Chịu đựng thử thách đem lại sự ca ngợi cho Đức Giê-hô-va
Chịu đựng thử thách đem lại sự ca ngợi cho Đức Giê-hô-va
“Nếu anh em làm lành, mà nhịn-chịu sự khốn-khó, ấy là một ơn phước trước mặt Đức Chúa Trời”.—1 PHI-E-RƠ 2:20.
1. Vì tín đồ chân chính của Đấng Christ quan tâm về việc sống xứng đáng với sự dâng mình, câu hỏi nào phải được xem xét?
TÍN ĐỒ ĐẤNG CHRIST dâng đời mình cho Đức Giê-hô-va và muốn làm theo ý Ngài. Để sống xứng đáng với sự dâng mình, họ cố gắng hết sức theo bước chân Chúa Giê-su Christ, Gương Mẫu của họ, và làm chứng cho lẽ thật. (Ma-thi-ơ 16:24; Giăng 18:37; 1 Phi-e-rơ 2:21) Tuy nhiên, Chúa Giê-su và những người trung thành khác đã hy sinh mạng sống và chết vì đức tin. Phải chăng điều này có nghĩa là tất cả tín đồ Đấng Christ có thể sẽ phải chết vì đức tin?
2. Tín đồ Đấng Christ có quan điểm nào về sự thử thách và bắt bớ?
2 Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta được khuyên bảo phải trung thành cho đến chết, chứ không nhất thiết phải chết vì đức tin. (2 Ti-mô-thê 4:7; Khải-huyền 2:10) Điều này có nghĩa là dù sẵn sàng chịu khổ—và nếu cần thiết, chịu chết—vì đức tin, chúng ta không ao ước điều đó. Chúng ta không ham thích sự đau khổ và không thấy có gì thú vị trong sự đau đớn hoặc bị làm nhục. Tuy nhiên, vì biết sẽ phải gặp thử thách và bắt bớ, chúng ta cần xem xét kỹ cách chúng ta có thể phản ứng khi đương đầu với điều đó.
Trung thành trước thử thách
3. Bạn có thể kể lại những gương nào trong Kinh Thánh về việc đối phó với sự bắt bớ? (Xem khung “Cách họ đối phó với sự bắt bớ”, nơi trang kế).
3 Trong Kinh Thánh, chúng ta có rất nhiều lời tường thuật cho thấy cách các tôi tớ của Đức Chúa Trời trong qua khứ đã phản ứng khi đương đầu với tình huống đe dọa tính mạng. Những cách phản ứng khác nhau của họ cho tín đồ Đấng Christ ngày nay sự hướng dẫn nếu có bao giờ phải đương đầu với những vấn đề tương tự. Hãy xem những lời tường thuật trong khung “Cách họ đối phó với sự bắt bớ”, và xem bạn có thể học được gì từ họ.
4. Có thể nói gì về cách Chúa Giê-su và những tôi tớ trung thành khác phản ứng khi họ trải qua thử thách?
4 Mặc dù khi bị bắt bớ, Chúa Giê-su và những tôi tớ trung thành khác của Đức Chúa Trời phản ứng khác nhau, tùy theo hoàn cảnh, điều rõ ràng là họ đã không liều mạng một cách không cần thiết. Khi gặp tình thế nguy hiểm, họ can đảm nhưng khôn khéo. (Ma-thi-ơ 10:16, 23) Mục tiêu của họ là đẩy mạnh công việc rao giảng và giữ lòng trung kiên với Đức Giê-hô-va. Phản ứng của họ trong những hoàn cảnh khác nhau cung cấp gương mẫu cho những tín đồ Đấng Christ mà ngày nay phải đương đầu với sự thử thách và bắt bớ.
