Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự tin cậy là thiết yếu cho đời sống hạnh phúc

Sự tin cậy là thiết yếu cho đời sống hạnh phúc

Sự tin cậy là thiết yếu cho đời sống hạnh phúc

NGỘ ĐỘC thức ăn là điều rất khó chịu. Một người trải qua nhiều lần cần phải cẩn thận hơn trong việc ăn uống. Nhưng hoàn toàn không ăn để tránh nguy cơ bị ngộ độc không phải là sự chọn lựa thiết thực. Thay vì giải quyết, làm thế càng gây ra nhiều vấn đề hơn. Nếu không ăn, không ai có thể sống sót lâu.

Tương tự như thế, thật đau đớn khi lòng tin bị phản bội. Khi bị bội tín nhiều lần, chúng ta có lẽ suy nghĩ cẩn thận hơn trong việc chọn bạn. Song, hoàn toàn lánh xa người ta vì sợ bị thất vọng không phải là giải pháp. Tại sao? Vì khi nghi ngờ không tin tưởng người khác, điều đó cướp đi hạnh phúc của chính chúng ta. Muốn có một đời sống thỏa nguyện, chúng ta cần những mối quan hệ dựa trên lòng tin cậy lẫn nhau.

Sách Jugend 2002 bình luận: “Sự tin cậy tạo thành một trong những điều cơ bản để có mối giao tiếp thông thường, không gặp rắc rối với người khác”. Theo báo Neue Zürcher Zeitung, “mọi người đều ao ước có sự tin cậy. Sự tin cậy cải thiện đời sống” đến độ nó “là cần yếu cho sự sống còn”. Thật vậy, tờ báo nói tiếp, không có sự tin cậy, “một người không thể đương đầu với cuộc sống”.

Vì chúng ta có nhu cầu căn bản là đặt lòng tin nơi người nào đó, chúng ta có thể tin cậy ai mà không phải sợ bị thất vọng?

Hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va

Kinh Thánh nói với chúng ta: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va”. (Châm-ngôn 3:5) Quả thật, Lời Đức Chúa Trời nhiều lần khuyến khích chúng ta tin cậy nơi Đấng Tạo Hóa, tức Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

Tại sao chúng ta có thể đặt lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời? Bởi vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời là thánh. Nhà tiên tri Ê-sai viết: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va”. (Ê-sai 6:3) Ý tưởng về sự thánh khiết không thu hút bạn sao? Thật ra điều đó nên thu hút bạn vì sự thánh khiết của Đức Giê-hô-va có nghĩa là Ngài thanh khiết, hoàn toàn không lầm lỗi, và tuyệt đối đáng tin cậy. Ngài không bao giờ tha hóa hay khắc nghiệt, và Ngài không thể nào bội tín.

Ngoài ra, chúng ta có thể đặt lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời vì Ngài có khả năng và ước muốn để nâng đỡ những ai phụng sự Ngài. Thí dụ, quyền năng tối cao giúp Ngài hành động. Sự công bình khôn ngoan hoàn hảo hướng dẫn cách Ngài hành động. Và tình yêu thương độc nhất vô nhị thúc đẩy Ngài hành động. Sứ đồ Giăng viết: “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”. (1 Giăng 4:8) Tình yêu thương của Đức Chúa Trời ảnh hưởng mọi hoạt động của Ngài. Sự thánh khiết và những đức tính đặc sắc khác của Đức Giê-hô-va khiến Ngài trở nên một người Cha lý tưởng, một Đấng mà mình có thể tin tưởng tuyệt đối. Không một ai và không điều gì có thể đáng tin cậy hơn Đức Giê-hô-va.

Tin cậy Đức Giê-hô-va và được hạnh phúc

Một lý do chính đáng khác để tin cậy Đức Giê-hô-va là vì Ngài hiểu chúng ta hơn bất cứ người nào khác. Ngài biết nhu cầu căn bản của mỗi người là có mối quan hệ vững chắc, lâu dài và đáng tin cậy với Đấng Tạo Hóa. Những ai có mối quan hệ như thế cảm thấy an ổn hơn. Vua Đa-vít kết luận: “Phước cho người nào để lòng tin-cậy nơi Đức Giê-hô-va”. (Thi-thiên 40:4) Hàng triệu người ngày nay hết lòng đồng ý với ý tưởng của Đa-vít.

