Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phục vụ một nhóm nói tiếng đặc biệt ở Hàn Quốc

Phục vụ một nhóm nói tiếng đặc biệt ở Hàn Quốc

Phục vụ một nhóm nói tiếng đặc biệt ở Hàn Quốc

VÀO mùa hè năm 1997, một nhóm người nhiệt tình nhưng không ồn ào tham dự đại hội địa hạt của Nhân Chứng Giê-hô-va. Đây là đại hội đầu tiên dành cho những người khiếm thính ở Hàn Quốc. Số người dự cao nhất là 1.174. Toàn thể chương trình, gồm các bài giảng, phỏng vấn và kịch, trình bày bằng ngôn ngữ ra dấu Hàn Quốc được chiếu lên màn ảnh lớn cho cả Phòng Hội Nghị xem thấy. Đây là cao đỉnh của nhiều năm hoạt động siêng năng của nhiều người tình nguyện.

Trong Địa Đàng sắp đến “những kẻ điếc sẽ rỗng tai”. (Ê-sai 35:5) Để hưởng được sự sống trong Địa Đàng, mỗi người kể cả người điếc, trước hết phải vào địa đàng thiêng liêng, tức là tình trạng thiêng liêng thịnh vượng của dân tộc hạnh phúc của Đức Chúa Trời. Họ phải dâng mình, làm báp têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va và được Ngài dạy dỗ.—Mi-chê 4:1-4.

Sự khởi đầu nhỏ

Mặc dù đã rao giảng chút ít cho những người khiếm thính vào thập niên 1960, nhưng cho đến thập niên 1970 một số người mới bắt đầu tham dự nhóm họp của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Seoul, thủ đô Hàn Quốc. Một anh tín đồ Đấng Christ có khả năng viết nhanh đã ghi lại những điểm chính và những câu Kinh Thánh của bài giảng trên bảng đen.

Vào năm 1971 tại thành phố Taejon, một anh Nhân Chứng bắt đầu dạy đứa con khiếm thính và những bạn khiếm thính bé thông điệp Nước Trời. Một số người sốt sắng xuất thân từ nhóm này hiện nay là cột trụ trong cánh đồng rao giảng của ngôn ngữ ra dấu.—Xa-cha-ri 4:10.

Những người trẻ tình nguyện đến

Những người tình nguyện khác phải nỗ lực rất nhiều để giúp người khiếm thính tiếp thu sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su hầu đi trên con đường dẫn đến sự sống. (Giăng 17:3) Nhằm đạt đến mục tiêu này, khá nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va học ngôn ngữ ra dấu và họ có được những kinh nghiệm phong phú.

Park In-sun, một thiếu niên 15 tuổi, muốn học ngôn ngữ ra dấu. Để thực hiện được điều này, em học nghề trong một xí nghiệp nơi có 20 người khiếm thính làm việc. Trong tám tháng, em làm việc gần gũi với họ để học ngôn ngữ và lối suy nghĩ của những người khiếm thính. Năm sau, em trở thành tiên phong đều đều, tức người công bố Nước Trời trọn thời gian, và hoạt động với một nhóm người khiếm thính chú ý đến lẽ thật Kinh Thánh. Nhóm này tăng nhanh chóng, và chẳng bao lâu hơn 35 người tham dự buổi họp Chủ Nhật.—Thi-thiên 110:3.

Sau đó, lần đầu tiên tại Seoul, các buổi họp đạo Đấng Christ dành riêng cho ngôn ngữ ra dấu đã được tổ chức. Anh Park In-sun phục vụ với tư cách tiên phong đặc biệt trong nhóm đang phát triển này. Lúc ấy anh đã thông thạo ngôn ngữ ra dấu. Có những tháng anh hướng dẫn 28 học hỏi Kinh Thánh với người khiếm thính. Nhiều người trong số đó đã tiến bộ và trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va.

Công việc tình nguyện rất tích cực này đã đem lại kết quả là hội thánh ngôn ngữ ra dấu đầu tiên đã được thành lập tại Seoul vào tháng 10 năm 1976, với 40 người công bố và 2 tiên phong đều đều. Điều này đã thúc đẩy hoạt động tại những thành phố khác ở Hàn Quốc. Có nhiều người khiếm thính đang khao khát nghe tin mừng và mong được người viếng thăm.

