Làm thế nào phát huy tình yêu thương chân chính?
Làm thế nào phát huy tình yêu thương chân chính?
“Tình yêu thương là thần dược; tình yêu thương là sự sống”.—Living to Purpose (Tận hưởng đời sống), do Joseph Johnson viết, năm 1871.
LÀM THẾ NÀO một người học yêu thương? Bằng cách học khoa tâm lý? Bằng cách đọc sách rèn nhân cách? Bằng cách xem phim tình cảm lãng mạn chăng? Tuyệt nhiên không. Con người học yêu thương trước hết qua gương mẫu và sự dạy dỗ của cha mẹ. Trong một môi trường tình cảm ấm cúng, con cái sẽ học được ý nghĩa của tình yêu thương nếu thấy cha mẹ nuôi dưỡng, che chở, trò chuyện và quan tâm sâu xa đến mình. Con cái cũng học yêu thương khi cha mẹ dạy con tuân theo các nguyên tắc hợp lý về điều phải và trái.
Tình yêu thương chân chính không chỉ là lòng trìu mến hay tình cảm. Người yêu thương luôn hành động vì lợi ích tốt nhất của người khác, cho dù lúc đó người nhận không hoàn toàn quý trọng; điều này thường đúng trong trường hợp con cái được cha mẹ yêu thương sửa trị. Một gương mẫu tuyệt hảo về việc biểu lộ tình yêu thương vị tha chính là gương của Đấng Tạo Hóa. Sứ đồ Phao-lô viết: “Hỡi con, chớ dể-ngươi sự sửa-phạt của Chúa, và khi Chúa trách, chớ ngã lòng; vì Chúa sửa-phạt kẻ Ngài yêu”.—Hê-bơ-rơ 12:5, 6.
Hỡi các bậc cha mẹ, làm thế nào bạn có thể noi gương Đức Giê-hô-va trong việc biểu lộ tình yêu thương đối với gia đình? Gương mẫu của bạn quan trọng đến mức nào trong quan hệ vợ chồng?
Dạy yêu thương qua gương mẫu
Nếu là chồng, bạn có quý trọng, tức đánh giá cao, và tôn trọng vợ trong cách đối xử không? Nếu là vợ, bạn có yêu thương và ủng hộ chồng không? Kinh Thánh nói vợ chồng phải yêu thương và tôn trọng nhau. (Ê-phê-sô 5:28; Tít 2:4) Khi họ làm thế, chính mắt con cái thấy tình yêu thương của tín đồ Đấng Christ thể hiện qua hành động. Đó là một bài học quý giá và hữu hiệu biết bao!
Cha mẹ cũng khuyến khích tình yêu thương trong gia đình khi tuân thủ các tiêu chuẩn cao về việc giải trí, đạo đức, mục tiêu và những điều ưu tiên trong đời sống. Khắp thế giới, người ta đã nghiệm thấy Kinh Thánh giúp ích rất nhiều trong việc lập ra những tiêu chuẩn cho gia đình, chính họ là bằng chứng sống cho thấy Kinh Thánh thật sự “là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình”. (2 Ti-mô-thê 3:16) Quả vậy, chỉ riêng Bài Giảng trên Núi cũng đã có đủ những quy tắc và hướng dẫn đạo đức cho đời sống, được nhiều người xem là ưu việt.—Ma-thi-ơ, chương 5 đến 7.
