Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”

“Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”

“Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”

“Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”.—1 GIĂNG 4:8.

1-3. (a) Kinh Thánh nói gì về đức tính yêu thương của Đức Giê-hô-va, và lời này đặc sắc như thế nào? (b) Tại sao Kinh Thánh nói “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”?

TẤT CẢ các đức tính của Đức Giê-hô-va đều xuất sắc, hoàn hảo, và đáng chuộng. Nhưng sự yêu thương là đức tính đáng mến nhất của Đức Giê-hô-va. Không có gì thu hút chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va một cách mạnh mẽ bằng sự yêu thương của Ngài. Đáng mừng thay, sự yêu thương cũng là đức tính nổi bật nhất của Ngài. Làm sao chúng ta biết vậy?

2 Kinh Thánh miêu tả sự yêu thương rất khác với các đức tính chính khác của Đức Giê-hô-va. Kinh Thánh không nói Đức Chúa Trời là quyền năng, Đức Chúa Trời là sự công bình, hoặc ngay cả Đức Chúa Trời là sự khôn ngoan. Ngài các đức tính ấy và là nguồn tối hậu của cả ba đức tính nói trên. Tuy nhiên, về sự yêu thương 1 Giăng 4:8 nói một cách sâu xa hơn: “Đức Chúa Trời sự yêu-thương”. (Chúng tôi viết nghiêng). Đúng vậy, Đức Giê-hô-va có tình yêu thương rất sâu đậm tha thiết. Đó là bản chất của Ngài. Nói chung, chúng ta có thể nghĩ như thế này: Quyền năng giúp Đức Giê-hô-va hành động. Sự công bình và khôn ngoan hướng dẫn cách Ngài hành động. Tuy nhiên, sự yêu thương thúc đẩy Ngài hành động. Và tình yêu thương của Ngài luôn luôn gói ghém trong cách Ngài biểu lộ các đức tính khác.

3 Chúng ta thường nghe nói Đức Giê-hô-va là hiện thân của sự yêu thương. Vậy, nếu chúng ta muốn học về sự yêu thương, chúng ta phải học về Đức Giê-hô-va. Thế thì chúng ta hãy xem xét vài khía cạnh về tình yêu thương vô song của Đức Chúa Trời.

Hành động yêu thương vĩ đại nhất

4, 5. (a) Hành động yêu thương vĩ đại nhất được thể hiện trong suốt lịch sử là gì? (b) Tại sao chúng ta có thể nói Đức Giê-hô-va và Con Ngài hợp nhất trong một mối quan hệ yêu thương chặt chẽ nhất từ xưa đến nay?

4 Đức Giê-hô-va đã tỏ lòng yêu thương qua nhiều cách, nhưng có một cách trội hơn hết. Đó là gì? Qua việc gửi Con Ngài xuống thế để chịu khổ và chết vì chúng ta. Chúng ta có thể khẳng định rằng đó là hành động yêu thương vĩ đại nhất được thể hiện trong suốt lịch sử. Tại sao chúng ta có thể nói như thế?

5 Kinh Thánh gọi Chúa Giê-su là “Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên”. (Cô-lô-se 1:15) Hãy tưởng tượng—Con của Đức Giê-hô-va đã hiện hữu trước khi có vũ trụ. Thế thì Đức Giê-hô-va và Con Ngài đã ở với nhau bao lâu? Một số nhà khoa học ước lượng tuổi của vũ trụ là 13 tỷ năm. Tuy vậy, nếu sự ước lượng này đúng, thời gian đó cũng không bằng tuổi của Con đầu lòng Đức Giê-hô-va! Ngài đã làm gì trong khoảng thời gian lâu dài ấy? Người Con phục vụ với tư cách “thợ cái” của Cha ngài. (Châm-ngôn 8:30; Giăng 1:3) Đức Giê-hô-va và Con Ngài cùng hợp tác để dựng nên muôn vật. Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su chắc hẳn đã có thời gian làm việc vui vẻ hứng thú với nhau! Vậy có ai trong vòng chúng ta có thể thật sự hiểu được mối quan hệ này chặt chẽ như thế nào qua quãng thời gian dài như vậy không? Rõ ràng, Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Con Ngài hợp nhất trong một mối quan hệ yêu thương chặt chẽ nhất từ xưa đến nay.

