Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Để đoạt giải thưởng, hãy thể hiện tính tự chủ!

Để đoạt giải thưởng, hãy thể hiện tính tự chủ!

Để đoạt giải thưởng, hãy thể hiện tính tự chủ!

“Hết thảy những người đua-tranh, tự mình chịu lấy mọi sự kiêng-kỵ”.​—1 Cô-rinh-tô 9:25.

1. Phù hợp với Ê-phê-sô 4:22-24, hàng triệu người đã đồng ý làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va như thế nào?

NẾU đã báp têm để trở thành một Nhân Chứng Giê-hô-va, bạn cho mọi người biết rằng bạn sẵn sàng tham gia cuộc đua tranh mà giải thưởng là sự sống đời đời. Bạn đồng ý làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va. Trước khi dâng mình cho Đức Giê-hô-va, nhiều người chúng ta phải thực hiện một số thay đổi đáng kể để sự dâng mình có ý nghĩa, được Đức Chúa Trời chấp nhận. Chúng ta làm theo lời khuyên của sứ đồ Phao-lô cho tín đồ Đấng Christ: “Anh em phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ là người bị hư-hỏng bởi tư-dục dỗ-dành, mà phải... mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công-bình và sự thánh-sạch của lẽ thật”. (Ê-phê-sô 4:22-24) Nói cách khác, trước khi dâng mình cho Đức Chúa Trời, chúng ta phải từ bỏ lối sống cũ không thể chấp nhận được.

2, 3. Một Cô-rinh-tô 6:9-12 cho thấy phải thực hiện hai loại thay đổi nào để được Đức Chúa Trời chấp nhận?

2 Một số khía cạnh của lốt người cũ tức nhân cách cũ mà các Nhân Chứng tương lai của Đức Giê-hô-va phải từ bỏ là những gì Lời Đức Chúa Trời trực tiếp lên án. Phao-lô liệt kê một số điều này trong lá thứ ông viết cho tín đồ ở Cô-rinh-tô: “Phàm những kẻ tà-dâm, kẻ thờ hình-tượng, kẻ ngoại-tình, kẻ làm giáng yểu-điệu, kẻ đắm nam-sắc, kẻ trộm-cướp, kẻ hà-tiện, kẻ say-sưa, kẻ chưởi-rủa, kẻ chắt-bóp, đều chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời đâu”. Sau đó ông cho thấy rằng tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất đã có những thay đổi cần thiết trong nhân cách: “Trước kia anh em ít nữa cũng có một đôi người như thế”. Hãy lưu ý, trước kia họ như thế, chứ không phải hiện nay.—1 Cô-rinh-tô 6:9-11.

3 Phao-lô gợi ý rằng có thể phải có những thay đổi khác nữa, vì ông nói tiếp: “Mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự điều có ích”. (1 Cô-rinh-tô 6:12) Vì thế, ngày nay nhiều người muốn trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va nhận thấy cần phải từ bỏ cả những điều tuy được phép làm nhưng không có lợi hoặc không có giá trị lâu dài. Những điều này có thể tốn nhiều thời gian và có thể làm họ đi trệch hướng, không theo đuổi được những việc quan trọng hơn.

4. Tín đồ Đấng Christ đã dâng mình đồng ý với Phao-lô về điều gì?

4 Dâng mình cho Đức Chúa Trời là việc làm sẵn lòng, chứ không miễn cưỡng như thể là một sự hy sinh to lớn. Tín đồ Đấng Christ đã dâng mình đồng ý với Phao-lô, ông nói rằng sau khi trở thành môn đồ Đấng Christ, “tôi vì [Chúa Giê-su] mà liều-bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm-rác, hầu cho được Đấng Christ”. (Phi-líp 3:8) Phao-lô sẵn sàng từ bỏ những điều không có giá trị thật để có thể tiếp tục làm theo ý muốn Đức Chúa Trời.

