Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Eusebius—“Cha đẻ của lịch sử giáo hội” chăng?

Eusebius—“Cha đẻ của lịch sử giáo hội” chăng?

Eusebius—“Cha đẻ của lịch sử giáo hội” chăng?

VÀO năm 325 CN, Hoàng Đế La Mã Constantine triệu tập tất cả các giám mục đến Nicaea. Mục đích của ông: giải quyết vấn đề gây nhiều tranh luận về mối tương quan giữa Đức Chúa Trời và Con Ngài. Trong số những người hiện diện có một người được xem là nhân vật uyên bác nhất vào thời đó, Eusebius ở thành Caesarea. Eusebius đã siêng năng nghiên cứu Kinh Thánh và là người biện hộ cho thuyết nhất thần của đạo Đấng Christ.

Tại Giáo Hội Nghị Nicaea, cuốn bách khoa tự điển Encyclopædia Britannica kể lại: “Chính Constantine chủ tọa, tích cực hướng dẫn cuộc thảo luận và đích thân đề nghị... công thức chủ yếu để diễn đạt mối tương quan giữa Đấng Christ và Đức Chúa Trời trong tín điều mà giáo hội nghị đề ra, ấy là ‘đồng bản thể với Đức Cha’... Vì quá sợ hoàng đế, ngoại trừ hai vị, các giám mục đều ký văn kiện, phần đông đã ký một cách miễn cưỡng”. Eusebius có phải là một trong hai người từ chối ký tên không? Chúng ta rút ra được bài học nào qua lập trường của ông? Chúng ta hãy xem gốc gác của Eusebius—trình độ và thành quả của ông.

Những tác phẩm nổi tiếng của ông

Có lẽ Eusebius sinh ở Palestine khoảng năm 260 CN. Lúc trẻ, ông kết giao với Pamphilus, một thầy tư tế của nhà thờ tại Caesarea. Ghi danh vào trường thần học của Pamphilus, Eusebius trở thành một học viên sốt sắng. Ông tận dụng thư viện đồ sộ của Pamphilus. Eusebius học tập chăm chỉ, nhất là nghiên cứu Kinh Thánh. Ông cũng trở thành bạn trung thành của Pamphilus, sau này xưng mình là “Eusebius, con của Pamphilus”.

Về nguyện vọng của mình, Eusebius nói: “Ý định của tôi là viết một tường thuật về sự thừa kế các thánh Tông Đồ cũng như về thời gian đã trôi qua kể từ thời Cứu Chúa cho đến thời chúng ta; kể lại nhiều sự kiện quan trọng được cho là xảy ra trong lịch sử giáo hội như thế nào; đồng thời đề cập đến những người đã điều hành và chủ trì giáo hội trong những giáo xứ nổi tiếng nhất, và những người trong mỗi thế hệ đã công bố lời Đức Chúa Trời hoặc bằng lời nói hoặc bằng văn bản”.

Người ta nhớ đến Eusebius qua tác phẩm được quý trọng với tựa đề History of the Christian Church (Lịch sử giáo hội Đấng Christ). Mười tập xuất bản vào năm 324 CN được xem là tác phẩm lịch sử quan trọng nhất về giáo hội từ thời cổ. Nhờ thành quả này, Eusebius được xem là cha đẻ của lịch sử giáo hội.

Ngoài tác phẩm Church History (Lịch sử giáo hội), Eusebius viết sách Chronicle (Sử ký), gồm hai tập. Tập thứ nhất tóm tắt lịch sử thế giới. Trong thế kỷ thứ tư, nó trở thành sách chuẩn để tham khảo về niên đại học thế giới. Tập thứ hai đưa ra ngày tháng của những biến cố lịch sử. Dùng những cột song song, Eusebius cho thấy sự kế vị các vương triều của những nước khác nhau.

