Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Suy nghĩ hợp lý—Hành động khôn ngoan

Suy nghĩ hợp lý—Hành động khôn ngoan

Suy nghĩ hợp lý—Hành động khôn ngoan

HÃY hình dung cảnh này: Chúa Giê-su Christ đang giải thích rằng kẻ thù trong giới tôn giáo ở Giê-ru-sa-lem sẽ gây đau đớn cho ngài rồi giết ngài. Sứ đồ Phi-e-rơ, một người bạn thân tín của ngài, không thể tin điều đó. Thật vậy, ông kéo ngài sang một bên và trách ngài. Không ai nghi ngờ lòng chân thành và quan tâm chân thật của Phi-e-rơ. Nhưng Chúa Giê-su đã xem lối suy nghĩ của Phi-e-rơ như thế nào? “Xéo đi sau Ta! Hỡi Satan!”, Chúa Giê-su nói. “Ngươi là cớ vấp phạm cho Ta, vì ý tưởng của ngươi không phải ý tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.—Ma-thi-ơ 16:21-23, Nguyễn Thế Thuấn.

Phi-e-rơ hẳn đã sửng sốt biết bao! Trong trường hợp này, thay vì giúp ích và ủng hộ, ông lại là “cớ vấp phạm” cho Chủ yêu quý của mình. Làm sao điều này đã xảy ra? Có thể Phi-e-rơ đã sa vào sai sót thông thường trong lối suy nghĩ của con người—chỉ tin những gì ông muốn tin.

Đừng quá tự tin

Một yếu tố đe dọa khả năng suy nghĩ hợp lý của chúng ta là khuynh hướng quá tự tin. Sứ đồ Phao-lô khuyến cáo anh em tín đồ Đấng Christ ở thành Cô-rinh-tô ngày xưa: “Ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã”. (1 Cô-rinh-tô 10:12) Tại sao Phao-lô nói thế? Dường như là vì ông biết lối suy nghĩ của con người dễ bị sai lệch—thậm chí cả tâm trí của tín đồ Đấng Christ cũng có thể bị “hư đi, mà dời-đổi lòng thật-thà tinh-sạch đối với Đấng Christ”.—2 Cô-rinh-tô 11:3.

Cả một thế hệ tổ tiên của Phao-lô đã sa vào tình huống như vậy. Lúc đó, Đức Giê-hô-va nói với họ: “Ý-tưởng ta chẳng phải ý-tưởng các ngươi, đường-lối các ngươi chẳng phải đường-lối ta”. (Ê-sai 55:8) ‘Chính mắt họ đã coi mình là khôn-ngoan’, nên gánh lấy hậu quả tai hại. (Ê-sai 5:21) Thế thì, điều chắc chắn hợp lý là xét xem làm thế nào chúng ta có thể duy trì lối suy nghĩ hợp lý, do đó tránh được tai họa tương tự.

Đề phòng lối suy nghĩ theo xác thịt

Một số người ở Cô-rinh-tô chịu ảnh hưởng nặng của lối suy nghĩ theo xác thịt. (1 Cô-rinh-tô 3:1-3) Họ xem trọng triết lý con người thay vì Lời Đức Chúa Trời. Chắc chắn những nhà tư tưởng Hy Lạp đương thời là những người rất thông minh. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời xem họ là rồ dại. Phao-lô nói: “Có lời chép rằng: Ta sẽ hủy-phá sự khôn-ngoan của người khôn-ngoan, tiêu-trừ sự thạo-biết của người thạo-biết. Người khôn-ngoan ở đâu? Thầy thông-giáo ở đâu? Người biện-luận đời nay ở đâu? Có phải Đức Chúa Trời đã làm cho sự khôn-ngoan của thế-gian ra rồ-dại không?” (1 Cô-rinh-tô 1:19, 20) Những người thạo biết, tức những người tri thức như thế bị ảnh hưởng của “thần thế-gian” thay vì “Thánh-Linh từ Đức Chúa Trời”. (1 Cô-rinh-tô 2:12) Triết lý và ý tưởng của họ không phù hợp với lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va.

Nguồn gốc chính của lối suy nghĩ xác thịt là Sa-tan Ma-quỉ, kẻ đã dùng con rắn để cám dỗ Ê-va. (Sáng-thế Ký 3:1-6; 2 Cô-rinh-tô 11:3) Hắn vẫn còn là mối nguy hiểm đối với chúng ta không? Có! Theo Lời Đức Chúa Trời, Sa-tan “làm mù lòng” người ta đến độ hiện nay hắn “dỗ-dành [“lừa dối”, Trịnh Văn Căn] cả thiên-hạ”. (2 Cô-rinh-tô 4:4; Khải-huyền 12:9) Cảnh giác đề phòng những mưu chước của hắn là điều quan trọng biết bao!—2 Cô-rinh-tô 2:11.