5. Phao-lô thành công trong cuộc chạy đua nào, và bằng cách nào chúng ta cũng có thể làm như vậy?

5 Phao-lô thể hiện tính tự chủ trong cuộc chạy đua thiêng liêng và cuối cùng có thể nói: “Ta đã đánh trận tốt-lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức-tin. Hiện nay mão triều-thiên của sự công-bình đã để dành cho ta; Chúa là quan án công-bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó, không những cho ta mà thôi, nhưng cũng cho mọi kẻ yêu-mến sự hiện đến của Ngài”. (2 Ti-mô-thê 4:7, 8) Liệu một ngày nào đó chúng ta có thể nói như thế không? Chắc chắn là có, nếu với đức tin chúng ta thể hiện tính tự chủ trong cuộc chạy đua của tín đồ Đấng Christ một cách bền bỉ cho đến cuối cùng.

Cần tự chủ để làm lành

6. Tự chủ là gì, và chúng ta phải thể hiện tính đó trong hai phương diện nào?

6 Những từ Hê-bơ-rơ và Hy Lạp dịch là “tự chủ” trong Kinh Thánh có nghĩa đen là một người có khả năng điều khiển mình. Những từ này thường truyền đạt ý tự kiềm chế mình không cho làm điều xấu. Nhưng rõ ràng là cũng cần có một mức độ tự chủ nếu muốn dùng thân thể để làm lành. Khuynh hướng tự nhiên của người bất toàn là làm điều trái, vì thế chúng ta có cuộc đấu tranh gồm hai phần. (Truyền-đạo 7:29; 8:11) Trong lúc tránh làm xấu, chúng ta cũng phải thúc ép mình làm lành. Trên thực tế, kiềm chế thân thể để làm lành là một trong những cách tốt nhất để tránh làm điều xấu.

7. (a) Như Đa-vít, chúng ta nên cầu xin điều gì? (b) Suy ngẫm về điều gì sẽ giúp chúng ta thể hiện tính tự chủ nhiều hơn?

7 Rõ ràng, tự chủ là trọng yếu nếu chúng ta muốn làm trọn sự dâng mình cho Đức Chúa Trời. Chúng ta cần cầu nguyện như Đa-vít: “Đức Chúa Trời ôi! xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong-sạch, và làm cho mới lại trong tôi một thần-linh ngay-thẳng”. (Thi-thiên 51:10) Chúng ta có thể suy ngẫm về những lợi ích của việc tránh những điều trái đạo đức hoặc làm suy yếu thể chất. Hãy nghĩ đến những hậu quả tai hại nếu không tránh những hành vi đó: bệnh tật nghiêm trọng, những quan hệ bị xáo trộn, ngay cả chết sớm. Mặt khác, hãy nghĩ đến nhiều lợi ích có được nhờ giữ theo lối sống mà Đức Giê-hô-va quy định. Tuy nhiên, chúng ta phải thực tế, chớ nên quên rằng lòng mình là dối trá. (Giê-rê-mi 17:9) Chúng ta phải kiên quyết cưỡng lại lòng khi nó cố xem thường việc giữ theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va.

8. Kinh nghiệm dạy chúng ta thực tế nào? Hãy minh họa.

8 Qua kinh nghiệm, phần đông chúng ta biết được rằng khuynh hướng yếu đuối của xác thịt thường cố làm nhụt tinh thần sốt sắng. Thí dụ, hãy xem công việc rao giảng về Nước Trời. Đức Giê-hô-va vui thích khi thấy người ta sẵn sàng tham gia công việc đem lại sự sống này. (Thi-thiên 110:3; Ma-thi-ơ 24:14) Đối với phần đông chúng ta, học cách rao giảng cho công chúng không phải là việc dễ làm. Nó đòi hỏi—và có lẽ vẫn còn đòi hỏi—chúng ta tự kiềm chế thân thể, ‘đãi nó cách nghiêm-khắc’ và “bắt nó phải phục”, thay vì để nó xui khiến chúng ta chọn con đường dễ nhất.—1 Cô-rinh-tô 9:16, 27; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:2.

Trong “mọi sự”?

9, 10. Tự chủ trong “mọi sự” bao hàm điều gì?

