Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phục vụ người khác làm dịu nỗi đau khổ

Phục vụ người khác làm dịu nỗi đau khổ

Tự Truyện

Phục vụ người khác làm dịu nỗi đau khổ

DO JULIÁN ARIAS KỂ LẠI

Vào năm 1988, khi tôi 40 tuổi, sự nghiệp của tôi có vẻ vững vàng. Tôi làm giám đốc cấp vùng trong một công ty đa quốc gia. Với việc làm này, tôi được cấp cho một chiếc xe xịn, lương cao, và một văn phòng sang trọng ngay ở trung tâm Madrid, Tây Ban Nha. Ban điều hành còn gợi ý là sẽ bổ nhiệm tôi làm giám đốc toàn quốc. Nhưng không ngờ là đời tôi sắp thay đổi hẳn.

MỘT ngày kia trong năm đó, bác sĩ báo cho biết rằng tôi mắc bệnh đa xơ cứng, một chứng bệnh không chữa được. Tin này làm tôi choáng váng cả người. Sau đó, khi đọc về những gì bệnh đa xơ cứng có thể gây ra cho cơ thể, tôi rất sợ hãi. * Tôi cảm thấy từ nay về sau tính mạng của tôi như nghìn cân treo sợi tóc. Làm sao tôi có thể lo cho Milagros, vợ tôi, và Ismael, con trai ba tuổi của tôi? Chúng tôi phải đối phó thể nào? Trong khi tôi còn dò dẫm tìm câu trả lời cho những câu hỏi này, một điều bất hạnh khác lại giáng trên tôi.

Sau khi bác sĩ cho tôi biết về bệnh trạng, khoảng một tháng sau ông chủ gọi tôi vào văn phòng và cho hay là công ty cần những người ngoại diện thanh tú. Một người với căn bệnh thoái hóa ngay cả ở giai đoạn đầu, không thể tạo ra được ấn tượng ấy. Vậy ngay lúc đó, ông chủ sa thải tôi. Thình lình sự nghiệp của tôi đã chấm dứt!

Khi vợ con có mặt, tôi cố tỏ vẻ can đảm, nhưng tôi mong mỏi có thì giờ riêng để suy ngẫm về hoàn cảnh mới và tương lai của mình. Tôi cố phấn đấu với tâm trạng buồn nản ngày càng gia tăng. Điều làm tôi đau buồn nhất là bỗng nhiên tôi trở nên vô dụng đối với công ty của tôi.

Tìm sức mạnh trong sự yếu đuối

Mừng thay, trong giai đoạn đen tối này, tôi có thể tin cậy vào vài nguồn sức mạnh. Khoảng 20 năm trước đây, tôi trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Vì vậy, trong lời cầu nguyện chân thành, tôi nói với Đức Giê-hô-va về tâm trạng và những mối lo âu về tương lai. Vợ tôi, người cùng đạo, là một nguồn sức mạnh của tôi. Đồng thời tôi cũng có được sự hỗ trợ của một số bạn bè thân thiết; lòng trắc ẩn và sự ân cần của họ đã tỏ ra vô giá đối với tôi.—Châm-ngôn 17:17.

Việc cảm thấy có trách nhiệm đối với người khác cũng đã giúp tôi. Tôi muốn nuôi dưỡng và dạy dỗ tốt con trai tôi, chơi đùa với cháu, và huấn luyện cháu trong thánh chức rao giảng. Cho nên tôi không thể bỏ cuộc được. Hơn nữa, tôi là trưởng lão trong một hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va, và các anh em tín đồ Đấng Christ cũng cần sự trợ giúp của tôi. Nếu tôi để cho hoạn nạn làm suy yếu đức tin, thì làm sao tôi có thể nêu gương cho người khác?

