Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chịu bắt bớ vì sự công bình

Chịu bắt bớ vì sự công bình

Chịu bắt bớ vì sự công bình

“Phước cho những kẻ chịu bắt-bớ vì sự công-bình”.—MA-THI-Ơ 5:10.

1. Tại sao Chúa Giê-su đứng trước Bôn-xơ Phi-lát, và ngài đã nói gì?

“NẦY, vì sao ta đã sanh và vì sao ta đã giáng-thế: ấy là để làm chứng cho lẽ thật”. (Giăng 18:37) Khi nói những lời này, Chúa Giê-su đứng trước Bôn-xơ Phi-lát, Quan Tổng Đốc La Mã ở xứ Giu-đê. Chúa Giê-su không tự ý đến đó cũng chẳng bởi lời mời của Phi-lát. Đúng ra, ngài có mặt ở đó bởi vì các nhà lãnh đạo Do Thái vu cáo ngài là kẻ phạm tội đáng bị xử tử.—Giăng 18:29-31.

2. Chúa Giê-su đã làm gì, dẫn đến kết cuộc nào?

2 Chúa Giê-su biết rõ rằng Phi-lát có quyền thả ngài hay xử tử ngài. (Giăng 19:10) Nhưng ngài vẫn không ngần ngại nói cách dạn dĩ với Phi-lát về Nước Trời. Dù tính mạng đang bị đe dọa, Chúa Giê-su vẫn nắm lấy cơ hội để làm chứng cho người có uy quyền nhất trong chính quyền vùng đó. Bất kể lời chứng đó, Chúa Giê-su vẫn bị kết án và xử tử, chết đau đớn trên cây khổ hình như một người tử vì đạo.—Ma-thi-ơ 27:24-26; Mác 15:15; Lu-ca 23:24, 25; Giăng 19:13-16.

Làm chứng hay tử vì đạo

3. Trong thời Kinh Thánh, từ Hy Lạp marʹtys có nghĩa gì, nhưng có nghĩa gì ngày nay?

3 Đối với nhiều người ngày nay, người tử vì đạo không ít thì nhiều cũng giống như một người cuồng tín, quá khích. Những người sẵn sàng chết vì niềm tin, nhất là niềm tin tôn giáo, thường bị nghi ngờ là khủng bố hay ít nhất là mối đe dọa cho xã hội. Tuy nhiên, từ “tử vì đạo” được dịch từ một chữ Hy Lạp (marʹtys) mà trong thời Kinh Thánh có nghĩa là “nhân chứng”, người làm chứng, có lẽ tại một phiên tòa, cho sự thật về điều mình tin. Chỉ sau này từ ngữ đó mới mang ý nghĩa “người hy sinh mạng sống vì làm chứng”, hoặc ngay cả làm chứng bằng cách hy sinh mạng sống.

4. Chúa Giê-su là “marʹtys” chủ yếu theo nghĩa nào?

4 Chúa Giê-su là “marʹtys” chủ yếu theo nghĩa đầu tiên là “nhân chứng”. Như ngài nói với Phi-lát, ngài đến để “làm chứng cho lẽ thật”. Việc làm chứng của ngài gây ra những phản ứng khác nhau trong quần chúng. Một số thường dân xúc động sâu xa trước những gì họ nghe và thấy, nên họ tin Chúa Giê-su. (Giăng 2:23; 8:30) Đám đông nói chung và các nhà lãnh đạo tôn giáo nói riêng cũng phản ứng mạnh mẽ—nhưng với ý phản đối. Chúa Giê-su nói với người nhà chưa tin đạo: “Thế-gian chẳng ghét các ngươi được; nhưng ghét ta, vì ta làm chứng nầy về họ rằng công-việc họ là ác”. (Giăng 7:7) Vì làm chứng cho lẽ thật, Chúa Giê-su khiến cho các nhà lãnh đạo của xứ nổi giận và cuối cùng họ giết ngài. Quả thật, ngài là “Đấng làm chứng (marʹtys) thành-tín chân-thật”.—Khải-huyền 3:14.

