Một số được tiếng là người thế nào?
Một số được tiếng là người thế nào?
CÁCH đây khoảng ba ngàn năm, Đa-vít chạy trốn trước sự săn đuổi của Sau-lơ, vua nước Y-sơ-ra-ên. Để xin nước và thức ăn, Đa-vít cho người đến gặp Na-banh, một người giàu có, chủ một bầy chiên và dê. Thật ra, Na-banh mắc nợ Đa-vít và các thuộc hạ của ông vì họ bảo vệ bầy gia súc của Na-banh. Tuy nhiên, Na-banh từ chối, không biểu lộ lòng hiếu khách. Thậm chí, ông ta còn mắng chửi người của Đa-vít. Na-banh đang đùa với lửa, vì Đa-vít không để người khác xem thường.—1 Sa-mu-ên 25:5, 8, 10, 11, 14.
Thái độ của Na-banh không phù hợp với truyền thống hiếu khách của miền Trung Đông đối với người lạ. Vậy Na-banh tự tạo cho mình loại tiếng tăm nào? Kinh Thánh nói rằng ông ta “cứng-cỏi hung-ác” và “dữ [“tên vô lại”, Tòa Tổng Giám Mục]”. Tên ông ta có nghĩa là “sự điên-dại”, và chắc chắn tên ông thế nào thì tính tình ông thế ấy. (1 Sa-mu-ên 25:3, 17, 25) Bạn có muốn được tiếng như thế không? Bạn có cay nghiệt và thiếu nhân nhượng trong quan hệ đối xử không, nhất là khi người khác có vẻ yếu thế? Hoặc bạn là người tử tế, hiếu khách và ân cần?
A-bi-ga-in—Một người đàn bà tế nhị
Thái độ cay nghiệt của Na-banh đưa đến hậu quả là ông ta lâm vào cảnh khó khăn. Đa-vít và 400 người của ông đeo gươm và đi lên để dạy Na-banh một bài học. A-bi-ga-in, vợ của Na-banh, nghe nói về những điều đã xảy ra. Bà biết rằng sẽ có cuộc xô xát. Bà có thể làm gì? Bà vội vã sửa soạn thật nhiều thực phẩm và đồ tiếp tế, rồi đi ra đón đường Đa-vít và đoàn người của ông. Khi gặp họ, bà nài xin Đa-vít đừng làm đổ máu vô cớ. Lòng Đa-vít dịu đi. Ông nghe lời nài xin và nguôi giận. Ít lâu sau, Na-banh chết. Nhận ra những đức tính đáng khen của A-bi-ga-in, Đa-vít cưới bà làm vợ.—1 Sa-mu-ên 25:14-42.
A-bi-ga-in đã tạo cho mình loại tiếng tăm nào? Bà là người “thông-minh”. Hiển nhiên bà là người biết điều, có óc thực tế và biết phải hành động khi nào và như thế nào. Bà đã trung thành hành động để che chở cho người chồng ngu xuẩn và cả gia đình khỏi tai họa. Cuối cùng bà chết đi, nhưng có tiếng xuất sắc là người đàn bà tế nhị.—1 Sa-mu-ên 25:3.
Phi-e-rơ đã để lại thành tích gì?
Chúng ta hãy tiến theo dòng thời gian vào thế kỷ thứ nhất CN và xem xét 12 sứ đồ của Chúa Giê-su. Chắc chắn một trong những người hay phát biểu và hành động hấp tấp nhất là Phi-e-rơ, tức Sê-pha, nguyên là người đánh cá ở Ga-li-lê. Xem chừng ông
là người năng động, không ngại ngùng phát biểu cảm nghĩ của mình. Thí dụ, có một lần Chúa Giê-su rửa chân các môn đồ. Phi-e-rơ đã phản ứng ra sao khi đến phiên ông được rửa chân?Phi-e-rơ nói với Chúa Giê-su: “Chúa ôi, chính Chúa lại rửa chân cho tôi sao!” Chúa Giê-su đáp: “Hiện nay ngươi chẳng biết sự ta làm; nhưng về sau sẽ biết”. Phi-e-rơ thưa rằng: “Chúa sẽ chẳng rửa chân tôi bao giờ!” Hãy lưu ý phản ứng mạnh mẽ nhưng hấp tấp của Phi-e-rơ. Chúa Giê-su đáp như thế nào?
