Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Martin Luther—Thân thế và sự nghiệp

Martin Luther—Thân thế và sự nghiệp

Martin Luther—Thân thế và sự nghiệp

“NGƯỜI TA nói rằng có nhiều sách viết về [Martin Luther] hơn bất kỳ ai khác trong lịch sử, ngoại trừ chính thầy của ông là Giê-su Christ”. Tạp chí Time đã nhận xét như thế. Lời nói và hành động của Luther đã góp phần khai sinh Phong Trào Cải Cách, một phong trào tôn giáo được xem là “cuộc cách mạng có ý nghĩa to lớn nhất trong lịch sử nhân loại”. Qua đó ông đã góp phần thay đổi bộ mặt tôn giáo Châu Âu và khép lại thời kỳ Trung Cổ ở lục địa này. Luther cũng đặt nền tảng chuẩn hóa chữ viết của tiếng Đức. Cho đến nay bản dịch Kinh Thánh của ông vẫn phổ biến nhất trong các bản dịch Kinh Thánh tiếng Đức.

Martin Luther là người như thế nào? Làm thế nào ông có ảnh hưởng lớn đến thế ở Châu Âu?

Luther trở thành học giả

Martin Luther sinh tháng 11 năm 1483 ở Eisleben, Đức. Cha ông tuy chỉ là công nhân mỏ đồng nhưng vẫn xoay xở được để bảo đảm cho ông có một nền giáo dục tốt. Vào năm 1501, Martin vào Đại Học Erfurt. Chính trong thư viện trường, ông mới được đọc Kinh Thánh lần đầu tiên. Ông nói: “Cuốn sách khiến tôi vô cùng thích thú, và tôi ước gì một ngày nào đó mình sẽ may mắn có được một cuốn”.

Lúc 22 tuổi, Luther gia nhập dòng thánh Augustine ở Erfurt. Sau đó, ông lấy bằng tiến sĩ thần học tại Đại Học Wittenberg. Luther tự xem mình bất xứng với ân huệ Đức Chúa Trời, và đôi khi cảm thấy hết sức chán nản vì luôn bị lương tâm cáo trách. Nhưng việc học hỏi Kinh Thánh, cầu nguyện và suy ngẫm dần dần giúp ông hiểu rõ hơn quan điểm Đức Chúa Trời về con người tội lỗi. Luther nhận ra rằng người ta không thể mua ân huệ Đức Chúa Trời, nhưng đó là ơn dành cho những ai tin.—Rô-ma 1:16; 3:23, 24, 28.

Làm thế nào Luther có thể đi đến kết luận rằng cách hiểu mới của ông là đúng? Kurt Aland, giáo sư khoa lịch sử giáo hội thời ban đầu và nghiên cứu văn bản Tân Ước, viết: “Ông nghiền ngẫm toàn bộ Kinh Thánh để xem cách hiểu mới này có phù hợp với những phần khác trong Kinh Thánh hay không, và ông nhận thấy sự hiểu biết đó được chứng thực trong suốt Kinh Thánh”. Cho đến nay giáo lý về sự xưng công chính tại tin, chứ không phải bởi việc làm, hay sự sám hối, vẫn là một dạy dỗ căn bản của Luther.

Phẫn nộ trước vấn đề ân xá

Cách hiểu của Luther về quan điểm Đức Chúa Trời liên quan đến người có tội khiến ông bất đồng với Giáo Hội Công Giáo La Mã. Lúc đó, nhiều người tin rằng sau khi chết, người có tội phải chịu hình phạt trong một thời gian. Tuy nhiên, người ta cho là nếu dâng tiền thì có thể nhận được ân xá do thẩm quyền của giáo hoàng để rút ngắn thời gian này. Những kẻ môi giới như Johann Tetzel, đại diện cho Tổng Giám Mục Albert ở Mainz, đã bán rất chạy sự ân xá cho thường dân. Nhiều người xem sự ân xá là một loại bảo hiểm cho những tội trong tương lai.

Luther rất phẫn nộ trước việc buôn bán sự ân xá. Ông biết loài người không có quyền mặc cả với Đức Chúa Trời. Mùa thu năm 1517, ông viết 95 luận điểm nổi tiếng lên án giáo hội lạm quyền về mặt tài chính, giáo lý và tôn giáo. Với ước muốn khuyến khích cải cách chứ không phải chống đối, Luther gửi bản sao các luận điểm đến Tổng Giám Mục Albert ở Mainz và một số học giả. Nhiều sử gia xem năm 1517 hoặc khoảng thời gian đó là lúc Phong Trào Cải Cách bắt đầu.

