Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy noi gương Giê-hô-va, Đức Chúa Trời không thiên vị

Hãy noi gương Giê-hô-va, Đức Chúa Trời không thiên vị

Hãy noi gương Giê-hô-va, Đức Chúa Trời không thiên vị

“Thiên Chúa không thiên vị ai”.—RÔ-MA 2:11, Tòa Tổng Giám Mục.

1, 2. (a) Đức Giê-hô-va có ý định gì đối với dân Ca-na-an nói chung? (b) Đức Giê-hô-va đã làm gì, và những câu hỏi nào được nêu ra?

VÀO năm 1473 TCN trong lúc đóng trại ở Đồng Bằng Mô-áp, dân Y-sơ-ra-ên chăm chú lắng nghe Môi-se. Một thách thức đang chờ đợi họ bên kia Sông Giô-đanh. Môi-se tuyên bố ý định của Đức Giê-hô-va là dân Y-sơ-ra-ên đánh bại bảy xứ Ca-na-an hùng mạnh trong vùng Đất Hứa. Lời Môi-se làm họ vững lòng biết bao: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã phó các dân ấy cho, và ngươi đánh bại chúng”! Dân Y-sơ-ra-ên không được lập giao ước với họ, và họ không đáng được thương xót.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 1:1; 7:1, 2.

2 Thế nhưng Đức Giê-hô-va tha mạng sống cho một gia đình trong thành đầu tiên mà dân Y-sơ-ra-ên tấn công. Dân của bốn thành khác cũng được Đức Chúa Trời che chở. Tại sao thế? Những sự kiện đáng chú ý liên quan đến sự sống còn của những người Ca-na-an này dạy chúng ta điều gì về Đức Giê-hô-va? Làm thế nào chúng ta có thể noi gương Ngài?

Phản ứng khi nghe danh tiếng Đức Giê-hô-va

3, 4. Tin về những thắng lợi của dân Y-sơ-ra-ên có tác động nào đến những người sống ở Ca-na-an?

3 Bốn mươi năm dân Y-sơ-ra-ên sống trong đồng vắng trước khi vào Đất Hứa, Đức Giê-hô-va đã che chở và tranh chiến cho dân Ngài. Về phía nam của Đất Hứa, dân Y-sơ-ra-ên phải đối đầu với vua A-rát người Ca-na-an. Với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, dân Y-sơ-ra-ên đánh bại vua đó và dân ông tại Họt-ma. (Dân-số Ký 21:1-3) Sau đó, dân Y-sơ-ra-ên đi vòng qua xứ Ê-đôm rồi tiến về phía bắc đến vùng Biển Chết phía đông bắc. Trước đó dân Mô-áp cư ngụ ở vùng này nhưng bây giờ là dân A-mô-rít. Vua Si-hôn của dân A-mô-rít không cho dân Y-sơ-ra-ên đi ngang qua lãnh thổ của ông. Hai bên giao chiến tại Gia-hát, có lẽ nằm ở phía bắc trũng Ạt-nôn, nơi đây Si-hôn bị giết. (Dân-số Ký 21:23, 24; Phục-truyền Luật-lệ Ký 2:30-33) Xa hơn về phía bắc, Óc cai trị những người A-mô-rít khác tại Ba-san. Tuy là một người khổng lồ, ông không phải là đối thủ của Đức Giê-hô-va. Óc bị giết chết tại Ết-rê-i. (Dân-số Ký 21:33-35; Phục-truyền Luật-lệ Ký 3:1-3, 11) Tin về những thắng lợi này cùng với những sự tường thuật về cuộc Xuất Hành của dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập tác động mạnh đến những người sống ở Ca-na-an. *

4 Sau khi băng qua Sông Giô-đanh, dân Y-sơ-ra-ên tiến vào xứ Ca-na-an và dựng trại tại Ghinh-ganh. (Giô-suê 4:9-19) Cách đó không xa là thành Giê-ri-cô có tường bao quanh. Những gì Ra-háp người Ca-na-an nghe về những việc làm của Đức Giê-hô-va đã thúc đẩy bà hành động theo đức tin. Vì thế, khi Đức Giê-hô-va hủy diệt thành Giê-ri-cô, Ngài tha mạng sống cho bà và những người ở trong nhà bà.—Giô-suê 2:1-13; 6:17, 18; Gia-cơ 2:25.

