Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va luôn chăm sóc chúng ta

Đức Giê-hô-va luôn chăm sóc chúng ta

Tự truyện

Đức Giê-hô-va luôn chăm sóc chúng ta

DO ENELESI MZANGA KỂ LẠI

Đó là năm 1972. Mười thanh niên, thành viên của Đoàn Thanh Niên Malawi, xông vào nhà, tóm lấy và lôi tôi ra cánh đồng mía gần đó. Họ đánh đập tôi, và vì nghĩ rằng tôi đã chết nên họ bỏ đi.

Nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va ở Malawi phải chịu những cuộc tấn công tàn bạo như thế này. Tại sao họ lại bị ngược đãi? Điều gì đã giúp họ chịu đựng? Hãy để tôi thuật lại câu chuyện của gia đình tôi.

TÔI sinh vào ngày 31-12-1921 trong một gia đình sùng đạo. Cha tôi là mục sư của Giáo Hội Trưởng Lão ở miền Trung Phi. Tôi lớn lên ở Nkhoma, một thị trấn nhỏ gần Lilongwe, thủ đô của Malawi. Năm tôi 15 tuổi, tôi trở thành vợ của anh Emmas Mzanga.

Ngày nọ, một người bạn của cha tôi, cũng là mục sư, đến viếng thăm chúng tôi. Ông để ý thấy Nhân Chứng Giê-hô-va sống gần nhà của chúng tôi và cảnh báo chúng tôi không nên dính dáng với họ. Ông ấy nói rằng Nhân Chứng là những người bị quỉ ám và nếu không cẩn thận, chúng tôi cũng có thể bị quỉ ám. Lời cảnh báo đó khiến chúng tôi sợ vô cùng, đến nỗi phải dọn sang làng khác, nơi mà anh Emmas tìm được việc làm là trông coi một cửa hiệu. Nhưng chẳng bao lâu, chúng tôi khám phá rằng căn nhà mới cũng tình cờ ở gần Nhân Chứng Giê-hô-va!

Tuy nhiên, sau đó không lâu, lòng yêu mến sâu đậm của anh Emmas đối với Kinh Thánh đã thôi thúc anh nói chuyện với một Nhân Chứng. Sau khi nhận được những lời giải đáp có sức thuyết phục cho nhiều thắc mắc của mình, anh Emmas chấp nhận lời mời học Kinh Thánh với anh Nhân Chứng. Lúc đầu, cuộc học hỏi Kinh Thánh được điều khiển tại cửa tiệm, nơi anh làm việc, nhưng sau này tổ chức tại nhà chúng tôi hàng tuần. Mỗi lần Nhân Chứng Giê-hô-va đến, tôi đi ra khỏi nhà vì sợ họ. Tuy thế, anh Emmas vẫn tiếp tục học hỏi Kinh Thánh. Sau khi bắt đầu học khoảng sáu tháng, anh làm báp têm vào tháng 4 năm 1951. Tuy nhiên, anh giấu tôi, vì lo ngại tin này sẽ làm cuộc hôn nhân của chúng tôi tan vỡ.

Những tuần lễ khó khăn

Nhưng một ngày nọ, bạn tôi là Ellen Kadzalero cho biết chồng tôi đã làm báp têm để trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Tôi giận điên lên! Kể từ ngày đó, tôi không nói chuyện và cũng không chuẩn bị bữa ăn cho anh. Tôi cũng không lấy nước và đun nước cho anh tắm—theo phong tục chúng tôi, đó là bổn phận người vợ.

Sau khi nhịn nhục chịu sự đối xử này trong ba tuần, anh Emmas tử tế mời tôi ngồi xuống nói chuyện với anh, và cho biết tại sao anh quyết định trở thành Nhân Chứng. Anh đọc và giải thích một số câu Kinh Thánh, chẳng hạn như 1 Cô-rinh-tô 9:16. Tôi xúc động sâu xa và cảm thấy rằng mình cũng cần tham gia việc rao giảng tin mừng. Vì thế tôi quyết định bắt đầu học hỏi Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Ngay buổi tối đó, tôi đã nấu cho người chồng yêu quý của tôi một bữa ăn ngon, điều này làm anh rất vui lòng.

