Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những người có gốc gác bình thường dịch Kinh Thánh

Những người có gốc gác bình thường dịch Kinh Thánh

Những người có gốc gác bình thường dịch Kinh Thánh

NĂM 1835, Henry Nott, một thợ nề người Anh và John Davies, một người tập sự bán tạp hóa xứ Wales, đã hoàn thành một dự án lớn lao. Sau hơn 30 năm vất vả, cuối cùng họ đã dịch xong toàn bộ Kinh Thánh sang tiếng Tahiti. Hai người đàn ông này có gốc gác bình thường đã đối phó với những thử thách nào, và việc làm bất vụ lợi của họ đã mang lại thành quả gì?

“Phong trào Đại Phục Hưng”

Vào hậu bán thế kỷ 18, các thành viên một nhóm Tin Lành gọi là Đại Phục Hưng, hay gọi vắn tắt là Phục Hưng, rao giảng tại các quảng trường làng, các mỏ và xí nghiệp ở Anh. Mục tiêu của họ là đến với tầng lớp lao động. Những người truyền giáo thuộc phong trào Phục Hưng nhiệt tình khuyến khích việc phân phát Kinh Thánh.

Ảnh hưởng bởi phong trào này, một tín đồ đạo Báp-tít tên William Carey góp phần thành lập Hội Truyền Giáo Luân Đôn (LMS) vào năm 1795. Hội LMS huấn luyện những người muốn học ngôn ngữ của dân bản xứ và phục vụ với tư cách giáo sĩ ở vùng Nam Thái Bình Dương. Mục tiêu của những giáo sĩ này là rao truyền Phúc Âm bằng ngôn ngữ địa phương.

Đảo Tahiti đã được khám phá trước đó ít lâu, trở thành cánh đồng đầu tiên của những giáo sĩ thuộc hội LMS. Đối với các thành viên của nhóm Phục Hưng, những quần đảo này là ‘nơi tối tăm’ thuộc ngoại giáo, những cánh đồng sẵn sàng để thu hoạch.

Những người có gốc gác bình thường đứng ra đảm trách

Để thu hoạch, khoảng 30 giáo sĩ được tuyển chọn vội vã và chưa được huấn luyện đầy đủ, lên tàu Duff do hội LMS mua. Danh sách giáo sĩ gồm “bốn mục sư đã thụ phong [nhưng không được huấn luyện chính thức], sáu thợ mộc, hai thợ đóng giày, hai thợ nề, hai thợ dệt, hai thợ may, một người bán hàng, một thợ làm yên cương, một người giúp việc nhà, một người làm vườn, một thầy thuốc, một thợ rèn, một thợ đồng, một nhà trồng bông vải, một thợ làm nón, một người sản xuất vải, một thợ đóng đồ gỗ, năm người vợ và ba trẻ em”.

Để làm quen với các nguyên ngữ của Kinh Thánh, những giáo sĩ này chỉ có vỏn vẹn một cuốn tự điển song ngữ Hy Lạp-Anh và một cuốn Kinh Thánh gồm cả phần tự điển tiếng Hê-bơ-rơ. Trong bảy tháng trên biển,các giáo sĩ học thuộc lòng một số từ Tahiti do những người đã đến đảo này trước đây ghi lại, phần lớn là thủy thủ nổi loạn của tàu Bounty. Cuối cùng tàu Duff đến Tahiti, và các giáo sĩ lên bờ ngày 7-3-1797. Tuy nhiên một năm sau, phần lớn những người này nản chí và bỏ đi, chỉ còn bảy giáo sĩ ở lại.

Trong số bảy người này, Henry Nott, nguyên là thợ nề, chỉ mới 23 tuổi. Qua những lá thư đầu tiên Henry Nott viết, người ta ước đoán ông chỉ có trình độ học vấn cơ bản. Dù vậy, từ buổi đầu, ông đã chứng tỏ có năng khiếu học tiếng Tahiti. Ông được tả là người chân thành, dễ tính và vui vẻ.