5. Sự bắt bớ nào đã xảy ra ở Malawi vào thập niên 1960, và các Nhân Chứng đã phản ứng như thế nào?
5 Thời nay, dân Đức Giê-hô-va thường gặp tình trạng gian khổ và thiếu thốn cùng cực vì chiến tranh, lệnh cấm, hoặc sự bắt bớ thẳng thừng. Thí dụ, trong thập niên 1960, Nhân Chứng Giê-hô-va ở Malawi bị bắt bớ gay gắt. Phòng Nước Trời, nhà cửa, nguồn thực phẩm, và cơ sở buôn bán—hầu như tất cả tài sản của họ—đều bị tàn phá. Họ bị đánh đập và trải qua những kinh nghiệm đau đớn khác. Các anh em đã phản ứng ra sao? Hàng ngàn người phải trốn khỏi làng xã. Nhiều người tìm nơi ẩn náu trong vùng hoang dã, trong lúc những người khác tạm thời sống tha hương ở xứ bên cạnh là Mozambique. Mặc dù nhiều người trung thành đã mất mạng, những người khác quyết định trốn khỏi vùng nguy hiểm, hiển nhiên là giải
pháp hợp lý trong tình huống đó. Khi làm thế, các anh em đã theo tiền lệ mà Chúa Giê-su và Phao-lô đặt thành.6. Các Nhân Chứng Malawi đã không bỏ điều gì mặc dù bị bắt bớ dữ dội?
6 Mặc dù các anh em Malawi đã phải dọn đi hoặc ẩn náu, họ tìm sự hướng dẫn thần quyền rồi làm theo và cố gắng tiếp tục các hoạt động của đạo Đấng Christ một cách bí mật. Kết quả là gì? Họ đã đạt được con số cao nhất 18.519 người công bố Nước Trời ngay trước khi có lệnh cấm vào năm 1967. Tuy lệnh cấm vẫn còn hiệu lực và nhiều người đã chạy trốn qua Mozambique, đến năm 1972 có con số cao nhất mới là 23.398 người công bố đã được báo cáo. Họ rao giảng trung bình hơn 16 giờ mỗi tháng. Chắc chắn, hoạt động của họ mang lại sự ca ngợi cho Đức Giê-hô-va, và Ngài đã ban phước cho các anh em trung thành này qua giai đoạn cực kỳ khó khăn đó. *
7, 8. Vì những lý do nào một số người quyết định không chạy trốn mặc dù sự chống đối đang gây vấn đề?
7 Mặt khác, trong những nước mà sự chống đối đang gây vấn đề, một số anh em quyết định không rời đi nơi khác, mặc dù có thể làm thế. Dọn đi có thể giải quyết một số vấn đề nào đó, nhưng có lẽ sẽ gây ra những khó khăn khác. Thí dụ, liệu họ có thể giữ liên lạc với đoàn thể anh em tín đồ Đấng Christ và không bị cô lập về thiêng liêng không? Liệu họ có thể duy trì được lề lối thiêng liêng khi phải vật lộn để ổn định lại cuộc sống, có lẽ trong một nước giàu hơn hoặc có nhiều cơ hội hơn để có thêm của cải vật chất không?—8 Những người khác quyết định không dọn đi vì quan tâm đến sự an toàn về thiêng liêng của anh em đồng đạo. Họ quyết định ở lại và đương đầu với hoàn cảnh để tiếp tục rao giảng ở xứ nhà và khuyến khích người đồng đạo. (Phi-líp 1:14) Bằng cách quyết định như thế, một số người còn có thể góp phần vào những thắng lợi pháp lý trong xứ họ. *