“Các ngươi lại sẽ bị... ghen-ghét”

5. Vào lúc đầu trong thánh chức, Chúa Giê-su nói gì về sự bắt b ớ?

5 Chẳng những chính Chúa Giê-su bị bắt bớ dữ dội mà ngài còn báo cho môn đồ biết trước là họ cũng sẽ bị bắt bớ như vậy. Vào lúc đầu trong thánh chức, Chúa Giê-su nói với những người nghe ngài trong Bài Giảng trên Núi: “Phước cho những kẻ chịu bắt-bớ vì sự công-bình, vì nước thiên-đàng là của những kẻ ấy! Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng-nhiếc, bắt-bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. Hãy vui-vẻ, và nức lòng mừng-rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm”.—Ma-thi-ơ 5:10-12.

6. Khi phái 12 sứ đồ đi, Chúa Giê-su cho lời cảnh báo nào?

6 Về sau, khi phái 12 sứ đồ đi, Chúa Giê-su bảo họ: “Hãy coi chừng người ta; vì họ sẽ nộp các ngươi trước tòa-án, đánh đòn các ngươi trong nhà hội; lại vì cớ ta mà các ngươi sẽ bị giải đến trước mặt các quan tổng-đốc và các vua, để làm chứng trước mặt họ và các dân ngoại”. Nhưng nhà cầm quyền tôn giáo không phải là những người duy nhất bắt bớ các tín đồ. Chúa Giê-su cũng nói: “Anh sẽ nộp em cho bị giết, cha sẽ nộp con cho bị giết, con cái sẽ dấy lên nghịch cùng cha mẹ mà làm cho người phải chết đi. Các ngươi lại sẽ bị thiên-hạ ghen-ghét vì danh ta; song ai bền lòng cho đến cuối-cùng, thì sẽ được rỗi”. (Ma-thi-ơ 10:17, 18, 21, 22) Lịch sử của tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất chứng thực những lời này.

Thành tích về sự trung thành chịu đựng

7. Điều gì dẫn đến việc Ê-tiên trở thành người tử vì đạo?

7 Ít lâu sau khi Chúa Giê-su chết, Ê-tiên là tín đồ Đấng Christ đầu tiên chết vì làm chứng cho lẽ thật. Ông “được đầy ơn và quyền, làm dấu kỳ phép lạ rất lớn trong dân”. Kẻ thù trong tôn giáo “không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông”. (Công-vụ 6:8, 10; Tòa Tổng Giám Mục) Lòng đầy ghen ghét, họ kéo Ê-tiên ra trước Tòa Công Luận, tòa án tối cao của Do Thái, nơi đây ông đối diện với những kẻ cáo gian và đã làm chứng rất hùng hồn. Tuy nhiên, cuối cùng kẻ thù của Ê-tiên giết nhân chứng trung thành này.—Công-vụ 7:59, 60.

8. Các môn đồ ở Giê-ru-sa-lem phản ứng thế nào trước sự bắt bớ xảy ra cho họ sau khi Ê-tiên chết?

8 Sau khi Ê-tiên bị giết, “Hội-thánh ở thành Giê-ru-sa-lem gặp cơn bắt-bớ dữ-tợn; trừ ra các sứ-đồ, còn hết thảy tín-đồ đều phải chạy tan-lạc trong các miền Giu-đê và xứ Sa-ma-ri”. (Công-vụ 8:1) Sự bắt bớ có ngăn chặn được việc làm chứng của tín đồ Đấng Christ không? Trái lại, lời tường thuật cho chúng ta biết rằng “những kẻ đã bị tan-lạc đi từ nơi nầy đến nơi khác, truyền giảng đạo Tin-lành”. (Công-vụ 8:4) Họ hẳn đã cảm thấy giống như sứ đồ Phi-e-rơ khi ông nói trước đó: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta”. (Công-vụ 5:29) Bất kể sự bắt bớ, những môn đồ trung thành và can đảm đó kiên trì trong công việc làm chứng cho lẽ thật, dù biết rằng việc này sẽ đưa đến nhiều gian khổ khác.—Công-vụ 11:19-21.