5. Điều gì đã khiến dân Ga-ba-ôn dùng mưu kế?

5 Kế đó, dân Y-sơ-ra-ên từ miền đất thấp gần Sông Giô-đanh tiến vào các đồi ở giữa vùng đất. Làm theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va, Giô-suê dùng chiến lược mai phục để tấn công thành A-hi. (Giô-suê, chương 8) Khi hay tin quân thành A-hi tháo chạy, nhiều vua Ca-na-an hiệp lại để tranh chiến. (Giô-suê 9:1, 2) Dân thành Ga-ba-ôn thuộc xứ Hi-vít gần đó đã có phản ứng khác. Giô-suê 9:4 tường thuật: ‘Họ bèn tính dùng mưu-kế’. Giống Ra-háp, dân Ga-ba-ôn đã nghe về việc Đức Giê-hô-va giải cứu dân Ngài khi họ rời bỏ Ai Cập và trong việc đánh bại hai vua Si-hôn và Óc. (Giô-suê 9:6-10) Người Ga-ba-ôn biết rằng chống cự là vô ích. Đại diện cho dân Ga-ba-ôn và ba thành gần đó—Kê-phi-ra, Bê-ê-rốt, và Ki-ri-át-Giê-a-rim—họ cử một phái đoàn ngụy trang là dân từ xa đến, để tới gặp Giô-suê tại Ghinh-ganh. Mưu kế này đã thành công. Giô-suê lập giao ước với họ, bảo đảm sự sống sót của họ. Ba ngày sau, Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên biết được rằng họ đã bị lừa. Thế nhưng, họ đã chỉ danh Đức Giê-hô-va mà thề khi lập giao ước và vì đó họ giữ lời hứa. (Giô-suê 9:16-19) Đức Giê-hô-va có chấp thuận việc đó không?

6. Đức Giê-hô-va đã phản ứng ra sao đối với giao ước mà Giô-suê đã lập với dân Ga-ba-ôn?

6 Dân Ga-ba-ôn được phép đốn củi và xách nước cho dân Y-sơ-ra-ên, ngay cả “cho bàn-thờ của Đức Giê-hô-va” trong đền tạm. (Giô-suê 9:21-27) Hơn thế nữa, khi năm vua A-mô-rít và quân binh của họ đe dọa dân Ga-ba-ôn, Đức Giê-hô-va đã can thiệp bằng phép lạ. Số kẻ thù bị giết bởi mưa đá nhiều hơn số người bị quân lính của Giô-suê giết. Đức Giê-hô-va còn nhậm lời Giô-suê khi ông cầu xin cho mặt trời và mặt trăng ngừng lại để đánh bại hết quân thù. Giô-suê ghi nhận: “Chẳng hề có ngày nào như ngày đó, là ngày Đức Giê-hô-va có nhậm lời của một loài người; vì Đức Giê-hô-va chiến-cự cho dân Y-sơ-ra-ên”.—Giô-suê 10:1-14.

7. Phi-e-rơ thừa nhận sự thật nào đã được chứng minh trong trường hợp của một số người Ca-na-an?

7 Ra-háp người Ca-na-an và gia đình bà, cũng như dân Ga-ba-ôn, đã kính sợ Đức Giê-hô-va và hành động phù hợp. Việc xảy ra cho họ chứng minh một sự thật mà sứ đồ đạo Đấng Christ là Phi-e-rơ sau này nói: “Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể [“thiên vị”, TTGM] ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa”.—Công-vụ 10:34, 35.

Đối xử với Áp-ra-ham và dân Y-sơ-ra-ên

8, 9. Đức Giê-hô-va thể hiện tính không thiên vị như thế nào qua cách Ngài đối xử với Áp-ra-ham và dân Y-sơ-ra-ên?