Hoạt động với người khiếm thính

Bạn có thể thắc mắc làm sao tìm ra những người khiếm thính. Chúng tôi gặp được một số người là qua người khác giới thiệu. Ngoài ra, các chủ nhân tiệm gạo địa phương cũng cho chúng tôi biết tên và địa chỉ những người khiếm thính. Một số cơ quan nhà nước cũng giúp chúng tôi. Sự siêng năng hoạt động trong khu vực có người khiếm thính thành công đến độ, với thời gian, bốn hội thánh ngôn ngữ ra dấu đã được thành lập. Nhiều tín đồ trẻ được khuyến khích học ngôn ngữ ra dấu.

Trụ sở chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va đã bổ nhiệm những tiên phong đặc biệt biết ngôn ngữ ra dấu để hoạt động với những hội thánh này. Gần đây hơn, những anh tốt nghiệp Trường Huấn Luyện Thánh Chức được cử tới các hội thánh ấy để củng cố họ về mặt thiêng liêng.

Có những khó khăn phải vượt qua. Phục vụ trong khu vực này cần phải cố gắng để hiểu cách hành xử của những người khiếm thính. Họ rất thẳng thắn trong lối suy nghĩ và hành động. Đôi khi điều này làm người ta ngạc nhiên và có thể hiểu lầm họ. Ngoài ra, khi hướng dẫn học hỏi Kinh Thánh với người khiếm thính, các Nhân Chứng cần phải giúp họ thông thạo thêm chính ngôn ngữ của họ và khuyến khích họ có chương trình đọc và học hỏi nhiều hơn.

Trong sinh hoạt hàng ngày, người khiếm thính gặp phải những trở ngại mà phần lớn người khác không biết đến. Sự giao tiếp với cơ quan nhà nước và nơi chăm sóc sức khỏe cũng như những giao dịch thường ngày nhiều khi trở thành khó khăn lớn cho họ. Nhờ các Nhân Chứng thuộc những hội thánh lân cận yêu thương giúp đỡ, những người khiếm thính cảm nhận được tình huynh đệ chân thật trong hội thánh.—Giăng 13:34, 35.

Làm chứng bán chính thức mang lại kết quả

Tại Pusan, thành phố cảng quan trọng ở miền nam Hàn Quốc, một Nhân Chứng tình cờ gặp hai người khiếm thính, và họ viết trên mảnh giấy: “Chúng tôi thích Địa Đàng. Chúng tôi muốn biết những câu Kinh Thánh nói về sự sống đời đời”. Anh Nhân Chứng ghi lại địa chỉ và hẹn viếng thăm họ. Khi trở lại, anh thấy một phòng đầy người khiếm thính đang đợi nghe thông điệp Nước Trời. Kinh nghiệm này thúc đẩy anh học ngôn ngữ ra dấu. Chẳng bao lâu sau, một hội thánh ngôn ngữ ra dấu được thành lập tại Pusan.

Một anh trong hội thánh đó thấy hai người khiếm thính ra dấu với nhau và anh đến gợi chuyện với họ. Biết được họ vừa đi lễ về, anh mời họ đến dự buổi họp tại Phòng Nước Trời hai giờ trưa cùng ngày. Họ đến dự, và bắt đầu học hỏi Kinh Thánh. Ít lâu sau, họ dự đại hội địa hạt cùng với 20 người bạn khiếm thính. Từ nhóm này, một số người đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Hai anh trở thành trưởng lão và một anh làm tôi tớ thánh chức trong hội thánh ngôn ngữ ra dấu.

Sự quyết tâm được tưởng thưởng

Vì một số người khiếm thính ở khá xa hội thánh ngôn ngữ ra dấu, nên thường cần nhiều cố gắng và quyết tâm để đều đặn cung cấp thức ăn thiêng liêng cho họ. Chẳng hạn một người 31 tuổi sống bằng nghề đánh cá trên đảo, nghe thông điệp Kinh Thánh qua người em trai đã được tiếp xúc với Nhân Chứng Giê-hô-va. Để thỏa mãn lòng khao khát về thiêng liêng, anh đánh cá khiếm thính này đi tàu 16 cây số đến thành phố Tongyoung, ở vùng duyên hải miền nam Hàn Quốc. Anh đến để gặp một tiên phong đặc biệt của hội thánh ngôn ngữ ra dấu thuộc thành phố Masan. Mỗi Thứ Hai, anh tiên phong đặc biệt phải đi 65 cây số chỉ để hướng dẫn học hỏi Kinh Thánh với người khiếm thính này.