Năm 1801, Nott được chọn dạy tiếng Tahiti cho chín giáo sĩ mới đến. Trong số này có một người xứ Wales 28 tuổi tên John Davies, tỏ ra là một học viên có khả năng, làm việc cần cù, bản chất hòa nhã và rộng lượng. Chẳng bao lâu, hai người này quyết định dịch Kinh Thánh sang tiếng Tahiti.

Một nhiệm vụ gian lao

Tuy nhiên, việc dịch sang tiếng Tahiti là một nhiệm vụ gian lao, vì tiếng Tahiti chưa có chữ viết. Các giáo sĩ phải học bằng cách lắng nghe. Họ không có tự điển cũng không có sách ngữ pháp. Ngôn ngữ này có những âm bật hơi được ngắt quãng bởi những âm tắc thanh hầu, nó có nhiều nguyên âm liên tiếp (một chữ có thể có tới năm nguyên âm) và ít phụ âm, điều này đưa các giáo sĩ đến chỗ tuyệt vọng. Họ than: “Nhiều chữ chỉ toàn là nguyên âm, và mỗi nguyên âm lại có thanh điệu riêng”. Họ thú nhận rằng họ không thể “nghe được thanh âm chính xác của các từ ngữ”. Thậm chí họ nghĩ rằng họ nghe được những thanh âm mà thật sự không có!

Thêm vào đó, đôi khi tiếng Tahiti có một số từ cấm kỵ và do đó phải thay bằng những từ khác. Từ đồng nghĩa cũng là một vấn đề đau đầu. Trong tiếng Tahiti có hơn 70 từ biểu thị “sự cầu nguyện”. Một trở ngại khác là cú pháp tiếng Tahiti hoàn toàn khác với tiếng Anh. Bất chấp những khó khăn này, dần dần các giáo sĩ lập danh sách các từ; cuối cùng 50 năm sau Davies xuất bản một cuốn tự điển gồm có 10.000 từ.

Ngoài ra, việc viết tiếng Tahiti cũng là một trở ngại. Các giáo sĩ đã cố dùng hệ thống chính tả tiếng Anh để viết tiếng Tahiti. Tuy nhiên, tiếng Anh dùng mẫu tự La-tinh nên không khớp với những âm của tiếng Tahiti. Do đó, đưa đến vô số cuộc thảo luận về ngữ âm học và chính tả. Thường thường các giáo sĩ phải đặt ra cách viết mới, vì họ là người đầu tiên ở vùng Nam Hải rập ngôn ngữ nói vào khuôn ngôn ngữ viết. Họ không ngờ rằng công trình của họ sau này làm mẫu cho nhiều ngôn ngữ ở vùng Nam Thái Bình Dương.

Thiếu công cụ nhưng giàu sáng kiến

Những dịch giả chỉ có vài sách tham khảo trong tay. Hội LMS chỉ thị họ dùng Textus Receptus King James Version làm văn bản chính. Nott xin hội LMS gửi thêm tự điển, Kinh Thánh bằng tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp. Không biết ông có nhận được những sách này hay không. Nhưng về phần Davies, những người bạn ở xứ Wales đã gửi cho ông một số sách nghiên cứu. Theo sổ sách lưu lại, ông có ít nhất một tự điển Hy Lạp, một Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, một Tân Ước tiếng Hy Lạp và bản Septuagint.

Trong khi đó, hoạt động rao giảng của các giáo sĩ vẫn không mang lại kết quả. Mặc dù các giáo sĩ đã ở Tahiti 12 năm, không có đến một người dân địa phương làm báp têm. Cuối cùng, cuộc nội chiến dai dẳng buộc các giáo sĩ phải chạy sang Úc, nhưng Nott nhất quyết ở lại. Trong một thời gian ông là giáo sĩ duy nhất trên Quần Đảo Windward thuộc nhóm Quần Đảo Society, nhưng sau đó ông buộc phải theo Vua Pomare II chạy sang đảo Moorea gần đó.

