Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy đặt lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va

Hãy đặt lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va

Hãy đặt lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va

“Chúa Giê-hô-va ôi, Chúa là sự trông-đợi tôi, và là sự tin-cậy tôi từ buổi thơ-ấu”.—THI-THIÊN 71:5.

1. Chàng trai chăn chiên Đa-vít đã đối đầu với thách thức nào?

HẮN cao gần ba mét. Thảo nào mà tất cả binh lính của đạo binh Y-sơ-ra-ên đều sợ đương đầu với hắn! Trong nhiều tuần liên tiếp, sáng nào và chiều nào, người khổng lồ Gô-li-át cũng sỉ nhục đội quân Y-sơ-ra-ên, thách thức họ đưa ra một chiến sĩ để đấu địch với hắn. Cuối cùng có người nhận lời thách thức đó, nhưng không phải là một chiến binh mà là một thiếu niên. So với đối thủ mình, chàng trai chăn chiên Đa-vít trông thật bé nhỏ. Thật thế, Đa-vít có thể còn nhẹ hơn bộ áo giáp và vũ khí của Gô-li-át! Thế nhưng, chàng trai trẻ đó đã đối đầu với tên khổng lồ và trở thành biểu tượng nổi tiếng về sự can đảm.—1 Sa-mu-ên 17:1-51.

2, 3. (a) Tại sao Đa-vít có thể đối đầu với Gô-li-át cách tự tin đến thế? (b) Chúng ta sẽ thảo luận hai bước nào có thể thực hiện để đặt lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va?

2 Điều gì đã giúp Đa-vít can đảm như thế? Hãy xem vài lời có lẽ Đa-vít đã viết lúc về già: “Chúa Giê-hô-va ôi, Chúa là sự trông-đợi tôi, và là sự tin-cậy tôi từ buổi thơ-ấu”. (Thi-thiên 71:5) Đúng vậy, từ buổi thơ ấu, Đa-vít đã tin cậy hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va. Khi đối đầu với Gô-li-át, Đa-vít nói: “Ngươi cầm gươm, giáo, lao mà đến cùng ta; còn ta, ta nhân danh Đức Giê-hô-va vạn binh mà đến, tức là Đức Chúa Trời của đạo-binh Y-sơ-ra-ên, mà ngươi đã sỉ-nhục”. (1 Sa-mu-ên 17:45) Trong khi Gô-li-át tin cậy ở sức mạnh và vũ khí của mình, Đa-vít tin cậy Đức Giê-hô-va. Với sự hỗ trợ của Chúa Tối Thượng của vũ trụ, tại sao Đa-vít lại phải sợ một người phàm dù người đó to lớn và được vũ trang đầy đủ tới đâu?

3 Khi đọc về Đa-vít, bạn có ao ước lòng tin cậy của mình nơi Đức Giê-hô-va được mạnh hơn không? Có lẽ nhiều người chúng ta ao ước điều đó. Vậy chúng ta hãy xem xét hai bước có thể thực hiện để đặt lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Trước hết, chúng ta cần khắc phục trở ngại thường gây khó khăn cho lòng tin cậy ấy, và giữ vững ưu thế đó. Thứ hai, chúng ta cần biết việc tin cậy Đức Giê-hô-va thật sự bao hàm điều gì.

Vượt qua trở ngại thường gây khó khăn cho lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va

4, 5. Tại sao nhiều người thấy khó đặt lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời?

4 Điều gì cản trở người ta đặt lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời? Rất thông thường, một số người hoang mang về lý do tại sao điều ác xảy ra. Nhiều người được dạy rằng Đức Chúa Trời chịu trách nhiệm về sự đau khổ. Khi có tai biến xảy ra, mục sư có thể nói rằng Đức Chúa Trời “đã đem” nạn nhân lên trời với Ngài. Hơn nữa, nhiều người lãnh đạo tôn giáo dạy rằng từ lâu Đức Chúa Trời đã định trước mỗi biến cố—kể cả mọi tai biến và việc làm ác—xảy ra trên thế gian này. Khó mà đặt lòng tin cậy nơi một Đức Chúa Trời nhẫn tâm như vậy. Sa-tan, kẻ làm mù lòng những người chẳng tin, rất muốn cổ xúy tất cả những “đạo-lý của quỉ dữ”.—1 Ti-mô-thê 4:1; 2 Cô-rinh-tô 4:4.

