Phước cho người nào có Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình
Tự truyện
Phước cho người nào có Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình
DO TOM DIDUR KỂ LẠI
Hội trường đã được thuê. Ước lượng sẽ có khoảng 300 người hiện diện tại hội nghị ở Porcupine Plains, Saskatchewan, Canada. Vào ngày Thứ Tư trời bắt đầu đổ tuyết, và đến ngày Thứ Sáu có một trận bão tuyết mù mịt đến nỗi không nhìn thấy gì. Nhiệt độ xuống tới -40°C. Chỉ có 28 người hiện diện kể cả một số trẻ em. Đây là hội nghị đầu tiên của tôi với tư cách là giám thị vòng quanh chỉ mới 25 tuổi và tôi lo lắng. Trước khi cho biết điều gì đã xảy ra, tôi xin kể lại làm thế nào tôi được đặc ân phụng sự đặc biệt này.
TÔI là người thứ bảy trong gia đình có tám anh em, toàn là trai. Anh cả là Bill, sau đó là Metro, John, Fred, Mike, và Alex. Tôi sinh năm 1925 và Wally là em út. Chúng tôi sống gần thị trấn Ukraina, Manitoba, nơi bố mẹ tôi, Michael và Anna Didur, có một trang trại nhỏ. Bố tôi làm việc trong ngành đường sắt, là người trông coi một đoạn đường ray. Vì căn nhà gỗ nhỏ ở khu hẻo lánh dọc đường ray không phải là nơi tốt để nuôi một gia đình đông đúc, nên chúng tôi ở lại trang trại. Bố tôi thường vắng nhà nên mẹ có trách nhiệm nuôi dưỡng chúng tôi. Đôi khi mẹ phải đến ở với bố một tuần hay lâu hơn nữa, nên mẹ muốn chúng tôi học nấu ăn, làm bánh và dọn dẹp nhà cửa. Và vì chúng tôi là tín đồ của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp, nên lúc chúng tôi còn bé mẹ đã dạy chúng tôi thuộc lòng những kinh cầu nguyện và tham gia những nghi thức khác.
Tiếp xúc với lẽ thật Kinh Thánh
Ước muốn hiểu biết Kinh Thánh đã nhen nhúm trong lòng tôi từ lúc còn trẻ. Một người láng giềng, là Nhân Chứng Giê-hô-va, thường thăm viếng gia đình chúng tôi để đọc những đoạn Kinh Thánh liên quan đến Nước Đức Chúa Trời, Ha-ma-ghê-đôn, và các ân phước trong thế giới mới. Mẹ tôi hoàn toàn không chú ý đến những gì anh ấy nói, nhưng thông điệp đã thu hút anh Mike và Alex. Thật vậy, những điều học được đã khiến hai anh ấy từ chối nhập ngũ trong thế chiến thứ hai vì cớ lương tâm. Sau đó anh Mike bị bỏ tù một thời gian ngắn trong khi anh Alex bị đưa đến trại lao động ở Ontario. Với thời gian, anh Fred và em Wally cũng chấp nhận lẽ thật. Tuy nhiên, ba anh lớn thì không. Mẹ tôi còn chống đối lẽ thật trong nhiều năm, nhưng sau này đã làm tất cả chúng tôi ngạc nhiên khi bà quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va. Mẹ tôi làm báp têm lúc 83 tuổi và qua đời lúc 96 tuổi. Bố tôi cũng có thiện cảm với lẽ thật trước khi qua đời.
Lúc 17 tuổi, tôi đến Winnipeg để tìm việc làm và để kết hợp với những người có thể giúp tôi học Kinh Thánh. Lúc đó Nhân Chứng Giê-hô-va bị cấm đoán, nhưng những buổi họp vẫn được tổ chức đều đặn. Tôi tham dự buổi họp đầu tiên tại một nhà riêng. Vì lớn lên trong đạo Công Giáo Hy Lạp, những gì tôi nghe lúc ban đầu rất lạ tai. Nhưng dần dần tôi hiểu tại sao sự sắp đặt về hàng giáo phẩm và giáo dân là trái với Kinh Thánh, và tại sao Đức Chúa Trời không chấp nhận khi hàng giáo phẩm ban phước cho nỗ lực chiến tranh. (Ê-sai 2:4; Ma-thi-ơ 23:8-10; Rô-ma 12:17, 18) Sống trong Địa Đàng trên đất có vẻ thực tế và hợp lý hơn là vĩnh viễn đi đến một nơi nào xa xôi.