6. Khi Chúa Giê-su làm báp têm, Đức Giê-hô-va bày tỏ tình cảm của mình đối với con Ngài như thế nào?

6 Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va sai Con Ngài xuống đất làm người. Như vậy có nghĩa là trong vài thập kỷ, sự kết hợp mật thiết của Đức Giê-hô-va với Con yêu dấu của Ngài ở trên trời bị gián đoạn. Từ trên trời, Ngài rất quan tâm theo dõi việc Chúa Giê-su lớn lên thành người hoàn toàn. Chúa Giê-su làm báp têm vào khoảng 30 tuổi. Vào dịp đó, chính Cha đã nói từ trời: “Nầy là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng”. (Ma-thi-ơ 3:17) Khi thấy Chúa Giê-su trung thành làm theo mọi điều đã được tiên tri, và mọi điều đã đòi hỏi nơi ngài, tất Cha ngài phải hài lòng biết bao!—Giăng 5:36; 17:4.

7, 8. (a) Chúa Giê-su phải chịu những gì vào ngày 14 Nisan năm 33 CN, và Cha trên trời của ngài cảm thấy thế nào? (b) Tại sao Đức Giê-hô-va cho phép Con ngài chịu khổ và chết?

7 Nhưng Đức Giê-hô-va cảm thấy sao vào ngày 14 Nisan năm 33 CN, khi Chúa Giê-su bị phản bội rồi bị một bọn người hung dữ bắt đi? Khi Chúa Giê-su bị người ta chê cười, nhổ và đấm vào mặt? Khi ngài bị đánh bằng roi, lưng ngài rách nát? Khi tay chân ngài bị đóng đinh trên cây gỗ rồi bị treo lên trong lúc người ta chửi rủa mình? Cha cảm thấy thế nào khi Con yêu dấu kêu cầu Ngài trong cơn đau đớn dữ dội? Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào lúc Chúa Giê-su trút hơi thở cuối cùng, và đây là lần đầu tiên kể từ buổi đầu sáng thế, Con yêu dấu của Ngài không còn hiện hữu nữa?—Ma-thi-ơ 26:14-16, 46, 47, 56, 59, 67; 27:26, 38-44, 46; Giăng 19:1.

8 Vì Đức Giê-hô-va có cảm xúc, không lời nào có thể diễn tả được nỗi đau khổ của Ngài về cái chết của Con Ngài. Điều có thể diễn tả được là động cơ của Ngài khi cho phép sự việc đó xảy ra. Tại sao Cha lại chịu khổ như thế? Đức Giê-hô-va cho chúng ta biết một điều tuyệt diệu nơi Giăng 3:​16​—⁠một câu Kinh Thánh quan trọng đến nỗi được gọi là Phúc Âm được thu gọn. Câu này nói: “Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời”. Nói tóm lại, động cơ của Đức Chúa Trời là: tình yêu thương. Chưa bao giờ có ai tỏ lòng yêu thương như thế.

Cách Đức Giê-hô-va cam đoan với chúng ta về lòng yêu thương của Ngài

9. Sa-tan muốn chúng ta tin Đức Giê-hô-va nghĩ gì về chúng ta, nhưng Đức Giê-hô-va cam đoan điều gì với chúng ta?

9 Tuy nhiên, có một câu hỏi quan trọng được nêu lên: Đức Chúa Trời có yêu thương cá nhân chúng ta không. Một số người có thể đồng ý rằng Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại nói chung, như Giăng 3:16 nói. Nhưng trên thực tế họ nghĩ là, ‘Đức Chúa Trời lẽ nào lại yêu thương cá nhân tôi được’. Sự thật là Sa-tan rất muốn chúng ta tin rằng Đức Giê-hô-va không yêu thương cũng không quý trọng chúng ta. Mặt khác, bất luận chúng ta nghĩ mình vô dụng hoặc khó thương đến đâu chăng nữa, Đức Giê-hô-va cam đoan với chúng ta rằng mỗi tôi tớ trung thành của Ngài đều quý giá đối với Ngài.

10, 11. Minh họa của Chúa Giê-su về con chim sẻ cho thấy chúng ta có giá trị trước mắt Đức Giê-hô-va như thế nào?