9. Những yếu tố nào phải được cân nhắc khi quyết định nên ở hay dọn đi vì sự bắt bớ?
9 Ở lại hay dọn đi—chắc chắn là quyết định cá nhân. Tất nhiên, chỉ nên có những quyết định như thế sau khi đã cầu nguyện tìm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, dù quyết định thế nào, chúng ta phải ghi nhớ lời này của sứ đồ Phao-lô: “Mỗi người trong chúng ta sẽ khai-trình việc mình với Đức Chúa Trời”. (Rô-ma 14:12) Như chúng ta đề cập ở trên, điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi là mỗi tôi tớ Ngài phải tiếp tục trung thành trong mọi hoàn cảnh. Một số tôi tớ Ngài đang đương đầu với thử thách và bắt bớ hôm nay; những người khác có lẽ sẽ phải đương đầu sau này. Tất cả sẽ bị thử thách qua cách này hay cách khác, không ai nên nghĩ mình sẽ được miễn điều này. (Giăng 15:19, 20) Là tôi tớ đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va, chúng ta không thể tránh né vấn đề hoàn vũ liên quan đến việc làm thánh danh Đức Giê-hô-va và biện minh cho quyền thống trị của Ngài.—Ê-xê-chi-ên 38:23; Ma-thi-ơ 6:9, 10.
“Chớ lấy ác trả ác cho ai”
10. Chúa Giê-su và các sứ đồ đã đặt thành tiền lệ quan trọng nào trong việc đối phó với áp lực và chống đối?
10 Một nguyên tắc quan trọng khác mà chúng ta có thể học từ cách Chúa Giê-su và các sứ đồ phản ứng trước áp lực là chớ bao giờ trả thù những kẻ bắt bớ. Chúng ta không hề thấy trong Kinh Thánh có bất cứ sự gợi ý nào là Chúa Giê-su hay các môn đồ đã tổ chức một phong trào kháng chiến nào đó hoặc dùng bạo lực để đấu tranh chống kẻ bắt bớ. Ngược lại, sứ đồ Phao-lô còn khuyên tín đồ Đấng Christ “chớ lấy ác trả ác cho ai”. “Hỡi kẻ rất yêu-dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời; vì có chép lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo-ứng”. Vả lại, “đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác”.—Rô-ma 12:17-21; Thi-thiên 37:1-4; Châm-ngôn 20:22.
11. Một sử gia nói gì về thái độ của tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đối với chính quyền?
11 Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu ghi nhớ lời khuyên đó. Trong sách Giáo hội thời ban đầu và thế gian (Anh ngữ), sử gia Cecil J. Cadoux miêu tả thái độ của tín đồ Đấng Christ đối với chính quyền trong giai đoạn từ năm 30-70 CN. Ông viết: “Chúng ta không có bằng chứng rõ rệt nào cho thấy tín đồ Đấng Christ trong giai đoạn này đã cố dùng bạo lực để chống lại sự bắt bớ. Về phương diện này, điều họ làm quá lắm chỉ là đả kích mãnh liệt hoặc làm nhà cầm quyền bối rối khi họ chạy trốn. Tuy nhiên, phản ứng thông thường của tín đồ Đấng Christ trước sự bắt bớ chỉ là ôn hòa nhưng kiên quyết từ chối vâng theo mệnh lệnh của chính quyền mà họ cảm thấy trái ngược với việc vâng theo Đấng Christ”.
12. Tại sao tốt hơn nên chịu đựng sự đau khổ thay vì trả thù?
12 Đường lối có vẻ thụ động như thế có thực tiễn không? Chẳng phải người nào phản ứng cách đó dễ trở thành nạn nhân của những người nhất quyết loại trừ họ hay sao? Chẳng phải điều khôn ngoan là tự bảo vệ? Theo quan điểm loài người, hình như là vậy. Tuy nhiên, là tôi tớ Đức Giê-hô-va, chúng ta tin chắc rằng làm theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va trong mọi vấn đề là đường lối tốt nhất. Chúng ta ghi nhớ lời này của Phi-e-rơ: “Nếu anh em làm lành, mà nhịn-chịu sự khốn-khó, ấy là một ơn phước trước mặt Đức Chúa Trời”. (1 Phi-e-rơ 2:20) Chúng ta tin chắc rằng Đức Giê-hô-va biết rõ tình thế và sẽ không để sự việc tiếp tục vô hạn định. Làm sao chúng ta có thể chắc chắn điều đó? Đức Giê-hô-va tuyên bố với dân bị lưu đày của Ngài ở Ba-by-lôn: “Ai đụng đến các ngươi tức là đụng đến con ngươi mắt [ta]”. (Xa-cha-ri 2:8) Người ta sẽ để cho người khác đụng đến con ngươi mình trong bao lâu? Đức Giê-hô-va sẽ cung cấp sự giải thoát vào lúc thích hợp. Không còn phải nghi ngờ về điều đó.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:5-8.