Điều không thể tránh được là có những sự thay đổi trong đời sống tôi về mặt thể chất và tài chính—một số khía cạnh thì tệ hơn còn số khác thì tốt hơn. Có lần tôi nghe một bác sĩ nói: “Bệnh không hủy hoại một người; nhưng đúng hơn nó thay đổi người đó”. Và tôi đã hiểu được là không phải mọi thay đổi đều là tiêu cực.

Trước hết, “cái giằm xóc vào thịt” giúp tôi hiểu nhiều hơn về vấn đề sức khỏe của người khác và thấu cảm với họ. (2 Cô-rinh-tô 12:7) Tôi hiểu hơn bao giờ hết những lời nơi Châm-ngôn 3:5: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con”. Trên hết mọi sự, hoàn cảnh mới đã giúp tôi hiểu được điều gì thật sự quan trọng trong đời sống và điều gì mang lại sự thỏa nguyện sâu xa và lòng tự trọng. Còn có nhiều điều tôi có thể làm trong tổ chức của Đức Giê-hô-va. Tôi nhận ra ý nghĩa thật sự trong lời Chúa Giê-su: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”.—Công-vụ 20:35.

Một đời sống mới

Ít lâu sau sự chẩn đoán bệnh, tôi được mời tham dự cuộc hội thảo ở Madrid, nơi những người tình nguyện thuộc đạo Đấng Christ được dạy để mở rộng sự hợp tác giữa các bác sĩ và những bệnh nhân là Nhân Chứng. Sau này, những người tình nguyện đó được tổ chức vào những Ủy Ban Liên Lạc Bệnh Viện. Cuộc hội thảo đã đến rất đúng lúc đối với tôi. Tôi đã tìm được một sự nghiệp tốt hơn, mang lại cho tôi sự thỏa nguyện hơn bất cứ việc làm nào ngoài đời.

Tại cuộc hội thảo, chúng tôi được biết là những Ủy Ban Liên Lạc Bệnh Viện mới được thành lập sẽ viếng thăm bệnh viện, phỏng vấn bác sĩ, và thuyết trình cho nhân viên y tế, tất cả nhằm mục đích vun trồng sự hợp tác và tránh những sự va chạm. Ủy ban giúp anh em Nhân Chứng tìm các bác sĩ sẵn sàng thực hiện những phương pháp y học không dùng máu. Dĩ nhiên, là người không chuyên môn về ngành y, tôi phải học nhiều về các từ y khoa, đạo đức y khoa, và cơ cấu tổ chức của bệnh viện. Dầu vậy, sau cuộc hội thảo đó, tôi trở về nhà như là một người mới, với một thách đố thật hào hứng trước mắt.

Viếng thăm bệnh viện—Một nguồn mang lại thỏa nguyện

Mặc dù chứng bệnh dần dần làm cho tôi tê liệt, càng ngày tôi càng có nhiều trách nhiệm trong Ủy Ban Liên Lạc Bệnh Viện. Nhờ lãnh tiền trợ cấp tàn tật, nên tôi có thì giờ viếng thăm bệnh viện. Dù thỉnh thoảng bị thất vọng, tôi cảm thấy những cuộc viếng thăm này trở nên dễ dàng và thỏa nguyện hơn là tôi tưởng. Dẫu hiện nay tôi phải ngồi xe lăn, nhưng đây không là một chướng ngại lớn. Một anh trong ủy ban luôn đi chung với tôi. Hơn nữa, các bác sĩ quen nói chuyện với những người ngồi xe lăn, và khi thấy tôi nỗ lực đến gặp họ thì họ có vẻ tôn trọng lắng nghe hơn.

