Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Kìa, ấy là Đức Chúa Trời chúng ta”

“Kìa, ấy là Đức Chúa Trời chúng ta”

“Kìa, ấy là Đức Chúa Trời chúng ta”

Những điều được thảo luận trong hai bài học này dựa trên sách

Hãy đến gần Đức Giê-hô-va, ra mắt tại đại hội địa hạt được tổ chức

khắp thế giới vào năm 2002-2003. Sách này chưa có trong tiếng Việt.—Hãy xem bài “Sách ấy lấp khoảng trống trong lòng tôi”, ở trang 20.

“Kìa, ấy là Đức Chúa Trời chúng ta; chúng ta đã mong-đợi Ngài, và Ngài sẽ cứu chúng ta. Ấy là Đức Giê-hô-va”.—Ê-SAI 25:9.

1, 2. (a) Đức Giê-hô-va gọi tộc trưởng Áp-ra-ham như thế nào, và điều này có thể khiến chúng ta tự hỏi gì? (b) Kinh Thánh nói gì để cam đoan rằng mối quan hệ gần gũi với Đức Chúa Trời có thể đạt được?

“BẠN ta”. Đó là cách Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo Hóa của trời và đất, đã gọi tộc trưởng Áp-ra-ham. (Ê-sai 41:8) Hãy tưởng tượng—một người phàm lại có thể vui hưởng tình bạn với Chúa Tối Thượng của vũ trụ! Bạn có lẽ tự hỏi: ‘Tôi có thể đến gần Đức Chúa Trời đến độ đó được sao?’

2 Kinh Thánh cam đoan rằng mối quan hệ gần gũi với Đức Chúa Trời có thể đạt được. Áp-ra-ham đã có được sự gần gũi ấy vì đã “tin Đức Chúa Trời”. (Gia-cơ 2:23) Ngày nay cũng vậy, Đức Giê-hô-va “kết tình bậu-bạn cùng người ngay-thẳng”. (Châm-ngôn 3:32) Kinh Thánh khuyến giục chúng ta nơi Gia-cơ 4:8: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em”. Rõ ràng là nếu chúng ta thực hiện những bước để đến gần Ngài, Ngài sẽ đáp ứng tương tự. Thật vậy, Ngài sẽ đến gần chúng ta. Nhưng phải chăng những lời được soi dẫn này có nghĩa là chúng ta—những người bất toàn và tội lỗi—phải chủ động làm trước? Chắc chắn không. Sự mật thiết với Đức Giê-hô-va có thể có được chỉ vì Ngài đã thực hiện hai bước quan trọng.—Thi-thiên 25:14.

3. Đức Giê-hô-va thực hiện hai bước nào để giúp chúng ta có thể vui hưởng tình bạn với Ngài?

3 Trước hết, Đức Giê-hô-va sắp đặt cho Chúa Giê-su “phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người”. (Ma-thi-ơ 20:28) Sự hy sinh làm giá chuộc ấy giúp chúng ta có thể đến gần Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nói: “Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước”. (1 Giăng 4:19) Đúng vậy, vì Đức Chúa Trời “đã yêu chúng ta trước”, nên Ngài đã thiết lập nền tảng giúp chúng ta trở thành bạn Ngài. Thứ hai, Đức Giê-hô-va đã cho chúng ta biết về Ngài. Trong bất cứ tình bạn nào, sự thân thiết dựa trên việc thật sự hiểu rõ một người, cảm phục và quý trọng những đặc tính của người ấy. Hãy xem điều này có nghĩa gì. Nếu Đức Giê-hô-va không cho chúng ta biết về Ngài, thì chúng ta không bao giờ đến gần Ngài được. Nhưng thay vì ẩn mình, Đức Giê-hô-va muốn cho chúng ta biết Ngài. (Ê-sai 45:19) Trong Kinh Thánh, tức Lời Ngài, Đức Giê-hô-va tự tiết lộ bằng những lời lẽ mà chúng ta có thể hiểu được—bằng chứng cho thấy rằng Ngài không chỉ yêu mến chúng ta mà còn muốn chúng ta biết Ngài và yêu mến Ngài như Cha trên trời.

