Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nói chuyện về thiêng liêng có tác dụng xây dựng

Nói chuyện về thiêng liêng có tác dụng xây dựng

Nói chuyện về thiêng liêng có tác dụng xây dựng

“Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích-lợi cho kẻ nghe đến”.—Ê-PHÊ-SÔ 4:29.

1, 2. (a) Ngôn ngữ loài người quý giá như thế nào? (b) Tôi tớ Đức Giê-hô-va mong muốn dùng lưỡi họ như thế nào?

“NGÔN NGỮ loài người là điều bí ẩn; nó là sự ban cho của Đức Chúa Trời, một phép lạ”. Đó là lời của nhà từ điển học Ludwig Koehler. Có lẽ chúng ta xem thường sự ban cho quý giá này của Đức Chúa Trời. (Gia-cơ 1:17) Nhưng hãy thử nghĩ khi một cơn đột quỵ cướp đi năng lực nói của một người thân yêu, chúng ta bị mất một điều quý báu biết bao. Chị Joan, chồng mới đây bị cơn đột quỵ, giải thích: “Chúng tôi rất khăng khít, nói chuyện rất tâm đầu ý hợp. Tôi nuối tiếc những năm tháng được nói chuyện với anh ấy biết bao!”

2 Việc nói chuyện có thể thắt chặt tình bè bạn, hòa giải sự hiểu lầm, khuyến khích người nản lòng, củng cố đức tin và làm đời sống thêm phong phú—nhưng không bao giờ một cách tự động. Vua khôn ngoan Sa-lô-môn nhận xét: “Lời vô độ đâm-xoi khác nào gươm; nhưng lưỡi người khôn-ngoan vốn là thuốc hay”. (Châm-ngôn 12:18) Là tôi tớ Đức Giê-hô-va, chúng ta muốn việc trò chuyện của mình có tác dụng hàn gắn và xây dựng thay vì làm tổn thương và phá hỏng. Chúng ta cũng mong muốn dùng lưỡi để ca ngợi Đức Giê-hô-va, cả trong thánh chức rao giảng lẫn khi nói chuyện riêng. Người viết Thi-thiên hát: “Chúng tôi xin ngợi khen Thiên Chúa suốt ngày, và tán tụng Danh Người luôn mãi”.—Thi-thiên 44:8, Nguyễn Thế Thuấn.

3, 4. (a) Về lời nói, tất cả chúng ta đều đứng trước vấn đề nào? (b) Tại sao lời nói chúng ta là quan trọng?

3 Môn đồ Gia-cơ cảnh giác: “Cái lưỡi, không ai trị-phục được nó”. Ông nhắc nhở chúng ta: “Chúng ta thảy đều vấp-phạm nhiều cách lắm. Nếu có ai không vấp-phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn-vẹn, hay hãm-cầm cả mình”. (Gia-cơ 3:2, 8) Không ai trong chúng ta là hoàn toàn. Vì thế, dù có thiện ý, lời nói của chúng ta không luôn luôn có tác dụng xây dựng người khác hoặc ca ngợi Đấng Tạo Hóa. Vậy thì chúng ta phải học cách thận trọng trong lời nói. Hơn nữa, Chúa Giê-su nói: “Đến ngày phán-xét, người ta sẽ khai ra mọi lời hư-không mà mình đã nói; vì bởi lời nói mà ngươi sẽ được xưng là công-bình, cũng bởi lời nói mà ngươi sẽ bị phạt”. (Ma-thi-ơ 12:36, 37) Quả thực, Đức Chúa Trời bắt chúng ta phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình.

4 Một trong những cách tốt nhất để tránh nói năng gây tổn hại là tập thói quen nói về những chuyện thiêng liêng. Bài này sẽ thảo luận chúng ta có thể làm điều đó như thế nào, có thể nói về những đề tài nào, và được lợi ích nào qua cách nói năng xây dựng.

