Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ugarit—Thành cổ xưa dưới bóng của thần Ba-anh

Ugarit—Thành cổ xưa dưới bóng của thần Ba-anh

Ugarit—Thành cổ xưa dưới bóng của thần Ba-anh

VÀO năm 1928, lưỡi cày của người nông dân Syria chạm vào hòn đá che một ngôi mộ chứa những đồ gốm cổ. Ông không thể tưởng tượng được tầm quan trọng của sự phát hiện này. Hay tin về sự khám phá tình cờ đó, năm sau một đoàn khảo cổ Pháp do Claude Schaeffer dẫn đầu đã lên đường đến địa điểm.

Không lâu sau, một bia khắc đã được khai quật, giúp cho đoàn ấy nhận định những tàn tích đang lộ ra dưới những cái bay của họ. Đó là Ugarit, “một trong những thành cổ quan trọng nhất ở vùng Cận Đông”. Ngay cả tác giả Barry Hoberman đã nói: “Không có phát hiện khảo cổ nào, thậm chí các Cuộn Biển Chết, đã ảnh hưởng sâu rộng đến sự hiểu biết của chúng ta về Kinh Thánh đến thế”.—The Atlantic Monthly.

Nơi những lộ trình giao nhau

Tọa lạc trên một đồi gọi là Ras Shamra, trên bờ biển Địa Trung Hải nay thuộc bắc bộ Syria, Ugarit là một thành phố quốc tế thịnh vượng vào thiên niên kỷ thứ hai TCN. Lãnh thổ của nó trải rộng một vùng khoảng 60 kilômét từ Núi Casius ở phía bắc đến Tell Sukas ở phía nam, và 30 đến 50 kilômét từ Địa Trung Hải ở phía tây đến Thung Lũng Orontes ở phía đông.

Khí hậu ôn hòa của vùng Ugarit rất thích hợp cho việc chăn nuôi gia súc. Vùng đó sản xuất ngũ cốc, dầu ôliu, rượu, và gỗ—một sản phẩm rất hiếm ở vùng Mê-sô-bô-ta-mi và Ai Cập. Hơn nữa, vị trí của thành nằm ở địa điểm mà những lộ trình thương mại chiến lược giao nhau, khiến nó trở thành một trong những cảng quốc tế quan trọng đầu tiên. Tại Ugarit, các thương gia từ Aegean, Ai Cập, Anatolia, Ba-by-lôn, và những nơi khác ở Trung Đông buôn bán kim loại, nông phẩm, và vô số sản phẩm địa phương.

Bất kể sự thịnh vượng về vật chất, Ugarit lúc nào cũng là vương quốc chư hầu. Thành này ở biên giới cực bắc của Đế Quốc Ai Cập cho đến khi nó bị sát nhập vào Đế Quốc Hittite vào thế kỷ 14 TCN. Ugarit bắt buộc phải triều cống và cung cấp quân đội cho lãnh chúa. Khi “Dân Biển” * xâm lược và bắt đầu tàn phá Anatolia (trung bộ Thổ Nhĩ Kỳ) và bắc bộ Syria, các quân đội và đoàn tàu của Ugarit bị người Hittite trưng dụng. Do đó, thành Ugarit không còn khả năng phòng thủ và hoàn toàn bị phá hủy vào khoảng năm 1200 TCN.

Làm sống lại quá khứ

Sự sụp đổ của thành Ugarit để lại một mô đất khổng lồ cao gần 20 mét và rộng hơn 25 hecta. Chỉ một phần sáu vùng này đã được khai quật. Giữa những tàn tích, các nhà khảo cổ đã phát hiện những phế tích của một lâu đài đồ sộ, có gần một trăm phòng và những sân nhỏ, với diện tích khoảng 10.000 mét vuông. Lâu đài này có những buồng tắm, hệ thống dẫn nước, và hệ thống cống rãnh. Bàn ghế được dát vàng, đá da trời, và ngà voi. Người ta đã tìm thấy những tấm panô bằng ngà voi được chạm một cách cầu kỳ. Một vườn có tường bao quanh và hồ nước làm tăng thêm vẻ duyên dáng của lâu đài.