4. Chúng ta sẽ cảm thấy thế nào về Đức Giê-hô-va khi biết rõ những đức tính của Ngài hơn?

4 Bạn có bao giờ thấy một đứa bé chỉ cha mình cho bạn rồi với giọng vui vẻ và hãnh diện nó ngây thơ nói “bố nè”? Những người thờ phượng Đức Chúa Trời có mọi lý do cảm thấy giống như vậy về Đức Giê-hô-va. Kinh Thánh báo trước về thời kỳ mà những người trung thành sẽ tuyên bố: “Kìa, ấy là Đức Chúa Trời chúng ta”. (Ê-sai 25:8, 9) Càng hiểu sâu xa về những đức tính của Đức Giê-hô-va, chúng ta càng cảm thấy mình có Người Cha tốt nhất và Người Bạn thân nhất. Thật vậy, hiểu rõ những đức tính của Đức Giê-hô-va cho chúng ta nhiều lý do để đến gần Ngài hơn. Vậy chúng ta hãy xem xét làm thế nào Kinh Thánh tiết lộ bốn đức tính chính của Đức Giê-hô-va: quyền năng, công bình, khôn ngoan và yêu thương. Trong bài này, chúng ta sẽ bàn luận ba đức tính đầu của Ngài.

“Rất quyền-năng”

5. Tại sao là thích hợp chỉ một mình Đức Giê-hô-va được gọi là Đấng “Toàn-năng”, và Ngài sử dụng quyền năng vô hạn để làm gì?

5 Đức Giê-hô-va “vốn rất quyền-năng”. (Gióp 37:23) Giê-rê-mi 10:6 nói: “Hỡi Đức Giê-hô-va, chẳng ai giống như Ngài! Ngài là lớn, danh Ngài có sức-mạnh lớn lắm”. Khác với bất cứ tạo vật nào, Đức Giê-hô-va có quyền năng vô hạn. Vì lẽ đó, chỉ một mình Ngài được gọi là Đấng “Toàn-năng”. (Khải-huyền 15:3) Đức Giê-hô-va sử dụng quyền năng vô hạn để sáng tạo, hủy diệt, che chở và phục hồi. Hãy xem xét chỉ hai thí dụ—quyền năng sáng tạo và quyền năng che chở của Ngài.

6, 7. Mặt trời nóng đến độ nào, và điều đó chứng minh sự kiện quan trọng nào?

6 Khi đứng ngoài trời vào một ngày hè nắng chói, da của bạn cảm thấy thế nào? Cảm thấy hơi ấm của mặt trời. Nhưng thật ra bạn đang cảm thấy hiệu quả quyền năng sáng tạo của Đức Giê-hô-va. Mặt trời nóng đến độ nào? Ở tâm điểm của mặt trời, nhiệt độ khoảng 15 triệu độ C. Nếu có thể lấy được một phần nhỏ bằng đầu kim ở tâm điểm mặt trời và đặt nó trên trái đất, bạn phải đứng cách xa nguồn nhiệt lượng đó khoảng 150 kilômét mới được an toàn! Mỗi giây, mặt trời tỏa ra năng lượng tương đương với sức nổ của hàng trăm triệu quả bom hạt nhân. Thế nhưng, trái đất quay trên một quỹ đạo cách lò nhiệt hạch phi thường đó một khoảng cách an toàn. Quá gần, nước trên đất sẽ bốc hơi hết, còn quá xa, nước sẽ đông cả lại. Ở thái cực nào đi nữa hành tinh chúng ta cũng không thể sống được.

7 Dù chính sự sống của nhiều người tùy thuộc vào mặt trời, họ lại xem đó là chuyện đương nhiên. Do đó, họ lờ đi những gì mặt trời có thể dạy mình. Thi-thiên 74:16 nói về Đức Giê-hô-va: “Chúa đã sắm-sửa mặt trăng và mặt trời”. Đúng vậy, mặt trời làm vinh hiển Đức Giê-hô-va, “Đấng dựng-nên trời đất”. (Thi-thiên 146:6) Dù vậy, đó chỉ là một trong nhiều tạo vật dạy chúng ta về quyền năng vô hạn của Đức Giê-hô-va. Càng học biết về quyền năng sáng tạo của Đức Giê-hô-va, chúng ta càng kính sợ Ngài hơn nữa.