Hãy xem một vài gương điển hình sau đây. Chị Doris đã từng sống ở Cộng Hòa Dominican, Đức, Hy Lạp, và Hoa Kỳ. Chị nói: “Tôi rất sung sướng đặt lòng tin nơi Đức Giê-hô-va. Ngài biết cách chăm sóc tôi về mặt thể chất, thiêng liêng, và tình cảm. Ngài là người bạn tốt nhất mà một người có thể có”. Anh Wolfgang, một cố vấn pháp lý, giải thích: “Quả là tuyệt diệu khi được nương tựa vào một người hết lòng quan tâm đến hạnh phúc của chúng ta, một người không những có thể mà thật sự sẽ làm những gì tốt nhất cho chúng ta!” Anh Ham, sinh ở Á Châu nhưng lớn lên ở Âu Châu, bình luận: “Tôi tin chắc là Đức Giê-hô-va làm chủ mọi tình thế, Ngài không phạm sai lầm, nên tôi vui sướng nương tựa nơi Ngài”.

Dĩ nhiên, ngoài việc tin cậy nơi Đấng Tạo Hóa, mỗi người chúng ta cũng cần phải tin cậy người khác. Vì thế, với tư cách là người bạn sáng suốt, có kinh nghiệm, Đức Giê-hô-va cho chúng ta lời khuyên để nhận biết người nào đáng cho chúng ta tin cậy. Bằng cách cẩn thận đọc Kinh Thánh, chúng ta có thể lưu ý đến lời khuyên của Ngài về vấn đề này.

Những người có thể tin cậy được

Người viết Thi-thiên nói: “Chớ nhờ-cậy nơi các vua-chúa [“người quyền quí”, Nguyễn Thế Thuấn], cũng đừng nhờ-cậy nơi con loài người, là nơi không có sự tiếp-trợ”. (Thi-thiên 146:3) Lời được soi dẫn này giúp chúng ta nhận ra rằng nhiều người không đáng cho chúng ta tin cậy. Thậm chí những người được quý trọng, chẳng hạn như các chuyên gia trong những lĩnh vực kiến thức hay hoạt động chuyên ngành, không nhất thiết đáng để chúng ta tin cậy. Những lời hướng dẫn của họ thường sai lầm, và ai tin cậy nơi những “người quyền quí” ấy có thể sớm bị thất vọng.

Dĩ nhiên, điều này không nên khiến chúng ta nghi ngờ mọi người. Dù vậy, rõ ràng là cần phải cẩn thận khi lựa chọn người mà chúng ta tin cậy. Chúng ta nên theo tiêu chuẩn nào? Một khuôn mẫu của nước Y-sơ-ra-ên xưa có thể giúp ích. Khi cần phải bổ nhiệm những người để gánh vác trách nhiệm nặng nề trong Y-sơ-ra-ên, Môi-se được khuyên là “chọn lấy trong vòng dân-sự mấy người tài-năng, kính-sợ Đức Chúa Trời, chân-thật, ghét sự tham lợi”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 18:21) Chúng ta rút ra được bài học nào?

Những người đàn ông này đã thể hiện những đức tính tin kính trước khi được bổ nhiệm vào vị thế có trách nhiệm. Họ đã chứng tỏ là người kính sợ Đức Chúa Trời; họ có sự tôn kính đúng đắn đối với Đấng Tạo Hóa và sợ làm phật lòng Ngài. Mọi người đều thấy rõ là những người này đã làm hết sức mình để nâng cao các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Họ ghét sự tham lợi bất nghĩa, điều này cho thấy phẩm chất đạo đức giúp họ tránh bị uy quyền làm cho thối nát. Họ sẽ không bội tín để đẩy mạnh quyền lợi của riêng mình hay của người thân và bạn bè.

Chẳng phải điều khôn ngoan ngày nay là dùng tiêu chuẩn tương tự khi chọn người mà chúng ta tin cậy sao? Chúng ta có biết những người có hạnh kiểm cho thấy họ kính sợ Đức Chúa Trời không? Họ có quyết tâm giữ tiêu chuẩn đạo đức của Ngài chăng? Họ có liêm chính tránh không làm điều sai quấy chăng? Họ có lương thiện không lèo lái tình thế để được lợi thế hay đạt điều mình muốn chăng? Chắc chắn những người đàn ông và đàn bà thể hiện những đức tính như thế đáng cho chúng ta tin cậy.