10 Thí dụ, hãy xem xét lời của Chúa Giê-su được ghi nơi Ma-thi-ơ 10:29-31. Minh họa về giá trị của môn đồ, Chúa Giê-su nói: “Hai con chim sẻ há chẳng từng bị bán một đồng tiền sao? Và ví không theo ý-muốn Cha các ngươi, thì chẳng hề một con nào rơi xuống đất. Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi. Vậy, đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí-trọng hơn nhiều con chim sẻ”. Hãy xem xét những lời ấy có nghĩa gì đối với những người nghe Chúa Giê-su trong thế kỷ thứ nhất.

11 Vào thời Chúa Giê-su, chim sẻ là loại chim rẻ nhất được bán làm thức ăn. Với một đồng tiền ít ỏi người ta có thể mua được hai con chim sẻ. Nhưng sau đó, theo Lu-ca 12:6, 7, Chúa Giê-su nói rằng nếu một người bỏ ra hai đồng tiền thì sẽ mua được năm con chim sẻ, chứ không phải chỉ bốn con thôi. Con thứ năm được tặng thêm như thể nó chẳng có giá trị gì cả. Có lẽ những con chim như thế không có giá trị gì trước mắt con người, nhưng Đấng Tạo Hóa xem chúng như thế nào? Chúa Giê-su nói: “Đức Chúa Trời không quên một con nào hết [kể cả con được tặng không]”. Bây giờ chúng ta mới hiểu ý Chúa Giê-su. Vì Đức Giê-hô-va xem trọng một con chim sẻ, hẳn một người phải quý giá hơn biết bao! Như Chúa Giê-su nói, Đức Giê-hô-va biết mọi chi tiết về chúng ta. Ngay cả các sợi tóc trên đầu chúng ta cũng đã được đếm hết!

12. Tại sao chúng ta có thể chắc rằng Chúa Giê-su thực tế khi nói tóc trên đầu chúng ta được đếm hết?

12 Một số người có thể cho rằng Chúa Giê-su nói phóng đại ở đây. Nhưng, hãy thử nghĩ đến sự sống lại. Để tái tạo chúng ta, Đức Giê-hô-va hẳn phải biết chúng ta rất cặn kẽ! Ngài quý trọng chúng ta đến nỗi Ngài nhớ mọi chi tiết về chúng ta, kể cả mã di truyền phức tạp và toàn bộ ký ức và kinh nghiệm trải qua các năm. So sánh với điều này, việc đếm tóc của chúng ta—một người trung bình có khoảng 100.000 sợi—chỉ là chuyện đơn giản. Những lời của Chúa Giê-su tuyệt vời biết bao khi cam đoan với chúng ta rằng Đức Giê-hô-va quan tâm đến từng người chúng ta!

13. Làm thế nào trường hợp của Vua Giê-hô-sa-phát cho thấy Đức Giê-hô-va để ý đến điểm tốt dù chúng ta là người bất toàn?

13 Kinh Thánh cho biết một điều khác cam đoan với chúng ta về lòng yêu thương của Đức Giê-hô-va. Ngài để ý và coi trọng điểm tốt của chúng ta. Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của ông vua tốt là Giê-hô-sa-phát. Khi vua hành động dại dột, nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va bảo ông: “Bởi cớ đó, có cơn giận của Đức Giê-hô-va đến trên vua”. Quả là một ý tưởng nghiêm trọng! Thông điệp của Đức Giê-hô-va không ngừng tại đây, nhưng nói thêm: “Nhưng trong vua có điều lành”. (2 Sử-ký 19:1-3) Thế thì dù phẫn nộ chính đáng, Đức Giê-hô-va vẫn thấy những “điều lành” của Giê-hô-sa-phát. Biết rằng Đức Chúa Trời để ý đến điểm tốt của ngay cả những người bất toàn, chẳng phải điều này trấn an chúng ta sao?

Một Đức Chúa Trời “sẵn tha-thứ cho”

14. Khi phạm tội, chúng ta có thể chịu những nỗi khổ nào, nhưng làm thế nào chúng ta có thể được Đức Giê-hô-va tha thứ?

14 Khi phạm tội, nỗi thất vọng, xấu hổ, và tội lỗi có thể khiến chúng ta nghĩ mình không thể nào xứng đáng để phụng sự Đức Giê-hô-va. Nhưng hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va “sẵn tha-thứ cho”. (Thi-thiên 86:5) Đúng thế, nếu ăn năn tội lỗi của mình và cố gắng không tái phạm, chúng ta có thể được Đức Giê-hô-va tha thứ. Hãy xem xét cách Kinh Thánh miêu tả khía cạnh yêu thương tuyệt diệu này của Đức Giê-hô-va.

