử gia giải thích như thế nào? Các lập luận khác nhau được đưa ra.
Nhiều người tin rằng phải xem xét A-léc-xan-đơ VI theo quan điểm lịch sử. Các hoạt động của ông về chính trị và tôn giáo bề ngoài có vẻ như muốn bảo vệ hòa bình, duy trì thế quân bình giữa các vương quốc kình địch, củng cố tình hữu nghị với những đồng minh sẵn sàng bảo vệ chức giáo hoàng, và giữ cho các quốc vương thuộc Ki-tô Giáo đoàn kết chống lại sự đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng còn hạnh kiểm của giáo hoàng thì sao? Một học giả nói: “Mỗi thời đại của Giáo Hội đều có tín đồ xấu và những tu sĩ không xứng đáng. Để không ai bị sửng sốt, chính Đấng Christ đã báo trước điều này; ngài còn ví Giáo Hội với một cánh đồng có lúa mì tốt và cỏ lùng mọc chung, hoặc với một mẻ lưới có cả cá tốt và cá xấu, như ngài cũng đã dung túng Giu-đa giữa các sứ đồ”. *
Cũng chính học giả trên nói tiếp: “Như cái khung có tì vết không làm giảm giá trị của viên ngọc, vậy về cơ bản, tội lỗi của một tu sĩ không làm phương hại... đến giáo lý mà ông dạy... Vàng vẫn là vàng, dù bàn tay phân phát nó sạch hay bẩn”. Một sử gia Công Giáo biện luận rằng trong trường hợp A-léc-xan-đơ VI, tiêu chuẩn mà những tín hữu Công Giáo chân thành nên tuân theo là lời khuyên mà Chúa Giê-su cho các Ma-thi-ơ 23:2, 3) Tuy nhiên, thành thật mà nói, lý luận như thế có thuyết phục bạn không?
môn đồ về các thầy thông giáo và người Pha-ri-si: ‘Làm theo những gì họ nói, nhưng đừng làm theo những gì họ làm’. (Đây có phải đạo thật của Đấng Christ không?
Chúa Giê-su để lại một tiêu chuẩn đơn giản để thử phẩm cách của những người nhận là tín đồ Đấng Christ: “Các ngươi nhờ những trái nó mà nhận-biết được. Nào có ai hái trái nho nơi bụi gai, hay là trái vả nơi bụi tật-lê? Vậy, hễ cây nào tốt thì sanh trái tốt; nhưng cây nào xấu thì sanh trái xấu. Cây tốt chẳng sanh được trái xấu, mà cây xấu cũng chẳng sanh được trái tốt. Ấy vậy, các ngươi nhờ những trái nó mà nhận-biết được”.—Ma-thi-ơ 7:16-18, 20.
Nói chung, qua nhiều thế kỷ, các nhà lãnh đạo tôn giáo có đạt được tiêu chuẩn của đạo thật Đấng Christ do Chúa Giê-su thiết lập và các môn đồ ngài đã làm gương không? Ngày nay họ đạt đến mức nào? Chúng ta hãy xem xét chỉ hai lĩnh vực—việc tham gia chính trị và lối sống.
Chúa Giê-su tuyệt nhiên không sống như ông hoàng trong thế gian. Đời sống Chúa Giê-su giản dị đến nỗi, như ngài thừa nhận, “không có chỗ mà gối đầu”. Nước của ngài “chẳng phải thuộc về thế-gian” và môn đồ ngài “không thuộc về thế-gian, cũng như [ngài] không thuộc về thế-gian”. Như thế Chúa Giê-su từ chối không dính líu đến những việc chính trị đương thời.—Ma-thi-ơ 8:20; Giăng 6:15; 17:16; 18:36.
Tuy nhiên, chẳng phải là qua nhiều thế kỷ các tổ chức tôn giáo đã thường kết giao với các nhà cầm quyền chính trị để được lợi lộc và quyền thế, dù điều này gây đau khổ cho dân thường? Chẳng phải là nhiều người trong hàng giáo phẩm sống xa hoa, mặc dù vô số người mà họ phải phục vụ có thể chịu cảnh nghèo khó?
Em cùng mẹ khác cha của Chúa Giê-su là Gia-cơ nói: “Hỡi bọn tà-dâm kia, anh em há chẳng biết làm bạn với thế-gian tức là thù-nghịch với Đức Chúa Trời sao? Cho nên, ai muốn làm bạn với thế-gian, thì người ấy trở nên kẻ nghịch-thù cùng Đức Chúa Trời vậy”. (Gia-cơ 4:4) Tại sao lại là “kẻ nghịch-thù cùng Đức Chúa Trời”? Sách 1 Giăng 5:19 lưu ý: “Cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”.
Về đạo đức của A-léc-xan-đơ VI, một sử gia trong thời của Borgia viết: “Ông có lối sống đồi bại. Ông không biết xấu hổ cũng không chân thành, không có đức tin cũng không có tôn giáo. Ông bị ám ảnh bởi lòng tham vô độ, tham vọng quá mức, sự tàn bạo dã man, và lòng đam mê mãnh liệt mưu cầu sự thăng tiến của các con”. Dĩ nhiên, Borgia không phải là thành viên duy nhất trong đẳng cấp giáo phẩm đã hành động như thế.
Kinh Thánh nói gì về hành vi ấy? Sứ đồ Phao-lô hỏi: “Anh em há chẳng biết những kẻ không công-bình chẳng bao giờ hưởng được nước Đức Chúa Trời sao? Chớ tự dối mình: phàm những kẻ tà-dâm,... kẻ ngoại-tình,... kẻ hà-tiện [“tham lam”, Tòa Tổng Giám Mục], đều chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời đâu”.—1 Cô-rinh-tô 6:9, 10.
Một trong những mục tiêu rõ ràng của cuộc trưng bày gần đây ở Rome về dòng họ Borgia là “xem xét những nhân vật quan trọng này theo quan điểm lịch sử..., để hiểu nhưng chắc chắn không xá tội cũng không lên án”. Quả vậy, người xem tự đi đến kết luận. Vậy bạn rút ra kết luận nào?
[Chú thích]
^ đ. 20 Muốn biết lời giải thích chính xác về những dụ ngôn này, xem Tháp Canh, ngày 1-2-1995, trang 5, 6, và 15-3-1993, trang 13-18.
[Hình nơi trang 26]
Rodrigo Borgia, Giáo Hoàng A-léc-xan-đơ VI
[Hình nơi trang 27]
Cha của Lucrezia Borgia đã dùng cô để đạt quyền lực tối đa
[Hình nơi trang 28]
Cesare Borgia đầy tham vọng và đồi bại
[Hình nơi trang 29]
Không chịu im lặng nên Girolamo Savonarola bị treo cổ và hỏa thiêu