Thành ấy và đồng bằng xung quanh lốm đốm các đền thờ Ba-anh và Đa-gan (Dagan). * Các tháp của đền thờ, có lẽ cao 20 mét, có một hành lang nhỏ dẫn vào phòng bên trong chứa tượng một vị thần. Một cầu thang dẫn lên sân thượng, nơi vua chủ trì những nghi lễ khác nhau. Lúc ban đêm hay khi có bão, những ngọn lửa hiệu có lẽ được đốt lên trên chóp các đền thờ để hướng dẫn các tàu vào cảng an toàn. Những thủy thủ cho rằng họ được trở về an toàn là nhờ thần bão Baal-Hadad (Ba-anh), chắc chắn đã dâng 17 mỏ neo bằng đá làm đồ lễ cúng tạ ơn; các vật này được tìm thấy trong điện thờ.

Phát hiện những bia khắc vô giá

Hàng ngàn bản gốm được phát hiện khắp các tàn tích của Ugarit. Những văn bản về kinh tế, pháp luật, ngoại giao, và hành chính được tìm thấy trong tám ngôn ngữ, viết bằng năm loại chữ viết. Đoàn của ông Schaeffer tìm được những bia khắc trong ngôn ngữ mà cho đến nay người ta vẫn không nhận ra, được đặt tên Ugarit, dùng 30 dấu hình nêm, đây là một trong những mẫu tự xưa nhất đã từng được phát hiện.

Ngoài việc đề cập đến vấn đề thông thường, những tài liệu Ugarit chứa những văn phẩm mở ra cánh cửa dẫn đến sự hiểu biết về các khái niệm và thực hành tôn giáo vào thời đó. Tôn giáo của Ugarit dường như có rất nhiều điểm tương đồng với tôn giáo của dân Ca-na-an láng giềng. Theo Roland de Vaux, các văn bản này “phản ảnh khá chính xác về nền văn minh của xứ Ca-na-an trước cuộc chinh phục của dân Y-sơ-ra-ên không lâu”.

Tôn giáo tại thành của thần Ba-anh

Hơn 200 thần và nữ thần được đề cập trong các văn bản Ras Shamra. Thần tối cao là El, được gọi là cha của các vị thần và loài người. Và thần bão Baal-Hadad là “thần cưỡi mây” và là “chúa tể của trái đất”. El được miêu tả là một cụ già thông thái, râu bạc, sống ẩn dật khỏi loài người. Ngược lại, Ba-anh là một thần mạnh mẽ và tham vọng tìm cách cai trị các thần và loài người.

Các văn bản được phát hiện có lẽ được đọc lên vào các lễ hội tôn giáo, chẳng hạn vào năm mới hay mùa gặt. Tuy nhiên, cách lý giải chính xác thì không rõ. Trong một bài thơ về cuộc tranh chấp quyền cai trị, Ba-anh đánh bại con trai yêu quý nhất của El, thần biển Yamm. Chiến thắng này có lẽ khiến các thủy thủ tin tưởng là Ba-anh sẽ che chở họ ngoài biển khơi. Trong cuộc đọ sức với Mot, Ba-anh thua trận và đi vào cõi âm ty. Hạn hán xảy ra sau đó, và các hoạt động của con người ngừng hẳn. Vợ, đồng thời là em gái của Ba-anh, là Anat—nữ thần ái tình và chiến tranh—tiêu diệt Mot và phục hồi sự sống cho Ba-anh. Ba-anh tàn sát các con trai của Athirat (Asherah), vợ của El, và chiếm lại ngôi. Nhưng bảy năm sau Mot trở lại.