15. Đức Giê-hô-va cất tội lỗi xa khỏi chúng ta đến mức nào?

15 Người viết thi thiên Đa-vít đã dùng từ ngữ sống động để miêu tả sự tha thứ của Đức Giê-hô-va: “Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu, thì Ngài đã đem sự vi-phạm chúng tôi khỏi xa chúng tôi bấy nhiêu”. (Thi-thiên 103:12, chúng tôi viết nghiêng). Phương đông cách phương tây bao xa? Chúng ta có thể nói rằng phương đông luôn luôn cách xa phương tây; hai phương trời không bao giờ gặp nhau. Một học giả lưu ý rằng cụm từ này có nghĩa “xa vô cùng tận; xa không thể tưởng tượng”. Lời được soi dẫn của Đa-vít cho chúng ta biết rằng khi Đức Giê-hô-va tha thứ, Ngài cất tội lỗi xa khỏi chúng ta đến mức không thể tưởng tượng được.

16. Khi Đức Giê-hô-va tha tội, tại sao chúng ta có thể yên trí rằng sau đó Ngài xem chúng ta được tinh sạch?

16 Bạn có bao giờ cố tẩy vết bẩn khỏi cái áo màu nhạt chưa? Dù cố hết sức, có lẽ bạn vẫn còn thấy được vết bẩn. Hãy lưu ý cách Đức Giê-hô-va miêu tả khả năng tha thứ của Ngài: “Dầu tội các ngươi như hồng-điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên”. (Ê-sai 1:18, chúng tôi viết nghiêng). Chữ “hồng-điều” có nghĩa là màu đỏ tươi. * Màu “son” là một trong những màu đậm của vải nhuộm. Dù cố gắng cách mấy, chúng ta không bao giờ có thể tẩy sạch vết nhơ của tội lỗi. Thế nhưng, Đức Giê-hô-va có thể tẩy những tội lỗi ví như hồng điều và son trở nên trắng như tuyết hay lông chiên không nhuộm. Thế thì khi Đức Giê-hô-va tha tội, chúng ta không nên cảm thấy mình phải gánh chịu vết nhơ của tội lỗi đó suốt cả đời.

17. Đức Giê-hô-va ném tội lỗi chúng ta ra sau lưng Ngài theo nghĩa nào?

17 Trong một bài hát thật cảm động mà Ê-xê-chia đã làm để nhớ ơn Đức Giê-hô-va sau khi ông khỏi chết vì bệnh, ông nói cùng Đức Giê-hô-va: “Chúa đã ném mọi tội-lỗi tôi ra sau lưng Ngài”. (Ê-sai 38:17, chúng tôi viết nghiêng). Ở đây, Đức Giê-hô-va được miêu tả như thể lấy tội lỗi của một người phạm tội biết ăn năn và ném đằng sau Ngài, nơi Ngài không còn thấy hoặc để ý tới nữa. Theo một sách tham khảo, có thể diễn đạt ý tưởng đó như thế này: “Ngài đã làm [tội lỗi của tôi] như đã không xảy ra”. Chẳng phải đó là điều an ủi sao?

18. Bằng cách nào tiên tri Mi-chê cho thấy rằng khi Đức Giê-hô-va tha thứ, Ngài hoàn toàn xóa tội lỗi của chúng ta?

18 Trong lời hứa về sự phục hồi, tiên tri Mi-chê diễn đạt lòng tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ tha thứ cho dân tộc biết ăn năn của Ngài: “Ai là Đức Chúa Trời giống như Ngài,... bỏ qua sự phạm-pháp của dân sót của sản-nghiệp Ngài?... Và ném hết thảy tội-lỗi chúng nó xuống đáy biển”. (Mi-chê 7:18, 19, chúng tôi viết nghiêng). Hãy tưởng tượng những lời ấy có ý nghĩa gì đối với những người sống vào thời Kinh Thánh. Có thể nào tìm lại vật gì đã ném “xuống đáy biển” không? Vậy thì lời của Mi-chê cho thấy rằng khi Đức Giê-hô-va tha thứ, Ngài hoàn toàn xóa tội lỗi chúng ta.