Chú ý đến lòng

5. Lòng giữ vai trò then chốt nào trong việc khuyến khích nói chuyện xây dựng?

5 Trong việc tập thói quen nói về những chuyện xây dựng, trước hết chúng ta phải nhận thức rằng lời nói của chúng ta phản ánh những gì trong lòng. Chúa Giê-su nói: “Do sự đầy-dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra”. (Ma-thi-ơ 12:34) Nói một cách đơn giản, chúng ta thích nói về những điều chúng ta xem là quan trọng. Vậy chúng ta cần tự hỏi: ‘Cách tôi nói chuyện cho thấy gì về tình trạng trong lòng tôi? Khi nói chuyện với gia đình hoặc anh em đồng đạo, tôi có tập trung vào vấn đề thiêng liêng hay luôn luôn hướng về thể thao, quần áo, phim xi nê, đồ ăn, những đồ mới mua, hoặc những chuyện tầm phào khác?’ Có lẽ không ý thức, đời sống và ý tưởng chúng ta đã bắt đầu xoay quanh những việc không quan trọng. Sắp xếp lại những điều ưu tiên sẽ cải thiện cách nói chuyện cũng như đời sống chúng ta.—Phi-líp 1:10.

6. Việc suy ngẫm có vai trò nào trong cách chúng ta nói chuyện?

6 Suy ngẫm nghiêm túc là một cách khác để cải tiến phẩm chất điều mình nói. Nếu cố gắng suy nghĩ về những vấn đề thiêng liêng, chúng ta sẽ tự nhiên nói về chuyện thiêng liêng. Vua Đa-vít thấy sự liên hệ này. Ông hát: “Hỡi Đức Giê-hô-va... nguyện lời nói của miệng tôi, sự suy-gẫm của lòng tôi được đẹp ý Ngài!” (Thi-thiên 19:14) Và người viết Thi-thiên là A-sáp nói: “[Tôi] sẽ ngẫm-nghĩ về mọi công-tác Chúa, suy-gẫm những việc làm của Ngài”. (Thi-thiên 77:12) Khi lòng và trí quan tâm sâu xa về những lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời thì tự nhiên sẽ chan chứa những lời nói đáng khen. Giê-rê-mi không thể không nói về những gì Đức Giê-hô-va đã dạy ông. (Giê-rê-mi 20:9) Đối với chúng ta cũng có thể như vậy nếu thường xuyên suy ngẫm về những điều thiêng liêng.—1 Ti-mô-thê 4:15.

7, 8. Những đề tài nào rất thích hợp cho việc nói chuyện xây dựng?

7 Khi có một lề lối thiêng liêng tốt, chúng ta có rất nhiều đề tài để nói chuyện xây dựng. (Phi-líp 3:16) Hội nghị, đại hội, buổi họp hội thánh, ấn phẩm hiện hành, và đoạn Kinh Thánh hàng ngày cùng lời bình luận được in, tất cả đều cho chúng ta nhiều điều thiêng liêng quý báu để chia sẻ. (Ma-thi-ơ 13:52) Và những kinh nghiệm trong thánh chức rao giảng có thể khích lệ biết bao về thiêng liêng!

8 Vua Sa-lô-môn say mê nhiều loại cây cối, thú vật, chim chóc và cá mà ông quan sát ở Y-sơ-ra-ên. (1 Các Vua 4:33) Ông vui thích nói về công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng có thể làm như vậy. Tôi tớ Đức Giê-hô-va thích nói về nhiều đề tài, nhưng đề tài về thiêng liêng luôn là phần thú vị trong cuộc trò chuyện của những người có tính thiêng liêng.—1 Cô-rinh-tô 2:13.

‘Phải nghĩ đến những điều này’

9. Phao-lô cho các tín đồ ở Phi-líp lời khuyên bảo nào?

9 Dù dùng đề tài nào đi nữa, cuộc nói chuyện của chúng ta sẽ khích lệ người khác nếu theo sát lời khuyên bảo mà sứ đồ Phao-lô viết cho hội thánh ở Phi-líp. Ông viết: “Phàm điều chi chân-thật, điều chi đáng tôn, điều chi công-bình, điều chi thanh-sạch, điều chi đáng yêu-chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân-đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến”. (Phi-líp 4:8) Những điều Phao-lô đề cập quan trọng đến mức ông nói “phải nghĩ đến”. Chúng ta phải để lòng và trí chan chứa những điều này. Vậy chúng ta hãy xem việc chú ý đến mỗi điều trong tám điều mà Phao-lô nói đến có thể giúp chúng ta như thế nào trong cách nói chuyện.