Khi cả gia đình tìm kiếm sự hướng dẫn và tuân theo các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, mỗi người đều cảm thấy yên tâm hơn, và con cái chắc sẽ phát huy tình yêu thương và lòng kính trọng cha mẹ. Trái lại, một gia đình có tiêu chuẩn không nhất quán, thiếu sót hoặc lỏng lẻo, con cái có thể bực bội, tức giận và ngỗ nghịch.—Còn những gia đình chỉ có cha mẹ đơn chiếc thì sao? Họ có bị bất lợi nghiêm trọng trong việc dạy con cái về tình yêu thương không? Không nhất thiết như vậy. Mặc dù không điều gì có thể thay thế một gia đình có cả cha lẫn mẹ hợp tác với nhau, nhưng kinh nghiệm cho thấy những quan hệ gia đình có phẩm chất cao có thể bù đắp phần nào cho sự thiếu vắng cha hoặc mẹ. Nếu bạn là cha mẹ đơn chiếc, hãy cố gắng áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh trong gia đình. Thật vậy, một câu châm ngôn nói: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”—kể cả việc làm cha mẹ.—Châm-ngôn 3:5, 6; Gia-cơ 1:5.
Nhiều người trẻ gương mẫu đã được dưỡng dục trong môi trường chỉ có cha hoặc mẹ, hiện đang trung thành phụng sự Đức Chúa Trời trong hàng ngàn hội thánh đạo Đấng Christ của Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới. Điều này chứng tỏ cha mẹ đơn chiếc cũng có thể thành công trong việc dạy con cái về tình yêu thương.
Làm thế nào mọi người có thể vun trồng tình yêu thương?
Kinh Thánh báo trước rằng “ngày sau-rốt” sẽ được đánh dấu bởi sự “vô-tình”, tức thiếu tình thân thuộc tự nhiên mà các thành viên trong gia đình thường có đối với nhau. (2 Ti-mô-thê 3:1, 3) Dù vậy, ngay cả những người lớn lên trong môi trường thiếu sự trìu mến cũng có thể học vun trồng tình yêu thương. Bằng cách nào? Bằng cách học theo gương Đức Giê-hô-va; Ngài chính là Nguồn của tình yêu thương, là Đấng biểu lộ tình yêu thương và lòng trìu mến đối với tất cả những ai hết lòng đến với Ngài. (1 Giăng 4:7, 8) Một người viết Thi-thiên nói: “Khi cha mẹ bỏ tôi đi, thì Đức Giê-hô-va sẽ tiếp-nhận tôi”.—Thi-thiên 27:10.
Đức Giê-hô-va biểu hiện tình yêu thương đối với chúng ta qua nhiều cách. Như một người cha, Ngài ban sự hướng dẫn qua Kinh Thánh, sự trợ giúp của thánh linh, và sự hỗ trợ nồng ấm của đoàn thể anh em tín đồ Đấng Christ. (Thi-thiên 119:97-105; Lu-ca 11:13; Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Hãy xem ba sự cung cấp này có thể giúp bạn phát huy tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và người lân cận như thế nào.
Sự hướng dẫn như của một người cha
Để vun trồng mối quan hệ gắn bó, nồng ấm với người nào, chúng ta phải tìm hiểu rõ người ấy. Bằng cách cho biết về Ngài qua các trang giấy trong Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va kêu gọi chúng ta đến gần Ngài. Nhưng chỉ đọc Kinh Thánh thôi, thì không đủ. Chúng ta phải áp dụng các dạy dỗ trong Kinh Thánh, nhờ đó cảm nghiệm những lợi ích. (Thi-thiên 19:7-10) Ê-sai 48:17 nói: “Ta là Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng dạy cho ngươi được ích, và dắt ngươi trong con đường ngươi phải đi”. Đúng vậy, Đức Giê-hô-va, hiện thân của tình yêu thương, dạy dỗ vì lợi ích của chúng ta—không phải vì Ngài muốn hạn chế sự tự do của chúng ta bằng những quy tắc và luật lệ không cần thiết.