Ngài nói: “Nếu ta không rửa cho ngươi, ngươi chẳng có phần chi với ta hết”. Si-môn Phi-e-rơ thưa rằng: “Lạy Chúa, chẳng những rửa chân mà thôi, lại cũng rửa tay và đầu nữa!” Giờ đây Phi-e-rơ lại có thái độ cực đoan khác! Nhưng ta luôn luôn biết lập trường dứt khoát của Phi-e-rơ. Ông không có thái độ mập mờ hoặc nửa nọ nửa kia.—Giăng 13:6-9.
Người ta cũng nhớ đến Phi-e-rơ có những khuyết điểm thông thường của con người. Thí dụ, ông chối Đấng Christ ba lần trước mặt những người tố cáo ông là môn đồ của Chúa Giê-su người Na-xa-rét, lúc đó ngài đang bị kết án. Khi nhận ra lỗi lầm, Phi-e-rơ đã khóc một cách đắng cay. Ông không sợ bộc lộ sự buồn rầu và ân hận. Một điều cũng đáng lưu ý là những người viết sách Phúc Âm đã ghi lại việc Phi-e-rơ chối Chúa Giê-su—chắc hẳn họ đã sử dụng những thông tin mà chính Phi-e-rơ đã cung cấp! Ông đã khiêm nhường nhận khuyết điểm của mình. Bạn có đức tính đó Ma-thi-ơ 26:69-75; Mác 14:66-72; Lu-ca 22:54-62; Giăng 18:15-18, 25-27.
không?—Vài tuần lễ sau khi chối Đấng Christ, Phi-e-rơ được đầy thánh linh, mạnh dạn giảng cho một đám đông người Do Thái vào Lễ Ngũ Tuần. Đây là dấu hiệu chắc chắn, cho thấy Chúa Giê-su vẫn tin tưởng ông khi ngài sống lại.—Công-vụ 2:14-21.
Một dịp khác, Phi-e-rơ sa vào một bẫy khác. Sứ đồ Phao-lô giải thích rằng trước khi vài anh em người Do Thái đến thành An-ti-ốt, Phi-e-rơ công khai hòa mình với những tín hữu người ngoại. Nhưng khi họ vừa đến từ thành Giê-ru-sa-lem, ông đứng riêng ra “bởi sợ những kẻ chịu phép cắt-bì”. Phao-lô đã vạch rõ tiêu chuẩn hai mặt của Phi-e-rơ.—Ga-la-ti 2:11-14.
Tuy vậy, ai là người đã lên tiếng trong tình huống nghiêm trọng, khi dường như nhiều người trong số môn đồ của Chúa Giê-su sắp bỏ ngài? Đó là khi Chúa Giê-su cho biết một điều mới, liên quan đến ý nghĩa của việc ăn thịt và uống máu ngài. Chúa Giê-su nói: “Nếu các ngươi không ăn thịt của Con người, cùng không uống huyết Ngài, thì chẳng có sự sống trong các ngươi đâu”. Đa số những người Do Thái theo Chúa Giê-su bị vấp phạm và nói: “Lời nầy thật khó; ai nghe được?” Điều gì xảy ra sau đó? “Có nhiều môn-đồ Ngài trở lui, không đi với Ngài nữa”.—Giăng 6:50-66.
Vào lúc quyết định này, Chúa Giê-su quay sang 12 sứ đồ và hỏi một cách tinh tế: “Còn các ngươi, cũng muốn lui chăng?” Phi-e-rơ đáp: “Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời; chúng tôi đã tin, và nhận biết rằng Chúa là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời”.—Giăng 6:67-69.
Phi-e-rơ đã tạo cho mình loại tiếng tăm nào? Ai đọc lời tường thuật về Phi-e-rơ, cũng phải cảm phục ông về cá tính thật thà, thẳng thắn, lòng trung thành và sẵn sàng nhìn nhận khuyết điểm. Ông đã tạo cho mình một tiếng tốt biết bao!
Người ta nhớ gì về Chúa Giê-su?
Thánh chức của Chúa Giê-su trên đất chỉ kéo dài ba năm rưỡi. Tuy vậy, các môn đồ nhớ ngài là người thế nào? Vì ngài hoàn toàn và vô tội, ngài có xa cách và lạnh lùng không? Ngài có hống hách vì biết mình là Con Đức Chúa Trời không? Ngài có dọa nạt và cưỡng ép môn đồ phải phục tùng không? Ngài có xem mình quá quan trọng đến nỗi không biết khôi hài không? Ngài có bận rộn đến nỗi không còn thì giờ cho người yếu đuối, bệnh tật hoặc cho trẻ em không? Ngài có như những người đàn ông đương thời, khinh thường phụ nữ và những người khác chủng tộc không? Kinh Thánh cho chúng ta biết gì về Chúa Giê-su?