10. Làm thế nào cuộc nói chuyện của chúng ta có thể bao gồm những điều chân thật?

10 Điều chân thật không chỉ bao gồm thông tin chính xác và không giả dối, mà còn liên quan đến điều đúng đắn và đáng tin cậy, như lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời. Vì thế, khi nói với người khác về những lẽ thật Kinh Thánh làm chúng ta cảm kích, những bài giảng khích lệ chúng ta, hoặc những lời khuyên Kinh Thánh giúp ích chúng ta, chúng ta đang nghĩ đến những điều chân thật. Mặt khác, chúng ta bác bỏ “tri-thức ngụy xưng là tri-thức”, là điều chỉ có vẻ như thật. (1 Ti-mô-thê 6:20) Và chúng ta tránh lặp lại những chuyện tầm phào hoặc kể lại những kinh nghiệm đáng ngờ không thể kiểm chứng.

11. Chúng ta có thể nói chuyện về những điều đáng tôn nào?

11 Điều đáng tôn là những đề tài đàng hoàng và quan trọng, chứ không tầm thường hoặc vụn vặt. Những điều đó bao hàm những quan tâm về thánh chức đạo Đấng Christ, thời kỳ khó khăn chúng ta đang sống, và việc phải giữ hạnh kiểm tốt. Khi bàn về những vấn đề nghiêm túc đó, chúng ta củng cố lòng quyết tâm tỉnh thức về thiêng liêng, giữ lòng trung kiên, và tiếp tục rao giảng tin mừng. Thật vậy, qua những kinh nghiệm thú vị trong thánh chức và những biến cố thời sự nhắc chúng ta nhớ là mình đang sống trong ngày sau rốt, chúng ta có được nhiều tài liệu để nói chuyện lý thú.—Công-vụ 14:27; 2 Ti-mô-thê 3:1-5.

12. Xét về lời khuyên của Phao-lô là hãy nghĩ đến điều chi công bình và thanh sạch, chúng ta nên tránh điều gì?

12 Từ công bình có nghĩa là đúng đắn theo mắt Đức Chúa Trời—đáp ứng tiêu chuẩn Ngài. Thanh sạch diễn tả ý trong sạch về tư tưởng và hành động. Khi nói chuyện, chúng ta không nên nói xấu ai, đùa giỡn tục tĩu, hoặc nói bóng gió về tính dục. (Ê-phê-sô 5:3; Cô-lô-se 3:8) Ở nơi làm việc hay trường học, tín đồ Đấng Christ nên khôn ngoan rút lui khi cuộc nói chuyện bắt đầu có chiều hướng này.

13. Hãy cho thí dụ về những cuộc nói chuyện xoay quanh những điều đáng yêu chuộng và có tiếng tốt.

13 Khi khuyên bảo hãy nghĩ về điều chi đáng yêu chuộng, Phao-lô nói đến những điều dễ mến và dễ chịu hoặc gợi tình yêu thương, thay vì gợi lòng căm thù, cay đắng hoặc tranh chấp. Điều có tiếng tốt bao gồm thông tin đáng tin, như những tự truyện của các anh chị trung thành, thường xuyên đăng trong tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức! Hãy chia sẻ với người khác cảm tưởng của bạn sau khi đọc xong những bài củng cố đức tin này. Và thật khích lệ biết bao khi nghe về thành quả thiêng liêng của người khác! Những cuộc nói chuyện như thế sẽ xây đắp tình yêu thương và sự hợp nhất trong hội thánh.

14. (a) Muốn biểu lộ nhân đức, chúng ta phải làm gì? (b) Chúng ta có thể nói về những điều đáng khen bằng cách nào?

14 Phao-lô nói về “điều chi có nhân-đức”. Nhân đức nói đến sự nhân từ hay sự xuất sắc về đạo đức. Chúng ta phải cẩn thận để lời nói chúng ta được các nguyên tắc Kinh Thánh hướng dẫn và không đi chệch điều công bình, thanh sạch và nhân đức. Phao-lô cũng nói đến điều đáng khen. Nếu nghe ai nói một bài giảng hay hoặc để ý thấy một gương trung thành trong hội thánh, hãy nói về điều đó—với anh hay chị ấy và với người khác. Sứ đồ Phao-lô thường khen những đức tính tốt của các anh em đồng đạo. (Rô-ma 16:12; Phi-líp 2:19-22; Phi-lê-môn 4-7) Và, dĩ nhiên, công trình sáng tạo của Đấng Tạo Hóa là điều thật đáng khen. Qua đó chúng ta có rất nhiều đề tài để nói chuyện xây dựng.—Châm-ngôn 6:6-8; 20:12; 26:2.