5 Sa-tan muốn người ta mất lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Kẻ thù đó của Đức Chúa Trời không muốn chúng ta biết những nguyên nhân thật sự khiến loài người đau khổ. Và nếu chúng ta đã rõ những lý do Kinh Thánh cho biết về sự đau khổ, Sa-tan muốn chúng ta quên đi. Vì thế, thỉnh thoảng chúng ta nên xem lại ba lý do cơ bản tại sao có sự đau khổ trong thế gian. Nhờ vậy, chúng ta có thể yên tâm là Đức Giê-hô-va không chịu trách nhiệm về các vấn đề chúng ta phải đối phó trong đời sống.—Phi-líp 1:9, 10.

6. Làm thế nào 1 Phi-e-rơ 5:8 cho thấy một lý do khiến loài người đau khổ?

6 Một lý do tại sao loài người khổ đau là Sa-tan muốn hủy hoại lòng trung kiên của dân trung thành của Đức Giê-hô-va. Hắn muốn hủy hoại lòng trung thành của Gióp. Sa-tan đã thất bại với Gióp, nhưng hắn chưa bỏ cuộc. Là vua chúa của thế gian này, hắn tìm cách “nuốt” các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va. (1 Phi-e-rơ 5:8) Trong đó có mỗi một người chúng ta! Sa-tan muốn làm chúng ta ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va. Vì thế hắn thường khích động sự bắt bớ. Dù sự khốn khổ như thế gây đau đớn, chúng ta có lý do để chịu đựng. Khi chịu đựng, chúng ta góp phần chứng minh Sa-tan là kẻ nói dối và như thế làm vui lòng Đức Giê-hô-va. (Gióp 2:4; Châm-ngôn 27:11) Khi được Đức Giê-hô-va làm vững mạnh để chịu đựng sự bắt bớ, chúng ta càng tin cậy Ngài.—Thi-thiên 9:9, 10.

7. Ga-la-ti 6:7 giúp chúng ta nhận biết lý do nào của sự đau khổ?

7 Lý do thứ hai của sự đau khổ nằm trong nguyên tắc này: “Ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy”. (Ga-la-ti 6:7) Đôi khi người ta gieo bởi có những quyết định thiếu khôn ngoan và hậu quả là gặt ít nhiều đau khổ. Họ có thể quyết định lái xe cẩu thả, vì thế gây ra tai nạn. Nhiều người quyết định hút thuốc, dẫn đến bệnh tim hay ung thư phổi. Những người quyết định ăn ở vô luân có thể phải đau khổ vì gia đình đổ vỡ, mất lòng tự trọng, bị những bệnh truyền nhiễm qua đường sinh dục, và mang thai ngoài ý muốn. Người ta có thể tìm cách đổ lỗi cho Đức Chúa Trời về sự khổ đau như thế, nhưng thật ra họ là nạn nhân của những quyết định thiếu khôn ngoan của chính mình.—Châm-ngôn 19:3.

8. Theo Truyền-đạo 9:11, tại sao người ta đau khổ?

8 Lý do thứ ba của sự đau khổ được ghi nơi Truyền-đạo 9:11: “Ta xây lại thấy dưới mặt trời có kẻ lẹ làng chẳng được cuộc chạy đua, người mạnh sức chẳng được thắng trận, kẻ khôn-ngoan không đặng bánh, kẻ thông-sáng chẳng hưởng của-cải, và người khôn-khéo chẳng được ơn; vì thời-thế và cơ-hội xảy đến cho mọi người”. Đôi khi người ta có mặt không đúng nơi, không đúng lúc. Bất kể cá nhân chúng ta có ưu điểm hay khuyết điểm nào, sự đau khổ và sự chết có thể bất ngờ xảy ra cho bất cứ người nào trong chúng ta, bất cứ lúc nào. Thí dụ: vào thời Chúa Giê-su, một tháp ở Giê-ru-sa-lem đổ xuống đè chết 18 người. Chúa Giê-su cho thấy rằng không phải Đức Chúa Trời hành phạt họ vì tội lỗi trước đó. (Lu-ca 13:4) Không, Đức Giê-hô-va không chịu trách nhiệm về sự đau khổ như thế.