Chia sẻ lẽ thật với gia đình và bạn bè

Khi cha mẹ biết chúng tôi kết hợp với Nhân Chứng Giê-hô-va, họ chống đối gay gắt. Gia đình tôi viết một lá thư bảo chúng tôi đừng bao giờ về thăm họ nữa. Phản ứng này đã làm chúng tôi buồn, nhưng chúng tôi tin cậy nơi lời hứa của Chúa Giê-su là chúng tôi sẽ có nhiều anh chị em và cha mẹ thiêng liêng.—Ma-thi-ơ 19:29.

Tôi tiến bộ nhanh chóng trong việc học Kinh Thánh và làm báp têm vào tháng 8 năm 1951, chỉ sau chồng tôi ba tháng rưỡi. Tôi cảm thấy thôi thúc phải chia sẻ lẽ thật với người bạn là Ellen. Vui mừng thay, cô ấy chấp nhận lời tôi mời học Kinh Thánh. Tháng 5 năm 1952, Ellen làm báp têm và trở thành chị em thiêng liêng của tôi, điều này làm vững mạnh thêm tình bạn của chúng tôi. Ngày nay, chúng tôi vẫn là bạn thân thiết nhất.

Năm 1954, anh Emmas được bổ nhiệm đến thăm các hội thánh với tư cách là giám thị vòng quanh. Lúc bấy giờ, chúng tôi đã có sáu con. Thời ấy, giám thị lưu động nào có gia đình, sau một tuần viếng thăm hội thánh thì được ở nhà một tuần với vợ con. Tuy nhiên, trước khi đi anh Emmas luôn luôn lo sao cho tôi hướng dẫn buổi học Kinh Thánh của gia đình. Chúng tôi cố gắng làm cho buổi học với các con được thú vị. Chúng tôi cũng nói với lòng tin quyết chân thành về tình yêu thương của chúng tôi đối với Đức Giê-hô-va và với lẽ thật từ Lời Ngài. Cả gia đình cùng tham gia công việc rao giảng. Chương trình rèn luyện thiêng liêng này đã củng cố đức tin của các con tôi và giúp các cháu chuẩn bị đương đầu với sự bắt bớ sắp tới.

Sự bắt bớ vì tôn giáo bắt đầu

Năm 1964, Malawi trở thành một quốc gia độc lập. Khi những viên chức thuộc đảng đang cầm quyền biết lập trường trung lập về chính trị của chúng tôi, họ cố ép chúng tôi mua thẻ đảng. * Vì anh Emmas và tôi từ chối điều đó, những thành viên của Đoàn Thanh Niên đã phá hủy cánh đồng bắp—nguồn lương thực chính của chúng tôi cho năm tới. Trong khi các thành viên của Đoàn Thanh Niên chặt đổ những cây bắp, chúng hát: “Tất cả những ai từ chối mua thẻ của Kamazu [Tổng thống Banda], những cây bắp xanh của chúng sẽ bị mối mọt ăn và chúng sẽ khóc lóc”. Thế nhưng, bất chấp sự mất mát về lương thực này, chúng tôi đã không tuyệt vọng. Chúng tôi cảm nhận được sự chăm sóc của Đức Giê-hô-va. Ngài yêu thương làm chúng tôi vững mạnh.—Phi-líp 4:12, 13.

Vào một đêm khuya tháng 8 năm 1964, tôi ở nhà một mình với các con. Chúng tôi đang ngủ, nhưng tiếng hát từ xa đã đánh thức tôi. Đó là nhóm Gulewamkulu, một hội kín đáng sợ gồm những người nhảy múa theo điệu vũ bộ lạc, thường tấn công người ta và giả vờ là những linh hồn của tổ tiên. Đoàn Thanh Niên đã sai nhóm Gulewamkulu đến tấn công chúng tôi. Tôi nhanh chóng đánh thức các con, và trước khi những người tấn công ập vào nhà, chúng tôi đã chạy trốn vào rừng.

Từ chỗ núp, chúng tôi thấy ánh lửa rực lên. Nhóm Gulewamkulu đã đốt căn nhà có mái lợp cỏ của chúng tôi. Căn nhà, cùng tất cả tài sản bị thiêu rụi. Khi bọn tấn công bỏ đi khỏi đống đổ nát còn cháy âm ỉ, chúng tôi nghe chúng bảo nhau: “Bọn mình đã nhóm lên một ngọn lửa thật tuyệt để thằng cha Nhân Chứng đó sưởi ấm”. Cảm tạ Đức Giê-hô-va biết bao vì chúng tôi đã chạy thoát an toàn! Thật vậy, họ đã hủy phá tất cả tài sản, nhưng không hủy phá được lòng quyết tâm của chúng tôi là đặt tin cậy nơi Đức Giê-hô-va thay vì loài người.—Thi-thiên 118:8.