Eusebius viết hai tác phẩm lịch sử khác, với tựa đề Martyrs of Palestine (Những người tử vì đạo ở Palestine) và Life of Constantine (Tiểu sử của Constantine). Tác phẩm đầu nói về những người tử vì đạo từ năm 303-310 CN. Eusebius hẳn đã tận mắt chứng kiến những sự kiện này. Tác phẩm sau, được in thành một bộ gồm bốn cuốn sau khi Hoàng Đế Constantine qua đời vào năm 337 CN, có những chi tiết lịch sử rất có ích. Thay vì chỉ là sử liệu, phần lớn nó là bài tán dương.

Các tác phẩm biện giải của Eusebius bao gồm lời giải đáp cho Hierocles—một tổng trấn La Mã đương thời. Khi Hierocles viết nói xấu tín đồ Đấng Christ, Eusebius đáp lại để biện hộ. Hơn thế nữa, để ủng hộ Đức Chúa Trời là tác giả của Kinh Thánh, ông viết 35 tác phẩm được xem là quan trọng và công phu nhất thuộc loại này. Mười lăm cuốn đầu cố chứng minh việc tín đồ Đấng Christ chấp nhận các thánh thư của người Hê-bơ-rơ. Hai mươi cuốn sau đưa ra bằng chứng là tín đồ Đấng Christ đã đúng khi vượt qua quy tắc của người Do Thái và chấp nhận những nguyên tắc và thực hành mới. Toàn bộ các sách này trình bày một biện luận đầy đủ cho đạo Đấng Christ như Eusebius hiểu.

Eusebius sống khoảng 80 năm (khoảng chừng 260-340 CN), và trở thành một trong những tác giả viết nhiều nhất thời cổ điển. Các tác phẩm của ông bao gồm những biến cố trong ba thế kỷ đầu cho đến thời Hoàng Đế Constantine. Trong những năm cuối đời, ngoài việc viết sách ông cũng làm giám mục ở Caesarea. Dù được nhiều người biết đến là sử gia, Eusebius cũng là người biện giải về tôn giáo, vẽ địa hình, truyền giáo, bình luận về thần học, và chú giải kinh điển.

Hai mục đích của ông

Tại sao Eusebius bắt tay vào những công trình to lớn không có tiền lệ như thế? Câu trả lời là vì ông tin rằng mình đang sống ở một thời kỳ chuyển tiếp sang thời đại mới. Ông cảm thấy những biến cố lớn đã xảy ra trong những thế hệ trước và cần ghi lại tài liệu cho hậu thế.

Eusebius có một mục đích khác—biện giải về tôn giáo. Ông tin rằng đạo thật Đấng Christ bắt nguồn từ Đức Chúa Trời. Nhưng một số người phản kháng ý tưởng này. Eusebius viết: “Mục đích của tôi cũng là liệt kê tên, số lượng và số lần những người vì yêu chuộng sự cách tân đã đi đến những lỗi lầm lớn nhất, và tự xưng mình là người phát hiện tri thức, cái ngụy xưng là tri thức, rồi như muôn sói hung dữ đã tàn nhẫn làm tan lạc bầy của Đấng Christ”.

Eusebius có nghĩ mình là một tín đồ Đấng Christ không? Dường như có, vì ông gọi Đấng Christ là “Cứu Chúa chúng ta”. Ông nói: “Ý định của tôi... là kể lại chi tiết những tai họa lập tức xảy đến trên toàn nước Do Thái do hậu quả của việc âm mưu chống Cứu Chúa chúng ta, và ghi lại những cách và những lần mà Dân Ngoại tấn công lời Đức Chúa Trời, và miêu tả tính cách của những người trong nhiều thời kỳ khác nhau đã phấn đấu cho lời Ngài dù phải đổ huyết và bị tra tấn, cũng như kể lại sự tuyên xưng đức tin trong thời chúng ta, và sự cứu giúp đầy thương xót và nhân từ mà Cứu Chúa chúng ta đã ban cho họ”.