Nói những chuyện xây dựng

15. Mệnh lệnh nào trong Kinh Thánh đòi hỏi cha mẹ phải nghiêm túc nói chuyện với con cái?

15 Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7 ghi: “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân-cần dạy-dỗ điều đó cho con-cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy”. Rõ ràng, mệnh lệnh này đòi hỏi cha mẹ phải nghiêm túc nói chuyện với con cái về điều thiêng liêng.

16, 17. Các cha mẹ đạo Đấng Christ có thể học được gì từ gương của Đức Giê-hô-va và Áp-ra-ham?

16 Chúng ta có thể tưởng tượng những cuộc nói chuyện dài mà Chúa Giê-su hẳn đã có với Cha trên trời khi cùng Cha bàn luận về nhiệm vụ trên đất của mình. Ngài nói với môn đồ: “Cha sai ta đến, đã truyền lịnh cho ta phải nói điều chi và phải nói thể nào”. (Giăng 12:49; Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:18) Tộc trưởng Áp-ra-ham hẳn đã dành nhiều thì giờ để nói chuyện với con là Y-sác về cách Đức Giê-hô-va đã ban phước cho họ và tổ phụ họ. Những cuộc nói chuyện như thế chắc chắn đã giúp cả Chúa Giê-su lẫn Y-sác khiêm nhường phục tùng ý định của Đức Chúa Trời.—Sáng-thế Ký 22:7-9; Ma-thi-ơ 26:39.

17 Con cái chúng ta cũng cần những cuộc nói chuyện xây dựng. Cha mẹ phải dành ra thì giờ trong thời gian biểu bận rộn để nói chuyện với con cái. Nếu có thể, sao không sắp đặt cho gia đình ăn chung với nhau ít nhất một lần mỗi ngày? Trong bữa ăn và sau khi ăn, sẽ có cơ hội cho những cuộc thảo luận xây dựng có thể chứng tỏ là vô giá cho sức khỏe thiêng liêng của gia đình.

18. Hãy kể lại một kinh nghiệm cho thấy lợi ích của sự giao tiếp tốt giữa cha mẹ và con cái.

18 Alejandro, một người tiên phong tuổi ngoài 20, vẫn nhớ những hoài nghi của anh lúc 14 tuổi. Anh kể lại: “Vì ảnh hưởng của bạn bè và thầy cô, tôi không chắc về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời và tính xác thực của Kinh Thánh. Cha mẹ tôi dành nhiều thì giờ để kiên nhẫn lý luận với tôi. Những cuộc nói chuyện này không những giúp tôi vượt qua những hoài nghi trong giai đoạn khó khăn này mà còn giúp tôi có những quyết định sáng suốt trong đời sống”. Còn bây giờ thì sao? Alejandro nói tiếp: “Tôi vẫn sống với cha mẹ. Nhưng vì thời gian biểu bận rộn, khó cho tôi và cha tôi nói chuyện riêng. Vì thế chúng tôi ăn chung một lần mỗi tuần ở nơi làm việc của cha. Tôi rất quý trọng những cuộc nói chuyện này”.

19. Tại sao tất cả chúng ta cần có những cuộc nói chuyện thiêng liêng?

19 Chẳng phải chúng ta cũng quý trọng những cơ hội có được những cuộc nói chuyện bổ ích về thiêng liêng với các anh em đồng đạo hay sao? Chúng ta có những cơ hội này tại các buổi họp, trong thánh chức rao giảng, và tại những cuộc họp mặt và trong lúc đi đường với nhau. Phao-lô trông mong được nói chuyện với các tín đồ Đấng Christ ở Rô-ma. Ông viết cho họ: “Tôi rất mong-mỏi đến thăm anh em, đặng thông-đồng sự ban-cho thiêng-liêng cùng anh em, hầu cho anh em được vững-vàng, tức là tôi ở giữa anh em, để chúng ta cùng nhau giục lòng mạnh-mẽ bởi đức-tin chung của chúng ta, nghĩa là của anh em và của tôi”. (Rô-ma 1:11, 12) Một trưởng lão đạo Đấng Christ tên là Johannes nhận xét: “Nói chuyện về thiêng liêng với anh em tín đồ Đấng Christ đáp ứng một nhu cầu trọng yếu. Việc đó làm ấm lòng và làm nhẹ gánh hàng ngày. Tôi thường hỏi những anh chị lớn tuổi kể về đời sống họ và điều gì đã giúp họ tiếp tục trung thành. Qua nhiều năm, tôi đã nói chuyện với nhiều người, và mỗi người đều truyền lại một ít khôn ngoan hoặc một điều mới nào đó đã khiến đời sống tôi thêm phong phú”.

