Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va trong kỳ gian truân

Hãy hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va trong kỳ gian truân

Hãy hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va trong kỳ gian truân

“Đức Chúa Trời là nơi nương-náu và sức-lực của chúng tôi, Ngài sẵn giúp-đỡ trong cơn gian-truân”.—THI-THIÊN 46:1.

1, 2. (a) Thí dụ nào cho thấy việc nói rằng chúng ta tin nơi Đức Chúa Trời thì không đủ? (b) Tại sao chỉ nói chúng ta tin nơi Đức Giê-hô-va thì không đủ?

CHO rằng chúng ta tin cậy Đức Chúa Trời là một chuyện nhưng thể hiện bằng hành động thì lại là chuyện khác. Thí dụ, câu “Chúng ta tin nơi Chúa” từ lâu đã được in trên giấy bạc và đồng tiền Hoa Kỳ. * Năm 1956, Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua một luật công bố câu đó là phương châm quốc gia. Điều nghịch lý là nhiều người—không chỉ ở xứ đó mà trên khắp thế giới—đặt sự tin cậy nơi tiền bạc và của cải hơn là Đức Chúa Trời.—Lu-ca 12:16-21.

2 Là tín đồ Đấng Christ thật, chỉ nói chúng ta tin cậy Đức Giê-hô-va thì không đủ. Giống như “đức-tin không có việc làm cũng chết”, bất cứ lời nào nói rằng chúng ta tin nơi Đức Chúa Trời cũng đều vô nghĩa nếu không thể hiện bằng hành động. (Gia-cơ 2:26) Trong bài trước, chúng ta học biết rằng chúng ta thể hiện lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va khi tìm đến Ngài qua lời cầu nguyện, khi tìm sự hướng dẫn nơi Lời Ngài, và khi trông cậy vào sự dẫn dắt của tổ chức Ngài. Bây giờ hãy xem xét làm thế nào chúng ta có thể thực hiện ba bước đó trong kỳ gian truân.

Khi mất việc hoặc thu nhập ít ỏi

3. Tôi tớ Đức Giê-hô-va phải đối phó với những áp lực kinh tế nào trong “thời-kỳ khó-khăn” này, và làm sao biết được Đức Chúa Trời sẵn sàng giúp chúng ta?

3 Trong “thời-kỳ khó-khăn” này, là tín đồ Đấng Christ, chúng ta cũng phải đối phó với những áp lực về kinh tế như những người khác. (2 Ti-mô-thê 3:1) Vì thế, chúng ta có thể thình lình mất việc, hoặc bắt buộc phải làm nhiều giờ với mức lương thấp. Trong hoàn cảnh như thế, chúng ta có thể thấy khó “săn-sóc đến người nhà mình”. (1 Ti-mô-thê 5:8) Đức Chúa Trời Tối Cao có sẵn sàng giúp chúng ta vào những lúc đó không? Chắc chắn có! Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va không che chở chúng ta khỏi mọi khó khăn của đời sống trong hệ thống này. Tuy nhiên, nếu chúng ta tin cậy Ngài, lời nơi Thi-thiên 46:1 sẽ áp dụng cho chúng ta: “Đức Chúa Trời là nơi nương-náu và sức-lực của chúng tôi, Ngài sẵn giúp-đỡ trong cơn gian-truân”. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể cho thấy mình hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va khi gặp khó khăn về tài chính?

4. Khi đương đầu với vấn đề tài chính, chúng ta có thể cầu xin điều gì, và Đức Giê-hô-va đáp lại những lời cầu nguyện đó như thế nào?