Muốn đến dự buổi họp Chủ Nhật tại thành phố Masan, người này phải đi tàu 16 cây số và còn đi xe buýt thêm 65 cây số nữa. Sự quyết tâm của anh được tưởng thưởng. Trong vài tháng, anh tiến bộ trong ngôn ngữ ra dấu, học thêm được mẫu tự Hàn ngữ, và quan trọng nhất là học được cách duy nhất để xây đắp mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Nhận biết tầm quan trọng của những buổi họp và việc làm chứng đều đặn, anh dọn đến khu vực hội thánh ngôn ngữ ra dấu. Làm vậy có dễ không? Không. Anh phải bỏ nghề đánh cá mà doanh thu được mỗi tháng lên đến 3.800 Mỹ kim, nhưng sự quyết tâm của anh đã được tưởng thưởng. Sau khi tiến bộ trong lẽ thật, anh làm báp têm và hiện đang cùng gia đình vui mừng phụng sự Đức Giê-hô-va.

Thông dịch cho người khiếm thính

Tin mừng về Nước Trời thường được truyền đi bằng lời nói. Tuy nhiên, để truyền đạt thông điệp của Lời Đức Chúa Trời chính xác hơn, sự dạy dỗ của Kinh Thánh cần được trình bày dưới dạng cố định. Vì vậy vào thế kỷ thứ nhất, sách và những lá thư được viết do các trưởng lão kinh nghiệm. (Công-vụ 15:22-31; Ê-phê-sô 3:4; Cô-lô-se 1:2; 4:16) Thời nay, thức ăn thiêng liêng dồi dào được cung cấp qua các sách báo và những ấn phẩm khác của đạo Đấng Christ, và được dịch ra hàng trăm thứ tiếng, kể cả nhiều loại ngôn ngữ ra dấu. Để thực hiện điều này, trụ sở chi nhánh Hàn Quốc có ban dịch thuật ngôn ngữ ra dấu. Ban video sản xuất băng video bằng ngôn ngữ ra dấu. Sự sắp đặt này cung cấp thức ăn thiêng liêng cho những người khiếm thính công bố Nước Trời và những người chú ý khác trong các hội thánh khắp Hàn Quốc.

Mặc dù nhiều người thông thạo ngôn ngữ ra dấu đã giúp trong việc sản xuất băng video, nhưng thường thì người dịch giỏi nhất là con cái của những người khiếm thính. Họ đã biết ngôn ngữ này từ thuở thơ ấu. Họ không những ra dấu chính xác mà còn diễn tả và nhấn mạnh qua cử chỉ và nét mặt cho thông điệp có ý nghĩa sâu sắc nhằm động đến lòng và trí của người khiếm thính.

Như đã nói trên, các đại hội và hội nghị bằng ngôn ngữ ra dấu hiện đang được tổ chức đều đặn tại Hàn Quốc. Cần nhiều công lao, phí tổn và nỗ lực để thực hiện điều này. Tuy nhiên, những người tham dự tỏ lòng biết ơn về sự sắp đặt này. Sau khi những cuộc hội họp bế mạc, nhiều người còn nán lại vì muốn tiếp tục sự kết hợp lành mạnh với anh em và ôn lại chương trình thiêng liêng bổ ích. Rõ ràng là việc phục vụ trong nhóm đặc biệt này có những thách thức, nhưng bù lại họ nhận được nhiều ân phước thiêng liêng.

[Hình nơi trang 10]

Băng video trong ngôn ngữ ra dấu sản xuất ở Hàn Quốc: “Đức Chúa Trời đòi hỏi gì nơi chúng ta?”, “Quý trọng di sản thiêng liêng của chúng ta”, “Những gương cảnh giác cho thời chúng ta”, và “Tôn trọng uy quyền của Đức Giê-hô-va”

[Các hình nơi trang 10]

Hình phía dưới theo chiều kim đồng hồ: Băng video trong ngôn ngữ ra dấu đang được sản xuất tại chi nhánh Hàn Quốc; đặt ra dấu hiệu cho những từ thần quyền; ban dịch thuật ngôn ngữ ra dấu; nhắc vở trong tiến trình quay băng video