8, 9. (a) Những tiếng tượng hình trìu mến nào cho thấy Đức Giê-hô-va sẵn sàng che chở và chăm sóc những người thờ phượng Ngài? (b) Trong thời Kinh Thánh, người chăn chăm sóc chiên mình thế nào, và sự kiện này dạy chúng ta điều gì về Đấng Chăn Chiên Lớn?

8 Đức Giê-hô-va cũng sử dụng quyền năng vô hạn của Ngài để che chở và chăm sóc các tôi tớ của Ngài. Kinh Thánh dùng những tiếng tượng hình sinh động và gợi cảm để miêu tả lời hứa của Đức Giê-hô-va về sự chăm nom che chở. Chẳng hạn, hãy lưu ý nơi Ê-sai 40:11. Ở đây Đức Giê-hô-va tự ví Ngài là người chăn, còn dân sự của Ngài là chiên. Chúng ta đọc: “Ngài sẽ chăn bầy mình như người chăn chiên; thâu các con chiên con vào cánh tay mình và ẵm vào lòng; từ-từ dắt các chiên cái đương cho bú”. Bạn có thể hình dung những gì được miêu tả trong câu đó không?

9 Ít có loài thú nào lại yếu như loài chiên. Trong thời Kinh Thánh, người chăn phải can đảm bảo vệ chúng khỏi chó sói, gấu, và sư tử. (1 Sa-mu-ên 17:34-36; Giăng 10:10-13) Nhưng có những lúc việc bảo vệ và chăm sóc chiên đòi hỏi phải dịu dàng. Thí dụ, khi chiên mẹ sinh con trong lúc ở xa bầy, người chăn phải làm cách nào để chiên con mới sinh được an toàn? Người ấy phải ẵm chiên con có lẽ nhiều ngày liền trong “lòng”—nơi phần thân áo trước của mình. Nhưng làm sao chiên con lại nằm trong “lòng” người chăn được? Chiên con có thể lại gần người chăn và ngay cả cọ nhẹ vào chân người. Tuy nhiên, chính người chăn phải cúi xuống bế chiên con và đặt nó vào nơi an toàn trong lòng mình. Thật là một hình ảnh âu yếm làm sao nói lên việc Đấng Chăn Chiên Lớn sẵn sàng che chở và chăm sóc tôi tớ Ngài!

10. Đức Giê-hô-va cung cấp sự che chở nào ngày nay, và tại sao sự che chở đó đặc biệt quan trọng?

10 Đức Giê-hô-va không chỉ hứa che chở chúng ta mà còn làm nhiều hơn nữa. Trong thời Kinh Thánh, Ngài đã dùng phép lạ để chứng tỏ có thể “cứu-chữa những người tin-kính khỏi cơn cám-dỗ”. (2 Phi-e-rơ 2:9) Còn ngày nay thì sao? Chúng ta biết là Ngài không sử dụng quyền năng của Ngài để che chở chúng ta khỏi mọi thứ tai họa hiện thời. Tuy nhiên, Ngài che chở chúng ta về thiêng liêng—một điều quan trọng hơn nhiều. Đức Chúa Trời đầy yêu thương che chở chúng ta khỏi những nguy hiểm về thiêng liêng bằng cách trang bị cho chúng ta đầy đủ những gì cần thiết để chịu đựng thử thách và giữ gìn mối quan hệ với Ngài. Thí dụ, Lu-ca 11:13 nói: “Nếu các ngươi là người xấu, còn biết cho con-cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh-Linh cho người xin Ngài!” Quyền lực mạnh mẽ đó có thể giúp chúng ta đương đầu với bất cứ thử thách hoặc vấn đề nào. (2 Cô-rinh-tô 4:7) Nhờ đó Đức Giê-hô-va hành động để bảo toàn sự sống của chúng ta, không phải chỉ trong ít năm ngắn ngủi, mà cho đến muôn đời. Với triển vọng đó trong trí, chúng ta quả có thể xem mọi đau khổ trong hệ thống này là “nhẹ và tạm”. (2 Cô-rinh-tô 4:17) Lẽ nào chúng ta lại không cảm thấy gần gũi với Đức Chúa Trời, Đấng đã sử dụng quyền năng của Ngài một cách đầy yêu thương để giúp chúng ta hay sao?