Một số người diễn giải bài thơ là biểu tượng của chu kỳ các mùa hàng năm, trong đó những trận mưa mang lại sự sống bị cơn nóng hực của mùa hè đẩy lùi và trở lại vào mùa thu. Những người khác nghĩ rằng chu kỳ bảy năm liên quan đến nỗi lo sợ đói kém và hạn hán. Trong trường hợp nào đi nữa, tính ưu việt của Ba-anh được xem là thiết yếu cho sự thành công của các nỗ lực con người. Học giả Peter Craigie ghi nhận: “Mục đích của tôn giáo Ba-anh là đảm bảo quyền tối cao của thần ấy; vì chỉ khi nào Ba-anh giữ thế thượng phong, theo sự tin tưởng của những người sùng bái hắn, thì mùa màng và gia súc thiết yếu cho sự sống còn của con người mới có thể tồn tại”.

Sự bảo vệ chống lại chủ nghĩa tà giáo

Các văn bản được đào lên nêu rõ sự đồi bại của tôn giáo Ugarit. Cuốn tự điển Kinh Thánh The Illustrated Bible Dictionary bình luận: “Các văn bản cho thấy hậu quả đồi bại của sự thờ cúng những vị thần này; với sự nhấn mạnh đến chiến tranh, mại dâm trong đền thờ, tình yêu nhục dục; và cho thấy hậu quả của sự suy đồi trong xã hội”. Ông de Vaux nhận xét: “Khi đọc những bài thơ này, ta hiểu tại sao những tín đồ thật của đạo Yavê và các tiên tri lớn cảm thấy kinh tởm đối với sự thờ cúng này”. Luật Pháp Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên xưa là một sự bảo vệ chống lại tôn giáo giả như thế.

Bói khoa, thuật chiêm tinh, và ma thuật được thực hành rộng rãi ở Ugarit. Người ta tìm dấu kỳ điềm lạ không những trên các thiên thể mà còn trên các bào thai biến dạng và nội tạng của những thú vật bị giết. Sử gia Jacqueline Gachet bình luận: “Có niềm tin rằng vị thần mà người ta dâng con sinh tế theo nghi lễ nhập vào con thú ấy, và linh hồn của thần và của con thú quyện vào nhau. Do đó, bằng cách đọc những dấu hiệu thấy được trên những bộ phận này, họ có thể xác định ý của các thần có khả năng đáp lại tốt hay xấu cho sự cầu vấn về những biến cố trong tương lai và về cách hành động trong một trường hợp cụ thể nào đó”. (Le pays d’Ougarit autour de 1200 av.J.C.) Ngược lại, dân Y-sơ-ra-ên phải tránh xa những thực hành đó.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:9-14.

Luật Pháp Môi-se rõ ràng cấm hành dâm với thú vật. (Lê-vi Ký 18:23) Thành Ugarit xem thực hành này như thế nào? Trong các văn bản được phát hiện, Ba-anh giao cấu với bò cái tơ. Nhà khảo cổ Cyrus Gordon bình luận: “Nếu cho rằng Ba-anh biến hình thành con bò đực cho hành động này, nhưng khi diễn lại chuyện huyền thoại về Ba-anh, những thầy tế của thần ấy đã thật sự giao cấu với con vật”.

Dân Y-sơ-ra-ên được lệnh: “Chớ vì kẻ chết mà cắt thịt mình”. (Lê-vi Ký 19:28) Tuy nhiên, phản ứng trước cái chết của Ba-anh, thần El “lấy dao rạch và cắt da; cắt má và cằm mình”. Cắt nát da thịt theo nghi lễ dường như là một phong tục giữa những người thờ Ba-anh.—1 Các Vua 18:28.

Một bài thơ Ugarit dường như cho thấy nấu dê con trong sữa là một phần của nghi lễ sinh sản phổ biến trong tôn giáo Ca-na-an. Tuy nhiên, trong Luật Pháp Môi-se, dân Y-sơ-ra-ên được lệnh: “Ngươi chớ nên nấu dê con trong sữa mẹ nó”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 23:19.