13. Tại sao Chúa Giê-su sẵn sàng để cho kẻ thù bắt mình?
13 Về phương diện này, chúng ta có thể trông vào Chúa Giê-su làm gương mẫu. Khi ngài để cho kẻ thù bắt trong vườn Ghết-sê-ma-nê, không phải vì ngài không thể tự bảo vệ. Trên thực tế, ngài còn bảo môn đồ: “Ngươi tưởng ta không có thể xin Cha ta lập-tức cho ta hơn mười hai đạo thiên-sứ sao? Nếu vậy, thế nào cho ứng-nghiệm lời Kinh-thánh đã chép rằng việc nầy tất phải xảy đến?” (Ma-thi-ơ 26:53, 54) Việc thực hiện ý muốn của Đức Giê-hô-va vô cùng quan trọng đối với Chúa Giê-su, cho dù ngài phải chịu khổ. Ngài tin tưởng hoàn toàn nơi lời Thi-thiên tiên tri của Đa-vít: “Chúa sẽ chẳng bỏ linh-hồn tôi trong Âm-phủ, cũng không để cho người thánh Chúa thấy sự hư-nát”. (Thi-thiên 16:10) Nhiều năm sau, sứ đồ Phao-lô nói về Chúa Giê-su: “Vì sự vui-mừng đã đặt trước mặt mình, [ngài] chịu lấy thập-tự-giá, khinh điều sỉ-nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời”.—Hê-bơ-rơ 12:2.
Niềm vui trong việc làm thánh danh Đức Giê-hô-va
14. Niềm vui nào đã giữ vững tinh thần Chúa Giê-su qua suốt mọi thử thách?
14 Niềm vui nào đã giữ vững tinh thần Chúa Giê-su qua thử thách gay go nhất ngoài sức tưởng tượng? Trong tất cả tôi tớ của Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su, Con yêu dấu của Đức Chúa Trời, chắc chắn là mục tiêu trước nhất của Sa-tan. Vì thế việc Chúa Giê-su giữ vững lòng trung kiên trước thử thách sẽ là lời đáp tối hậu cho lời sỉ nhục của Sa-tan đối với Đức Giê-hô-va. (Châm-ngôn 27:11) Bạn có thể tưởng tượng niềm vui và sự toại nguyện mà Chúa Giê-su hẳn đã cảm thấy khi được sống lại không? Ngài hẳn sung sướng biết bao khi biết rằng mình đã làm tròn vai trò được giao phó với tư cách người hoàn toàn trong việc biện minh cho quyền thống trị của Đức Giê-hô-va và làm thánh danh Ngài! Ngoài ra, được “ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời” hiển nhiên là một vinh dự tuyệt diệu và niềm vui lớn nhất cho Chúa Giê-su.—Thi-thiên 110:1, 2; 1 Ti-mô-thê 6:15, 16.
15, 16. Các Nhân Chứng ở Sachsenhausen phải chịu sự bắt bớ tàn ác nào và điều gì cho họ sức mạnh để chịu đựng?
15 Đối với tín đồ Đấng Christ, có phần trong việc làm thánh danh Đức Giê-hô-va qua việc chịu đựng thử thách và bắt bớ, noi theo gương Chúa Giê-su cũng là một niềm vui. Một trường hợp điển hình là kinh nghiệm của các Nhân Chứng đã chịu khổ trong trại tập trung khét tiếng Sachsenhausen và sống sót cuộc tử hành gay go cơ cực vào cuối Thế Chiến II. Trong cuộc hành trình đó, hàng ngàn tù nhân chết vì thời tiết khắc nghiệt, bệnh tật, hoặc đói hoặc bị lính SS hành quyết cách tàn bạo dọc theo con đường. Các Nhân Chứng, cả thẩy 230 người, sống sót nhờ gắn bó với nhau và liều mạng giúp đỡ nhau.