Chúng tôi hay rằng bọn Gulewamkulu cũng đã làm chuyện kinh khủng tương tự cho năm gia đình Nhân Chứng Giê-hô-va trong vùng. Chúng tôi vui mừng và cảm tạ xiết bao khi anh em từ những hội thánh lân cận đến cứu giúp! Họ xây lại nhà và cung cấp lương thực cho chúng tôi trong vài tuần lễ.

Sự bắt bớ ngày càng dữ dội

Tháng 9 năm 1967, trong nước diễn ra một chiến dịch dùng vũ lực gom tất cả Nhân Chứng Giê-hô-va. Để tìm chúng tôi, những thanh niên tàn nhẫn và dã man—thành viên của Đoàn Thanh Niên và Thanh Niên Tiền Phong Malawi, vũ trang bằng dao rựa—đi lục soát từng nhà để tìm bắt Nhân Chứng. Khi tìm thấy Nhân Chứng, họ mời mua thẻ đảng.

Khi đến nhà, họ hỏi chúng tôi có thẻ đảng không. Tôi đáp: “Không. Tôi chưa mua. Bây giờ tôi không mua, và trong tương lai tôi cũng sẽ không mua”. Rồi họ tóm lấy tôi và chồng tôi, dẫn chúng tôi đến đồn cảnh sát địa phương, không cho chúng tôi cơ hội mang theo bất cứ vật gì. Khi các con nhỏ của chúng tôi từ trường về nhà, các cháu không thấy chúng tôi và rất lo lắng. Mừng thay, không lâu sau đó, con trai lớn của chúng tôi là Daniel về đến nhà và nghe người hàng xóm kể lại điều gì đã xảy ra. Ngay lập tức, Daniel dẫn các em đến đồn cảnh sát. Các cháu đến vừa đúng lúc cảnh sát đẩy chúng tôi lên các xe tải để chở đến Lilongwe. Các cháu cũng đi theo.

Tại Lilongwe, họ mở một phiên tòa chiếu lệ để xử chúng tôi tại sở chỉ huy cảnh sát. Các sĩ quan hỏi chúng tôi: “Chúng mày sẽ tiếp tục là Nhân Chứng Giê-hô-va à?” Chúng tôi đáp: “Vâng!” dẫu cho câu trả lời này tất nhiên có nghĩa là lãnh bản án bảy năm tù. Còn những ai bị cho là người “lãnh đạo” tổ chức, bản án là 14 năm.

Sau một đêm bị bỏ đói và không được nghỉ ngơi, cảnh sát giải chúng tôi đến nhà tù Maula. Ở đấy xà lim chật ních đến độ chúng tôi không tìm được một chỗ trên sàn để ngủ. Phương tiện vệ sinh cho mỗi xà lim chật ních người chỉ gồm một cái thùng. Khẩu phần thì đạm bạc và không được nấu nướng kỹ. Sau hai tuần, các viên chức coi ngục nhận thấy chúng tôi là những người hiền hòa nên cho phép sử dụng sân tập thể dục ngoài trời của nhà tù. Vì có nhiều anh em ở đây, hàng ngày chúng tôi có cơ hội để khuyến khích lẫn nhau và làm chứng tốt cho những tù nhân khác. Thật ngạc nhiên, sau khi bị cầm tù khoảng ba tháng, chúng tôi được thả ra vì quốc tế gây sức ép với chính quyền Malawi.

Nhân viên cảnh sát thúc giục chúng tôi trở về nhà, nhưng họ cũng cho biết là Nhân Chứng Giê-hô-va bị cấm đoán ở Malawi. Sự cấm đoán này kéo dài từ 20-10-1967 đến 12-8-1993—gần 26 năm. Đó là những năm khó khăn, nhưng với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, chúng tôi đã có thể giữ sự trung lập triệt để.