Trong mười năm qua, tôi đã viếng thăm hàng trăm bác sĩ. Một số sẵn sàng giúp chúng tôi hầu như ngay từ buổi đầu. Bác Sĩ Juan Duarte—một phẫu thuật gia tim ở Madrid lấy làm hãnh diện về việc tôn trọng lương tâm của bệnh nhân—đã sẵn sàng giúp đỡ ngay lập tức. Kể từ đó, ông đã thực hiện hơn 200 cuộc giải phẫu không dùng máu cho các bệnh nhân là Nhân Chứng từ nhiều nơi trong nước Tây Ban Nha. Qua nhiều năm, ngày càng có nhiều bác sĩ đã bắt đầu thực hiện phẫu thuật không dùng máu. Những cuộc viếng thăm của chúng tôi đã giúp ích phần nào, nhưng sự tiến triển cũng do những tiến bộ y khoa và qua kết quả tốt đạt được trong ngành phẫu thuật không dùng máu. Và chúng tôi tin chắc là Đức Giê-hô-va đã ban phước cho nỗ lực của chúng tôi.

Tôi đặc biệt thấy khích lệ qua phản ứng của một số bác sĩ phẫu thuật tim chuyên điều trị trẻ em. Trong hai năm qua chúng tôi viếng thăm một nhóm gồm hai phẫu thuật gia và các bác sĩ gây mê. Chúng tôi cung cấp cho họ tài liệu y khoa giải thích về những gì các bác sĩ khác đang thực hiện trong lĩnh vực này. Nỗ lực của chúng tôi đã đem lại kết quả vào năm 1999 tại Hội Nghị Y Khoa về Phẫu Thuật Tim Mạch Trẻ Em. Hai bác sĩ phẫu thuật—với sự hợp tác và hướng dẫn khéo léo của một phẫu thuật gia ở Anh—đã thực hiện một cuộc giải phẫu vô cùng khó khăn cho một em bé Nhân Chứng cần điều chỉnh van động mạch chủ. * Tôi chia sẻ niềm vui với cha mẹ em khi một bác sĩ phẫu thuật ra khỏi phòng mổ để thông báo là cuộc giải phẫu đã thành công và lương tâm của gia đình đã được tôn trọng. Hiện nay hai bác sĩ này thường nhận bệnh nhân là Nhân Chứng ở khắp Tây Ban Nha.

Điều làm tôi thật sự phấn khởi trong những trường hợp như thế là biết mình có thể giúp anh em tín đồ Đấng Christ. Thường thì khi họ liên hệ với Ủy Ban Liên Lạc Bệnh Viện, đó là một trong những lúc khó khăn nhất trong đời họ. Họ cần phải giải phẫu, nhưng các bác sĩ ở bệnh viện địa phương không chịu hay không thể chữa trị cho họ mà không dùng máu. Tuy nhiên, khi các anh em biết rằng ở ngay tại Madrid có những bác sĩ phẫu thuật trong mọi lĩnh vực y khoa chịu hợp tác, họ cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng. Tôi đã thấy nét mặt của một anh đổi từ lo âu sang thanh thản, chỉ vì sự có mặt của chúng tôi ở bên anh trong bệnh viện.

Giới thẩm phán và y đức

Trong những năm gần đây, các thành viên của Ủy Ban Liên Lạc Bệnh Viện cũng viếng thăm các thẩm phán. Trong những cuộc thăm viếng đó, chúng tôi đưa cho họ một ấn phẩm gọi là Family Care and Medical Management for Jehovah’s Witnesses (Chăm sóc sức khỏe và phương pháp trị liệu cho Nhân Chứng Giê-hô-va), được đặc biệt biên soạn để cung cấp tin tức cho các viên chức ấy biết về lập trường của chúng ta về máu và những phương pháp trị liệu khác có sẵn không dùng máu. Những cuộc viếng thăm này rất cần thiết, vì có một thời ở Tây Ban Nha các thẩm phán thường cho quyền bác sĩ truyền máu trái với nguyện vọng của bệnh nhân.

Các phòng làm việc của thẩm phán là một nơi uy nghi, và trong lần viếng thăm đầu tiên, tôi cảm thấy rất nhỏ bé khi đi xe lăn dọc theo các hành lang. Tệ hơn nữa là chúng tôi gặp một sự cố khiến tôi ngã ra khỏi xe lăn. Một vài thẩm phán và luật sư thấy cảnh ngộ của tôi đã tử tế đến giúp, nhưng tôi cảm thấy ngượng trước mặt họ.

