Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vun trồng tinh thần rộng rãi

Vun trồng tinh thần rộng rãi

Vun trồng tinh thần rộng rãi

BẨM SINH không ai có tinh thần rộng rãi. Một đứa bé có khuynh hướng tự nhiên đòi những gì nó muốn và thích mà không hề quan tâm đến quyền lợi của người chăm sóc nó. Tuy nhiên, dần dần đứa trẻ sẽ biết rằng trong thế giới chung quanh không phải chỉ mình nó mới có nhu cầu. Nó phải quan tâm đến nhu cầu của người khác, và phải học không chỉ nhận mà còn cho và chia sẻ nữa. Cần phải vun trồng một tinh thần rộng rãi.

Không phải tất cả mọi người khi cho—dù rất nhiều—đều có tinh thần này. Một số người có thể tặng biếu hội từ thiện vì mưu cầu quyền lợi riêng. Những người khác có thể đóng góp vì muốn được người ta khen. Tuy nhiên, sự biếu tặng mà tín đồ thật của Đấng Christ thực hành thì khác. Vậy đặc điểm của sự ban cho được Lời Đức Chúa Trời khuyến khích là gì? Câu hỏi này sẽ được trả lời khi xem xét việc biếu tặng mà tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất đã thực hành.

Những gương về sự biếu tặng theo đạo Đấng Christ

Sự biếu tặng theo đạo Đấng Christ, như được diễn tả trong Kinh Thánh, nói chung là sự “chia sớt của cải” với người thật sự thiếu thốn. (Hê-bơ-rơ 13:16, Bản Diễn Ý; Rô-ma 15:26) Đó là việc làm không phải bởi ép buộc. Sứ đồ Phao-lô viết: “Mỗi người nên tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra, không phải phàn-nàn hay là vì ép-uổng; vì Đức Chúa Trời yêu kẻ dâng của cách vui lòng”. (2 Cô-rinh-tô 9:7) Cũng không nên cho với mục đích để phô trương trước mặt người khác. A-na-nia và Sa-phi-ra đã giả vờ như thế và đã phải trả một giá rất đắt.—Công-vụ 5:1-10.

Hội thánh ở Giê-ru-sa-lem cần có tinh thần ban cho rộng rãi khi người Do Thái và người cải đạo từ những nơi xa về dự Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN. Chính tại đó, các môn đồ Chúa Giê-su “được đầy-dẫy Đức Thánh-Linh, khởi-sự nói các thứ tiếng khác”. Một đám đông lớn nhóm lại quanh các môn đồ và nghe Phi-e-rơ giảng một cách hào hứng về Chúa Giê-su Christ. Sau đó, họ thấy Phi-e-rơ và Giăng chữa lành một người tàn tật tại cửa đền thờ như thế nào và họ được nghe Phi-e-rơ giảng thêm một lần nữa về Chúa Giê-su và việc cần phải ăn năn. Hàng ngàn người đã ăn năn, làm báp têm để trở thành môn đồ Đấng Christ.—Công-vụ, chương 2 và 3.

Những người mới theo đạo muốn ở lại Giê-ru-sa-lem để được các sứ đồ của Chúa Giê-su dạy dỗ thêm. Nhưng làm sao các sứ đồ có thể chăm sóc được nhu cầu của tất cả những người khách này? Lời tường thuật trong Kinh Thánh cho biết: “Những người có ruộng hay nhà, đều bán đi, bán được bao nhiêu tiền cũng đem đến đặt dưới chân các sứ-đồ; rồi tùy theo sự cần-dùng của mỗi người mà phát cho”. (Công-vụ 4:33-35) Hội thánh Giê-ru-sa-lem vừa mới thành lập quả có tinh thần rộng rãi!

