Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chúng ta phải có quan điểm nào về người ta khi ngày Đức Giê-hô-va đến gần?

Chúng ta phải có quan điểm nào về người ta khi ngày Đức Giê-hô-va đến gần?

Chúng ta phải có quan điểm nào về người ta khi ngày Đức Giê-hô-va đến gần?

“Chúa không chậm-trễ về lời hứa của Ngài..., nhưng Ngài lấy lòng nhịn-nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn”.—2 PHI-E-RƠ 3:9.

1, 2. (a) Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về người ta ngày nay? (b) Chúng ta có thể tự đặt câu hỏi nào?

TÔI TỚ Đức Giê-hô-va có sứ mạng “dạy-dỗ muôn-dân”. (Ma-thi-ơ 28:19) Trong khi làm tròn trách nhiệm này và chờ đợi “ngày lớn của Đức Giê-hô-va”, chúng ta cần xem người ta theo quan điểm của Ngài. (Sô-phô-ni 1:14) Đó là quan điểm nào? Sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Chúa không chậm-trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn-nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn”. (2 Phi-e-rơ 3:9) Đức Chúa Trời xem người ta như những cá nhân có triển vọng ăn năn. “Ngài muốn cho mọi người được cứu-rỗi và hiểu-biết lẽ thật”. (1 Ti-mô-thê 2:4) Đức Giê-hô-va còn vui lòng khi “kẻ dữ... xây-bỏ đường-lối mình và được sống”!—Ê-xê-chi-ên 33:11.

2 Mỗi người chúng ta có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về người khác không? Chúng ta có như Ngài, xem những cá nhân thuộc mọi chủng tộc và quốc gia là những người có triển vọng trở thành “chiên của đồng cỏ Ngài” không? (Thi-thiên 100:3; Công-vụ 10:34, 35) Chúng ta hãy xem xét hai thí dụ cho thấy tầm quan trọng của việc có cùng quan điểm với Đức Chúa Trời. Trong cả hai trường hợp, tôi tớ của Đức Giê-hô-va được báo cho biết trước sự hủy diệt đang ở ngay trước mắt. Những thí dụ này đặc biệt quan trọng trong khi chúng ta chờ đợi ngày lớn của Đức Giê-hô-va.

Áp-ra-ham có quan điểm của Đức Giê-hô-va

3. Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về dân cư hai thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ?

3 Thí dụ đầu tiên liên quan đến tộc trưởng trung thành là Áp-ra-ham và hai thành gian ác, Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Khi nghe “tiếng kêu oan về Sô-đôm và Gô-mô-rơ”, Đức Giê-hô-va không lập tức hủy diệt hai thành đó cùng tất cả dân cư. Trước tiên, Ngài tìm hiểu tình hình. (Sáng-thế Ký 18:20, 21) Hai thiên sứ được phái đến Sô-đôm, họ vào nhà của người công bình là Lót và ở đó. Vào đêm hai thiên sứ đến, “các người nam ở Sô-đôm, từ trẻ đến già, tức cả dân, đều chạy đến bao chung-quanh nhà”; họ muốn có quan hệ tình dục với hai thiên sứ. Rõ ràng, tình trạng đồi bại của dân thành đó chứng tỏ họ đáng bị hủy diệt. Dù vậy, hai thiên sứ vẫn hỏi Lót: “Ngươi còn có ai tại đây nữa chăng? Rể, con trai, con gái và ai trong thành thuộc về ngươi, hãy đem ra khỏi hết đi!” Đức Giê-hô-va đã mở đường để cứu một số dân thành đó, nhưng rốt cuộc, chỉ có Lót và hai con gái thoát khỏi sự hủy diệt.—Sáng-thế Ký 19:4, 5, 12, 16, 23-26.

4, 5. Tại sao Áp-ra-ham nài khẩn cho dân cư thành Sô-đôm? Và quan điểm của ông về người ta có hòa hợp với quan điểm của Đức Giê-hô-va không?

