Độc giả thắc mắc
Độc giả thắc mắc
Tại sao câu Kinh Thánh nơi Hê-bơ-rơ 2:14 gọi Sa-tan là “kẻ cầm quyền sự chết”?
Câu trả lời vắn tắt là Phao-lô có ý nói chính Sa-tan hoặc tay sai của hắn có thể gây ra cái chết của con người. Phù hợp với điều này, Chúa Giê-su gọi Sa-tan “lúc ban đầu... là kẻ giết người”.—Giăng 8:44.
Một số bản Kinh Thánh dịch câu Hê-bơ-rơ 2:14 là Sa-tan “có quyền trên sự chết” (Trịnh Văn Căn; Nguyễn Thế Thuấn), cách dịch này có thể gây hiểu lầm. Theo cách dịch đó, có vẻ như Sa-tan có quyền vô hạn, muốn giết ai tùy ý. Tuy nhiên, rõ ràng không phải như vậy. Nếu đúng thế, chắc là hắn đã diệt hết những người thờ phượng Đức Giê-hô-va khỏi mặt đất từ lâu rồi.—Sáng-thế Ký 3:15.
Cụm từ Hy Lạp “kraʹtos tou tha·naʹtou” được dịch là “có quyền trên sự chết” trong một số bản dịch và “kẻ cầm quyền sự chết” trong bản Liên Hiệp Thánh Kinh Hội. Tou tha·naʹtou là một thể của cụm từ có nghĩa “sự chết”. Kraʹtos có nghĩa cơ bản là “quyền lực, sức lực, sức mạnh”. Theo cuốn Theological Dictionary of the New Testament, từ ngữ đó biểu thị “việc có quyền lực hoặc sức mạnh ở mức đáng kể, chứ không phải là việc sử dụng quyền lực ấy”. Vậy nơi Hê-bơ-rơ 2:14, Phao-lô không hàm ý Sa-tan nắm quyền sinh sát tuyệt đối. Đúng hơn, Phao-lô muốn nói đến khả năng hoặc tiềm năng của Sa-tan gây ra sự chết.
Sa-tan “cầm quyền sự chết” như thế nào? Chúng ta đọc về một trường hợp hơi khác thường trong sách Gióp. Theo lời tường thuật, Sa-tan đã dùng một trận gió lớn làm thiệt mạng các con của Gióp. Nhưng hãy lưu ý, Sa-tan chỉ có thể làm điều này sau khi Đức Chúa Trời cho phép, vì một cuộc tranh chấp trọng yếu đang được quyết định. (Gióp 1:12, 18, 19) Thực vậy, Sa-tan đã không thể giết Gióp, vì không được phép. (Gióp 2:6) Điều đó cho thấy mặc dù đôi khi Sa-tan có thể khiến những người trung thành thiệt mạng, chúng ta không cần phải sợ hắn tùy ý chấm dứt sự sống của chúng ta.
Sa-tan cũng dùng con người làm tay sai gây ra sự chết. Vì vậy, nhiều tín đồ Đấng Christ đã chết vì đức tin. Một số bị đám đông nổi giận giết hoặc bị hành hình một cách bất công theo lệnh của các viên chức chính quyền hoặc những thẩm phán thối nát.—Khải-huyền 2:13.
Ngoài ra, đôi khi Sa-tan gây ra sự chết bằng cách lợi dụng sự yếu đuối của con người. Ở Y-sơ-ra-ên thời xưa, tiên tri Ba-la-am đã xúi người Mô-áp quyến rũ dân Y-sơ-ra-ên “phạm một tội trọng cùng Đức Giê-hô-va”. (Dân-số Ký 31:16) Hậu quả là hơn 23.000 người Y-sơ-ra-ên mất mạng. (Dân-số Ký 25:9; 1 Cô-rinh-tô 10:8) Ngày nay cũng vậy, một số người rơi vào “mưu-kế” của Sa-tan, bị quyến rũ vào tình dục vô luân và những thực hành trái ý Đức Chúa Trời. (Ê-phê-sô 6:11) Đành rằng những người ấy thường không chết ngay lập tức nhưng có nguy cơ mất sự sống đời đời. Bằng cách đó, Sa-tan gây ra cái chết của họ.
Mặc dù biết rằng Sa-tan có tiềm năng gây hại, chúng ta không cần phải sợ hắn quá mức. Khi nói Sa-tan cầm quyền sự chết, Phao-lô cũng nói rằng Đấng Christ chết nhằm “phá-diệt [Sa-tan]..., giải-thoát mọi người vì sợ sự chết, bị cầm trong vòng tôi-mọi trọn đời”. (Hê-bơ-rơ 2:14, 15) Thật vậy, Chúa Giê-su đã trả giá chuộc và do đó giải cứu nhân loại có đức tin khỏi tình trạng nô lệ cho tội lỗi và sự chết.—2 Ti-mô-thê 1:10.
Dĩ nhiên việc Sa-tan có quyền gây ra sự chết là điều đáng suy nghĩ nghiêm túc, nhưng chúng ta tin cậy Đức Giê-hô-va có thể xóa bỏ bất cứ tai hại nào do Sa-tan và các tay sai của hắn gây ra. Đức Giê-hô-va bảo đảm với chúng ta rằng Chúa Giê-su sẽ “hủy-phá công-việc của ma-quỉ”. (1 Giăng 3:8) Với quyền lực của Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su sẽ làm người chết sống lại và do đó vô hiệu hóa ngay cả sự chết. (Giăng 5:28, 29) Cuối cùng, Chúa Giê-su phơi bày rõ ràng quyền lực có giới hạn của Sa-tan bằng cách giam hắn trong vực sâu. Sau rốt Sa-tan bị hủy diệt đời đời.—Khải-huyền 20:1-10.