Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Trau dồi nghệ thuật xử sự tế nhị

Trau dồi nghệ thuật xử sự tế nhị

Trau dồi nghệ thuật xử sự tế nhị

CHỊ Peggy thấy con trai mình nói với em trai một cách cay nghiệt. Chị hỏi: “Con có nghĩ đó là cách nói tốt nhất không? Hãy xem kìa, em con giận biết chừng nào!” Tại sao chị nói thế? Chị đang dạy con trai nghệ thuật xử sự tế nhị và biết quan tâm đến cảm xúc của người khác.

Sứ đồ Phao-lô khuyến khích người bạn trẻ của ông là Ti-mô-thê phải “tử-tế [hoặc “tế nhị”] với mọi người”. Làm thế, Ti-mô-thê sẽ không chà đạp cảm xúc của người khác. (2 Ti-mô-thê 2:24) Thế nào là tế nhị? Làm thế nào bạn có thể trau dồi khía cạnh này? Và làm thế nào bạn có thể giúp người khác trau dồi nghệ thuật này?

Thế nào là tế nhị?

Một từ điển định nghĩa tế nhị là “khả năng nhận thức tinh tế một tình huống và nói hoặc làm điều thích hợp hoặc tử tế nhất”. Một người tế nhị có thể cảm nhận cảm xúc của người khác và nhận biết lời nói hoặc hành động của mình tác động như thế nào đến họ. Nhưng làm thế không phải chỉ là một kỹ năng mà còn đòi hỏi ước muốn chân thật, tránh làm tổn thương người khác.

Trong lời tường thuật của Kinh Thánh về Ghê-ha-xi, tôi tớ của Ê-li-sê, chúng ta thấy một thí dụ về người thiếu tế nhị. Con trai một người đàn bà Su-nem vừa mới chết trên cánh tay bà, nên bà đến gặp Ê-li-sê nhằm tìm sự an ủi. Khi Ghê-ha-xi hỏi mọi sự có bình yên không thì bà đáp: “Bình-an”. Nhưng khi bà bước đến gần nhà tiên tri, “Ghê-ha-xi đến gần đặng xô nàng ra”. Trái lại, Ê-li-sê nói: “Hãy để mặc nàng; linh-hồn nàng đắng-cay”.—2 Các Vua 4:17-20, 25-27.

Tại sao Ghê-ha-xi lại hành động vô tâm và thiếu tế nhị đến thế? Đúng là bà ấy đã không bộc lộ cảm xúc khi Ghê-ha-xi hỏi. Nhưng không phải ai cũng thổ lộ cảm xúc với bất kỳ người nào. Dù vậy, cảm xúc của bà chắc chắn đã lộ ra qua cách nào đó. Dường như Ê-li-sê đã nhận ra, còn Ghê-ha-xi thì không, hoặc là ông cố ý làm ngơ. Sự việc này minh họa thích hợp một nguyên nhân thông thường gây ra hành vi thiếu tế nhị. Khi quá bận tâm với tầm quan trọng của việc đang làm, một người có thể dễ bỏ qua hoặc không quan tâm đến nhu cầu của những người mà anh ta tiếp xúc. Người này rất giống như người lái xe buýt, quá quan tâm đến việc chạy đúng giờ nên không ngừng lại để đón hành khách.

Để tránh xử sự thiếu tế nhị như Ghê-ha-xi, chúng ta nên cố gắng tử tế với người khác, vì chúng ta không biết họ thật sự có cảm xúc nào. Chúng ta nên luôn tinh ý để thấy những dấu hiệu bộc lộ cảm xúc của một người và đáp ứng bằng hành động hoặc lời nói tử tế. Làm thế nào bạn có thể trau dồi khả năng về phương diện này?

