Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao củng cố hôn nhân của bạn?

Làm sao củng cố hôn nhân của bạn?

Làm sao củng cố hôn nhân của bạn?

HÃY tưởng tượng một căn nhà rơi vào tình trạng tồi tệ. Sơn thì tróc, mái nhà thì dột, và ngay cả vườn tược cũng tiêu điều. Rõ ràng là qua năm tháng căn nhà này đã chống chọi với những cơn bão khốc liệt, và bị hư hại vì không người chăm sóc. Có nên phá hủy căn nhà không? Không nhất thiết. Nếu nền còn vững và khung còn chắc, thì nó có thể được sửa chữa lại.

Tình trạng của căn nhà đó có làm cho bạn liên tưởng đến hôn nhân của bạn không? Theo thời gian, như thể giông tố mãnh liệt đã gây thiệt hại cho mối quan hệ hôn nhân của bạn. Có thể một hoặc cả hai người đã hờ hững ở mức độ nào đó. Bạn có lẽ cảm thấy như Sandy. Sau 15 năm trong tình nghĩa vợ chồng, chị nói: “Chúng tôi không có điều tâm đắc chung, ngoại trừ kết hôn với nhau. Nhưng như thế thì không đủ”.

Ngay dù hôn nhân của bạn đã đi đến giai đoạn này, chớ vội kết luận rằng chấm dứt là hơn. Hôn nhân bạn rất có thể được cứu vãn, nhưng phần lớn tùy thuộc vào mức độ cam kết giữa bạn và người bạn đời. Sự cam kết có thể giúp cho đời sống lứa đôi ổn định trong thời kỳ sóng gió. Nhưng cam kết là gì? Và Kinh Thánh có thể giúp cho bạn củng cố sự cam kết ấy như thế nào?

Cam kết bao gồm bổn phận

Theo một tự điển, cam kết nói đến việc “bằng lòng giữ đúng như lời đã thắt buộc, đã hứa hẹn”. Đôi khi từ này áp dụng cho một giao kèo làm ăn. Thí dụ, một người xây cất có lẽ cảm thấy có bổn phận thực hiện những đòi hỏi trong hợp đồng mà ông đã ký để xây căn nhà. Có lẽ chính ông không biết người đã thuê ông để làm công việc đó. Dầu vậy, ông cảm thấy phải giữ đúng như lời đã hứa.

Dù hôn nhân không phải là một giao kèo lạnh lùng, những cam kết đòi hỏi ở đây bao gồm bổn phận. Rất có thể bạn và người bạn đời tri kỷ đã trang nghiêm hứa nguyện trước Đức Chúa Trời và loài người là khăng khít bên nhau dù có thế nào chăng nữa. Chúa Giê-su nói: “Đấng Tạo-Hóa, hồi ban đầu, dựng nên một người nam, một người nữ, và có phán rằng: Vì cớ đó người nam sẽ lìa cha mẹ, mà dính-díu với vợ mình”. Chúa Giê-su nói thêm: “Loài người không nên phân-rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối-hiệp!” (Ma-thi-ơ 19:4-6) Vậy thì khi vấn đề xảy ra, bạn và một nửa của mình nên quyết tâm giữ đúng như lời đã hứa. * Một người vợ nói: “Chỉ sau khi chúng tôi ngừng xem ly hôn là một giải pháp, thì sự việc mới bắt đầu cải tiến”.

Tuy nhiên, sự cam kết trong hôn nhân bao hàm nhiều hơn là bổn phận. Vậy còn điều gì nữa?

Hợp tác với nhau củng cố cam kết hôn nhân

Sự cam kết trong hôn nhân không có nghĩa là vợ chồng sẽ không bao giờ bất đồng ý kiến. Khi có sự mâu thuẫn gay gắt, cả hai nên tha thiết ước muốn giải quyết vấn đề không phải chỉ vì lời thề ràng buộc mà vì tình nghĩa keo sơn. Về vợ chồng, Chúa Giê-su nói: “Vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi”.

Trở nên “một thịt” với người bạn đời có nghĩa gì? Sứ đồ Phao-lô viết rằng “chồng phải yêu vợ như chính thân mình”. (Ê-phê-sô 5:28, 29) Vậy thì trở nên “một thịt” có nghĩa là bạn cảm thấy quan tâm đến hạnh phúc của người bạn đời như của chính mình. Những người đã có vợ có chồng cần chuyển lối suy nghĩ từ “tôi” sang “chúng ta”, từ “của tôi” sang “của chúng ta”. Một nhà cố vấn viết: “Cả hai người phải ngừng có cảm nghĩ mình vẫn còn là người độc thân, nhưng là người đã kết hôn”.