4 Một cách để biểu lộ lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va là tìm đến Ngài qua lời cầu nguyện. Nhưng chúng ta có thể cầu xin điều gì? Nếu đương đầu với vấn đề tài chính, có lẽ đây là lúc chúng ta cần sự khôn ngoan thực tiễn hơn bao giờ hết. Vậy chắc chắn hãy cầu xin điều này! Lời Đức Giê-hô-va bảo đảm với chúng ta: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn-ngoan, hãy cầu-xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng-rãi, không trách-móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho”. (Gia-cơ 1:5) Đúng vậy, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn ngoan—khả năng sử dụng hữu hiệu tri thức, sự hiểu biết, và sự sáng suốt—để có thể đi đến những quyết định khôn ngoan và sự lựa chọn đúng. Cha yêu thương trên trời bảo đảm với chúng ta rằng Ngài sẽ nghe những lời cầu nguyện như thế. Ngài luôn sẵn sàng chỉ dẫn các nẻo cho những ai hết lòng tin cậy Ngài.—Thi-thiên 65:2; Châm-ngôn 3:5, 6.

5, 6. (a) Tại sao chúng ta có thể tìm sự giúp đỡ nơi Lời Đức Chúa Trời để đối phó với áp lực kinh tế? (b) Chúng ta có thể làm gì để giảm bớt lo lắng khi bị mất việc?

5 Tìm sự hướng dẫn nơi Lời Đức Chúa Trời là một cách khác để cho thấy chúng ta tin cậy Đức Giê-hô-va. Những lời nhắc nhở khôn ngoan của Ngài ghi trong Kinh Thánh đã chứng tỏ “rất là chắc-chắn”. (Thi-thiên 93:5) Mặc dù đã được hoàn tất cách đây hơn 1.900 năm, nhưng cuốn sách được soi dẫn đó chứa đựng những lời khuyên đáng tin cậy và sự hiểu biết sâu sắc có thể giúp chúng ta đối phó hữu hiệu hơn với áp lực kinh tế. Hãy xem vài thí dụ về sự khôn ngoan trong Kinh Thánh.

6 Vua khôn ngoan Sa-lô-môn từ xưa đã nhận xét: “Giấc ngủ của người làm việc là ngon, mặc dầu người ăn ít hay nhiều; nhưng sự chán-lắc làm cho người giàu không ngủ được”. (Truyền-đạo 5:12) Phải mất nhiều thì giờ và tiền bạc để sửa chữa, giữ sạch, bảo quản và bảo vệ của cải. Vì thế khi bị mất việc, chúng ta có thể lấy cơ hội để xem xét lại lối sống của mình, cố phân biệt cái thật sự cần và cái không cần thiết. Để bớt lo lắng, có lẽ điều khôn ngoan là thực hiện một vài thay đổi. Thí dụ, có thể nào đơn giản hóa đời sống, như dọn đến một căn nhà nhỏ hơn hoặc loại bớt những đồ đạc không cần thiết không?—Ma-thi-ơ 6:22.

7, 8. (a) Làm thế nào Chúa Giê-su cho thấy ngài biết là loài người bất toàn có khuynh hướng quá lo lắng về vật chất? (Cũng xem cước chú). (b) Chúa Giê-su đưa ra lời khuyên khôn ngoan nào về cách tránh sự lo lắng quá mức?

7 Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giê-su khuyên: “Đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân-thể mình mà lo đồ mặc”. * (Ma-thi-ơ 6:25) Chúa Giê-su biết rằng loài người bất toàn vốn hay quan tâm về việc mưu cầu những thứ cần dùng căn bản. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể ‘đừng lo’ về những thứ đó? Chúa Giê-su nói: “Trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời”. Dù gặp vấn đề nào đi nữa, chúng ta cũng vẫn phải tiếp tục đặt việc thờ phượng Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống. Nếu làm thế, chúng ta sẽ được Cha trên trời “cho thêm” mọi thứ cần thiết hàng ngày. Bằng cách này hay cách khác, Ngài sẽ cung cấp những gì chúng ta cần.—Ma-thi-ơ 6:33.