Sự hiểu biết chính xác về Kinh Thánh cũng giúp chúng ta phát huy tình yêu thương đối với người đồng loại. Ấy là vì lẽ thật của Kinh Thánh dạy chúng ta biết quan điểm của Đức Chúa Trời về con người và chỉ cho chúng ta biết những nguyên tắc chi phối cách đối xử với nhau. Với Phi-líp 1:9.
thông tin ấy, chúng ta có cơ sở vững chắc để vun trồng tình yêu thương đối với người lân cận. Sứ đồ Phao-lô nói: “Điều tôi xin trong khi cầu-nguyện, ấy là lòng thương-yêu của anh em càng ngày càng chan-chứa hơn, trong sự thông-biết và sự suy-hiểu”.—Để minh họa việc tình yêu thương có thể được hướng dẫn đúng như thế nào bởi “sự thông-biết”, tức sự hiểu biết chính xác, hãy xem xét chân lý ghi nơi Công-vụ 10:34, 35: “Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể [“thiên vị”, Tòa Tổng Giám Mục] ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa”. Nếu Đức Chúa Trời đánh giá người ta qua việc làm công bình và lòng kính sợ Đức Chúa Trời, chứ không qua chủng tộc hoặc quốc gia, lẽ nào chúng ta lại không xem người đồng loại theo quan điểm công bằng tương tự sao?—Công-vụ 17:26, 27; 1 Giăng 4:7-11, 20, 21.
Tình yêu thương—Một trái của thánh linh Đức Chúa Trời
Như những trận mưa đến đúng lúc góp phần khiến vườn cây ăn trái đâm hoa kết quả, thánh linh Đức Chúa Trời có thể sinh ra các đức tính mà Kinh Thánh mô tả là “trái của Thánh-Linh” trong lòng những người sẵn sàng tiếp nhận. (Ga-la-ti 5:22, 23) Đứng đầu những trái này là tình yêu thương. (1 Cô-rinh-tô 13:13) Nhưng làm thế nào chúng ta nhận được thánh linh Đức Chúa Trời? Một cách thiết yếu là cầu nguyện. Nếu chúng ta cầu xin Đức Chúa Trời, Ngài sẽ ban thánh linh. (Lu-ca 11:9-13) Bạn có tiếp tục cầu xin thánh linh không? Nếu có thì trái quý giá của thánh linh, kể cả tình yêu thương, sẽ luôn biểu hiện nhiều hơn trong đời sống bạn.
Tuy nhiên, có một loại tinh thần nghịch lại thánh linh Đức Chúa Trời. Kinh Thánh gọi đó là ‘tinh thần thế-gian’. (1 Cô-rinh-tô 2:12; Ê-phê-sô 2:2) Tinh thần này là một ảnh hưởng gian ác, nguồn gốc của nó không ai khác hơn là Sa-tan Ma-quỉ, “vua-chúa của thế-gian” loài người xa cách Đức Chúa Trời. (Giăng 12:31) Như ngọn gió thổi tung bụi và rác rến, ‘tinh thần thế-gian’ khêu gợi những ham muốn có hại, xói mòn tình yêu thương đồng thời thỏa mãn những yếu đuối của xác thịt.—Ga-la-ti 5:19-21.
Người ta thâm nhiễm tinh thần gian ác ấy khi tự đặt mình vào môi trường có lối suy nghĩ duy vật ích kỷ, có thái độ hung bạo và có quan điểm méo mó, sai lệch về tình yêu thương, như rất thường thấy trong thế gian. Nếu muốn phát huy tình yêu thương chân chính, bạn phải cương quyết chống lại tinh thần thế gian. (Gia-cơ 4:7) Tuy nhiên, đừng cậy vào sức riêng nhưng hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp sức. Thánh linh của Ngài—lực mạnh nhất trong vũ trụ—có thể củng cố và giúp bạn thành công.—Thi-thiên 121:2.
Học yêu thương từ đoàn thể anh em tín đồ Đấng Christ
Như trẻ em học biểu lộ tình yêu thương bằng cách cảm nghiệm điều ấy trong gia đình, tất cả chúng ta—dù già hay trẻ—đều có thể phát huy tình yêu thương bằng cách kết hợp với những tín đồ Đấng Christ khác. (Giăng 13:34, 35) Thật vậy, một trong những chức năng chủ yếu của hội thánh Đấng Christ là cung cấp một môi trường trong đó mọi người có thể “khuyên-giục về lòng yêu-thương và việc tốt-lành”.—Hê-bơ-rơ 10:24.