Hiểu biết cảm xúc của người khác

Chúa Giê-su xuất sắc trong việc nhận biết cảm xúc của người khác và biết đối xử một cách tử tế nhất. Một lần nọ, ngài đang ăn trong nhà của Si-môn người Pha-ri-si, một người đàn bà “xấu nết ở thành đó” tiến đến gần ngài. Như người đàn bà Su-nem, bà không nói một tiếng nào, nhưng có nhiều điều quan sát được. Bà “đem đến một bình ngọc trắng đựng đầy dầu thơm. Người đứng đằng sau, nơi chân Đức Chúa Jêsus, khóc, sa nước mắt trên chân Ngài, rồi lấy tóc mình mà chùi; lại hôn chân Ngài, và xức dầu thơm cho”. Chúa Giê-su hiểu trọn ý nghĩa của việc làm này. Và mặc dù Si-môn không nói gì cả, Chúa Giê-su đã có thể nhận biết ông ta đang nghĩ thầm rằng: “Nếu người nầy là đấng tiên-tri, chắc biết người đàn-bà rờ đến mình đó là ai, cùng biết ấy là người đàn-bà xấu nết”.—Lu-ca 7:37-39.

Bạn có thể tưởng tượng hậu quả tai hại đến mức nào không, nếu Chúa Giê-su đẩy bà ấy ra, hoặc nếu ngài nói với Si-môn: “Tên ngu dốt kia! Ngươi không thấy là bà ấy ăn năn sao?” Thay vì vậy, Chúa Giê-su tế nhị kể cho Si-môn nghe một minh họa về hai người đàn ông được tha nợ, một người được tha món nợ lớn và người kia một món nợ nhỏ hơn nhiều. Rồi Chúa Giê-su hỏi: “Trong hai người đó, ai yêu chủ nợ hơn?” Do đó, thay vì lên án Si-môn, Chúa Giê-su khen ngợi ông đã trả lời đúng. Rồi ngài tử tế giúp Si-môn nhận ra nhiều dấu hiệu cho thấy cảm nghĩ thật, cùng các biểu hiện về sự ăn năn của người đàn bà. Chúa Giê-su quay sang người đàn bà, tử tế nói rằng ngài hiểu cảm xúc của bà. Ngài cho biết tội lỗi của bà đã được tha và kế đó nói: “Đức-tin của ngươi đã cứu ngươi; hãy đi cho bình-an”. Những lời tế nhị ấy ắt hẳn đã củng cố quyết tâm của bà biết bao để làm điều phải! (Lu-ca 7:40-50) Chúa Giê-su đã thành công trong việc tỏ ra tế nhị bởi lẽ ngài quan sát cảm xúc của người khác và đáp ứng một cách trắc ẩn.

Như Chúa Giê-su đã giúp Si-môn, chúng ta cũng có thể học nhận ra những cảm xúc con người, một thứ ngôn ngữ không lời, đồng thời giúp người khác hiểu ngôn ngữ ấy. Những người rao giảng có kinh nghiệm đôi khi có thể dạy nghệ thuật này cho những người mới trong thánh chức tín đồ Đấng Christ. Sau khi chia sẻ tin mừng với người nào đó, họ có thể phân tích những dấu hiệu cho thấy cảm nghĩ của những người họ gặp. Có người nào nhút nhát, lộ vẻ hoài nghi, tỏ thái độ khó chịu hay bận rộn không? Để giúp chủ nhà, cách nào là tử tế nhất? Các trưởng lão cũng có thể trợ giúp những anh chị xử sự thiếu tế nhị, làm mếch lòng nhau. Hãy giúp mỗi người hiểu cảm xúc của người kia. Người ấy có cảm thấy bị chạm tự ái, không được ai đoái hoài hoặc bị hiểu lầm không? Làm thế nào lòng tử tế có thể làm người ấy cảm thấy vui hơn?

Các bậc cha mẹ nên giúp con cái vun trồng lòng trắc ẩn, bởi lẽ đức tính này sẽ thôi thúc các em xử sự tế nhị. Con trai của chị Peggy được nói đến ở đầu bài, thấy mặt em mình đỏ bừng, miệng phụng phịu, mắt đẫm lệ, thì cảm nhận được nỗi đau mà em mình phải chịu. Đúng như mẹ em đã hy vọng, em cảm thấy ân hận và nhất quyết thay đổi. Cả hai con trai chị Peggy tận dụng những kỹ năng học được trong thời thơ ấu, và nhiều năm sau đã trở thành những người đào tạo môn đồ và chăn chiên đắc lực trong hội thánh đạo Đấng Christ.