4 Giờ đây, chúng ta hãy trở lại lúc Đức Giê-hô-va cho biết ý định của Ngài về việc tra xét hai thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Lúc đó Áp-ra-ham nài khẩn: “Ngộ trong thành có năm mươi người công-bình, Chúa cũng sẽ diệt họ hết sao? Há chẳng tha-thứ cho thành đó vì cớ năm mươi người công-bình ở trong sao? Không lẽ nào Chúa làm điều như vậy, diệt người công-bình luôn với kẻ độc-ác; đến đỗi kể người công-bình cũng như người độc-ác. Không, Chúa chẳng làm điều như vậy bao giờ! Đấng đoán-xét toàn thế-gian, há lại không làm sự công-bình sao?” Áp-ra-ham dùng hai cụm từ “không lẽ nào Chúa làm điều như vậy” và “Chúa chẳng làm điều như vậy bao giờ”. Vậy qua kinh nghiệm, Áp-ra-ham biết rằng Đức Giê-hô-va sẽ không hủy diệt người công bình cùng với người ác. Khi Đức Giê-hô-va nói Ngài không hủy diệt thành Sô-đôm nếu có “năm mươi người công-bình” trong thành, Áp-ra-ham dần dần giảm xuống cho đến khi chỉ còn mười người.—Sáng-thế Ký 18:22-33.

5 Nếu lời nài khẩn của Áp-ra-ham không hòa hợp với quan điểm của Đức Giê-hô-va, liệu Ngài có nghe không? Hiển nhiên là không. Là “bạn Đức Chúa Trời”, xem chừng Áp-ra-ham biết và có cùng quan điểm với Ngài. (Gia-cơ 2:23) Khi hướng sự chú ý đến Sô-đôm và Gô-mô-rơ, Đức Giê-hô-va sẵn lòng xem xét lời nài khẩn của Áp-ra-ham. Tại sao thế? Vì Cha trên trời của chúng ta “không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn”.

Quan điểm của Giô-na về người ta—Một tương phản rõ rệt

6. Dân Ni-ni-ve phản ứng thế nào trước thông điệp của Giô-na?

6 Nào, hãy xem thí dụ thứ hai—trường hợp của Giô-na. Lần này, thành Ni-ni-ve sắp bị hủy diệt. Tiên tri Giô-na nhận lệnh công bố tội ác của thành ấy ‘đã lên thấu trước mặt Đức Giê-hô-va’. (Giô-na 1:2) Nếu tính cả các vùng phụ cận, Ni-ni-ve là một thành lớn “đi mất ba ngày đường”. Cuối cùng khi vâng lời vào thành Ni-ni-ve, Giô-na rao giảng và nói rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-ve sẽ bị đổ xuống”. Nghe vậy, “dân thành Ni-ni-ve tin Đức Chúa Trời. Họ rao ra sự kiêng ăn và mặc bao gai”. Ngay cả vua thành Ni-ni-ve cũng ăn năn.—Giô-na 3:1-6.

7. Đức Giê-hô-va xem thái độ ăn năn của người Ni-ni-ve như thế nào?

7 Điều đó quả tương phản rõ rệt so với phản ứng của người Sô-đôm! Đức Giê-hô-va xem những người Ni-ni-ve như thế nào khi họ ăn năn? Theo bản dịch Tòa Tổng Giám Mục, Giô-na 3:10 nói: “Thiên Chúa... hối tiếc về tai họa Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa”. Đức Giê-hô-va “hối tiếc” theo nghĩa là Ngài thay đổi ý định, không hủy diệt người Ni-ni-ve vì họ đã từ bỏ đường lối xấu. Tuy tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời không thay đổi, nhưng Ngài thay đổi ý định khi thấy người Ni-ni-ve ăn năn.—Ma-la-chi 3:6.

