Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Gia-cốp quý trọng những giá trị thiêng liêng

Gia-cốp quý trọng những giá trị thiêng liêng

Gia-cốp quý trọng những giá trị thiêng liêng

CUỘC ĐỜI của Gia-cốp có đầy xung đột và tai họa. Ông đã phải chạy trốn khi người anh song sinh nổi giận muốn giết ông. Thay vì cưới được người mình yêu, ông bị mắc lừa lấy phải một người khác rồi cuối cùng có bốn vợ và nảy sinh nhiều vấn đề. (Sáng-thế Ký 30:1-13) Trong 20 năm, ông làm việc cho một người đã bóc lột ông. Ông vật lộn với một thiên sứ và bị thương tật vĩnh viễn. Con gái ông bị làm nhục, các con trai gây ra cuộc thảm sát, và ông khóc than khi mất con trai và người vợ yêu quý một cách bi thảm. Phải di cư lúc tuổi già để thoát nạn đói kém, ông thừa nhận rằng đời mình “ngắn-ngủi và lại nhọc-nhằn”. (Sáng-thế Ký 47:9) Bất kể mọi sự, Gia-cốp là người thiêng liêng có lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Niềm tin của ông có đặt sai chỗ không? Chúng ta có thể học được điều gì qua việc xem xét chỉ vài kinh nghiệm của Gia-cốp?

Khác hẳn người anh

Nguyên do sự bất hòa với người anh là bởi Gia-cốp xem trọng những điều thiêng liêng quý báu trong khi Ê-sau thì lại khinh thường. Gia-cốp quan tâm đến lời hứa trong giao ước với Áp-ra-ham và tận tụy chăm sóc cho gia đình mà Đức Chúa Trời đã chọn là những người kế tự. Vì thế Đức Giê-hô-va “yêu” ông. Gia-cốp là người “hiền-lành”, hay theo bản dịch New World Translation of the Holy Scriptures là “không chỗ chê trách”, một từ bao hàm ý xuất sắc về đạo đức. Ngược lại, Ê-sau không quan tâm mấy đến di sản thiêng liêng của mình nên đã bán rẻ nó cho Gia-cốp. Khi Gia-cốp, với sự chấp thuận của Đức Chúa Trời, nhận quyền thuộc về mình và sự chúc phước mà lúc đầu dành cho anh mình, Ê-sau đã nổi cơn thịnh nộ nuôi ý báo thù. Rồi thì Gia-cốp rời bỏ tất cả người thân yêu, nhưng việc xảy ra sau đó chắc chắn đã làm phấn khởi lại bất cứ tâm trạng nản lòng nào của ông.—Ma-la-chi 1:2, 3; Sáng-thế Ký 25:27-34; 27:1-45.

Trong một giấc mơ, Đức Chúa Trời cho Gia-cốp thấy các thiên sứ đi lên xuống một cái thang, hay các bậc đá từ đất lên trời, rồi nói rằng Ngài sẽ che chở Gia-cốp và dòng dõi ông. “Các chi họ thế-gian sẽ nhờ ngươi và dòng-dõi ngươi mà được phước. Nầy, ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu, sẽ theo gìn-giữ đó, và đem ngươi về xứ nầy; vì ta không bao giờ bỏ ngươi cho đến khi ta làm xong những điều ta đã hứa cùng ngươi”.—Sáng-thế Ký 28:10-15.

Những lời đó làm vững lòng biết bao! Đức Giê-hô-va xác nhận rằng lời hứa với Áp-ra-ham và Y-sác sẽ mang lại nhiều ân phước thiêng liêng cho gia đình Gia-cốp. Gia-cốp được cho biết rằng thiên sứ có thể giúp những người được Đức Chúa Trời chấp nhận, và ông được bảo đảm về sự che chở của Đức Chúa Trời. Đáp lại với lòng biết ơn, Gia-cốp khấn nguyền sẽ trung thành với Đức Giê-hô-va.—Sáng-thế Ký 28:16-22.