‘Lòng thương-xót của Đức Chúa Trời chúng ta’

19, 20. (a) Nghĩa của từ Hê-bơ-rơ được dịch là “tỏ lòng trắc ẩn” hay “có lòng thương hại” là gì? (b) Kinh Thánh dùng tình thương của người mẹ đối với con thơ để dạy chúng ta về lòng thương xót của Đức Giê-hô-va như thế nào?

19 Lòng thương xót là một đặc điểm khác nằm trong đức tính yêu thương của Đức Giê-hô-va. Lòng thương xót là gì? Trong Kinh Thánh, lòng thương xót có liên quan chặt chẽ với lòng trắc ẩn. Một số từ ngữ tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp nói về lòng thương xót. Chẳng hạn, động từ Hê-bơ-rơ ra·chamʹ thường được dịch là “tỏ lòng trắc ẩn” hay “có lòng thương hại”. Từ Hê-bơ-rơ này, mà Đức Giê-hô-va áp dụng cho chính Ngài, liên quan với từ “dạ con” và có thể miêu tả như là “tình mẫu tử”.

20 Kinh Thánh dùng những cảm xúc của người mẹ đối với con thơ của mình để dạy chúng ta về lòng thương xót của Đức Giê-hô-va. Ê-sai 49:15 nói: “Đàn-bà há dễ quên con mình cho bú, không thương [ra·chamʹ] đến con trai ruột mình sao? Dầu đàn-bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi”. Thật khó tưởng tượng rằng một người mẹ có thể quên nuôi dưỡng và chăm sóc con đương bú của mình. Thật vậy, đứa bé sơ sinh rất yếu ớt; ngày đêm nó cần mẹ chăm sóc. Tuy nhiên, điều đáng buồn là chuyện mẹ bỏ con không phải là chưa xảy ra, nhất là trong “những thời-kỳ khó-khăn” này. (2 Ti-mô-thê 3:1, 3) Nhưng Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Ta cũng chẳng quên ngươi”. Lòng thương xót của Đức Giê-hô-va đối với tôi tớ Ngài tha thiết hơn tình thương sâu đậm nhất mà chúng ta có thể tưởng tượng được—lòng thương xót mà người mẹ thường có đối với con sơ sinh của mình.

21, 22. Dân Y-sơ-ra-ên đã trải qua những kinh nghiệm nào ở xứ Ai Cập, và Đức Giê-hô-va đã đáp lại lời kêu than của họ như thế nào?

21 Như một người cha yêu thương, Đức Giê-hô-va tỏ lòng thương xót như thế nào? Có thể thấy rõ đức tính này trong cách Ngài đối xử với dân Y-sơ-ra-ên xưa. Vào cuối thế kỷ 16 TCN, hàng triệu người Y-sơ-ra-ên làm nô lệ ở Ai Cập, nơi họ bị áp bức gay gắt. (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:11, 14) Trong cơn gian truân, dân Y-sơ-ra-ên kêu cầu Đức Giê-hô-va. Đức Chúa Trời có lòng thương xót đã đáp ứng thế nào?

22 Đức Giê-hô-va đã động lòng. Ngài phán: “Ta đã thấy rõ-ràng sự cực-khổ của dân ta tại xứ Ê-díp-tô, và có nghe thấu tiếng kêu-rêu..., ta biết được nỗi đau-đớn của nó”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:7) Đức Giê-hô-va không thể nhìn sự đau khổ của dân Ngài hoặc nghe tiếng kêu than của họ mà không cảm thương họ. Giê-hô-va là Đức Chúa Trời có tính đồng cảm. Và tính đồng cảm—tức khả năng nhận biết nỗi đau của người khác—có quan hệ chặt chẽ với lòng thương xót. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không những cảm thương dân Ngài mà còn được thúc đẩy để hành động vì lợi ích của họ. Ê-sai 63:9 nói: “Chính Ngài đã lấy lòng yêu-đương thương-xót mà chuộc họ”. Với “cánh tay quyền-năng”, Đức Giê-hô-va đã giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:34) Sau đó, Ngài cung cấp đồ ăn bằng phép lạ và cho họ vào một vùng đất màu mỡ.