Tin chắc đây là lẽ thật, tôi dâng mình cho Đức Giê-hô-va và báp têm vào năm 1942 ở Winnipeg. Năm 1943 Nhân Chứng Giê-hô-va ở Canada không còn bị cấm đoán, và công việc rao giảng trên đà tiến triển. Lẽ thật Kinh Thánh ngày càng tác động sâu đậm hơn trong lòng tôi. Tôi có đặc ân phụng sự với tư cách một tôi tớ trong hội thánh, tham gia những đợt cổ động buổi họp công cộng, và rao giảng ở những khu vực chưa được chỉ định. Tham dự những đại hội lớn ở Hoa Kỳ giúp tôi tiến bộ rất nhiều về thiêng liêng.
Phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều hơn
Năm 1950 tôi ghi danh làm người tiên phong, và tháng 12 năm đó, tôi được mời làm giám thị vòng quanh. Tôi có đặc ân được anh Charlie Hepworth, một người kinh nghiệm và trung thành, chính thức huấn luyện, ở gần Toronto. Trong tuần lễ chót của cuộc huấn luyện, tôi cũng có niềm vui được làm việc chung với anh tôi là Alex, người đang làm công việc vòng quanh ở Winnipeg.
Hội nghị vòng quanh đầu tiên, như được miêu tả ở trên, khắc sâu vào tâm trí của tôi. Đương nhiên là tôi lo lắng về kết quả. Nhưng anh giám thị địa hạt, Jack Nathan đã làm cho tất cả chúng tôi bận rộn và vui vẻ. Chúng tôi rút ngắn chương trình hội nghị với những người có phần tham gia hiện có mặt. Chúng tôi thay phiên nhau kể kinh nghiệm, thực tập lời trình bày trước cửa, chỉ cách viếng thăm lại, và trình diễn cách điều khiển cuộc học hỏi Kinh Thánh tại nhà. Chúng tôi hát bài hát Nước Trời. Thức ăn ê hề. Chúng tôi ăn bánh và uống cà phê hầu như mỗi hai tiếng. Một số ngủ trên băng ghế và trên bục, còn số khác ngủ trên sàn. Vào ngày Chủ Nhật, cơn bão dịu đi một chút và chúng tôi có 96 người hiện diện cho bài diễn văn công cộng. Kinh nghiệm này dạy tôi đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn.
Nhiệm vụ vòng quanh kế tiếp đưa tôi đến phía bắc tỉnh Alberta, British Columbia, và hạt
Yukon Territory, xứ có thể thấy mặt trời lúc nửa đêm. Di chuyển trên xa lộ gồ ghề—Alaska Highway—từ Dawson Creek, British Columbia, đến Whitehorse, Yukon (khoảng cách 1.477 cây số), và làm chứng trên đường đi đòi hỏi phải có sức chịu đựng và phải cẩn thận. Tuyết lở, đường dốc trơn trợt trong vùng núi, và tuyết bay mù mịt làm cho khó thấy đường thật sự là một trở ngại lớn.Tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy lẽ thật đã thâm nhập đến tận miền Viễn Bắc. Vào một dịp nọ, anh Walter Lewkowicz và tôi đến một căn nhà gỗ nhỏ bé giản dị gần Lower Post, British Columbia, dọc xa lộ Alaska Highway, gần biên giới Yukon Territory. Chúng tôi biết có người sống trong nhà gỗ này vì qua một cửa sổ nhỏ chúng tôi có thể thấy ánh sáng lung linh. Khi chúng tôi gõ cửa, lúc đó khoảng chín giờ tối. Có tiếng người đàn ông kêu lớn bảo chúng tôi vô, và chúng tôi bước vào. Thật ngạc nhiên khi thấy một ông cụ nằm dài trên giường, đang đọc tạp chí Tháp Canh! Cụ có số tạp chí còn mới hơn là số chúng tôi mời nhận. Cụ giải thích rằng cụ nhận thư từ bằng máy bay. Vì chúng tôi đã rời hội thánh hơn tám ngày nên lúc đó chúng tôi chưa có tạp chí mới nhất. Cụ tự giới thiệu là Fred Berg, và dù đã đặt mua tạp chí dài hạn vài năm nay, đây là lần đầu tiên Nhân Chứng Giê-hô-va đến thăm cụ. Cụ Fred ép chúng tôi ở lại đêm đó. Chúng tôi có cơ hội chia sẻ nhiều lẽ thật Kinh Thánh với cụ và sắp xếp cho những Nhân Chứng thường đi qua vùng này đến thăm cụ.
Trong vài năm, tôi đã phục vụ ba vòng quanh nhỏ. Những vòng quanh này trải dài từ Grande Prairie, Alberta, ở phía đông đến Kodiak, Alaska, ở phía tây, một khoảng cách hơn 3.500 cây số.