Dẫu các thẩm phán không biết rõ lý do chúng tôi viếng thăm, đa số cư xử tử tế với chúng tôi. Thẩm phán đầu tiên tôi gặp đã cân nhắc về lập trường của chúng ta, và nói rằng ông muốn nói chuyện chi tiết hơn với chúng tôi. Khi chúng tôi trở lại, ông đích thân đẩy tôi trên xe lăn vào văn phòng và chăm chú lắng nghe. Kết quả tốt qua cuộc viếng thăm đầu tiên này đã khích lệ chúng tôi để vượt qua sự e sợ, và không lâu sau chúng tôi có thêm những kết quả tốt.

Cũng trong năm đó, chúng tôi để lại cuốn Family Care cho một thẩm phán khác đã ân cần tiếp đón chúng tôi và hứa sẽ đọc tài liệu này. Tôi đưa cho ông số điện thoại nếu trong trường hợp khẩn cấp ông cần liên lạc với chúng tôi. Hai tuần sau thẩm phán gọi và nói rằng một bác sĩ phẫu thuật ở địa phương đã yêu cầu ông cho quyền truyền máu một Nhân Chứng cần giải phẫu. Thẩm phán nói rằng ông muốn chúng tôi giúp ông tìm một giải pháp mà sẽ tôn trọng ước muốn của Nhân Chứng là tránh truyền máu. Chúng tôi không gặp trở ngại để tìm một bệnh viện khác, nơi đây các bác sĩ phẫu thuật thành công thực hiện cuộc giải phẫu đó mà không dùng máu. Thẩm phán vui mừng khi nghe kết quả, và ông cam đoan là ông sẽ tìm những giải pháp tương tự trong tương lai.

Trong những lần viếng thăm bệnh viện, vấn đề y đức thường nảy sinh, vì chúng tôi muốn bác sĩ để ý tới quyền và lương tâm của bệnh nhân. Một bệnh viện sẵn sàng hợp tác ở Madrid đã mời tôi tham dự một khóa về đạo đức học. Khóa này đã cho tôi cơ hội trình bày quan điểm của chúng ta dựa trên Kinh Thánh cho nhiều chuyên gia trong ngành này. Khóa học cũng giúp tôi hiểu những vấn đề khó khăn mà các bác sĩ phải quyết định.

Một trong các giảng viên là Giáo Sư Diego Gracia thường tổ chức một khóa cao học đầy uy tín về đạo đức học cho các bác sĩ Tây Ban Nha, và ông trở thành người ủng hộ mạnh mẽ quyền ưng thuận sáng suốt của chúng ta trong vấn đề truyền máu. * Nhờ chúng tôi tiếp xúc thường xuyên với ông, nên một vài đại diện ở trụ sở chi nhánh Tây Ban Nha của Nhân Chứng Giê-hô-va được mời giải thích lập trường của chúng ta với các sinh viên cao học của Giáo Sư Diego Gracia, một số được xem là bác sĩ giỏi nhất trong nước.

Đối diện với thực tế

Dĩ nhiên, công việc thỏa nguyện này vì lợi ích của anh em cùng đạo đã không giải quyết mọi vấn đề cá nhân của tôi. Bệnh tình tiến triển ngày càng xấu đi. Tuy nhiên, may thay trí óc tôi vẫn còn minh mẫn. Nhờ vợ con tôi giúp đỡ, ủng hộ và không phàn nàn, tôi vẫn có thể chu toàn những trách nhiệm. Thậm chí tôi không thể cài khuy quần hoặc mặc áo khoác. Tôi đặc biệt vui thích đi rao giảng chung với Ismael con trai tôi mỗi Thứ Bảy, khi cháu đẩy tôi trên xe lăn để tôi có thể nói chuyện với chủ nhà. Và tôi vẫn có thể chu toàn bổn phận với tư cách là trưởng lão hội thánh.