Môn đồ Gia-cơ hướng sự chú ý đến ân điển của Đức Chúa Trời trong cách Ngài đối xử với Áp-ra-ham và dòng dõi của ông. Chính bởi đức tin của ông, chứ không phải nguồn gốc chủng tộc, mà Áp-ra-ham được làm “bạn Đức Chúa Trời”. (Gia-cơ 2:23) Đức tin và lòng yêu thương của Áp-ra-ham đối với Đức Giê-hô-va đã mang lại ân phước cho con cháu ông. (2 Sử-ký 20:7) Đức Giê-hô-va hứa với Áp-ra-ham: “[Ta] sẽ ban phước cho ngươi, thêm dòng-dõi ngươi nhiều như sao trên trời, đông như cát bờ biển”. Nhưng hãy lưu ý đến câu kế tiếp của lời hứa này: “Các dân thế-gian đều sẽ nhờ dòng-dõi ngươi mà được phước”.—Sáng-thế Ký 22:17, 18; Rô-ma 4:1-8.

9 Không hề thiên vị, cách Đức Giê-hô-va đối xử với dân Y-sơ-ra-ên cho thấy Ngài có thể làm gì cho những ai vâng lời Ngài. Sự đối xử như thế là một điển hình về cách Đức Giê-hô-va biểu lộ tình yêu thương trung tín đối với các tôi tớ trung thành. Mặc dù Y-sơ-ra-ên là dân ‘thuộc riêng về Đức Giê-hô-va’, điều này không có nghĩa là các dân khác không được hưởng sự nhân từ của Đức Chúa Trời. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5; Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:6-8) Đúng vậy, Đức Giê-hô-va đã chuộc dân Y-sơ-ra-ên khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập và vì thế Ngài tuyên bố: “Ta đã biết chỉ một mình các ngươi trong mọi họ-hàng trên đất”. Nhưng qua nhà tiên tri A-mốt và những người khác, Đức Giê-hô-va cũng đưa ra một triển vọng tuyệt diệu cho dân của “hết thảy các nước”.—A-mốt 3:2; 9:11, 12; Ê-sai 2:2-4.

Chúa Giê-su, Thầy không thiên vị

10. Chúa Giê-su noi gương Cha ngài như thế nào trong việc thể hiện tính không thiên vị?

10 Vì là hình bóng của bản thể Cha ngài nên trong thánh chức trên đất, Chúa Giê-su đã noi theo tính không thiên vị của Đức Giê-hô-va. (Hê-bơ-rơ 1:3) Mối quan tâm chính của ngài lúc bấy giờ là tìm “các con chiên lạc-mất của nhà Y-sơ-ra-ên”. Thế nhưng, ngài đã không ngần ngại làm chứng cho người đàn bà Sa-ma-ri tại giếng nước. (Ma-thi-ơ 15:24; Giăng 4:7-30) Ngài cũng làm một phép lạ theo lời nài xin của một thầy đội, có lẽ không phải là người Do Thái. (Lu-ca 7:1-10) Ngài làm thêm điều này ngoài việc thể hiện bằng hành động tình yêu thương đối với dân Đức Chúa Trời. Môn đồ Chúa Giê-su cũng rao giảng khắp mọi nơi. Điều thấy rõ là tiêu chuẩn để nhận được ân phước của Đức Giê-hô-va liên quan đến thái độ chứ không liên quan đến yếu tố dân tộc. Những người khiêm nhường thành tâm có lòng khao khát lẽ thật thì hưởng ứng tin mừng về Nước Trời. Ngược lại, những người tự cao kiêu ngạo thì khinh rẻ Chúa Giê-su và thông điệp của ngài. Chúa Giê-su tuyên bố: “Lạy Cha, là Chúa trời đất, tôi ngợi-khen Cha, vì Cha đã giấu những sự nầy với kẻ khôn-ngoan, người sáng dạ, mà tỏ ra cho trẻ nhỏ hay! Thưa Cha, phải, thật như vậy, vì Cha đã thấy điều đó là tốt-lành”. (Lu-ca 10:21) Khi đối xử với người khác dựa trên tình yêu thương và đức tin, chúng ta cư xử không thiên vị, biết rằng đó là cách đẹp ý Đức Giê-hô-va.