Một cách tuyệt diệu, tôi học được rằng ân điển của Đức Giê-hô-va dành cho mọi người, ở những nơi hẻo lánh cũng như bất cứ nơi nào khác, và thánh linh Ngài thúc đẩy lòng và trí những người có lòng hướng thiện để nhận được sự sống đời đời. Một người có lòng như thế là cụ Henry Lepine ở Dawson City, Yukon, hiện nay được gọi
là Dawson. Cụ Henry sống ở một vùng hẻo lánh. Thật ra, đã hơn 60 năm, cụ chưa hề rời khỏi vùng khai thác vàng. Tuy nhiên, thánh linh Đức Giê-hô-va thôi thúc ông lão 84 tuổi này đi hơn 1.600 cây số cho một lượt đi, đến Anchorage dự hội nghị vòng quanh, mặc dù cụ chưa bao giờ đi nhóm họp. Cụ hết sức thích thú chương trình và vui mừng khôn xiết về sự kết hợp. Sau khi trở về Dawson City, cụ Henry trung thành cho đến chết. Nhiều người biết cụ Henry thì thắc mắc, không hiểu điều gì đã thúc đẩy cụ già này đi một chuyến dài như thế. Sự hiếu kỳ này khiến một số người cao niên chấp nhận lẽ thật. Thế thì bằng cách gián tiếp, cụ Henry đã có cơ hội làm chứng tốt.Nhận ân điển của Đức Giê-hô-va
Vào năm 1955, tôi rất vui mừng nhận được lời mời tham dự khóa thứ 26 Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh. Sự huấn luyện này củng cố đức tin và giúp tôi đến gần Đức Giê-hô-va hơn. Khi tốt nghiệp, tôi được chỉ định tiếp tục làm công việc vòng quanh ở Canada.
Tôi phục vụ trong tỉnh Ontario khoảng một năm. Rồi tôi được chỉ định đi đến miền Bắc hùng vĩ. Tôi vẫn còn hình dung được những xa lộ đi qua những vùng đẹp như tranh, dọc theo những hồ nước trong veo, lóng lánh, và leo dốc lên những dãy núi có đỉnh phủ tuyết. Mùa hè, những thung lũng và đồng cỏ là một thảm hoa dại nhiều màu sắc trông rất ngoạn mục. Không khí thì trong lành còn nước thì tinh khiết. Gấu, chó sói, nai sừng tấm, tuần lộc caribu, và những thú rừng khác đi lang thang cách yên lành trong môi trường thiên nhiên của chúng.
Tuy nhiên, vùng Alaska có những thử thách của nó—không những thời tiết hay thay đổi mà khoảng cách lại rộng mênh mông nữa. Vòng quanh của tôi trải dài 3.200 cây số từ phía đông đến phía tây. Thời đó, không có sắp đặt để giám thị vòng quanh có xe hơi. Các anh em địa phương tình nguyện chở tôi đi từ hội thánh này đến hội thánh kia. Nhưng có lúc tôi phải đi quá giang với những người lái xe tải hay khách du lịch.
Một tình huống như thế đã xảy ra trên một đoạn đường Alaska Highway ở giữa ngã tư Tok Junction, Alaska, và Mile 1202, tức vùng Scotty Creek. Những văn phòng hải quan ở hai nơi này cách nhau khoảng 160 cây số. Tôi đi qua văn phòng hải quan Hoa Kỳ ở Tok và đi quá giang khoảng 50 cây số. Sau đó vì không có xe nào chạy qua nên tôi đi bộ hơn 40 cây số trong khoảng mười tiếng đồng hồ. Về sau tôi mới biết rằng chẳng bao lâu khi tôi đã đi qua hải quan, tất cả xe cộ bị chặn lại dọc đoạn xa lộ này bởi vì có tuyết lở cách đấy không xa. Đến nửa đêm, nhiệt độ xuống khoảng -23°C và tôi vẫn còn cách nơi trú ngụ gần nhất chừng 80 cây số. Tôi rất cần tìm một chỗ nghỉ.
Trong khi lê bước, tôi thấy một chiếc xe bị bỏ không bên lề đường, một phần xe ấy bị phủ tuyết. Tôi nghĩ, nếu vào được bên trong và ngủ trên ghế nệm, tôi có thể sống sót qua đêm đông lạnh lẽo. Tôi phủi tuyết đủ để mở cửa, nhưng bên trong đã bị lột sạch, chỉ còn khung xe thôi. Mừng thay, đi thêm một đoạn không xa, tôi tìm được một căn nhà gỗ nhỏ bỏ trống. Sau khi vất vả mở cửa để vào rồi nhen
lửa, tôi nghỉ ngơi được vài tiếng đồng hồ. Sáng hôm sau, tôi xin quá giang đến nhà trọ gần nhất, nơi tôi được cung cấp thức ăn cần thiết và băng bó cho những ngón tay rách nát của tôi.Đức Giê-hô-va làm cho lớn lên ở miền Bắc
Chuyến thăm đầu tiên ở Fairbanks làm tôi rất được khích lệ. Chúng tôi đạt thành quả tốt trong thánh chức, và khoảng 50 người tham dự diễn văn công cộng ngày Chủ Nhật đó. Chúng tôi họp trong căn nhà nhỏ của giáo sĩ, nơi anh chị Vernor và Lorraine Davis ở. Có người thò đầu ra từ nhà bếp, phòng ngủ và hành lang để nghe bài giảng. Qua sự hưởng ứng tích cực này, chúng tôi biết rằng một Phòng Nước Trời sẽ giúp cho công việc rao giảng ở Fairbanks được ổn định. Vậy, với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, chúng tôi mua một tòa nhà khá lớn, trước đây là một vũ trường, và chuyển nó đến một miếng đất thích hợp. Anh em đào một cái giếng, và lắp đặt những phòng tắm và một máy sưởi. Trong vòng một năm, tại Fairbanks có Phòng Nước Trời hoạt động. Sau khi xây thêm nhà bếp, phòng này được sử dụng cho một đại hội địa hạt vào năm 1958, với 330 người hiện diện.
