Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Trường Ga-la-át—60 năm huấn luyện giáo sĩ

Trường Ga-la-át—60 năm huấn luyện giáo sĩ

Trường Ga-la-át—60 năm huấn luyện giáo sĩ

“NHỜ nghiên cứu chuyên sâu về Kinh Thánh, chúng tôi càng đến gần Đức Giê-hô-va và học biết nhiều hơn về tổ chức Ngài. Điều này giúp chúng tôi sẵn sàng sống ở nhiệm sở hải ngoại”. Đây là lời của một học viên tốt nghiệp khóa đầu tiên miêu tả về khóa học tại Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh. Kể từ ngày thành lập 60 năm trước đây, Trường Ga-la-át đã gửi đi nhiều giáo sĩ. Vào ngày 8-3-2003, lễ mãn khóa lớp thứ 114 đã diễn ra tại Trung Tâm Giáo Dục của Hội Tháp Canh ở Patterson, New York. Tại hội trường và các địa điểm phụ, có 6.404 người chăm chú lắng nghe chương trình, gồm những bài giảng, phỏng vấn và một nhóm thảo luận.

Chủ tọa là anh Theodore Jaracz, một thành viên Hội Đồng Lãnh Đạo Trung. Trong lời mở đầu, anh lưu ý là thành phần cử tọa có tính cách quốc tế, gồm các quan khách từ Á Châu, vùng Caribbean, Trung và Nam Mỹ, và Âu Châu. Dựa lời bình luận trên 2 Ti-mô-thê 4:5, anh Jaracz làm nổi bật công việc chính của một giáo sĩ được huấn luyện tại Trường Ga-la-át—là ‘làm việc của người giảng tin mừng’. Các giáo sĩ làm chứng cho lẽ thật bằng cách dạy người ta về Kinh Thánh.

Các học viên tiếp nhận lời chỉ dẫn sau cùng

Mở đầu cho một loạt bài giảng ngắn, anh John Larson, một thành viên của Ủy Ban Chi Nhánh Hoa Kỳ, nói về đề tài củng cố đức tin “Nếu Đức Chúa Trời giúp chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta?” (Rô-ma 8:31) Diễn giả giải thích cơ sở dựa trên Kinh Thánh để các học viên tuyệt đối tin chắc nơi quyền năng của Đức Giê-hô-va nhằm giúp họ vượt qua bất cứ trở ngại nào mà họ gặp phải trong nhiệm sở. Dùng Rô-ma 8:38, 39, anh Larson khuyên nhủ học viên: “Hãy dành thì giờ suy ngẫm về quyền năng Đức Chúa Trời thực hiện vì các anh chị, và hãy nhớ không gì có thể phá vỡ sự gắn bó mật thiết của Đức Giê-hô-va đối với các anh chị”.

Tiếp theo chương trình là anh Guy Pierce, một thành viên Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương. Anh chọn chủ đề “Giữ ánh mắt vui mừng!” (Lu-ca 10:23) Anh giải thích là niềm hạnh phúc chân chính bao hàm việc hiểu biết Đức Giê-hô-va và ý định đời đời của Ngài, cũng như nhìn thấy sự ứng nghiệm các lời tiên tri trong Kinh Thánh. Dù đi đâu, các học viên vẫn có thể duy trì hạnh phúc thật bằng cách giữ ánh mắt vui mừng. Anh Pierce khuyến khích các học viên tốt nghiệp suy ngẫm sâu xa về sự tốt lành của Đức Giê-hô-va và giữ cho tâm trí tập trung vào việc làm theo ý muốn Ngài. (Thi-thiên 77:12) Bằng cách giữ thái độ tích cực, các học viên tốt nghiệp có thể vượt qua bất cứ vấn đề nào họ gặp phải.