Luther không phải là người duy nhất than vãn về những sai trái của giáo hội. Trước đó một trăm năm, nhà cải cách tôn giáo người Tiệp Khắc Jan Hus đã lên án việc buôn bán sự ân xá. Trước Hus, John Wycliffe ở Anh cũng đã vạch ra những tập tục trái Kinh Thánh của giáo hội. Những người đương thời với Luther như Erasmus ở Rotterdam và Tyndale ở Anh cũng thúc đẩy cải cách. Nhưng chính nhờ việc sáng chế ra loại máy in sắp chữ ở Đức của Johannes Gutenberg, tiếng nói của Luther vang lớn hơn và xa hơn các nhà cải cách khác.

Nhà in của Gutenberg ở Mainz đã hoạt động vào năm 1455. Đến đầu thế kỷ 16, có 60 tỉnh thành ở Đức và 12 nước khác ở Châu Âu đều có nhà in. Lần đầu tiên trong lịch sử, công chúng được nhanh chóng thông tin về những vấn đề đáng quan tâm. Chín mươi lăm luận điểm của Luther được in ra và phát hành rộng rãi, dù có lẽ không có sự đồng ý của ông. Cải cách giáo hội không còn là vấn đề ở một địa phương nữa. Nó trở thành vấn đề tranh luận ở khắp nơi, và Martin Luther bổng nhiên trở thành người nổi tiếng nhất ở Đức.

Phản ứng của “mặt trời và mặt trăng”

Trong nhiều thế kỷ, Châu Âu nằm dưới sự kiểm soát của hai thế lực chính: Đế Chế La Mã Thánh và Giáo Hội Công Giáo La Mã. Ông Hanns Lilje, cựu chủ tịch Liên Đoàn Luther Thế Giới, giải thích: “Hoàng đế và giáo hoàng phụ thuộc lẫn nhau như mặt trời và mặt trăng”. Tuy nhiên, người ta không chắc lắm ai là mặt trời, còn ai là mặt trăng. Đến đầu thế kỷ 16, cả hai thế lực này đều không còn ở đỉnh cao quyền lực nữa. Làn gió cải cách tỏa khắp nơi.

Phản ứng của Giáo Hoàng Leo X trước 95 luận điểm của Luther là đe dọa rút phép thông công nếu ông không công khai rút lại các lời tuyên bố của mình. Để phản đối, Luther công khai đốt sắc chỉ chứa đựng lời đe dọa của giáo hoàng, và phát hành thêm các ấn phẩm kêu gọi các vùng thực hiện cải cách giáo hội, ngay dù không có sự đồng ý của giáo hoàng. Năm 1521, Giáo Hoàng Leo X rút phép thông công của Luther. Khi Luther phản đối rằng ông đã bị xử bất công vì chưa được biện minh trước tòa, Hoàng Đế Charles V cho triệu nhà cải cách đến ứng hầu trước hội nghị ở Worms. Cuộc hành trình 15 ngày của Luther từ Wittenberg đến Worms vào tháng 4 năm 1521 chẳng khác nào một cuộc diễu hành vinh quang. Dân chúng đứng về phía ông, và người ta ở khắp mọi nơi đều muốn nhìn thấy ông.

Ở Worms, Luther ứng hầu trước hoàng đế, các ông hoàng và người đại diện giáo hoàng. Trước đó vào năm 1415, Jan Hus đã phải ứng hầu trước một phiên tòa tương tự ở Constance, và đã bị đưa lên giàn thiêu. Lúc ấy, trước mọi cặp mắt của giáo hội và đế chế đổ dồn về phía ông, Luther từ chối rút lại các lời tuyên bố của mình trừ khi những người chống đối có thể dùng Kinh Thánh chứng minh là ông sai. Nhưng không ai có thể thuộc Kinh Thánh bằng ông. Phán quyết của phiên tòa được lưu lại trong một văn bản được gọi là Chỉ Dụ Worms. Chỉ dụ này tuyên bố Luther là kẻ phạm pháp và nghiêm cấm lưu hành các ấn phẩm của ông. Bị giáo hoàng rút phép thông công và hoàng đế tuyên án, giờ đây mạng sống của ông bị đe dọa.