8 Chúa Giê-su đưa ra thêm lời khuyên này: “Chớ lo-lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai”. (Ma-thi-ơ 6:34) Quá lo lắng về chuyện gì có thể xảy ra ngày mai là điều thiếu khôn ngoan. Một học giả ghi nhận: “Tương lai thực tế ít khi nào tệ như chúng ta lo sợ”. Khiêm nhường làm theo lời khuyên Kinh Thánh về việc chú trọng những điều ưu tiên và sống ngày nào lo ngày đó, có thể giúp chúng ta tránh việc lo lắng quá mức.—1 Phi-e-rơ 5:6, 7.

9. Khi gặp khó khăn về tài chính, chúng ta có thể tìm được sự giúp đỡ nào trong các ấn phẩm của “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”?

9 Khi gặp khó khăn về tài chính, chúng ta cũng có thể biểu lộ lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va bằng cách tìm sự giúp đỡ qua các ấn phẩm của “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. (Ma-thi-ơ 24:45) Thỉnh thoảng tạp chí Tỉnh Thức! đã đăng những bài có những lời khuyên và ý kiến hữu ích về việc đối phó với khó khăn về kinh tế. Bài “Thất nghiệp—Giải pháp là gì?” (Out of a Job—What Are the Solutions?) trong số ra ngày 8-8-1991 (Anh ngữ), liệt kê tám lời hướng dẫn thực tiễn đã giúp nhiều người duy trì sự ổn định về tài chính và tinh thần trong giai đoạn thất nghiệp. * Tất nhiên, những lời hướng dẫn như thế phải được giữ thăng bằng với quan điểm đúng đắn về tầm quan trọng thật sự của tiền bạc. Điều này được thảo luận trong bài “Có điều còn quan trọng hơn tiền bạc” (Something More Vital Than Money) cũng được đăng trong số đó.—Truyền-đạo 7:12.

Khi đau buồn vì vấn đề sức khỏe

10. Làm thế nào gương của Vua Đa-vít cho thấy việc tin cậy Đức Giê-hô-va khi bị bệnh nặng là điều thực tế?

10 Tin cậy Đức Giê-hô-va khi bị bệnh nặng có thực tế không? Chắc chắn có! Đức Giê-hô-va thấu cảm với những người đau ốm trong vòng dân sự Ngài. Hơn thế nữa, Ngài sẵn sàng giúp đỡ. Thí dụ, hãy xem trường hợp của Vua Đa-vít. Chính ông có thể đã bị bệnh nặng khi viết về cách Đức Chúa Trời cư xử với người ngay thẳng lúc đau ốm. Ông nói: “Đức Giê-hô-va sẽ nâng-đỡ người tại trên giường rũ-liệt; trong khi người đau bịnh, Chúa sẽ cải-dọn cả giường người”. (Thi-thiên 41:1, 3, 7, 8) Đa-vít tiếp tục tin cậy mạnh mẽ nơi Đức Chúa Trời, và cuối cùng vua đã bình phục. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể biểu lộ lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời khi đau buồn vì vấn đề sức khỏe?

11. Khi đau ốm, chúng ta có thể xin Cha trên trời điều gì?

11 Khi đau ốm, một cách để biểu lộ lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va là cầu xin Ngài giúp đỡ để chịu đựng. Chúng ta có thể xin Ngài giúp chúng ta dùng “sự khôn-ngoan thật” để có được mức độ sức khỏe mà hoàn cảnh cho phép. (Châm-ngôn 3:21) Chúng ta cũng có thể xin Ngài giúp chúng ta có sự kiên nhẫn và chịu đựng để đối phó với sự đau ốm. Trên hết mọi sự, chúng ta muốn xin Đức Giê-hô-va nâng đỡ, ban sức để tiếp tục trung thành với Ngài và không mất sự thăng bằng, bất kể chuyện gì xảy ra. (Phi-líp 4:13) Giữ lòng trung kiên với Đức Chúa Trời còn quan trọng hơn là bảo toàn mạng sống. Nếu giữ lòng trung kiên, chúng ta sẽ được Đấng Ban Thưởng Vĩ Đại ban cho sự sống và sức khỏe hoàn toàn cho đến vô tận.—Hê-bơ-rơ 11:6.