9. Sự bắt bớ nào tiếp tục xảy ra cho các môn đồ của Chúa Giê-su?

9 Quả thật, sự gian khổ không giảm bớt chút nào. Trước tiên, chúng ta biết được rằng Sau-lơ—người đã chứng kiến một cách hài lòng việc Ê-tiên bị ném đá—“chỉ hằng ngăm-đe và chém-giết môn-đồ của Chúa không thôi, đến cùng thầy cả thượng-phẩm, xin người những bức thơ để gởi cho các nhà hội thành Đa-mách, hầu cho hễ gặp người nào thuộc về đạo, bất kỳ đàn-ông đàn-bà, thì trói giải về thành Giê-ru-sa-lem”. (Công-vụ 9:1, 2) Rồi, vào khoảng năm 44 CN, “vua Hê-rốt hà-hiếp một vài người trong Hội-thánh. Vua dùng gươm giết Gia-cơ là anh của Giăng”.—Công-vụ 12:1, 2.

10. Trong sách Công-vụ và Khải-huyền, chúng ta đọc thấy lời ghi chép nào về sự bắt bớ?

10 Phần còn lại của sách Công-vụ là lời ghi chép còn mãi về những thử thách, tù đày, và bắt bớ mà những người trung thành phải chịu đựng, trong đó có Phao-lô, người trước đây bắt bớ nhưng nay trở thành sứ đồ, rất có thể đã tử vì đạo bởi lệnh của Hoàng Đế La Mã Nero vào khoảng năm 65 CN. (2 Cô-rinh-tô 11:23-27; 2 Ti-mô-thê 4:6-8) Cuối cùng, trong sách Khải-huyền, viết khoảng cuối thế kỷ thứ nhất, chúng ta đọc thấy sứ đồ lão thành Giăng bị tù đày trên đảo Bát-mô “vì cớ lời Đức Chúa Trời và chứng của Đức Chúa Jêsus”. Khải-huyền cũng đề cập đến “An-ti-ba, kẻ làm chứng trung-thành của ta đã bị giết” ở Bẹt-găm.—Khải-huyền 1:9; 2:13.

11. Đường lối của tín đồ Đấng Christ thời ban đầu chứng thực lời Chúa Giê-su nói về sự bắt bớ như thế nào?

11 Tất cả những điều này chứng thực lời Chúa Giê-su nói với môn đồ: “Nếu họ đã bắt-bớ ta, ắt cũng bắt-bớ các ngươi”. (Giăng 15:20) Các tín đồ Đấng Christ trung thành thời ban đầu đã sẵn sàng đương đầu với thử thách lớn nhất là sự chết—qua việc tra tấn, bị quăng cho dã thú, hoặc bất cứ cách nào khác—để thi hành sứ mệnh mà Chúa Giê-su đã giao phó: “Các ngươi sẽ... làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất”.—Công-vụ 1:8.

12. Tại sao việc bắt bớ tín đồ Đấng Christ không chỉ là chuyện quá khứ?

12 Nếu có ai nghĩ rằng sự ngược đãi tàn bạo như thế đối với tín đồ Chúa Giê-su chỉ xảy ra trong quá khứ thì người đó lầm to. Phao-lô, người như chúng ta đã thấy chịu đựng nhiều gian khổ, viết: “Hết thảy mọi người muốn sống cách nhân-đức trong Đức Chúa Jêsus-Christ, thì sẽ bị bắt-bớ”. (2 Ti-mô-thê 3:12) Về sự bắt bớ, Phi-e-rơ nói: “Anh em đã được kêu-gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài”. (1 Phi-e-rơ 2:21) Cho đến nay, những “ngày sau-rốt” của hệ thống này, dân của Đức Giê-hô-va tiếp tục bị căm ghét và thù nghịch. (2 Ti-mô-thê 3:1) Khắp nơi trên đất, dưới chế độ độc tài và trong xứ dân chủ, vào một lúc nào đó Nhân Chứng Giê-hô-va cũng đã bị bắt bớ, cả về mặt cá nhân lẫn tập thể.

Tại sao họ bị thù ghét và bắt bớ?