20. Chúng ta có thể làm gì nếu gặp người nhút nhát?

20 Nói gì nếu người khác dường như không hưởng ứng khi bạn nêu ra một đề tài thiêng liêng? Đừng bỏ cuộc. Có lẽ bạn sẽ tìm được một dịp thích hợp hơn vào lúc khác. Sa-lô-môn ghi: “Lời nói phải thì, khác nào trái bình bát bằng vàng có cẩn bạc”. (Châm-ngôn 25:11) Hãy tỏ lòng thông cảm đối với những người nhút nhát. “Mưu-kế trong lòng người ta như nước sâu; người thông-sáng sẽ múc lấy tại đó”. * (Châm-ngôn 20:5) Trên hết, đừng bao giờ để cho thái độ của người khác làm bạn không dám nói về những điều động lòng bạn.

Nói chuyện về thiêng liêng mang lại lợi ích

21, 22. Chúng ta có được lợi ích nào khi nói về những chuyện thiêng liêng?

21 Phao-lô khuyên: “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích-lợi cho kẻ nghe đến”. (Ê-phê-sô 4:29; Rô-ma 10:10) Có thể phải nỗ lực để lái cuộc nói chuyện vào đúng hướng, nhưng điều này mang lại nhiều lợi ích. Nói về chuyện thiêng liêng giúp chúng ta chia sẻ đức tin với người khác và xây dựng tình anh em.

22 Vậy chúng ta hãy dùng sự ban cho về khả năng nói để khích lệ người khác và ca ngợi Đức Chúa Trời. Những cuộc nói chuyện như thế sẽ mang lại sự vui thích cho chúng ta và khích lệ cho người khác. Trên hết mọi sự, việc đó sẽ làm vui lòng Đức Giê-hô-va vì Ngài chú ý đến cách nói chuyện của chúng ta và vui mừng khi chúng ta dùng lưỡi đúng cách. (Thi-thiên 139:4; Châm-ngôn 27:11) Khi nói về chuyện thiêng liêng, chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va sẽ không quên chúng ta. Nói đến những người phụng sự Đức Giê-hô-va trong thời nay, Kinh Thánh ghi: “Bấy giờ những kẻ kính-sợ Đức Giê-hô-va nói cùng nhau, thì Đức Giê-hô-va để ý mà nghe; và một sách để ghi-nhớ được chép trước mặt Ngài cho những kẻ kính-sợ Đức Giê-hô-va và tưởng đến danh Ngài”. (Ma-la-chi 3:16; 4:5) Nói những chuyện xây dựng về thiêng liêng quả là điều quan trọng biết bao!

[Chú thích]

^ đ. 20 Ở Do Thái có một số giếng rất sâu. Tại Ga-ba-ôn, các nhà khảo cổ đã phát hiện một hố nước sâu khoảng 25 mét. Có những bậc để người ta có thể đi xuống tới đáy và múc nước lên.

Bạn trả lời ra sao?

• Cách chúng ta nói chuyện cho thấy gì về chúng ta?

• Chúng ta có thể nói về những điều xây dựng nào?

• Nói chuyện có vai trò quan trọng nào trong gia đình và trong hội thánh đạo Đấng Christ?

• Nói chuyện xây dựng mang lại những lợi ích nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 12]

Những cuộc nói chuyện xây dựng tập trung vào...

“điều chi chân-thật”

“điều chi đáng tôn”

“điều chi có tiếng tốt”

“điều chi... đáng khen”

[Nguồn tư liệu]

Bìa băng video, Stalin: U.S. Army photo; Bìa sách Đấng Tạo Hóa, Eagle Nebula: J. Hester and P. Scowen (AZ State Univ.), NASA

[Hình nơi trang 13]

Giờ ăn là cơ hội rất tốt để nói những chuyện thiêng liêng