9. Nhiều người không hiểu điều gì về sự đau khổ?

9 Hiểu được một số nguyên nhân của sự đau khổ là điều quan trọng. Tuy nhiên, có một khía cạnh về vấn đề này mà nhiều người thấy khó hiểu. Đó là: Tại sao Giê-hô-va Đức Chúa Trời cho phép có sự đau khổ?

Tại sao Đức Giê-hô-va cho phép có sự đau khổ?

10, 11. (a) Theo Rô-ma 8:19-22, điều gì đã xảy ra cho “muôn vật”? (b) Làm thế nào chúng ta có thể xác định ai là Đấng bắt muôn vật phục sự hư không?

10 Một đoạn trong lá thư sứ đồ Phao-lô viết cho các tín đồ ở Rô-ma, làm sáng tỏ đề tài quan trọng này. Phao-lô viết: “Muôn vật ước-ao nóng-nảy mà trông-đợi con-cái Đức Chúa Trời được tỏ ra. Vì muôn vật đã bị bắt phục sự hư-không, chẳng phải tự ý mình, bèn là bởi cớ Đấng bắt phục [“với hy vọng là”, Nguyễn Thế Thuấn]... mình cũng sẽ được giải-cứu khỏi làm tôi sự hư-nát, đặng dự phần trong sự tự-do vinh-hiển của con-cái Đức Chúa Trời. Vì chúng ta biết rằng muôn vật đều than-thở và chịu khó-nhọc cho đến ngày nay”.—Rô-ma 8:19-22.

11 Để hiểu những câu này, trước hết chúng ta cần giải đáp vài câu hỏi chính. Thí dụ: Ai bắt muôn vật phải phục sự hư không? Một số người nói đó là Sa-tan; những người khác thì nói là A-đam. Nhưng cả hai đều không thể làm việc bắt phục này. Tại sao không? Vì Đấng bắt muôn vật phải phục sự hư không làm điều này “với hy vọng”. Đúng vậy, Ngài đưa ra hy vọng là những người trung thành cuối cùng “sẽ được giải-cứu khỏi làm tôi sự hư-nát”. Cả A-đam lẫn Sa-tan đều không thể đưa ra niềm hy vọng như thế. Chỉ Đức Giê-hô-va mới có thể làm điều đó. Vậy rõ ràng chính Ngài đã bắt muôn vật phục sự hư không.

12. Có sự hoang mang nào về ý nghĩa của từ “muôn vật” và câu hỏi này có thể được giải đáp ra sao?

12 Nhưng “muôn vật” trong đoạn Kinh Thánh này ám chỉ ai? Một số nói rằng “muôn vật” ám chỉ toàn thể giới tự nhiên, bao gồm động vật và cây cối. Nhưng thú vật và thực vật có hy vọng đạt tới “sự tự-do vinh-hiển của con-cái Đức Chúa Trời” không? Không. (2 Phi-e-rơ 2:12) Vậy “muôn vật” chỉ có thể ám chỉ loài người. Đây là tạo vật chịu ảnh hưởng của tội lỗi và sự chết vì sự phản nghịch trong vườn Ê-đen, và họ hết sức cần có hy vọng.—Rô-ma 5:12.