Vào mùa hè năm 1960, tôi làm một cuộc hành trình bằng xe hơi đến trụ sở trung ương quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va tại New York để dự khóa bồi dưỡng cho tất cả giám thị lưu động ở Hoa Kỳ và Canada. Khi ở đó, Anh Nathan Knorr và những anh khác có trách nhiệm đã hỏi riêng tôi về khả năng mở một trụ sở chi nhánh tại Alaska. Vài tháng sau, chúng tôi vui mừng nghe rằng bắt đầu từ ngày mồng một tháng chín năm 1961, Alaska sẽ có một trụ sở chi nhánh riêng. Anh Andrew K. Wagner được chỉ định trông coi công việc ở chi nhánh. Anh và vợ anh, chị Vera, đã phục vụ ở Brooklyn 20 năm và cũng có kinh nghiệm trong công việc lưu động. Việc thiết lập trụ sở chi nhánh Alaska là một sự sắp đặt đáng quý, vì điều này giúp giám thị vòng quanh di chuyển ít hơn và cho phép anh tập trung nhiều hơn vào nhu cầu riêng của các hội thánh và những khu vực hẻo lánh.
Mùa hè năm 1962 là thời kỳ vui mừng ở miền Bắc. Chi nhánh Alaska được khánh thành, và có một đại hội địa hạt ở Juneau, Alaska. Những Phòng Nước Trời mới đã được xây cất tại Juneau và Whitehorse, Yukon, và một số nhóm mới ở nơi hẻo lánh cũng được lập.
Trở về Canada
Tôi đã trao đổi thư từ với chị Margareta Petras ở Canada trong nhiều năm. Reta, là tên người ta thường gọi chị, bắt đầu công việc tiên phong năm 1947, tốt nghiệp Trường Ga-la-át năm 1955, và làm tiên phong ở miền đông Canada. Tôi ngỏ lời cầu hôn và chị chấp thuận. Chúng tôi kết hôn ở Whitehorse tháng hai năm 1963. Mùa thu năm đó, tôi được chỉ định làm công việc vòng quanh ở miền tây Canada, và 25 năm kế tiếp chúng tôi có niềm vui phục vụ tại đấy.
Vì vấn đề sức khỏe, năm 1988 chúng tôi được chỉ định làm công việc tiên phong đặc biệt ở Winnipeg, Manitoba. Công việc này bao gồm việc trông coi một Phòng Hội Nghị khoảng năm năm. Chúng tôi vẫn cố hết sức tham gia công việc mang lại vui mừng này là đào tạo môn đồ. Trong công việc vòng quanh, chúng tôi bắt đầu nhiều cuộc học hỏi Kinh Thánh và để cho người khác điều khiển. Nhưng giờ đây, nhờ ân điển Đức Giê-hô-va, chúng tôi bắt đầu những cuộc học hỏi và có thêm niềm vui thấy học trò tiến đến sự dâng mình và báp têm.
Tôi tin chắc rằng phụng sự Đức Giê-hô-va là lối sống tốt nhất. Lối sống này đầy ý nghĩa và thỏa nguyện, mỗi ngày làm sâu đậm hơn tình yêu thương của chúng tôi đối với Đức Giê-hô-va. Đây là điều mang lại hạnh phúc thật. Bất cứ trách nhiệm thần quyền nào mà chúng tôi nhận, hoặc bất cứ nơi nào mà chúng tôi ở, chúng tôi đồng tâm tình với người viết thi thiên: “Phước cho dân nào có Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình!”—Thi-thiên 144:15.
[Hình nơi trang 24, 25]
Làm công việc vòng quanh
[Hình nơi trang 25]
Thăm viếng cụ Henry Lepine tại Dawson City. Tôi ở bên trái
[Hình nơi trang 26]
Phòng Nước Trời đầu tiên tại Anchorage
[Hình nơi trang 26]
Reta và tôi, năm 1998