Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chúa Giê-su Christ—Bằng chứng ngài đã sống trên đất

Chúa Giê-su Christ—Bằng chứng ngài đã sống trên đất

Chúa Giê-su Christ—Bằng chứng ngài đã sống trên đất

BẠN có tin rằng một người tên Albert Einstein hiện hữu không? Có thể bạn sẵn sàng trả lời “có”, nhưng tại sao? Phần đông người ta không trực tiếp gặp ông ấy. Song, những lời tường thuật đáng tin cậy về các thành tựu của ông chứng tỏ ông hiện hữu. Các ứng dụng khoa học dựa vào khám phá của Einstein cho thấy ảnh hưởng của ông. Chẳng hạn, nhiều người hưởng lợi ích từ điện năng do năng lượng hạt nhân sinh ra. Sự phóng thích năng lượng này liên quan chặt chẽ với sự ứng dụng phương trình nổi tiếng của ông, E=mc2 (năng lượng bằng khối lượng nhân với bình phương vận tốc ánh sáng).

Có thể áp dụng lập luận này trong trường hợp Chúa Giê-su Christ, người được công nhận là có ảnh hưởng nhiều nhất trong lịch sử. Những gì viết về Chúa Giê-su và bằng chứng cụ thể về ảnh hưởng của ngài chứng minh rõ ràng ngài đã hiện hữu. Như đã đề cập trong bài trước, gần đây ngành khảo cổ phát hiện hàng chữ khắc có ghi tên Gia-cơ; dù điều này có thể đáng chú ý nhưng tính chất lịch sử của Chúa Giê-su không tùy thuộc vào hiện vật này hay bất cứ hiện vật nào khác. Sự thật là chúng ta có thể tìm được bằng chứng cho thấy sự hiện hữu của Chúa Giê-su qua những gì các sử gia ngoài đời viết về ngài và các môn đồ.

Lời chứng của các sử gia

Thí dụ, hãy xét lời chứng của Flavius Josephus, một sử gia Do Thái trong thế kỷ thứ nhất, cũng là một người Pha-ri-si. Ông đề cập đến Chúa Giê-su Christ trong sách Jewish Antiquities. Lần đầu tiên khi Josephus nói rằng Chúa Giê-su là Đấng Mê-si, một số người còn ngờ vực không biết có phải chính ông đã viết như thế không, nhưng theo Giáo Sư Louis H. Feldman thuộc Đại Học Yeshiva thì ít người nghi ngờ ông là tác giả của lần đề cập thứ hai. Nơi đó Josephus nói: “[Thầy cả thượng phẩm An-ne] triệu tập các quan án của Tòa Công Luận và mang ra xử một người tên Gia-cơ, em của Giê-su cũng được gọi là Đấng Christ”. (Jewish Antiquities, XX, 200) Đúng vậy, một người Pha-ri-si, thành viên của một giáo phái có nhiều người tuyên bố là kẻ thù của Chúa Giê-su, đã thừa nhận sự hiện hữu của “Gia-cơ, em của Giê-su”.

Ảnh hưởng của Chúa Giê-su phản ánh qua các hoạt động của môn đồ ngài. Khi sứ đồ Phao-lô bị cầm tù ở La Mã khoảng năm 59 CN, các trưởng lão của dân Do Thái bảo ông: “Vì chúng tôi biết là phái của ông đến đâu cũng gặp chống đối”. (Công-vụ 28:17-22, Tòa Tổng Giám Mục) Họ gọi môn đồ Chúa Giê-su là một “phái”. Nếu đến đâu họ cũng gặp sự chống đối, chắc là các sử gia ngoài đời sẽ viết về họ, phải không?

Tacitus, sinh khoảng năm 55 CN và được xem là một trong các sử gia lớn nhất của thế giới, đề cập đến tín đồ Đấng Christ trong sử biên niên Annals. Trong lời tường thuật về việc Nero đổ tội cho họ gây trận hỏa hoạn lớn ở La Mã vào năm 64 CN, ông viết: “Nero buộc tội và tra tấn dã man một lớp người bị ghét vì hành động đáng ghê tởm của họ, những người quần chúng gọi là tín đồ Đấng Christ. Danh hiệu này có nguồn gốc từ người mang tên Christus, là người chịu hình phạt cùng cực dưới triều đại Ti-be-rơ bởi tay của một trong các quan tổng trấn của chúng ta là Bôn-xơ Phi-lát”. Những chi tiết của lời tường thuật này phù hợp với điều Kinh Thánh ghi về Chúa Giê-su.