Coi chừng “bị người ta lừa-đảo”

Sứ đồ Phao-lô cũng khuyến cáo đừng để “người ta lừa-đảo”. (Ê-phê-sô 4:14) Ông chạm trán những “kẻ làm công lừa-dối”; họ giả vờ trình bày lẽ thật nhưng thực ra lại bóp méo. (2 Cô-rinh-tô 11:12-15) Để đạt mục tiêu, có thể những người này sử dụng thủ đoạn chỉ chọn những bằng chứng ủng hộ lối suy nghĩ của họ, những ngôn từ khích động cảm xúc, những điều nửa giả nửa thật nhằm đánh lừa, những lời bóng gió gian xảo, và ngay cả những lời dối trá trắng trợn.

Những người tuyên truyền thường dùng các từ như “giáo phái” để bêu xấu người khác. Một bản kiến nghị trình lên Hội Nghị Viện của Hội Đồng Âu Châu (Parliamentary Assembly of the Council of Europe), đề nghị những viên chức điều tra các nhóm tôn giáo mới là “có lẽ nên tránh dùng từ này”. Tại sao thế? Bởi lẽ theo bản kiến nghị này, từ “giáo phái” hàm ý tiêu cực quá đáng. Tương tự như thế, những người trí thức Hy Lạp lầm lẫn cho rằng sứ đồ Phao-lô là “người già mép”, nghĩa đen là “con lượm hạt”. Điều này hàm ý ông chỉ là người hay bép xép, vô công rồi nghề, chỉ biết lượm lặt rồi lặp lại những hiểu biết vụn vặt. Thực ra, Phao-lô “truyền cho chúng về Đức Chúa Jêsus và sự sống lại”.—Công-vụ 17:18.

Các phương pháp của những kẻ tuyên truyền có hiệu quả không? Có. Những phương pháp này là một yếu tố chính gây nên thù hằn giữa các sắc tộc và tôn giáo bằng cách làm lệch lạc quan điểm của người ta về các quốc gia hoặc tôn giáo khác. Nhiều người đã dùng những phương pháp tuyên truyền này để gạt ra ngoài lề xã hội những nhóm thiểu số không được ưa chuộng. Adolf Hitler sử dụng hữu hiệu những phương pháp như thế khi ông ta miêu tả người Do Thái và các nhóm người khác là “thoái hóa”, “gian ác” và “mối đe dọa” cho Quốc Gia. Đừng bao giờ để cho thủ đoạn lừa đảo này đầu độc tư tưởng bạn.—Công-vụ 28:19-22.

Đừng tự lừa dối mình

Cũng rất dễ cho chúng ta tự lừa dối mình. Quả thật, có thể rất khó từ bỏ hoặc ngay cả kiểm lại những quan điểm mình hằng ấp ủ. Tại sao thế? Bởi lẽ cảm xúc của chúng ta gắn chặt với quan điểm của mình. Vì vậy có thể chúng ta tự lừa dối mình bằng cách nguỵ biện—bằng cách đặt ra những lý lẽ để bào chữa những niềm tin thật ra là sai lầm.

Một số tín đồ Đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất đã mắc sai lầm này. Họ hiểu Lời Đức Chúa Trời, nhưng không để lời ấy tác động đến lối suy nghĩ. Rốt cuộc họ “lấy nghe làm đủ mà lừa-dối mình”. (Gia-cơ 1:22, 26) Một dấu hiệu cho thấy chúng ta có thể đã sa vào sự tự lừa dối loại này nếu chúng ta nổi giận khi có ai không đồng tình với các tin tưởng của chúng ta. Thay vì nổi giận, điều khôn ngoan là có đầu óc cởi mở và cẩn thận lắng nghe người khác—ngay cả khi chắc chắn rằng ý kiến chúng ta đúng.—Châm-ngôn 18:17.