Sau đó, các hội thánh khác biểu lộ tinh thần cho một cách rộng rãi y như vậy. Chẳng hạn, tín đồ Đấng Christ ở Ma-xê-đoan, dù nghèo cũng đã đóng góp vượt sức mình để giúp các anh em nghèo túng ở Giu-đê. (Rô-ma 15:26; 2 Cô-rinh-tô 8:1-7) Hội thánh người Phi-líp cũng xuất sắc trong việc ủng hộ thánh chức của Phao-lô. (Phi-líp 4:15, 16) Chính hội thánh Giê-ru-sa-lem hàng ngày cung cấp thực phẩm cho những người góa bụa nghèo túng, và các sứ đồ bổ nhiệm bảy người hội đủ điều kiện để lo sao không bà góa nào đáng được giúp lại bị bỏ quên.—Công-vụ 6:1-6.

Các hội thánh đạo Đấng Christ thời ban đầu đã mau lẹ đáp ứng ngay cả trong lúc biết rằng những khó khăn sắp xảy ra. Chẳng hạn, khi tiên tri A-ga-bút báo trước sẽ có nạn đói lớn, các môn đồ thuộc hội thánh An-ti-ốt thuộc xứ Sy-ri “định, mỗi người tùy sức riêng mình, gởi một món tiền bố-thí cho anh em ở trong xứ Giu-đê”. (Công-vụ 11:28, 29) Họ đã bày tỏ một tinh thần tốt trong việc lo trước cho nhu cầu của anh em khác!

Điều gì đã thúc đẩy tín đồ Đấng Christ thời ban đầu rộng rãi và yêu thương như thế? Thật ra, làm sao một người có được tinh thần rộng rãi? Chúng ta có thể học được nhiều khi xem xét vắn tắt gương của Vua Đa-vít.

Đa-vít rộng rãi ủng hộ sự thờ phượng thật

Gần 500 năm, hòm giao ước—chiếc rương thánh tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Giê-hô-va—chưa có chỗ thường trực. Hòm được đặt trong lều, tức đền tạm, chuyển đi từ nơi này đến nơi khác trong thời gian dân Y-sơ-ra-ên đi lang thang trong đồng vắng và rồi vào Đất Hứa. Vua Đa-vít rất muốn đưa hòm giao ước ra khỏi lều và xây một tòa nhà xứng hợp cho Đức Giê-hô-va, làm nơi đặt hòm giao ước thánh. Đa-vít nói với tiên tri Na-than: “Nầy ta ở trong nhà bằng gỗ bá-hương, còn hòm giao-ước của Đức Giê-hô-va ở dưới những bức màn”.—1 Sử-ký 17:1.

Tuy nhiên, Đa-vít là người của chiến trận. Vì vậy Đức Giê-hô-va ra lệnh là Sa-lô-môn con trai ông, trong một triều đại hòa bình, sẽ xây đền thờ để làm nơi đặt hòm giao ước. (1 Sử-ký 22:7-10) Dù vậy điều này không làm cho Đa-vít suy giảm tinh thần đóng góp rộng rãi. Ông đã tổ chức một lực lượng hùng hậu cung cấp vật liệu cần dùng để xây cất đền thờ. Sau đó ông bảo Sa-lô-môn: “Ta đã... sắm-sửa cho đền của Đức Giê-hô-va mười vạn ta-lâng vàng, một trăm vạn ta-lâng bạc; còn đồng và sắt thì không thể cân được, vì nó nhiều quá; ta lại dự-bị gỗ và đá”. (1 Sử-ký 22:14) Chưa bằng lòng với điều này, ông còn lấy ra từ tài sản riêng số vàng bạc để đóng góp mà ngày nay trị giá hơn 1,2 tỷ Mỹ kim. Ngoài ra các hoàng tử cũng rộng rãi đóng góp nữa.(1 Sử-ký 29:3-9) Đa-vít quả đã bày tỏ một tinh thần đóng góp rộng rãi!