13. Sự phản nghịch trong vườn Ê-đen đã gây ra hậu quả nào cho loài người?

13 Sự phản nghịch thật sự đã gây ra hậu quả nào cho loài người? Phao-lô miêu tả hậu quả bằng chỉ một từ: sự hư không. Theo một sách tham khảo, từ này miêu tả “sự hư không của một vật không làm đúng chức năng như được thiết kế”. Loài người được tạo ra để sống đời đời, cùng nhau làm việc như một gia đình hoàn toàn và hợp nhất để chăm sóc địa đàng. Thay vì thế, họ có một cuộc sống ngắn ngủi, đau khổ và thường bực dọc. Như Gióp diễn tả, “loài người bởi người nữ sanh ra, sống tạm ít ngày, bị đầy-dẫy sự khốn-khổ”. (Gióp 14:1) Quả là sự hư không!

14, 15. (a) Chúng ta thấy bằng chứng nào về sự công bình trong lời tuyên án của Đức Giê-hô-va đối với loài người? (b) Tại sao Phao-lô nói rằng muôn vật bị bắt phục sự hư không “chẳng phải tự ý mình”?

14 Bây giờ chúng ta đến câu hỏi chính: Tại sao “Đấng đoán-xét toàn thế-gian” lại bắt loài người phải chịu cuộc sống đau khổ, bực dọc này? (Sáng-thế Ký 18:25) Ngài có công bình khi làm thế không? Hãy nhớ thủy tổ chúng ta đã làm gì? Khi chống lại Đức Chúa Trời, họ về phe với Sa-tan, kẻ đưa ra thách thức toàn diện đối với quyền thống trị của Đức Giê-hô-va. Qua hành động, họ ủng hộ lời khẳng định rằng loài người không cần đến Đức Giê-hô-va, họ khá hơn khi tự cai trị mình dưới sự hướng dẫn của tạo vật thần linh phản nghịch. Trên thực tế, khi kết án những kẻ phản nghịch, Đức Giê-hô-va cho họ những gì họ đòi hỏi. Ngài để cho loài người tự cai trị dưới ảnh hưởng của Sa-tan. Trong trường hợp đó, phán quyết nào có thể công bình hơn là bắt loài người phục sự hư không nhưng dựa trên hy vọng?

15 Dĩ nhiên, điều này không phải do muôn vật “tự ý”. Chúng ta sanh ra làm tôi mọi cho tội lỗi và sự hư nát mà không có sự chọn lựa. Nhưng với lòng thương xót, Đức Giê-hô-va để cho A-đam và Ê-va sống hết quãng đời còn lại và sanh con cái. Mặc dù là con cháu của họ bị bắt phục sự hư không của tội lỗi và sự chết, nhưng chúng ta có cơ hội làm điều mà A-đam và Ê-va đã không làm. Chúng ta có thể lắng nghe Đức Giê-hô-va và học biết rằng quyền thống trị của Ngài là công bình và hoàn hảo, trong khi sự cai trị của loài người tách hẳn khỏi Đức Giê-hô-va chỉ mang lại đau khổ, bực dọc, và sự hư không. (Giê-rê-mi 10:23; Khải-huyền 4:11) Ngoài ra, ảnh hưởng của Sa-tan chỉ làm vấn đề tệ hơn. Lịch sử loài người chứng minh sự thật này.—Truyền-đạo 8:9.

16. (a) Tại sao chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va không chịu trách nhiệm về sự đau khổ mà chúng ta thấy trong thế gian ngày nay? (b) Đức Giê-hô-va yêu thương đưa ra hy vọng nào cho những người trung thành?