12. Những nguyên tắc Kinh Thánh nào có thể giúp chúng ta đi đến quyết định khôn ngoan về phương pháp điều trị?

12 Lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va cũng thúc đẩy chúng ta tìm sự hướng dẫn thực tiễn nơi Lời Ngài là Kinh Thánh. Những nguyên tắc trong Kinh Thánh có thể giúp chúng ta đi đến quyết định khôn ngoan về phương pháp điều trị. Thí dụ, biết rằng Kinh Thánh lên án ‘việc làm phù-phép’, chúng ta sẽ tránh bất cứ phương pháp chẩn đoán hay trị liệu nào dính líu đến thông linh thuật. (Ga-la-ti 5:19-21; Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10-12) Đây là một thí dụ khác về sự khôn ngoan đáng tin cậy trong Kinh Thánh: “Kẻ ngu-dốt tin hết mọi lời; nhưng người khôn-khéo xem-xét các bước mình”. (Châm-ngôn 14:15) Vì thế, khi suy xét cách điều trị, điều khôn ngoan là cố gắng tìm những thông tin đáng tin cậy thay vì “tin hết mọi lời”. Sự “tiết-độ [“chừng mực”, Tòa Tổng Giám Mục]” như thế có thể giúp chúng ta cân nhắc kỹ những sự lựa chọn và đi đến quyết định sáng suốt.—Tít 2:12.

13, 14. (a) Những bài hữu ích nào về vấn đề sức khỏe đã được đăng trong hai tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức!? (Xem khung trang 17). (b) Những lời khuyên nào về việc đối phó với những bệnh mãn tính đã được trình bày trong Tỉnh Thức! số ra ngày 22-1-2001?

13 Chúng ta cũng có thể biểu lộ lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va bằng cách nghiên cứu các ấn phẩm của lớp người đầy tớ trung tín. Hai tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức! thỉnh thoảng đăng những bài có nhiều thông tin hữu ích về nhiều vấn đề sức khỏe và bệnh tật cụ thể. * Đôi khi, hai tạp chí này đăng những bài của những người đã đối phó hữu hiệu với sự rối loạn chức năng, sự ốm đau và sự tàn tật. Ngoài ra, một số bài đưa ra những ý kiến dựa trên Kinh Thánh cũng như lời khuyên thực tiễn về cách đối phó với bệnh mãn tính.

14 Thí dụ, Tỉnh Thức! số ngày 22-1-2001 (Anh ngữ) đăng loạt bài “Sự an ủi cho người bệnh” (Comfort for the Sick). Những bài này trình bày những nguyên tắc hữu ích của Kinh Thánh cũng như thông tin mắt thấy tai nghe lượm lặt từ những cuộc phỏng vấn với những người hiểu biết đã nhiều năm sống với căn bệnh làm tàn tật. Bài “Làm thế nào đối phó với bệnh của bạn” (Living Successfully With Your Ailment—How?) đưa ra lời khuyên sau đây: Nếu có thể, hãy tìm hiểu càng nhiều càng tốt về bệnh của bạn. (Châm-ngôn 24:5) Lập những mục tiêu thực tế, kể cả mục tiêu giúp người khác, nhưng hãy nhận thức rằng bạn có thể không đạt được cùng mục tiêu như người khác. (Công-vụ 20:35; Ga-la-ti 6:4) Tránh tự cô lập. (Châm-ngôn 18:1) Khi có người đến thăm, hãy cố vui vẻ, thoải mái. Trên hết, hãy duy trì mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va và hội thánh. (Na-hum 1:7; Rô-ma 1:11, 12) Chẳng phải chúng ta biết ơn về sự hướng dẫn đáng tin cậy mà Đức Giê-hô-va cung cấp qua tổ chức Ngài hay sao?

Khi một yếu đuối về xác thịt cứ dai dẳng

15. Làm thế nào Sứ đồ Phao-lô có thể thắng trong cuộc đấu tranh với những yếu đuối của xác thịt bất toàn, và chúng ta có được sự bảo đảm nào?