11. Tính không thiên vị được thể hiện như thế nào trong hội thánh tín đồ Đấng Christ thời ban đầu?

11 Trong hội thánh đạo Đấng Christ thời ban đầu, người Do Thái và dân ngoại đều bình đẳng. Phao-lô giải thích: “Vinh quang, danh dự và bình an cho tất cả những ai làm điều thiện, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp, vì Thiên Chúa không thiên vị ai”. * (Rô-ma 2:10, 11, TTGM) Điều quyết định họ được hưởng ân điển của Đức Giê-hô-va hay không, chẳng phải là chủng tộc của họ, mà là phản ứng của họ khi nghe về Đức Giê-hô-va và về triển vọng có được nhờ giá chuộc của Con Ngài, Chúa Giê-su. (Giăng 3:16, 36) Phao-lô viết: “Người nào chỉ bề ngoài là người Giu-đa, thì không phải là người Giu-đa, còn phép cắt-bì làm về xác-thịt ở ngoài, thì không phải là phép cắt-bì; nhưng bề trong là người Giu-đa mới là người Giu-đa, phép cắt-bì bởi trong lòng, làm theo cách thiêng-liêng, không theo chữ-nghĩa, mới là phép cắt-bì thật”. Kế đến, dùng lối chơi chữ liên quan đến từ “Giu-đa” (nghĩa là ngợi khen hay ca ngợi), Phao-lô nói thêm: “Một người Giu-đa như vậy được khen-ngợi, chẳng phải bởi loài người, bèn là bởi Đức Chúa Trời”. (Rô-ma 2:28, 29) Đức Giê-hô-va khen ngợi một cách không thiên vị. Chúng ta thì sao?

12. Khải-huyền 7:9 đưa ra triển vọng nào và cho ai?

12 Sau này, trong một sự hiện thấy, sứ đồ Giăng thấy các tín đồ xức dầu trung thành được miêu tả là một nước thiêng liêng gồm 144.000 người “được đóng ấn từ trong các chi-phái dân Y-sơ-ra-ên”. Sau đó, Giăng thấy “vô-số người... bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra; chúng đứng trước ngôi và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng, tay cầm nhành chà-là”. (Khải-huyền 7:4, 9) Vì vậy, bất cứ chủng tộc hoặc ngôn ngữ nào cũng được gia nhập hội thánh đạo Đấng Christ thời nay. Người từ mọi gốc gác đều có triển vọng sống sót qua “cơn đại-nạn” và uống ở “những suối nước sống” trong thế giới mới.—Khải-huyền 7:14-17.

Ảnh hưởng tích cực

13-15. (a) Làm sao chúng ta có thể vượt qua sự khác biệt về chủng tộc và văn hóa? (b) Hãy nêu thí dụ cho thấy những lợi ích có được nhờ tỏ sự thân thiện.

13 Giống như một người cha yêu thương biết rõ con mình, Đức Giê-hô-va biết rõ chúng ta. Cũng vậy, khi chúng ta hiểu được người khác bằng cách chú ý đến văn hóa và gốc gác của họ, sự khác biệt thường không còn quan trọng nữa. Hàng rào chủng tộc sẽ biến mất, quan hệ bạn bè và tình yêu thương được vững mạnh. Sự hợp nhất được vun đắp. (1 Cô-rinh-tô 9:19-23) Điều này được thấy rõ qua hoạt động của các giáo sĩ phục vụ trong các nhiệm sở ở nước ngoài. Họ chú ý đến những người sống ở đó, nhờ vậy chẳng bao lâu những người giáo sĩ này thấy mình hòa nhập vào hội thánh địa phương.—Phi-líp 2:4.