Điều gì đã thúc đẩy Đa-vít đóng góp rộng rãi như thế? Ông nhận thức rằng tất cả những gì ông có và đạt được đều là do Đức Giê-hô-va ban phước cho ông. Trong lời cầu nguyện, ông thừa nhận: “Hỡi Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi ôi! các vật nầy mà chúng tôi đã sắm-sửa để cất đền cho danh thánh của Chúa, đều do nơi tay Chúa mà đến, và thảy đều thuộc về Chúa. Ôi Đức Chúa Trời tôi! tôi biết rằng Chúa dò-xét lòng người ta, và Chúa vui-vẻ về sự ngay-thẳng. Về phần tôi, tôi cứ theo sự ngay-thẳng của lòng tôi mà vui lòng dâng các vật nầy; và bây giờ tôi lấy làm vui-mừng mà thấy dân-sự Chúa ở đây cũng có dâng cho Chúa cách vui lòng”. (1 Sử-ký 29:16, 17) Đa-vít quý trọng mối quan hệ của ông với Đức Giê-hô-va. Ông nhận biết việc cần phải “hết lòng vui ý” mà phụng sự Đức Chúa Trời, và ông tìm được niềm vui khi làm thế. (1 Sử-ký 28:9) Cũng những đức tính này đã thúc đẩy tín đồ Đấng Christ thời ban đầu bày tỏ tinh thần cho một cách rộng rãi.

Đức Giê-hô-va—Đấng ban cho rộng rãi nhất

Đức Giê-hô-va là gương tốt nhất về việc ban cho. Ngài yêu thương và quan tâm đến độ Ngài “khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công-bình cùng kẻ độc-ác”. (Ma-thi-ơ 5:45) Ngài ban “sự sống, hơi sống, muôn vật” cho toàn thể nhân loại. (Công-vụ 17:25) Thật vậy, như môn đồ Gia-cơ nêu ra, “mọi ân-điển tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng-láng mà xuống”.—Gia-cơ 1:17.

Món quà lớn nhất Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta là Ngài sai “Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời”. (Giăng 3:16) Không ai có thể tự nhận mình đáng được một món quà như thế, “vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời”. (Rô-ma 3:23, 24; 1 Giăng 4:9, 10) Giá chuộc của Đấng Christ làm cơ sở và phương tiện để người ta nhận được “sự ban-cho của [Đức Chúa Trời] không xiết kể”, tức là “ân-điển quá đỗi” của Ngài. (2 Cô-rinh-tô 9:14, 15) Biết ơn về món quà Đức Chúa Trời ban cho, Phao-lô đã hiến dâng đời mình để “làm chứng về Tin-lành của ơn Đức Chúa Trời”. (Công-vụ 20:24) Ông nhận biết rằng ý muốn của Đức Chúa Trời là “mọi người được cứu-rỗi và hiểu-biết lẽ thật”.—1 Ti-mô-thê 2:4.

Ngày nay, điều này đang được thực hiện qua công cuộc rao giảng và dạy dỗ vĩ đại, bành trướng tới 234 xứ trên toàn thế giới. Chúa Giê-su đã tiên tri về sự bành trướng này khi nói: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến”. (Ma-thi-ơ 24:14) Đúng vậy, “trước hết Tin-lành phải được giảng ra cho khắp muôn dân đã”. (Mác 13:10) Năm vừa qua, hơn sáu triệu người công bố tin mừng đã dành ra 1.202.381.302 giờ cho công việc này và hướng dẫn hơn 5.300.000 học hỏi Kinh Thánh. Vì có liên hệ đến mạng sống, sự giáo dục này là quan trọng nhất.—Rô-ma 10:13-15; 1 Cô-rinh-tô 1:21.