16 Rõ ràng, Đức Giê-hô-va có lý do chính đáng để bắt loài người phục sự hư không. Nhưng phải chăng điều đó có nghĩa Đức Giê-hô-va là nguyên nhân gây ra sự hư không và sự đau khổ mà mỗi người chúng ta phải chịu? Hãy so sánh trường hợp này với một quan tòa công bố bản án công bình kết tội phạm nhân. Kẻ bị kết án có thể đau khổ phần nào trong lúc thụ án, nhưng hắn có lý do chính đáng để đổ lỗi cho quan tòa là nguyên nhân khiến hắn đau khổ không? Chắc chắn không! Hơn nữa, Đức Giê-hô-va không bao giờ là nguồn của sự gian ác. Gia-cơ 1:13 nói: “Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám-dỗ được, và chính Ngài cũng không cám-dỗ ai”. Chúng ta cũng hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va công bố bản án này “với hy vọng”. Ngài đã yêu thương sắp đặt để con cháu trung thành của A-đam và Ê-va thấy được sự hư không chấm dứt và vui sướng “trong sự tự-do vinh-hiển của con-cái Đức Chúa Trời”. Cho đến muôn đời, những người trung thành sẽ không bao giờ phải lo lắng rằng muôn vật có thể lại sa vào tình trạng hư không đầy đau khổ. Cách xử lý công bình của Đức Giê-hô-va sẽ xác minh quyền thống trị chính đáng của Ngài cho đến đời đời.—Ê-sai 25:8.

17. Việc xem lại những lý do gây ra đau khổ trong thế gian ngày nay nên tác động đến chúng ta như thế nào?

17 Khi xem lại những lý do này về sự đau khổ của loài người, chúng ta có thấy căn cứ nào để đổ lỗi cho Đức Giê-hô-va về sự gian ác hoặc để mất lòng tin cậy nơi Ngài không? Trái lại, việc học hỏi như thế cho chúng ta lý do để đồng ý với những lời này của Môi-se: “Công-việc của Hòn-Đá là trọn-vẹn; vì các đường-lối Ngài là công-bình. Ấy là Đức Chúa Trời thành-tín và vô-tội; Ngài là công-bình và chánh-trực”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4) Bằng cách suy ngẫm những điều này, thỉnh thoảng chúng ta hãy ôn lại xem mình có thể giải thích rõ vấn đề như thế nào. Như vậy, khi gặp thử thách, chúng ta sẽ chống lại nỗ lực của Sa-tan nhằm gieo nghi ngờ trong trí chúng ta. Còn bước thứ hai đề cập ở phần đầu là gì? Tin cậy nơi Đức Giê-hô-va bao hàm điều gì?

Tin cậy Đức Giê-hô-va nghĩa là gì?

18, 19. Kinh Thánh khuyến khích chúng ta tin cậy Đức Giê-hô-va bằng những lời nào, nhưng về điều này, một số người có ý niệm sai lầm nào?

18 Lời Đức Chúa Trời khuyên giục chúng ta: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”. (Châm-ngôn 3:5, 6) Đó là những lời thú vị, làm vững lòng. Chắc chắn không ai trong toàn vũ trụ đáng tin cậy hơn Cha yêu thương trên trời của chúng ta. Tuy nhiên, đọc những lời đó trong Châm-ngôn thì dễ nhưng thực hành thì khó.

19 Nhiều người có ý niệm sai lầm về việc tin cậy Đức Giê-hô-va nghĩa là gì. Một số người nghĩ lòng tin cậy như thế chỉ là một cảm xúc, một cảm giác sung sướng tự nhiên dâng lên trong lòng. Những người khác dường như cho rằng tin cậy Đức Chúa Trời nghĩa là chúng ta có thể mong đợi Ngài che chở khỏi mọi khó khăn, giải quyết mọi vấn đề, làm mọi thách thức hàng ngày có kết quả như chúng ta mong muốn—và ngay lập tức! Nhưng những ý niệm như thế là vô căn cứ. Tin cậy không chỉ là một cảm xúc, và cũng không thiếu thực tế. Đối với người lớn, lòng tin cậy bao hàm việc đi đến những quyết định có suy nghĩ cân nhắc kỹ.

20, 21. Tin cậy Đức Giê-hô-va bao hàm điều gì? Hãy minh họa.