Bị săn đuổi như những con thú

Tháng 10 năm 1972, chính phủ ra lệnh mở một đợt bắt bớ dữ dội mới. Sắc lệnh chỉ thị rằng tất cả Nhân Chứng Giê-hô-va bị sa thải và các Nhân Chứng đang sống ở làng quê đều bị đuổi ra khỏi nhà. Nhân Chứng bị săn đuổi như những con thú.

Vào lúc đó, một anh Nhân Chứng trẻ đến nhà chúng tôi với một tin khẩn cho anh Emmas, ‘Đoàn Thanh Niên đang âm mưu chặt đầu anh, bêu đầu anh trên một cây sào, và mang đến cho những người đứng đầu ở địa phương’. Anh Emmas nhanh chóng rời khỏi nhà sau khi đã sắp đặt cho mẹ con tôi đi theo anh ấy càng sớm càng tốt. Tôi hối hả gửi các con đi trước. Rồi, khi tôi vừa định rời nhà, mười thành viên của Đoàn Thanh Niên xuất hiện, tìm anh Emmas. Họ xông vào nhà nhưng không tìm thấy Emmas vì anh ấy đã thoát. Giận dữ, những thanh niên này lôi tôi ra cánh đồng mía gần đó, ở đấy họ đá tôi và đánh đập tôi bằng cây mía. Rồi vì tưởng tôi đã chết, họ bỏ đi. Sau khi tỉnh lại, tôi bò về nhà.

Đêm đó, trong bóng đêm, anh Emmas đã liều lĩnh trở về nhà tìm tôi. Khi thấy tôi bị đánh đập trọng thương, anh Emmas và một người bạn có xe hơi đã nhẹ nhàng đặt tôi vào trong xe. Rồi họ lái xe đến nhà của một anh ở Lilongwe, nơi đấy tôi dần dần hồi phục và anh Emmas bắt đầu lập kế hoạch trốn ra khỏi nước.

Những người tị nạn không nơi trú náu

Vợ chồng Denesi, con gái của chúng tôi, có chiếc xe tải năm tấn. Người lái xe của các con tôi trước kia là thành viên của Thanh Niên Tiền Phong Malawi nhưng anh ta thông cảm cho hoàn cảnh của chúng tôi. Anh ấy tình nguyện giúp chúng tôi và những Nhân Chứng khác. Trong vài đêm, người lái xe này đến những chỗ ẩn náu đã được sắp đặt trước để đón các Nhân Chứng. Lúc đó anh ta mặc đồng phục của Thanh Niên Tiền Phong Malawi và lái xe tải đi qua một số trạm cảnh sát. Anh ta đã hết sức liều lĩnh để giúp hàng trăm Nhân Chứng vượt biên giới vào nước Zambia.

Sau vài tháng, chính quyền Zambia gửi trả chúng tôi về nước Malawi. Nhưng chúng tôi không thể trở về làng quê. Tất cả tài sản mà chúng tôi bỏ lại đã bị trộm. Thậm chí mái tôn của căn nhà chúng tôi cũng bị tháo gỡ. Không nơi nào an toàn để trú náu, chúng tôi trốn sang Mozambique và ở trong trại tị nạn Mlangeni hai năm rưỡi. Tuy nhiên, vào tháng 6 năm 1975, chính phủ mới ở Mozambique đóng cửa trại tị nạn và buộc chúng tôi phải trở về Malawi, ở đấy tình trạng cho dân của Đức Giê-hô-va vẫn không thay đổi. Không có sự lựa chọn nào, chúng tôi phải trốn sang Zambia lần thứ hai. Ở đấy, chúng tôi đến trại tị nạn Chigumukire.

Hai tháng sau, một đoàn xe buýt và xe tải quân đội đậu dọc theo đường cái, và hàng trăm lính Zambia vũ trang đầy đủ xông vào trại. Họ bảo là đã xây cho chúng tôi những căn nhà đẹp và sẽ chở chúng tôi đến đó. Chúng tôi biết họ nói dối. Những người lính bắt đầu đẩy người ta lên xe tải và xe buýt, và sự hoảng loạn bùng ra. Những người lính nã một loạt đạn súng tự động lên trời, hàng ngàn anh chị em của chúng tôi chạy tán loạn trong nỗi kinh hoàng.