Để giúp đỡ những người đói khát lẽ thật của Kinh Thánh, hàng triệu ấn phẩm—gồm Kinh Thánh, sách, và sách mỏng—được in ra mỗi năm. Ngoài ra hơn một tỷ tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức! được ấn hành. Khi người ta hưởng ứng tin mừng thì nhiều Phòng Nước Trời và Phòng Hội Nghị được xây cất thêm dùng làm trung tâm giáo dục về Kinh Thánh. Hội nghị vòng quanh, hội nghị đặc biệt một ngày cũng như đại hội địa hạt được tổ chức hàng năm. Việc huấn luyện giáo sĩ, giám thị lưu động, trưởng lão, tôi tớ thánh chức vẫn tiếp tục được tiến hành. Chúng ta cám ơn Đức Giê-hô-va đã ban những sự cung cấp này qua “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. (Ma-thi-ơ 24:45-47) Chúng ta muốn bày tỏ lòng cám ơn Ngài biết bao!

Bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Giê-hô-va

Chi phí xây cất đền thờ và chi phí đáp ứng nhu cầu của các hội thánh đạo Đấng Christ thời ban đầu hoàn toàn được tài trợ bằng sự đóng góp tình nguyện. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng không người nào có thể làm giàu cho Đức Giê-hô-va, Đấng làm chủ muôn vật. (1 Sử-ký 29:14; A-ghê 2:8) Vậy đóng góp là bằng chứng về lòng yêu thương của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va và ước muốn phát huy sự thờ phượng thật. Phao-lô nói rằng những hành động rộng rãi như thế sinh ra sự “tạ ơn Đức Chúa Trời”. (2 Cô-rinh-tô 9:8-13) Đức Giê-hô-va khuyến khích tinh thần cho một cách rộng rãi như thế vì điều ấy cho thấy chúng ta có tinh thần đúng đắn và một tấm lòng tốt đối với Ngài. Những người có lòng rộng rãi và tin cậy Đức Giê-hô-va sẽ được Ngài ban phước và giàu có về thiêng liêng. (Phục-truyền 11:13-15; Châm-ngôn 3:9, 10; 11:25) Chúng ta sẽ được hạnh phúc như Chúa Giê-su bảo đảm: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”.—Công-vụ 20:35.

Tín đồ Đấng Christ có tinh thần rộng rãi không đợi đến lúc cần mới cho. Thay vì thế họ tìm những dịp để “làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức-tin”. (Ga-la-ti 6:10) Khuyến khích lòng rộng rãi theo ý Đức Chúa Trời, Phao-lô viết: “Chớ quên việc lành và lòng bố-thí, vì sự tế-lễ dường ấy đẹp lòng Đức Chúa Trời”. (Hê-bơ-rơ 13:16) Việc dùng những gì mình có—thời gian, sức lực, tài chánh—để giúp người khác và để phát huy sự thờ phượng thanh sạch rất đẹp lòng Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Quả vậy, Ngài yêu thích tinh thần cho một cách rộng rãi.

[Khung/​Hình nơi trang 28, 29]

Những cách mà một số người chọn để đóng góp

ĐÓNG GÓP CHO CÔNG VIỆC TRÊN KHẮP THẾ GIỚI

Nhiều người để riêng, hoặc dành ra một số tiền để bỏ vào hộp có ghi “Đóng góp cho công việc rao giảng trên khắp thế giới—Ma-thi-ơ 24:14”.

Mỗi tháng, các hội thánh gửi những món tiền này đến trụ sở Nhân Chứng Giê-hô-va phục vụ nước của họ. Những món tiền tặng tự nguyện có thể gửi thẳng đến Watch Tower Bible and Tract Society of Pennsylvania, c/o Office of the Secretary and Treasurer, 25 Columbia Heights, Brooklyn, New York 11201-2483, hay đến chi nhánh phục vụ xứ của bạn. Ngân phiếu nên đề tên “Watch Tower”. Cũng có thể tặng nữ trang hay những vật quý giá khác. Nên kèm theo một lá thư vắn tắt nói rõ đây là một tặng phẩm không cần hoàn lại.

TẶNG CÓ ĐIỀU KIỆN

Có thể tặng tiền với sự thỏa thuận đặc biệt là nếu người tặng cần đến, tiền sẽ được hoàn lại. Muốn biết thêm chi tiết, xin vui lòng viết thư cho Office of the Secretary and Treasurer tại địa chỉ trên.