Nhưng rồi một diễn biến đầy kịch tính và bất ngờ đã xảy ra. Trên đường về Wittenberg, Luther bị bắt cóc, một vụ bắt cóc trá hình do mạnh thường quân Frederick ở Saxony sắp đặt nhằm che giấu ông khỏi tay kẻ thù. Luther được bí mật đưa đến lâu đài Wartburg, một nơi hẻo lánh. Ở đó, ông để râu và thay đổi danh tánh, trở thành hiệp sĩ Junker Jörg.

Nhu cầu lớn về cuốn Kinh Thánh Tháng Chín

Trong mười tháng kế tiếp, Luther sống ở lâu đài Wartburg để ẩn mình khỏi bàn tay của hoàng đế và giáo hoàng. Sách Welterbe Wartburg giải thích rằng “thời gian ở Wartburg là một trong những thời kỳ ông đạt nhiều thành quả nhất”. Một trong những thành tựu lớn nhất của ông, bản dịch bằng tiếng Đức từ văn bản phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp của Erasmus được hoàn tất ở đó. Được phát hành vào tháng 9 năm 1522 và không để tên dịch giả, bản dịch này được gọi là Kinh Thánh Tháng Chín. Giá mỗi cuốn là 1,5 đồng guilder, tương đương với một năm lương của một người hầu. Dù vậy, có rất nhiều người muốn có Kinh Thánh Tháng Chín. Trong vòng 12 tháng, bản Kinh Thánh này đã được in ra 2 đợt với tổng số 6.000 cuốn, và trong 12 năm tiếp theo, lại được tái bản ít nhất 69 lần.

Năm 1525, Martin Luther kết hôn với Katharina von Bora, từng là nữ tu. Katharina rất giỏi quán xuyến việc nhà và đáp ứng những nhu cầu phát sinh từ tính hào phóng của chồng. Gia đình của Luther không chỉ bao gồm vợ và sáu đứa con, mà cả bạn bè, các học giả và những người cần nơi ẩn náu. Về già, Luther được xem là một nhà cố vấn uy tín đến độ các học giả là khách trong nhà ông luôn cầm theo giấy viết để ghi lại những nhận xét của ông. Những ghi chép này được gộp lại thành một bộ sưu tập có tên là Luthers Tischreden (Các cuộc nói chuyện tại bàn ăn Luther). Có thời số lượng phát hành của bộ sách này trong tiếng Đức chỉ đứng sau Kinh Thánh.

Dịch giả tài năng và ngòi bút không mệt mỏi

Đến năm 1534, Luther đã hoàn tất bản dịch phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Ông có khả năng kết hợp hài hòa văn phong, nhịp điệu và từ vựng. Kết quả là những người thường dân có một cuốn Kinh Thánh dễ hiểu. Bình luận về phương pháp dịch của mình, Luther viết: “Chúng ta nên nói chuyện với các bà mẹ trong nhà, các em nhỏ ngoài đường phố và những người thường dân ngoài chợ, nhìn miệng họ, xem cách họ nói, rồi dịch theo cách ấy”. Kinh Thánh của Luther đã giúp đặt nền tảng cho một hệ thống chữ viết chuẩn mà về sau được chấp nhận trên toàn nước Đức.

Luther vừa có tài dịch thuật vừa có tài viết văn. Người ta nói rằng trong suốt thời gian còn làm việc, cứ mỗi hai tuần ông viết một luận văn. Một số bài này mang đậm tính tranh biện cũng như tác giả của chúng vậy. Nếu những tác phẩm đầu đời của ông đầy chất châm biếm, thì tuổi tác không hề làm dịu ngòi bút của ông. Càng về sau những bài luận văn của ông càng gay gắt hơn. Theo sách Lexikon für Theologie und Kirche, các tác phẩm của Luther phản ánh “sự phẫn nộ cùng cực”, “sự thiếu khiêm tốn và yêu thương”, cũng như “một niềm tin mạnh mẽ về ơn thiên sai”.