Sự nghiên cứu sâu rộng của ông

Số sách mà Eusebius đích thân đọc và nhắc đến thật khổng lồ. Chỉ qua những tác phẩm của Eusebius mà chúng ta mới biết được nhiều nhân vật lỗi lạc thuộc ba thế kỷ đầu Công Nguyên. Những tường thuật hữu ích, tiết lộ về những phong trào quan trọng, chỉ thấy trong các tác phẩm của ông mà thôi. Những tường thuật đó nằm trong những nguồn tài liệu nay không còn nữa.

Eusebius siêng năng và kỹ lưỡng trong việc thu thập tài liệu. Dường như ông rất cẩn thận phân biệt giữa những báo cáo đáng tin với những cái không đáng tin. Thế nhưng, tác phẩm của ông không hoàn hảo. Đôi khi, ông lý giải sai và thậm chí hiểu lầm người ta và hành động của họ. Về niên đại học, thỉnh thoảng ông không chính xác. Eusebius cũng không có khiếu trình bày một cách nghệ thuật. Tuy nhiên, bất kể những thiếu sót hiển nhiên ấy, lượng tác phẩm phong phú của ông được xem là một kho tàng vô giá.

Một người yêu chuộng lẽ thật chăng?

Eusebius quan tâm đến vấn đề chưa được giải quyết về mối tương quan giữa Cha và Con. Cha có hiện hữu trước Con, như Eusebius tin không? Hoặc Cha và Con cùng tồn tại trong một bản thể? Ông hỏi: “Nếu hai Đấng ấy cùng tồn tại trong một bản thể, làm sao Cha là Cha và Con là Con?” Ông còn ủng hộ niềm tin của mình bằng những câu Kinh Thánh, dẫn chứng Giăng 14:28, nói rằng ‘Cha tôn-trọng hơn Chúa Giê-su’, và Giăng 17:3, nơi đây Chúa Giê-su được gọi là đấng mà Đức Chúa Trời có một và thật đã “sai đến”. Ám chỉ đến Cô-lô-se 1:15 và Giăng 1:1, Eusebius tranh luận rằng Ngôi Lời là “hình-ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được”—tức Con Đức Chúa Trời.

Tuy nhiên, điều đáng kinh ngạc là lúc bế mạc Giáo Hội Nghị Nicaea, Eusebius ủng hộ quan điểm đối lập. Tương phản với lập trường của mình dựa theo Kinh Thánh là Đức Chúa Trời và Đấng Christ không bằng nhau, ông lại theo phe hoàng đế.

Một bài học cho chúng ta

Tại sao Eusebius chịu khuất phục tại Giáo Hội Nghị Nicaea và ủng hộ một thuyết trái với Kinh Thánh? Ông đã nghĩ đến những mục tiêu chính trị chăng? Tại sao ông tham dự giáo hội nghị làm chi? Mặc dù tất cả các giám mục được triệu tập, nhưng chỉ một phần nhỏ—300 người—thật sự tham dự. Phải chăng Eusebius quan tâm đến việc giữ địa vị xã hội của mình? Và tại sao Hoàng Đế Constantine xem trọng ông đến thế? Tại giáo hội nghị, Eusebius đã ngồi bên tay hữu của hoàng đế.

Dường như Eusebius đã lờ đi sự đòi hỏi của Chúa Giê-su là các môn đồ ngài phải “không thuộc về thế-gian”. (Giăng 17:16; 18:36) “Hỡi bọn tà-dâm kia, anh em há chẳng biết làm bạn với thế-gian tức là thù-nghịch với Đức Chúa Trời sao?”, môn đồ Gia-cơ hỏi. (Gia-cơ 4:4) Và lời khuyên răn của Phao-lô: “Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin” thật thích hợp biết bao! (2 Cô-rinh-tô 6:14) Mong sao chúng ta giữ mình tách biệt khỏi thế gian khi “lấy tâm-thần và lẽ thật mà thờ-lạy [Cha]”.—Giăng 4:24.

[Hình nơi trang 31]

Bích họa mô tả Giáo Hội Nghị Nicaea

[Nguồn tư liệu]

Scala/Art Resource, NY

[Nguồn tư liệu nơi trang 29]

Courtesy of Special Collections Library, University of Michigan