Tình yêu thương ấy được đặc biệt trân trọng bởi những người “cùng-khốn, và tan-lạc” trong thế gian thiếu yêu thương chung quanh chúng ta. (Ma-thi-ơ 9:36) Kinh nghiệm cho thấy những mối quan hệ đầy yêu thương trong tuổi trưởng thành có thể xóa đi nhiều ảnh hưởng xấu của thời thơ ấu thiếu tình thương. Vậy thật quan trọng biết bao khi tất cả tín đồ Đấng Christ đã dâng mình, chân thành tiếp đón những người mới đến kết hợp với chúng ta!
“Tình yêu-thương chẳng hề hư-mất bao giờ”
Kinh Thánh nói rằng “tình yêu-thương chẳng hề hư-mất bao giờ”. (1 Cô-rinh-tô 13:8) Điều ấy có nghĩa gì? Sứ đồ Phao-lô nói với chúng ta: “Tình yêu-thương hay nhịn-nhục; tình yêu-thương hay nhân-từ; tình yêu-thương chẳng ghen-tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu-ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư-lợi, chẳng nóng-giận, chẳng nghi-ngờ sự dữ”. (1 Cô-rinh-tô 13:4, 5) Rõ ràng, tình yêu thương này không phải là khái niệm thiếu thực tế hoặc tình cảm hời hợt. Trái lại—những người biểu lộ tình yêu thương nhận biết rằng đời sống có những điều gây thất vọng và đau lòng, nhưng họ không để những điều này hủy hoại tình yêu thương đối với người đồng loại. Tình yêu thương ấy thật sự là “dây liên-lạc của sự trọn-lành”.—Cô-lô-se 3:12-14.
Hãy xem trường hợp của một nữ tín đồ Đấng Christ 17 tuổi ở Hàn Quốc. Khi chị bắt đầu phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời, gia đình không chấp nhận nên chị phải dọn ra khỏi nhà. Tuy nhiên, thay vì tức giận, chị cầu nguyện về vấn đề này, để thánh linh và Lời Đức Chúa Trời uốn nắn lối suy nghĩ của mình. Sau đó chị thường viết cho gia đình những lá thư chan hòa tình cảm trìu mến, nồng ấm và chân thật mà chị dành cho họ. Hai anh của chị đã đáp ứng và bắt đầu học Kinh Thánh; hiện nay họ là tín đồ Đấng Christ đã dâng mình. Mẹ và em trai của chị cũng chấp nhận lẽ thật Kinh Thánh. Cuối cùng, cha chị trước đó chống đối kịch liệt, đã thay đổi thái độ. Chị Nhân Chứng này viết: “Tất cả chúng tôi đều kết hôn với người cùng đạo. Hiện nay gia đình chúng tôi tổng cộng 23 người hợp nhất trong sự thờ phượng”. Tình yêu thương quả đã đắc thắng lớn lao!
Bạn có muốn vun trồng tình yêu thương chân chính và giúp người khác làm thế không? Vậy hãy đến với Đức Giê-hô-va, Nguồn của đức tính quý giá ấy. Vâng, hãy ghi tạc Lời Ngài vào lòng, cầu xin thánh linh và đều đặn kết hợp với đoàn thể anh em tín đồ Đấng Christ. (Ê-sai 11:9; Ma-thi-ơ 5:5) Thật ấm lòng làm sao khi biết rằng chẳng bao lâu nữa sẽ không còn người ác, nhưng chỉ còn những người thực hành tình yêu thương chân chính của tín đồ Đấng Christ! Quả thật, tình yêu thương là bí quyết đạt được hạnh phúc và sự sống.—Thi-thiên 37:10, 11; 1 Giăng 3:14.
[Các hình nơi trang 6]
Cầu nguyện và học hỏi Lời Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta vun trồng tình yêu thương chân chính