Gia-cốp không hề chiếm đoạt quyền thừa kế của Ê-sau. Trước khi hai trẻ ra đời, Đức Giê-hô-va đã phán rằng “đứa lớn phải phục đứa nhỏ”. (Sáng-thế Ký 25:23) Một người có thể hỏi: ‘Chẳng phải tình huống đã ít phức tạp hơn nếu Đức Chúa Trời đã cho Gia-cốp sinh ra trước hay sao?’ Điều xảy ra sau đó dạy chúng ta những lẽ thật quan trọng. Đức Chúa Trời không dành ân phước cho những người cảm thấy họ có quyền được nhận nó, nhưng Ngài bày tỏ ân điển đối với người nào Ngài chọn. Vì thế quyền trưởng nam được ban cho Gia-cốp chứ không ban cho anh ông, người không biết quý trọng nó. Tương tự như thế, vì dân Do thái xác thịt nói chung biểu lộ cùng một thái độ như Ê-sau, nên bị thay thế bởi dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng. (Rô-ma 9:6-16, 24) Ngày nay một người không bao giờ thừa hưởng mối quan hệ tốt với Đức Giê-hô-va mà không phải làm gì cả, cho dù sinh ra trong một gia đình hoặc môi trường có sự kính sợ Đức Chúa Trời. Tất cả những người muốn có ân phước của Đức Chúa Trời đều phải cố gắng vun trồng lòng tin kính, thật sự quý trọng điều thiêng liêng.

Được La-ban tiếp đón

Khi đến Pha-đan-A-ram để tìm vợ trong vòng bà con thân thuộc, Gia-cốp gặp người em họ là Ra-chên, con gái La-ban, tại một giếng nước và ông lăn hòn đá nặng ra khỏi miệng giếng để cho các súc vật mà nàng chăn uống nước. * Ra-chên chạy về nhà báo tin Gia-cốp đến, và La-ban vội vàng ra gặp Gia-cốp. Nếu La-ban nhớ lại của cải mà gia đình ông nhận được từ tôi tớ của Áp-ra-ham, thì ông đã thất vọng vì Gia-cốp đến tay không. Nhưng La-ban hiển nhiên thấy điều mình có thể khai thác—một người lao động cần cù.—Sáng-thế Ký 28:1-5; 29:1-14.

Gia-cốp thuật lại chuyện của ông. Không rõ ông có nói đến mưu mẹo đã dùng để có được quyền trưởng nam hay không, nhưng sau khi nghe “các việc đã xảy qua”, La-ban nói: “Thật vậy, cháu là cốt-nhục của cậu”. Một học giả nói rằng câu này có thể được xem là lời mời nồng nhiệt để Gia-cốp ở lại hoặc sự thừa nhận tình họ hàng đòi hỏi La-ban phải che chở Gia-cốp. Dù thế nào, chẳng bao lâu La-ban suy nghĩ cách có thể lợi dụng đứa cháu trai này.

La-ban đưa ra đề nghị mà sau đó trở thành nguyên nhân tranh chấp hơn 20 năm. Ông hỏi: “Vì cớ cháu là bà-con của cậu, cháu giúp công không cho cậu thôi sao? Tiền công bao nhiêu hãy nói cho cậu biết”. Mặc dù giả vờ là người cậu nhân đức, La-ban biến mối quan hệ ruột thịt của mình thành giao kèo làm việc. Gia-cốp vì rất yêu Ra-chên nên ông trả lời: “Vì nàng Ra-chên, con út cậu, tôi sẽ giúp việc trong bảy năm”.—Sáng-thế Ký 29:15-20.

Sự hứa hôn có hiệu lực khi sính lễ trao cho nhà gái. Luật Pháp Môi-se sau này ấn định 50 siếc lơ bạc là giá phải trả cho một trinh nữ đã bị dụ dỗ. Học giả Gordon Wenham cho rằng đây là “sính lễ tối đa” nhưng phần lớn “thấp hơn nhiều”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:28, 29) Gia-cốp không thể thu xếp để nộp tiền sính lễ, nên ông đề nghị làm việc cho La-ban trong bảy năm. Ông Wenham nói tiếp: “Vì người lao động không có việc làm cố định thường nhận được khoảng một nửa đến một siếc lơ một tháng vào thời Ba-by-lôn cổ xưa (khoảng 42 đến 84 siếc lơ trong bảy năm trọn), Gia-cốp đề nghị biếu La-ban một sính lễ rất hậu hĩ để hỏi cưới Ra-chên”. La-ban sẵn sàng chấp nhận.—Sáng-thế Ký 29:19.