Sau đó, cả lớp tiếp nhận lời chia tay đầy khích lệ của hai giảng viên đã dạy họ mỗi ngày. “Các anh chị có đang tìm cầu vinh hiển không?” là câu hỏi trong tựa đề bài giảng của anh Lawrence Bowen. Đa số người ta nghĩ sự vinh hiển liên quan đến việc được khen ngợi, tôn trọng và trọng vọng cho chính mình. Tuy nhiên, người viết Thi-thiên là A-sáp dần dần hiểu ra sự vinh hiển thật—tức mối quan hệ đầy vinh dự với Đức Giê-hô-va; ấy là kho tàng vô giá. (Thi-thiên 73:24, 25) Các học viên tốt nghiệp được khuyến khích duy trì mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va qua việc tiếp tục học hỏi sâu sắc về Kinh Thánh. Các thiên sứ đang “ước-ao xem thấu” những chi tiết về việc thực hiện ý định của Đức Giê-hô-va qua Đấng Christ. (1 Phi-e-rơ 1:12) Các thiên sứ muốn học biết càng nhiều càng tốt về Cha trên trời hầu phản ảnh sự vinh hiển của Ngài. Rồi diễn giả khuyên các học viên tôn vinh Đức Giê-hô-va trong nhiệm sở giáo sĩ bằng cách giúp người khác tìm kho tàng vô giá.

Anh Wallace Liverance, giám học Trường Ga-la-át, nói bài giảng cuối trong loạt bài mở đầu chương trình với chủ đề “Giảng sự khôn-ngoan của Đức Chúa Trời, là sự mầu-nhiệm kín-giấu”. (1 Cô-rinh-tô 2:7) Sự khôn ngoan này của Đức Chúa Trời là gì mà sứ đồ Phao-lô nói đến trong công việc giáo sĩ? Đó là những phương tiện khôn ngoan và quyền năng Đức Giê-hô-va dùng để đem lại hòa bình và hợp nhất trong vũ trụ. Chúa Giê-su là trọng tâm của sự khôn ngoan này. Thay vì giảng phúc âm để cải cách xã hội, Phao-lô giúp người ta thấy cách Đức Chúa Trời sẽ xóa đi hậu quả của tội lỗi A-đam. (Ê-phê-sô 3:8, 9) Diễn giả khuyến khích các học viên: “Hãy dùng đặc ân phụng sự của anh chị như Phao-lô đã làm, ông xem nhiệm sở giáo sĩ như cơ hội để giúp người ta thấy cách Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện ý định của Ngài”.

Tiếp theo, anh Mark Noumair, một giảng viên khác của Trường Ga-la-át, điều khiển cuộc thảo luận hào hứng với một số học viên của lớp. Chủ đề “Học hỏi Lời Đức Chúa Trời tạo ra những người truyền giáo sốt sắng” làm nổi bật lời của Phao-lô nơi Rô-ma 10:10. Lớp kể lại nhiều kinh nghiệm rao giảng họ có khi dự khóa học. Những kinh nghiệm của họ cho thấy khi học hỏi và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời, những điều tuyệt diệu về Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Nước Trời sẽ tràn đầy lòng và thể hiện trên môi miệng chúng ta. Trong 5 tháng ở Trung Tâm Giáo Dục của Hội Tháp Canh, các học viên đã bắt đầu hơn 30 học hỏi Kinh Thánh với những người chú ý trong khu vực được rao giảng thường xuyên của các hội thánh gần đó.

Tiếng nói của những người thành thục

Trong thời gian dự khóa học, các học viên đã được lợi ích nhờ kết hợp với các thành viên của gia đình Bê-tên ở Hoa Kỳ. Hai thành viên văn phòng chi nhánh, Robert Ciranko và Robert P. Johnson, phỏng vấn một số tôi tớ trung thành lâu năm của Đức Giê-hô-va, kể cả các anh giám thị lưu động đang dự khóa huấn luyện đặc biệt tại Trung Tâm Giáo Dục của Hội Tháp Canh. Tất cả các anh được phỏng vấn đều đã tốt nghiệp Trường Ga-la-át và có một thời làm giáo sĩ. Các học viên và gia đình được trấn an khi nghe lời khôn ngoan của những người thiêng liêng, lão luyện này.

Lời khuyên của họ gồm những lời sau: “Hãy bận rộn càng nhiều càng tốt trong thánh chức và trong hội thánh”. “Đừng xem mình quá quan trọng. Hãy chú tâm vào mục tiêu làm giáo sĩ, và hãy xem nhiệm sở như là quê hương mình”. Những lời bình luận bổ ích khác cho thấy sự huấn luyện ở Trường Ga-la-át trang bị một người truyền giáo để làm việc lành, dù được chỉ định đi đâu. Sau đây là một số lời bình luận: “Chúng tôi học hợp tác và làm việc chung”. “Trường giúp chúng tôi chấp nhận những nền văn hóa mới”. “Chúng tôi được dạy cách dùng Kinh Thánh theo khía cạnh mới”.