Tuy nhiên, Nott vẫn không ngừng công việc dịch thuật. Sau hai năm ở Úc, Davies tái hợp với Nott. Trong lúc đó, Nott bắt đầu học tiếng Hy Lạp và Hê-bơ-rơ và thông thạo hai ngoại ngữ này. Do đó, ông bắt đầu dịch vài phần trong Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Tahiti. Ông chọn những đoạn Kinh Thánh chứa các lời tường thuật mà người dân bản xứ có thể dễ dàng liên hệ.

Với sự hợp tác chặt chẽ của Davies, Nott bất đầu dịch sách Phúc Âm Lu-ca và hoàn tất vào tháng 9 năm 1814. Ông biên soạn một bản dịch có lời lẽ rất tự nhiên trong tiếng Tahiti, còn Davies so bản dịch với bản gốc. Năm 1817, Vua Pomare II yêu cầu cho ông được chính tay in trang đầu của sách Phúc Âm Lu-ca. Vua đã in trên một máy điều khiển bằng tay do các giáo sĩ mang đến Moorea. Câu chuyện về bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng Tahiti sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến Tuahine, một người Tahiti trung thành, đã ở lại cộng tác với các giáo sĩ trong suốt những năm đó và giúp họ nắm được các sắc thái của ngôn ngữ này.

Hoàn tất bản dịch

Năm 1819, sau sáu năm làm việc cật lực, việc dịch các sách Phúc Âm, sách Công-vụ, và sách Thi-thiên đã hoàn tất. Các giáo sĩ mới đến mang theo một máy in, nhờ vậy việc in ấn và phân phát các sách Kinh Thánh này được dễ dàng.

Tiếp theo là thời kỳ hoạt động sôi nổi gồm dịch thuật, đọc và sửa bản in, và tu chính. Sau khi sống ở Tahiti 28 năm, Nott lâm bệnh vào năm 1825, và hội LMS cho phép ông đáp tàu về Anh. Mừng thay, đến lúc đó việc dịch phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp gần hoàn tất. Ông tiếp tục dịch phần còn lại của Kinh Thánh trong cuộc hành trình về Anh và trong thời gian ở đấy. Năm 1827 Nott trở lại Tahiti. Tám năm sau, vào tháng 12 năm 1835, ông gác bút. Sau hơn 30 năm làm việc cật lực, toàn bộ Kinh Thánh đã được dịch xong.

Năm 1836, Nott trở về Anh để cho in toàn bộ Kinh Thánh bằng tiếng Tahiti ở Luân Đôn. Ngày 8-6-1838, Nott hân hoan đệ trình lên Nữ Hoàng Victoria bản Kinh Thánh đầu tiên in bằng tiếng Tahiti. Có thể hiểu được đây là giây phút xúc động mãnh liệt của người cựu thợ nề, 40 năm trước đã đáp tàu Duff đi Tahiti và hòa nhập vào nền văn hóa đó để hoàn thành nhiệm vụ to tát kéo dài cả đời.

Hai tháng sau, Nott trở lại Nam Thái Bình Dương mang theo 27 thùng chứa 3.000 bản Kinh Thánh đầu tiên bằng tiếng Tahiti. Sau khi dừng lại ở Sydney, ông trở bệnh một lần nữa, nhưng nhất quyết không chịu xa rời những thùng sách quý báu. Sau khi hồi phục, ông đến Tahiti vào năm 1840, nơi đây dân chúng ồ ạt kéo đến háo hức nhận một bản Kinh Thánh tiếng Tahiti. Nott qua đời ở Tahiti vào tháng 5 năm 1844, hưởng thọ 70 tuổi.