Một người khác viết về các môn đồ của Chúa Giê-su là Pliny the Younger, tổng đốc Bithynia. Khoảng năm 111 CN, Pliny viết thư cho Hoàng Đế Trajan, hỏi về việc phải xử trí thế nào với các tín đồ Đấng Christ. Pliny viết rằng những người bị tố cáo sai lầm là tín đồ Đấng Christ sẽ lặp lại những lời cầu khẩn các thần và quì lạy trước tượng của Trajan để chứng tỏ họ không phải là tín đồ Đấng Christ. Pliny viết tiếp: “Người ta nói rằng không thể ép buộc những người thực sự là tín đồ Đấng Christ phục tùng bất cứ điều nào trong những điều này”. Điều đó xác minh sự hiện hữu của Đấng Christ là thật, vì các môn đồ sẵn sàng hy sinh mạng sống cho niềm tin của họ nơi ngài.

Sau khi tổng kết lời của các sử gia trong hai thế kỷ đầu đề cập đến Chúa Giê-su Christ và các môn đồ, bách khoa tự điển Encyclopædia Britannica (ấn bản 2002) kết luận: “Những lời tường thuật độc lập ấy cho thấy rằng vào thời xưa, ngay cả những kẻ chống đối đạo Đấng Christ cũng không hề ngờ vực tính chất lịch sử của nhân vật Giê-su. Cuối thế kỷ 18, trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, người ta mới đặt nghi vấn lần đầu tiên và dựa vào các lý do không đầy đủ”.

Bằng chứng qua các môn đồ Chúa Giê-su

Bách khoa tự điển Encyclopedia Americana nói: “Tân Ước cung cấp hầu hết bằng chứng qua đó người ta có thể tái hiện lịch sử về cuộc đời và số phận của Chúa Giê-su và qua đó tín đồ Đấng Christ thời ban đầu diễn giải về tầm quan trọng của ngài”. Những người hoài nghi có thể không chấp nhận Kinh Thánh là bằng chứng về sự hiện hữu của Chúa Giê-su. Song có hai lập luận dựa trên các lời tường thuật của Kinh Thánh đặc biệt giúp chứng minh Chúa Giê-su đã thật sự sống trên đất.

Như chúng ta đã đề cập, những thuyết quan trọng của Einstein đã chứng tỏ ông hiện hữu. Tương tự, những dạy dỗ của Chúa Giê-su chứng tỏ ngài thật sự hiện hữu. Hãy lấy thí dụ Bài Giảng trên Núi, một bài thuyết trình nổi tiếng của ngài. (Ma-thi-ơ, chương 5-7) Sứ đồ Ma-thi-ơ đã viết về tác động của bài giảng đó: “Đoàn dân lấy đạo Ngài làm lạ; vì Ngài dạy như là có quyền”. (Ma-thi-ơ 7:28, 29) Nói về ảnh hưởng của bài giảng đó đối với người ta qua hàng thế kỷ, Giáo Sư Hans Dieter Betz nhận định: “Ảnh hưởng của Bài Giảng trên Núi thường vượt ra ngoài phạm vi Do Thái Giáo và đạo Đấng Christ, thậm chí cả văn hóa Phương Tây”. Ông nói thêm là bài giảng này có “sức lôi cuốn độc đáo trên toàn cầu”.

Hãy xem những lời khôn ngoan thực tiễn và chính xác trong Bài Giảng trên Núi được trích ra sau đây: “Nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn”. “Hãy giữ, đừng làm sự công-bình mình trước mặt người ta”. “Chớ lo-lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai”. “Đừng quăng hột trai mình trước mặt heo”. “Hãy xin, sẽ được”. “Hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ”. “Hãy vào cửa hẹp”. “Các ngươi nhờ những trái nó mà nhận-biết được”. “Hễ cây nào tốt thì sanh trái tốt”.—Ma-thi-ơ 5:39; 6:1, 34; 7:6, 7, 12, 13, 16, 17.

Chắc chắn bạn đã nghe một số những lời này hoặc đại ý của chúng. Có lẽ chúng đã trở thành châm ngôn trong ngôn ngữ của bạn. Tất cả những lời này được rút ra từ Bài Giảng trên Núi. Ảnh hưởng của bài giảng này đối với nhiều dân tộc và văn hóa chứng minh hùng hồn sự hiện hữu của “bậc thầy vĩ đại”.

Hãy cho rằng có một người bịa ra nhân vật gọi là Chúa Giê-su Christ. Giả sử người đó khéo léo nghĩ ra những dạy dỗ quy cho Chúa Giê-su trong Kinh Thánh. Chẳng lẽ người đó lại không làm cho Chúa Giê-su và sự dạy dỗ của ngài dễ cho đa số người chấp nhận sao? Song, sứ đồ Phao-lô nhận xét: “Đương khi người Giu-đa đòi phép lạ, người Gờ-réc tìm sự khôn-ngoan, thì chúng ta giảng Đấng Christ bị đóng đinh..., là sự người Giu-đa lấy làm gương xấu, dân ngoại cho là rồ-dại”. (1 Cô-rinh-tô 1:22, 23) Thông điệp về Đấng Christ bị đóng đinh không lôi cuốn được người Do Thái hoặc dân ngoại. Tuy nhiên, đó là đấng mà tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất đã công bố. Vậy tại sao lại miêu tả Đấng Christ bị đóng đinh? Lời giải đáp thỏa đáng duy nhất là những người viết phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp đã ghi lại trung thực cuộc đời và sự chết của Chúa Giê-su.