So sánh với văn bản Kinh Thánh

Những văn bản Ugarit lúc đầu được dịch chủ yếu nhờ tiếng Hê-bơ-rơ trong Kinh Thánh. Peter Craigie nhận xét: “Có nhiều từ dùng trong văn bản tiếng Hê-bơ-rơ mà ý nghĩa không được rõ ràng và đôi khi không biết được; các dịch giả trước thế kỷ 20 suy đoán ý nghĩa hợp lý của các từ bằng nhiều cách. Nhưng khi những từ đó xuất hiện trong văn bản Ugarit, thì mới có sự tiến bộ trong sự hiểu biết”.

Thí dụ, một từ Hê-bơ-rơ được dùng nơi Ê-sai 3:18 thường được dịch là “cái lưới”. Một từ gốc Ugarit tương tự hàm ý mặt trời và nữ thần mặt trời. Vậy những người nữ Giê-ru-sa-lem được đề cập trong lời tiên tri của Ê-sai có thể trang sức bằng những hình mặt trời nhỏ cũng như “hình trăng khuyết” (Tòa Tổng Giám Mục) để tôn vinh các thần Ca-na-an.

Nơi Châm-ngôn 26:23 trong bản Masorete, “môi nóng bỏng và lòng độc địa” được so sánh với “cặn bạc” bọc bình gốm. Một từ gốc Ugarit cho phép dịch một cách khác, “giống như mảnh gốm tráng men”. Do đó, Bản Diễn Ý dịch câu châm ngôn này: “Lời hoa mỹ che đậy lòng độc ác, như lớp men bóng bẩy bao ngoài bình đất rẻ tiền”.

Nền tảng cho Kinh Thánh chăng?

Xem xét các văn bản Ras Shamra khiến một số học giả cho rằng có những đoạn trong Kinh Thánh được phóng tác từ thi phẩm Ugarit. André Caquot, thành viên của Học Viện Pháp, nói “nền tảng văn hóa Ca-na-an là trọng tâm của tôn giáo Y-sơ-ra-ên”.

Nói về Thi-thiên 29, Mitchell Dahood, thuộc Học Viện Thánh Kinh Tông Tòa ở Rome, bình luận: “Bài thánh thi này của đạo Yavê phóng tác từ một bài thánh ca xưa của người Ca-na-an nói về thần bão Ba-anh... Hầu như mỗi từ trong bài thánh thi giống y văn bản Ca-na-an cổ xưa”. Kết luận đó có chính đáng hay không? Chắc chắn không!

Những học giả không quá khích nhìn nhận rằng những điểm tương đồng đã được phóng đại. Người khác thì chỉ trích cái gọi là chủ nghĩa đa đồng Ugarit. Nhà thần học Garry Brantley nói: “Không có một văn bản Ugarit nào hoàn toàn giống bài Thi-thiên 29. Gợi ý rằng bài Thi-thiên 29 (hay bất cứ đoạn Kinh Thánh nào khác) là một phóng tác của huyền thoại tà giáo thì không có bằng chứng hiển nhiên”.

Sự kiện có những điểm tương đồng trong hình thái tu từ, tính chất thơ văn, và văn phong chứng tỏ đó là một phóng tác chăng? Trái lại, những điểm tương đồng ấy là dĩ nhiên. Cuốn bách khoa tự điển tôn giáo The Encyclopedia of Religion ghi nhận: “Lý do có sự tương đồng về hình thức và nội dung là vì văn hóa: bất kể sự khác biệt lớn về địa lý và thời gian giữa Ugarit và Y-sơ-ra-ên, họ thuộc một nền văn hóa lớn hơn có từ vựng chung về thơ ca và tôn giáo”. Do đó Garry Brantley kết luận: “Ép những niềm tin tà giáo vào văn bản Kinh Thánh chỉ vì có những tương đồng về ngôn ngữ là một sự giải thích không đúng đắn”.