Trong cơn hỗn loạn, anh Emmas tình cờ bị xô ngã và bị dẫm lên, nhưng có một anh Nhân Chứng đã giúp Emmas đứng dậy. Chúng tôi nghĩ rằng đây là sự khởi đầu của hoạn nạn lớn. Tất cả những người tị nạn chạy về hướng Malawi. Trong khi vẫn chưa ra khỏi nước Zambia, chúng tôi đến một con sông, và các anh đã nắm tay nhau đứng thành hàng để giúp mọi người qua sông an toàn. Nhưng, khi sang đến bờ bên kia, chúng tôi bị bọn lính Zambia vây lại và dùng vũ lực ép chúng tôi hồi hương về Malawi.

Trở lại Malawi một lần nữa, chúng tôi không biết phải đi đâu. Chúng tôi hay rằng tại những cuộc mít tinh chính trị và qua báo chí, dân chúng được cảnh báo là hãy theo dõi “những kẻ lạ mặt” vào làng, ám chỉ Nhân Chứng Giê-hô-va. Vì thế, chúng tôi quyết định lên thủ đô, nơi chúng tôi không dễ bị chú ý như ở làng quê. Chúng tôi thuê một căn nhà nhỏ, và anh Emmas lại tiếp tục bí mật viếng thăm các hội thánh với tư cách giám thị lưu động.

Tham dự các buổi họp của hội thánh

Điều gì đã giúp chúng tôi giữ lòng trung thành? Các buổi họp của hội thánh! Trong các trại tị nạn ở Mozambique và Zambia, chúng tôi được tự do tham dự các buổi họp tổ chức trong những Phòng Nước Trời đơn sơ, mái lợp cỏ. Ở Malawi, nhóm lại để dự buổi họp là điều khó khăn và nguy hiểm—nhưng luôn luôn thật đáng công. Để tránh bị phát hiện, chúng tôi thường tổ chức các buổi họp vào giờ rất khuya và tại những nơi hẻo lánh. Để tránh sự chú ý về cuộc họp, chúng tôi đã không vỗ tay bày tỏ lòng quý trọng đối với diễn giả nhưng chỉ xoa hai lòng bàn tay vào nhau.

Báp têm được diễn ra vào lúc khuya. Abiyudi, con trai chúng tôi, đã làm báp têm vào một dịp như thế. Tiếp theo diễn văn báp têm, Abiyudi và các ứng viên báp têm được dẫn đi trong bóng tối đến một đầm lầy, nơi đó các anh đã đào sẵn một cái hố nông. Ở đấy, họ đã làm báp têm.

Căn nhà nhỏ của chúng tôi là nơi an toàn

Trong những năm về sau, khi chính quyền vẫn còn cấm đoán, căn nhà của chúng tôi ở Lilongwe là một địa điểm an toàn. Thư tín và ấn phẩm từ trụ sở chi nhánh Zambia được bí mật phân phối đến nhà chúng tôi. Những anh đưa tin bằng xe đạp đến nhà chúng tôi lấy và chuyển thư tín, ấn phẩm từ Zambia đến mọi vùng ở Malawi. Tạp chí Tháp Canh để phân phát thì rất mỏng vì được in trên giấy dùng để in Kinh Thánh. Điều này cho phép những người đưa tin có thể vận chuyển gấp đôi số tạp chí so với trường hợp in trên giấy thường. Những người đưa tin cũng phân phát các tạp chí Tháp Canh khổ nhỏ, chỉ đăng những bài để học mà thôi. Tạp chí khổ nhỏ này rất dễ giấu trong túi áo vì chỉ có một tờ.

Những người đưa tin này có nguy cơ mất sự tự do và mạng sống khi họ đạp xe băng qua rừng cây, đôi khi trong bóng đêm, với những thùng bìa cứng chất cao trên xe, chứa những ấn phẩm bị cấm. Bất kể rào chắn của cảnh sát và những mối nguy khác, họ làm cuộc hành trình hàng trăm kilômét trong mọi thời tiết để phân phát thức ăn thiêng liêng cho anh em. Nhũng người đưa tin thân mến này quả can đảm làm sao!