9 Lời Kinh Thánh khuyên “chịu lấy mọi sự kiêng-kỵ” cho thấy rằng chúng ta phải làm nhiều hơn là chỉ kiềm chế tính khí và tránh hạnh kiểm vô luân. Chúng ta có thể thấy mình đã đạt được sự tự chủ trong những lãnh vực này, và nếu thế, chúng ta quả thật có thể biết ơn. Song, còn về những lãnh vực khác của đời sống mà có lẽ không thấy rõ nhu cầu phải tự chủ thì sao? Để minh họa, giả sử chúng ta sống trong một nước tương đối giàu với mức sống cao. Chẳng phải điều khôn ngoan là không chi tiêu quá mức cần thiết hay sao? Các bậc cha mẹ nên dạy con cái rằng không phải thấy cái gì cũng mua chỉ vì nó được bày bán, hấp dẫn, hoặc chúng có đủ tiền mua. Dĩ nhiên, muốn việc dạy dỗ đó có hiệu quả, cha mẹ phải làm gương tốt.—Lu-ca 10:38-42.

10 Tập xoay xở mà không cần đến những thứ nào đó có thể củng cố ý chí chúng ta. Điều này cũng có thể giúp chúng ta biết quý trọng hơn những thứ mình có và biết thông cảm hơn đối với những người phải xoay xở dù thiếu những thứ gì đó, không phải do chọn lựa, mà vì bắt buộc. Công nhận rằng một lối sống khiêm tốn đi ngược lại thái độ phổ biến như “hãy dễ dãi với bản thân” hoặc “bạn xứng đáng được hưởng những gì tốt nhất”. Giới quảng cáo khuyến khích sự ham muốn được thỏa mãn tức thì, nhưng họ làm thế chỉ vì lợi nhuận thương mại riêng. Tình huống này có thể khiến chúng ta khó thể hiện sự tự chủ. Một tạp chí ở một xứ Âu Châu phồn vinh gần đây ghi nhận: “Nếu kiềm chế những ham muốn không tốt đòi hỏi sự phấn đấu nội tâm nơi những người sống trong hoàn cảnh khổ sở cùng cực, thì điều này càng đúng làm sao đối với những người sống ở xứ đượm sữa và mật trong xã hội giàu có ngày nay!”

11. Tại sao tập xoay xở mà không cần đến những thứ gì đó là có lợi, nhưng điều gì khiến cho việc này khó thực hành?

11 Nếu chúng ta thấy khó phân biệt cái mình muốn với cái thật sự cần, có thể nên áp dụng biện pháp để bảo đảm mình không hành động thiếu trách nhiệm. Thí dụ, nếu mong muốn cưỡng lại khuynh hướng tiêu xài phung phí, chúng ta có thể quyết định sẽ không mua chịu, hoặc khi đi mua sắm, chỉ đem theo một số tiền nhất định. Hãy nhớ rằng Phao-lô nói: “Sự tin-kính cùng sự thỏa lòng, ấy là một lợi lớn”. Ông lý luận: “Chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng”. (1 Ti-mô-thê 6:6-8) Chúng ta có như thế không? Tập sống đơn giản, không ham muốn những thứ không cần thiết của lối sống buông thả—dưới bất cứ hình thức nào—đòi hỏi sức mạnh ý chí và sự tự chủ. Song, đó là điều đáng học tập.

12, 13. (a) Các buổi họp đạo Đấng Christ đòi hỏi phải tự chủ qua những cách nào? (b) Chúng ta cần vun trồng tính tự chủ trong vài lãnh vực nào khác?

12 Tham dự các buổi họp đạo Đấng Christ, hội nghị, và đại hội cũng đòi hỏi phải thể hiện sự tự chủ đặc biệt. Thí dụ, đức tính đó là cần thiết để chúng ta kiềm chế không cho tâm trí nghĩ mông lung trong buổi họp. (Châm-ngôn 1:5) Có thể cần tự chủ để không làm phiền người khác bằng cách nói thầm với người bên cạnh thay vì chăm chú lắng nghe diễn giả. Thay đổi thời gian biểu để đến đúng giờ có thể đòi hỏi tính tự chủ. Ngoài ra, có thể cần có sự tự chủ để dành ra thì giờ chuẩn bị cho buổi họp và rồi tham gia.