Tìm kiếm “tri-thức của Đức Chúa Trời”

Chúng ta có thể làm gì để duy trì lối suy nghĩ hợp lý? Có sẵn nhiều sự trợ giúp, nhưng chúng ta phải sẵn sàng bỏ ra công sức. Sa-lô-môn, một vị vua khôn ngoan nói: “Hỡi con, nếu con tiếp-nhận lời ta, dành-giữ mạng-lịnh ta nơi lòng con, để lắng tai nghe sự khôn-ngoan, và chuyên lòng con về sự thông-sáng; phải, nếu con kêu-cầu sự phân-biện, và cất tiếng lên cầu-xin sự thông-sáng, nếu con tìm nó như tiền-bạc, và kiếm nó như bửu-vật ẩn-bí, bấy giờ con sẽ hiểu-biết sự kính-sợ Đức Giê-hô-va, và tìm được điều tri-thức của Đức Chúa Trời”. (Châm-ngôn 2:1-5) Đúng vậy, nếu chính chúng ta cố gắng thấm nhuần các lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ có được sự khôn ngoan, thông hiểu và sự sáng suốt thật. Như vậy, chúng ta sẽ tìm kiếm những điều quý giá hơn bạc hoặc bất kỳ báu vật nào khác gấp bội phần.—Châm-ngôn 3:13-15.

Sự khôn ngoan và tri thức chắc chắn là những nhân tố thiết yếu giúp suy nghĩ hợp lý. Lời Đức Chúa Trời nói: “Sự khôn-ngoan sẽ vào trong lòng con, và linh-hồn con sẽ lấy sự hiểu-biết làm vui-thích. Sự dẽ-dặt sẽ coi-sóc con, sự thông-sáng sẽ gìn-giữ con, để cứu con khỏi đường dữ, khỏi kẻ nói việc gian-tà, và khỏi kẻ bỏ đường ngay-thẳng, mà đi theo các lối tối-tăm”.—Châm-ngôn 2:10-13.

Điều đặc biệt quan trọng là để cho ý tưởng của Đức Chúa Trời hướng dẫn cách chúng ta suy nghĩ trong những giai đoạn căng thẳng hoặc nguy nan. Các cảm xúc mạnh như tức giận hoặc sợ hãi có thể khiến chúng ta thấy khó suy nghĩ sáng suốt. Sa-lô-môn nói: “Bị áp bức, người khôn hóa dại”. (Truyền-đạo 7:7, Tòa Tổng Giám Mục) Thậm chí có thể đưa đến việc “oán Đức Giê-hô-va”. (Châm-ngôn 19:3) Bằng cách nào? Bằng cách đổ lỗi cho Đức Chúa Trời về các vấn đề của chúng ta, đồng thời lợi dụng các vấn đề này để bào chữa cho những việc làm sai trái với luật pháp và nguyên tắc của Ngài. Thay vì nghĩ rằng mình luôn luôn đúng, mong rằng chúng ta khiêm nhường lắng nghe những người khuyên bảo khôn ngoan, cố gắng dùng Kinh Thánh để giúp chúng ta. Và nếu cần, chúng ta hãy sẵn sàng từ bỏ ngay cả những quan điểm đã bám sâu khi nhận ra rõ ràng là sai lầm.—Châm-ngôn 1:1-5; 15:22.

“Hãy cầu-xin Đức Chúa Trời”

Chúng ta sống trong thời kỳ nguy hiểm nhiều rắc rối. Đều đặn cầu xin Đức Giê-hô-va hướng dẫn là thiết yếu nếu chúng ta muốn phán đoán sáng suốt và hành động khôn ngoan. Phao-lô viết: “Chớ lo-phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus-Christ”. (Phi-líp 4:6, 7) Nếu không đủ khôn ngoan để xử trí một vấn đề hoặc thử thách rắc rối, chúng ta cần “cầu-xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng-rãi, không trách-móc ai”.—Gia-cơ 1:5-8.

Biết là các anh em tín đồ Đấng Christ cần hành động khôn ngoan, nên sứ đồ Phi-e-rơ cố tìm cách “giục lòng lành trong anh em [“thúc đẩy anh em hiểu cho đúng đắn”, An Sơn Vị]”. Ông muốn họ “ghi lấy lời nói trước của các thánh tiên-tri, cùng mạng-lịnh của Chúa và Cứu-Chúa chúng ta” là Chúa Giê-su Christ. (2 Phi-e-rơ 3:1, 2) Nếu làm thế và giữ cho tâm trí phù hợp với Lời Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ suy nghĩ hợp lý và hành động khôn ngoan.

[Các hình nơi trang 21]

Các tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đã để cho sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời chứ không phải triết lý uốn nắn lối suy nghĩ của họ

[Nguồn tư liệu]

Các triết gia từ trái sang phải: Epicurus: Photograph taken by courtesy of the British Museum; Cicero: Reproduced from The Lives of the Twelve Caesars; Plato: Roma, Musei Capitolini

[Các hình nơi trang 23]

Cầu nguyện và học hỏi Lời Đức Chúa Trời là thiết yếu