Anh John E. Barr, một thành viên lâu năm thuộc Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương, nói bài giảng chính trong chương trình. “Tiếng của các sứ-giả đã vang khắp đất” là chủ đề dựa trên Kinh Thánh. (Rô-ma 10:18) Anh nêu lên câu hỏi: Dân Đức Chúa Trời đã có thể thực hiện nhiệm vụ khó khăn này ngày nay không? Chắc chắn có! Ngay từ năm 1881, tạp chí Tháp Canh nêu lên câu hỏi cho độc giả: “Bạn có đang rao giảng không?” Rồi diễn giả nhắc mọi người trong cử tọa về lời kêu gọi lịch sử tại đại hội ở Cedar Point, Ohio, Hoa Kỳ, vào năm 1922: “Loan báo về Vua và Nước Trời!” Qua thời gian, lòng sốt sắng của các tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời đã thúc đẩy họ công bố lẽ thật tuyệt diệu về Nước Trời cho mọi dân. Qua ấn phẩm và qua lời nói, các lời của tin mừng đã đến tận đầu cùng đất—tất cả nhằm tôn vinh và ca ngợi Đức Giê-hô-va. Trong phần kết luận hào hứng, anh Barr khuyến khích các học viên tốt nghiệp lưu ý đến những ân phước bằng những lời sau: “Ngày ngày, khi cầu nguyện Đức Giê-hô-va ở nhiệm sở, hãy chân thành cám ơn Ngài về việc các anh chị góp phần làm ứng nghiệm các lời này: ‘Tiếng của các sứ-giả đã vang khắp đất’ ”.

Sau bài giảng này là các lời chào mừng, và anh chủ tọa trao bằng tốt nghiệp cho học viên. Sau đó, giữa cảm xúc vui buồn lẫn lộn khi phải rời mái trường thân yêu, một học viên đại diện cho lớp đọc một nghị quyết chân thành gửi đến Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương và gia đình Bê-tên, nói lên quyết tâm của các học viên tốt nghiệp ngợi khen Đức Giê-hô-va “từ bây giờ cho đến đời đời”.—Thi-thiên 115:18.

Chúng ta cầu mong cho các học viên tốt nghiệp này sẽ thích ứng với quê hương mới của họ và góp phần tốt đẹp vào sự tiến triển của công việc rao giảng trên khắp thế giới, giống như những anh chị tiền nhiệm đã làm từ 60 năm nay.

[Khung nơi trang 23]

THỐNG KÊ KHÓA 114

Các học viên đến từ: 12 nước

Họ được phái đến: 16 nước

Sĩ số: 48

Tuổi trung bình: 34,4

Trung bình ở trong lẽ thật: 17,6 năm

Trung bình trong thánh chức trọn thời gian: 13,5 năm

[Hình nơi trang 24]

Khóa tốt nghiệp thứ 114 Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh

Trong danh sách dưới đây, hàng được đánh số từ trước ra sau và tên được liệt kê từ trái sang phải ở mỗi hàng.

(1) Rosa, D.; Garrigolas, J.; Lindström, R.; Pavanello, P.; Tait, N. (2) Van Hout, M.; Donabauer, C.; Martínez, L.; Millar, D.; Festré, Y.; Nutter, S. (3) Martínez, P.; Clarke, L.; Maughan, B.; Fischer, L.; Romo, G. (4) Romo, R.; Eadie, S.; Tuynman, C.; Campbell, P.; Millar, D.; Rosa, W. (5) Lindström, C.; Garrigolas, J.; Markevich, N.; Lindala, K.; van den Heuvel, J.; Tait, S.; Nutter, P. (6) Maughan, P.; Pavanello, V.; Eadie, N.; West, A.; Clarke, D.; Markevich, J. (7) Fischer, D.; Donabauer, R.; Curry, P.; Curry, Y.; Carfagno, W.; West, M.; Tuynman, A. (8) Van Hout, M.; Campbell, C.; Festré, Y.; Carfagno, C.; van den Heuvel, K.; Lindala, D.