13 Tự chủ trong việc nhỏ củng cố khả năng chúng ta để tự chủ trong việc lớn. (Lu-ca 16:10) Vì thế, điều tốt biết bao là tự ghép mình vào kỷ luật đều đặn đọc và học hỏi Lời Đức Chúa Trời cùng các ấn phẩm về Kinh Thánh, đồng thời suy ngẫm về những gì mình học được! Điều thật khôn ngoan biết bao là có kỷ luật tự giác về những việc làm, bạn bè, thái độ và thói quen không thích hợp, hoặc tự rèn luyện từ chối những hoạt động có thể làm chúng ta mất đi thời giờ quý báu cho việc phụng sự Đức Chúa Trời! Bận rộn trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va chắc chắn là sự bảo vệ tốt chống lại những điều có thể kéo chúng ta ra khỏi địa đàng thiêng liêng của hội thánh khắp thế giới của Đức Giê-hô-va.

Trưởng thành nhờ tính tự chủ

14. (a) Làm thế nào trẻ em học được cách thể hiện tính tự chủ? (b) Có thể được những lợi ích nào khi trẻ em sớm học đức tính này?

14 Như chúng ta nhận thấy, trẻ sơ sinh không biết tự chủ. Một sách mỏng của các chuyên gia về tập tính của trẻ em giải thích: “Tính tự chủ không tự động hay đột ngột xảy ra. Trẻ sơ sinh và trẻ thơ mới biết đi cần sự hướng dẫn và giúp đỡ của cha mẹ để bắt đầu quá trình học tính tự chủ.... Có cha mẹ hướng dẫn quá trình này, tính tự chủ gia tăng trong suốt các năm học”. Một cuộc nghiên cứu về trẻ em bốn tuổi cho thấy rằng những đứa đã học cách thể hiện một mức độ tự chủ “thường lớn lên thành những thanh thiếu niên có khả năng thích nghi, được ưa thích, bạo dạn, tự tin và đáng tin cậy hơn”. Những đứa chưa bắt đầu học tính này “thường đơn độc, dễ bực bội và cứng đầu. Chúng dễ bị căng thẳng và tránh những thách thức”. Rõ ràng, muốn trở thành người dễ thích nghi, đứa trẻ phải học cách thể hiện tính tự chủ.

15. Thiếu tính tự chủ cho thấy gì, trái ngược hẳn với mục tiêu nào đề ra trong Kinh Thánh?

15 Cũng vậy, nếu muốn trở nên tín đồ Đấng Christ trưởng thành, chúng ta phải tập thể hiện tính tự chủ. Thiếu đức tính này cho thấy chúng ta vẫn còn là trẻ con về mặt thiêng liêng. Kinh Thánh khuyên chúng ta: “Về sự khôn-sáng, hãy nên như kẻ thành-nhân”. (1 Cô-rinh-tô 14:20) Mục tiêu của chúng ta là “đều hiệp một trong đức-tin và trong sự hiểu-biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành-nhân, được tầm-thước vóc-giạc trọn-vẹn của Đấng Christ”. Tại sao thế? Hầu cho “chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa-đảo, bị mưu-chước dỗ-dành làm cho lầm-lạc, mà day-động và dời-đổi theo chiều gió của đạo lạc”. (Ê-phê-sô 4:13, 14) Rõ ràng, tập thể hiện tính tự chủ là điều trọng yếu cho thiêng liêng tính của chúng ta.

Vun trồng tính tự chủ

16. Đức Giê-hô-va cung cấp sự giúp đỡ bằng cách nào?

16 Muốn vun trồng tính tự chủ, chúng ta cần sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, và Ngài có sự sắp đặt để giúp chúng ta. Lời Đức Chúa Trời, như một cái gương hoàn hảo, cho cá nhân chúng ta thấy cần phải có những thay đổi nào, đồng thời chỉ cách thực hiện điều này. (Gia-cơ 1:22-25) Đoàn thể anh em yêu thương cũng sẵn sàng giúp đỡ. Các trưởng lão đạo Đấng Christ tỏ lòng thông cảm khi đề nghị giúp đỡ. Chính Đức Giê-hô-va ban thánh linh một cách rộng rãi nếu chúng ta cầu xin Ngài. (Lu-ca 11:13; Rô-ma 8:26) Vì thế, chúng ta hãy vui mừng tận dụng những sự sắp đặt này. Những đề nghị nơi trang 21 có thể giúp ích.