Bạn và người hôn phối có thật sự cảm thấy là một đôi vợ chồng không? Có thể chung chăn gối nhiều năm mà vẫn chưa trở nên “một thịt” theo nghĩa đó. Đúng vậy, điều đó có thể xảy ra, nhưng sách Giving Time a Chance (Cho thời gian cơ hội) nói: “Hôn nhân có nghĩa là chia sẻ ngọt bùi, và hai người càng chia sẻ thì tình nghĩa vợ chồng càng đậm đà”.

Một số cặp không hạnh phúc tiếp tục chung sống với nhau vì con cái hay vì sự an toàn về tài chính. Những cặp khác thì cam chịu vì về mặt luân lý cảm thấy không thể ly dị hoặc vì sợ người khác sẽ nghĩ sao nếu hôn nhân họ tan rã. Đáng khen là những hôn nhân này đã kéo dài, nhưng nên nhớ mục tiêu của các bạn là có được một mái ấm gia đình, chứ không chỉ một mối quan hệ lâu bền.

Hành động vị tha khuyến khích sự cam kết hôn nhân

Kinh Thánh báo trước rằng trong “ngày sau-rốt”, người ta sẽ đều “tư-kỷ”. (2 Ti-mô-thê 3:1, 2) Đúng như lời tiên tri, ngày nay người ta dường như nhấn mạnh đến việc tự tôn. Trong quá nhiều cuộc hôn nhân, người ta xem việc hy sinh mà không chắc được đáp lại là dấu hiệu của sự yếu đuối. Tuy nhiên, trong cuộc hôn nhân thành công, cả vợ lẫn chồng đều thể hiện tinh thần hy sinh. Bạn có thể làm điều đó như thế nào?

Thay vì mãi nghĩ đến câu hỏi: ‘Tôi nhận được gì trong mối quan hệ này?’ hãy tự hỏi: ‘Bản thân tôi đang làm gì để thắt chặt đời sống lứa đôi?’ Kinh Thánh nói rằng tín đồ Đấng Christ nên “chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa”. (Phi-líp 2:4) Trong khi suy ngẫm về nguyên tắc Kinh Thánh này, hãy phân tích những hành động của bạn trong tuần vừa qua. Bao nhiêu lần bạn đã tỏ một cử chỉ ân cần chỉ vì lợi ích của người hôn phối? Khi người hôn phối muốn tâm sự, bạn có lắng nghe không—ngay dù cảm thấy không muốn làm thế? Bao nhiêu lần bạn đã tham gia những sinh hoạt mà người hôn phối thích?

Khi cân nhắc những câu hỏi ấy, đừng lo là những việc tốt của bạn sẽ không được chú ý hay mang lại kết quả. Một sách tham khảo nói: “Trong đa số mối quan hệ, cách cư xử tích cực thường được hưởng ứng, vậy hãy cố hết sức khuyến khích người bạn lòng cư xử tích cực bằng cách chính bạn cư xử càng tích cực hơn”. Những hành động hy sinh của bạn thắt chặt tình nghĩa vợ chồng vì qua đó cho thấy bạn trân trọng và muốn gìn giữ hôn nhân.

Có quan điểm lâu bền về hôn nhân là điều thiết yếu

Giê-hô-va Đức Chúa Trời quý tính trung tín. Quả thật, Kinh Thánh nói: “Đối với ai trung tín, Chúa đối xử trung tín lại”. (2 Sa-mu-ên 22:26, NW) Trung thành với Đức Chúa Trời đòi hỏi phải trung thành với sự sắp đặt về hôn nhân mà Ngài đã thiết lập.—Sáng-thế Ký 2:24.

Khi bạn và người bạn đời chung thủy với nhau, cả hai sẽ cảm nghiệm được sự bền vững trong hôn nhân. Khi nghĩ đến những năm tháng và thập niên trước mắt, cả hai vẫn thấy mình sánh bước bên nhau. Ý tưởng không còn đầu ấp má kề quá xa lạ đối với hai người, và quan điểm này mang lại sự đảm bảo trong đời sống lứa đôi. Một người vợ nói: “Ngay dù rất tức giận [chồng tôi] và hết sức bực mình về những gì đang xảy ra cho chúng tôi, tôi không lo là hôn nhân đi đến chỗ chấm dứt. Tôi chỉ lo là làm sao trở lại tình trạng tốt đẹp như cũ. Tôi không hề nghi ngờ là chúng tôi sẽ giải quyết ổn thỏa—nhưng trong lúc đó tôi chỉ không biết sẽ giải quyết như thế nào thôi”.