8. Tại sao Giô-na trở nên hờn giận?

8 Khi biết rằng Ni-ni-ve sẽ không bị hủy diệt, Giô-na có nhìn sự việc theo quan điểm của Đức Giê-hô-va không? Không, vì Kinh Thánh nói: “Bấy giờ Giô-na rất không đẹp lòng, và giận-dữ”. Giô-na còn làm gì khác? Lời tường thuật nói: “Người cầu-nguyện Đức Giê-hô-va rằng: Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi cầu-xin Ngài, ấy há chẳng phải là điều tôi đã nói khi tôi còn ở trong xứ tôi sao? Vì đó nên tôi lật-đật trốn qua Ta-rê-si vậy. Bởi tôi biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm giận, giàu ơn, và đổi ý không xuống tai-vạ”. (Giô-na 4:1, 2) Giô-na hiểu biết các đức tính của Đức Giê-hô-va. Dù vậy, vào lúc đó nhà tiên tri vẫn hờn giận và không đồng quan điểm với Đức Chúa Trời về những người Ni-ni-ve đã ăn năn.

9, 10. (a) Đức Giê-hô-va đã dạy Giô-na bài học nào? (b) Tại sao chúng ta có thể cho rằng Giô-na cuối cùng đã đồng quan điểm với Đức Giê-hô-va về người Ni-ni-ve?

9 Giô-na ra ngoài thành Ni-ni-ve, dựng một cái chòi, ngồi dưới bóng mát “đợi xem điều sẽ xảy đến cho thành ấy”. Đức Giê-hô-va cho một cây dưa mọc lên để che nắng cho Giô-na. Tuy nhiên, ngày hôm sau cây dưa héo. Khi Giô-na nổi giận về điều ấy, Đức Giê-hô-va nói: “Ngươi đoái-tiếc một dây... Còn ta, há không đoái-tiếc thành lớn Ni-ni-ve, trong đó có hơn mười hai vạn người không biết phân-biệt tay hữu và tay tả, lại với một số thú-vật rất nhiều hay sao?” (Giô-na 4:5-11) Thật là một bài học thấm thía cho Giô-na về quan điểm của Đức Giê-hô-va đối với người ta!

10 Giô-na đã phản ứng thế nào trước lời của Đức Chúa Trời về việc Ngài đoái tiếc những người Ni-ni-ve, Kinh Thánh không ghi lại. Song, rõ ràng là nhà tiên tri đã thay đổi quan điểm về những người Ni-ni-ve đã ăn năn. Chúng ta rút ra kết luận đó từ sự kiện Đức Giê-hô-va đã soi dẫn ông để ghi lại lời tường thuật này.

Bạn có thái độ nào?

11. Rất có thể Áp-ra-ham có quan điểm gì về những người đang sống ngày nay?

11 Ngày nay, chúng ta đang đứng trước một sự hủy diệt khác—sự hủy diệt của hệ thống gian ác hiện tại trong ngày lớn của Đức Giê-hô-va. (Lu-ca 17:26-30; Ga-la-ti 1:4; 2 Phi-e-rơ 3:10) Giả sử còn sống, Áp-ra-ham có quan điểm gì về những người hiện đang sống trong thế gian sắp bị hủy diệt? Chắc chắn ông sẽ quan tâm đến những người chưa nghe “tin-lành... về nước Đức Chúa Trời”. (Ma-thi-ơ 24:14) Áp-ra-ham nhiều lần nài khẩn Đức Chúa Trời về khả năng có những người công bình trong thành Sô-đôm. Cá nhân chúng ta có quan tâm đến những người có thể từ bỏ đường lối thế gian này dưới quyền của Sa-tan, nếu họ có cơ hội ăn năn và phụng sự Đức Chúa Trời không?—1 Giăng 5:19; Khải-huyền 18:2-4.

12. Tại sao rất dễ phát sinh thái độ như của Giô-na về những người chúng ta gặp trong thánh chức, và chúng ta có thể làm gì?