Cuối cùng, ta nên ghi nhận rằng nếu có bất cứ sự tương đồng nào giữa văn bản Ras Shamra và Kinh Thánh, đó chỉ là tính chất văn học chứ không phải tính chất thiêng liêng. Nhà khảo cổ Cyrus Gordon nhận xét: “Đỉnh cao về luân lý đạo đức trong Kinh Thánh không tìm thấy trong Ugarit”. Thật vậy, những sự khác biệt vượt hơn hẳn những sự tương đồng.

Những sự nghiên cứu về thành Ugarit rất có thể tiếp tục giúp cho các học viên Kinh Thánh hiểu về môi trường văn hóa, lịch sử, và tôn giáo của những người viết Kinh Thánh cũng như của dân tộc Hê-bơ-rơ nói chung. Xem xét thêm các văn bản Ras Shamra cũng có thể giúp làm sáng tỏ sự hiểu biết về tiếng Hê-bơ-rơ cổ. Tuy nhiên, trên hết mọi sự, những khám phá khảo cổ tại Ugarit làm nổi bật một cách hùng hồn sự khác biệt giữa sự sùng bái suy đồi đối với thần Ba-anh và sự thờ phượng thanh sạch của Đức Giê-hô-va.

[Chú thích]

^ đ. 7 “Dân Biển” thường được nhận diện là những thủy thủ từ những đảo và miền ven biển Địa Trung Hải. Dân Phi-li-tin có thể ở trong số này.—A-mốt 9:7.

^ đ. 10 Dù có những quan điểm khác nhau, một số học giả nhận ra đền thờ Đa-gan là đền thờ El. Roland de Vaux, học giả Pháp và giáo sư tại Trường Nghiên Cứu Kinh Thánh Giê-ru-sa-lem, có ý kiến là Đa-gan—tức Đa-gôn nơi Các Quan Xét 16:23 và 1 Sa-mu-ên 5:1-5—là tên riêng của thần El. Cuốn The Encyclopedia of Religion bình luận rằng có thể “Đa-gan theo nghĩa nào đó đồng nhất hoặc đồng hóa với [thần El]”. Trong văn bản Ras Shamra, Ba-anh được gọi là con của Đa-gan, nhưng ý nghĩa của từ “con” ở đây không được biết một cách chắc chắn.

[Câu nổi bật nơi trang 25]

Những phát hiện khảo cổ tại Ugarit đã nâng cao sự hiểu biết của chúng ta về Kinh Thánh

[Bản đồ/​Các hình nơi trang 24, 25]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Đế Quốc Hittite vào thế kỷ 14 TCN

ĐỊA TRUNG HẢI

Ơ-phơ-rát

NÚI CASIUS (JEBEL EL-AGRA)

Ugarit (Ras Shamra)

Tell Sukas

Orontes

SYRIA

AI CẬP

[Nguồn tư liệu]

Tượng thần Ba-anh và cái cốc có hình đầu con thú: Musée du Louvre, Paris; tranh vẽ cung điện: © D. Héron-Hugé pour “Le Monde de la Bible”

[Hình nơi trang 25]

Tàn tích của hành lang dẫn vào lâu đài

[Hình nơi trang 26]

Một bài thơ huyền thoại Ugarit có thể cung cấp chi tiết về Xuất Ê-díp-tô Ký 23:19

[Nguồn tư liệu]

Musée du Louvre, Paris

[Các hình nơi trang 27]

Bia thần Ba-anh

Đĩa vàng miêu tả cảnh đi săn

Nắp hộp mỹ phẩm bằng ngà voi miêu tả nữ thần sinh sản

[Nguồn tư liệu]

Tất cả các hình: Musée du Louvre, Paris