15 Sứ đồ Phao-lô viết: “Điều lành chẳng ở trong xác-thịt tôi”. (Rô-ma 7:18) Qua kinh nghiệm, Phao-lô biết rõ tranh đấu với những ham muốn và yếu đuối của xác thịt bất toàn có thể khó như thế nào. Tuy nhiên, Phao-lô cũng tin chắc là mình có thể thắng. (1 Cô-rinh-tô 9:26, 27) Bằng cách nào? Bằng cách hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va. Vì thế ông có thể nói: “Khốn-nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân-thể hay chết nầy? Cảm-tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jêsus-Christ, là Chúa chúng ta!” (Rô-ma 7:24, 25) Còn chúng ta thì sao? Chúng ta cũng phải tranh đấu với những yếu đuối về xác thịt. Khi gắng sức đối phó với những yếu đuối đó, chúng ta dễ mất lòng tin, dần dần nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ thành công. Nhưng Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta nếu chúng ta làm như Phao-lô, thật sự nương cậy vào Ngài chứ không vào sức riêng của mình.

16. Khi một yếu đuối xác thịt cứ dai dẳng, chúng ta cần cầu xin điều gì, và nên làm gì nếu tái phạm?

16 Khi một yếu đuối xác thịt cứ dai dẳng, chúng ta có thể biểu lộ lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va bằng cách cầu khẩn Ngài. Chúng ta cần cầu xin, ngay cả van xin, Đức Giê-hô-va ban thánh linh Ngài để giúp chúng ta. (Lu-ca 11:9-13) Chúng ta có thể đặc biệt cầu xin có sự tự chủ, là một trái của thánh linh Đức Chúa Trời. (Ga-la-ti 5:22, 23) Chúng ta nên làm gì nếu lại rơi vào sự yếu đuối cũ? Chắc chắn, chúng ta không nên bỏ cuộc. Chúng ta chớ bao giờ mệt mỏi trong việc khiêm nhường cầu nguyện với Cha đầy thương xót, xin Ngài tha thứ và giúp đỡ. Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ khước từ, hoặc hắt hủi, một tấm lòng “đau-thương thống-hối” vì sự dằn vặt của một lương tâm mang mặc cảm tội lỗi. (Thi-thiên 51:17) Nếu chúng ta khẩn khoản cầu xin với tấm lòng thành thật, ăn năn, Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta chống lại cám dỗ.—Phi-líp 4:6, 7.

17. (a) Tại sao suy ngẫm về cảm nghĩ của Đức Giê-hô-va về sự yếu đuối mà chúng ta đang cố khắc phục là có ích? (b) Chúng ta có thể thuộc lòng những câu Kinh Thánh nào nếu đang cố kiềm chế tính nóng nảy? gìn giữ lời nói? cưỡng lại khuynh hướng thích sự giải trí thiếu lành mạnh?

17 Chúng ta cũng có thể cho thấy mình tin cậy Đức Giê-hô-va bằng cách tìm sự giúp đỡ nơi Lời Ngài. Dùng bảng tra cứu từ ngữ Kinh Thánh hay những bảng mục lục các bài Tháp Canh trong số ra mỗi cuối năm, chúng ta có thể tìm giải đáp cho câu hỏi: ‘Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về sự yếu đuối mà tôi đang cố khắc phục?’ Suy ngẫm về cảm nghĩ của Đức Giê-hô-va về vấn đề đó có thể củng cố lòng mong muốn của chúng ta là làm vui lòng Ngài. Nhờ vậy, chúng ta có thể bắt đầu có cùng cảm nghĩ với Ngài, ghét những gì Ngài ghét. (Thi-thiên 97:10) Một số thấy có lợi khi thuộc lòng những đoạn Kinh Thánh áp dụng cho sự yếu đuối mà họ đang cố khắc phục. Chúng ta có đang phấn đấu để kiềm chế tính nóng nảy không? Nếu thế chúng ta có thể thuộc lòng những câu như Châm-ngôn 14:17 và Ê-phê-sô 4:31. Chúng ta có thấy khó gìn giữ lời nói không? Chúng ta có thể thuộc lòng những câu như Châm-ngôn 12:18 và Ê-phê-sô 4:29. Chúng ta có khuynh hướng thích sự giải trí thiếu lành mạnh không? Chúng ta có thể cố nhớ những câu như Ê-phê-sô 5:3 và Cô-lô-se 3:5.