12 Mong ước sự gian ác chấm dứt là điều thích đáng. (Ha-ba-cúc 1:2, 3) Song, rất dễ phát sinh thái độ như của Giô-na, không quan tâm đến an khang hạnh phúc của những người có thể ăn năn. Điều này đặc biệt đúng khi chúng ta cứ gặp những người thờ ơ, chống đối, hoặc thậm chí hung hăng khi chúng ta mang thông điệp Nước Trời đến với họ. Chúng ta có thể không còn quan tâm đến những người sẽ còn được Đức Giê-hô-va cứu thoát khỏi hệ thống ác này. (Rô-ma 2:4) Sau khi nghiêm túc tự kiểm, nếu thấy rằng chúng ta có thái độ mà Giô-na bộc lộ lúc đầu về người Ni-ni-ve, chúng ta có thể cầu xin sự giúp đỡ để đồng quan điểm với Đức Giê-hô-va.

13. Tại sao chúng ta có thể nói rằng Đức Giê-hô-va quan tâm đến người ta ngày nay?

13 Đức Giê-hô-va quan tâm đến những người chưa phụng sự Ngài, và Ngài lắng nghe lời cầu xin của những tôi tớ đã dâng mình. (Ma-thi-ơ 10:11) Thí dụ, “Ngài sẽ... xét lẽ công-bình” đáp lời cầu nguyện của họ. (Lu-ca 18:7, 8) Hơn nữa, Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện tất cả các lời hứa và ý định vào thời điểm Ngài quy định. (Ha-ba-cúc 2:3) Điều này sẽ bao gồm việc xóa bỏ mọi gian ác khỏi mặt đất, y như Ngài đã hủy diệt thành Ni-ni-ve sau khi dân này lại sa vào sự gian ác.—Na-hum 3:5-7.

14. Chúng ta phải làm gì trong khi chờ đợi ngày lớn của Đức Giê-hô-va?

14 Cho đến khi hệ thống gian ác này bị hủy diệt trong ngày lớn của Đức Giê-hô-va, chúng ta có kiên nhẫn chờ đợi, bận rộn làm theo ý muốn của Ngài không? Công việc rao giảng sẽ được thực hiện đến mức nào trước khi ngày của Đức Giê-hô-va đến, chúng ta không biết mọi chi tiết, nhưng chúng ta biết rằng trước khi sự cuối cùng đến, tin mừng về Nước Trời sẽ được rao giảng nơi nào có người ở, đến mức độ Đức Chúa Trời hài lòng. Và chắc chắn chúng ta nên quan tâm đến “mọi vật đáng chuộng” sẽ còn được thu nhận khi Đức Giê-hô-va tiếp tục làm nhà Ngài đầy dẫy vinh quang.—A-ghê 2:7, NW.

Quan điểm của chúng ta được thể hiện qua hành động

15. Điều gì có thể làm tăng lòng quý trọng của chúng ta đối với công việc rao giảng?

15 Có lẽ trong cộng đồng chúng ta sống, nhiều người không chú ý đến thông điệp của chúng ta, và hoàn cảnh không cho phép chúng ta dọn đến nơi cần thêm nhiều người công bố Nước Trời. Giả sử có thể tìm được mười người trong khu vực trước khi ngày cuối cùng đến. Chúng ta có nghĩ rằng việc tìm kiếm mười người ấy là đáng công không? Chúa Giê-su “động lòng thương-xót” đám dân đông, “vì họ cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn”. (Ma-thi-ơ 9:36) Học Kinh Thánh và đọc cẩn thận những bài Tháp Canh Tỉnh Thức!, chúng ta có thể thấu hiểu cảnh ngộ khốn khổ của thế gian này. Rồi thì điều này có thể làm tăng lòng quý trọng của chúng ta đối với nhu cầu rao giảng tin mừng. Hơn nữa, khôn khéo sử dụng tài liệu dựa trên Kinh Thánh, được cung cấp qua “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, có thể tăng sức thuyết phục trong khu vực thường được rao giảng.—Ma-thi-ơ 24:45-47; 2 Ti-mô-thê 3:14-17.