Khi Cuộc Chiến Nông Dân bùng nổ và các vùng ngập trong biển máu, Luther được mời nhận định về cuộc nổi dậy. Nông dân có lý do chính đáng để chống lại các địa chủ phong kiến không? Luther đã không đưa ra câu trả lời mà đa số thích nghe để tiếp tục được quần chúng ủng hộ. Ông tin rằng tôi tớ Đức Chúa Trời phải vâng phục các bậc cầm quyền. (Rô-ma 13:1) Trong một nhận định thẳng thừng, Luther nói cuộc nổi loạn phải được thẳng tay dập tắt. Ông nói: “Tất cả ai có sức, hãy đâm, đánh, giết”. Theo Hanns Lilje, câu trả lời này đã khiến Luther mất đi “sự mến chuộng đặc biệt của quần chúng đối với ông cho đến lúc đó”. Ngoài ra, các luận văn sau này của Luther về những người Do thái từ chối cải sang đạo Đấng Christ, đặc biệt là bài Von den Juden und ihren Lügen (Về người Do thái và sự dối trá của họ), khiến nhiều người cho tác giả là người bài Do thái.

Sự nghiệp của Luther

Phong Trào Cải Cách được cổ vũ bởi những người như Luther, Calvin và Zwingli đã dẫn tới việc thành lập một đạo mới, được gọi là Tin Lành. Di sản chính mà Luther để lại cho đạo Tin Lành là sự dạy dỗ trọng tâm của ông về sự xưng công chính tại tin. Mỗi vùng ở Đức tự chọn theo đức tin của người Tin Lành hoặc người Công Giáo. Đạo Tin Lành dần dần lan rộng và được quần chúng ủng hộ ở Scandinavia, Thụy Sĩ, Anh và Hà Lan. Ngày nay tín đồ của đạo này đã lên đến hàng trăm triệu.

Nhiều người tuy không chấp nhận hết các niềm tin của Luther nhưng vẫn rất kính trọng ông. Vào năm 1983, cựu Cộng Hòa Dân Chủ Đức, gồm các thành phố Eisleben, Erfurt, Wittenberg và lâu đài Wartburg, đã tổ chức kỷ niệm 500 năm ngày sinh của Luther. Nhà nước xã hội chủ nghĩa này đã công nhận ông là nhân vật tiêu biểu trong lịch sử và văn hóa nước Đức. Ngoài ra, một nhà thần học Công Giáo vào thập niên 1980 đã tóm lược ảnh hưởng của Luther và nhận xét: “Về sau không ai có thể sánh bằng Luther”. Giáo Sư Aland viết: “Mỗi năm có ít nhất 500 ấn phẩm mới về Martin Luther và Phong Trào Cải Cách được phát hành trong hầu hết các ngôn ngữ lớn trên thế giới”.

Martin Luther có trí tuệ sắc bén, có trí nhớ lạ thường, có sự tinh thông từ vựng, và có đức làm việc chuyên cần. Ông cũng có tính thiếu kiên nhẫn, hay khinh bỉ, và phản ứng dữ dội trước những điều ông cho là giả hình. Trong phút lâm chung của ông ở Eisleben vào tháng 2 năm 1546, bạn bè hỏi ông có còn tin chắc vào những điều ông đã dạy người khác không. Ông trả lời: “Có”. Luther đã ra đi, nhưng nhiều người vẫn sống theo niềm tin của ông.

[Hình nơi trang 27]

Luther phản đối việc buôn bán sự ân xá

[Nguồn tư liệu]

Mit freundlicher Genehmigung: Wartburg-Stiftung

[Hình nơi trang 28]

Luther từ chối rút lại các lời tuyên bố của mình trừ khi những người chống đối có thể dùng Kinh Thánh chứng minh là ông sai

[Nguồn tư liệu]

Từ sách The Story of Liberty, 1878

[Các hình nơi trang 29]

Phòng của Luther ở Lâu Đài Wartburg, nơi ông dịch Kinh Thánh

[Nguồn tư liệu]

Cả hai hình: Mit freundlicher Genehmigung: Wartburg-Stiftung

[Nguồn tư liệu nơi trang 26]

Từ sách Martin Luther The Reformer, 3rd Edition, published by Toronto Willard Tract Depository, Toronto, Ontario

[Nguồn tư liệu nơi trang 30]

Từ sách The History of Protestantism (Tập 1)