18. Tại sao chúng ta không nên quá ngượng mà không đến yêu cầu sự giúp đỡ của trưởng lão để vượt qua sự yếu đuối?

18 Một cách khác để thể hiện sự nương cậy nơi Đức Giê-hô-va là tìm sự giúp đỡ của các trưởng lão được thánh linh bổ nhiệm trong hội thánh. (Công-vụ 20:28) Xét cho cùng, “các ơn cho loài người [“món quà dưới hình thức người”, NW]” là một sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va qua Đấng Christ để che chở và chăm sóc chiên ngài. (Ê-phê-sô 4:7, 8, 11-14) Phải công nhận yêu cầu sự giúp đỡ để đối phó với một yếu đuối có thể là điều không dễ. Chúng ta có thể ngượng, sợ các trưởng lão nghĩ xấu về mình. Nhưng chắc chắn những anh thành thục về thiêng liêng này sẽ coi trọng chúng ta vì chúng ta có can đảm yêu cầu sự giúp đỡ. Hơn nữa, các trưởng lão cố gắng phản ánh các đức tính của chính Đức Giê-hô-va khi đối xử với bầy. Những lời khuyên và sự dạy dỗ đầy an ủi và thực tiễn mà họ đưa ra từ Lời Đức Chúa Trời có thể chính là điều chúng ta cần để củng cố lòng quyết tâm vượt qua sự yếu đuối của mình.—Gia-cơ 5:14-16.

19. (a) Sa-tan cố dùng sự hư không của đời sống trong hệ thống này bằng cách nào? (b) Tin cậy bao hàm điều gì, và chúng ta phải quyết tâm làm gì?

19 Chớ bao giờ quên rằng Sa-tan biết thì giờ của hắn không còn bao nhiêu. (Khải-huyền 12:12) Hắn muốn dùng sự hư không của đời sống trong thế gian này để làm chúng ta nản lòng và bỏ cuộc. Mong sao chúng ta hoàn toàn tin chắc lời ghi nơi Rô-ma 8:35-39: “Ai sẽ phân-rẽ chúng ta khỏi sự yêu-thương của Đấng Christ? có phải hoạn-nạn, khốn-cùng, bắt-bớ, đói-khát, trần-truồng, nguy-hiểm, hay là gươm-giáo chăng?... Trái lại, trong mọi sự đó, chúng ta nhờ Đấng yêu-thương mình mà thắng hơn bội phần. Vì tôi chắc rằng bất-kỳ sự chết, sự sống, các thiên-sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền-phép, bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân-rẽ chúng ta khỏi sự yêu-thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus-Christ, là Chúa chúng ta”. Quả là một lời phát biểu đầy lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va! Tuy nhiên, lòng tin cậy như thế không chỉ là một cảm xúc. Thay vì thế, đó là sự tin cậy bao hàm những quyết định có suy nghĩ của chúng ta trong đời sống hàng ngày. Vậy, chúng ta hãy quyết tâm hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va trong kỳ gian truân.

[Chú thích]

^ đ. 1 Trong một lá thư viết cho Sở Đúc Tiền Hoa Kỳ đề ngày 20-11-1861, Bộ Trưởng Tài Chính Salmon P. Chase viết: “Không nước nào có thể mạnh mà không bởi sức mạnh của Đức Chúa Trời, hoặc an toàn mà không được Ngài bảo vệ. Lòng tin cậy của dân ta nơi Đức Chúa Trời phải được công bố trên đồng tiền quốc gia”. Kết quả là vào năm 1864, phương châm “Chúng ta tin nơi Chúa” xuất hiện lần đầu tiên trên đồng tiền lưu hành ở Hoa Kỳ.