Vì quá yêu Ra-chên nên bảy năm đối với Gia-cốp chỉ như “đôi ba bữa”. Sau đó, ông đem nàng dâu che mặt về, không nghi ngờ là La-ban đang đánh lừa ông. Hãy tưởng tượng sự sửng sốt của ông vào sáng hôm sau khi biết ra mình đã ăn nằm với người chị là Lê-a chứ không phải Ra-chên! Gia-cốp gặng hỏi: “Cậu đã đãi tôi cách chi vậy? Có phải vì Ra-chên mà tôi mới giúp việc cho nhà cậu chăng? Sao cậu lừa-gạt tôi?” La-ban đáp: “Phong-tục ở đây chẳng phải được gả em út trước, rồi chị cả sau. Hãy ở với đứa nầy trọn một tuần đi, rồi ta sẽ gả luôn đứa kia cho; về đứa kia cháu phải giúp công cho cậu thêm bảy năm nữa”. (Sáng-thế Ký 29:20-27) Bất lực và mắc mưu, Gia-cốp không thể làm gì hơn là chấp nhận những điều kiện đó nếu muốn Ra-chên.

Không như bảy năm đầu, bảy năm kế là những năm cay đắng. Làm sao Gia-cốp có thể bỏ qua mưu mẹo tàn ác của La-ban? Còn Lê-a, người đồng lõa thì sao? Dĩ nhiên, La-ban không quan tâm gì đến tương lai xáo động mà ông chuẩn bị cho Lê-a và Ra-chên. Ông chỉ nghĩ đến tư lợi. Oán giận rồi đến ghen tị khi Lê-a sinh liên tiếp bốn con trai, trong khi Ra-chên thì hiếm hoi. Thế rồi vì quá muốn con, Ra-chên đề nghị đầy tớ gái thế mình sinh con, và vì ganh đua, Lê-a cũng làm như vậy. Gia-cốp cuối cùng có bốn vợ, 12 con, và một cảnh gia đình không đầm ấm chút nào. Thế nhưng Đức Giê-hô-va đang làm cho Gia-cốp trở nên một dân lớn.—Sáng-thế Ký 29:28–30:24.

Được Đức Giê-hô-va ban phước

Bất kể thử thách, Gia-cốp thấy rằng Đức Chúa Trời ở cùng ông như đã hứa. La-ban cũng thấy rằng ông chỉ có một bầy gia súc nhỏ khi Gia-cốp mới đến nhưng nhờ sự chăn nuôi của cháu mà chúng đã sinh sôi đông đúc. Không muốn Gia-cốp đi, La-ban bảo Gia-cốp hãy làm thêm và định mức công xá, Gia-cốp bèn xin những con vật có màu sắc khác thường sinh ra trong bầy của La-ban. Người ta nói rằng trong vùng đó, chiên thường màu trắng và dê màu đen hoặc nâu sẫm; chỉ một số ít là có nhiều màu. Vì nghĩ mình được lợi lớn, La-ban sẵn sàng đồng ý và liền đem tất cả con vật có lằn đốm khác thường ra xa để không tiếp xúc với đàn súc vật còn lại được Gia-cốp chăn. Ông hiển nhiên tin rằng Gia-cốp không được lợi bao nhiêu qua sự thỏa thuận này, chắc chắn không được 20 phần trăm dê non và cừu non mà những người chăn thời xưa thường được nhận làm tiền công. Nhưng La-ban đã lầm, vì Đức Giê-hô-va đã ở cùng Gia-cốp.—Sáng-thế Ký 30:25-36.

Theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, Gia-cốp gây giống những con vật to khỏe có màu ông muốn. (Sáng-thế Ký 30:37-42) Khái niệm của ông về việc gây giống không chính xác. Tuy nhiên, “về khoa học, có thể đạt được kết quả yêu cầu bằng cách liên tục lai giống những con vật một màu mang gen lặn có đốm”, học giả Nahum Sarna giải thích, và “có thể nhận ra những con vật như thế qua... ưu thế lai [của chúng]”.