“Đức Giê-hô-va chuộng sự công-bình”

11, 12. (a) Tại sao sự công bình của Đức Giê-hô-va thu hút chúng ta đến gần Ngài? (b) Đa-vít đã đi đến kết luận nào, và những lời này an ủi chúng ta như thế nào?

11 Đức Giê-hô-va làm điều công bình và ngay thẳng, và Ngài làm thế một cách kiên định, không thiên vị ai. Sự công bình của Đức Chúa Trời không phải là một đức tính lạnh lùng, nghiêm khắc, khiến chúng ta muốn xa lánh mà là một đức tính dễ mến, thu hút chúng ta đến gần Ngài. Kinh Thánh miêu tả rõ ràng bản chất chân tình của đức tính này. Vậy chúng ta hãy xem xét ba cách mà Đức Giê-hô-va thể hiện sự công bình.

12 Trước nhất, sự công bình của Đức Giê-hô-va thúc đẩy Ngài tỏ sự thành tín và trung thực đối với các tôi tớ Ngài. Chính người viết Thi-thiên Đa-vít đã cảm nghiệm được khía cạnh này về sự công bình của Đức Giê-hô-va. Qua kinh nghiệm riêng và việc học biết về đường lối của Đức Chúa Trời, Đa-vít đi đến kết luận nào? Ông tuyên bố: “Đức Giê-hô-va chuộng sự công-bình, không từ-bỏ người thánh của Ngài; họ được Ngài gìn-giữ đời đời”. (Thi-thiên 37:28) Thật là một lời đầy an ủi! Đức Chúa Trời của chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ những người trung thành với Ngài dù chỉ một khoảnh khắc. Bởi thế, chúng ta có thể tin cậy nơi tình bạn và sự chăm sóc đầy yêu thương của Ngài. Sự công bình của Ngài bảo đảm cho điều này!—Châm-ngôn 2:7, 8.

13. Việc Đức Giê-hô-va quan tâm đến những người bị thiệt thòi được thấy rõ như thế nào qua Luật Pháp Ngài ban cho dân Y-sơ-ra-ên?

13 Thứ hai, sự công bình của Đức Chúa Trời khiến Ngài nhạy cảm trước nhu cầu của những người khốn khổ. Việc Đức Chúa Trời quan tâm đến những người bị thiệt thòi được thể hiện qua Luật Pháp Ngài ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Thí dụ, có những điều lệ trong Luật Pháp để đảm bảo là người góa bụa và kẻ mồ côi được chăm sóc đến. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 24:17-21) Nhận biết đời sống rất khó khăn đối với những gia đình như thế, chính Đức Giê-hô-va trở thành Quan Xét và Đấng Che Chở như người Cha của họ. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:17, 18) Ngài cảnh cáo người Y-sơ-ra-ên rằng nếu họ ngược đãi phụ nữ và trẻ con yếu đuối, ắt Ngài sẽ nghe thấu tiếng kêu oan của những người ấy. Ngài phán nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 22:22-24: “Cơn nóng giận ta phừng lên”. Dù tức giận không phải là tính nổi bật của Đức Chúa Trời, Ngài phẫn nộ một cách chính đáng khi thấy những hành vi bất công trắng trợn, đặc biệt khi nạn nhân là những người cô thế.—Thi-thiên 103:6.

14. Một bằng chứng thật đáng chú ý về sự không thiên vị của Đức Giê-hô-va là gì?

14 Thứ ba, nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:17, Kinh Thánh cam đoan với chúng ta rằng Đức Giê-hô-va “không thiên-vị ai, chẳng nhận của hối-lộ”. Khác với những kẻ có quyền thế, Đức Giê-hô-va không để cho sự giàu có hay vẻ bề ngoài chi phối. Ngài không có thành kiến hoặc thiên vị ai. Đây là một bằng chứng thật đáng chú ý về sự không thiên vị của Ngài: Ngài không chỉ dành cho một ít người ưu tú có cơ hội để trở thành những người thờ phượng thật của Ngài và có triển vọng sống mãi. Ngược lại, Công-vụ 10:34, 35 nói: “Đức Chúa Trời chẳng hề vị nể ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa”. Triển vọng này dành cho mọi người, bất luận địa vị xã hội, màu da hoặc nơi cư trú. Chẳng phải đó là sự công bình tột đỉnh hay sao? Quả thật, khi biết rõ hơn về sự công bình của Đức Giê-hô-va, chúng ta được thu hút đến gần Ngài hơn!