14 Tại nhiều xứ, người ta thấy rõ những ảnh hưởng tích cực của tính không thiên vị. Anh Aklilu người xứ Ethiopia cảm thấy cô đơn ở thủ đô Luân Đôn nước Anh. Sự cô đơn càng đè nặng khi anh cảm thấy người ta nói chung không thân thiện với người từ xứ khác đến, điều mà nhiều người cảm thấy tại nhiều thành phố lớn ở Âu Châu hiện đại. Thật khác biệt làm sao khi anh đến dự một buổi họp đạo Đấng Christ tại Phòng Nước Trời của Nhân Chứng Giê-hô-va! Những người hiện diện chào đón anh, và chẳng mấy chốc anh cảm thấy thoải mái. Anh tiến bộ nhanh chóng trong việc gia tăng lòng biết ơn đối với Đấng Tạo Hóa. Chẳng bao lâu anh tìm cơ hội tham gia việc phổ biến tin mừng về Nước Trời cho người khác trong vùng đó. Thật vậy, một ngày nọ khi bạn cùng đi rao giảng hỏi xem bây giờ anh có mục tiêu gì trong đời sống, anh trả lời ngay rằng anh hy vọng một ngày nào đó sẽ được kết hợp với một hội thánh nói tiếng của anh là Amharic. Khi biết điều này, các trưởng lão của hội thánh nói tiếng Anh ở địa phương vui lòng sắp xếp để có một bài diễn văn công cộng trong tiếng mẹ đẻ của anh Aklilu. Hưởng ứng lời mời, nhiều người ngoại quốc và địa phương đã đến để ủng hộ buổi họp công cộng đầu tiên bằng tiếng Amharic ở Anh. Ngày nay, anh em người Ethiopia và các anh em khác trong khu vực đó hợp nhất trong một hội thánh đang lớn mạnh. Nhiều người ở đó thấy rằng không có gì ngăn trở họ phụng sự Đức Giê-hô-va và biểu trưng điều này bằng việc báp têm theo đạo Đấng Christ.—Công-vụ 8:26-36.

15 Người ta có những đặc tính và gốc gác khác nhau. Đó không phải là điều đánh giá sự hơn kém mà chỉ là sự khác biệt. Khi xem những tôi tớ mới dâng mình của Đức Giê-hô-va làm báp têm ở đảo Malta, niềm hớn hở vui mừng của Nhân Chứng địa phương hòa lẫn với những giọt lệ vui sướng của khách thăm viếng từ nước Anh. Cả hai nhóm người Malta và người Anh đều bày tỏ cảm xúc của mình nhưng theo cách khác nhau, và tình yêu thương mạnh mẽ của họ đối với Đức Giê-hô-va giúp thắt chặt tình anh em tín đồ Đấng Christ.—Thi-thiên 133:1; Cô-lô-se 3:14.

Vượt qua thành kiến

16-18. Hãy kể một kinh nghiệm cho thấy làm thế nào có thể vượt qua thành kiến trong hội thánh tín đồ Đấng Christ.

16 Khi tình yêu thương của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va và các anh em tín đồ Đấng Christ gia tăng, chúng ta có thể theo sát gương Đức Giê-hô-va hơn trong cách chúng ta xem người khác. Chúng ta có thể vượt qua bất cứ thành kiến nào mình từng có trước đây đối với một số dân tộc, chủng tộc, hay văn hóa. Để thí dụ, trường hợp của anh Albert, từng phục vụ trong quân đội Anh trong Thế Chiến II và bị lính Nhật bắt khi Singapore thất thủ vào năm 1942. Sau đó trong khoảng ba năm anh làm việc trên “đường rày tử thần”, gần cầu sau này được gọi là cầu sông Kwai. Khi chiến tranh chấm dứt và anh được thả ra, anh chỉ cân nặng 32 ký, bị gẫy xương hàm và mũi, đồng thời bị bệnh lỵ, bệnh nấm da và bệnh sốt rét. Tình trạng của hàng ngàn bạn tù khác của anh còn tệ hơn thế nữa; nhiều người không sống sót. Vì đã chứng kiến và trải qua những cảnh tàn bạo, Albert đã trở nên cay đắng khi trở về nhà vào năm 1945, anh không muốn nghe ai nói về Đức Chúa Trời hoặc tôn giáo.