13. Các tôi tớ ngày nay của Đức Giê-hô-va nên ghi nhớ điều gì về sự bắt bớ?

13 Mặc dù ngày nay phần đông chúng ta được hưởng tự do tương đối để rao giảng và hội họp trong hòa bình, chúng ta phải ghi nhớ lời nhắc nhở của Kinh Thánh là “tình trạng thế gian này đang thay đổi”. (1 Cô-rinh-tô 7:31, NW) Tình hình có thể thay đổi rất nhanh chóng, cho nên nếu không chuẩn bị tinh thần, tình cảm và thiêng liêng, chúng ta có thể dễ bị vấp ngã. Vậy chúng ta có thể làm gì để tự bảo vệ? Một cách phòng thủ hữu hiệu là nhớ rõ lý do tại sao những tín đồ Đấng Christ yêu chuộng hòa bình và tôn trọng luật pháp lại bị thù ghét và bắt bớ.

14. Phi-e-rơ cho thấy tín đồ Đấng Christ bị bắt bớ vì lý do nào?

14 Sứ đồ Phi-e-rơ bình luận về vấn đề này trong lá thư đầu tiên mà ông viết khoảng năm 62-64 CN, khi tín đồ Đấng Christ khắp Đế Quốc La Mã đang chịu đựng thử thách và bắt bớ. Ông nói: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử-thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường”. Để giải thích điều ông muốn nói, Phi-e-rơ nói tiếp: “Trong anh em chớ có ai chịu khổ như kẻ giết người, như kẻ trộm-cướp, như kẻ hung-ác, như kẻ thày-lay việc người khác. Nhưng nếu có ai vì làm tín-đồ Đấng Christ mà chịu khổ, thì đừng hổ-thẹn; thà hãy vì danh ấy ngợi-khen Đức Chúa Trời là hơn”. Phi-e-rơ cho thấy rằng họ chịu khổ không phải tại vì phạm điều sai trái, mà bởi vì đức tin của họ. Nếu như họ đã đắm mình trong “sự dâm-dật bậy-bạ” như những người xung quanh, thì họ đã được hoan nghênh và tiếp rước. Nhưng sự thật là họ chịu khổ vì cố gắng làm tròn vai trò của tín đồ Đấng Christ. Hoàn cảnh của tín đồ Đấng Christ chân chính ngày nay cũng vậy.—1 Phi-e-rơ 4:4, 12, 15, 16.

15. Có sự mâu thuẫn nào trong việc đối xử với Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay?

15 Ở nhiều nơi trên thế giới, Nhân Chứng Giê-hô-va được người ta khen ngợi về sự hợp nhất và sự hợp tác họ biểu lộ tại các đại hội và đề án xây cất, về tính lương thiện và siêng năng, về hạnh kiểm đạo đức gương mẫu và đời sống gia đình, và về cả ngoại diện và cách xử sự. * Mặt khác, công việc của họ bị cấm đoán hoặc hạn chế trong ít nhất 28 xứ vào lúc bài này được biên soạn, và vì đức tin nhiều Nhân Chứng bị đánh đập và tổn thất. Tại sao có sự mâu thuẫn rõ rệt như thế? Và tại sao Đức Chúa Trời cho phép điều đó xảy ra?

16. Lý do chính yếu tại sao Đức Chúa Trời để cho dân Ngài bị bắt bớ là gì?

16 Đầu tiên và chính yếu, chúng ta nên ghi nhớ câu Châm-ngôn 27:11: “Hỡi con, khá khôn-ngoan, và làm vui lòng cha, để cha có thế đáp lại cùng kẻ nào sỉ-nhục cha”. Đúng vậy, đó là vì vấn đề lâu đời về quyền thống trị hoàn vũ. Bất chấp rất nhiều bằng chứng của tất cả những người đã chứng tỏ lòng trung kiên đối với Đức Giê-hô-va trong suốt lịch sử, Sa-tan vẫn chưa ngừng sỉ nhục Đức Giê-hô-va như hắn đã làm vào thời người công bình Gióp. (Gióp 1:9-11; 2:4, 5) Chắc chắn, Sa-tan đã càng trở nên điên cuồng hơn nữa trong nỗ lực cuối cùng để chứng minh lời tuyên bố của hắn, bởi chưng Nước Trời đã được thiết lập vững chắc, với thần dân trung thành và người đại diện ở khắp nơi trên đất. Liệu những người này có tiếp tục trung thành với Đức Chúa Trời bất kể nghịch cảnh và gian khổ nào xảy ra cho họ không? Đây là câu hỏi mà mỗi cá nhân tôi tớ của Đức Giê-hô-va phải trả lời bằng hành động.—Khải-huyền 12:12, 17.