16 Điều gì đã cho những Nhân Chứng này sức mạnh để chịu đựng sự bắt bớ tàn ác như thế? Ngay sau khi đến nơi an toàn, họ bày tỏ niềm vui và lòng biết ơn đối với Đức Giê-hô-va trong một tài liệu tựa đề “Nghị quyết của 230 Nhân Chứng Giê-hô-va từ sáu quốc gia, tập hợp trong một khu rừng gần Schwerin ở Mecklenburg”. Trong đó họ nói: “Chúng ta đã vượt qua một thời kỳ thử thách dài và cam go, và những người đã được bảo toàn, có thể nói là được cứu thoát khỏi lò lửa, không có cả mùi lửa trên người họ. (Xem Đa-ni-ên 3:27). Trái lại, họ có đầy sức mạnh và năng lực từ Đức Giê-hô-va và háo hức chờ đợi mệnh lệnh mới của Vua để đẩy mạnh lợi ích thần quyền”. *
17. Dân Đức Chúa Trời hiện nay đương đầu với những thử thách nào?
17 Giống như 230 người trung thành đó, đức tin chúng ta cũng có thể đã bị thử thách, mặc dù chúng ta chưa “đến nỗi đổ huyết”. (Hê-bơ-rơ 12:4) Nhưng thử thách có thể diễn ra dưới nhiều hình thức. Có thể là sự chế giễu của bạn học, hoặc áp lực từ người đồng lứa để phạm sự vô luân hay những điều sai trái khác. Ngoài ra, việc kiên quyết kiêng máu, chỉ lấy người trong Chúa, hoặc dạy dỗ con cái theo đức tin trong một gia đình không đồng nhất đôi khi có thể đưa đến nhiều áp lực và thử thách gay gắt.—Công-vụ 15:29; 1 Cô-rinh-tô 7:39; Ê-phê-sô 6:4; 1 Phi-e-rơ 3:1, 2.
18. Chúng ta có lời nào bảo đảm rằng chúng ta có thể chịu đựng ngay cả những thử thách gay go nhất?
18 Tuy nhiên, dù gặp thử thách nào, chúng ta biết rằng mình chịu khổ vì đặt Đức Giê-hô-va và Nước Ngài lên hàng đầu, và chúng ta xem đây là đặc ân và niềm vui lớn khi làm thế. Chúng ta tìm thấy sự can đảm qua lời làm vững lòng của Phi-e-rơ: “Ví bằng anh em vì cớ danh Đấng Christ chịu sỉ-nhục, thì anh em có phước; vì sự vinh-hiển và Thánh-Linh của Đức Chúa Trời đậu trên anh em”. (1 Phi-e-rơ 4:14) Bởi quyền lực của thánh linh Đức Giê-hô-va, chúng ta có sức mạnh để chịu đựng ngay cả những thử thách khó khăn nhất, tất cả vì sự vinh hiển và ca ngợi Ngài.—2 Cô-rinh-tô 4:7; Ê-phê-sô 3:16; Phi-líp 4:13.
[Chú thích]
^ đ. 6 Các biến cố trong thập niên 1960 chỉ là sự khởi đầu của hàng loạt sự bắt bớ gay gắt và tàn sát mà các Nhân Chứng ở Malawi đã phải chịu hơn gần ba thập niên. Muốn biết toàn phần lời tường thuật này, xem sách 1999 Yearbook of Jehovah’s Witnesses, trang 171-212.
^ đ. 8 Xem bài “Tòa Án Tối Cao ủng hộ sự thờ phượng thật tại ‘xứ A-ra-rát’ ” trong Tháp Canh, ngày 1-4-2003, trang 11-14.