Thấy kết quả đó, La-ban cố đổi lại sự thỏa thuận về con nào thuộc về cháu ông—có sọc, đốm nhỏ, hoặc đốm lớn. La-ban mưu cầu lợi ích riêng, nhưng dù ông sửa đổi giao kèo thế nào đi nữa, Đức Giê-hô-va cũng lo cho Gia-cốp luôn được phát đạt. La-ban chỉ có thể nghiến răng tức giận mà thôi. Chẳng bao lâu Gia-cốp tích lũy nhiều của cải, gia súc, tôi tớ, lạc đà và lừa, không phải do tài khéo léo của mình nhưng do sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va. Sau này ông giải thích với Ra-chên và Lê-a: “Cha hai ngươi lại khinh-bạc và mười lần thay-đổi công-giá ta; nhưng Đức Chúa Trời không cho phép người làm hại ta chút nào... Đức Chúa Trời đã bắt súc-vật của cha hai ngươi cho ta đó”. Đức Giê-hô-va cũng trấn an Gia-cốp là Ngài thấy tất cả những gì La-ban làm nhưng Gia-cốp không cần phải lo lắng. “Hãy trở về xứ ngươi và nơi bà-con ngươi”, Đức Chúa Trời phán, “rồi ta sẽ làm ơn cho ngươi”.—Sáng-thế Ký 31:1-13; 32:9.

Cuối cùng sau khi thoát khỏi tay La-ban người cậu hai mặt, Gia-cốp lên đường về quê hương. Mặc dù 20 năm đã trôi qua, ông vẫn sợ Ê-sau, nhất là khi nghe tin Ê-sau đang tiến đến với bốn trăm người. Gia-cốp có thể làm gì đây? Luôn là người thiêng liêng tin cậy Đức Chúa Trời, ông đã hành động theo đức tin. Ông cầu nguyện, nhìn nhận mình không xứng đáng với lòng quảng đại của Đức Giê-hô-va và khẩn cầu Đức Chúa Trời dựa trên lời hứa Ngài, xin giải cứu ông và gia đình khỏi tay Ê-sau.—Sáng-thế Ký 32:2-12.

Thế rồi chuyện bất ngờ xảy ra. Một người lạ, hóa ra là một thiên sứ, vật lộn với Gia-cốp vào ban đêm, và đánh vào xương hông Gia-cốp khiến nó bị trật. Gia-cốp không chịu buông ra trừ khi vị thiên sứ ban phước cho ông. Nhà tiên tri Ô-sê sau này nói rằng Gia-cốp “khóc-lóc và khẩn-cầu người”. (Ô-sê 12:2-4; Sáng-thế Ký 32:24-29) Gia-cốp biết rằng những sự xuất hiện trước đây của thiên sứ liên quan đến việc thực hiện giao ước Áp-ra-ham qua dòng dõi ông. Vì thế ông gắng hết sức vật lộn và nhận được sự ban phước. Vào lúc này, Đức Chúa Trời đổi tên ông thành Y-sơ-ra-ên, nghĩa là “Người vật lộn (kiên trì) với Đức Chúa Trời”, hay “Đức Chúa Trời vật lộn”.

Bạn có sẵn sàng vật lộn không?

Vật lộn với thiên sứ và gặp lại Ê-sau không phải là hai giai đoạn khủng hoảng duy nhất mà Gia-cốp phải vượt qua. Song, những sự việc xem xét ở đây cho thấy ông là người như thế nào. Trong khi Ê-sau không chịu nhịn một cơn đói thường để giữ quyền trưởng nam, Gia-cốp đấu tranh suốt cuộc đời để cố đạt được ân phước, thậm chí còn vật lộn với thiên sứ nữa. Như Đức Chúa Trời hứa, Gia-cốp được sự hướng dẫn và che chở của Ngài, trở thành tổ tiên của một dân lớn và ông tổ của Đấng Mê-si.—Ma-thi-ơ 1:2, 16.

Bạn có sẵn sàng gắng sức hay vật lộn theo nghĩa bóng để có được ân huệ của Đức Giê-hô-va không? Đời sống ngày nay có đầy gian nan thử thách đối với những ai muốn làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, và đôi khi phải vật lộn để có những quyết định đúng. Tuy nhiên, gương mẫu xuất sắc của Gia-cốp cho chúng ta động cơ mạnh mẽ để nắm chặt hy vọng về phần thưởng mà Đức Giê-hô-va đặt trước mặt chúng ta.

[Chú thích]

^ đ. 9 Cuộc gặp gỡ giống như lần mẹ của Gia-cốp là Rê-bê-ca cho lạc đà của Ê-li-ê-se uống nước. Lúc ấy Rê-bê-ca chạy về nhà báo tin có người lạ đến. Khi thấy vàng vòng mà em gái mình đã được tặng làm quà, La-ban đã chạy ra tiếp đón Ê-li-ê-se.—Sáng-thế Ký 24:28-31, 53.

[Các hình nơi trang 31]

Suốt cuộc đời Gia-cốp đã đấu tranh để cố đạt được ân phước