Chúa Giê-su quan tâm đến người ta. Tìm hiểu thánh chức của ngài, chúng ta thấy rằng nhiều lần ngài đã chữa lành người què và người bệnh. Ngài hết sức giúp đỡ người thiếu thốn. Ngài tỏ ra chú ý đến trẻ em, phán dặn các môn đồ: “Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó”. Rồi Chúa Giê-su “bồng những đứa trẻ ấy, đặt tay trên chúng nó mà chúc phước cho”. Bạn có dành thời giờ cho trẻ em không, hay bạn quá bận rộn, thậm chí không lưu ý đến sự có mặt của chúng?—Mác 10:13-16; Ma-thi-ơ 19:13-15.
Khi Chúa Giê-su ở trên đất, dân Do Thái oằn lưng vì những luật lệ tôn giáo vượt ra ngoài khuôn khổ của Luật Pháp. Cấp lãnh đạo tôn giáo đặt gánh nặng trên vai người ta, trong khi chính họ lại không động ngón tay vào. (Ma-thi-ơ 23:4; Lu-ca 11:46) Vì vậy, Chúa Giê-su khác hẳn biết bao! Ngài nói: “Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ [“nghỉ ngơi lại sức”, Nguyễn Thế Thuấn]”.—Ma-thi-ơ 11:28-30.
Người ta được nghỉ ngơi lại sức khi kết hợp với Chúa Giê-su. Ngài không làm các môn đồ sợ phát biểu cảm nghĩ. Thực ra, ngài đặt câu hỏi để khuyến khích họ nói ra. (Mác 8:27-29) Các giám thị tín đồ Đấng Christ nên tự hỏi: ‘Tôi có làm tương tự như thế với anh em đồng đức tin không? Các trưởng lão khác có nói cho tôi biết họ thật sự nghĩ gì, hay họ ngần ngại không nói?’ Thật sảng khoái biết bao khi các giám thị dễ đến gần, lắng nghe người khác và linh động! Tính không biết điều cản trở sự thảo luận thẳng thắn và cởi mở.
Mặc dù Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời, ngài không hề lạm dụng quyền hành hay thế lực. Trái lại, ngài lý luận với người nghe. Chẳng hạn, có lần người Pha-ri-si cố bẫy ngài bằng câu hỏi xảo quyệt: “Có nên nộp thuế cho Sê-sa hay không?” Chúa Giê-su bảo họ đưa cho ngài xem một đồng tiền và hỏi: “Hình và hiệu nầy của ai?” Họ đáp: “Của Sê-sa”. Ngài bèn phán rằng: “Hãy trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa; và trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời”. (Ma-thi-ơ 22:15-21) Lý luận hợp lý, đơn giản đã đủ trả lời câu hỏi.
Chúa Giê-su có tính khôi hài không? Một số người đọc có thể cảm nhận một chút khôi hài khi đọc đoạn văn trong đó Chúa Giê-su nói rằng con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu vào Nước Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 19:23, 24) Chính ý tưởng về con lạc đà cố chui qua lỗ kim thật, có tính cường điệu. Một thí dụ khác về phép ngoa dụ như thế là việc thấy cái rác trong mắt anh em mình nhưng không thấy cây đà trong mắt mình. (Lu-ca 6:41, 42) Không, Chúa Giê-su không phải là người nghiêm khắc. Ngài nồng hậu và thân thiện. Với tín đồ Đấng Christ ngày nay, tính khôi hài có thể làm tan biến sự u ám trong thời buổi căng thẳng.
Lòng trắc ẩn của Chúa Giê-su đối với phụ nữ
Phụ nữ cảm thấy thế nào khi có mặt Chúa Giê-su? Chắc chắn ngài có nhiều nữ môn đồ trung thành, kể cả chính mẹ ngài là Ma-ri. (Lu-ca 8:1-3; 23:55, 56; 24:9, 10) Phụ nữ cảm thấy thoải mái đến gần Chúa Giê-su đến độ một lần nọ, có người đàn bà “xấu nết” rửa chân ngài bằng nước mắt của bà và xức dầu thơm lên chân ngài. (Lu-ca 7:37, 38) Một người đàn bà khác mắc bệnh băng huyết nhiều năm, vượt lên trước đám đông, sờ vào áo ngài để được chữa lành. Chúa Giê-su khen đức tin của bà. (Ma-thi-ơ 9:20-22) Đúng, phụ nữ thấy dễ đến gần Chúa Giê-su.