“Ôi! sâu-nhiệm thay là sự... khôn-ngoan của Đức Chúa Trời!”

15. Sự khôn ngoan là gì, và Đức Giê-hô-va biểu lộ đức tính ấy như thế nào?

15 Sứ đồ Phao-lô được thúc đẩy thốt lên những lời được ghi nơi Rô-ma 11:33: “Ôi! sâu-nhiệm thay là sự... khôn-ngoan và thông-biết của Đức Chúa Trời!” Đúng vậy, chúng ta không khỏi kính phục sâu xa khi ngẫm nghĩ đến những khía cạnh khác nhau về sự khôn ngoan vô song của Đức Giê-hô-va. Nhưng làm thế nào chúng ta định nghĩa đức tính này? Sự khôn ngoan giúp chúng ta áp dụng sự hiểu biết và sáng suốt để đem lại kết quả mong muốn. Dựa vào sự hiểu biết sâu rộng, Đức Giê-hô-va luôn luôn có những quyết định tốt nhất, và thực hiện chúng bằng cách tốt nhất.

16, 17. Các tạo vật của Đức Giê-hô-va chứng minh cho sự khôn ngoan vô tận của Ngài như thế nào? Hãy cho một thí dụ.

16 Đâu là một số bằng chứng cụ thể về sự khôn ngoan vô tận của Ngài? Thi-thiên 104:24 nói: “Hỡi Đức Giê-hô-va, công-việc Ngài nhiều biết bao! Ngài đã làm hết thảy cách khôn-ngoan; trái đất đầy-dẫy tài-sản Ngài”. Quả thật, càng biết nhiều về những điều Đức Giê-hô-va đã làm, chúng ta càng khâm phục về sự khôn ngoan của Ngài. Hãy xem biết bao nhiêu điều các khoa học gia đã thu thập được bằng cách nghiên cứu các tạo vật của Đức Giê-hô-va! Ngay cả có một ngành công nghệ mô phỏng những gì có sẵn trong thiên nhiên.

17 Chẳng hạn, có lẽ bạn cảm thấy thán phục khi quan sát vẻ đẹp của một mạng nhện. Đó quả là một thiết kế kỳ diệu. Những sợi tơ coi có vẻ mỏng manh nhưng lại chắc hơn thép và bền hơn xơ trong áo chống đạn khi so với tỷ lệ tương ứng. Như vậy là sao? Hãy thử tưởng tượng mạng nhện được phóng to bằng kích thước của một cái lưới được sử dụng trên tàu đánh cá. Một mạng nhện như thế chắc đến độ có thể cản được một chiếc máy bay hành khách đang có tốc độ nhanh! Đúng vậy, Đức Giê-hô-va đã làm mọi sự ấy một cách “khôn-ngoan”.

18. Qua việc dùng loài người ghi lại Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va cho thấy sự khôn ngoan như thế nào?

18 Bằng chứng hùng hồn nhất về sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va có thể tìm thấy trong Kinh Thánh, Lời của Ngài. Những lời khuyên khôn ngoan ghi trong các trang Kinh Thánh thật sự cho chúng ta biết cách sống tốt nhất. (Ê-sai 48:17) Ngoài ra chúng ta cũng thấy được sự khôn ngoan vô song của Đức Giê-hô-va qua cách Kinh Thánh được viết ra. Như thế nào? Trong sự khôn ngoan của Ngài, Đức Giê-hô-va đã chọn người phàm để viết ra Lời Ngài. Nếu Ngài dùng các thiên sứ để viết Lời được soi dẫn đó, liệu Kinh Thánh sẽ hấp dẫn như người ta viết không? Đành rằng các thiên sứ vốn có sự hiểu biết, kinh nghiệm và quyền năng cao hơn chúng ta rất nhiều và có thể miêu tả Đức Giê-hô-va theo quan điểm cao cả của họ và diễn đạt lòng sùng kính đối với Ngài, nhưng liệu chúng ta có thể hiểu được cái nhìn của các tạo vật thần linh này không?—Hê-bơ-rơ 2:6, 7.

