Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nhiều nghi vấn—Ít lời giải đáp thỏa đáng

Nhiều nghi vấn—Ít lời giải đáp thỏa đáng

Nhiều nghi vấn—Ít lời giải đáp thỏa đáng

VÀO ngày Lễ Các Thánh, 1-11-1755, sáng hôm đó một trận động đất khủng khiếp làm rúng động thành phố Lisbon trong khi phần đông dân chúng đang dự lễ nhà thờ. Hàng ngàn tòa nhà đổ sập, và hàng chục ngàn người thiệt mạng.

Ít lâu sau thảm họa đó, văn hào Pháp Voltaire xuất bản Poème sur le désastre de Lisbonne (Bài thơ về thảm họa ở Lisbon), trong đó ông bác bỏ lập luận cho rằng tai ương đó là sự trừng phạt của Đức Chúa Trời vì tội lỗi người ta. Khẳng định rằng những biến cố tai hại như thế ngoài tầm hiểu biết và giải thích của con người, Voltaire viết:

Thiên nhiên nín lặng, ta hỏi cũng vô ích;

Chúng ta cần một Đức Chúa Trời thông tri với loài người.

Dĩ nhiên, Voltaire không phải là người đầu tiên nêu lên những nghi vấn về Đức Chúa Trời. Suốt lịch sử nhân loại, những thảm họa và bi kịch đã khiến người ta đặt nhiều nghi vấn. Hàng ngàn năm về trước, tộc trưởng Gióp chỉ trong thời gian ngắn mất hết con cái và mắc một chứng bệnh đau đớn khủng khiếp, đã hỏi: “Cớ sao [Đức Chúa Trời] ban ánh-sáng cho kẻ hoạn-nạn, và sanh-mạng cho kẻ có lòng đầy đắng-cay?” (Gióp 3:20) Ngày nay nhiều người thắc mắc làm sao một Đức Chúa Trời nhân lành, yêu thương lại có thể làm ngơ trước bao cảnh đau khổ và bất công.

Đứng trước thực tại đói kém, chiến tranh, bệnh tật, và chết chóc, nhiều người thẳng thừng bác bỏ khái niệm về một Đấng Tạo Hóa quan tâm đến nhân loại. Một triết gia vô thần nhận xét: “Không điều gì có thể bào chữa cho việc Thượng Đế để cho một đứa trẻ chịu đau đớn,... trừ khi Đấng ấy không hiện hữu”. Những thảm họa nghiêm trọng, chẳng hạn như Cuộc Tàn Sát Tập Thể trong Thế Chiến II, khiến người ta có những kết luận tương tự. Hãy lưu ý lời bình luận này trong bản tin của một tác giả Do Thái: “Lời giải đáp đơn giản nhất cho những gì đã xảy ra ở Auschwitz là chẳng có một Đức Chúa Trời can thiệp vào công việc của loài người”. Theo một cuộc thăm dò vào năm 1997 ở Pháp, một nước phần đông theo đạo Công Giáo, khoảng 40 phần trăm dân chúng nghi ngờ về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời vì nạn diệt chủng, chẳng hạn như những gì đã xảy ra ở Rwanda vào năm 1994.

Một trở ngại cho đức tin chăng?

Tại sao Đức Chúa Trời không can thiệp để ngăn ngừa những điều tồi tệ xảy ra? Một người chép sử Công Giáo cho rằng đối với nhiều người câu hỏi này là “một sự trở ngại nghiêm trọng cho đức tin”. Ông hỏi: “Quả thật, có thể nào tin nơi một Đức Chúa Trời cứ đứng nhìn một cách bất lực trong khi hàng triệu người vô tội chết và nhiều nhóm người khác trên thế giới bị thảm sát, mà chẳng làm gì để ngăn chặn?”

Một bài xã luận trong báo Công Giáo La Croix bình luận tương tự: “Dù là thảm họa trong lịch sử, những vấn đề do sự tiến bộ kỹ thuật gây ra, thiên tai, tổ chức tội ác, hoặc cái chết của người thân, trong mỗi hoạn nạn, có những cặp mắt kinh hoàng ngước lên trời. Đức Chúa Trời ở đâu? Họ cần biết lời giải đáp. Chẳng phải Ngài là Đấng thờ ơ lãnh đạm và không hề quan tâm sao?”

Giáo Hoàng Gioan Phao-lồ II xử lý vấn đề này trong lá thư tông đồ Salvifici Doloris năm 1984. Ông viết: “Sự tồn tại của thế gian như thể là mở mắt người ta nhận thấy sự hiện hữu, khôn ngoan, quyền năng và vĩ đại của Đức Chúa Trời, nhưng điều ác và đau khổ dường như làm lu mờ hình ảnh này, đôi khi che khuất hẳn, đặc biệt trong cuộc sống hàng ngày biết bao cảnh khổ đau phi lý và nhiều tội ác không bị trừng phạt thích đáng”.

Sự hiện hữu của một Đức Chúa Trời đầy yêu thương và quyền năng, như Kinh Thánh tường thuật, có tương hợp với sự đau khổ của con người thường thấy ở khắp nơi không? Ngài có can thiệp để ngăn chặn thảm họa xảy ra cho cá nhân hay tập thể không? Ngày nay Ngài có làm điều gì cho chúng ta chăng? Trích lời Voltaire, có “một Đức Chúa Trời thông tri với loài người” để giải đáp những nghi vấn này không? Xin đọc bài kế tiếp để tìm lời giải đáp.

[Các hình nơi trang 3]

Sự hủy phá thành phố Lisbon năm 1755 khiến Voltaire khẳng định rằng những biến cố như thế ngoài tầm hiểu biết của con người

[Nguồn tư liệu]

Voltaire: Từ sách Great Men and Famous Women; Lisbon: J.P. Le Bas, Praça da Patriarcal depois do terramoto de 1755. Hình: Museu da Cidade/Lisboa

[Hình nơi trang 4]

Nhiều người nghi ngờ về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời vì hậu quả diệt chủng thảm khốc, như ở Rwanda

[Nguồn tư liệu]

AFP PHOTO