Một dịp khác, Chúa Giê-su nói với người đàn bà Sa-ma-ri nơi giếng nước. Rất ngạc nhiên, bà nói: “Ủa kìa! ông là người Giu-đa, mà lại xin uống nước cùng tôi, là một người đàn-bà Sa-ma-ri sao?” Bạn nên biết, người Do Thái không giao thiệp với người Sa-ma-ri. Kế đó, Chúa Giê-su dạy bà lẽ thật tuyệt diệu về ‘nước văng ra, ban cho sự sống đời đời’. Ngài nói chuyện một cách tự nhiên trước phụ nữ. Ngài không cảm thấy địa vị bị đe dọa.—Giăng 4:7-15.
1 Cô-rinh-tô 13:4-8; 1 Phi-e-rơ 2:21.
Người ta nhớ đến Chúa Giê-su có nhiều đức tính nhân hậu, kể cả tinh thần tự hy sinh. Ngài là hiện thân tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su lập tiêu chuẩn cho tất cả những ai muốn làm môn đồ ngài. Vậy bạn theo gương ngài sát đến mức nào?—Tín đồ Đấng Christ thời nay được tiếng gì?
Trong thời hiện đại, hàng ngàn tín đồ Đấng Christ trung thành đã chết đi, nhiều người qua đời lúc tuổi già, những người khác lúc tương đối còn trẻ. Nhưng họ đã để lại tiếng tốt. Một số người giống như chị Crystal là người đã mất lúc tuổi già; họ được tiếng là người yêu thương nồng hậu và có bản tính thích kết giao. Những người khác lại như anh Dirk là người đã mất lúc 43 tuổi, được tiếng là người có tính tình vui vẻ và tinh thần sẵn sàng giúp đỡ.
Lại cũng có những người như anh José ở Tây Ban Nha. Vào thập niên 1960, khi công việc rao giảng của Nhân Chứng Giê-hô-va bị cấm đoán, anh José đã lập gia đình và có ba người con gái trẻ. Anh có việc làm ổn định ở Barcelona. Nhưng lúc đó, miền nam Tây Ban Nha cần những trưởng lão tín đồ Đấng Christ thành thục. Anh José bỏ việc làm vững chắc và cùng gia đình dọn đến Málaga. Họ phải trải qua những thời kỳ khó khăn về kinh tế, thường không có việc làm.
Tuy nhiên, anh José được tiếng là người gương mẫu trung thành, đáng tin cậy trong thánh chức. Anh cũng gương mẫu trong việc dưỡng dục các con gái anh; việc này anh thực hiện được nhờ có sự trợ giúp của vợ là Carmela. Khi cần người tổ chức những đại hội của đạo Đấng Christ trong vùng, anh José luôn luôn tình nguyện. Buồn thay, khi tuổi ngoài ngũ tuần, anh mắc bệnh nặng và qua đời. Tuy nhiên, anh để lại tiếng tăm là một trưởng lão làm việc chăm chỉ, đáng tin cậy đồng thời là người chồng và cha yêu thương.
Vậy bạn sẽ được tiếng là người thế nào? Giả sử bạn qua đời hôm qua, người ta sẽ nói gì về bạn hôm nay? Đây là câu hỏi có thể thúc đẩy tất cả chúng ta cải thiện cách cư xử.
Chúng ta có thể làm gì để tạo tiếng tốt? Chúng ta luôn luôn có thể tiến bộ trong việc biểu lộ bông trái của thánh linh—lòng yêu thương, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, tiết độ cùng những đức tính khác. (Ga-la-ti 5:22, 23) Đúng vậy, “tiếng tốt danh thơm thì hơn dầu quý, và ngày chết hơn ngày sinh”.—Truyền-đạo 7:1, TTGM; Ma-thi-ơ 7:12.
[Hình nơi trang 5]
A-bi-ga-in được tiếng là tế nhị
[Hình nơi trang 7]
Phi-e-rơ có tiếng là hấp tấp song có cá tính chân thật
[Hình nơi trang 8]
Chúa Giê-su dành thì giờ cho trẻ em