Hãy cho thấy rằng bạn là người hiểu biết

Tính tế nhị đặc biệt quan trọng khi bạn có điều phàn nàn với người nào đó. Bạn có thể dễ dàng làm tổn thương phẩm giá của người ấy. Điều luôn luôn thích hợp là khen ngợi trước một cách cụ thể. Thay vì chỉ trích, hãy tập trung vào việc giải quyết vấn đề. Hãy giải thích hành động của người ấy ảnh hưởng thế nào đến bạn và cho biết chính xác bạn muốn điều gì cần thay đổi. Kế đó hãy sẵn sàng lắng nghe. Có lẽ bạn đã hiểu lầm người ấy.

Người ta thích được cảm thấy bạn hiểu quan điểm của họ, cho dù bạn không đồng ý với quan điểm ấy. Chúa Giê-su nói một cách tế nhị, cho thấy ngài hiểu nỗi bận tâm của Ma-thê. Ngài nói: “Hỡi Ma-thê, Ma-thê, ngươi chịu khó và bối-rối về nhiều việc”. (Lu-ca 10:41) Tương tự, khi một người nói về khó khăn nào đó, thay vì đưa ra giải pháp trước khi nghe hết sự việc, một cách xử sự tế nhị cho thấy bạn hiểu biết là dùng lời lẽ riêng để lặp lại vấn đề hoặc lời phàn nàn. Đây là một cách tử tế cho thấy rằng bạn là người hiểu biết.

Hãy nhận biết điều không nên nói ra

Khi Ha-man lập mưu diệt người Do Thái, Hoàng Hậu Ê-xơ-tê muốn yêu cầu chồng giải trừ âm mưu ấy nên đã tế nhị sắp đặt sự việc để cho chồng bà có tâm trạng vui vẻ. Chỉ khi đó bà mới đề cập đến vấn đề tế nhị này. Nhưng chúng ta cũng có thể rút ra bài học bằng cách lưu ý những điều bà không nói ra. Bà đã tế nhị không nói đến phần trách nhiệm của chồng trong âm mưu thâm độc ấy.—Ê-xơ-tê 5:1-8; 7:1, 2; 8:5.

Tương tự như thế, khi thăm viếng người chồng chưa tin đạo của một chị tín đồ Đấng Christ, thay vì giảng Kinh Thánh ngay, sao bạn không bắt đầu bằng cách tế nhị hỏi về các sở thích của ông? Khi người lạ đến Phòng Nước Trời mà không ăn mặc trang trọng cho lắm, hoặc có người trở lại sau một thời gian dài vắng mặt, hãy chào đón nồng hậu thay vì đề cập đến quần áo hoặc việc người ấy vắng mặt. Và khi thấy người mới chú ý có một quan điểm sai lầm, tốt hơn hết là không nên sửa ngay lập tức. (Giăng 16:12) Tế nhị bao gồm việc tỏ ra tử tế nhận biết những điều không nên nói ra.

Những ngôn từ có tính cách hàn gắn

Trau dồi nghệ thuật nói năng tế nhị sẽ giúp bạn có mối quan hệ hòa thuận với người khác, ngay cả khi người nào đó hiểu lầm động lực của bạn, nên hờn giận và cay đắng. Thí dụ, khi người Ép-ra-im ‘cãi cùng Ghê-đê-ôn cách dữ-dội’, ông trả lời tế nhị, ngoài ra còn giải thích rõ ràng sự việc thật sự đã diễn ra như thế nào, và đánh giá trung thực những thành quả mà người Ép-ra-im đã đạt được. Hành động này tế nhị bởi lẽ ông nhận thức vì sao họ giận dữ, và lòng khiêm tốn của ông làm họ cảm thấy tốt hơn.—Các Quan Xét 8:1-3; Châm-ngôn 16:24.

Hãy luôn cố gắng xét xem lời ăn tiếng nói của bạn ảnh hưởng thế nào đến người khác. Cố gắng xử sự tế nhị sẽ giúp bạn cảm nghiệm sự vui mừng được diễn tả nơi Châm-ngôn 15:23: “Miệng hay đáp giỏi khiến người vui-vẻ; và lời nói phải thì lấy làm tốt biết bao!”

[Hình nơi trang 31]

Những người rao giảng có kinh nghiệm có thể dạy những người mới biết cách xử sự tế nhị

[Hình nơi trang 31]

Cha mẹ có thể dạy con cái phát triển lòng thấu cảm đối với người khác