Có quan điểm lâu bền về hôn nhân là một phần thiết yếu trong sự cam kết với người hôn phối, song đáng buồn là điều này thiếu sót trong nhiều cuộc hôn nhân. Trong lúc cãi cọ dữ dội, một người có thể buột miệng thốt ra: “Chúng ta chia tay thôi!” hoặc: “Tôi sẽ đi tìm người nào thật sự quý tôi!” Đành rằng những lời ấy thường thì không có ý như vậy, nhưng Kinh Thánh lưu ý là cái lưỡi có thể có “đầy-dẫy những chất độc giết chết”. (Gia-cơ 3:8) Những lời dọa dẫm như thể là nói: ‘Tôi không xem hôn nhân của chúng ta là chuyện lâu bền. Tôi có thể vứt bỏ bất cứ lúc nào tôi muốn’. Ngụ ý điều ấy có thể gây tổn hại cho hôn nhân.

Khi có quan điểm lâu bền về hôn nhân, bạn sẽ ở bên cạnh người bạn đời của mình qua bao chông gai hiểm trở. Điều này mang lại một lợi ích khác. Bạn và người hôn phối sẽ dễ chấp nhận những yếu kém và lỗi lầm, tiếp tục nhường nhịn và sẵn sàng tha thứ nhau. (Cô-lô-se 3:13) Một sách cẩm nang nói: “Trong một hôn nhân thành công, cả hai vẫn phạm lỗi, nhưng bất chấp những lỗi lầm ấy tình nghĩa vợ chồng vẫn vững bền”.

Vào ngày cưới, bạn đã kết ước, không phải với một thể chế hôn nhân, mà với một người—người bạn đời. Sự kiện này giờ đây nên ảnh hưởng sâu xa đến cách bạn suy nghĩ và hành động như là người đã có mái ấm gia đình. Chẳng lẽ bạn không đồng ý là bạn nên tiếp tục sánh vai chung bước với người bạn đời không phải chỉ vì bạn tin tưởng mạnh mẽ nơi sự thánh khiết của hôn nhân mà vì bạn yêu người mà mình đã thề non hẹn biển hay sao?

[Chú thích]

^ đ. 7 Trong những trường hợp đặc biệt, cặp vợ chồng có thể có lý do chính đáng để ly thân. (1 Cô-rinh-tô 7:10, 11; xem sách Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc, trang 160, 161, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản). Ngoài ra, Kinh Thánh cho phép ly dị vì cớ ngoại tình (tình dục vô luân).—Ma-thi-ơ 19:9.

[Khung/​Hình nơi trang 5]

Những gì bạn có thể làm ngay bây giờ

Sự cam kết trong hôn nhân của bạn đến mức độ nào? Có lẽ bạn thấy có khả năng cải thiện. Để củng cố sự cam kết trong đời sống lứa đôi, hãy thử làm những điều sau đây:

● Hãy tự vấn và nêu lên câu hỏi: ‘Tôi có thật sự cảm thấy mình là người đã có gia đình, hay tôi vẫn còn suy nghĩ và hành động như người độc thân?’ Hãy hỏi người hôn phối nghĩ sao về bạn trong khía cạnh này.

● Vợ chồng bạn hãy cùng nhau đọc bài này. Rồi điềm tĩnh thảo luận về những cách mà cả hai có thể thắt chặt tình nghĩa vợ chồng.

● Cùng với người hôn phối, hãy tham gia vào những hoạt động củng cố sự cam kết trong hôn nhân. Chẳng hạn: Xem lại những tấm ảnh ngày cưới và những kỷ niệm đáng ghi nhớ. Làm những việc mà cả hai vui thích trong lúc hẹn hò và trong những năm đầu mà đôi uyên ương vừa kết hợp. Hãy cùng nhau học những bài dựa trên Kinh Thánh trong Tháp Canh Tỉnh Thức! nói đến hôn nhân.

[Khung/​Hình nơi trang 6]

Trong hôn nhân, cam kết bao gồm...

Bổn phận “Khá trả điều gì ngươi hứa. Thà đừng khấn-hứa, hơn là khấn-hứa mà lại không trả”.—Truyền-đạo 5:4, 5.

Hợp tác với nhau “Hai người hơn một... Nếu người nầy sa-ngã, thì người kia sẽ đỡ bạn mình lên”.—Truyền-đạo 4:9, 10.

Hy sinh “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”.—Công-vụ 20:35.

Có quan điểm lâu bền về hôn nhân “Tình yêu-thương... nín-chịu mọi sự”.—1 Cô-rinh-tô 13:4, 7.

[Các hình nơi trang 7]

Khi người hôn phối muốn tâm sự, bạn có lắng nghe không?