Ảnh hưởng sâu rộng

Tuy nhiên, công trình của Nott tiếp tục tồn tại. Việc dịch thuật của ông ảnh hưởng sâu rộng đến các thứ tiếng thuộc quần đảo Polynesia. Bằng cách sáng tạo chữ viết cho tiếng Tahiti, các giáo sĩ đã bảo tồn ngôn ngữ đó. Một tác giả nói: “Nott đã xác định ngữ pháp cổ điển tiếng Tahiti. Để học tiếng Tahiti thuần túy, luôn luôn cần phải sử dụng Kinh Thánh”. Công việc cần cù của các dịch giả này đã bảo tồn hàng ngàn chữ không bị mai một. Một thế kỷ sau, một tác giả nói: “Kinh Thánh tiếng Tahiti đáng chú ý của Nott là một kiệt tác bằng ngôn ngữ đó—mọi người đều đồng ý”.

Tác phẩm quan trọng này không những mang lại lợi ích cho người Tahiti mà còn thiết lập nền tảng cho các bản dịch khác trong các ngôn ngữ Nam Thái Bình Dương. Chẳng hạn, các dịch giả thuộc Quần Đảo Cook và Samoa đã dùng bản dịch này làm mẫu. Một dịch giả đã tuyên bố: “Tôi đã xem xét kỹ và theo bản dịch của ông Nott”. Theo lời báo cáo thì một dịch giả ‘đã đặt trước mặt ông sách Thi-thiên bằng tiếng Hê-bơ-rơ, các bản tiếng Anh và tiếng Tahiti’ khi ‘dịch một trong các bài Thi-thiên của Đa-vít sang tiếng Samoa’.

Theo gương các thành viên của phong trào Phục Hưng ở Anh, các giáo sĩ ở Tahiti đã nhiệt thành cổ vũ chống nạn mù chữ. Thật thế, trong hơn một thế kỷ, Kinh Thánh là quyển sách duy nhất mà dân Tahiti có. Do đó, Kinh Thánh đã trở nên thành phần thiết yếu trong nền văn hóa Tahiti.

Một trong những đặc điểm xuất sắc của bản dịch Nott Version là danh của Đức Chúa Trời xuất hiện nhiều lần trong cả phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp. Vì vậy, danh của Đức Giê-hô-va ngày nay rất phổ biến tại Tahiti và các quần đảo lân cận, ngay cả xuất hiện trên một số nhà thờ Tin Lành. Tuy nhiên, hiện nay danh của Đức Chúa Trời được chính yếu gắn liền với Nhân Chứng Giê-hô-va và hoạt động rao giảng sốt sắng của họ. Trong công việc đó, họ đã sử dụng rộng rãi Kinh Thánh tiếng Tahiti do Nott và các cộng sự đã dịch. Nỗ lực gian lao của những dịch giả như Henry Nott nhắc nhở chúng ta nên biết ơn đến mức nào về việc đa số nhân loại ngày nay có Lời Đức Chúa Trời.

[Các hình nơi trang 26]

Những bản dịch Kinh Thánh đầu tiên bằng tiếng Tahiti, năm 1815, có danh Đức Giê-hô-va

Henry Nott (1774-1844), dịch giả chính của bản Kinh Thánh Tahiti

[Nguồn tư liệu]

Kinh Thánh tiếng Tahiti: Thư Viện Anh Quốc giữ bản quyền (3070.a.32); hình và thư của Henry Nott: Sưu tập của viện bảo tàng Musée de Tahiti et de ses Îles, Punaauia, Tahiti; sách giáo lý: có sự đồng ý của London Missionary Society Papers, Alexander Turnbull Library, Wellington, New Zealand

[Hình nơi trang 28]

Sách giáo lý song ngữ bằng tiếng Tahiti và tiếng Wales năm 1801, có danh Đức Chúa Trời

[Nguồn tư liệu]

Có sự đồng ý của London Missionary Society Papers, Alexander Turnbull Library, Wellington, New Zealand

[Hình nơi trang 29]

Danh Đức Giê-hô-va trên mặt tiền của nhà thờ Tin Lành, đảo Huahine, Polynesia thuộc Pháp

[Nguồn tư liệu]

Có sự đồng ý của Pasteur Teoroi Firipa