17 Vợ Albert là Irene trở thành một Nhân Chứng Giê-hô-va. Để làm hài lòng vợ, Albert đến dự vài buổi họp ở hội thánh địa phương của Nhân Chứng Giê-hô-va. Một tín đồ Đấng Christ trẻ làm thánh chức trọn thời gian là Paul đã đến thăm viếng Albert để học Kinh Thánh với anh. Chẳng bao lâu Albert bắt đầu nhận thức rằng Đức Giê-hô-va nhìn mỗi người tùy theo tấm lòng của họ. Anh dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp têm.

18 Sau này anh Paul dọn đến Luân Đôn, học tiếng Nhật, và kết hợp với hội thánh nói tiếng Nhật. Khi anh đề nghị dẫn vài Nhân Chứng từ Nhật đến hội thánh cũ của anh, anh em ở đó nhớ lại Albert rất kỳ thị dân xứ này. Từ khi trở về nước Anh, Albert tránh gặp bất cứ ai đến từ Nhật, vì thế anh em thắc mắc không biết Albert sẽ xử lý tình huống này như thế nào. Họ không cần phải lo lắng—Albert đã tiếp đón những người khách này với tình yêu anh em vô điều kiện.—1 Phi-e-rơ 3:8, 9.

“Hãy mở rộng lòng”

19. Nếu chúng ta có bất cứ khuynh hướng thiên vị nào, lời khuyên nào của sứ đồ Phao-lô có thể giúp chúng ta?

19 Vua khôn ngoan Sa-lô-môn viết: “Tây-vị người lấy làm chẳng tốt”. (Châm-ngôn 28:21) Rất dễ cảm thấy gần gũi với những người mà chúng ta biết rõ. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta có khuynh hướng ít chú ý đến những người mà chúng ta không biết nhiều. Sự thiên vị như thế không thích hợp với tôi tớ Đức Giê-hô-va. Chắc chắn, tất cả chúng ta nên làm theo lời khuyên rõ ràng của Phao-lô là “hãy mở rộng lòng”—đúng thế, hãy mở rộng lòng yêu thương đối với anh em tín đồ Đấng Christ có gốc gác khác.—2 Cô-rinh-tô 6:13.

20. Trong những lãnh vực nào của đời sống chúng ta nên noi gương Giê-hô-va, Đức Chúa Trời không thiên vị?

20 Dù chúng ta có đặc ân lên trời hay có triển vọng sống đời đời trên đất, tính không thiên vị giúp chúng ta vui hưởng sự hợp nhất của một bầy, một Người Chăn. (Ê-phê-sô 4:4, 5, 16) Cố gắng noi gương Giê-hô-va, Đức Chúa Trời không thiên vị, có thể giúp chúng ta trong thánh chức, trong gia đình, và trong hội thánh, quả thực trong mọi lãnh vực của đời sống. Như thế nào? Bài kế tiếp sẽ thảo luận đề tài này.

[Chú thích]

^ đ. 3 Về sau danh tiếng Đức Giê-hô-va là đề tài cho các bài thánh ca.—Thi-thiên 135:8-11; 136:11-20.

^ đ. 11 Ở đây, từ “Hy-lạp” ám chỉ Dân Ngoại nói chung.—Insight on the Scriptures, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản, Tập 1, trang 1004.

Bạn trả lời ra sao?

Đức Giê-hô-va thể hiện tính không thiên vị như thế nào đối với Ra-háp và dân Ga-ba-ôn?

Chúa Giê-su thể hiện tính không thiên vị như thế nào trong sự dạy dỗ của ngài?

Điều gì có thể giúp chúng ta vượt qua bất cứ thành kiến nào về văn hóa và chủng tộc?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 13]

Y-sơ-ra-ên bắt đầu chinh phục Ca-na-an

[Hình nơi trang 15]

Chúa Giê-su không ngần ngại làm chứng cho người đàn bà Sa-ma-ri

[Hình nơi trang 16]

Một buổi họp công cộng trong tiếng Amharic ở nước Anh

[Hình nơi trang 16]

Tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va giúp anh Albert vượt qua thành kiến