^ đ. 7 Sự lo lắng miêu tả ở đây được cho là “sự lo sợ, cướp hết niềm vui trong cuộc sống”. Cách dịch như ‘đừng lo’ hoặc “chớ lo” hàm ý chúng ta không nên bắt đầu lo lắng. Tuy nhiên, một sách tham khảo nói: “Thời của động từ Hy Lạp là thể mệnh lệnh hiện tại, ngụ ý ra lệnh ngừng lại một hoạt động đang được tiến hành”.

^ đ. 9 Tám điểm đó là: (1) Đừng hoảng sợ; (2) suy nghĩ tích cực; (3) linh động để ý đến những công việc khác; (4) sống trong phạm vi tài chính của mình—không theo người khác; (5) cẩn thận khi mua chịu; (6) giữ sự hợp nhất trong gia đình; (7) giữ lòng tự trọng (8) lập ngân sách.

^ đ. 13 Hai tạp chí dựa trên Kinh Thánh này không đề nghị hay khuyến khích bất cứ phương pháp điều trị nào, nhận biết đây là quyết định cá nhân. Thay vì thế, những bài thảo luận những bệnh tật hoặc sự rối loạn cụ thể là để cung cấp thông tin cho độc giả về những sự kiện theo sự hiểu biết hiện thời.

Bạn có nhớ không?

• Khi đương đầu với vấn đề về kinh tế, chúng ta có thể biểu lộ lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va qua những cách nào?

• Chúng ta có thể biểu lộ lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời như thế nào khi đau buồn vì vấn đề sức khỏe?

• Khi một yếu đuối xác thịt cứ dai dẳng, làm thế nào chúng ta có thể cho thấy mình thật sự nương cậy nơi Đức Giê-hô-va?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 17]

Bạn có nhớ những bài này không?

Khi chúng ta đau buồn vì vấn đề sức khỏe, điều khích lệ là đọc về những người đã đối phó hữu hiệu với sự rối loạn chức năng, đau ốm và tàn tật. Sau đây là một số bài đã đăng trong tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức!.

Bị quật ngã, nhưng không bị diệt” tập trung vào việc đối phó với chứng liệt.—Tháp Canh, ngày 1-11-1995.

Dù bị cùi, đời sống tôi vẫn vui vẻ và được ban phước về thiêng liêng”.—Tháp Canh, ngày 1-4-1998.

Đức Chúa Trời làm mọi việc đều được” nói về việc đối phó với lối suy nghĩ tiêu cực và sự trầm cảm.—Tháp Canh, ngày 1-6-1999.

Ngày mai sẽ ra thế nào, chúng ta chẳng biết” nói về việc đối phó với sự rối loạn lưỡng cực.—Tháp canh, ngày 1-12-2000.

Cuộc hành trình của Loida ra khỏi sự im lặng” tập trung vào việc đối phó với chứng liệt não.—Tỉnh Thức!, tháng 10-12, 2000.

Cuộc phấn đấu của tôi với bệnh lạc nội mạc tử cung”.—Tỉnh Thức!, tháng 1-3, 2001.

Không đơn độc trong thử thách đức tin” nói về việc đối phó với bệnh bạch cầu nguyên bào lymphô cấp tính.—Tháp Canh, ngày 15-4-2001.

Phục vụ người khác làm dịu nỗi đau khổ” nói về việc đối phó với bệnh đa xơ cứng.—Tháp Canh, ngày 1-7-2003.

[Hình nơi trang 15]

Khi mất việc, có thể điều khôn ngoan là xem xét lại lối sống của mình

[Hình nơi trang 16]

Câu chuyện của Loida cho thấy lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va giúp một người chịu đựng như thế nào. (Xem khung trang 17)

[Hình nơi trang 18]

Chúng ta không cần phải ngượng khi yêu cầu sự giúp đỡ để vượt qua những yếu đuối của mình