20 Hãy lưu ý một lần nữa câu Châm-ngôn 3:5. Câu này đối chiếu việc tin cậy Đức Giê-hô-va với việc nương cậy nơi sự thông sáng của chính chúng ta, ám chỉ chúng ta không thể làm cả hai. Phải chăng điều này có nghĩa là chúng ta không được dùng khả năng hiểu biết của mình? Không phải vậy, vì Đức Giê-hô-va, Đấng ban cho chúng ta khả năng đó, đòi hỏi chúng ta sử dụng nó trong việc phụng sự Ngài. (Rô-ma 12:1) Nhưng chúng ta nương cậy hay nương dựa vào đâu? Nếu lối suy nghĩ của chúng ta không phù hợp với Đức Giê-hô-va, chúng ta có chấp nhận sự khôn ngoan của Ngài vì nó cực kỳ cao hơn sự khôn ngoan của chúng ta không? (Ê-sai 55:8, 9) Tin cậy Đức Giê-hô-va nghĩa là để lối suy nghĩ của Ngài hướng dẫn sự suy nghĩ của chúng ta.

21 Để minh họa: Hãy nghĩ về một đứa trẻ ngồi sau xe và cha mẹ ở phía trước. Cha nó lái xe. Khi có khó khăn nảy sinh trong cuộc hành trình—không chắc phải đi đường nào hoặc có lẽ vấn đề thời tiết hoặc tình trạng đường xá—một đứa trẻ biết vâng lời, biết tin cậy sẽ phản ứng ra sao? Nó có hét to từ đằng sau, bảo cha phải đi đường này hay đường nọ và phải lái như thế nào không? Nó có nghi ngờ quyết định của cha mẹ hoặc cự lại khi họ nhắc nó phải ngồi yên, thắt dây an toàn không? Không, nó tự nhiên tin cậy cha mẹ biết xử lý những vấn đề như thế, dù họ bất toàn. Đức Giê-hô-va là một người Cha hoàn toàn. Chẳng phải chúng ta nên hoàn toàn tin cậy Ngài, nhất là khi chúng ta phải đối phó với hoàn cảnh khó khăn hay sao?—Ê-sai 30:21.

22, 23. (a) Tại sao chúng ta cần đặt lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va khi phải đối phó với vấn đề, và chúng ta có thể làm điều đó như thế nào? (b) Điều gì sẽ được thảo luận trong bài kế tiếp?

22 Tuy nhiên, Châm-ngôn 3:6 cho thấy rằng chúng ta phải ‘nhận biết Đức Giê-hô-va trong các việc làm của chúng ta’, không chỉ khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Vì thế những quyết định thường ngày của chúng ta trong đời sống phải phản ánh lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Khi gặp vấn đề, chúng ta chớ nên tuyệt vọng, hoảng hốt, hay cưỡng lại sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va về cách xử lý tốt nhất. Chúng ta cần xem sự thử thách là cơ hội để ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va, để góp phần chứng minh Sa-tan là kẻ nói dối, và để phát triển lòng vâng phục cùng những đức tính khác làm vui lòng Đức Giê-hô-va.—Hê-bơ-rơ 5:7, 8.

23 Chúng ta có thể biểu lộ lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va bất kể phải đương đầu với trở ngại nào. Chúng ta làm thế qua lời cầu nguyện và qua cách chúng ta tìm sự hướng dẫn nơi Lời Đức Giê-hô-va và tổ chức Ngài. Nhưng chúng ta có thể biểu lộ lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va một cách cụ thể như thế nào khi đối phó với vấn đề nảy sinh trong thế gian ngày nay? Bài kế tiếp sẽ bàn đến đề tài này.

Bạn trả lời ra sao?

• Đa-vít cho thấy ông đặt lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va như thế nào?

• Ba nguyên nhân gây ra sự đau khổ của con người là gì, và tại sao thỉnh thoảng nên xem lại những nguyên nhân này?

• Đức Giê-hô-va đã công bố bản án nào đối với loài người, và tại sao đó là bản án công bình?

• Tin cậy Đức Giê-hô-va bao hàm điều gì?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 8]

Đa-vít đặt lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va

[Hình nơi trang 10]

Chúa Giê-su cho thấy rằng khi một tháp ở Giê-ru-sa-lem bị đổ, đó không phải là lỗi của Đức Giê-hô-va