Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phải chăng chỉ có một ‘giáo hội chân chính’?

Phải chăng chỉ có một ‘giáo hội chân chính’?

Phải chăng chỉ có một ‘giáo hội chân chính’?

“NHƯ chỉ có một Đấng Christ, thế thì cũng chỉ có một thân thể Đấng Christ, một vợ của Đấng Christ: ‘một Giáo Hội Công Giáo tông đồ’ ”.—Dominus Iesus (Chúa Giê-su).

Đó là những lời của hồng y Công Giáo La Mã, Joseph Ratzinger, nêu lên về sự dạy dỗ của giáo hội là chỉ có thể có một giáo hội chân chính. Theo ông, giáo hội đó là “Giáo Hội Ki-tô, tức Giáo Hội Công Giáo”.

“Không phải Giáo Hội theo đúng nghĩa”

Dù Giáo Hoàng Gioan Phao-lồ II khẳng định rằng văn kiện Dominus Iesus không có “ý trịch thượng hoặc xem thường các tôn giáo khác”, nhưng những nhà lãnh đạo giáo hội Tin Lành đã phản ứng mạnh mẽ. Chẳng hạn, tại Đại Hội Đồng Giáo Hội Trưởng Lão ở Belfast, Bắc Ireland, vào tháng 6 năm 2001, một mục sư nói rằng văn kiện đó là sản phẩm của “một phe có quyền thế trong Giáo Hội Công Giáo La Mã... vì hoang mang lo sợ tinh thần cởi mở do Công Đồng Vatican II đưa ra”.

Robin Eames, Tổng Giám Mục Giáo Hội Ireland, nói rằng ông hẳn “thất vọng não nề” nếu mục đích của văn kiện ấy là “trở lại tư tưởng của giáo hội trước thời Công Đồng Vatican II”. Bình luận về lời tuyên bố của Tòa Vatican là giáo hội nào bác bỏ những giáo lý Công Giáo “là không phải Giáo Hội theo đúng nghĩa”, ông Eames nói: “Đối với tôi, ấy là một sự sỉ nhục”.

Điều gì đã khiến Hồng Y Ratzinger đưa ra văn kiện Dominus Iesus? Dường như Giáo Triều Công Giáo La Mã lo âu về cái được gọi là chủ nghĩa tôn giáo tương đối. Theo báo The Irish Times, “sự nảy sinh của thuyết đa nguyên thần học—về cơ bản là đạo nào cũng tốt... càng làm cho Hồng Y Ratzinger bận tâm lo lắng”. Hình như quan điểm này đã khiến ông đưa ra lời nhận xét như thế về một giáo hội chân chính.

Việc một người thuộc giáo hội nào có quan trọng không?

Tất nhiên, đối với một số người, “chủ nghĩa tôn giáo tương đối” hoặc “thuyết đa nguyên thần học” hợp lý và thu hút hơn nhiều so với quan niệm là chỉ có thể có một giáo hội chân chính. Đối với họ, tôn giáo hoàn toàn là vấn đề sở thích cá nhân. Họ nói: ‘Cuối cùng, thật ra theo tôn giáo nào cũng được’.

Tư tưởng đó có vẻ là cởi mở hơn—mặc dù một trong những tác động của nó là chia rẽ tôn giáo thành vô số giáo phái khác nhau. Nhiều người nói: ‘Sự đa dạng ấy trong tôn giáo chỉ là một cách lành mạnh biểu lộ tự do cá nhân’. Tuy nhiên, theo tác giả Steve Bruce, “sự cởi mở về tôn giáo” như thế thật ra chẳng khác gì “sự thờ ơ về tôn giáo”.—A House Divided: Protestantism, Schism, and Secularization (Một nhà bị chia rẽ: Đạo Tin Lành, sự ly giáo và thế tục hóa).

Vậy thì quan điểm đúng là gì? Phải chăng chỉ có một giáo hội chân chính? Giáo hội chân chính đó có phải là Giáo Hội Công Giáo La Mã không? Có phải các giáo hội khác cũng được Đức Chúa Trời chấp nhận không? Vì những câu hỏi này liên quan đến mối quan hệ của chúng ta với Đấng Tạo Hóa, chắc chắn biết quan điểm của Ngài về vấn đề này là hệ trọng. Chúng ta có thể thực hiện điều đó như thế nào? Bằng cách nghiên cứu Lời soi dẫn của Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh. (Công-vụ 17:11; 2 Ti-mô-thê 3:16, 17) Chúng ta hãy xem xét Kinh Thánh nói gì về đề tài một giáo hội chân chính.