Đừng nản lòng vì đôi khi bị thất vọng

Trong việc quyết định chọn người đặt lòng tin, chúng ta không nên vội vã, vì cần có thời gian để xây dựng niềm tin. Đường lối khôn ngoan là tin cậy người nào đó một cách từ từ, từng bước một. Như thế nào? Chúng ta có thể quan sát hạnh kiểm của một người qua một thời gian, để ý cách người đó xử sự trong những tình huống khác nhau. Người đó có đáng tin cậy trong những vấn đề nhỏ nhặt không? Chẳng hạn, người ấy có trả lại đồ mình mượn như đã hứa và có giữ đúng hẹn không? Nếu có, chúng ta có thể cảm thấy yên tâm tin cậy người ấy trong vấn đề hệ trọng hơn. Điều này phù hợp với nguyên tắc: “Ai trung-tín trong việc rất nhỏ, cũng trung-tín trong việc lớn”. (Lu-ca 16:10) Biết chọn lựa và không vội vàng có thể giúp chúng ta tránh những thất vọng não nề.

Thế nhưng, nếu người nào đó làm chúng ta thất vọng thì sao? Các học viên Kinh Thánh sẽ nhớ lại vào đêm Chúa Giê-su Christ bị bắt, các sứ đồ đã làm cho ngài vô cùng thất vọng. Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã phản ngài, và vì sợ hãi nên những người khác đã trốn chạy. Thậm chí Phi-e-rơ đã ba lần chối Chúa Giê-su. Nhưng Chúa Giê-su thấy rõ là riêng Giu-đa đã hành động có chủ tâm. Bị thất vọng vào giờ phút trọng đại ấy đã không ngăn cản Chúa Giê-su xác nhận lại chỉ vài tuần sau đó sự tin tưởng của ngài nơi 11 sứ đồ còn lại. (Ma-thi-ơ 26:45-47, 56, 69-75; 28:16-20) Tương tự như vậy, nếu cảm thấy ai đó đã bội tín với mình, thì chúng ta nên xét lại có phải hành động có vẻ là phản bội ấy là bằng chứng của tinh thần không đáng tin cậy hay là vì sự yếu đuối nhất thời của xác thịt.

Tôi có đáng tin cậy không?

Một người cẩn thận trong việc chọn mặt gửi vàng thì cũng phải thẳng thắn và tự hỏi: ‘Tôi có đáng tin cậy không? Về sự tin cậy, tôi đòi hỏi nơi chính mình và người khác phải có tiêu chuẩn thích đáng nào?’

Chắc chắn một người đáng tin cậy luôn nói sự thật. (Ê-phê-sô 4:25) Người ấy không sửa đổi lời nói mình để làm êm tai người nghe hầu đạt tư lợi. Và nếu cam kết điều gì, người đáng tin cậy làm hết sức mình để giữ lời. (Ma-thi-ơ 5:37) Nếu có ai giãi bày tâm sự với mình, người trung tín giữ kín chuyện và không thày lay đôi mách. Người đáng tin cậy chung thủy với người hôn phối. Người ấy không xem tài liệu khiêu dâm, không luôn nghĩ đến những chuyện nhục dục, và không ve vãn. (Ma-thi-ơ 5:27, 28) Người đáng cho chúng ta tin cậy làm việc cật lực để nuôi sống bản thân cùng gia đình và không tìm cách để kiếm tiền dễ dàng mà gây thiệt hại cho người khác. (1 Ti-mô-thê 5:8) Ghi nhớ những tiêu chuẩn phải lẽ ấy trong Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta nhận ra những người đáng tin cậy. Hơn nữa, tuân thủ cùng nguyên tắc xử thế ấy sẽ giúp mỗi người chúng ta trở nên người mà người khác đáng tin cậy.

Quả là thích thú khi sống trong một thế giới mà tất cả mọi người đều đáng tin cậy và những sự thất vọng vì sự bội tín sẽ là chuyện trong quá khứ! Phải chăng đó chỉ là giấc mơ suông? Đối với những người xem trọng lời hứa của Kinh Thánh thì không phải vậy, vì Lời Đức Chúa Trời báo trước là trong “đất mới” tuyệt đẹp sắp đến sẽ không có sự lừa gạt, dối trá, bóc lột và cũng không còn đau đớn, bệnh tật, và ngay cả sự chết nữa! (2 Phi-e-rơ 3:13; Thi-thiên 37:11, 29; Khải-huyền 21:3-5) Chẳng đáng công để tìm hiểu thêm về triển vọng này sao? Nhân Chứng Giê-hô-va sẽ vui lòng cho bạn biết thêm chi tiết về điều này và những đề tài quan trọng khác.

[Hình nơi trang 4]

Nghi ngờ người khác cướp đi hạnh phúc của chúng ta

[Hình nơi trang 5]

Đức Giê-hô-va là Đấng đáng cho chúng ta tin cậy nhất

[Các hình nơi trang 7]

Tất cả chúng ta đều cần những mối quan hệ dựa trên lòng tin cậy lẫn nhau