16. Làm thế nào chúng ta có thể tăng mức độ hữu hiệu trong thánh chức?

16 Lòng quan tâm đến những người chưa hưởng ứng thông điệp cứu sống của Kinh Thánh thôi thúc chúng ta cân nhắc những thời điểm thuận lợi và cách khác nhau nhằm tiếp cận chủ nhà trong khu vực rao giảng. Chúng ta có nhận thấy nhiều người vắng nhà khi rao giảng không? Nếu có, chúng ta có thể đạt nhiều hiệu quả hơn trong thánh chức bằng cách thay đổi giờ giấc và nơi chốn trong hoạt động làm chứng. Những người đánh cá đi đến những nơi có thể bắt được cá. Chúng ta có thể làm tương tự như thế trong công việc đánh cá theo nghĩa thiêng liêng không? (Mác 1:16-18) Ở những nơi luật pháp cho phép, sao không thử làm chứng vào lúc chiều tối và qua điện thoại? Một số anh chị nhận thấy rằng các bãi đậu xe, trạm nghỉ cho xe vận tải, trạm xăng và cửa tiệm là những ‘vùng đánh cá’ có kết quả. Việc chúng ta có thái độ như của Áp-ra-ham đối với người khác cũng thể hiện rõ ràng khi nắm lấy mọi cơ hội để làm chứng bán chính thức.

17. Chúng ta có thể khích lệ các giáo sĩ và những người đang phục vụ ở nước ngoài như thế nào?

17 Hàng triệu người vẫn chưa được nghe thông điệp Nước Trời. Ngoài việc rao giảng, chúng ta có thể biểu lộ lòng quan tâm đến những người ấy mà không cần ra khỏi nhà không? Chúng ta có biết người nào làm giáo sĩ hay truyền giáo trọn thời gian ở nước ngoài không? Nếu có, chúng ta có thể viết thư bày tỏ lòng quý trọng công việc của họ. Làm thế nào điều đó cho thấy chúng ta quan tâm đến những người chưa chấp nhận tin mừng? Những lá thư khích lệ và khen ngợi có thể củng cố tinh thần những giáo sĩ tiếp tục ở lại nhiệm sở của họ, như thế họ giúp được nhiều người hơn học biết lẽ thật. (Các Quan Xét 11:40) Chúng ta cũng có thể cầu nguyện cho các giáo sĩ và cho những người đang khao khát lẽ thật ở xứ khác. (Ê-phê-sô 6:18-20) Một cách khác để tỏ lòng quan tâm là đóng góp tiền của cho công việc rao giảng của Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới.—2 Cô-rinh-tô 8:13, 14; 9:6, 7.

Bạn có thể dời đến nơi khác không?

18. Một số tín đồ Đấng Christ đã làm gì để đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời ở nước họ?

18 Những người đã cố gắng hy sinh dời đến nơi cần thêm nhiều người công bố Nước Trời, đều được ban phước. Tuy nhiên, ở quê nhà, các Nhân Chứng Giê-hô-va khác đã học một ngoại ngữ để giúp những di dân về thiêng liêng. Những nỗ lực như thế quả đã được thưởng. Thí dụ, có bảy Nhân Chứng giúp người Hoa trong một thành phố ở Texas, Hoa Kỳ. Vào Bữa Tiệc Thánh của Chúa năm 2001, họ đã chào đón 114 người đến dự. Những người giúp đỡ các nhóm như thế nhận thấy cánh đồng của họ sẵn sàng cho việc thu hoạch.—Ma-thi-ơ 9:37, 38.