Một lập luận khác ủng hộ tính chất lịch sử của Chúa Giê-su là các môn đồ đã rao giảng không mệt mỏi về sự dạy dỗ của ngài. Chỉ khoảng 30 năm sau khi Chúa Giê-su bắt đầu rao giảng, Phao-lô có thể nói tin mừng “được giảng ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời”. (Cô-lô-se 1:23) Đúng vậy, mặc dù bị chống đối, sự dạy dỗ của Chúa Giê-su lan rộng trong thế giới cổ xưa. Chính Phao-lô, một tín đồ Đấng Christ bị bắt bớ, đã viết: “Lại nếu Đấng Christ đã chẳng sống lại, thì sự giảng-dạy của chúng tôi ra luống-công, và đức-tin anh em cũng vô-ích”. (1 Cô-rinh-tô 15:12-17) Nếu giảng dạy về một Đấng Christ không sống lại là vô ích, thì việc giảng dạy về một Đấng Christ không bao giờ hiện hữu lại càng vô ích hơn. Như chúng ta đọc lời tường thuật của Pliny the Younger, những tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất sẵn sàng chịu chết vì đức tin nơi Chúa Giê-su Christ. Họ đã liều mạng sống vì Đấng Christ bởi vì ngài có thật; ngài đã sống trên đất như các lời tường thuật trong Phúc Âm.

Bạn đã thấy bằng chứng

Niềm tin nơi sự sống lại của Chúa Giê-su Christ là điều kiện tiên quyết cho việc rao giảng của các tín đồ. Bạn cũng có thể hình dung Chúa Giê-su, đấng đã sống lại, bằng cách xem xét ảnh hưởng của ngài ngày nay.

Trước khi bị đóng đinh, Chúa Giê-su nói một lời tiên tri quan trọng về sự hiện diện của ngài trong tương lai. Ngài cũng chỉ rõ rằng ngài sẽ sống lại và ngồi bên hữu Đức Chúa Trời chờ đợi thời điểm đối phó với kẻ thù. (Thi-thiên 110:1; Giăng 6:62; Công-vụ 2:34, 35; Rô-ma 8:34) Sau đó, ngài sẽ hành động và đánh đuổi Sa-tan và các quỉ ra khỏi các tầng trời.—Khải-huyền 12:7-9.

Khi nào thì tất cả những điều đó xảy ra? Chúa Giê-su đã cho các môn đồ một ‘điềm chỉ về sự hiện diện của ngài và sự kết liễu của hệ thống mọi sự’. Điềm để nhận ra sự hiện diện vô hình của ngài bao gồm chiến tranh lớn, nạn đói kém, động đất, các tiên tri giả xuất hiện, tội ác gia tăng, và dịch lệ dữ dội. Những thảm họa này không có gì đáng ngạc nhiên, vì việc Sa-tan Ma-quỉ bị đuổi ra khỏi trời có nghĩa là “khốn-nạn cho đất”. Ma-quỉ đã xuống vùng phụ cận của trái đất, “biết thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng”. Ngoài ra, điềm này còn bao gồm việc rao giảng tin mừng về Nước Trời “ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân”.—Ma-thi-ơ 24:3-14; NW; Khải-huyền 12:12; Lu-ca 21:7-19.

Giống như những mảnh của trò chơi ghép hình khớp với nhau, những điều mà Chúa Giê-su tiên tri đã xảy ra. Kể từ khi Thế Chiến I bùng nổ vào năm 1914, chúng ta đã chứng kiến bằng chứng tổng hợp cho biết sự hiện diện vô hình của Chúa Giê-su Christ. Ngài đang cai trị trên cương vị Vua của Nước Đức Chúa Trời và đang nắm ảnh hưởng cực lớn. Việc bạn đang đọc tạp chí này là bằng chứng cho thấy công việc rao giảng về Nước Trời đang tiến hành ngày nay.

Để hiểu rõ hơn ảnh hưởng của Chúa Giê-su, bạn cần học Kinh Thánh. Hãy hỏi Nhân Chứng Giê-hô-va thêm chi tiết về sự hiện diện của Chúa Giê-su.

[Các hình nơi trang 5]

Josephus, Tacitus, và Pliny the Younger đề cập đến Chúa Giê-su Christ và các môn đồ

[Nguồn tư liệu]

Cả ba hình: © Bettmann/CORBIS

[Hình nơi trang 7]

Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu tin chắc Chúa Giê-su có thật