^ đ. 16 Muốn biết trọn bản văn của nghị quyết này, xem sách 1974 Yearbook of Jehovah’s Witnesses, trang 208, 209. Có thể đọc lời tường thuật ngôi thứ nhất của người sống sót cuộc tử hành trong Tháp Canh, ngày 1-1-1998, trang 25-29.
Bạn có thể giải thích không?
• Tín đồ Đấng Christ có quan điểm nào về sự đau khổ và bắt bớ?
• Chúng ta có thể học được gì từ cách Chúa Giê-su và những người trung thành khác phản ứng khi bị thử thách?
• Tại sao không trả thù khi bị bắt bớ là khôn ngoan?
• Niềm vui nào giữ vững tinh thần Chúa Giê-su qua các thử thách, và chúng ta có thể học được gì từ điều này?
[Câu hỏi thảo luận]
[Khung/Các hình nơi trang 15]
Cách họ đối phó với sự bắt bớ
• Trước khi quân lính của Hê-rốt đến Bết-lê-hem để giết tất cả em bé trai hai tuổi và nhỏ hơn, Giô-sép và Ma-ri được thiên sứ hướng dẫn, đem Chúa Giê-su trốn sang Ê-díp-tô.—Ma-thi-ơ 2:13-16.
• Rất nhiều lần trong thánh chức của Chúa Giê-su, kẻ thù tìm cách giết ngài vì việc làm chứng mạnh mẽ của ngài. Lần nào Chúa Giê-su cũng lảng tránh họ.—Ma-thi-ơ 21:45, 46; Lu-ca 4:28-30; Giăng 8:57-59.
• Khi quân lính và các giới chức đến vườn Ghết-sê-ma-nê để bắt Chúa Giê-su, ngài thẳng thắn tự nhận diện, hai lần bảo họ: “Chính ta đây!” Ngài còn cản ngăn môn đồ không cho kháng cự và để cho đám đông bắt ngài đi.—Giăng 18:3-12.
• Tại Giê-ru-sa-lem, Phi-e-rơ và những người khác bị bắt, đánh đòn, và cấm không được nói về Chúa Giê-su. Song, khi được thả ra, họ “ngày nào cũng vậy, tại trong đền-thờ hoặc từng nhà, sứ-đồ cứ dạy-dỗ rao-truyền mãi về Tin-lành của Đức Chúa Jêsus, tức là Đấng Christ”.—Công-vụ 5:40-42.
• Khi Sau-lơ, người sau này trở thành sứ đồ Phao-lô, biết được người Do Thái ở Đa-mách đang âm mưu giết ông, các anh em để ông ngồi trong một cái thúng rồi dòng xuống qua một vách thành vào ban đêm, và ông trốn thoát được.—Công-vụ 9:22-25.
• Nhiều năm sau, Phao-lô quyết định kháng cáo lên Sê-sa, mặc dù cả Quan Tổng Đốc Phê-tu lẫn Vua Ạc-ríp-ba thấy ông “chẳng có chi đáng chết hoặc đáng bỏ tù cả”.—Công-vụ 25:10-12, 24-27; 26:30-32.
[Các hình nơi trang 16, 17]
Mặc dù bắt buộc phải chạy trốn vì sự bắt bớ gay gắt, hàng ngàn Nhân Chứng Malawi trung thành vẫn vui vẻ thi hành thánh chức Nước Trời
[Các hình nơi trang 17]
Niềm vui được làm thánh danh Đức Giê-hô-va đã giữ vững tinh thần những người trung thành này qua cuộc tử hành và trại tập trung của Quốc Xã
[Nguồn tư liệu]
Cuộc tử hành: KZ-Gedenkstatte Dachau, courtesy of the USHMM Photo Archives
[Các hình nơi trang 18]
Thử thách và áp lực có thể diễn ra dưới nhiều hình thức