19. Nên làm gì nếu bạn dự định dời đến nước khác để đẩy mạnh việc rao giảng về Nước Trời?

19 Có lẽ bạn và gia đình nghĩ rằng bạn có điều kiện dời đến nơi cần thêm người công bố Nước Trời. Dĩ nhiên, trước hết điều khôn ngoan là “ngồi tính phí-tổn”. (Lu-ca 14:28) Nhất là khi một người dự định dời đến một nước khác. Bất cứ ai đang cân nhắc khả năng như thế có thể nên tự đặt những câu hỏi sau: ‘Tôi có đủ sức cấp dưỡng cho gia đình không? Tôi có xin được hộ chiếu không? Tôi đã biết nói tiếng của nước mà tôi định dời đến chưa, hoặc tôi sẵn lòng học ngôn ngữ đó không? Tôi đã xem xét điều kiện thời tiết và văn hóa nước đó chưa? Tôi có thật sự là “một sự yên-ủi [sự giúp đỡ, NW]” và không là gánh nặng cho anh em đồng đức tin ở xứ đó không?’ (Cô-lô-se 4:10, 11) Để biết nhu cầu của nước mà bạn định dời đến, điều luôn luôn thích hợp là viết thư cho trụ sở chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va coi sóc công việc rao giảng ở vùng đó. *

20. Một tín đồ trẻ của đạo Đấng Christ đã tận dụng sức lực vì lợi ích của anh em đồng đức tin và người khác ở nước ngoài như thế nào?

20 Một tín đồ Đấng Christ đã tham gia vào công việc xây cất Phòng Nước Trời ở Nhật biết rằng ở Paraguay cần những thợ có kỹ năng xây dựng một nơi thờ phượng. Là một người độc thân có sức thanh niên cường tráng, anh dời đến nước đó và suốt tám tháng anh là người duy nhất làm việc trọn thời gian trong dự án xây cất. Trong khi ở đó, anh học tiếng Tây Ban Nha và điều khiển các cuộc học hỏi Kinh Thánh. Anh đã nhận thấy nước này cần người công bố Nước Trời. Dù đã về Nhật, chẳng bao lâu anh trở lại Paraguay và giúp thu nhóm người ta vào Phòng Nước Trời mà anh đã góp phần xây cất.

21. Mối quan tâm và quan điểm chính của chúng ta phải là gì trong khi chờ đợi ngày lớn của Đức Giê-hô-va?

21 Đức Chúa Trời sẽ lo sao cho công việc rao giảng được hoàn tất trọn vẹn, đúng theo ý muốn của Ngài. Ngày nay, Ngài đang xúc tiến việc thu hoạch cuối cùng theo nghĩa thiêng liêng. (Ê-sai 60:22) Vậy, trong khi chờ đợi ngày Đức Giê-hô-va, chúng ta hãy sốt sắng tham gia vào công việc thu hoạch và xem người ta theo quan điểm của Đức Chúa Trời đầy yêu thương.

[Chú thích]

^ đ. 19 Không luôn luôn giúp ích được gì nếu bạn tự ý dời đến một nước mà công việc rao giảng bị cấm đoán hay hạn chế. Làm vậy thậm chí có thể làm hại những người công bố Nước Trời đang hoạt động kín trong hoàn cảnh như thế.

Bạn có nhớ không?

• Trong khi chờ đợi ngày Đức Giê-hô-va, chúng ta phải xem người ta như thế nào?

• Áp-ra-ham có quan điểm nào về khả năng có người công bình sống ở Sô-đôm?

• Giô-na có quan điểm nào về những người Ni-ni-ve ăn năn?

• Làm thế nào chúng ta cho thấy mình có đồng quan điểm với Đức Giê-hô-va về những người chưa biết đến tin mừng?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 16]

Áp-ra-ham có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về người ta

[Hình nơi trang 17]

Giô-na cuối cùng có đồng quan điểm với Đức Giê-hô-va về những người Ni-ni-ve ăn năn

[Các hình nơi trang 18]

Lòng quan tâm đến người ta thôi thúc chúng ta cân nhắc thời điểm thuận lợi và những cách khác nhau để rao truyền tin mừng