KẾ HOẠCH TỪ THIỆN

Ngoài việc biếu luôn và tặng có điều kiện, có những cách tặng khác để hỗ trợ công việc Nước Trời trên khắp thế giới. Những cách này bao gồm:

Bảo hiểm: Có thể chỉ định Watch Tower Society được thừa hưởng tiền bảo hiểm nhân mạng hoặc tiền trong quỹ hưu trí.

Tài khoản ngân hàng: Tài khoản ngân hàng, giấy chứng nhận ký thác, hoặc tài khoản hưu trí cá nhân có thể được ủy thác cho Watch Tower Society, hoặc giao cho Watch Tower Society, khi người tặng qua đời, theo đúng luật lệ của ngân hàng ở địa phương.

Chứng khoán và trái phiếu: Chứng khoán và trái phiếu cũng có thể biếu hẳn cho Watch Tower Society.

Bất động sản: Bất động sản bán được có thể biếu bằng cách tặng luôn, hoặc trong trường hợp nhà ở, biếu với điều kiện người tặng có thể tiếp tục ở đấy khi còn sống. Nên liên lạc với văn phòng chi nhánh trong nước bạn ở, trước khi chuyển nhượng bất động sản nào.

Khoản trợ cấp hàng năm: Khoản trợ cấp hàng năm là sự sắp đặt mà một người chuyển nhượng tiền hoặc chứng khoán cho Watch Tower Society. Đổi lại, hàng năm người tặng, hoặc những người do người tặng chỉ định, nhận được một khoản tiền trợ cấp có quy định rõ cho đến khi qua đời. Người tặng được trừ thuế kể từ năm khoản trợ cấp được thiết lập.

Di chúc và tờ ủy thác: Tài sản hay ngân khoản có thể để lại cho Watch Tower Society bằng cách lập tờ di chúc hợp pháp, hoặc có thể chỉ định Watch Tower Society làm cơ quan thừa hưởng trong hợp đồng ủy thác. Tờ ủy thác nhằm trợ giúp một tổ chức tôn giáo có thể có lợi khi khai thuế.

Như hàm ý trong nhóm từ “kế hoạch từ thiện”, những sự đóng góp này nói chung đòi hỏi người tặng phải dự tính phần nào. Để giúp những ai muốn đóng góp cho công việc trên khắp thế giới của Nhân Chứng Giê-hô-va qua một kế hoạch từ thiện nào đó, một sách mỏng bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha đã được soạn thảo, mang tựa đề Charitable Planning to Benefit Kingdom Service Worldwide. Sách mỏng này viết ra để giải đáp nhiều thắc mắc đã nhận được liên quan đến tặng vật, di chúc, và chứng thư ủy thác. Sách này cũng có thêm những thông tin có ích liên quan đến kế hoạch về bất động sản, tài chính, thuế khóa. Sách này cung cấp thông tin về những hình thức biếu tặng khác nhau có thể thực hiện ngay hoặc chuyển nhượng tài sản sau khi qua đời. Sau khi đọc sách mỏng này và tham khảo ý kiến của những cố vấn thuế khóa hoặc pháp lý và Charitable Planning Office, nhiều người đã có thể trợ giúp Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới, đồng thời nhờ đó được lợi tối đa về thuế khóa. Nếu muốn nhận sách này, có thể trực tiếp yêu cầu Charitable Planning Office gửi cho một cuốn.

Muốn biết thêm chi tiết, bạn nên viết thư hoặc gọi điện thoại cho Charitable Planning Office, ở địa chỉ dưới đây hay địa chỉ văn phòng của Nhân Chứng Giê-hô-va tại xứ bạn.

Charitable Planning Office

Watch Tower Bible and Tract Society of Pennsylvania

100 Watchtower Drive,

Patterson, New York 12563-9204

Telephone: (845) 306-0707

[Hình nơi trang 26]

Điều gì đã thúc đẩy tín đồ Đấng Christ thời ban đầu có tinh thần rộng rãi?