19. Thí dụ nào cho thấy dùng con người viết Kinh Thánh khiến những lời ấy có sức thu hút nồng ấm?

19 Việc sử dụng người phàm làm thư ký đã tạo cho Kinh Thánh có sức thu hút nồng ấm phi thường. Những người viết Kinh Thánh đều là những người có tình cảm giống như chúng ta. Là những người bất toàn, họ đối phó với thử thách và áp lực giống như chúng ta. Trong một số trường hợp, họ viết ra những cảm nghĩ và nỗi khổ tâm của chính mình. (2 Cô-rinh-tô 12:7-10) Vì vậy họ viết những lời mà không một thiên sứ nào có thể bày tỏ được. Hãy lấy những lời của Đa-vít ghi nơi bài Thi-thiên 51 làm thí dụ. Theo lời ghi chú ở đầu bài, Đa-vít đã soạn bài Thi-thiên này sau khi phạm tội nghiêm trọng. Ông dốc hết lòng mình ra, bày tỏ lòng hối tiếc sâu đậm và nài xin Đức Chúa Trời tha thứ. Hãy đọc nơi câu 2 và 3: “Xin hãy rửa tôi cho sạch hết trọi gian-ác, và làm tôi được thanh-khiết về tội-lỗi tôi. Vì tôi nhận-biết các sự vi-phạm tôi, tội-lỗi tôi hằng ở trước mặt tôi”. Xin lưu ý câu 5: “Kìa, tôi sanh ra trong sự gian-ác, mẹ tôi đã hoài-thai tôi trong tội-lỗi”. Câu 17 thêm: “Của-lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm-thần đau-thương: Đức Chúa Trời ôi! lòng đau-thương thống-hối Chúa không khinh-dể đâu”. Bạn có cảm nhận được nỗi khổ não của tác giả không? Ngoài con người bất toàn, ai lại có thể phát biểu những cảm xúc chân tình như thế?

20, 21. (a) Dù loài người được dùng để viết Kinh Thánh, tại sao có thể nói rằng sách ấy chứa đựng sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va? (b) Bài tới sẽ thảo luận điều gì?

20 Qua việc sử dụng những người bất toàn như thế, Đức Giê-hô-va đã cung cấp cho chúng ta chính điều chúng ta cần—một văn kiện “bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn” nhưng vẫn giữ được cái nhìn của con người. (2 Ti-mô-thê 3:16) Đúng vậy, những người viết Kinh Thánh được thánh linh hướng dẫn. Cho nên họ ghi lại sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va, chứ không phải của họ. Sự khôn ngoan ấy hoàn toàn đáng tin cậy và cao siêu hơn sự khôn ngoan của chúng ta nhiều, nên Đức Chúa Trời khuyến khích chúng ta một cách đầy yêu thương: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”. (Châm-ngôn 3:5, 6) Nhờ làm theo lời khuyên sáng suốt ấy, chúng ta gần gũi hơn với Đức Chúa Trời vô cùng khôn ngoan.

21 Trong tất cả các đức tính của Đức Giê-hô-va, yêu thương là đức tính đáng quý mến và tốt đẹp nhất. Cách Đức Giê-hô-va bày tỏ tình yêu thương sẽ thảo luận trong bài tới.

Bạn có nhớ không?

Đức Giê-hô-va đã thực hiện những bước nào để chúng ta có thể vun trồng tình bạn với Ngài?

Vài thí dụ nào cho thấy quyền năng sáng tạo và che chở của Đức Giê-hô-va?

Đức Giê-hô-va thể hiện tính công bình qua những cách nào?

Sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va được thấy qua công trình sáng tạo cũng như qua Kinh Thánh như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 10]

Như người chăn ẵm chiên con trong lòng mình, Đức Giê-hô-va dịu dàng chăm sóc chiên Ngài

[Hình nơi trang 13]

Sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va thể hiện qua cách Kinh Thánh được viết