23. (a) Lời của người viết thi thiên cam đoan với chúng ta rằng Đức Giê-hô-va quan tâm sâu sắc đến mỗi người chúng ta như thế nào? (b) Đức Giê-hô-va giúp chúng ta qua những cách nào?

23 Đức Giê-hô-va không chỉ tỏ lòng thương xót cho dân sự Ngài trên bình diện tập thể. Đức Chúa Trời yêu thương của chúng ta quan tâm sâu sắc đến từng cá nhân. Ngài biết rõ bất cứ sự đau khổ nào mà chúng ta có thể trải qua. Người viết thi thiên nói: “Mắt Đức Giê-hô-va đoái-xem người công-bình, lỗ tai Ngài nghe tiếng kêu-cầu của họ. Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau-thương, và cứu kẻ nào có tâm-hồn thống-hối”. (Thi-thiên 34:15, 18) Đức Giê-hô-va giúp mỗi người chúng ta như thế nào? Ngài không nhất thiết phải dẹp bỏ nguyên nhân đau khổ của chúng ta. Nhưng Ngài cung cấp sự giúp đỡ đầy đủ cho những ai kêu cầu Ngài. Lời Ngài đưa ra những lời khuyên thiết thực hữu ích. Trong hội thánh, Ngài cung cấp những giám thị hội đủ điều kiện thiêng liêng, là những người nỗ lực phản ánh lòng thương xót của Ngài khi giúp đỡ người khác. (Gia-cơ 5:14, 15) Là “Đấng nghe lời cầu-nguyện”, Đức Giê-hô-va “ban Đức Thánh-Linh cho người xin Ngài”. (Thi-thiên 65:2; Lu-ca 11:13) Tất cả những cung cấp như thế là sự biểu lộ ‘lòng thương-xót của Đức Chúa Trời chúng ta’.—Lu-ca 1:78.

24. Bạn sẽ đáp ứng tình yêu thương của Đức Giê-hô-va như thế nào?

24 Chẳng phải suy ngẫm về lòng yêu thương của Cha trên trời làm chúng ta cảm động hay sao? Trong bài trước, chúng ta được nhắc nhở rằng Đức Giê-hô-va đã thể hiện quyền năng, sự công bình và khôn ngoan theo cách yêu thương nhằm mang lợi ích cho chúng ta. Rồi trong bài này, chúng ta đã thấy Đức Giê-hô-va trực tiếp tỏ lòng yêu thương nhân loại và mỗi cá nhân chúng ta qua những cách phi thường. Vậy, mỗi người chúng ta nên tự hỏi, ‘Tôi sẽ đáp ứng tình yêu thương của Đức Giê-hô-va như thế nào?’ Mong rằng bạn đáp ứng bằng cách yêu thương Ngài hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn, hết sức. (Mác 12:29, 30) Mong rằng cách sống hằng ngày của bạn phản ánh ước muốn ngày càng đến gần Đức Giê-hô-va. Và mong sao Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của sự yêu thương, ngày càng đến gần bạn—cho đến muôn đời!—Gia-cơ 4:8.

[Chú thích]

^ đ. 16 Một học giả nói rằng hồng điều “là một màu bền, khó phai. Nó không bị sương, mưa, giặt giũ hoặc dùng lâu ngày làm cho phai màu”.

Bạn có nhớ không?

Làm sao chúng ta biết sự yêu thương là đức tính nổi bật nhất của Đức Giê-hô-va?

Tại sao có thể nói việc Đức Giê-hô-va gửi Con Ngài xuống thế để chịu khổ và chết cho chúng ta là hành động yêu thương vĩ đại nhất?

Đức Giê-hô-va cam đoan như thế nào với chúng ta là Ngài yêu thương mỗi người chúng ta?

Kinh Thánh miêu tả sự tha thứ của Đức Giê-hô-va qua những cách sống động nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 15]

“Đức Chúa Trời... đã ban Con một của Ngài”

[Hình nơi trang 16, 17]

“Ngươi quí-trọng hơn nhiều con chim sẻ”

[Nguồn tư liệu]

© J. Heidecker/VIREO

[Hình nơi trang 18]

Tình thương của người mẹ dành cho con thơ có thể dạy chúng ta về lòng thương xót của Đức Giê-hô-va