17. Chúa Giê-su có ý nói gì qua câu “điều ấy xảy ra cho các ngươi để làm chứng-cớ”?

17 Khi nói cho môn đồ biết về các biến cố xảy ra trong thời kỳ “tận-thế”, Chúa Giê-su cho biết một lý do khác tại sao Đức Giê-hô-va cho phép sự bắt bớ xảy ra cho các tôi tớ Ngài. Chúa Giê-su nói với họ: ‘Vì cớ danh ta mà các ngươi sẽ bị kéo đến trước mặt các vua và các quan tổng-đốc. Điều ấy xảy ra cho các ngươi để làm chứng-cớ’. (Ma-thi-ơ 24:3, 9; Lu-ca 21:12, 13) Chính Chúa Giê-su làm chứng trước Hê-rốt và Bôn-xơ Phi-lát. Sứ đồ Phao-lô cũng bị “kéo đến trước mặt các vua và các quan tổng-đốc”. Theo chỉ thị của Chúa Giê-su Christ, Phao-lô cố gắng làm chứng cho nhà cai trị có quyền thế lớn nhất thời bấy giờ khi ông tuyên bố: “Tôi kêu-nài sự đó đến Sê-sa”. (Công-vụ 23:11; 25:8-12) Ngày nay cũng thế, tình huống gay go thường đưa đến việc làm chứng tốt với cả các viên chức lẫn công chúng. *

18, 19. (a) Làm thế nào việc đối phó với thử thách sẽ giúp ích chúng ta? (b) Những câu hỏi nào sẽ được xem xét trong bài kế tiếp?

18 Cuối cùng, đối phó với thử thách và hoạn nạn có thể giúp ích chính bản thân chúng ta. Bằng cách nào? Môn đồ Gia-cơ nhắc nhở các anh em tín đồ Đấng Christ: “Hỡi anh em, hãy coi sự thử-thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui-mừng trọn-vẹn, vì biết rằng sự thử-thách đức-tin anh em sanh ra sự nhịn-nhục”. Đúng vậy, sự bắt bớ có thể tinh luyện đức tin và củng cố tính chịu đựng của chúng ta. Vì thế, chúng ta không quá lo sợ, cũng không cố tìm những biện pháp trái Kinh Thánh để tránh hoặc chấm dứt sự bắt bớ. Thay vì thế, chúng ta làm theo lời khuyên của Gia-cơ: “Sự nhịn-nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn-lành toàn-vẹn, không thiếu-thốn chút nào”.—Gia-cơ 1:2-4.

19 Mặc dù Lời Đức Chúa Trời giúp chúng ta hiểu tại sao tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời bị bắt bớ và tại sao Đức Giê-hô-va cho phép việc này xảy ra, điều đó không nhất thiết làm cho sự bắt bớ dễ chịu đựng. Điều gì có thể củng cố chúng ta để đứng vững? Chúng ta có thể làm gì khi đương đầu với sự bắt bớ? Chúng ta sẽ xem xét những điều này trong bài kế tiếp.

[Chú thích]

^ đ. 15 Xem Tháp Canh ngày 15-12-1995, trang 27-29; br2 trang 46, 47; và Tỉnh Thức! (Anh ngữ) ngày 22-12-1993, trang 6-13.

^ đ. 17 Xem Tỉnh Thức! (Anh ngữ), ngày 1-8-2003, trang 3-11.

Bạn có thể giải thích không?

Chúa Giê-su là người tử vì đạo chủ yếu theo nghĩa nào?

Sự bắt bớ có ảnh hưởng nào đến tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất?

Như Phi-e-rơ giải thích, tại sao tín đồ Đấng Christ thời ban đầu bị bắt bớ?

Vì những lý do nào mà Đức Giê-hô-va cho phép sự bắt bớ xảy ra cho tôi tớ Ngài?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 10, 11]

Tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất chịu khổ, không phải vì hành động sai trái nào, mà bởi vì đức tin của họ

PHAO-LÔ

GIĂNG

AN-TI-BA

GIA-CƠ

Ê-TIÊN