Đức Giê-hô-va chăm sóc những người góa bụa

Tháng 12 năm 1992, anh Emmas bị đột quỵ khi đang cho bài giảng trong lần viếng thăm vòng quanh. Sau đó, anh mất khả năng nói. Một thời gian sau anh lại bị đột quỵ lần thứ nhì, và bị liệt một bên. Mặc dù phải đương đầu với bệnh tật là điều khó cho anh Emmas, nhưng sự nâng đỡ đầy yêu thương mà chúng tôi nhận được từ hội thánh đã xua tan nỗi tuyệt vọng của tôi. Tôi có thể chăm sóc cho chồng tôi tại nhà cho đến khi anh ấy qua đời vào tháng 11 năm 1994, lúc 76 tuổi. Chúng tôi đã kết hôn 57 năm, và trước khi mất, anh Emmas đã thấy sự cấm đoán được bãi bỏ. Nhưng tôi vẫn còn thương tiếc người bạn đời trung thành của mình.

Sau khi tôi trở thành người góa bụa, con rể tôi nhận trách nhiệm nuôi gia đình gồm một vợ, năm con và luôn cả tôi. Đáng buồn là sau một cơn bệnh ngắn, con rể tôi mất vào tháng 8 năm 2000. Làm sao con gái tôi có thể trang trải cho việc ăn, ở của chúng tôi? Một lần nữa tôi thấy rằng Đức Giê-hô-va chăm sóc cho chúng tôi và Ngài đích thực là “cha kẻ mồ-côi, và quan-xét của người góa-bụa”. (Thi-thiên 68:5) Đức Giê-hô-va, qua các tôi tớ ở trên đất của Ngài, đã cung cấp cho chúng tôi một căn nhà mới xinh đẹp. Điều này đã xảy ra như thế nào? Khi các anh chị trong hội thánh thấy hoàn cảnh khó khăn của chúng tôi, họ đã xây cho chúng tôi một căn nhà chỉ trong vòng năm tuần lễ! Những anh làm thợ nề thuộc hội thánh khác đã đến giúp. Chúng tôi choáng ngợp bởi tình yêu thương và lòng nhân từ mà các Nhân Chứng này thể hiện vì căn nhà họ xây cho chúng tôi tốt hơn so với nhiều căn nhà họ đang ở. Việc hội thánh biểu lộ tình yêu thương như thế đã làm chứng tốt cho những người láng giềng của chúng tôi. Ban đêm, khi tôi đi ngủ, tôi cảm thấy như mình đang ở trong địa đàng! Thật vậy, căn nhà mới xinh đẹp của chúng tôi được xây bằng gạch và trát vữa, nhưng như nhiều người bình luận, đó là một căn nhà thật sự được xây với tình yêu thương.—Ga-la-ti 6:10.

Đức Giê-hô-va tiếp tục chăm sóc

Mặc dù thỉnh thoảng tôi ở bên bờ tuyệt vọng, Đức Giê-hô-va tỏ ra tử tế đối với tôi. Bảy trong số chín người con của tôi vẫn còn sống, và gia đình tôi hiện nay có 123 người. Tôi thật biết ơn xiết bao vì phần đông con cháu đang trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va!

Ngày nay, ở vào tuổi 82, lòng tôi tràn đầy vui mừng khi thấy thánh linh Đức Chúa Trời đã thực hiện được nhiều điều ở Malawi. Chỉ trong vòng bốn năm qua, tôi đã thấy số Phòng Nước Trời tăng từ một đến hơn 600. Hiện nay chúng tôi cũng có một trụ sở chi nhánh mới ở Lilongwe, và chúng tôi thích thú hưởng thức ăn thiêng liêng giúp chúng tôi vững mạnh nay được lưu hành không bị hạn chế. Tôi thật sự cảm nghiệm lời hứa của Đức Chúa Trời nơi Ê-sai 54:17 đã được thực hiện, lời ấy đảm bảo với chúng ta: “Phàm binh-khí chế ra nghịch cùng ngươi sẽ chẳng thạnh-lợi”. Sau hơn 50 năm phụng sự Đức Giê-hô-va, tôi tin quyết rằng dù phải đương đầu với bất cứ thử thách nào, Đức Giê-hô-va luôn luôn chăm sóc chúng ta.

[Chú thích]

^ đ. 17 Để có thêm thông tin về lịch sử của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Malawi, xem Niên giám của Nhân Chứng Giê-hô-va 1999 (Anh ngữ), trang 149-223, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Hình nơi trang 24]

Chồng tôi, Emmas, đã làm báp têm vào tháng 4 năm 1951

[Hình nơi trang 26]

Một nhóm người đưa tin can đảm

[Hình nơi trang 28]

Một căn nhà được xây với tình yêu thương