Trong khoảng 12 năm qua, tôi có những lúc đau buồn. Đôi khi, thấy sự tàn tật của mình ảnh hưởng thế nào đến gia đình làm tôi đau đớn còn hơn là chính bệnh tật. Tôi biết vợ con tôi đau khổ, dù không nói ra. Cách đây không lâu, trong vòng một năm, mẹ vợ và cha tôi qua đời. Trong cùng năm đó, tôi không thể đi lại nếu không có xe lăn. Cha tôi, lúc đó sống chung với chúng tôi, chết vì một bệnh thoái hóa khác. Milagros, đã chăm sóc cho cha, cảm thấy như là nàng đang chứng kiến điều sẽ xảy ra cho tôi trong tương lai.

Tuy vậy, về mặt tích cực, gia đình tôi hợp nhất trong khi cùng nhau đương đầu với khó khăn. Tôi đã đổi cái ghế giám đốc cho chiếc xe lăn, nhưng hiện nay đời sống tôi thật sự tốt hơn vì tận tâm phục vụ người khác. Việc giúp người khác có thể làm dịu nỗi đau khổ, và Đức Giê-hô-va luôn giữ lời hứa củng cố chúng ta trong những lúc khó khăn. Giống như Phao-lô, tôi có thể thật sự nói: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi”.—Phi-líp 4:13.

[Chú thích]

^ đ. 5 Chứng bệnh đa xơ cứng là sự rối loạn của hệ thần kinh trung ương. Thường bệnh này dần dần làm dáng đi không vững, run tay chân, và đôi khi ảnh hưởng đến thị giác, khả năng nói, hoặc sự nhận thức.

^ đ. 19 Cuộc giải phẫu này được biết đến là phương pháp Ross.

^ đ. 27 Xem Tháp Canh, ngày 15-2-1997, trang 19, 20.

[Khung nơi trang 24]

Quan điểm của người vợ

Đối với một người vợ, sống với người hôn phối bị bệnh đa xơ cứng là điều khó khăn về mặt tinh thần, cảm xúc và thể xác. Tôi cần phải đắn đo trong những dự định của tôi và sẵn sàng bỏ qua những lo âu không cần thiết về tương lai. (Ma-thi-ơ 6:34) Dầu vậy, sống trong cảnh gian khổ có thể bộc lộ những đức tính tốt của một người. Hôn nhân của chúng tôi vững mạnh hơn trước, và mối quan hệ của tôi với Đức Giê-hô-va gần gũi hơn. Chuyện đời của những người khác ở trong những hoàn cảnh căng thẳng tương tự cũng thêm sức cho tôi rất nhiều. Tôi có sự thỏa nguyện giống như anh Julián qua công việc phục vụ vô giá vì lợi ích của các anh em, và tôi cảm nghiệm được là Đức Giê-hô-va không bao giờ làm chúng ta thất vọng, dù mỗi ngày có thể mang lại một thử thách mới.

[Khung nơi trang 24]

Quan điểm của người con

Trong sự chịu đựng và tinh thần tích cực của cha, em tìm được gương tuyệt hảo, và em cảm thấy hữu dụng khi đẩy cha trên xe lăn đi đó đây. Em biết em không thể luôn làm những gì em muốn. Bây giờ em ở tuổi thanh thiếu niên, khi lớn lên em muốn phục vụ trong Ủy Ban Liên Lạc Bệnh Viện. Qua lời hứa của Kinh Thánh, em biết sự đau khổ chỉ là tạm thời và nhiều anh chị em khác còn đau khổ hơn chúng ta gấp bội phần.

[Hình nơi trang 22]

Vợ tôi là nguồn sức mạnh của tôi

[Hình nơi trang 23]

Nói chuyện với Bác Sĩ Juan Duart, một phẫu thuật gia tim

[Hình nơi trang 25]

Cha con tôi vui thích đi rao giảng chung