Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chúng ta có thật sự cần đến người khác không?

Chúng ta có thật sự cần đến người khác không?

Chúng ta có thật sự cần đến người khác không?

“KHI xem xét đời sống và những nỗ lực của mình, chúng ta nhanh chóng nhận thấy rằng hầu như toàn bộ hoạt động và ước muốn của chúng ta đều tương quan với sự hiện hữu của người khác”, khoa học gia nổi tiếng Albert Einstein nhận định như thế. Ông nói thêm: “Chúng ta dùng thực phẩm do người khác sản xuất, mặc quần áo do người khác may, sống trong nhà do người khác xây.... Giá trị và tính chất của một người không tùy thuộc vào chính người ấy, nhưng đúng hơn tùy thuộc vào việc là thành viên của đại cộng đồng nhân loại. Cộng đồng này chi phối sự hiện hữu của người đó cả về phương diện thể chất lẫn thiêng liêng từ lúc sinh ra cho đến lúc chết”.

Trong thế giới động vật, ta thường thấy chúng sống chung theo bản năng. Voi di chuyển theo đàn, cẩn thận che chở các voi con. Những con sư tử cái cùng săn mồi và san sẻ mồi với những con đực. Cá heo đùa giỡn với nhau và ngay cả đã che chở những con vật khác hoặc những người bơi đang gặp nạn.

Tuy nhiên, trong vòng nhân loại, các nhà khoa học xã hội đã nhận thấy có một khuynh hướng ngày càng đáng lo ngại. Theo một tờ báo ở Mexico, một số khoa học gia cho rằng “lối sống cô lập trong nhiều thập kỷ qua và sự xói mòn của đời sống cộng đồng đã gây thiệt hại trầm trọng cho xã hội Hoa Kỳ”. Tờ báo nói rằng “sự thịnh vượng của dân tộc ấy tùy thuộc vào sự thay đổi xã hội toàn diện, bao gồm việc trở lại đời sống cộng đồng”.

Vấn đề này đặc biệt lan ra giữa những người sống ở các nước tân tiến. Khuynh hướng sống cô lập ngày càng lan rộng nhanh chóng. Người ta muốn ‘sống theo ý mình’ và phản kháng mạnh mẽ khi người khác ‘xâm phạm đến đời tư’. Có quan điểm cho rằng thái độ này dẫn xã hội loài người vào tình trạng dễ gặp những vấn đề về cảm xúc, dễ bị trầm cảm và có khuynh hướng tự tử.

Về phương diện này, Tiến Sĩ Daniel Goleman nói: “Sự cô lập về xã hội—tức khái niệm là một người không có ai để chia sẻ những cảm xúc riêng tư hay không ai bầu bạn—khiến cho khả năng bị bệnh hoặc chết tăng gấp đôi”. Một báo cáo đăng trong báo Science kết luận rằng sự cô lập về xã hội ‘ảnh hưởng đến tỉ lệ tử vong tương đương với thói quen hút thuốc lá, áp huyết và mức cholesterol cao, bệnh béo phì, và sự thiếu thể dục’.

Vậy, chúng ta thật sự cần đến người khác vì nhiều lý do. Chúng ta không thể sống một mình. Thế thì vấn đề cô lập có thể được giải quyết như thế nào? Điều gì đã giúp cho đời sống của nhiều người có ý nghĩa thật sự? Bài tới sẽ thảo luận những câu hỏi ấy.

[Câu nổi bật nơi trang 3]

“Hầu như toàn bộ hoạt động và ước muốn của chúng ta đều tương quan với sự hiện hữu của người khác”.—Albert Einstein