17. Châm-ngôn 24:16 cho chúng ta sự khích lệ nào?

17 Thật an tâm làm sao khi biết rằng Đức Giê-hô-va quý các nỗ lực của chúng ta khi cố gắng làm hài lòng Ngài! Điều này nên thúc đẩy chúng ta tiếp tục cố gắng thể hiện tính tự chủ nhiều hơn. Dù vấp phạm bao nhiêu lần, chúng ta chớ bao giờ bỏ cuộc. “Vì người công-bình dầu sa-ngã bảy lần, cũng chỗi-dậy”. (Châm-ngôn 24:16) Mỗi lần đạt được thắng lợi, chúng ta có lý do để hài lòng với chính mình. Chúng ta cũng có thể chắc chắn Đức Giê-hô-va hài lòng với chúng ta. Một Nhân Chứng nói rằng trước khi dâng mình cho Đức Giê-hô-va, mỗi lần anh nhịn được hút thuốc một tuần, anh thưởng cho mình bằng cách mua một vật hữu ích nào đó với số tiền mà sự tự chủ đã giúp anh tiết kiệm.

18. (a) Phấn đấu để có sự tự chủ bao hàm điều gì? (b) Đức Giê-hô-va bảo đảm điều gì?

18 Trên hết mọi sự, chúng ta nên nhớ rằng tự chủ bao hàm tâm trí và cảm xúc. Chúng ta có thể thấy điều này qua lời của Chúa Giê-su: “Hễ ai ngó đàn-bà mà động tình tham-muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà-dâm cùng người rồi”. (Ma-thi-ơ 5:28; Gia-cơ 1:14, 15) Người nào đã biết cách kiềm chế tâm trí và cảm xúc sẽ thấy dễ kiềm chế cả thân thể hơn. Vậy chúng ta hãy củng cố lòng kiên quyết không những tránh làm điều sai trái mà còn tránh nghĩ về nó. Nếu ý tưởng sai trái nảy sinh, hãy loại bỏ ngay lập tức. Chúng ta có thể thoát khỏi sự cám dỗ bằng cách cầu nguyện để mắt mình tập trung vào Chúa Giê-su. (1 Ti-mô-thê 6:11; 2 Ti-mô-thê 2:22; Hê-bơ-rơ 4:15, 16) Khi cố gắng hết sức mình, chúng ta sẽ làm theo lời khuyên nơi Thi-thiên 55:22: “Hãy trao gánh-nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng-đỡ ngươi; Ngài sẽ chẳng hề cho người công-bình bị rúng-động”.

Bạn có nhớ không?

• Chúng ta phải thể hiện tính tự chủ qua hai cách nào?

• Thể hiện tính tự chủ trong “mọi sự” nghĩa là gì?

• Bạn đặc biệt lưu ý đến những lời khuyên thực tiễn nào trong bài học này để vun trồng tính tự chủ?

• Sự tự chủ bắt đầu ở đâu?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung/​Các hình nơi trang 21]

Làm thế nào củng cố tính tự chủ?

• Tự chủ ngay cả trong việc nhỏ

• Suy ngẫm về những lợi ích hiện tại và tương lai của tính này

• Thay thế những gì Đức Chúa Trời cấm bằng những gì Ngài khuyến khích

• Loại bỏ ngay những ý tưởng không đúng đắn

• Luôn nghĩ đến những điều xây dựng về thiêng liêng

• Chấp nhận sự giúp đỡ của anh em tín đồ Đấng Christ thành thục

• Tránh những tình huống dễ khiến mình nhượng bộ

• Cầu xin sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời khi bị cám dỗ

[Các hình nơi trang 18, 19]

Tính tự chủ thúc đẩy chúng ta làm lành